Tân Phúc Âm Hóa

Bảo toàn căn tính của mình đồng thời thích ứng với thời đại mới luôn là quan tâm hàng đầu của Hội thánh để Lời Thiên Chúa có thể thâm nhập vào mọi nền văn hóa và sinh hoa kết quả dồi dào...

Tân Phúc Âm Hóa

Trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng[1], Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định:

“Không thể có công cuộc Phúc âm hóa thực sự nếu không có việc rao giảng danh tánh, giáo huấn, đời sống, lời hứa và mầu nhiệm Đức Giêsu Nazareth, Con Thiên Chúa. [...]. Công cuộc Phúc Âm hóa phải luôn luôn hệ tại việc công bố rõ ràng rằng nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nơi Đời sống, sự chết và Phục sinh của Người, Ơn Cứu độ được trao tặng cho toàn thể nhân loại, và đó là quà tặng ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó không chỉ thuần túy là một ơn cứu độ ‘nội tại’ nhưng còn vượt quá mọi biên cương để trở thành một thực tại trong thông hiệp với Thiên Chúa Tuyệt Đối; Đó thực là một ơn cứu độ cánh chung ‘siêu việt’ đã khởi sự ngay trong cuộc sống này, nhưng hoàn tất chung cuộc trong vĩnh cửu mai sau”[2]. Đơn giản hơn, Đức Gioan Phaolô II nói: “Phúc âm Hóa là công bố Tin mừng Cứu Độ, loan báo Đức Giêsu Kitô là chính Tin mừng của Thiên Chúa”.[3]

Hơn nữa, đứng truớc ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, nhân loại của thời đại hôm nay với “vui mừng, hy vọng, khó khăn và những ưu tư”[4] đang phải đương đầu với những thách đố mới vốn phát xuất từ một đời sống luôn thay đổi nhanh chóng. Nhân loại ngày nay đang buớc đi với “đôi hia bẩy dặm”. Canh tân luôn là một đòi hỏi bức thiết và quyết định sống còn. Cánh cửa sổ mà Công Đồng VaticanII đã mở ra “để đón một luồng gió mới” nay cần mở rộng thêng thang để có thể đối thoại với thế giới hiện đại hơn nữa. Hội thánh, tự bản chất là có trách nhiệm loan báo Tin mừng cho mọi thời đại cần tìm ra những cách thế mới để loan báo Tin mừng. Nói cách khác, cần có một công cuộc loan báo Tin mừng mới, – Tân Phúc Âm hóa.

Tuy nhiên, “Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8) vẫn là một. Nội dung Lời mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu vẫn luôn y nguyên như ban đầu. Sứ điệp cứu độ vẫn không có gì thay đổi, nhưng cách trình bày luôn cần mới mẻ để phù hợp với thời đại mới, để đáp ứng được những nhu cầu, những thách đố mới. “Một trật tự mới đã xuất hiện và Hội thánh ngày nay vẫn phải đảm nhận những trách vụ to lớn [...]. Điều Hội thánh luôn mong muốn là làm sao để thấm nhập những gíá trị thần linh trường cửu và then chốt của Tin mừng vào ngay chính huyết mạch của nhân loại hiện đại”[5]. Như thế, công cuộc Tân Phúc Âm Hóa là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách. Bài này xin trình bày khái quát về công cuộc Tân Phúc Âm cho thời đại hôm nay.

1. Tân Phúc Âm hóa, con đường nhập thể văn hóa

Từ ngữ Tân Phúc Âm hóa đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên trong chuyến viếng thăm quê hương Ba Lan của Người lần đầu tiên, từ 2-10/6/1979, sau gần một năm lên nắm ngai tòa Thánh Phêrô. Trong bối cảnh kỷ niệm 1.000 năm Phúc Âm Hóa quê hương Người, Đức Gioan Phaolô đã nói: “Khi Thánh giá được dựng lên ở bất cứ nơi đâu, thì đó là dấu chỉ cho thấy công cuộc Phúc Âm hóa đã được khởi sự ở đó”. Trong bài giảng cho những công nhân tại Nove Huta, Ba Lan ngày 9/6/1979, Người phát biểu: “Một cây Thánh giá gỗ mới đã được dựng lên không xa nơi đây trong suốt thời gian kỷ niệm ngàn năm (Phúc Âm hoá đất nước Ba Lan) này. Cây Thánh giá đó như một dấu chỉ nhắc nhở chúng ta rằng trước ngưỡng cửa của một thiên niên kỷ mới, một kỷ nguyên mới, với những điều kiện sống mới, Tin mừng phải được loan báo một cách mới. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đã được khởi sự, như thể một sứ điệp thứ hai, nhưng vẫn luôn là cùng một sứ điệp”. Như thế, từ Ba Lan, lời mời gọi của vị chủ chăn Hội thánh đã vang dội đến Hội thánh trên toàn thế giới. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đã lan rộng khắp địa cầu.

Công cuộc Tân Phúc Âm chính là:

- Gieo hạt giống Lời Chúa trong một nền văn hóa mới với những thách đố mới

- Từ phúc âm Hóa Tới Tân Phúc Âm hóa

a/ Văn hóa là cách sống, cách suy nghĩ, cách hành động. Văn hóa là những yếu tố giúp con người trở thành nguời hơn... Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Cách chung, văn hóa là toàn bộ những yếu tố cá nhân và xã hội quy chuẩn loại biệt để thành “nhân” đồng thời giúp để đảm nhận cũng như kiểm soát hoàn cảnh và định mệnh con người. Mỗi thời đại được đánh dấu bằng những nét văn hóa riêng biệt. Như thế, hạt giống Lời Chúa đến với con người cũng phải qua một nền văn hóa cụ thể nào đó. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4). Đức Giêsu, Con Thiên chúa đã tùng phục văn hóa Do thái, dù Người vượt trên hẳn văn hóa đó. Từ văn hóa Do thái, sứ điệp của Thiên Chúa được loan truyền trong bối cảnh văn hóa La Hy. Trải qua các thế hệ, Tin mừng của Đức Giêsu dần dần nhập thể qua mọi nền văn hóa. Nhưng ngày nay, một nền văn hóa mới đang dần xuất hiện, một nền văn hóa toàn cầu. Đó là một văn hóa được đánh dấu bằng:

- (1) Dân chủ hóa xã hội với kiến thức khoa học kỹ thuật,

- (2) Giải phóng xã hội và chính trị,

- (3) Bừng tỉnh văn hóa,

- (4) Cổ võ nữ quyền,

- (5) Tục hóa,

- (6) Hậu hiện đại,

- (7) Sự nghèo khó cũ và mới,

- (8) Đa nguyên trong tư tưởng và cách sống.

Từ đó tạo nên những thách đố mới. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa trong thiên niên kỷ thứ ba đòi Hội thánh phải quan tâm sâu sắc đến các khía cạnh trên để Lời Thiên Chúa nhập thể vào mọi nền văn hóa.

b/ Trong thông điệp “Loan báo Tin Mừng”, số 20, ĐGH Phaolô VI đã khẳng định rõ ràng: “Sự đoạn giao giữa Tin mừng và văn hóa chắc chắn là một bi kịch lớn của thời đại chúng ta”; Điều này có nghĩa là có một khoảng cách rất lớn giữa Tin mừng và văn hóa. Tin mừng chưa được hội nhập vào văn hóa. Lịch sử truyền giáo ở Châu Mỹ La tinh là một bằng chứng hùng hồn về sự đứt đoạn này. Sự áp đặt Tin mừng lên một nền văn hóa có nguy cơ biến việc truyền giáo trở nên bành trướng về địa lý và số lượng người gia nhập, chứ không thâm nhập vào chính nền văn hóa đó. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi hội nhập (Incarnation), chứ không phải chỉ thích ứng (Adaptation).

Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa nhập thể là kiểu mẫu cho việc hội nhập. Lời đã thành người, đã “học ăn, học nói, học gói, học mở” như mọi nguời chung quanh. Hơn nữa, hai khía cạnh của công cuộc Tân Phúc Âm hóa là nhân bản và tiến bộ. Tính nhân bản của Tân Phúc Âm hóa đòi tôn trọng lịch sử và văn hóa địa phương của mỗi dân tộc đón nhận Tin mừng. Tính tiến bộ của Tân Phúc Âm hóa đòi phải quan tâm đến những phát triển khoa học kỹ thuật ngày càng cao của toàn nhân loại. Nói cách khác là cần quan tâm đến văn hóa địa phương cũng như văn hóa toàn cầu.

2. Tân Phúc Âm hóa trên các nẻo đường...

Công cuộc Tân Phúc Âm hóa được thực hiện khắp các đại lục...

* Với Châu Mỹ Latinh, Tân Phúc Âm hóa là “mới trong nhiệt tình, mới trong phương pháp và mới trong cách trình bày”[6]. Như thế, Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa chính là “để khơi lên khát vọng sống thánh thiện, tái khám phá những giá trị Kitôgiáo, để thống nhất và trung thành với đạo lý của Hội Thánh, ngăn ngừa những bất trung thành, những đoạn giao diễn ra nơi xã hội và ngay trong chính tâm hồn mỗi nguời khởi đi từ sự gãy đổ giữa đức tin và cuộc sống, để cổ võ cho phẩm giá con người, quyền lợi và khát vọng của họ, để đánh giá cao những văn hóa, tôn giáo, truyền thống khác nhau, để giảm thiểu cám dỗ chạy theo những thần tượng giả trá, vốn chỉ dẫn đến hư vong như tiền bạc, quyền lực... Nơi đất nước Châu Mỹ Latinh, công cuộc Tân Phúc Âm luôn là chọn lụa đứng về phía nguời nghèo.

* Với châu Âu, công cuộc Tân Phúc Âm hóa chính là “sự sống còn của tâm hồn Kitô giáo tại Âu Châu”. Bởi lẽ, châu Âu đã từng là lục địa Kitô giáo lâu năm, nhưng ngày nay, châu Âu đang mất dần ưu thế này, vì các trào lưu phủ nhận tôn giáo, vì“Thiên Chúa đã chết, vì chủ nghĩa vô thần thực hành, vì phong trào tục hóa có hệ thống đang bành trướng khắp lục địa này, nhất là cám dỗ loại trừ Thiên Chúa nhân danh con người”. Thực vậy, trước một xã hội Âu châu đa nguyên, tục hóa, đầy những thách đố, và đang dần “mất gốc”, công cuộc Tân Phúc Âm không là gì khác hơn là trở về với chính mình, Tự Phúc âm hóa chính mình.

* Với châu Phi, một lục địa đen, đa sắc tộc, bị thực dân hóa hơn bất cứ nơi đâu, nhân phẩm con người bị coi như bèo bọt, nhất là chế độ nô lệ kéo dài hơn 400 năm qua đã khiến hàng triệu người bỏ xứ tha hương cầu thực, cộng thêm với việc bị các nước phát triển bóc lột đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... tất cả những điều trên tạo nên một bức tranh thẫm mầu, nghèo đói cùng cực. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa này đòi tôn trọng căn tính của từng sắc tộc. Điều này chỉ có thể thực hiện được với sự táo bạo, sáng tạo cộng với việc nhận ra dấu chỉ thời đại được Chúa Thánh thần thúc đẩy và hướng dẫn.

* Với châu Á, công cuộc Tân Phúc Âm hóa tại đây sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với các châu khác, vì nơi đây là “vương quốc” của văn hóa, xã hội và các tôn giáo lớn. Arnold Toynbee, một nhà sử học và triết học lớn, người Anh, đã phát biểu cách đây vài thập kỷ rằng: vào thế kỷ 21, cuộc đối đầu đáng kể nhất là giữa Kitô giáo với các tôn giáo lớn miền Cận Đông, chứ không phải với chủ nghĩa Mác-xít. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa châu Á phải là cuộc đối thoại 3 mặt: (1) với các văn hóa và các giá trị tôn giáo, (2) với các tôn giáo lớn, (3) với người nghèo, vốn chiếm đa số tại lục địa này.

Cách riêng, tại Việt Nam chúng ta, ngày nay đang dần xuất hiện một thứ chủ nghĩa thực dụng, hưởng thụ. Các báo chí cho biết Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, căn bệnh dịch thế kỷ AIDS ngày càng lan rộng trong thanh thiếu niên qua con đường mại dâm, quốc nạn cái chết trắng – ma túy hoành hành trong giới trẻ, học sinh, sinh viên ngày càng tăng… Tất cả những điều trên tạo nên một bức tranh khá đen tối, khi hướng nhìn về tương lai, khiến các bậc phụ huynh hoang mang lo lắng cho con em mình hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó một nền văn hóa Á Đông trọng nhân nghĩa, đạo hiếu... vốn cắm rễ sâu trong văn hóa Việt Nam từ bao đời. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại vấn đề này trong một số dành riêng “Tân Phúc Âm hóa tại Việt Nam”.

3. Linh Đạo cho Tân Phúc Âm hóa

Trước tiên, “không có hoạt động của Chúa Thánh Thần, không bao giờ có bất kỳ một Tin mừng hóa nào. Chính Chúa Thánh Thần tác động đàng sau sứ vụ của Hội thánh”[7]. Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Hãy để Thánh Thần hướng dẫn. “Hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4,23). Thánh Thần là nguyên lý làm cho sống, phát triển mạnh mẽ và trường tồn. Nhờ Thánh Thần tác động, Hội thánh luôn mới và thăng tiến luôn.Thánh Thần luôn hướng dẫn công cuộc Tân Phúc Âm hóa của Toàn Giáo hội này. “Phúc âm hóa là công việc của toàn Hội Thánh”[8].

Thực vậy, mọi thành phần trong Hội Thánh đều phải góp phần để làm cho Tin Mừng lan rộng đến khắp mọi nơi, tùy theo chức bậc, hoàn cảnh sống của mình. Công cuộc Tân Phúc Âm hóa không hệ tại làm nhiều điều mới, nhưng là làm mới mọi điều. “Này, Ta làm mọi sự nên mới” (Kh 21,5). Như thế, cần có một quan điểm Phúc âm hóa mới, tức là với một nhiệt tình mới, phương pháp mới và lối trình bày mới. Một nhiệt tình mới không chỉ là thái độ hâm nóng lại ngọn lửa nhiệt tâm, nhưng còn đòi nhiều cương quyết và nỗ lực trong suy nghĩ cũng như hành động. Phương pháp mới đòi phải đi theo việc phân tích những hoàn cảnh đang chuyển biến nhanh mỗi ngày và đáp ứng những hoàn cảnh đó. Lối trình bày mới không chỉ bằng lời, nhưng còn là hành động có sức khơi lên và giải quyết vấn đề.

Để có thể thục hiện được điều này, cần có một kế hoạch mục vụ “bài bản”, có hệ thống cho toàn thể Hội Thánh. Kế hoạch phổ quát này phải nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của con người, ở mọi nơi mọi chốn, thuộc bất cứ nền văn hóa nào. Kế hoạch mục vụ này cần quan tâm đến yếu tố hiểu rõ thực tại con người hôm nay đang sống nhờ sự cộng tác đắc lực của các khoa học nhân văn. Thực tại xã hội con người sống bao gồm mọi khía cạnh văn hóa, tôn giáo, chính kiến… khác nhau, do đó cần cổ võ sự liên đới huynh đệ và giải phóng.

Bảo toàn căn tính của mình đồng thời thích ứng với thời đại mới luôn là quan tâm hàng đầu của Hội thánh để Lời Thiên Chúa có thể thâm nhập vào mọi nền văn hóa và sinh hoa kết quả dồi dào. Công cuộc Tân Phúc Âm là một công trình dài lâu, được Thánh Thần hướng dẫn đến chỗ thành toàn là “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” trong một “trời mới, đất mới”.

Phương Anh, OP.
catechesis.net

Viết theo:

* ĐGH Gioan Phaolo II, Tông thư “Tiến đến ngàn năm thứ ba” Vatican, 1994.

* Jesus Alvarez Gomez, “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa cho thiên niên kỷ thứ ba”, ICLA and Claretian Publication, 1997 và tài liệu khác)

 


[1] Evangelii Nuntiandi. Viết tắt: “EN”

[2] Evangelii Nuntiandi, số 22 và 27

[3] Đức Gioan Phaolô II, Thư gửi Hiệp hội tu sĩ Brazil, ngày 11.7.1989

[4] Công đồng Vatican II, Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, số 1

[5] Lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trong Công Đồng Vatican II ngày 25.1.1961

[6] ĐGH Gioan Phaolô II, phát biểu tại Salto, Uruguay, ngày 9.5.1988

[7] Thông điệp “Loan Báo Tin Mừng”, số 75-76

[8] Thông điệp “Loan Báo Tin Mừng”, số 60