Hãy quăng lưới: ngư nghiệp thời Chúa Giêsu

Chúa Giêsu giao cho các ngư phủ Bethsaida nhiệm vụ loan truyền sứ điệp. Họ là những người được ủy thác sứ mệnh lưới người và giảng dạy muôn dân. Có thể Ngài làm điều này vì nhiều lý do thực tế...

Hãy quăng lưới: ngư nghiệp thời Chúa Giêsu

Cho đến thời Công đồng Vatican II, người ta nhận ra người Công giáo vì họ ăn cá vào các ngày thứ Sáu. Cá và người Công giáo như chim liền cánh cây liền cành. Con cá là biểu tượng Kitô giáo cổ xưa nhất.

Con cá trong tiếng Hy Lạp là ichthus, là những chữ đầu trong các từ Hy Lạp có nghĩa là - Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Đấng Cứu Thế - Biểu tượng cá đầy dẫy trong nghệ thuật và văn chương Kitô giáo. Biểu tượng này được nhìn thấy trên tranh ghép trong các nhà thờ Kitô giáo, trên bích họa, trên tường hang toại đạo ở Roma, trên cửa kính, chén, quan tài bằng đá, các kỷ niệm bia trên khắp mọi miền đất thuộc thế giới Roma.

Biểu tượng cá được người kitô giáo bị bách hại sử dụng như là mật danh cho Đức Kitô để tránh bị chính quyền Roma bố ráp và hành hình. Khi hình con cá xuất hiện bên ngoài một căn nhà Roma thì điều đó có nghĩa là Bữa Ăn tối của Chúa sẽ được cử hành vào đêm đó.

Cá trong Kinh Thánh

Tầm quan trọng của cá trong Kinh Thánh rất có căn cứ. Trong sách Sáng Thế Ký, cá là tạo vật xuất hiện đầu tiên (Stk 1,2). Chúng là chủng loại duy nhất không được mang lên thuyền Noê, có nghĩa là chúng tự cứu được mình! Trong sách Lêvi, chúng ta thấy có những luật lệ liên quan đến cá nào là thức ăn sạch (kosher[1]) và loại cá nào thì không.

Các phương pháp đánh bắt cá được ghi lại trong sách Khabacúc: lưỡi câu, lưới và chài (1,15[2]). Ông Gióp còn châm biếm hỏi liệu ai cho thể bắt thủy quái bằng lưỡi câu (40,25[3]).

Trong sách I Các Vua, cá gắn liền với sự khôn ngoan của Solomon (5,13[4]). Trong sách Tobia, ông Tobia được căn dặn “Mổ bụng cá ra, lấy mật, tim, gan và giữ nó bên mình, còn ruột thì quăng đi, vì mật, tim, gan của nó làm ra được thứ thuốc công hiệu” (6,3-7). Sau đó, Tobia đã lấy mật cá chữa bệnh đục nhân mắt cho cha mình.

Khi Nơkhemia tái dựng Giêrusalem sau cuộc lưu đày Babylon, Cổng Cá được xây dựng trên tường thành (Nkm 3,3[5]). Các ngư phủ cũng được Giêrêmia nhắc đến khi nói về việc đem người Israel trở về từ Babylon:  “Này đây Ta sẽ sai nhiều ngư phủ đến đánh bắt chúng” (16,16). Một con cá lớn đã ngăn cản ngôn sứ Giona chạy trốn bằng thuyền trên biển Địa Trung Hải và buộc ông quay lại trên đất liền nơi ông phải đến trước hết.

Chúa Giêsu rao giảng với những thuật ngữ ngư nghiệp, vọng lại lời ngôn sứ Giêrêmia khi Ngài nói với Phêrô và những ngư phủ khác: Từ nay các anh sẽ đánh lưới người (Lc 5,11). Hai phép lạ đánh bắt cá được thuật lại trong Luca 5,1-11 và Gioan 21,1-8. Tất cả các tác giả tin mừng đều chứng nhận rằng Ngài đã nuôi ăn nhiều ngàn người với bánh và cá. Ngài so sánh Nước Trời với lưới kéo cá (Mt 13,47-48). Ngài trả thuế bằng đồng tiền tìm thấy trong miệng cá (Mt 17,27). Chúa Giêsu được cho là đã giảng dạy trên thuyền đánh cá và đi lại trên thuyền đánh cá. Đám đông theo Ngài đã mang theo bánh và cá (Mc 6,35-40). Người đói bụng xin cá (Lc 11,11). Chúa Giêsu ăn cá sau khi phục sinh ở Giêrusalem (Lc 24,42), và Ngài nướng cá cho các môn đệ trên bờ biển Galilê (Ga 21,9). Ngài đi đây đi đó với một nhóm ngư phủ. Và quan trọng hơn hết là Chúa Giêsu đã chọn các ngư phủ để làm một công việc quan trọng là rao giảng lời Ngài và xây dựng Giáo Hội của Ngài.

Đánh bắt cá vào thế kỷ thứ I

Biển hồ Galilê nổi tiếng về cá từ thời xa xưa. Có 18 loài cá bản địa ở hồ này. Chúng được xếp loại vào ba nhóm chính: cá mòi, cá “biny” and cá “musht” (còn gọi là cá Thánh Phêrô).

Cá mòi là loài đặc hữu của hồ Galilê. Ngày nay, vào mùa cao điểm, người ta đánh bắt cả mười tấn cá mỗi đêm. Biny gồm ba loại thuộc họ cá chép. Vì thịt chúng béo nên rất được ưa chuộng trong các ngày lễ và ngày Sabbath. Musht là loài cá lớn, có con dài 16 inches (0,4 m) và nặng 2 pounds (0,9 kg).

Hai câu chuyện của Chúa Giêsu có liên quan đến cá musht. Khi mùa đông đến, cá musht, là loài cá nhiệt đới, tập trung tại các nơi nước cạn phía bắc của hồ, nơi có dòng nước ấm từ các con suối dưới chân đồi Eremos đổ vào hồ. Điểm hấp dẫn đó lại là định mệnh cho loài cá này vì là cơ hội cho các ngư phủ đánh bắt được nhiều hơn. Có thể Chúa Giêsu đã nhìn thấy mội bãi cạn đầy cá musht nên bảo Phêrô thả lưới và được một mẻ cá đầy.

Vào mùa xuân, cá musht cặp đôi và đẻ trứng dưới đáy hồ. Sau khi thụ tinh, cá bố mẹ ngậm trứng trong miệng trong vòng ba tuần cho đến khi trứng nở. Cá bố mẹ trông chừng đàn con trong ít ngày. Để ngăn đàn con chui vào miệng lần nữa, cá bố mẹ ngậm những viên sỏi để cho đàn con thấy rằng “căn nhà” của chúng không còn tiện nghi nữa. Có thể chúng đã nuốt những đồng xu cùng với những viên sỏi và nhiều đồng xu được tìm thấy trong miệng cá musht. Đây có thể là điều đã xảy ra khi Chúa Giêsu bảo Phêrô lấy đồng xu trong miệng cá để trả thuế.

Nhiều phương pháp đánh bắt được sử dụng trong nhiều thế kỷ trên biển hồ Galilê. Có người bắt bằng tay không, có người dùng rỗ đan bằng liễu gai hoặc các loại bẫy cá bằng lưới hay dây thừng, có người dùng xiên, cung tên hay lao phóng. Nhưng phương pháp phổ thông nhất vẫn là lưới. Có ba loại đánh bắt bằng lưới.

Lưới kéo là kiểu đánh bắt cổ xưa nhất. Lưới có dạng như bức tường dài 300 feet (91,44 m) và cao 12 feet (3,6 m). Dưới đáy có chì lưới và dây thừng, ở trên có phao bần. Lưới được gấp lại.  Một đội gồm 16 người giữ dây thừng gắn với lưới. Rồi thì con thuyền chèo ra xa với một đội  khác cho đến khi lưới được rải ra hết và đi một vòng tròn trở về bãi biển. Ở đây đội thứ hai bước xuống thuyền và nắm lấy dây thừng. Cả hai đội kéo lưới vào bờ (hy vọng là có nhiều cá). Phương pháp này có thể bắt cá núp dưới đáy hồ. Cá được phân loại ra và người ta lại kéo lưới một lần nữa, có thể lên đến 8 lần trong một ngày.

Lưới quăng có hình tròn  chu vi khoảng 20 feet (6,096 m), có chì gắn dưới đáy. Một người quăng lưới từ trên bờ nhưng cũng có thể từ trên thuyền. Kiểu lưới này đòi hỏi sự khéo léo vì lưới phải mở ra hoàn toàn khi đáp xuống mặt nước thì mới bắt được cá bên dưới chiếc lưới. Phêrô và Anrê đang đánh bắt với kiểu lưới này khi Chúa Giêsu đến gặp họ. Lưới chìm xuống và vây cá lại. Đôi khi người đánh bắt phải nhảy từ thuyền xuống nước để thu lưới và vì thế họ thường trần truồng. Có thể họ đang đánh bắt bằng lưới này khi nhận thấy Chúa Giêsu đứng trên bờ biển (Ga 21,7).

Phương pháp thứ ba là lưới ba lớp, hai mành lưới mắt lớn cao khoảng 5 feet (1,524 m) và một lưới mắt nhỏ ở giữa. Thuyền đi ra chỗ nước sâu, nơi không có đá để lưới không bị rách. Thường là thả lưới ban đêm. Một đầu lưới thả xuống biển, rồi thuyền kéo một vòng tròn như một chiếc chậu dưới nước. Lưới này bắt hết mọi loại cá lớn bé vì không thể thoát khỏi ba lớp lưới. Khi cá được mang vào bờ, phải cẩn thận gỡ cá ra khỏi lưới và như thế đòi hỏi thời gian và khéo léo. Lưới được trải ra trên đá để phơi khô và vá. Chỉ khi khẩn cấp thì mới vá lưới trên thuyền. Như vậy, chúng ta thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới trên thuyền trong Tin Mừng Matthêô (4,21). Và dù khẩn cấp hay không, họ đã bỏ công việc, cha mình  và những người làm công để theo Chúa Giêsu.

Phương pháp cuối cùng vẫn còn được sử dụng ngày nay là lưới và cần câu. Người ta cho rằng Phêrô và Anrê dùng lưới và cần câu để bắt cá có đồng tiền trong miệng (Mt 17,27).

Ngư nghiệp

Các luật lệ về ngư nghiệp rất nghiêm nhặt. Khi kéo lưới lên bờ, cá trước tiên được phân loại thành cá sạch và không tinh sạch. Theo sách Lêvi 11,9-12, cá có vây và vảy thì được xem là sạch, những loại không có vây và vảy như cá trê hay lươn là cá không sạch. Và rồi phải tính số cá. Đếm cá là điều cần thiết để đóng thuế và bảo đảm mỗi người nhận đúng phần công lao của mình. Cá được bán tươi, còn dính nước trên  mình.

Nhiều mẻ cá được mang tới Magdala. Bảo quản cá bằng muối rất thịnh hành vào thời Ptolemies. Trung tâm kỹ nghệ này là Magdala, nơi cá được phơi khô và xuất khẩu đi khắp nơi trong Đế quốc Roma. Magdala trong tiếng Hy Lạp là Tarichaea, nghĩa là “cá khô”. Tại đây, các được đóng giỏ để xuất khẩu và các ngư phủ chất lên những chiếc xe để cho la kéo lên bỏ các cửa tiệm tại Giêrusalem, hay kéo ra bãi biển để chất lên thuyền đi Roma. Cá khô từ Galilê được xem như cao lương mỹ vị trong giới quý tộc Roma. Cá từ Galilê cũng được ưa chuộng tại Damascus.

Ngư nghiệp là một kỹ nghệ phát đạt tại Galilê. Cá là nguồn protein chính và là thị trường lớn. Dân số Palestine vào thời Chúa Giêsu khoảng 500.000 người. Đại đa số ăn cá và bánh mì như nguồn lương thực chủ yếu. Thỏa mãn khẩu vị của tầng lớp thượng lưu tại quê nhà và hải ngoại với cá khô đã là một công việc có nhiều lợi nhuận.

Tại một điểm khảo cổ ở Bethsaida (nghĩa là “ngôi nhà của người đánh cá”), người ta tìm thấy nhiều phương tiện đánh cá: một con dấu bằng đất sét vẽ hai ngư phủ trên chiếc thuyền nhỏ, có lẽ để đóng lên các quai cầm trên những chiếc bình; hòn cân bằng chì, lưỡi câu, kim khâu bằng sắt và đồng, hòn cân bằng đá basalt và sắt, neo. Chắc hẳn, ngư nghiệp là nghề chính của người dân Bethsaida. Một quả cân chưa làm xong cho thấy có một xưởng làm các dụng cụ ngư nghiệp ở Bethsaida. Các bào tử cây lanh cũng được tìm thấy có rất nhiều. Lưới cá được làm từ cây lanh, các cánh buồm cũng vậy.

Tại Bethsaida, chính quyền Philip Herod bán quyền khai thác cá cho những cá nhân giàu có và họ bán lại quyền này cho các ngư phủ. Các ngư phủ phải trả một khoản thuế nặng cho các nhà đầu tư và như thế có sự bằng mặt mà không bằng lòng giữa họ với nhau. Matthêô, người thu thuế, có thể là một người trong số này. Năm tông đồ khác là Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan và Philipphê đều xuất thân từ Bethsaida.

Người làm nghề cá bao quát hết mọi lãnh vực của nghề nghiệp. Họ trang bị thuyền bè và dụng cụ để đi biển. Họ trả tiền công phụ và trả phần trăm cho người thu thuế. Họ bán sĩ bán lẽ, tính toán để bảo trì cá và thuyền bè, mặc cả. Họ mướn thuyền viên và người kéo lưới để làm việc (có thể là lao động phổ thông từng ngày), sửa chữa thuyền, vá lưới, chọn và đếm cá. Những ngư phủ này làm việc trong một hiệp hội pháp lý với những người khác. Họ thuộc về những phường hội nghề nghiệp (cũng giống như các hiệp hội thương mại).

Dêbêđê, cha của Giacôbê và Gioan, có đoàn thuyền riêng của mình và ông mướn người làm công ngày. Ta có thể phỏng đoán rằng ông và các con đã có một hoạt động kinh doanh tầm cỡ, đòi hỏi dịch chuyển nhiều. Phêrô và Anrê có thể là những cộng sự của họ.

Có thể Chúa Giêsu đi Giêrusalem và những nơi khác cùng với những ngư phủ chăng? Những nơi Chúa Giêsu đến đều là những thành phố mà những ngư phủ đến để lấy cá. Trong Tin Mừng Marcô, chúng ta thấy Chúa Giêsu đến Tyrô mà chẳng có lý do gì đặc biệt. Công việc kinh doanh đã đưa các ngư phủ đến đó. Thành phố Tyrô được các Ptolemies Ai Cập xây dựng và là một hải cảng nói tiếng Hy Lạp quan trọng trên bờ biển Phoenician. Kinh doanh ở đây đòi hỏi phải nói tiếng Hy Lạp trôi chảy. Cộng đoàn Kitô giáo sơ thời ở đây đã được sách Tông đồ công vụ chứng thực (21,3-7). Rất có thể Chúa Giêsu đến đó với những người bạn của mình để xuất khẩu cá của họ.

Giacôbê và Gioan, theo các tin mừng, thường xuyên đi Giêrusalem, nơi mà cá của họ bán rất chạy trong những dịp lễ hành hương. Có thể họ cung cấp cá cho gia đình thượng tế (tin mừng nói rằng Gioan quen biết với vị Thượng Tế Caiaphas). Có thể Chúa Giêsu lên Giêrusalem nhân những chuyến đi buôn bán này? Trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy Ngài ở đấy trong nhiều dịp lễ trọng, có thể đây là thời gian mà những ngư phủ đưa cá của họ đến đây.

Chúa Giêsu chọn các ngư phủ

Chúa Giêsu giao cho các ngư phủ Bethsaida nhiệm vụ loan truyền sứ điệp. Họ là những người được ủy thác sứ mệnh lưới người và giảng dạy muôn dân. Có thể Ngài làm điều này vì nhiều lý do thực tế. Họ là những nhà kinh doanh sành sõi, nói được nhiều thứ tiếng. Tiếng mẹ đẻ của họ là tiếng Aram. Họ cũng phải biết tiếng Hípri. Biết tiếng Hy Lạp là điểm quan trọng đối với những người như Phêrô và các cộng sự vì có liên quan đến việc kinh doanh cá. Các tin mừng cho thấy rằng họ có thể nói chuyện với người phụ nữ Syro-Phoenician nói tiếng Hy Lạp (Mc 7,26), với dân chúng miền Thập Tỉnh (Decapolis) nơi xảy ra phép lạ chữa người điếc (Mc 7,31), và sự kiện ông Philip và Anrê nói chuyện với những người Hy Lạp (Ga 12,20-23). Họ cũng có thể biết lõm bõm tiếng Latinh. Phêrô nói chuyện với viên đại đội trưởng Roma, ông Cornelius (Cv 10,25).

Các ngư phủ có những thuộc tính mà những người khác không có. Họ khéo léo trong thương mại, họ biết khi nào, ở đâu và như thế nào để đánh bắt cá, họ cũng kiên nhẫn, không dễ dàng nãn lòng, mạnh mẽ, làm việc chăm chỉ và có khuynh hướng phường hội, cộng đoàn.

Là người kinh doanh, họ phải là người thẩm định đúng đắn, hiểu biết thị trường, ý thức về những trách nhiệm công dân cũng như tôn giáo. Họ phải tôn trọng luật lệ và biết hoạt động trong những giới hạn của luật lệ. Và khi hiến dâng những kỹ năng này cho Đức Giêsu, những ngư phủ này đã làm biến đổi thế giới.

Elizabeth McNamer

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
(WGP.Qui Nhơn 14.09.2015)


[1] Về thức ăn sạch (kosher) và tố chất người Do Thái, xin xem bài nghiên cứu của Ts. Hoàng Anh Tuấn về sự thành công của người Do Thái tại đây: 

http://gpquinhon.org/qn/news/tap-chi-muon-phuong/Giai-ma-su-thanh-cong-cua-Israel-va-nguoi-Do-Thai-4136/#.VeuxAZc7Jvw

[2] Nó thả câu bắt hết, tung lưới chụp lấy tất cả, nó quăng chài gom lại. Vì thế, nó hân hoan vui mừng.

[3] Liệu ngươi có thả câu bắt được con Giao Long, lấy dây buộc lưỡi nó,

[4] Vua nói về các thứ cây, từ cây bá hương ở Libăng cho tới cây ngưu tất mọc ở bờ tường; vua cũng bàn tới các thú vật, các loài chim, các thứ rắn rết và các loại cá.

[5] Con cái Ha Xơnaa xây cửa Cá: họ làm khung, dựng cánh cửa, đặt then cài và thanh ngang