Cuộc khủng hoảng tị nạn là hậu quả của các cuộc chiến tranh và kinh doanh của chính chúng ta
Vatican Insider – Andrea Tornielli
‘Chúng tôi là người tị nạn do cuộc chiến của các bạn,’ đây là dòng chữ trên tấm biển của một người Phi nhập cư đeo trên cổ. Trong kinh Truyền tin hôm 30-8, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc đến những bi kịch trong vài ngày qua là ‘những tội ác xúc phạm toàn thể gia đình nhân loại.’ Các chính trị gia có khuynh hướng phản ứng với các bi kịch này bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giúp đỡ những con người khốn khổ này ‘ở quê nhà’ của họ. Một số còn điên cuồng công kích Giáo hội và đặc biệt là giáo hoàng, số khác nói về một ‘cuộc xâm chiếm’ bất hợp pháp đang diễn ra (bất chấp sự thật rằng con số di dân đến Ý chỉ cao hơn năm ngoái một chút) và số khác nữa thì kêu gọi hạn chế và xây các rào chắn. Một số, thì vẫn tiếp tục lên những kẻ buôn lậu. Nhưng, ít người (nhất là ở phương Tây) suy ngẫm về những nguyên do ẩn tàng của các hiện tượng này. Những gì đang diễn ra có kết nối với một hình mẫu kinh tế nhất định, với các chọn lựa mang tính chiến lược và quân sự trong các thập kỷ vừa qua, với việc cấp tiền cho các quốc gia và các nhóm khủng bố từng một thời là đồng minh với phương Tây nhưng giờ trở giáo làm thù, với các chính sách thiếu hụt chỉ chăm chăm vào các lợi ích nhất thời và các kỳ hạn bầu cử. Tôi xin đưa ra đây một vài trường hợp đáng suy ngẫm.
Trường hợp của Eritrea
Có khoảng 10.000 người Eritrea cập bờ biển Ý quốc trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5, 2015. Những người này đang trốn khỏi quốc gia giàu tài nguyên của mình, vì họ thiếu công việc và cả tương lai. Eden Getachew, cố vấn và nghiên cứu gia của Văn phòng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (UNHCR) nói về tình cảnh của Eritrea rằng: ‘Tôi bắt đầu nghiệp quân đội ở Eritrea năm 17 tuổi. Cho đến trước khi một phụ nữ lấy chồng và có con, thì cô vẫn sẵn sàng cho quân đội nếu cần … Cho dù vẫn còn gia đình ở Eritrea , tôi sẽ không về lại quê hương mình đâu, bởi nếu về lại, thì tôi sẽ hoàn toàn nằm trong tay họ. Dù trên giấy tờ, thời gian nghĩa vụ quân sự là 18 tháng, nhưng thực tế nó là vô tận, đôi khi chẳng được trả lương, hoặc chỉ 1đô một ngày. Binh lính được gởi đi làm việc trong các công ty nhà nước có hợp đồng với các công ty nước ngoài. Chế độ làm ra tiền, và tiền đó giúp giữ quyền lực cho nó. Thật là trái ngược với thập niên 1990, khi nhiều người mong muốn về lại quê hương vì thấy nó đang hồi sinh. Eritrea là một nước giàu tài nguyên nhưng nhà nước chiếm hết. Chi phí sinh hoạt lại cao, các gia đình nhận khẩu phần ăn bằng phiếu được các chính quyền tự trị phân bổ. Các gia đình đối lập với chính quyền thì bị phạt và chẳng được nhận gì.’
Tất nhiên, là có tồn tại các chính quyền bần tiện và các tập đoàn chính trị tham nhũng. Nhưng tại sao không một ai từng hỏi xem liệu các công ty và tập đoàn đa quốc gia thu lợi được gì trong việc duy trì tình trạng này?
Những khoản đầu tư ở Cộng hòa Trung Phi
Trong bài báo với tựa đề ‘Gỗ máu,’ tổ chức phi chính phủ Global Witness đã ghi lại sự kiện phía sau hậu trường trong cuộc xung đột Trung Phi nổ ra từ năm 2012, một trong những khủng hoảng nhân đạo bị bỏ mặc. Từ nhiều tài liệu và lời chứng, cho thấy có một số công ty làm ăn trong ngành khai thác gỗ đã trả tiền cho nhiều nhóm nổi loạn khác nhau, là các nhóm vũ trang bị cáo buộc tội ác chiến tranh, để nhằm bảo đảm các hợp đồng có lợi và được các nhóm quân sự cung ứng gỗ. Các công ty này đến từ Bỉ, Pháp, Đức, Trung Quốc, và Li Băng. Tổ chức Global Witness, đã lên án Liên hiệp Âu châu, cùng với các quốc gia tổ chức khác, vì đã nhập khẩu 2/3 lượng gỗ của Trung Phi, bất chấp các quy tắc của EU.
Các ảnh hưởng của tài chính: Trường hợp của Ghana
Khoản nợ của châu Phi đã lại tăng lên và nhiều chính quyền có vẻ như không thể trả nổi khoản nợ của mình. Thập kỷ trước, nhờ dự án Các Nước Nghèo Nợ cao (HIPC) do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, mà một số nước thu nhập thấp ở châu Phi Hạ Sahara, đã được giảm nợ, và tạo điều kiện cho họ vay các khoản mới. Năm 2007, Ghana là nước đầu tiên mạo hiểm lao vào thị trường quốc tế, phát hành các trái khoán trị giá 750 triệu mỹ kim. Một phần của quỹ đầu tư này được dùng để hỗ trợ cho các hoạt động thuầu khoán nước ngoài ở châu Phi. Nhưng, chúng cũng được dùng để hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn chính trị tham nhũng địa phương. Không có các kế hoạch phát triển tầm quốc gia, các nhà thờ chính tòa được xây dựng trong hoang mạc, những cơ sở hạ tầng rời rạc được dựng lên và các sáng kiến thầu khoán mở ra cho các tập đoàn xuyên quốc gia, đặc biệt là trong ngành khai khoáng thô và lĩnh vực năng lượng. Các đầu tư vô kiểm soát đã dẫn đến lạm phát. Ở Ghana, một quốc gia được xem là điển hình cho quả bom châu Phi dựa theo chỉ số tăng trưởng GDP, thì chính quyền buộc phải bán đi các tài sản chiến lược là nước, dầu, điện, thị trường điện thoại, cocoa, và kim cương. Tất nhiên giới chức Ghana phải chịu một phần trách nhiệm cho việc này, nhưng các tập đoàn tài chính quốc tế cũng vậy, bởi họ đã đòi nhà nước nhượng lại nhiều tài sản để bóc lột tài nguyên thô và tư hữu hóa, nhất là đất, như là điều kiện để tạm ngưng khoản nợ đang tăng. Điều này đem lại nhiều cơ hội kinh doanh lớn cho những người châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ, bởi đồng tiền Ghana đang mất giá trầm trọng. Còn về phúc lợi, thì chẳng được đầu tư gì hoặc là rất ít.
Chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Zambia, nơi chỉ số tín nhiệm của nước này đang tụt dốc trầm trọng sau khi đã phát hành trái phiếu trị giá 750 triệu mỹ kim. Cũng cần nhớ lại hồi tháng 10, 2014, Liên hiệp Âu châu đã ban hành Các Thỏa thuận Đối tác Kinh tế (EPAs) trên tất cả mọi quốc gia có dự phần trong hiệp ước, là các nước đang phát triển đó. Các thỏa thuận này là kết nối mậu dịch, vốn có thể gây các hậu quả tiêu cực hết sức cho các nước châu Phi vốn không thể nào cạnh tranh với nền kinh tế châu Âu. Ở chợ Cotonou, Benin, cà chua được sản xuất ở Ý lại rẻ hơn cà chua của các nông dân châu Phi, một phần là do quy chế trợ giá nông nghiệp của châu Âu. Với tốc độ nà, trong vài năm tới, người dân châu Phi sẽ không còn làm chủ được nguồn nước và bánh mỳ mà họ sản xuất. Chẳng khó gì để nhìn ra rằng sự bần cùng hóa này sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới và lớn hơn nhiều.
‘Chiến tranh của chúng ta’ và các đồng minh của chúng ta đã thành những kẻ khủng bố thời nay
Có một sự thật rất khó để thừa nhận: Các quyết định chiến lược và quân sự của phương Tây trong phần cuối thế kỷ trước đối với Trung Đông và Bắc Phi, đã được chứng minh là thảm họa. Sự cân bằng mỏng manh ở các vùng này, với các đường biên giới chỉ mới được lập hồi đầu thế kỷ XX, đã bị phá rối bởi các quyết định muốn chấm dứt các chế độ độc tài, như của Sadam Hussein và Muammar Gaddafi. Cho dù những người này là các độc tài khát máu, nhưng châu Âu và phương Tây lại xem họ là đồng minh hữu dụng trong nhiều thời điểm, khi cần làm việc gì đó hay cần tiêu diệt kẻ thù của thời điểm đó. Hai cuộc chiến ở Irắc và Libya, được quyết định và thực hiện mà không có bất kỳ kế hoạch nào cho những hệ quả về sau. Và kết quả là chính quyền ở đây bị giải giáp, và hai nước này biến thành hang ổ cho các nhóm khủng bố cực đoan. Con số di dân hiện thời không thấp hơn những năm trước, nhưng khi Gaddafi còn nắm quyền, thì dân tị nạn bị chặn lại và nhiều trường hợp bị bỏ mặc phơi thây trong sa mạc. Làm sao chúng ta quên được việc Taliban là lực lượng được phương Tây chi tiền để chống Xô-viết, và chỉ vài tháng trước khi ISIS xuất hiện, nhiều nhóm vũ trang cực đoan chống lại Bashar al-Assad ở Syria, được chính phương Tây tài trợ vũ khí và tiền bạc? Rồi còn có những liên hệ và hợp đồng khiến cho phương Tây bắt tay đồng minh với các nước Ả Rập vốn là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chủ nghĩa chính thống cực đoan Salafi.
Báo động về Hồi giáo
Trước những cuộc thảm sát đang diễn ra hằng ngày chống lại các Kitô hữu và cả những nhóm thiểu số thậm chí là cả người Hồi giáo nữa, trước các cuộc thanh trừng sắc tộc, cắt cổ và hủy hoại các di sản thế giới, thì người ta ngày càng thấy khiếp sợ ISIS và mục tiêu của nó. Ngược đời thay, trong một vài trường hợp, chính phương Tây từng một thời gọi quân dữ này là đồng minh. Trong khi đó, các nước phương Tây đang làm rất ít hoặc chẳng làm gì để giúp đỡ các học giả của chủ nghĩa Hồi giáo hiện đại, chẳng giúp gì cho các đại học và trung tâm văn hóa, những người thách thức trào lưu chính thống cực đoan, chống lại những tư tưởng hiếu chiến và bất dung của phái Salafi. Ngoài những người biện minh cho ‘thánh chiến,’ thì vẫn có các nhà văn, nhà báo và tư tưởng gia như Sayyed al-Qimani và Khalil Abd al-Karim, những người bác lại trào lưu chính thống cực đoan.
Cha Giulio Albanese, nhà truyền giáo người Colombia và tổng biên tập của tạp chí Popoli e Missione cho biết, ‘Một vài tư tưởng gia và nhà cải cách này đã bị hạ bệ trong thinh lặng, trong sự hờ hững hoàn toàn của phương Tây. Ông nhắc đến trường hợp của Mahmoud Mohammed Taha, người bị treo cổ theo lệnh của tổng thống Sudan, Gaafar Nimeiri vào ngày 18-01-1985. Khi tái diễn giải kinh Quran, ông đã thẳng thắn tách biệt gữa chiều kích tôn giáo có giá trị chung và bất biến, với chiều kích chính trị vốn có liên đới với lịch sử. Ông đề xuất hòa giải Hồi giáo với tự do tôn giáo, nhân quyền và sự bình đẳng giới. Ông đã bị giết như một kẻ bội giáo dưới tay chế độ Khartoum thời đó đang là đồng minh với phương Tây.’ Một người nữa cùng chung số phận là Ali Shariati, cha đẻ của chủ nghĩa cải cách Hồi giáo Iran. Ông đã nói rằng: ‘Chúng ta phải cải cách Hồi giáo, làm cho Hồi giáo là một lực lượng lan truyền tự do trong xã hội chúng ta, vốn đang mắc kẹt trong phạm vi xã hội bộ lạc, hay nói cách khác là như đang ở trong thời Trung cổ của châu Âu vậy. Ngày nay, Hồi giáo đang bị nhưng kẻ phản động lợi dụng để ngăn chặn tiến bộ và phát triển xã hội.’ Và rồi năm 1977, ông bị giết bởi tay cảnh sát mật của Sa hoàng Ba Tư.
Vấn đề di dân
Tất cả mọi chuyện tôi nói ở trên đều chỉ là các ví dụ. Là những ví dụ cục bộ giúp giải thích sự phức tạp của những gì đang diễn ra, và nhu cầu cần có câu trả lời vốn không đơn giản là chỉ giới hạn trong việc tuyên chiến với những tàu buôn lậu hay hạn chế luât nhập cư.
Cha Giulio Albanese cho rằng, ‘Các chính trị gia và nhà bình luận đang nói về nhu cầu cần phải ‘giúp người dân châu Phi ở quê nhà của họ,’ thì cần phải biết rằng điều mà họ nói, đáng buồn thay lại chẳng có trong quá khứ và đến tận ngày nay cũng vậy. Thật vậy, các chính sách đầu tư quốc tế của phương Tây hay các nước nước, đều đang theo một đường hướng hoàn toàn ngược lại. Đây là một nghịch lý khi chúng ta thấy châu Phi có tỷ lệ tăng trưởng vượt xa nhiều nước hàng đầu.’ Về các cáo buộc tham nhũng và nhìn nhận những căn bệnh chính trị tồi tệ của các chính phủ và tập đoàn chính trị châu Phi, cha nói rằng: ‘Chúng ta nói rằng các quốc gia ở nam bán cầu có các chính phủ tham nhũng. Đúng thật là thế. Nhưng tham nhũng là một ngành kinh doanh có cung và có cầu. Bên cạnh các tập đoàn chính trị ở châu Phi, là các công ty đa quốc gia đang khai thác châu lục này một cách bóc lột.
Chúng ta cần phải đặt ra các câu hỏi về chuyện này và về nhu cầu cần phải cải cách hình mẫu phát triển bị áp đặt theo kiểu toàn cầu hóa, những điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ rõ trong tông huấn Niềm vui Tin mừng và tông thư Chúc tụng Chúa.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch.