Ý Nghĩa Của Sự Phục Sinh Trong Tân Ước: Cội Nguồn Do Thái Giáo

Sự phục sinh trong Tân Ước cũng được hiểu và phát triển trong cách hiểu của người Do Thái. Trong toàn bộ các sách Tân Ước, chúng ta thấy rõ sự phát triển này trong bộ hai tác phẩm của Luca: Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ.

Ý Nghĩa Của Sự Phục Sinh Trong Tân Ước: Cội Nguồn Do Thái Giáo

Để hiểu Tân Ước nói gì về sự phục sinh, chúng ta cần phải am tường bối cảnh tôn giáo của các bản văn Tân Ước cũng như bối cảnh của những người đọc các bản văn này. Chúng ta phải xét đến ngữ cảnh của người viết lẫn độc giả, nghĩa là thế giới ý nghĩa của người Do Thái.

SỰ PHỤC SINH TRONG TƯ TƯỞNG DO THÁI 

Quan niệm tôn giáo về sự phục sinh của người chết hầu như không được người Do Thái cổ xưa biết đến. Mãi cho đến thế kỷ thứ I và II trước Công nguyên cũng không. Chính xác đây chỉ là hình thức muộn thời của niềm tin Do Thái giáo, được Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài chia sẻ. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhắc đến sự phục sinh trong sách Maccabê 1 và 2, sách Daniel. Hơn nữa, chúng ta cũng biết rằng trong Do Thái giáo thời ấy, niềm tin vào sự phục sinh của người chết không được mọi người Do Thái đồng tình. Những người Samaritanô rõ ràng không tin điều ấy, người Sađucêô cũng không. Bởi thế cho nên không mấy ngạc nhiên khi người Sađucêô không tin vào các thực tại thiêng liêng nói chung như linh hồn, thần khí, ma quỷ, vv…, không tin vào sự phục sinh. Trong khi vấn đề này đặt ra nhiều điểm quan trọng, cần phải nói rằng người Do Thái Giêsu và các môn đệ người Do Thái của Ngài, gồm cả các tác giả Tân Ước, hầu như tin chắc vào sự phục sinh của người chết.

Những người Do Thái vào thời Đức Giêsu thật sự đã hiểu gì về sự phục sinh của người chết? Họ quan niệm thế nào? Đây thật cũng là mớ bòng bong. Như đã nói, người Sađucêô và Samaritanô phủ nhận bất kỳ ý niệm nào về sự phục sinh của người chết. Cũng chẳng biết người Essênêô, một nhánh Do Thái giáo thời ấy, quan niệm thế nào. Họ có nghĩ rằng phục sinh người chết là thân xác sống lại, hay chỉ đó là sự hiện hữu thiêng liêng kéo dài của linh hồn như một bản thảo trong Bản Cuộn Biển Chết (1QS 4:7-8) đã nói: “Niềm vui vĩnh cửu trong cuộc sống, triều thiên vinh quang và vẻ ngoài đường bệ trong ánh sáng khôn cùng”? Thật khó mà nói được. Ngay cả người Pharisiêu cũng có vài vấn đề. Họ tin rằng người công chính sẽ chỗi dậy từ cõi chết và sau đó nhập vào thân xác, nhưng sử gia Josephus cho rằng họ chỉ tin điều này về linh hồn và thân xác của người công chính, còn linh hồn của kẻ tội lỗi vẫn tách biệt khỏi thân xác và chịu hình phạt đời đời (Josephus, Cuộc chiến tranh Do Thái, 2:163).

Tuy nhiên, các nguồn sách vở kinh sư sau này cho thấy rằng chỉ một thời gian ngắn sau thời Chúa Giêsu – có lẽ chỉ sau khi Đền Thờ Giêrusalem bị người Roma phá hủy vào năm 70 công nguyên – thì sự phân biệt giữa số phận người công chính và người tội lỗi đã biến mất, và niềm tin rằng mọi người sẽ sống lại, hợp nhất cả hồn và xác, có người hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, có người phải chịu hình phạt đời đời, dường như đã trở thành quan điểm chung.

Sự phục sinh trong Tân Ước cũng được hiểu và phát triển trong cách hiểu của người Do Thái. Trong toàn bộ các sách Tân Ước, chúng ta thấy rõ sự phát triển này trong bộ hai tác phẩm của Luca: Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ.

SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU

Hẳn nhiên, trong Tân Ước, biến cố định hình và trở thành chuẩn mực cho niềm tin Kitô giáo vào số phận của người chết là sự phục sinh của Chúa Giêsu. Các tác giả Tin Mừng chia sẻ vài đồng thuận nào đó về vấn đề này. Sự phục sinh của Đức Giêsu là biến cố có thực, một biến cố lịch sử không tranh cãi, nhưng chính ý nghĩa của biến cố này mới là điều quan trọng đối với các tác giả Tân Ước. Sự phục sinh của Đức Giêsu khai mạc tiến trình cánh chung, chương cuối cùng trong lịch sử nhân loại, và nhờ đó mà vận mệnh cánh chung của các tín hữu được bảo đảm. “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6, 8). Hơn nữa, phục sinh của Đức Giêsu là sự xác minh cho căn tính cứu thế của Ngài và cho thấy sự tưởng thưởng của Thiên Chúa cho sự đau khổ và cái chết nhục nhã của Ngài. Cái nhìn này về sự phục sinh của Đức Giêsu được tìm thấy trong khắp cuốn Tân Ước.

Trong số những đề cập đến sự phục sinh và ý nghĩa của nó trong Tân Ước thì các nguồn quan trọng nhất là các thư của Thánh Phaolô, các sách Tin Mừng, và cuốn Tông Đồ Công Vụ. Ở đây chúng ta sẽ bàn đến những nguồn này theo trật tự: trước hết là Thánh Phaolô, rồi đến các Tin Mừng – đặc biệt là Tin Mừng Luca – và cuối cùng là sách Tông Đồ Công Vụ.

PHỤC SINH THEO THÁNH PHAOLÔ

Thánh Phaolô không quan tâm đến trình thuật về sự phục sinh của Đức Giêsu cho bằng ý nghĩa của biến cố này đối với các Kitô hữu. Đối với Thánh Phaolô, biến cố lịch sử mà Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết chỉ là một sự kiện. Giống như những tác giả Tân Ước khác, Thánh Phaolô tin rằng thực tại thể lý và lịch sử của biến cố Đức Giêsu phục sinh là điều không thể chối cãi:

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. (Rm 15, 3-8)

Là người sáng lập và phát triển các cộng đoàn Kitô giáo, Thánh Phaolô đã có hướng nhìn của một nhà giảng thuyết và là chủ chăn, phải cố gắng làm sao để mở bật ra ý nghĩa của biến cố này cho các Kitô hữu. Khi rao giảng, Thánh Phaolô đã phải khó khăn nối kết biến cố lịch sử của sự phục sinh thân xác nơi Chúa Giêsu với sự phục sinh của mọi người đã chết khi Đức Kitô trở lại. Vì thế, trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Thessalônica, Thánh Phaolô dùng sự phục sinh của Chúa như là một bảo đảm rằng số phận của Chúa Giêsu cũng được chia sẻ với những ai tin vào Ngài: “Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4, 14). Thánh Phaolô là tác giả đầu tiên trong Tân Ước đã nối kết niềm hy vọng cánh chung đã được bảo đảm của sự phục sinh nơi Chúa Giêsu và nơi các tín hữu với nghi thức rửa tội.

Trong thư gởi các tín hữu Roma, Thánh Phaolô đã chứng minh nhờ bí tích rửa tội mà các Kitô hữu được chia sẻ số phận này của Chúa Phục Sinh: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 3-4). Sau này, Thánh Basiliô, một trong những giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, đẫ nối kết cách sinh động hơn nữa: “Qua bí tích rửa tội, chúng ta bắt chước cuộc mai táng của Đức Kitô. Thân xác của người chịu phép rửa tội được chôn vùi trong nước …” (Basil, Về Chúa Thánh Thần).

Như vậy, Thánh Phaolô đã dùng sự kết hiệp với Đức Kitô trong bí tích rửa tội như một nền tảng cơ bản cho nhiều giáo huấn phát sinh của ngài. Chẳng hạn, trong 1 Côrintô, Thánh Phaolô đã rút ra một vài tiêu chuẩn luân lý cho đời sống người Kitô hữu như là hệ quả của sự thâm nhập vào Đức Kitô nhờ bí tích rửa tội, Vì đã được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô (en Christo trong tiếng Hy Lạp) qua bí tích rửa tội nên người đã được rửa tội không thể kết hợp thân xác này với gái điếm cũng như không thể mang thân xác này vào các đền đài thờ cúng ngẫu tượng ngoại giáo.

Trong 1 Thessalônica, Thánh Phaolô dạy rằng người Kitô hữu được kết hiệp với Đức Kitô qua bí tích rửa tội, khi qua đời thì họ cũng không chia lìa với mọi người khác, ngay cả chính sự chết. Sự chia lìa với những Kitô hữu thân yêu đã qua đời của chúng ta chỉ là vẻ bề ngoài, không phải là thực sự, cho nên chúng ta không cần phải buồn sầu thái quá. Như vậy, Thánh Phaolô đã gởi sứ điệp an ủi đến những người Thessalônica, dựa vào phép rửa của họ với Đức Kitô Phục Sinh: “Chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4, 13). Do đó, đối với Thánh Phaolô, chính cái ý nghĩa của sự phục sinh nơi Đức Kitô mới là điều quan trọng đối với Kitô hữu chứ không phải trình thuật về biến cố phục sinh hay ngôi mộ trống. Chính thần học về bí tích rửa tội của Thánh Phaolô, dựa trên niềm tin chắc chắn của ngài về sự phục sinh, mà Giáo Hội đã đặt nền tảng cho những giáo huấn quan trọng về sự sống đời sau, về Giáo Hội học, hành vi luân lý của người Kitô hữu cũng như niềm tin các thánh thông công. 

PHỤC SINH THEO CÁC TIN MỪNG

Các trình thuật Tin Mừng về biến cố phục sinh của Chúa Giêsu phản ánh quá trình phát triển về ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời, một sự phát triển chịu ảnh hưởng đặc biệt của Thánh Phaolô hoặc qua đó nói lên rằng Thánh Phaolô và các tin mừng cùng chia sẻ chung với nhau các truyền thống sơ thời về sự phục sinh. Từ Tin Mừng đầu tiên của Thánh Marcô cho đến Tin Mừng cuối cùng của Thánh Gioan, chúng ta thấy rằng những trình thuật chi tiết về việc khám phá ngôi mộ trống đã có sự khác biệt – không có những chứng nhân trực tiếp về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chỉ là những gì xảy ra sau này. Có một số chi tiết khác nhau: khác nhau về căn tính của chứng nhân, cả con người lẫn thiên thần; lời chứng cũng khác nhau và sự gặp gỡ của các nhân chứng với Chúa Giêsu phục sinh cũng khác nhau. Nó thay đổi từ Tin Mừng này đến Tin Mừng khác. Dù rằng xét tổng thể thì trình thuật về sự phục sinh của mỗi Tin Mừng xem ra giống nhau, nhưng ý nghĩa được gán cho sự phục sinh trong Tin Mừng Luca và Tông Đồ Công Vụ đáng chúng ta để ý vì nó đặt nền trên Sách Thánh của Do Thái giáo.

Ý NGHĨA CỦA SỰ PHỤC SINH TRONG LUCA VÀ TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ

Mặc dù các trình thuật Nhất Lãm giống nhau, nhưng nhãn quan của Luca khác biệt đáng kể. Trong Tin Mừng của mình, Thánh Luca nhấn mạnh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là cần thiết (dei trong tiếng Hy Lạp). Nó cần thiết để Sách Thánh được “ứng nghiệm” (Lc 4, 21; 9, 51; 18, 31; 21, 22; 23, 37; 24, 44). Đối với Thánh Luca, cả trong Tin Mừng lẫn Tông Đồ Công Vụ, phục sinh được hiểu như là sự ứng nghiệm cần thiết của niềm hy vọng và lời tiên tri trong Do Thái giáo thưở xưa. Điều này thật rõ ràng trong câu chuyện làng Emmau, khi Chúa Giêsu phục sinh hỏi: “Chẳng phải là điều cần thiết khi Đấng Cứu Thế phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” và rồi “bắt đầu từ ông Môisê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 26-27).

Như Luke Timothy Johnson đã viết trong chú giải Tin Mừng Thánh Luca (Sacra Pagina 3, 405), Thánh Luca gắng sức chứng minh rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã được Sách Thánh tiên báo: sách Torah, sách Các Tiên Tri và những bản văn khác. Về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Thánh Luca luôn nhất quán trong Tin Mừng của mình cũng như khi viết về lịch sử Giáo Hội sơ thời trong Tông Đồ Công Vụ. Trong cả hai cuốn sách, “Thánh Luca sử dụng “lời tiên tri và sự ứng nghiệm” nhiều hơn hết trong tất cả các bản văn khác của Tân Ước” (Luke Timothy Johnson, Tông Đồ Công Vụ, Sacra Pagina, 5, 12).

Không giống như các Tin Mừng, Tông Đồ Công Vụ không có trình thuật ngay sau khi Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng như trong Thánh Phaolô, nhờ Tông Đồ Công Vụ mà chúng ta biết được ý nghĩa của sự phục sinh trong Giáo Hội sơ thời cũng như nó được rao giảng như thế nào. Như đã nói trên, một phát triển quan trọng trong Tông Đồ Công Vụ là trình bày cách hiểu của Giáo Hội sơ thời về sự phục sinh của Chúa Giêsu như là một phần ứng nghiệm các lời tiên báo của Cựu Ước được hoàn tất trong Chúa Giêsu (Cv 1, 16; 13, 27).

Trong bài đại diễn từ đầu tiên của Tông Đồ Công Vụ (Cv 2, 14-36), Thánh Phêrô trình bày cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như là “áp dụng chú giải midrash các bản văn về Đấng cứu thế trong sách Torah” (Johnson, Tông Đồ Công Vụ, 54). Trong diễn từ này, Thánh Phêrô trích dẫn ngôn sứ Gioel và Thánh Vịnh 15, chủ đề này cũng được tiếp nối trong các diễn từ khác của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô trong Tông Đồ Công Vụ. Như vậy, Thánh Luca “thành công cách thuyết phục trong việc làm cho câu chuyện về Đức Giêsu của mình và bước khởi đầu của người Kitô hữu như là sự nối dài của lịch sử Thánh Kinh” (Ibid., 12). Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một phần của kế hoạch lớn lao hơn của Thiên Chúa, được khai mạc trước hết nơi dân Do Thái, được Sách Thánh của họ tiên báo, và cuối cùng ứng nghiệm và có hiệu lực trong sự phục sinh của Chúa Giêsu.

William L. Burton, OFM
The Bible Today,
Vol. 49, số 45, September/October 2011, tr. 285-290
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ