Vai Trò Của Các Tôn Giáo Khác Trong Chương Trình Cứu Độ

Sức mạnh chiếu sáng và cứu độ không hề bị giới hạn bởi tính đặc thù của biến cố lịch sử, trái lại luôn vượt trên tất cả những giới hạn về không gian và thời gian. Quyền lực siêu việt của Ngài cho phép chúng ta nghĩ đến tính đa diện trong cách thế can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại và chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác.

Vai Trò Của Các Tôn Giáo Khác Trong Chương Trình Cứu Độ

LTS: Sáng ngày 25-09-2014, tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn diễn ra cuộc hội thảo "50 năm áp dụng Huấn thị Plane Compertum est về tôn kính ông bà tổ tiên". Trong vai trò thuyết trình viên, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (OP) đã trình bài tham luận "Vai Trò Của Các Tôn Giáo Khác Trong Chương Trình Cứu Độ [1]". Xin được giới thiệu bài tham luận của Đức Cha Phaolô:

Kitô Giáo tự bản chất là một tôn giáo phổ quát có sứ vụ đem Tin Mừng cứu độ đến cho mọi người, thuộc mọi nền văn hóa, ngôn ngữ và chế độ chính trị. Đức Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên và Ngài còn nhiều chiên khác không thuộc đàn này. Cả những con chiên ấy, Ngài sẽ đưa chúng về để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử (cf Ga 10, 11-16). Suốt dọc 20 thế kỷ, mối bận tâm chính của Giáo Hội cũng như của các nhà truyền giáo vẫn là vấn đề cứu độ cho những người ở ngoài Kitô giáo.

Theo Kinh Thánh, “Đức Kitô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tm 2,5), “không ai đến được với Cha mà không qua Ngài” (Ga 14,6), “ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không một danh nào khác được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Thánh Kinh cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của đức tin và phép thanh tẩy để được cứu độ. Chính Đức Kitô đã tuyên bố với Nicôđêmô: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).

Nếu như vậy số phận những người ngoài Kitô Giáo sẽ ra sao? Bao nhiêu người ăn ngay ở lành nhưng vì một lý do nào đó vẫn chưa nghe biết Tin Mừng hay chưa gia nhập Đạo Chúa sẽ như thế nào? Và các tôn giáo khác có vai trò nào trong chương trình cứu độ?

Trong lịch sử có nhiều mô hình thần học và quan điểm khác nhau về vấn đề cứu độ. Xin phép giản lược hóa vấn đề để tạm xếp thành ba mô hình chính: Dĩ Giáo Hội vi trung; dĩ Đức Kitô vi trung và dĩ Thiên Chúa vi trung. Dĩ nhiên, trong mỗi mô hình luôn có những sắc thái hay cách giải thích rộng hẹp khác nhau. Dưới đây là đôi nét chấm phá về vấn đề phức tạp này.

I. MÔ HÌNH "DĨ GIÁO HỘI VI TRUNG" (lấy Giáo Hội làm trung tâm điểm)

1. Đây là mô hình thần học có tính khép kín và loại trừ về nhiệm cục cứu độ

Theo quan niệm thần học này, chỉ có một mạc khải, một vị Cứu Tinh duy nhất và một tôn giáo đích thực. Ơn cứu độ vì vậy chỉ gặp thấy trong Đức Kitô và ngang qua Giáo Hội của Ngài. Giả sử chúng ta gặp thấy một phần Mạc Khải trong các tôn giáo khác đi chăng nữa, nói cho cùng mạc khải này không bao giờ đưa đến ơn cứu độ. Suốt dọc nhiều thế kỷ, kết luận trên trở thành quá hiển nhiên và tất yếu dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh và thánh truyền. Lập trường cố cựu này được đúc kết qua một công thức đã trở thành cổ điển: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” (Extra Ecclesiam nulla salus).

Quan điểm chung vẫn nhận thánh Cyprianô (tử đạo năm 258) là tác giả của châm ngôn này. Ngỏ lời với các “Kitô hữu” lạc giáo và ly giáo ở thời đại của ngài, khi mà các Kitô hữu chỉ chiếm thiểu số và đang bị bách hại, thánh nhân xác quyết ngoài Giáo Hội đích thực ở thời đại đó, tức là Giáo Hội của Thánh Nhân, không có ơn cứu độ cho những người ly giáo và lạc giáo, bởi vì “không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội”[2]. Theo Thánh Nhân, ngay cả bí tích thánh tẩy hay ơn tử đạo thực hiện bên ngoài Giáo Hội cũng chẳng có giá trị cứu độ nào cả: “tội lỗi của những người này sẽ chẳng được xóa nhòa ngay cả bởi máu; tội nặng nề và không thể tha thứ của ly giáo không hề được rửa sạch, ngay cả do tử vì đạo”[3]. Nói tóm lại, các Kitô hữu ly giáo và lạc giáo sẽ không được cứu độ vì họ trách nhiệm về hành động rời bỏ, phân ly hay khai trừ khỏi Giáo Hội.

Nhưng số phận những người ngoài Kitô Giáo thì sao? Họ có trách nhiệm về sự kiện “ở ngoài Giáo Hội” và do đó không được cứu độ chăng? Hiện nay, chúng ta chưa thể đưa ra một câu trả lời dứt khoát. Bởi vì, “chúng ta biết Thánh Nhân kết án các Kitô hữu ly giáo và lạc giáo, vì cho rằng họ có trách nhiệm về hành động chia lìa Giáo Hội của họ. Hỏi rằng ngài có kết án như thế tất cả những người ngoại giáo, nghĩa là qui trách cho họ việc không đón nhận Tin Mừng và không gia nhập Giáo Hội hay không? Chúng ta không biết gì cả”[4].

Tuy nhiên, kể từ ngày Kitô Giáo được Hoàng Đế Constantinô chấp nhận làm quốc giáo, nhiều thần học gia đã áp dụng công thức “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” cho cả người Do Thái, lẫn người ngoại giáo. Người ta giả thiết là Tin Mừng đã được loan truyền khắp nơi, cho nên tất cả những ai không muốn trở thành Kitô hữu đương nhiên có trách nhiệm cá nhân về hành động chối từ của mình. Thánh Ambrosiô, chẳng hạn, đã viết: “Nếu người nào không tin vào Đức Kitô, sẽ bị đánh mất nguồn ơn phúc phổ quát này, tương tự như người đã từ chối ánh sáng mặt trời khi đóng chặt các cửa sổ lại (…). Bởi vì lòng xót thương của Chúa đã chuyển thông cho tất cả các nước ngang qua Giáo Hội; đức tin được trải rộng cho tất cả các dân tộc”[5].

Trong cuộc tranh luận gay gắt với lạc thuyết donatio[6], Thánh Augustinô quả quyết bí tích do các thừa tác viên ly giáo và lạc giáo thi hành, trên nguyên tắc, thành sự, nhưng chẳng mang một giá trị cứu độ nào cả. Theo ngài, tất cả những ai ly khai với Giáo Hội, mặc dù có lãnh nhận phép thánh tẩy và các bí tích, vẫn không được cứu độ. Viết về một giám mục ly giáo, Thánh Nhân tuyên bố: “Ngoài Giáo Hội, ông ta có thể có tất cả, ngoại trừ ơn cứu độ. Ông ta có thể có các chức tước, lãnh nhận các bí tích, hát lời ca tụng, ông ta có thể có Tin Mừng, rao giảng niềm tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: nhưng ông không thể tìm gặp được ơn cứu độ ở bất cứ nơi nào khác, ngoài Giáo Hội Công Giáo”[7].

Đối riêng với người Do Thái và dân ngoại ở thời đại của ngài, thánh giám mục thâm tín rằng “sau khi Tin Mừng đã được loan báo trên khắp thế giới và Giáo Hội đã được thành lập, người Do Thái và dân ngoại chịu trách nhiệm về hành động từ chối gia nhập Giáo Hội. Dĩ nhiên Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người, nhưng ngài không thi hành chương trình cứu độ đó bất chấp tự do của con người. Có thể nói những người không tin đã chống lại ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa khi họ từ chối đón nhận Tin Mừng.

Thánh Augustinô thừa biết Tin Mừng vẫn chưa được rao giảng cho một số bộ lạc ở Phi Châu. Tuy nhiên ngài vẫn nghĩ rằng tất các bộ lạc đó cũng bị loại trừ khỏi con đường cứu độ vì hai lý do sau. Thứ nhất, nếu như Thiên Chúa từ chối một số người cơ hội để trở thành Kitô hữu, chắc chắn là vì họ không xứng đáng. Ngoài ra, tính phổ quát của tội nguyên tổ và những hiệu quả xấu của nó đã là một lý do đầy đủ để Thiên Chúa luận phạt tất cả những trẻ em chết không được rửa tội, cũng như những người lớn chưa có đức tin Kitô Giáo. Thánh Augustinô tiến dần đến chỗ nhìn dòng dõi của Adam như một “massa damnata” (đám người bị luận phạt), mà chỉ còn biết trông chờ lượng từ bi của Thiên Chúa do việc lãnh nhận đức tin và phép thanh tẩy Kitô Giáo.

Prosper d’Aquitaine, một trong những môn sinh xuất sắc của Thánh Augustinô, cố gắng đem ra một giải thích cởi mở hơn. Ông quả quyết Thiên Chúa muốn thực hiện chương trình cứu độ phổ quát theo một cách thế độc đáo, trong đó vừa đảm bảo tính hữu hiệu của tiền định, vừa bộc lộ vai trò tuyệt đối của ân sủng. Chính Thiên Chúa đã trao tặng “ân sủng phổ quát” như một món quà chung cho tất cả nhân loại, nhưng đồng thời Ngài lại ban thêm “ân sủng đặc biệt” cho những người đã được tuyển chọn, hoàn toàn do lòng nhân hậu và sự tự do của Ngài.

Trong tác phẩm nổi tiếng mang tựa đề “Ơn gọi của tất cả các dân tộc”, Prosper chủ trương Đức Kitô đã chết không những cho các Kitô hữu, mà còn cho tất cả nhân loại, cho cả những người không có tín ngưỡng và những người tội lỗi. Đối với những người không được hân hạnh nhận biết Tin Mừng, dĩ nhiên không được lãnh nhận “ân sủng đặc biệt” mà Thiên Chúa tự do ban cho những người đã được tuyển chọn. Tuy nhiên họ cũng đã lãnh nhận “ân sủng phổ quát” mà Thiên Chúa ban cho mọi người, ngay cả trước biến cố của Đức Kitô, và họ được cứu độ do chính ân sủng này[8].

Ngược lại, trong tác phẩm “Về Chân Lý Của Việc Tiền Định” của Giám Mục Fulgence de Ruspe, một môn sinh xuất sắc khác của Thánh Augustinô, châm ngôn “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” được áp dụng một cách triệt để và cứng ngắc nhất. Tác giả viết: “Nếu đích thực ý muốn tổng quát của Thiên Chúa là mọi người được cứu độ và nhận biết Chân Lý, làm sao giải thích sự kiện chính Chân Lý đã che dấu một cách mầu nhiệm sự hiểu biết này đối với một số người? Chẳng nghi ngờ chút nào, đối với những người mà Ngài đã chối từ sự hiểu biết này, Ngài cũng chối từ ơn cứu độ (…). Xem như vậy, Ngài đã muốn cứu độ những kẻ mà Ngài đã cho nhận biết mầu nhiệm cứu độ và đã không muốn cứu độ những ai mà ngài đã từ chối việc nhận biết mầu nhiệm này. Nếu như Ngài đã muốn cứu độ cả hai, thì chắc hẳn Ngài đã ban cho cả hai được nhận thức về Chân Lý”[9].

Kể từ đây, quan điểm cực đoan và nặng tính khai trừ về vấn đề cứu độ trở thành phổ quát và được chuyển giao cho thời Trung Cổ như một quan điểm chung của Giáo Hội. Thế rồi, với dòng thời gian, định đề “Extra ecclesiam nulla salus” của Thánh Cyprianô đã bị tách khỏi bối cảnh lịch sử đặc biệt từng khai sinh ra nó để trở thành một định đề tổng quát.

Vai trò của Giáo Hội hữu hình được đặt nổi trong nhiệm cục cứu độ: việc hiệp thông với Hàng Giáo Phẩm được quan niệm như một điều kiện thiết yếu để lãnh nhận Thánh Linh và cuộc sống vĩnh cửu[10]: Đức Giêsu Kitô là mạc khải chung kết của Thiên Chúa; Ngài trao lại cho Giáo Hội sứ mệnh đặc biệt; do đó tách rời khỏi Giáo Hội có nghĩa là tách rời khỏi Đức Kitô và, tất nhiên, không được cứu độ.

Chín thế kỷ sau, Công Đồng Firenze (1442) hầu như lặp lại quan điểm này và trình bày giáo lý truyền thống như sau: “(Giáo Hội Công Giáo Roma) xác tín, tuyên xưng và rao giảng rằng chẳng một ai trong những người ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo; không phải chỉ là những người ngoại giáo, mà cả những người Do Thái hay lạc giáo và ly giáo nữa; được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, mà trái lại sẽ đi vào lửa đời đời đã được dành sẵn cho ác quỷ và các sứ thần của nó, nếu như ít nhất trong giây phút cuối đời không gia nhập vào Giáo Hội”[11].

Mãi đến năm 1949, Bộ Thánh Vụ (tên cũ của Bộ Giáo Lý Đức Tin) đã chính thức khai mở một lối giải thích khác cởi mở hơn. Trong lá thư đề ngày 8.8.1949 gửi Tổng Giám Mục Boston, Thánh Bộ đã phi bác quan điểm bảo thủ của Linh Mục Leonard Feeney, S.J., khi ông dựa vào châm ngôn tín lý truyền thống để tố cáo Tổng Giám Mục Boston là rối đạo, vì vị chủ chăn này cho rằng những người ngoài Công Giáo có thể được rỗi. Thánh Bộ phân biệt giữa sự cần thiết phương tiện (necessitas praecepti) và cần thiết nội tại (necessitas intrinseca) để được cứu độ. Những điều kiện cần thiết nội tại để được cứu độ là đức tin và đức ái (dựa theo thư gửi Do Thái 11,6). Đây là điều kiện không thể thiếu vắng và miễn trừ cho bất cứ ai. Còn việc gia nhập Giáo Hội hữu hình nói cho cùng chỉ là cần thiết tương đối, và không có hiệu lực trong những hoàn cảnh bất khả kháng. Trong trường hợp đặc biệt này, chỉ cần có ước nguyện ám tàng và trong ước nguyện này đã hàm chứa ý định chân thành sẵn sàng tuân theo ý Chúa.

Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu nêu rõ tính ưu tiên của Nước Thiên Chúa so với Giáo Hội. Thật vậy, “Nước Thiên Chúa… hiện diện và hoạt động ở khắp mọi nơi. Ở đâu con người biết mở rộng lòng để đón nhận mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa tác động trên họ và biết vượt ra khỏi bản thân cá nhân mình để yêu mến và phục vụ anh chị em đồng loại, thì ở đó Nước Thiên Chúa đang thực sự hoạt động. Như BIRA đã nhận định: “Nơi nào có người đón nhận Thiên Chúa, có người sống thật những giá trị của Phúc Âm, nơi nào biết tôn trọng phẩm giá con người, thì nơi đó Nước Thiên Chúa có mặt” (II,1, FABC II,423). Trong viễn tượng đó, con người trả lời tương xứng nghĩa cử của Thiên Chúa ban tặng ân sủng qua Đức Kitô trong Thần Khí, và bước vào Nước Thiên Chúa qua hành vi đón nhận của lòng tin (…).

Điều đó cho thấy rằng Nước Thiên Chúa là một thực thể phổ quát, trải rộng ra ngoài biên giới của Hội Thánh. Nước ấy chính là thực tại của ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô – thực tại mà Kitô hữu và những tín hữu khác đều cùng tham dự- và là “mầu nhiệm hiệp nhất” cơ bản có một sức nối kết bền sâu kiên vững hơn là lực phân rẽ mà những khác biệt về tín ngưỡng có thể khơi dậy để chia cắt và phân ly chúng ta”[12].

2. Luận điểm của Giáo hội Tin Lành

Những luận điểm căn bản của Giáo Hội Tin Lành, với công thức cổ điển “chỉ duy lòng tin” và “chỉ nhờ một mình Đức Kitô”[13] cũng thuộc khuynh hướng này. Chủ trương “Tôn giáo là vô tín” của Karl Barth, chẳng hạn, đã được một số người giải thích và sử dụng làm cơ sở lý luận cho “mô hình thần học khai trừ”. Theo thần học gia tên tuổi này tôn giáo, tất cả mọi tôn giáo, nói cho cùng chỉ là tham vọng của con người muốn chiếm đoạt Mạc Khải và ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tự sức mình con người không thể đạt tới đích điểm cứu độ và cũng chẳng tôn giáo nào có khả năng cứu độ. Do đó, tất cả mọi tôn giáo, kể cả Kitô Giáo, đều không có khả năng cứu độ tự tại, nếu như đã không được Đức Kitô mạc khải[14].

Vào giai đoạn cuối đời Karl Barth có cái nhìn cởi mở hơn. Ông công nhận sự hiện hữu của “những ánh sáng” ở bên ngoài chân trời Kitô Giáo. Tuy nhiên, nếu “những ánh sáng” này có thể đóng góp gì cho công trình cứu độ thì cũng chỉ trong và nhờ ánh sáng của Đức Kitô mà thôi. Karl Barth đã thích thú nghiên cứu chủ trương “giải thoát chỉ nhờ lòng tin” của phái Tịnh Độ tTông, nhưng liền sau đó ông đã loại trừ giá trị cứu độ nơi tông phái Phật Giáo này, với lý do giản dị là Kinh Thánh đã xác quyết ơn cứu độ chỉ do lòng tin nơi Đức Kitô Giêsu mà thôi.

Tiếp nối tư tưởng của Karl Barth và đồng thời để trả lời cho những thách đố do hiện tượng đa phức tôn giáo đặt ra, nhiều thần học gia Tin Lành hiện đại chủ trương mô hình “khai trừ nới rộng”. Họ công nhận một vài giá trị mạc khải nơi các tôn giáo khác, bởi vì một vài bản văn Kinh Thánh cũng nói đến mạc khải phổ quát hay mạc khải nguyên thủy hàm chứa trong công cuộc tạo dựng. Nhưng nếu phân tích đến kỳ cùng lý, các mạc khải nói trên chẳng bao giờ có thể dẫn đưa con người đến nguồn ơn cứu độ. Hơn nữa, trong tất cả các tôn giáo luôn hiện diện quá nhiều điểm hàm hồ và dị nghĩa. Chúng có nguy cơ tự khép kín, nhất là có tham vọng kéo ghì, chi phối và dụng cụ hóa Thiên Chúa, khi đề cao giá trị “việc lành” hay khả năng của con người mà coi nhẹ “ơn huệ nhưng không” của Thiên Chúa trong tiến trình cứu độ.

Dưới ảnh hưởng của K. Barth, “Tuyên ngôn thần học tại Barmen” (1934) của Giáo Hội Tin Lành chính thức công nhận quan điểm “thần học khai trừ” này. Kể từ Hội Nghị của Tổng Hội Tin Lành Thế Giới tại Tân Đê-li (1961) và Uppsala (1968), các hệ phái Tin Lành cổ điển tương đối có cái nhìn cởi mở hơn về giá trị của các tôn giáo ngoài Kitô Giáo trong chương trình cứu độ phổ quát. Tuy nhiên, các hệ phái Tin Lành Toàn Thống (Fundamentalists) vẫn tiếp tục bảo vệ chủ trương khai trừ. Họ cho rằng tín thư Kitô Giáo đã chứa đựng trọn vẹn trong Kinh Thánh và họ triệt để giải thích theo nghĩa đen những đoạn văn Kinh Thánh liên quan đến vấn đề cứu độ.

Nếu được phép giản lược, chúng ta có thể tóm tắt luận điểm căn bản của họ vào mấy điểm sau đây: chỉ có một tôn giáo đích thực, một Đấng Trung Gian duy nhất và một con đường cứu độ. Loài người đã phạm tội, nên xa lìa Thiên Chúa và bị luận phạt, nhờ Đức Kitô tội lỗi được đền bù. Do đó, để được cứu độ con người phải tin theo Đức Kitô, vì Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Các tôn giáo khác, dù tốt lành và gương mẫu đến đâu đi chăng nữa, cũng chẳng mang một giá trị cứu độ nào cả.

Luận điểm này được công bố trong “Bản Tuyên Ngôn Frankfurt” nhân dịp Hội Nghị Thần Học của Tin Lành Toàn Thống (Evangelicals) ngày 4.3.1970. Thỏa ước tại Lausanne được Hội Nghị Quốc Tế Tin Lành chấp nhận vào năm 1974 và Tuyên Ngôn Manila vào năm 1989 của cùng một tổ chức đã khẳng định: “Chẳng điều gì cho phép nói rằng có thể đạt được sự cứu độ ngoài Đức Kitô hay ngoài việc chấp nhận hiển nhiên công phúc của Ngài do lòng tin”.

Một số nhóm quá khích của các hệ phái Tin Lành còn đi đến chủ trương “độc quyền cứu độ”: không những họ loại trừ khỏi con đường cứu độ tất cả các tín đồ ngoài Kitô giáo, mà hơn nữa còn xác quyết rằng tất cả những ai không thuộc phe nhóm của họ, kể cả các Kitô hữu thuộc các Giáo Hội khác, cũng chẳng được cứu độ. Nói một cách giản dị, không những họ triệt để bảo vệ luận điểm “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, mà hơn nữa đã tự đồng hóa “Giáo Hội của Đức Kitô” với hệ phái của họ.

   50namPlaneCompertumEst.jpg

II. MÔ HÌNH "DĨ ĐỨC KITÔ VI TRUNG"(lấy Đức Kitô làm trung tâm)

Đây là kết quả của tiến trình thần học đi từ mô hình khai trừ sang mô hình bao hàm. Các tác giả theo mô hình này không chấp nhận chủ trương cho rằng ơn cứu độ do niềm tin nơi Đức Kitô chỉ đạt tới ngang qua Giáo Hội mà thôi. Đức Kitô vẫn luôn luôn là Đấng Cứu Độ định chế, nhưng ơn cứu độ của Ngài vượt khỏi giới hạn chật hẹp của Giáo Hội hữu hình và của Kitô Giáo. Nói cách khác, Đức Kitô luôn luôn là Đấng trung gian cứu độ phổ quát, tuy nhiên không nhất thiết bó buộc phải thuộc về Giáo Hội hữu hình để được cứu độ. Một Thiên Chúa, một Đức Kitô… nhưng nhiều cách thế cứu độ khác nhau.

Giáo Hội của Đức Kitô là “bí tích cứu độ” cho tất cả các dân tộc. Tất cả các thành viên khác của Kitô Giáo như Chính Thống Giáo, Anh Giáo và Tin Lành cũng tham dự vào Giáo Hội đích thực của Đức Kitô. Nói rõ hơn, Giáo Hội như thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô không những chỉ hiện diện trong Giáo Hội Công Giáo, mà trong một mức độ nào đó, cũng hiện diện trong các Giáo Hội Kitô Giáo khác. Chính vì vậy không thể hiểu câu châm ngôn “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” theo nghĩa đen, như thể là ngoài Giáo Hội Công Giáo Roma hữu hình và lịch sử không có ơn cứu độ.

Giáo Hội đồng thời cũng là bí tích hợp nhất của gia đình nhân loại. Theo kiểu nói của thần học gia Yves Congar, đây là một hiệp thông trong đó sự hợp nhất chung kết sẽ là thành quả của một phức biệt được giao hoà (diversité réconciliée). Những phần chân lý và nét đặc thù của mỗi Giáo Hội sẽ được tôn trọng và vận dụng tối đa, ngõ hầu tình trạng hợp nhất chung kết sẽ phong phú và đa diện hơn điểm khởi hành.

Hiểu như thế, Giáo Hội do Đức Kitô thiết lập là một Giáo Hội duy nhất, nhưng bao gồm vừa yếu tố nhân loại vừa yếu tố thần linh, vừa cơ cấu hữu hình vừa mầu nhiệm cứu độ. Nhìn trong toàn thể, Giáo Hội của Đức Kitô vừa đã hiện diện như một thực tại lịch sử, vừa chưa hoàn thành như một thực tại cánh chung, bởi vì Giáo Hội chưa phải Nước Thiên Chúa đã hoàn thành, mà chỉ là “mầm và khởi đầu của Nước ấy trên trần gian”[15].

Cũng chính trong viễn tượng đó mà một số thần học gia đề nghị nên giải thích lại tính duy nhất và phổ quát của Giáo Hội trong tiến trình cứu độ. Sự hiệp nhất trong đa dạng và sự hiệp thông trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được quan niệm như một biểu lộ vẻ phong phú và tính phổ quát của Giáo Hội. Trái lại nếu chủ trương một thứ hợp nhất theo kiểu “đơn điệu và đồng loạt” trong đó các Giáo Hội khác hoàn toàn tan biến trong Giáo Hội Công Giáo Roma, chẳng hạn, chắc chắn không giải quyết nổi tình trạng chia rẽ và phân hóa hiện nay. Ngoài ra, còn tạo nên một số mâu thuẫn và khó khăn về mặt thần học rất khó giải quyết[16].

Chúng ta gặp thấy nơi đây một biến đổi quan trọng không những đối với thần học về tôn giáo, mà còn đối với thần học nói chung. Bất chấp vai trò và vị thế mà trong quá khứ người ta đã gán cho Giáo Hội, không bao giờ có thể đặt Giáo Hội ngang hàng với Đức Kitô trong trật tự cứu độ, cũng chẳng có thể đồng hóa bất cứ Giáo Hội hữu hình và lịch sử nào với “Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô”. Ơn cứu độ chỉ lệ thuộc vào niềm tin nơi Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất (xc. 1Tm 2,5; Dt 8,6; 9,15; 12,24). Chính Ngài là trung tâm điểm của Kitô Giáo chứ không phải Giáo Hội. Cũng chỉ duy Ngài là trung gian giữa Thiên Chúa với nhân loại, còn Giáo Hội chỉ đóng vai trò dụng cụ, chứng tá và bí tích, trong tương quan với mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô.

Xét như “bí tích cứu độ”, Giáo Hội giới thiệu những phương tiện cứu độ ở mức độ viên mãn, nhưng Thiên Chúa không bao giờ bị giam hãm trong đó: Ngài có thể cứu độ những người ở bên ngoài biên cương của Giáo Hội và ở bên ngoài cái mà người ta thường gọi là “phương tiện cứu độ bình thường”, nghĩa là các bí tích. Nói cách khác, Giáo Hội sẽ trở thành biểu hiệu hữu hình của “bí tích cứu độ thường xuyên” của thực tại cứu độ bao la được thực hiện một cách nhiệm mầu, ở bên trong cũng như bên ngoài biên giới của chính Giáo Hội[17].

Tất cả những khúc mắc của vấn đề có lẽ tùy thuộc cách hiểu và giải thích quan niệm trung gian của Đức Kitô trong nhiệm cục cứu độ. Trước đây, người ta thường hiểu “vai trò trung gian” này theo nghĩa “duy nhất tính”, độc nhất, tuyệt đối khép kín và loại trừ. Với hướng đi của Vatican II và sự đóng góp của bộ môn thần học về các tôn giáo, chúng ta có thể duy trì đồng thời vai trò trung gian của Đức Kitô với sự hiện diện của những cách thế cứu độ khác.

Bản góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhìn thấy điểm khó khăn nhất ở đây chính là vấn đề Kitô học[18]. “Nếu trong bối cảnh đa diện của các tôn giáo và các nền văn hóa ta nhận ra hoạt động của Thần Khí Chúa dẫn đưa các dân tộc Á Châu tới Đức Kitô và Tin Mừng cứu rỗi của Ngài, thì một trong những vấn nạn lớn nhất được đặt ra cho công việc rao giảng Tin Mừng tại Châu Á là “làm cách nào Giáo Hội tại châu Á có thể giải thích về Đức Giêsu-Kitô Cứu Chúa, Cứu Chúa duy nhất, Đấng Trung Gian cứu độ duy nhất, khác biệt hẳn với các vị sáng lập các tôn giáo lớn tại Á Châu?”(IL. 30).

Đồng thời Bản Góp Ý của các Giám mục Việt Nam nhìn nhận điểm khó khăn nhất ở đây cính là vấn đề Kitô học và đề nghị giải thích vai trò trung gian của Đức Kitô như sau: “Chúng tôi hiểu từ “duy nhất” (seul, unique) không theo nghĩa loại trừ (exclusive), nhưng trong tính ưu việt, tuyệt hảo (excellent) của nó. Như thế người Á Đông, trong vũ trụ quan và khát vọng tìm kiếm một sự hài hòa vô song giữa Thiên-Địa-Nhân, tìm thấy ơn cứu độ duy nhất và tuyệt hảo nơi Đức Kitô, vì nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài họ nhận lại được sự giao hòa toàn diện với Thiên Chúa là Cha, với anh em đồng loại và với vũ trụ vạn vật. Tất cả các tôn giáo và các học thuyết lớn tại Châu Á đã nỗ lực đi tìm và vun đắp sự hài hòa này và đã đạt được một số thành quả nhất định, ước gì họ tìm thấy, qua việc trình bày Tin Mừng của Đức Kitô, sự giao hòa ưu việt mà họ hằng mong ước. Một Kitô học như thế, không những không thể phủ nhận vai trò Cứu Chúa duy nhất của Đức Kitô, mà còn có thể mở ra một ý niệm hiệp thông đầy sinh động”.

Nhiều thần học gia cũng đề nghị giải thích lại quan niệm “duy nhất tính của Kitô Giáo” trong viễn tượng đa phức tôn giáo. Theo họ, Đức Kitô muôn đời vẫn là “Trung Gian cứu độ duy nhất”, nhưng không thể hiểu “duy nhất” này theo quan niệm cổ điển của chiều hướng “thần học hoàn thành”. Nói rõ hơn, duy nhất nói đây không phải là “duy nhất loại trừ” (unicité exclusive) mà là “duy nhất bao hàm” (unicité inclusive). Một số người còn đi xa hơn khi yêu cầu phân biệt giữa “duy nhất độc tôn” trong quan niệm thần học ngày xưa với “duy nhất độc đáo” và “duy nhất tương quan” của thần học về tôn giáo hôm nay[19].

Hiểu theo ý nghĩa đó, vai trò trung gian cứu độ duy nhất của Đức Kitô không loại trừ sự đóng góp của các giáo tổ và vai trò tích cực của các tôn giáo khác. Phảng phất nơi đây chúng ta gặp thấy âm hưởng huyền nhiệm như trong xác tín “một Thiên Chúa duy nhất” nhưng lại có “Ba Ngôi” khác nhau và bằng nhauChính vì vậy, nếu tách rời hạn từ này khỏi chiều kích huyền nhiệm và bối cảnh lịch sử đặc biệt đã khai sinh ra lời tuyên tín nói trên để biến nó thành một công thức “tổng quát mang tính loại trừ”, chắc chắn sẽ làm biến chất ý nghĩa đặc thù của nó[20].

Xem như vậy, chúng ta cần hiểu duy nhất tính của Đức Kitô không theo nghĩa tuyệt đối khép kín, mà cũng chẳng hoàn toàn tương đối, nhưng là thiết định, tuyệt đối và tương quan. Theo quan điểm Kitô Giáo, thiết định có nghĩa là mầu nhiệm giáng sinh, chết và sống lại của Đức Kitô mang một ý nghĩa tròn đầy và phổ quát trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chính nơi đây ta gặp thấy dấu ấn giữa Thiên tính và nhân tính, một gạch nối tuyệt vời và độc nhất vô nhị. Đây là con đường độc sáng mà Thiên Chúa đã chọn lựa để mạc khải sứ điệp tình thương và chia sẻ thân phận làm người với mọi người.

Hạn từ “tương quan” muốn nói lên cách thế trình bày và hiểu ý nghĩa phổ quát của biến cố Đức Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đặc biệt trong viễn tượng đa phức tôn giáo, hạn từ này muốn diễn tả mối tương quan giữa “con đường độc sáng” được thực hiện nơi Đức Kitô với những “con đường cứu độ khác”, được truyền thống các tôn giáo Á Châu giới thiệu cho tín đồ của họ.

Trong mấy thập niên gần đây, một số tác giả đã bước từ quan điểm lấy Đức Kitô làm trung tâm để tiến tới chủ trương lấy Thiên Chúa làm trung tâm[21]. Quan điểm này cũng thường được gọi là đa nguyên tôn giáo, theo đó chỉ duy Thiên Chúa mới là “trung tâm điểm” của một tiến trình cứu độ nhiêu khê và phức tạp, khởi đi từ công cuộc sáng tạo, ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể và vẫn tiếp diễn cho đến tận cùng lịch sử. Qua những ngã đường dị biệt, ngoằn nghèo, chồng chéo và nhiều khi còn tương phản nhau nữa, nhân loại đang lần mò tiến về cùng một cứu cánh duy nhất[22].

Theo khuynh hướng này, tín điều Kitô học cổ điển lệ thuộc quá nhiều vào quan điểm triết lý Hy Lạp và thần học thời Trung Cổ. Do đó, chúng cần được cập nhật hóa, vì đã bị thời gian vượt qua và vì cản trở công cuộc đối thoại liên tôn. Tri thức luận của E. Kant được chọn làm nền tảng triết học cho chủ trương đa nguyên tôn giáo này. Theo triết gia E. Kant, chúng ta chỉ có thể nhận thức “phainomenon” (hiện tượng, cái biểu lộ bên ngoài) của sự vật, chứ không nắm bắt được “nooumenon” (bản thể, cái nội tại) của nó. Điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ nhận thức được điều mà sự vật xuất hiện và được trình bày cho chúng ta, chứ không phải là nội dung đích thực của nó.

Một cách sâu xa hơn, đối với tri thức về Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể nhận thức được những gì Ngài mạc khải cho ta trong một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó, chứ không bao giờ có thể hiểu thấu bản thể tự tại của Ngài. Do đó không thể phân tích các hình ảnh và phẩm tính khác nhau của Thiên Chúa để đạt tới chân lý khách quan về Ngài.

Nếu chỉ còn những ý tưởng, quan niệm, hình ảnh và lý tưởng tương đối về thực tại thần linh có khả năng dẫn đưa chúng ta tới chân lý siêu việt, như vậy rõ rệt là Kitô Giáo rất khó biện minh cho vị thế độc đáo và tuyệt đối của mình trong lịch sử cứu độ. Và nếu lấy “Thiên Chúa làm trung tâm điểm cứu độ” thì Đức Kitô không còn giá trị qui phạm và cũng chẳng còn tính cứu độ phổ quát. Hệ luận tất nhiên là phải chấp nhận đa dạng về con đường cứu độ và cần xác định lại vai trò trung gian cứu độ duy nhất của Đức Kitô.

Trên thực tế, các tác giả theo chủ trương đa nguyên giải thích vai trò cứu độ của Đức Kitô theo nhiều dạng thức và chiều hướng khác nhau. Có người cho rằng quan niệm lấy Đức Kitô làm trung tâm cứu độ đang bị vượt qua: vai trò của Đức Giêsu-Kitô bị tương đối hóa, Ngài chỉ còn là một vị Giáo Tổ đặc biệt và đã tích cực giúp nhân loại ý thức rõ rệt tư cách làm con Thiên Chúa của mình. Trong khi đó một số khác lại coi đây như một giả thiết để nghiên cứu, nghĩa là “tạm thời đặt trong ngoặc kép vai trò trung gian cứu độ của Đức Kitô” ngõ hầu có thể thực hiện một cuộc đối thoại bình đẳng với các tôn giáo khác. Có người lạc quan nghĩ rằng kết quả của cuộc đối thoại sẽ chứng tỏ giá trị đích thực của xác tín Kitô Giáo về mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô.

Câu hỏi căn bản vẫn luôn luôn được đặt ra: Đức Kitô có còn giữ vai trò trung gian cố hữu nữa không trong viễn tượng một thần học lấy Thiên Chúa làm trung tâm? Có thể chấp nhận chủ trương theo đó, suốt dọc lịch sử, Thiên Chúa đã tự mạc khải cho nhân loại dưới nhiều dạng thức khác nhau qua kinh nghiệm của các tôn giáo và như thế chỉ dành cho Đức Kitô một vai trò qui phạm nào đó thôi? Nếu được phép giản lược, chúng ta có thể chia mô hình thần học lấy Thiên Chúa làm trung tâm thành hai quan điểm chính, dựa trên vai trò mà người ta dành cho Đức Kitô trong chương trình cứu độ.

a. Nhóm thứ nhất mặc dù chủ trương lấy “Thiên Chúa làm trung tâm cứu độ”, vẫn dành cho Đức Kitô một vị thế đặc biệt trong chương trình cứu độ phổ quát này. Ngài là biểu tượng hoàn thiện nhất hoặc mô hình lý tưởng nhất của chương trình cứu độ. Nói cách khác, Đức Kitô vẫn đóng một vai trò qui phạm trong tương quan cứu độ giữa Thiên Chúa với con người, nhưng để đối thoại bình đẳng với các tôn giáo khác cần đặt xác tín này vào ngoặc kép.

b. Nhóm thứ hai phủ nhận mọi vai trò qui phạm của Đức Kitô. Theo họ, chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được thể hiện dưới nhiều dạng thức và ngang qua nhiều truyền thống tôn giáo khác biệt. Tất cả mọi tôn giáo, trong vẻ cá biệt, đa phức và đa diện sâu xa, đều có giá trị như nhau. Không một truyền thống nào, kể cả Kitô Giáo, tiên thiên đóng “vai trò qui phạm”. Từ đó, dĩ nhiên Đức Kitô không còn là Đấng trung gian cứu độ duy nhất và phổ quát giữa Thiên Chúa với nhân loại.

Nhiều tác giả theo khuynh hướng này không muốn tiên thiên phá đổ niềm tin Kitô Giáo hay chối bỏ những đòi hỏi chính yếu của niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên theo họ, tin vào Đức Kitô có nghĩa là tin rằng mình sẽ được cứu độ qua trung gian của Ngài, nhưng không luôn luôn có nghĩa Ngài phải là đấng cứu độ trần gian theo nghĩa cổ điển. Thiên Chúa và Nước Trời là cứu cánh tối hậu mà tất cả các tôn giáo, kể cả Kitô Giáo, phải hướng tới, như vận mệnh chung. Hiển nhiên, Đức Kitô vẫn luôn là con đường duy nhất cho các Kitô hữu, nhưng không nhất thiết phải là con đường duy nhất và độc nhất cho mọi người, ở mọi thời và mọi nơi. Bên cạnh con đường cứu độ đặc biệt  độc sáng của Đức Kitô, còn nhiều con đường cứu độ khác.

Hệ luận tất nhiên là Đức Giêsu Kitô không còn vị trung gian cứu độ duy nhất và tuyệt đối. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã cô đọng luận điểm này như sau: “Chỉ riêng đối với Kitô hữu, Ngài là hình thái con người của Thiên Chúa, tạo cơ hội thuận lợi cho cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, mặc dù không có tính cách loại trừ. Ngài là “Thiên Chúa hoàn toàn” (totus Deus), vì Ngài là tình yêu tích cực của Thiên Chúa trên cõi trần hoàn này, nhưng không phải là “tất cả của Thiên Chúa”(totum Dei), vì Ngài không tát cạn tất cả tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng Ngài hoàn toàn là Lời Thiên Chúa, nhưng không phải trọn vẹn Ngôi Lời (totum Verbum, sed non tutum Verbi). Bởi vì Lời Thiên Chúa (Logos) rộng lớn hơn Đức Giêsu, nên Lời này cũng có thể nhập thể trong các vị sáng lập các tôn giáo khác”[23].

Nếu được phép giản lược, có thể nói nhiều cuộc tranh luận thần học về các tôn giáo đều xoay quanh ba mô hình thần học nói trên. Phải chăng đây cũng là một mô hình thần học loại trừ, nghĩa bất khả tương dung, phải dứt khoát chọn một bỏ một? Tính triệt để, bất tương dung và loại trừ này mang nặng não trạng Tây Phương, nên không thể đáp ứng yêu cầu sâu thẳm của một thần học về tôn giáo.

Thật vậy, một thần học về đa phức tôn giáo không thể xây dựng trên những mâu thuẫn và loại trừ lẫn nhau, mà trên sự kết hợp hài hòa, bổ túc, hỗ trợ và giao thoa giữa các yếu tố khác biệt. Phải chăng khi đề cao đa phức tôn giáo, mô hình thần học “dĩ Thiên Chúa vi trung” lại rơi vào một thứ chủ trương loại trừ triệt khác? Vô hình trung một chủ trương đề cao và nhân danh đa phức tôn giáo, cuối cùng lại bóp chết mọi dị biệt phong phú để áp đặt một mô hình và lối giải quyết độc nhất!

Ngoài ra lối song quan luận hoặc trắng hoặc đen này cũng không thể áp dụng cho Kinh Tánh. Xác quyết của Tân Ước về duy nhất tính của Đức Giêsu Kitô, chẳng hạn, không loại sự hiện hữu của Ngôi Lời trước cũng như sau biến cố nhập thể. Tự ngôn của Tin Mừng theo Thánh Gioan, “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến trần gian và chiếu soi mọi người. Ngài ở giữa trần gian và trần gian đã nhờ Ngài mà có” (Ga 1,9). Và khi thời gian viên mãn, chính Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (…). Từ nguồn sung mãn của Người chúng ta lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,14-16).

Theo quan điểm “duy nhất bao hàm”, ta có thể nối kết vai trò cứu độ duy nhất của Đức Kitô với việc nhìn nhận giá trị cứu độ của các tôn giáo khác. Thay vì thái độ cực đoan, loại trừ và độc tôn, niềm tin đích thực nơi Đức Kitô mời gọi dấn thân rao giảng Tin Mừng, đồng thời chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác. Do đó, người ta không hiểu tại sao để bảo vệ “đa phức tôn giáo” lại phải phủ nhận vai trò qui phạm của Đức Kitô? Đã hẳn, như công đồng Vatican II đã xác quyết, “không bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc”. Tuy nhiên, “sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ tạo cộng tác, với sự tùy thuộc vào suối nguồn duy nhất”[24].

Trên thực tế, quan điểm “dĩ Thiên Chúa vi trung” đã không có khả năng xây dựng một căn bản thần học vững chắc và thoả đáng để làm mẫu số chung cho cuộc đối thoại giữa các tôn giáo hiện nay. Thật vậy, các tôn giáo theo khuynh hướng đa thần, phiếm thần hoặc “vô thần” đương nhiên không chấp nhận luận đề “dĩ Thiên Chúa vi trung” nói trên. Còn các tôn giáo độc thần như Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo, chẳng bao giờ chịu từ bỏ con đường độc sáng của họ trên hành trình tiến về Thiên Chúa, vì chính luật Maisen, Đức Kitô và Kinh Coran đã tạo nên căn tính của các tôn giáo này.

Sự chân thành trong đối thoại liên tôn cũng không bao giờ cho phép người tín đồ chân chính bỏ đức tin “trong ngoặc kép”, dù chỉ tạm thời. Tính triệt để và toàn vẹn của đức tin không cho phép thỏa hiệp hay đánh lận con đen như vậy. Đối thoại liên tôn đích thực đòi hỏi mỗi bên phải nói thật và biểu lộ căn tính của mình. Đây là một hành trình kiếm tìm sự thật cứu độ, chứ không phải những mẫu số chung giả tạo.

Theo Tuyên Ngôn của Hiệp Hội Thần Học Ấn Độ, những phạm trù và công thức sử dụng trong cuộc tranh luận về thần học tôn giáo hiện nay vô tình đã phản bội nguyên tắc “đa phức tôn giáo” để thay vào đó một quan niệm “duy nhất – tôn giáo – văn hóa và một cái nhìn hoàn toàn khoa bảng và siêu thực”. Nên giải quyết vấn đề trên một cơ sở khác, vừa chiêm niệm vừa dấn thân phục vụ, vừa đối thoại vừa giữ vững căn tính. Trong viễn tượng đó, Đức Kitô vẫn luôn luôn là “Con đường duy nhất đến với Cha”, tuy nhiên cũng không loại trừ những trung gian thuộc hình thức và cấp độ khác biệt, bắt nguồn từ chính Trung Gian duy nhất của Đức Kitô[25].

Nhìn từ góc độ đó, “các tôn giáo trên thế giới diễn tả sự mở rộng của con người đối với Thiên Chúa, đồng thời là biểu hiệu của sự hiện diện của Ngài trong trần gian. Mỗi một tôn giáo là duy nhất, và nhờ tính duy nhất này các tôn giáo phong phú hóa lẫn nhau. Qua tính cá biệt của mình, các tôn giáo biểu lộ những khuôn mặt khác nhau của mầu nhiệm tối cao, không bao giờ có thể tát cạn. Chính trong đa phức tính, các tôn giáo giúp chúng ta biết đào sâu kinh nghiệm về sự giàu có của Duy Nhất. Khi đối thoại với nhau, các tôn giáo tạo thành một cộng đồng niềm tin trong đó những khác biệt trở thành bổ túc nhau và phân kỳ biến thành dấu chỉ của hiệp thông”[26].

IV. VAI TRÒ CỦA CÁC TÔN GIÁO KHÁC TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ?

Theo thần học Kitô Giáo, chỉ duy Thiên Chúa cứu độ con người. Không một người nào hay một tôn giáo nào, kể cả Kitô Giáo, có sức cứu độ. Do đó “con đường” hay “những con đường cứu độ”, nếu có, là do Thiên Chúa hoạch định, chứ không thể hoàn toàn do sáng kiến hay khả năng của con người. Từ đó vấn đề căn bản sẽ được đặt ra: trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, ngoài “con đường độc sáng” được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô có còn “con đường nào khác” nữa không? Nếu còn, những con đường sau này sẽ tương quan với “con đường duy nhất” của Đức Kitô như thế nào?

Nói cho cùng, câu hỏi sinh tử ở đây sẽ là: tín đồ các tôn giáo khác được cứu độ từ bên ngoài và bất chấp truyền thống tôn giáo của họ hay ngược lại được cứu độ trong chính truyền thống tôn giáo của họ? Nếu chấp nhận giải pháp thứ hai này, thần học về tôn giáo phải giải thích như thế nào vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô và vai trò cứu độ của các tôn giáo khác? Nếu có nhiều con đường cứu độ khác nhau, thì sự kiện đa diện về cứu độ có nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa hay không? Cuối cùng khi chấp nhận sự hiện diện của nhiều con đường cứu độ phải chăng chúng ta đã tương đối hóa vai trò cứu độ của Đức Kitô?

Theo Công Đồng Vatican II, ơn cứu độ của Thiên Chúa không những “bao hàm tất cả những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa”, mà còn nới rộng tới “những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa một cách rõ rệt, nhưng tìm kiếm Ngài với tâm hồn chân thành và dưới sự hỗ trợ của ân thánh Chúa, cố gắng sống một cách chính trực theo sự hướng dẫn của lương tâm”[27]. Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng xác quyết rằng tác động cứu độ của Đức Kitô “không phải chỉ có giá trị cho những ai tin vào Ngài, mà còn cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí, được ân sủng tác động một cách vô hình trong tâm hồn.

Thật vậy, vì Đức Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực sự chỉ là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, do đó chúng ta phải tin chắc rằng Thánh Linh ban cho mọi người khả năng tham dự vào Mầu Nhiệm Phục Sinh, qua cách thức mà chỉ duy Thiên Chúa biết thôi”[28].

Tiến thêm một bước nữa, Công Đồng cũng nhìn nhận những giá trị tích cực trong các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô Giáo, nhưng vẫn chưa chính thức nhìn nhận các tôn giáo này như những “con đường cứu độ”. Những bản văn chính liên quan đến vấn đề này là Hiến Chế “Ánh Sáng Muôn Dân” số 16-17, Tuyên Ngôn về “Thời Đại Chúng Ta”(Nostra Aetate) số 2 và Sắc Lệnh “Ad Gentes” các số 3, 9 và 11.

Xem ra giá trị cứu độ tích cực mới được qui định cho các cá nhân, chứ chưa đề cập đến tập thể tôn giáo hay văn hóa, mà các cá nhân này là thành phần. Tuy nhiên một khi đã nhìn nhận giá trị tích cực nơi các tín đồ ngoài Kitô Giáo, đương nhiên đã gián tiếp nhìn nhận gía trị tích cực nơi các truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ. Từ đó sứ vụ rao giảng Tin Mừng không phải để phá đổ mà nhằm làm triển nở “tất cả những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng con người hoặc trong các lễ nghi và văn hóa của họ” (Lumen Gentium, 17). Do đó, tất cả những gì thiện hảo, đã được gieo trong tâm hồn con người hay trong các tôn giáo và văn hóa của các dân tộc sẽ không bị hủy diệt, mà được thanh lọc, thăng tiến và hoàn thiện hóa (Ad Gentes, 9).

   tonkinhToTien.jpg

Đóng góp đặc biệt nhất của Giáo Chủ Gioan Phaolô II cho nền “thần học về các tôn giáo” là xác quyết sự hiện diện tích cực của Thánh Linh trong các nền văn hóa và các tôn giáo. Ngay trong thông điệp đầu tiên “Đấng Cứu Độ nhân loại”(1979), ngài tự vấn: “Phải chăng một vài lần niềm tin kiên cường của tín dồ các tôn giáo khác – mà thực sự niềm tin này cũng phát xuất từ Thánh Thần chân lý, Đấng tác động ngay cả bên ngoài ranh giới hữu hình của Nhiệm Tích- làm cho người Kitô hữu phải hổ thẹn, bởi vì thường xuyên nghi ngờ chân lý do Thiên Chúa mạc khải và được Giáo Hội loan truyền”[29].

Chấp nhận sự hiện diện của Thánh Linh ở bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội, đức Gioan Phaolô nhìn thấy nơi các tôn giáo khác “những phản ảnh của chân lý duy nhất, các hạt giống của Ngôi Lời” (RH.11) đang dẫn dắt nhân loại về một hướng duy nhất, bất chấp những con đường chọn lựa có khác biệt nhau đến đâu chăng nữa.

Trong “Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Hòa Bình tại Assisi”, sau khi chứng kiến sự kiện tất cả các tham dự viên cầu nguyện cho hòa bình theo căn tính tôn giáo riêng biệt, đức Gioan Phaolô càng xác tín hơn nơi sự hiện diện và sức tác động của Thánh Linh: “Tất cả lời cầu nguyện đích thực đều do ảnh hưởng của Thánh Linh, chính Ngài dạy chúng ta là những kẻ yếu hèn biết cách cầu nguyện, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải đạo, chính Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên rỉ khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can biết Thần Khí muốn nói gì. Thật vậy, chúng ta cần ghi nhớ rằng tất cả lời cầu đích thực đều phát xuất từ Thánh Linh, Đấng hiện diện một cách huyền nhiệm trong tâm hồn mọi người”.

Hoạt động của Thần Khí trong lịch sử cứu độ được đặt nổi hơn nữa trong thông điệp về Chúa Thánh Thần (Dominum et vivificantem) (1986). Đức Gioan Phaolô II tái xác nhận hoạt động phổ quát của Thần Khí từ trước biến cố cứu độ của Đức Giêsu Kitô và ngay ở bên ngoài phạm vi của Kitô Giáo. “Không thể nào tự giới hạn nơi hai ngàn năm sau cùng, kể từ biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu. Cần phải ngược dòng thời gian, ôm choàng tất cả hoạt động của Thánh Linh từ trước biến cố Đức Kitô; ngay từ khởi thủy; trong toàn thế giới và đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Cựu Ước.

Thực vậy tác động của Thánh Linh được thể hiện ở mọi thời, mọi nơi và trong mọi người, theo chương trình cứu độ phổ quát, qua đó hoạt động của Thánh Linh được nối kết chặt chẽ với mầu nhiệm nhập thể và cứu thế (…). Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn xa hơn và rộng hơn, khi biết rằng “gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8). Công Đồng Vatican II, chú trọng đặc biệt ở đề tài Giáo Hội, nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Thánh Linh cũng hoạt động “ở bên ngoài” thân thể hữu hình của Giáo Hội. Công Đồng công nhận Thánh Linh hoạt động nơi “tất cả tâm hồn thiện chí”(GS.22) chứ không chỉ “nơi các Kitô hữu mà thôi” (số 53).

Thông Điệp Redemptoris Missio, ban hành ngày 7.12.1990, xác quyết rõ rệt rằng Thần Khí đã tác động không những trong các cá nhân, mà còn nơi các truyền thống tôn giáo nữa: “Thần Khí biểu lộ một cách đặc biệt trong Giáo hội và trong các thành phần của Giáo Hội, nhưng sự hiện diện và tác động của Ngài thì phổ quát, không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian (…). Thần Khí là (…) căn nguyên của nỗi khắc khoải hiện sinh và tôn giáo của con người, nỗi khắc khoải phát xuất không những từ những điều kiện bất tất mà còn từ chính cơ cấu của hữu thể nhân loại. Sự hiện hữu và hoạt động của Thần Khí không phải chỉ liên quan tới các cá nhân, mà còn liên quan đến xã hội, lịch sử, các dân tộc, các văn hóa và các tôn giáo” (số 28).

Việc chấp nhận sự hiện diện tích cực của Thần Khí Thiên Chúa nơi các truyền thống tôn giáo ở trên phải chăng đã gián tiếp chấp nhận giá trị cứu độ của các tôn giáo này? Câu trích dẫn ở trên có lẽ cho phép đi đến một kết luận lạc quan như thế. Tuy nhiên toàn bản văn của thông điệp chưa cho phép chúng ta đưa ra một câu kết luận quá lạc quan như vậy. Tài liệu “Đối Thoại và Rao Truyền” của Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn và Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm cho các Dân Tộc có một cái nhìn cởi mở và tích cực hơn về vai trò của các truyền thống tôn giáo.

Theo tài liệu này, mầu nhiệm cứu độ đến với tín đồ các tôn giáo khác “bằng những con đường mà chỉ duy Thiên Chúa biết thôi, dưới tác động vô hình của Thần Khí Đức Kitô. Nói một cách cụ thể, chính khi chân thành làm điều thiện theo truyền thống tôn giáo của mình và sống đúng theo tiếng gọi của lương tâm, tín đồ của các tôn giáo này đã trả lời một cách tích cực lời mời của Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ nơi chính Đức Giêsu Kitô, cho dù họ không nhận biết Ngài và không tuyên xưng Ngài như Đấng Cứu Độ của mình”[30]

Ủy Ban Thần Học Quốc Tế can đảm đặt câu hỏi gai góc này: Các tôn giáo có phải là những trung gian của ơn cứu độ cho các tín đồ của họ hay không? Sau khi phân tích nhiều lập trường và quan điểm đối nghịch, Ủy Ban đã đi đến kết luận sau: “Nếu sự cứu độ liên kết chặt chẽ với sự xuất hiện lịch sử của Đức Giêsu thì việc nối kết mỗi người vào Đức Kitô, bằng đức tin, không thể là việc tùy nghi. Chỉ trong Giáo Hội, một tổ chức có tiếp nối lịch sử với Đức Giêsu, người ta mới có thể sống trọn mầu nhiệm này. Vì thế, Giáo Hội nhất thiết phải loan truyền về Đức Kitô.

Không bao giờ có thể quan niệm có những “trung gian” cứu độ khác tách rời khỏi con người Giêsu, Đấng trung gian duy nhất. Nhưng xác định làm sao những người không biết đến Đức Giêsu mà có liên hệ với Ngài, hoặc các tôn giáo có tương quan với Ngài như thế nào, việc đó lại càng khó khăn hơn. Ở đây chúng ta phải đề cập đến những con đường bí nhiệm của Thánh Linh, Đấng ban cho tất cả mọi người khả năng kết hợp với mầu nhiệm phục sinh (GS.22); và tác động của Thánh Linh cũng không thể không tương quan với Đức Kitô (RM.29). Chính trong bối cảnh tác động phổ quát của Thần Khí Đức Kitô, mà chúng ta phải qui định vấn đề giá trị cứu độ của các tôn giáo”[31].

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nói chung và Hội Đồng Giám mục Ấn Độ nói riêng có thái độ cởi mở hơn nữa đối với truyền thống các tôn giáo. Đa phức tôn giáo được coi như một trong những cách thế mà Thiên Chúa đã sử dụng để thiết lập mối tương quan với các dân tộc. Nó biểu lộ tính phong phú và đa diện nơi hoạt động của Ngài trong lịch sử. “Bản chỉ dẫn về đối thoại liên tôn” của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã công khai xác nhận: “Đa phức tôn giáo là hậu quả phong phú của sáng tạo và ân sủng vô tận của Thiên Chúa. Mặc dù phát xuất từ cùng một nguồn, các dân tộc đã nhận thức về vũ trụ và đã biểu lộ ý thức về mầu nhiệm bằng nhiều cách thế khác nhau và chắc chắn Thiên Chúa đã hiện diện trong công trình lịch sử này của các con cái Ngài. Xem như thế, thay vì ân hận vì hiện tượng đa phức tôn giáo, đúng hơn chúng ta phải coi đây như một ân huệ của Thiên Chúa”.

V. TÁC ĐỘNG PHỔ QUÁT CỦA THẦN KHÍ

Nếu biến cố Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, xét về phương diện nhân loại, bị giới hạn một cách nào đó do điều cụ thể của lịch sử, tác động của Thần Khí không hề bị giới hạn bởi không gian hay thời gian. Hoạt động của Thần Khí, trái lại, hoàn toàn tự do, nhiệm mầu và thiên biến vạn hóa. Chúng ta chỉ mờ mờ nhìn thấy một số hiệu quả, nhưng không thể nhận diện chính Thần Khí và sức tác động vạn năng của Ngài: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; không nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi về đâu” (Ga 3,8).

Thần Khí của Thiên Chúa luôn hiện diện suốt dòng lịch sử nhân loại và vẫn tiếp tục tác động ở bên ngoài ranh giới của Kitô Giáo. Chính Ngài linh ứng cho tín đồ các tôn giáo khác trên hành trình truy tầm chân lý. Một số thần học gia đã đặt câu hỏi: Nếu các Kitô hữu được ơn cứu độ qua niềm tin vào Ngôi Lời nhập thể (Logos ensarkos) là Đức Giêsu Kitô, thì tín đồ các tôn giáo khác có thể lãnh nhận ơn cứu độ qua tác động trực tiếp của Thần Khí hay của Ngôi Lời không nhập thể (Logos asarkos) không? Sự phân biệt giữa “hai bàn tay” của Thiên Chúa có biện minh cho sự hiện hữu của hai phương thế khác nhau mà Thiên Chúa sử dụng để chuyển giao ơn cứu độ cho tín đồ các tôn giáo khác? Nếu Thần Khí là “đầu vào” cần thiết của Thiên Chúa trong đời sống của các tôn giáo và các dân tộc, phải chăng khi đặt nổi sức tác động của Thần Khí trong lịch sử nhân loại sẽ khai mở một lối đi mới cho thần học về tôn giáo?

Nói cho cùng, Thần Khí của Thiên Chúa đồng thời cũng là Thần Khí của Đức Giêsu Kitô. Do đó không thể triệt để tách rời hoạt động phổ quát của Thần Khí khỏi tác động phổ quát của Đức Kitô Phục Sinh. Chức năng cứu độ của Thần Khí là chuẩn bị và dẫn đưa con người gặp gỡ Đức Kitô, Đấng mà Thiên Chúa đã thiết lập như Trung Gian và Con Đường Cứu Độ chính thức. Nói rõ hơn, chính Đức Kitô là trung tâm điểm của con dường cứu độ, chứ không phải Thần Khí.

Trong viễn tượng đó, nếu Thần Khí hiện diện và hoạt động trong lịch sử từ trước biến cố Đức Giêsu Kitô, chính là để vừa chuẩn bị, vừa tiếp nối biến cố Nhập Thể, một biến cố được coi là trung tâm của lịch sử cứu độ. Sứ vụ đặc biệt của Thần Khí, dù trước hay sau biến cố Nhập Thể, đều nhằm mục đích làm cho nhân loại tham dự hữu hiệu và phổ quát hơn vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô[32]. Trong mọi hoàn cảnh, Thần Khí dun dủi và soi sáng để nhân loại nhận thức được rằng cao điểm của chương trình cứu độ là mầu nhiệm Nhập thể. Như vậy, nhờ sức mạnh và sự hiện diện nhiệm mầu của Thần Khí, biến cố của Đức Kitô luôn được hiện đại hóa ở mọi thời và mọi nơi.

Rất hữu lý khi một số thần học gia đặt nổi quan điểm Kitô học theo chiều hướng “Thần Khí học” như một chiều hướng thần học thích hợp hơn để trình bày yếu tố duy nhất và phổ quát trong biến cố Đức Kitô: “Một Kitô học được trình bày trong viễn tượng Thần Khí học cho phép liên kết dễ dàng hơn duy nhất tính với phổ quát tính của Đức Giêsu Kitô. Nó có khả năng chứng tỏ rằng Thần Khí đã tác động trong Đức Kitô với tất cả tính sung mãn cũng chính là Thần Khí hoạt động khắp nơi trong lịch sử nhân loại theo những mức độ khác hơn. Một Kitô học như thế cũng có khả năng chứng minh rằng Đức Kitô là đích điểm và thủ lãnh của mọi người. Thân xác của Đức Kitô, tức Giáo Hội, thì lớn hơn và trải rộng hơn những giới hạn cơ chế của Giáo Hội (…). Tất cả những ai để cho Thần Khí của Đức Kitô hướng dẫn trong niềm tin, hy vọng và bác ái, đều thuộc về Ngài”[33].

Theo Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo, “Thần Khí đã hoạt động nơi trần gian trước khi Đức Kitô được tôn vinh”, nhưng sự hiện diện của Ngài được biểu lộ một cách đặc biệt qua biến cố Đức Giêsu Kitô và “trong ngày lễ Ngũ Tuần”. Thành ra, “các Kitô hữu cần làm chứng đức tin và đời sống Kitô Giáo, đồng thời phải nhìn nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị siêu việt, đạo đức, xã hội và văn hóa nơi những người theo các tôn giáo khác” (NA 2).

Trong Thông Điệp về Chúa Thánh Thần (Dominum et vivificantem) (1986) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh hơn sự hiện diện và tác động của Thần Khí trong lịch sử. Ngày xưa Ngài đã âm thầm hoạt động trong nhân loại trước khi Kitô Giáo xuất hiện và ngày nay Ngài vẫn không ngừng hoạt động trong thế giới, ngay bên ngoài phạm vi của Giáo Hội hữu hình. Thật vậy, chúng ta không thể giới hạn tác động của Thần Khí “chỉ vào hai ngàn năm, kể từ ngày Giáng Sinh của Đức Kitô. Cần phải ngược dòng thời gian, bao trọn tất cả tác động của Chúa Thánh Thần trước Đức Kitô – ngay từ khởi thủy – trong toàn thế giới và đặc biệt trong chương trình cứu độ nơi giao ước cũ”.

Thông điệp “Sứ Vụ Cứu Độ” còn đi xa hơn. Tác động của Thần Khí không chỉ giới hạn ở chiều kích nội tâm và cá nhân, nhưng còn mang chiều kích văn hóa và xã hội: “Thần Khí ấy đã hoạt động trong công cuộc nhập thể, trong đời sống, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu và đang tác động trong Giáo Hội. Ngài không tự thay thế Đức Kitô và cũng không lấp đầy khoảng trống giữa Đức Kitô và Ngôi Lời… Điều mà Thần Khí thực hiện trong tâm hồn con người và trong lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hóa và tôn giáo, là chu toàn nhiệm vụ chuẩn bị cho Tin Mừng. Công tác này của Thần Khí phải được thực hiện trong tương quan với Đức Kitô”[34].

Vì Thần Khí đã và đang tác động nơi các tôn giáo mà vấn đề thần học căn bản về giá trị cứu độ của các tôn giáo được nêu lên. Tài liệu “Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Khác” của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế ghi nhận: “Vì đã minh nhiên công nhận rằng Thần Khí của Đức Kitô hiện diện nơi các tôn giáo, chúng ta không thể phủ nhận việc các tôn giáo, trong tư thế của mình, có thể mang một chức năng cứu độ nào đó, nghĩa là các tôn giáo có thể giúp con người đạt đến cứu cánh tối hậu của mình, cho dù còn mập mờ và thiếu sót (…).

Thật khó có thể quan niệm rằng những gì Thần Khí thực hiện trong tâm hồn mỗi người có giá trị cứu độ, trong khi đó những điều cũng do chính Thần Khí ấy thực hiện nơi các tôn giáo và các nền văn hóa lại không có giá trị cứu độ như thế. Giáo huấn của Giáo Hội gần đây dường như không chấp nhận sự phân biệt triệt để như vậy. Ngoài ra cần phải lưu ý rằng nhiều bản văn mà chúng ta đã qui chiếu không những chỉ nói đến các tôn giáo mà còn nhắc đến các nền văn hóa, lịch sử các dân tộc… bên cạnh các tôn giáo này. Tất cả các dữ kiện đó cũng có thể được ân sủng tác động”[35].

Tính độc đáo và vẻ nghịch thường của Nhập Thể đã nối kết một cách tài tình cá biệt và phổ quát, hữu hạn với Tuyệt Đối, thời gian và Vĩnh cửu. Chính tính độc đáo này cho phép ta nối kết ý nghĩa phổ quát của chương trình cứu độ nơi Đức Kitô với giá trị cứu độ nơi các tôn giáo khác. Mối bận tâm của nhiều thần học gia là giải thích làm sao để có thể bảo vệ duy nhất tính của Đức Giêsu Kitô và đồng thời chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác. Theo E. Schillebeeckx, “Đức Giêsu là biểu hiện duy nhất của ân huệ cứu độ đến từ Thiên Chúa cho tất cả mọi người, nhưng xét theo một phương diện nào đó cũng là biểu hiệu bất tất, nghĩa là mang tính lịch sử và do đó bị giới hạn”.

Chính vì tính cá biệt và lịch sử này của biến cố Nhập Thế, mà “mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, theo như Tin Mừng tường thuật, không có nghĩa tuyệt đối thần linh hóa một đặc thù lịch sử (…). Trái lại mạc khải này dạy chúng ta rằng không một đặc thù nào có thể tự cho là tuyệt đối (…). Chính Đức Giêsu cũng không ngừng hướng chúng ta về Thiên Chúa, Đấng cao trọng hơn Ngài. Ta có thể nói như sau: Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô và trong Thần Khí, tự biểu lộ như Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ, như một Thiên Chúa của con người, của tất cả nhân loại. Chỉ duy Thiên Chúa là Tuyệt Đối, và chẳng có tôn giáo nào tuyệt đối cả”.

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa chỉ là một và bao trọn tất cả lịch sử nhân loại. Biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời trong Đức Giêsu Kitô là cao điểm của tiến trình tiệm tiến qua đó Thiên Chúa đã tự mạc khải cho con người. Hành động “làm người”, cuộc sống nhân loại, giáo huấn, cái chết và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài nói lên ý nghĩa sâu thẳm và tuyệt vời nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Tuy nhiên, tính độc đáo của biến cố Nhập Thể trong chương trình cứu độ cũng không cho phép chúng ta lãng quên hay đánh giá thấp hoạt động thường xuyên của Thần Khí. Sức mạnh chiếu sáng và cứu độ này không hề bị giới hạn bởi tính đặc thù của biến cố lịch sử, trái lại luôn vượt trên tất cả những giới hạn về không gian và thời gian. Quyền lực siêu việt của Ngài cho phép chúng ta nghĩ đến tính đa diện trong cách thế can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại và chấp nhận giá trị tích cực của các tôn giáo khác.

Nói cho cùng khi “Ngôi Lời đã nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga.1,14), tức là cõi vĩnh hằng đã đi vào thời gian và tuyệt đối bắt gặp tương đối để biến đổi nó từ bên trong. Khi Thiên Chúa làm người thì con người được thăng hoa để trở thành con Thiên Chúa. Khi “ánh sáng đến trần gian và chiếu soi mọi người” (Ga.1,9) thì cuộc đời và con người được biến đổi, vì từ đó đã mang trong mình một hứa hẹn tuyệt đối. Và như vậy, theo lời quả quyết của Đức Kitô, “Nước Trời đang ở trong anh em” (Lc.17,21). Kể từ đó, tất cả những gì hữu hạn, tương đối, giới hạn, bất tất… không còn y nguyên nữa, mà phần nào đã được chắp cánh, thăng hoa, tuyệt-đối-hóa, linh-thánh-hóa.

Rồi khi “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (…), vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8) cho mọi người được tha tội (Mt 26,28) thì đương nhiên con đường cứu độ phổ quát đã khai mở cho muôn người, thuộc mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo, mọi chủng tộc…

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (OP),

Giám mục Giáo phận Vinh

(catechesis.net)

----------------------------------------

[1] Một số trích đoạn từ Nguyễn Thái Hợp, Đường Vào Thần Học Về Các Tôn Giáo, Học Viện Đa Minh, 2004.

[2] Epist. ad Jubainum 73, 21; CSEL 3,2, p.795.

[3] De Ecclesiae catholicae unitate 14 ; CSEL 3, p.259.

[4] F.A. Sullivan, Salvation outside the Church? Tracing the History of the catholic Response, New York, Paulist Press, 1992,tr. 22-23.

[5] Ambrosiô, In Ps. 118, Sermo 8, 57; PL 15, 1318.

[6] Phái này chủ trương rằng các bí tích do những thừa tác viên có đời sống luân lý bê bối thi hành thì không thành sự.

[7] Thánh Augustinô, Sermo ad Caesarensis Ecclesiae plebem 6.

[8] Prosper d’Aquinane, De vocatione omnium gentium 2, 17; PL 51, 704.

[9] Fulgence de Ruspe, De veritate praedestinationis 3, 16-18 ; PL 65, 660-661.

[10] Cf. J.P. Theisen, The Ultimate Church …, tr. 16.

[11] Denzinger, Symboles et définitions de la foi catholique, Cerf,Paris, 1996, 1351.

[12] Xin xem toàn bản văn trong FABC Papers, số 64, Hong Kong 1993, tr. 23- 37.

[13] Xem P.F. Knitter, Toward a Protestant Theology of Religions, Marburg, 1974, tr. 32-36; Lưu Hồng Khanh, Thần học tôn giáo, Tin & Sống, Frankfurt, 1994.

[14] Xem đặc biệt bộ Tín lý học, (Church Dogmatics), quyển 1/2 , đoạn 17.

[15] Xem Hiến Chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 1-8.

[16] Tuyên ngôn « Dominus Jesus » đặc biệt nhấn mạnh đến tính độc nhất và duy nhất của Giáo Hội Công Giáo, mà có lẽ chưa đề cập đầy đủ về vai trò của các Giáo hội khác. Xin xem thêm Hồng Y Walter Kasper, « Unità della Chiesa e comunione ecclesiale nella prospettiva cattolica » in Studium Moralia, Roma, 40 (2002), tr.17-37.

17] Xem Claude Geffré, profession théologien, Paris,1999, tr.173-74

[18] Xem GM Nguyễn Văn Hòa, “Kitô học, Giáo Hội Học và Truyền Giáo Học”, Định Hướng, số 16, Hè 1998, tr. 100- 103; Nguyễn Thái Hợp, “Vấn Đề Cứu Độ, trong viễn tượng đa nguyên tôn giáo”, ibidem,112- 122; Karl Rahner, L’unico Gesù Cristo e l’universalità della salvezza, in Nuovi Saggi, vol. VI, Roma, 1978; J. Dupuis, Jésus-Christ à la rencontre des religions,Paris, Desclée, 1989; Paul F. Knitter, No Other Name?, Maryknoll, New York, 1995; John Hick & P. Knitter (ed.), The Myth of Christian Uniqueness, Marynoll, 1998; Walter Kasper, “L’universalité du Christ et le dialogue interreligieux”, La Documentation catholique, 15-IV- 2001, No 2246, tr. 367-372.

[19] Xem Stanilas, Unicité et Monothéisme, Cerf, Paris, 1991; Claude Geffré, “Réflexions théologiques sur le pluralisme religieux”, in SEDOS, July-August, 2003, tr. 103-111; Ch. Duquoc, “Le Christianisme et la prétention à l’université”,Concilium, 155, 1980, 75-85; Fr. A. Sullivan, Salvation Outside the Church? Tracing the History of the Catholic Response, New York/Mahwah, Paulist Press, 1992; J. Hick, The metaphor of God Incarnate: Christology in a Pluralistic Age, London, SCM Press, 1993.

[20] Xem Nguyễn Thái Hợp, “Thách Đố Của Loan Báo Tin Mừng Tại Á Châu Hôm Nay”, trong Chia Sẻ, số 41, 3-2004, tr.11-33; Claude Geffré, “Trách Nnhiệm của Thần Học Kitô Giáo Trước Kỷ Nguyên Đa Phức Tôn Giáo”, ibidem, tr. 34-54.
[21] Cf. John Hick, God and the Universe of Faiths, St. Martin Press, New York, 1973; God has Many Names, Macmillan, London, 1980; P.F. Knitter, No Other Name?, Maryknoll, New York, 1985; J. Hick & P.F. Knitter (ed.), The Myth of Christian Uniqueness. Toward a Pluralistic Theology of Religions, Orbis Books, New York, 1987.

[22] Xem J.P. Schineller, “Christ and Church: A Spectrum of Views”, tr. 545-566; Alan Race, Christians and Religious Pluralism, London, SCM Press, 1983; Paul Tillich, The Kingdom of God and History, University of Chicago Press, 1983; J.B.Cobb & C.Ives, eds., The Emptying God: A Buddhist-Jewish-Christian Conversation, Maryknoll, New York, 1990; J. Hick, The metaphor of God Incarnate: Christology in a Pluralistic Age, London, SCM Press, 1993.

[23] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Kitô Giáo và Các Tôn Giáo, số 21.

[24] Vatican II, Lumen Gentium, số 62.

[25] Xin xem Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, số 5 ; Tuyên ngôn « Dominus Jesus », số 14.

[26] Trích dẫn theo J. Dupuis, Vers une théologie….., tr. 303.

[27] Vatican II, Ánh Sáng Muôn Dân, số 16.

[28] Vatican II, Vui Mừng & Hy Vọng, số 22.

[29] Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis, số 6.

[30] Đối Thoại và Rao Truyền, số 29.

[31] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Kitô Giáo và Các Tôn Giáo, số 49, c & d.

[32] Xc. Vatican II, Gaudium et Spes, 22.

[33] W. Kasper, Jésus le Christ, Paris, Cerf, 1977, tr.409. Xin coi M. Bordoni, La cristologia nell’orizzonte dello Spirito, Brescia, Queriniana, 1995; R. del Colle, Christ and the Spirit: Spirit Christology in Trinitarian Perspective, Oxford University Press, 1994.

[34] Redemptoris Missio, số 29.

[35] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Kitô Giáo và Các Tôn Giáo, 1970, số 84.