Em tên là Asal Habibi…
Em tên là Asal Habibi…và em ở trang bìa báo Paris Match tuần này. Nhiếp ảnh gia Adam Gray, người chụp hình trang bìa kể câu chuyện trên mạng L’Instant về cuộc gặp gỡ của ông với cô bé gái nhỏ bé này, cô bé có cái nhìn đã làm cho ban biên tập xúc động. Từ một tuần nay, nhiếp ảnh gia Adam Gray đưa tin về các biến cố giữa nước Hung và nước Serbia. Một vài chi tiết về công việc của nhiếp ảnh gia.
Em bé gái này tên là Asal Habibi, em 4 tuổi và em đến từ Afghanistan. Sáng chúa nhật 6 tháng 9, cùng với hàng chục người tị nạn Afghan khác em đến thành phố biên giới Roszke của nước Hung. Em và nhóm của mình đi bộ trên đường sắt chạy dài từ Serbia. Đến biên giới, em bị lực lượng an ninh đưa lên một chiếc xe buýt để đưa em về một trung tâm đặc biệt.
Tất cả đều dễ thương một cách không thể tưởng tượng được, tất cả đều vui thích vì được chụp hình, nhất là trẻ con. Đó là điều thường xảy ra trong suốt thời gian tôi đưa tin về cuộc khủng hoảng này. Các người di dân, các người tị nạn tôi gặp, tất cả đều hăng say với ý tưởng mình sẽ được kể câu chuyện đời mình. Khi tình trạng trở nên xấu đi với cảnh sát, các người di dân xin truyền thông ở lại với họ, một cách giúp họ được an toàn, một bảo đảm sẽ chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra cho họ nhờ sự hiện diện của chúng tôi.
Tôi đến đây đêm 3 tháng 9 và từ đó tôi đưa tin các biến cố ở đây. Tình trạng cực kỳ bất ổn và không lường trước được, rất khó để đoán biết được. Đến một lúc các người tị nạn bị chận ở ga Keleti, Budapest, sáng hôm sau họ đi bộ hướng về nước Áo – trước khi chính quyền bất ngờ thuê 100 xe buýt để đưa họ ra biên giới.
“Cũng một cách đó, tình trạng ở biên giới Serbe diễn ra một cách tương đối bình thường cho đến khi có nhiều nhóm khác nhau bỗng quyết định trốn vào làng quê, vượt qua hàng rào cảnh sát. Rất nhiều người đi lạc và không biết mình đi đâu. Họ thích hỏi chúng tôi vì họ không tin cảnh sát. Điều ngạc nhiên nhất đối với tôi trong những ngày này là tình cùng chung sống của người di dân và sự ngây thơ của trẻ con. Chúng rất vui, xem như không có chuyện gì xảy ra. Đương nhiên cũng có những lúc tuyệt vọng, nhưng không hoang mang, hình như chúng quên gánh nặng đang đè nặng trên tương lai của chúng.”
Marta An Nguyễn chuyển dịch.