Hàng Giáo phẩm là ai và có trách nhiệm gì trong Giáo hội?
Hỏi: xin cha giải thích rõ: I- Trách nhiệm và quyền hạn của Đức Thánh Cha, Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục chính tòa, Giám mục Phó và Giám mục phụ tá. II- Thế nào là những cuộc thăm viếng mục vụ của các Giám mục?
Trả lời:
I- Hàng Giáo Phẩm:
Nói đến Hàng Giáo Phẩm (Hierachy) trong Giáo Hội Công Giáo là nói đến vai trò và trách nhiệm của Đức Thánh Cha, các Hồng Y , các Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục và Phó tế trong Giáo Hội.
Có hai tiêu chuẩn để nhận rõ vai trò và trách nhiệm của Hàng Giáo Phẩm như sau:
1- Trước hết là tiêu chuẩn chức thánh (Holy Orders) -Với tiêu chuẩn này, Hàng Giáo Phẩm gồm có các Giám Mục, Linh mục và Phó Tế. Trong trật tự này, thì chức Giám Mục là chức thánh cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Ỏrthodox Churches) chức Phó Tế là chức thấp nhất. Các Hồng Y và chính Đức Thánh Cha cũng chỉ có chức Giám Mục mà thôi nhưng với quyền hạn và trách nhiệm lớn hơn mọi Giám mục khác. Giám mục, linh mục và Phó tế thuộc hàng giáo sĩ (clergy) nhưng chỉ có Giám mục và Linh mục thuộc hàng Tư Tế (sacerdos) để dâng Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) mà thôi (x.Lumen Gentium số 28). Đây là hàng Giáo Phẩm xét theo cấp độ chức thánh được lãnh nhận hợp pháp và thành sự (validly and licitly ) trong Giáo Hội.
Thành sự và hợp pháp có nghĩa là chỉ có Giám mục đã được chịu chức hợp pháp và thành sự mới có thể truyền chức hợp pháp và thành sự cho các phó tế, linh mục thuộc quyền mình và truyền chức Giám mục, linh mục hay phó cho người khác khi được yêu cầu. Nhưng muốn truyền chức Giám mục hợp pháp (licitly) cho ai thì phải có phép của Đức Thánh Cha chọn linh mục nào đó lên hàng Giám mục. Nếu không có phép hay ủy nhiệm thư của Đức Giáo Hoàng thì việc truyền chức là bất hợp pháp (illicitly) mặc dù vẫn thành sự (validly). Trong trường hợp này, thì người truyền chức và người chịu chức đều tức khắc bị vạ tuyệt thông tiền kết. (x. Giáo luật số1382)
2- Tiêu chuẩn thứ hai là quyền tài phán (Jurisdiction): với quyền tối cao này, đứng đầu Hàng Giáo Phẩm là Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô trong sứ mệnh lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ với sự cộng tác, hiệp thông và vâng phục trọn vẹn của Giám mục Đoàn (College of Bishops) trực thuộc. (x. giáo luật số 331). Thi hành quyền tài phán tối cao này, Đức Thánh Cha bổ nhiệm, thuyên chuyển hay chế tài các giám mục trong toàn Giáo Hội thuộc quyền cai quản của ngài trong nhiệm vụ coi sóc các Giáo Hội địa phương (Local Churches) tức các Giáo phận (Diceses) ở các quốc gia trên thế giới, hay đảm trách những công việc quan trọng trong Giáo Triều Rôma (Roman Curia). Như thế, các Giám mục trong toàn Giáo Hội chỉ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đức Thánh Cha mà thôi.
Trên hết, Đức Thánh Cha, vị Đại Diện duy nhất (Vicar) của Chúa Kitô trên trần thế, không những có trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ mà còn có quyền công bố với ơn bất khả ngộ những tín điều (dogmas) và những giáo huấn về luân lý (morals) buộc mọi tín hữu trong Giáo Hội phải tin và thi hành cho được rỗi linh hồn.
II- Trách nhiệm và quyền hạn của các vị trong hàng Giáo Phẩm
Giám mục là những người kế vị các Thánh Tông Đồ trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ chân lý đức tin, thánh hóa và cai quản đoàn chiên được trao phó cho mình. Giám mục phải do chính Đức Thánh Cha bổ nhiệm, thuyên chuyển và chế tài. Nghĩa là mọi Giám mục đều trực tiếp chịu trách nhiệm với Đức Thánh Cha như đã nói ở trên.
Với chức thánh cao nhất này, các giám mục được chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đời của Chúa Kitô (cf. LG số 26) trong khi linh mục chỉ được chia sẻ một phần Chức Linh Mục tối cao này. Nhưng " cũng hiệp nhất với Giám mục trong tước vị tư tế" (cf .LG, số. 28)
Về trách nhiệm và quyền hạn thì Giám mục được phân loại thành Giám mục Giáo phận hay chính tòa, Giám mục hiệu tòa, Giám mục phó và Giám mục phụ tá
Từ hàng ngũ Giám mục và Linh mục (xuất sắc) Đức Thánh Cha chọn các Hồng Y ( ardinals) để thi hành hai nhiêm vụ quan trong sau đây
1- Làm cố vấn cho Đức Thánh Cha trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ.
2- Chỉ có các Hồng Y dưới 80 tuổi mới được đi bầu Giáo Hoàng mới, sau khi Đức Thánh Cha đương kim qua đời. Các Hồng Y vào Mật Hội (Conclave) để bầu tân Giáo Hoàng thì ai cũng có khả năng được bầu vào chức vụ tối cao này. Nghĩa là các ngài vừa là cử tri (elector) vừa là ứng viên có khả năng được bầu, nhưng không ra ứng cử (potential candidates). Hồng Y là tước hiệu (Title) chứ không phải là chức thánh. Nếu Tân Giáo Hoàng được bầu mà không có chức Giám Mục thì Hồng Y Niên Trưởng phải truyền chức Giám Mục cho ngài trước khi đăng quang (cf. giáo luật số 355& 1) Nhưng cho đến nay, việc này chưa từng xẩy ra vì các Hồng Y không có chức Giám mục (tức các Linh mục được phong tước Hồng Y, một truyền thống vẫn có cho đến nay) thì thường được tấn phong Giám mục sau khi được phong tước Hồng Y. (Giáo luật số 351 & 1)
Hồng Y họp lại thành Hồng Y Đoàn (College of Cardinals) do một vị làm niên trưởng (Dean). Các Hồng Y cũng chỉ chịu trách nhiệm trước Đức Thánh Cha mà thôi. Các ngài thường được cử giữ các chức vụ quan trọng, như đứng đầu các Bộ hay cơ quan trọng yếu trong Giáo Triều Rôma , như Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ Truyền Giáo, Bộ Giám Mục, Bộ Tu Sĩ.... Các Hồng Y ở ngoài Giáo Triều, thì thường là các Tổng Giám Mục đang coi sóc các Tổng Giáo Phận lớn trên thế giới như Milan, Paris, Manilla, New York, Washington, Los Angeles, Houston, Sydney, Hà nội, Saigon... Nhưng khi đến 75 tuổi, thì các Hồng Y đang giữ các trọng trách trong hay ngoài Giáo Triều Rôma đều phải xin từ chức. (x giáo luật số 354)
a- Tổng Giám Mục (Archbishops) cũng là Giám mục được bổ nhiệm đứng đầu một Giáo Tỉnh hay Tổng Giáo Phận (Archdiocese). Ngài cũng là Giám mục chính tòa (Ordinary) của Giáo Phận mình như các Giám mục Giáo Phận khác. Việt Nam có 3 Tổng Giáo Phận là Hà Nội, Huế và Saigon. Tổng Giáo Phận hay Giáo Tỉnh (Ecclesial Province) gồm có một số giáo phận trực thuộc, gọi là các Địa phận hạt (Suffragan Dioceses). Nhưng Tổng Giáo mục không có quyền nào trên các Giám mục trong Giáo Tỉnh của mình, mà chỉ có trách nhiệm "canh chừng để đức tin và kỷ luật Giáo Hội được tuân hành chu đáo, và thông báo cho Đức Thánh Cha về những sai trái hay lạm dụng nếu có,".
Ngoài ra, Tổng Giám Mục có thể bổ nhiệm giám quản cho một giáo phận thuộc Giáo Tỉnh của mình đang trống tòa, vì giám mục chính tòa qua đời mà chưa có người lên thay. (x.giáo luật số 436 &1,2). Sau nữa, Tổng Giám Mục được phép cử hành nghi lễ đại trào (Pontifical Mass) với mũ (mitre) gậy (crosier) và dây Pallium trong các Thánh đường ở các giáo phận thuộc Giáo tỉnh của mình. Nhưng khi ra ngoài giáo tỉnh, thì Tổng Giám Mục không được cử hành lễ đại trào với mũ, gậy và đeo dây Pallium ở địa phận khác.
b- Giám mục Giáo Phận hay chính tòa (Diocesan Bishop or Ordinary) là Giám Mục được bổ nhiệm để coi sóc một Địa phận (Diocese) tức là Chủ chăn của một Giáo hội địa phương (local church) hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha là Chủ chăn và là Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ (Universal Church)
c- Giám Mục hiệu tòa (titular bishop) là giám mục không có nhiệm vụ chính thức coi sóc một Địa phận nào.
d- Giám mục Phó (Coadjutor) là Giám mục có quyền kế vị (lên thay thế) Giám mục chính tòa khi vị này từ chức về hưu hay bất ngờ qua đời.
e- Giám mục Phụ tá (Auxiliary bishop) là Giám mục được bổ nhiệm để phụ giúp Giám mục chính tòa trong việc điều hành giáo phận. Giám mục phụ tá không có quyền kế vị khi giám mục giáo phận từ chức hay qua đời. (giáo luật số 375-410)
Như thế, Giám mục, tuy chức thánh bằng nhau, những quyền hạn và trách nhiệm khác nhau từ trên xuống dưới như nói ở trên.
f- Linh mục; là công sự viên đắc lực của Giám mục trong sứ mệnh rao giảng, dạy dỗ chân lý và coi sóc giáo dân được trao phó cho mình. Linh mục tùy thuộc hoàn toàn Giám mục của mình để thi hành mọi sứ vụ linh mục và mục vụ (priestly and pastoral ministries). Nghiã là nếu không có phép (năng quyền = faculties) của Giám mục, thì không linh mục nào được thi hành trách nhiệm mục vụ của mình, dù có chức linh mục. Đó là trường hợp các linh mục bị tạm ngưng thi hành tác vụ, hay còn quen gọi là bị "treo chén" (Suspension of faculties)
g- Phó tế : được truyền chức để phụ giúp Linh mục trong các thánh vụ như công bố và chia sẻ lời Chúa (Phúc Âm) phụ giúp Bàn thánh, chứng hôn, cử hành nghi thức an táng và rửa tội cho trẻ em theo yêu cầu của cha xứ.
III-Trách nhiệm mục vụ của Giám mục giáo phận:
Do thánh chức và năng quyền (order &competence) được lãnh nhận, các giám mục giáo phận hay chính tòa có nhiệm vụ dạy dỗ, thánh hóa và cai quản một Giáo Phân (Địa Phận=Diocese) được trao phó cho mình. Trong nhiệm vụ giảng dạy chân lý, Giám mục phải giảng dạy đúng giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội- chứ không phải giáo lý của riêng mình- trong tinh thần vâng phục và hiệp thông trọn vẹn với Giám mục Rôma, tức Đức Thánh Cha là Thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.
Trong trách nhiệm giảng dạy này " các Giám mục phải cố gắng hết sức để các công cuộc rao giảng Phúc Âm và hoạt động tông đồ được các tín hữu nhiệt liệt nâng đỡ và cổ võ... luôn luôn lo lắng cho các Kitô hữu thấu hiểu và sống sâu xa hơn mầu nhiệm Phục Sinh thế nào để, nhờ bí tích Thánh Thể, họ tạo thành một Thân Thể liên kết rất chặt chẽ trong tình bác ái duy nhất của Chúa Kitô (x.Sắc Lênh về Nhiệm vụ của các Giám Mục, số 6, 14).
Trong nhiệm vụ mục vụ, Giám mục Giáo Phận phải mở những cuộc thăm viếng mục vụ, còn gọi là kinh lược (Pastoral visitations) để viếng thăm các giáo xứ trong toàn Địa Phận của mình để thăm và cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích thêm sức, cho giáo dân được trao phó cho mình coi sóc. Nếu vì lý do gì không thể đích thân đi kinh lược được, thì giám mục chính tòa có thể ủy thác cho giám mục phó hay giám mục phụ tá làm việc này (nếu có các vị này trong giáo phận) (giáo luật số 396). Như thế có nghĩa là chỉ trong giáo phận của mình, giám mục chính tòa mới có trách nhiệm thăm viếng mục vụ mà thôi. Ngoài phạm vi giáo phận, Giám mục không có trách nhiệm mục vụ nào đối với đoàn chiên không thuộc quyền coi sóc của mình.
Nói rõ hơn, trong Giáo Hội, cụm từ “thăm viếng mục vụ” chỉ được dùng đúng nghĩa, để chỉ những công vịệc thăm viếng giáo dân mà một giám mục phải làm vì bổn phận và theo giáo luật (x giáo luật số 396 & 1) Ngay cả việc cử hành các nghi lễ giáo chủ hay đại trào (Pontifical Mass) với đầy đủ phẩm phục giáo chủ gồm mũ (mitre) và gậy (crozier), giám mục cũng chỉ được phép cử hành trong phạm vi giáo phận của mình mà thôi. Khi ra khỏi giáo phận, nếu muốn cử hành nghi lễ này ở nơi thuộc giáo phận khác, thì giám mục khách cũng cần có sự đồng ý trước, tức là phải xin phép giám mục bản quyền địa phương (local ordinary - giáo luật số 390). Trừ Tổng Giám mục (Archbishop), thì được phép cử hành nghi lễ đại trào và đeo dây "Pallium" trong bất cứ thánh đường nào thuộc phạm vi Tổng Giáo Phận, hay Giáo Tỉnh thuộc quyền như đã nói ở trên.( giáo luật số 437 &2)). Hồng Y thì được quyền cử hành nghi lễ đại trào ở bất cứ nơi nào trong toàn Giáo Hội.
Như vậy, không thể gọi bất cứ cuộc viếng thăm nào của một giám mục ở ngoài phạm vi địa phận của mình là thăm viếng mục vụ được, vì không có giám mục nào có trách nhiệm này theo giáo luật.
Chỉ riêng một mình Đức Thánh Cha, với tư cách là Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, thì đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới có giáo dân công giáo, ngài cũng đến vì mục đích thăm viếng mục vụ dành cho đoàn chiên thuộc quyền chăn dắt tối cao của mình. Trái lại, các giám mục, dù đến thăm một công đoàn, hay giáo xứ có giáo dân từng thuộc đoàn chiên cũ của mình ở địa phận nhà, thì cuộc viếng thăm này cũng chỉ có tinh chất cá nhân thân hữu (private visitation) mà thôi, chứ không có mục đích mục vụ nào cả, vì các giáo dân đó nay đang thuộc quyền mục vụ của giám mục địa phương rồi.
Cụ thể, các giáo dân thuộc nhiều địa phận cũ ở Việt Nam nay đang sinh sống ở Hoa Kỳ thì đều thuộc quyền mục vụ của Giám mục địa phương nơi họ đang sống đạo chung với giáo dân địa phương , nên chỉ phải vâng phục Đấng bản quyền địa phương đó mà thôi. Do đó, phải tuân theo mọi qui luật về phụng vụ ở địa phận mình trực thuộc. Nghĩa là không thể nói tôi là tín hữu Việt Nam nên chỉ theo luật phụng vụ bên Việt Nam về các ngày lễ buộc, hay Tết dân tộc. Nếu muốn cử hành lễ riêng trong dịp Tết Việt Nam, thì phải xin phép giáo quyền địa phương, chứ không được tự tiện áp dụng luật phụng vụ bên Việt Nam về các ngày Tết dân tộc ở bất cứ quốc gia nào bên ngoài Việt Nam được.
Vậy xin lưu ý kỹ những điều trên đây, để không lẫn lộn khi dùng những cụm từ chỉ tước vị hay nhiêm vụ thực sự của các giám mục trong Giáo Hội. Nghĩa là không nên gọi giám mục phụ tá là giám mục phó hay ngược lại, cũng như không thể dùng cụm từ “thăm viếng mục vụ” cho bất cứ cuộc viếng thăm nào của các giám mục từ địa phận này đến địa phương khác.
Ngay cả đối với các linh mục, thì nhiệm vụ mục vụ và sứ vụ linh mục (pastoral duties and priestly ministries) cũng chỉ được thi hành hợp pháp trong phạm vi giáo phận của mình, nơi linh mục đã lãnh nhận năng quyền (faculty) từ giám mục của mình mà thôi. Khi ra khỏi địa phận, nếu muốn thi hành sứ vụ linh mục ở đâu trong một thời gian lâu dài sau một tháng, thì linh mục phải xin năng quyền ấy nơi giáo quyền địa phương. (Có nhiều nơi đòi phải xin sau một hay hai tuần lễ tạm trú, hoặc xuất trình chứng minh thư là linh mục đang có năng quyền ở địa phận khác, muốn xin đồng tế trong một nhà thờ ngoài địa phận mình). Nghĩa là không linh mục nào được đến cử hành thánh lễ, và ban các bí tích ở địa phương khác mà không có phép của Đấng bản quyền sở tại. Nhưng trong trường hợp nguy tử, thì mọi linh mục đều được phép rửa tội, xức dầu và giải tội ở bất cứ nơi nào có nhu cầu này trong lúc mình đang có mặt ở đó (giáo luật số 976)
Đó là những điều giáo dân cần biết để hiểu về vai trò và nhiệm vụ của Hàng Giáo Phẩm trong Giáo Hội Công Giáo.
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn