Thánh nữ Faustina Kowalska, tông đồ Lòng Thương Xót Chúa
Ngày mùng 8 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để mở Cửa Thánh khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Nói đến Lòng Thương Xót Chúa chúng ta không thể không nhắc đến thánh nữ Maria Faustina Kowalska, tông đồ Lòng Thương Xót Chúa, được các thần học gia coi như một trong các nhà thần bí lớn nhất của Giáo Hội.
Faustina Kowalska sinh ngày 25 tháng 8 năm 1905 tại Glogowiec bên Ba Lan, là thứ ba trong một gia đình nông dân nghèo nhưng đạo đức có 10 người con. Trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie Faustina được đặt tên thánh là Elena. Ngay từ ngày còn bé Elena đã tỏ ra là một cô gái đạo đức, yêu thích cầu nguyện, siêng năng làm việc, có tinh thần vâng lời và rất nhậy cảm đối với các khổ đau của người khác. Elena đi học hầu như trong vòng ba năm. Năm lên 10 tuổi Elena phải bỏ nhà đi giúp việc cho một gia đình ở Aleksandrów và ở Lodz để tự mưu sinh và giúp đỡ cha mẹ.
Ngay từ khi lên 7, tức hai năm trước khi được rước lễ lần đầu, cô bé đã mạnh mẽ cảm thấy tiếng Chúa gọi. Nhưng sau này khi khi Elena ngỏ ý muốn sống đời tu trì, cha mẹ cô không cho phép. Vì thế Elena tìm cách bóp nghẹt tiếng Chúa gọi nơi mình, nhưng chị bị thúc đẩy bởi thị kiến Chúa Kitô khổ đau và các lời Chúa trách móc chị: “Cha còn phải chịu đựng con cho tới bao giờ? Cho tới khi nào con còn đánh lừa Cha?” (Nhật ký, tr.44).
Chị bắt đầu tìm một dòng tu và gõ cửa nhiều dòng, nhưng không có dòng nào nhận chị. Ngày mùng 1 tháng 8 năm 1925 chị vào dòng các Nữ tu của Trinh Nữ Maria diễm phúc của Lòng Thương Xót trong thủ đô Varsava. Chị viết trong nhật ký: “Tôi cảm thấy mình hạnh phúc vô biên; xem ra tôi đã bước vào đời sống trên thiên đàng. Từ trái tim tôi chỉ trào lên lời cầu duy nhất của lòng biết ơn” (Nhật ký tr. 48).
Tuy nhiên, sau vài tuần chị bị cám dỗ đổi sang một dòng khác, trong đó có nhiều giờ hơn cho việc cầu nguyện. Khi đó Chúa Giêsu cho chị nhìn thấy gương mặt thương tích khổ đau của Ngài và nói với chị: “Con sẽ làm cho Cha đau đớn như thế, nếu con ra khỏi dòng này. Chính ở đây mà Cha đã gọi con chứ không phải ở nơi khác, và Cha đã chuẩn bị cho con nhiều ân sủng” (Nhật ký, tr. 50).
Trong dòng chị Elena nhận tên là nữ tu Maria Faustina. Sau khi hết thời gian nhà tập tại Cracovia, chị đã tuyên khấn lần đầu tiên trong tay Đức Cha Rospond, Giám Mục Cracovia, và vĩnh thệ năm năm sau đó: thề sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Tiếp đến chị Faustina làm việc trong nhiều nhà của dòng ở Cracovia, Plock và Vilnius, với các nhiệm vụ nấu bếp, làm vườn và canh cổng.
Không có gì bề ngoài cho thấy cuộc sống thần bí phong phú ngoại thường của chị. Faustina chu toàn các nhiệm vụ của mình với lòng nhiệt thành và tuân giữ mọi luật lệ của đời tu trì, sống trong mặc niệm và thinh lặng, nhưng đồng thời chị cũng rất tự nhiên, thanh thản, đầy tràn chân tình và bác ái vô vị lợi đối với tất cả mọi người.
Toàn cuộc sống của chị được tập trung nơí sự kết hiệp ngày càng tràn đầy hơn với Thiên Chúa và cộng tác với Chúa Giêsu trong công trình cứu rỗi các linh hồn. Chị đã thú nhận trong Nhật Ký như sau: “Lạy Chúa Giêsu của con. Chúa biết ngay từ những năm đầu tiên con đã ước ao trở nên một vị thánh lớn, nghĩa là con đã ước mong yêu Chúa với một tình yêu lớn đến độ cho tới nay chưa có linh hồn nào có đối với Chúa” (Nhật ký, tr. 725).
Cuốn Nhật ký vén mở cho thấy tất cả sự sâu thẳm trong đời sống thiêng liêng của chị. Việc chăm chú đọc các bút tích này cho chúng ta hình ảnh độ cao sự kết hiệp của linh hồn chị với Thiên Chúa: Thiên Chúa ban cho chị các ân sủng lớn lao và chị cố gắng và liên tục chiến đấu trên con đường hoàn thiện kitô. Chúa rộng ban cho chị các ơn thánh lớn lao: ơn chiêm niệm, ơn hiểu biết sâu xa mầu nhiệm lòng thương xót Chúa, các thị kiến, các cuộc hiện ra, các dấu thánh kín ẩn, ơn nói tiên tri và đọc hiểu các linh hồn, cũng như ơn của các hôn nhân thần bí.
Ý thức rằng mình đã nhận được nhiều ơn như thế chị viết: “Không phải các ân sủng, cũng không phải các mạc khải, cũng không phải các cuộc xuất thần, cũng không phải ơn nào khác được ban cho linh hồn khiến cho nó hoàn thiện, nhưng là sự kết hợp thân tình của linh hồn với Thiên Chúa… Sự thánh thiện và hoàn thiện của tôi là ở trong sự kết hiệp chặt chẽ ý chí của tôi với ý muốn của Thiên Chúa” (Nhật ký, tr. 613).
Kiểu sống khắc khổ và các việc chay tịnh kéo dài mà chị áp đặt cho mình ngay cả trước khi vào dòng, đã khiến cho cơ thể chị suy nhược tới độ ngay hồi còn là tập sinh, chị đã được gửi tới Skolimów, là nơi gần Varsava, để cải tiến các điều kiện sức khoẻ. Sau năm tập đầu tiên chị đã gặp các kinh nghiệm khổ đau thần bí của đêm đen đức tin và cả các khổ đau tinh thần và luân lý gắn liền với việc thực hiện sứ mệnh chị đã nhận được từ Chúa Kitô.
Thánh nữ Faustina đã dâng hiến cuộc sống cho những người tội lỗi, và vì thế chị cũng chịu nhiều đau khổ cho ơn cứu rỗi của các linh hồn. Ngoài ra, trong những năm cuối đời các khổ đau nội tâm và các khó chịu thể lý cũng gia tăng: bệnh lao biểu lộ xâm lấn hai lá phổi và đường tiêu hóa. Vì thế chị được đưa vào điều trị vài tháng trong nhà thương Pradnik gần Cracovia.
Hoàn toàn bị hủy hoại trên thể lý, nhưng chín mùi tràn đầy trong tinh thần, được kết hiệp một cách thần bí với Thiên Chúa, chị đã qua đời trong hương thơm thánh thiện ngày mùng 5 tháng 10 năm 1938, khi mới 33 tuổi, trong đó có 13 năm sống đời tu trì. Chị được an táng trong phần mộ của dòng ở nghĩa trang Cracovia, nhưng trong tiến trình điều tra phong chân phước hài cốt của chị được đưa về chôn cất trong nhà nguyện của dòng. Trước khi được phong chân phước ngày 18 tháng 4 năm 1993, hài cốt của chị được đặt trong một bàn thờ cạnh của Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót ở Cracovia-Lagiewniki, dưới bức ảnh Chúa Giêsu Từ Bi.
Chúa Giêsu đã tín thác cho chị nữ tu đơn sơ, không học thức nhưng mạnh mẽ và vô cùng tin tưởng nơi Thiên Chúa này, một sứ mệnh lớn lao: đó là Lòng Chúa Thương Xót đối với toàn thế giới. Ngài nói với chị: “Hôm nay Cha gửi con tới với toàn nhân loại với Lòng Thương Xót của Cha. Cha không muốn đánh phạt nhân loại khổ đau, nhưng mong muốn nó được chữa lành và ôm chặt nó vào Trái Tim từ bi của Cha” (Nhật ký tr. 827). “Con là thư ký Lòng Thương Xót của Cha: cha đã chọn con cho nhiệm vụ này trong đời sống này và trong cuộc đời mai sau” (Nhật ký, tr. 838), để “làm cho các linh hồn biết Lòng Thương Xót lớn lao mà Cha có đối với chúng và khích lệ chúng tin tưởng nơi vực thẳm Lòng Thương Xót của Cha” (Nhật ký, tr. 818).
Sứ mệnh của thánh Faustina như thế là nhắc nhớ cho mọi tín hữu một sự thật đức tin đã luôn luôn được biết tới, nhưng có lẽ đã bị lãng quên, liên quan tới tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với con người và nơi việc thông truyền các hình thức mới của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, mà việc thực hành phải dẫn đưa tín hữu tới chỗ canh tân cuộc sống đức tin.
Con người thường có con tim cứng cỏi chai lì và hầu như vô cảm trước lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây không phải chỉ là diều xảy ra đối với dân Do thái thời Cựu Ước, nhưng cũng là điều có thể xảy ra đối với trái tim của con người thời nay nữa. Vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên qua Ngôn sứ Edêkiel Thiên Chúa đã nói với dân Israel rằng: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.” (Ed 36,26-27). Chúng ta tất cả cần có được con tim mới tràn đầy Thần Khí ấy để có thể cảm nghiệm được Lòng Chúa Thương Xót.
Việc tôn sùng lòng Thương Xót Chúa hệ tại chỗ tin tưởng nơi lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa và nơi các công việc thương xót đối với tha nhân. Đó là điều chúng ta cần cố gắng sống và thực hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót đã bắt đầu.
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 25.12.2015)