Nhân vụ Hoa Kỳ công nhận hôn nhân đồng tình : Sẽ không có gam màu thứ ba!
Theo quan niệm truyền thống và giáo lý đức tin Công Giáo, Hôn nhân là định chế do Thiên Chúa thiết lập và thiết lập ngay từ thuở khai sinh con người với đôi nam nữ A-đam và E-Va. Và chắc như đinh đóng cột, chính nhờ định chế thiêng liêng và bất khả thay thế nầy, mà nhân loại mới tồn tại và phát triển cho đến hôm nay được gần 7 tỷ con người.
Đố ai tìm được một trong 7 tỷ con người này là kết quả từ một cuộc hôn nhân đồng tính ? Chắc chắn trăm phần trăm 9 ông thẩm phán và chánh án Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, đặc biệt 5 ông bỏ phiếu thuận việc chuẩn nhận hôn nhân đồng tính hôm 26/6/2015 vừa qua, không có ông nào “hiện hữu” từ cha hay mẹ đồng tính cả.
Vậy căn cớ gì mà cái “Tối Cao Pháp Viện” với chỉ có 9 con người, trong đó chỉ với 5 lá phiếu thuận, đã áp đặt lên một đất nước văn minh và truyền thống như Hoa Kỳ một khoản luật gần như đi ngược lại với văn minh con người liên quan đến một định chế thiêng liêng đã có từ thuở khai thiên lập địa đó là Hôn Nhân.
Thôi thì có thể nại ra những lý do về lợi ích của luật pháp, của nhân quyền, của tự do… và của cả cái não trạng duy lợi ích và duy tiến bộ để bênh vực cho quyết luật nầy. Nhưng chắc chắn có một điều không chối cãi là những cái đầu “phò hôn nhân đồng tính” đã hiểu Hôn Nhân theo một chiều kích khác, một chiều kích mà tự bản chất không thể định nghĩa hay xác định đó chính là Hôn Nhân đích thực.
Xin đan cử : Thẩm phán Anthony Kennedy, một người Công Giáo nhưng khét tiếng là chống lại những giáo huấn xã hội của Giáo Hội về hôn nhân, trợ tử, và án tử hình, cho rằng định chế hôn nhân đã “tiến hóa theo thời gian”, và bản chất của hôn nhân là một sự chia sẻ thân mật, không cần người đối tác phải là người khác giới.
Thẩm phán Kennedy thẳng thừng bác bỏ khái niệm hôn nhân được nêu trong sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo theo đó định hướng của hôn nhân là sinh sản. Ông ta viết: “Khả năng sinh sản, ước muốn, hoặc hứa hẹn sinh sản không phải và cũng chưa bao giờ là một điều kiện tiên quyết cho một cuộc hôn nhân có giá trị trong bất kỳ quốc gia nào” [1]
Nếu quan niệm như ngài Thẩm phán trên, quả thật khái niệm về Hôn Nhân đã thay đổi tự bản chất. Bởi chưng, Hôn Nhân, từ thuở khai thiên lập địa đến nay và cho mãi đến tận cùng thế giới, luôn bao gồm hai yếu tố cốt lõi : sự phối hợp giữa người Nam và người Nữ và hướng đến việc sinh sản.
Nếu được dùng một ví dụ điển hình để minh họa cho ý nghĩa Hôn Nhân truyền thống xưa nay thì có thể được hiểu qua hình ảnh sau đây : Hôn Nhân chính là gam màu thứ ba sau khi kết hợp hai gam màu khác nhau.
Trắng và trắng không thể cho gam màu thứ ba ; cũng vậy, không thể xuất hiện một gam màu nào khác khi không phải là hai gam màu khác nhau phối hợp lại.
Như vậy, cứ phối hợp hai gam màu giống nhau đi, nhưng đừng gọi cái kết quả đó là tên một gam màu khác.
Hôn nhân đồng tính cũng là như thế đấy. Hai người cứ đến với nhau đi, cứ yêu nhau đi, cứ làm tình thoải mái đi, cứ sống chung cho đến trọn đời đi, nhưng tuyệt đối không được gọi đó là Hôn Nhân.
Luật pháp cứ ra luật để bảo vệ họ, xã hội cứ khoan dung và đối đãi với họ cách bình thường như với bao nhiêu người, Giáo Hội luôn nỗ lực chăm sóc và thương yêu họ, nhưng tuyệt đối không khuôn đúc loại sống chung này là Hôn Nhân.
Bởi đơn giản, Hôn Nhân đích thực chính là gam màu thứ ba của hai thứ màu sắc khác nhau hòa trộn lại, mà sự kết hợp của những cặp đồng tính thì tuyệt nhiên không bao giờ làm nên được.
[1] Bài viết : Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết công nhận “hôn nhân đồng tính” Đặng Tự Do, Ngày 26/6/2015. Vietcatholic
(LM. Giuse Trương Đình Hiền, VCN 01.07.2015)