TÁI KHÁM PHÁ CÔNG ĐỒNG VATICAN II - “NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ” TRONG CHÍNH NGÔI NHÀ CỦA MÌNH

Một bài viết đã khá lâu, nhưng vẫn thích hợp để đọc lại trong dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vatican II. Có thể nói Vatican II thực sự là một biến cố đặc biệt đem lại luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, canh tân Giáo Hội về mọi phương diện. Trong khuôn khổ những suy tư và nghiên cứu cá nhân, xin được chia sẻ đôi chút những khám phá của mình về Vatican II, đặc biệt về vai trò của nữ giới trong Công Đồng.

 

TÁI KHÁM PHÁ CÔNG ĐỒNG VATICAN II
“NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ”
TRONG CHÍNH NGÔI NHÀ CỦA MÌNH
Sr. Ngọc Lan, fmm.
 
ĐÔI NÉT VỀ BỐI CẢNH CỦA VATICAN II
Ngày 8/12/2005, toàn thể Giáo Hội vui mừng kỷ niện đúng 40 năm ngày kết thúc Công Đồng Vatican II, một biến cố có tầm ảnh hưởng vô cùng quan trọng trên đời sống của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Thế nhưng mỗi lần nhắc đến Vatican II nhiều người lại nghĩ bụng: “Biết rồi, khổ quá, nói mãi”… Hỏi các bạn trẻ, họ dường như không biết gì đến đời sống của Giáo Hội trong giai đoạn trước Công Đồng. Họ không thể tưởng tượng được cảnh linh mục làm lễ quay lưng lại với giáo dân và đọc toàn tiếng Latinh… Muốn biết Công Đồng đem lại những thay đổi gì cho Giáo Hội tại mỗi địa phương, ngay cả thế hệ ở tuổi trên “tứ tuần” khi được hỏi đến, phần lớn cũng chỉ cười trừ, không có ý kiến. Hoặc có những vị chỉ nhìn thấy những ảnh hưởng mang vẻ “tiêu cực” của thời hậu Công Đồng; như có những người xuất tu, những thay đổi làm nên bao khác biệt giữa các Giáo Hội địa phương, nhiều “Đấng Bậc” trong Giáo Hội không còn được “kính trọng” như ngày trước… mà có lẽ đó chỉ là những nhận xét bên ngoài. Thực ra có những điều tuy thuộc về quá khứ nhưng lại liên quan mật thiết đến hiện tại. Khi khám phá lại, chúng ta phải sửng sốt ngỡ ngàng nhận ra rằng chính Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong thế giới hôm nay qua biết bao trung gian có khi không ai ngờ tới. Tiếp nối những thế hệ đi trước bằng một cái nhìn cởi mở hơn, những “ngôn sứ thời đại” này góp phần làm nên chứng tá sống động cho sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đang không ngừng dẫn dắt giòng lịch sử nhân loại qua biết bao thăng trầm… 
Thử tìm hiểu đôi chút về bối cảnh lịch sử của thế giới trong những năm trước Công Đồng, chúng ta nhận thấy Đức Giáo Hoàng xuất chúng Piô XII đã dẫn dắt Giáo Hội trong suốt 19 năm qua một giai đoạn cực kỳ phức tạp. Thế chiến thứ hai bùng nổ ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên toàn thế giới, các nước thuộc địa đồng loạt đứng lên giành độc lập, các cơ cấu tổ chức xã hội thay đổi liên tục… Trong lúc những thành công của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống, thì cũng chính những tiến bộ mới mẻ đó khiến con người như đặt trọn niềm hy vọng của mình nơi thế giới vật chất này. Niềm tin tôn giáo bị đe dọa trầm trọng cùng với những “xuống cấp” về luân lý, đạo đức và các vấn đề xã hội. Thế giới hơn bao giờ hết, đầy dẫy nguy cơ do chính những khám phá mới mẻ của con người. Hiểm hoạ huỷ diệt hàng loạt của bom nguyên tử cùng với những thay đổi không ngừng của môi trường văn hoá, chính trị, tôn giáo làm nảy sinh bao vấn đề chưa từng có, gây chia rẽ trầm trọng ngay trong lòng Giáo Hội cũng như giữa các quốc gia. Thêm vào đó, những cuộc nội chiến liên lỉ vẫn đe dọa vận mệnh của nhiều dân tộc. Bối cảnh trên đưa ra nhiều thách đố lớn lao, cần đến những suy tư chung ở cấp toàn cầu để tìm ra đáp ứng phù hợp… Giữa những thách đố triền miên đó, Vatican II chính là câu trả lời cụ thể cho bao vấn nạn của thời đại!
Cho đến nay sau 40 năm kết thúc, 16 văn kiện đúc kết những kết quả suy tư của khoảng hơn 2500 Hồng Y - Giám Mục trên toàn thế giới qua 4 khoá họp của Công Đồng kéo dài trong hơn 3 năm từ 1962 – 1965 đã được áp dụng rộng rãi. Các tài liệu của Công Đồng ngày hôm nay vẫn được quy chiếu trong mọi chiều kích của đời sống Giáo Hội ở mọi cấp độ. Vatican II thực sự là một biến cố đặc biệt đem lại luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, canh tân Giáo Hội về mọi phương diện. Trong khuôn khổ những suy tư và nghiên cứu cá nhân, xin được chia sẻ đôi chút những khám phá của mình về Vatican II, đặc biệt về vai trò của nữ giới trong Công Đồng. Qua một số chứng từ cụ thể, cách này hay cách khác đã giúp tôi có được những cảm thức mới, những hứng khởi sâu xa trong đời sống Kitô hữu của mình, để thêm lòng yêu mến Giáo Hội và xác tín vào tương lai dù cuộc sống hôm nay không thiếu những thách đố của thời hậu hiện đại, với các vấn đề của Toàn cầu hóa…
NHỮNG NGƯỜI KHÁCH LẠ, HỌ LÀ AI?
Tiêu đề “Những người Khách lạ trong chính Ngôi nhà của mình” xem ra có vẻ bất hợp lý, vì có khi nào những người chủ lại không được phép tự do ra vào mọi căn phòng trong chính ngôi nhà của họ? Họ không phải là “nô lệ” bị buộc nhắm mắt vâng theo mọi mệnh lệnh chủ (thời nô lệ may thay đã qua từ lâu rồi!), họ cũng không phải là kẻ làm công, khi đến nhà chủ chỉ được quanh quẩn ở góc vườn, xó bếp, ra sức làm việc để mong nhận được bữa ăn và đồng lương, rồi trở về lo cho gia đình mình. Trái lại, chính họ phải là người quan tâm chăm sóc, giữ gìn ngôi nhà mình cho sạch đẹp, khang trang, và tìm cách sửa chữa những chỗ hư hỏng của ngôi nhà khi nó xuống cấp …  
Trong ngôi nhà Giáo Hội thì sao? Trải qua suốt giòng lịch sử với 20 Công Đồng Đại Kết, từ Công Đồng Nicêa I (325) đến Công Đồng Vatican I (1869-1870), nữ giới không hề được phép góp tiếng nói hoặc đưa ra bất kỳ ý kiến nào, chứ đừng nói đến chuyện hiện diện. Thử nghĩ đến con số 55% tổng số tín hữu của Giáo Hội là Nữ giới, mà tỷ lệ thực hành việc sống đạo xem ra vượt trội hơn nam giới, trong khi những gì liên quan đến vận mạng Giáo Hội cũng như đến sự hiện diện và đóng góp của nữ giới trong đời sống Giáo Hội, hầu hết đều do nam giới quyết định và chỉ đạo, thì thật khó có thể chấp nhận cho dù đó là sự thật. Mãi cho đến Công Đồng Vatican II, lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ được phép hiện diện trong Công Đồng! Nói cách chính xác hơn, trong hai khoá họp đầu của Công Đồng vào năm 1963-1964, phụ nữ vẫn không hề được đếm xỉa, chỉ đến khóa họp thức ba mới được mời đến trong tư cách… dự thính! Trong chính ngôi nhà của mình, mãi đến lúc này nữ giới mới được mời vào lần đầu tiên chỉ để… quan sát xem các “Đấng Bậc” quyết định những gì... Đừng vội mơ những đóng góp lớn lao hơn! Nhưng chắc hẳn có những giai đoạn trong lịch sử vai trò của nữ giới đã không được nhìn nhận, thì đó là điều có thể thay đổi, và phải được thay đổi!
Trước Công Đồng Vatican II, phụ nữ chỉ có thể làm công việc lau dọn nhà thờ sau giờ thánh lễ, còn trong lúc linh mục đang dâng lễ họ không được phép đặt chân đến gian cung thánh và bàn thờ, nơi có linh mục của Chúa hiện diện. Làm như thế là mắc trọng tội! Những nữ tu hoặc phụ nữ lo phòng thánh thường mất rất nhiều thời gian mỗi ngày để cắm hoa, soạn nến, giặt áo lễ… nhưng có những nơi hàng giáo sĩ  buộc họ phải mang găng tay trắng khi lau chùi chén thánh hoặc đụng chạm đến các đồ thánh khác. Các nữ tu được phép vào các trường Công giáo để dạy học, nhưng phần nhiều họ không được học hành chu đáo về văn hóa cũng không có bằng cấp chính quy về chuyên môn. Chính bộ tu phục là giấy thông hành hợp pháp cho họ trong nhiều hoạt động giáo dục, y tế và xã hội, mà lắm khi thu nhập hoặc danh tiếng lại thuộc về giáo xứ hoặc giáo phận. Còn họ chỉ được phép “tình nguyện phục vụ”, hoặc chỉ được nhận mức lương rất thấp gởi thẳng về nhà dòng, vì giáo xứ và giáo phận đã lo cho dòng của họ. 
Trong nhiều giáo xứ và chủng viện, nữ tu hiện diện trong các công việc nội trợ, nấu ăn hoặc dọn phòng cho quý Cha quý Thầy… Tình hình trong gia đình và ngoài xã hội cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu. Nhiều nơi còn giữ nghi thức thanh tẩy cho các bà mẹ sau khi sanh con vì cho rằng họ đã trở thành “ô uế”! Nữ giới không được phép theo học các chương trình thần học như nam giới, không được lên tiếng trong các cuộc tranh luận của nam giới, cũng không được đứng ngang hàng với họ, nhất là đối với các “Đấng Bậc” trong Giáo Hội. Mãi về sau này mới có một con số ít ỏi phụ nữ dám “chen chân” trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và các cấp lãnh đạo khác nhau trong cộng đồng xã hội, và họ gặp không ít khó khăn với những định kiến sẵn có của mọi người…
Một câu chuyện có thật xảy ra ở Đức, các Đức Giám Mục Đức đã tổ chức một cuộc họp cấp toàn quốc trước Công Đồng để thu thập ý kiến, có đại biểu của mọi giới trong các Giáo phận tham dự. Một Giám Mục đặt câu hỏi trước khi kết thúc: “Còn vấn đề gì nữa?”, thì một phụ nữ trẻ ngồi phía sau đứng dậy hỏi: “Con muốn biết liệu nữ giới có thể được mời đến tham dự Công Đồng không?”. Mọi người đều trố mắt ngạc nhiên, cho rằng đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Điều hiển nhiên ai cũng biết là phụ nữ không bao giờ có thể tham dự Công Đồng. Nhiều nhà báo còn bình phẩm rằng “Chúng tôi đều rất phẫn nộ vì đã có một câu hỏi như thế trong buổi họp, thật đáng xấu hổ khi một phụ nữ dám đứng lên đặt một câu hỏi ngốc nghếch như vậy!”... Thế nhưng vị Giám Mục điều hành buổi họp rất dễ thương, Ngài hơi bối rối một chút vì không biết trả lời thế nào, nhưng cuối cùng Ngài nhẹ nhàng nói: “Lúc này với Công Đồng Vatican II thì không, nhưng có lẽ đến Công Đồng Vatican III thì có thể được…”. Mọi người đều vui vẻ đón nhận ý kiến của Ngài và không bình luận gì nữa. Vấn đề người phụ nữ trẻ đó đặt ra đã góp phần khơi dậy những suy nghĩ mới…
 
SỰ HIỆN DIỆN CỦA NỮ GIỚI TRONG CÔNG ĐỒNG!
Trong bối cảnh đầy bảo thủ thời đó, sự có mặt của nữ giới tại Công Đồng được xem là một cuộc đổi mới rất cởi mở và ngoạn mục của Vatican II, hơn hẳn tất cả các Công Đồng khác trong lịch sử Giáo Hội. So với danh sách chính thức hơn 2.900 Nghị phụ và 29 giáo dân nam giới, thì con số 23 phụ nữ được mời gồm cả nữ tu và giáo dân chỉ là một con số thật ít ỏi, chưa bằng 1% nam giới. Họ cũng không được tham gia từ đầu, trong các khóa họp chính thức của Công Đồng, mà chỉ được mời dự khóa họp thứ ba của Công Đồng vào năm 1965. Họ được đặt ngồi ở vị trí của các quan sát viên dự thính và không được phép có tiếng nói chính thức trong thời gian họp. Tuy nhiên họ đã đóng góp một vai trò thật tích cực cả trong và sau Công Đồng, giúp đem thế giới đến cho Công Đồng và sau đó chuyển đạt Công Đồng lại cho thế giới theo quan điểm nữ giới của họ.
Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lên kế vị và được trao lại bản kế hoạch hành động từ kỳ họp trước, thật khó có ai tưởng tượng nổi Ngài đã nghĩ gì khi chấp nhận cho phụ nữ đến gần “bàn thờ”. Vào kỳ họp thứ hai của Công Đồng, một số dự thính viên giáo dân đã đưa vợ đi theo, nhưng “các bà” không được phép vào, ngay cả khu vực dành cho những người dự thính. Tại sao nay Đức Giáo Hoàng lại nghĩ đến chuyện phá vỡ truyền thống khi mời phụ nữ đến tham dự Công Đồng? Trước tiên đó chính là điều đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khởi xướng trong nội dung Thông điệp "Pacem in Terris" (Hoà bình trên Trái đất). Ngài nhìn nhận rằng sự thay đổi trong vai trò xã hội và văn hóa của người phụ nữ là một “dấu chỉ thời đại”, mà Giáo Hội không thể có cái nhìn bàng quang. Trực tiếp hơn, chính Hồng Y Suenens là người đã đề cập chuyện này với Đức Giáo Hoàng trong cuộc nói chuyện riêng và xin Ngài mời các quan sát viên nữ giới. 
Tuy nhiên, dù chính Đức Giáo Hoàng yêu cầu đưa nữ giới vào, nhưng khi danh sách dự thính viên cho kỳ họp thứ ba được đệ trình, thì có ai đó đã kiểm tra và bỏ tên các phụ nữ đi. Đức Phaolô VI tỏ ra ngạc nhiên về điều này. Ngài lại phải lên tiếng lần nữa, và cuối cùng phụ nữ cũng được hiện diện tại Công Đồng. Thế nhưng vai trò của họ vẫn chỉ là dự thính! Về sau nhờ Đức Giám Mục người Đức Emilio Guano, và Thư ký của Ngài, cha Bernard Hring Dòng Chúa Cứu Thế, mà phụ nữ đã có được cả quyền bàn thảo và bỏ phiếu trong các cuộc họp biểu quyết cho Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spec” (Vui Mừng và Hy Vọng). 
Có lẽ đây phải kể trước tiên là sáng kiến của cha Hring, người được xem là nhà thần học chuyên về Luân Lý vào hàng lớn nhất của thế kỷ 20. Ngài thừa nhận rằng: “đôi khi tôi phải là người quấy rối và gây vấn đề”; vì qua kinh nghiệm bản thân, Ngài xác tín rằng, chính tinh thần trách nhiệm và sự biện biệt đúng đắn là nền tảng cho sự vâng phục trong Giáo Hội, còn kiểu “vâng lời tối mặt” chỉ là sự ngu xuẩn. Ngài đã hai lần đối mặt với cái chết, một lần trong thời chiến tranh và một lần với bệnh ung thư, thế nên ngài không dễ gì bị đe dọa bởi những ai xem quan điểm của ngài là “dại dột” với quyền bính. Ngài đã hành động để bênh vực nữ giới, và Ngài thấy rằng điều đó là đúng đắn, hiển nhiên và việc đáng phải làm. Với đầu óc thông minh lỗi lạc và lòng nhiệt thành yêu mến Giáo Hội, cha Hring đã thuyết phục được các vị có trách nhiệm.
Ngài quan sát và thấy rằng ý kiến của Hồng Y Suenens làm dấy lên một làn sóng phản đối trong số các Giám Mục bảo thủ. Tiếp đến cũng có những nỗ lực để các nữ tu có thể tham gia vào Ủy ban bàn về Đời Sống Thánh Hiến, nhưng đã bị từ chối. Sau phần bàn thảo của Ủy ban này, Đức Giám Mục Guano được chỉ định làm trưởng nhóm soạn thảo cho bản nháp của Hiến Chế “Gaudium et Spes” và cha Hring lãnh vai trò thư ký điều phối. Khi danh sách của Ủy ban Soạn thảo đã được đệ trình, cha nói với Giám Mục Guano rằng bước quan trọng này xem ra chẳng có gì thay đổi, vì hơn một nửa của thế giới Công Giáo không có đại biểu lên tiếng… Đức Giám Mục Guano hỏi lại “Điều cha nói có ý gì?”, cha trả lời ngay: “Đó là thế giới của phụ nữ, và có lẽ họ cần hiện diện trong Ủy ban về đời sống thánh hiến, vì khoảng 80% tu sĩ của toàn thế giới là phụ nữ”. Giám Mục Guano rất thực tế, Ngài hỏi xem những ai là người có thể mời tham dự, không ngờ cha Hring đã có cả một danh sách soạn sẵn… Công việc được tiến hành xuôi xắn, nhiều vị bảo thủ thấy họ đến tham dự nhưng đành nhắm mắt làm ngơ vì lúc này không ai dám lên tiếng bảo họ ra ngoài nữa.
 
NHỮNG TIẾNG NÓI ĐẦY GIÁ TRỊ
Một chuyện đùa kể rằng khi các Hồng Y và Giám Mục nhận được thư kiến nghị của các Tổ chức Phụ nữ Công Giáo lên tiếng về một số vấn đề trong Giáo Hội, các Ngài hết sức bất bình. Một cuộc họp đặc biệt được tổ chức để giải quyết vấn đề này. Nhiều ý kiến lên tiếng: “Hiển nhiên rồi, chúng ta không thể làm theo những gì họ yêu cầu, vì trong truyền thống không có chuyện này”, “Chúa Giêsu và các tông đồ là Nam giới, ngay từ đầu Giáo Hội đã được điều hành bởi người nam”, “Chúng ta không được để cho phụ nữ chen chân vào quyết định của Giáo Hội vì họ thật lắm chuyện”… Nhưng để suy nghĩ xem phải trả lời họ thế nào, chúng ta hãy cùng cầu nguyện! Và các Ngài đã đọc kinh… Kính Mừng! 
Thế nhưng không phải là chuyện đùa khi nữ luật sư Gertrud Heinzelmann người Thuỵ sĩ chính thức gởi thư thỉnh cầu và phản đối vào ngày 23/05/1962, bà đại diện cho phụ nữ lên án những bài viết có quan điểm bài nữ giới và yêu cầu cho phép nữ giới tham gia vào Ủy Ban soạn thảo Công Đồng. Trong suốt thời gian Công Đồng diễn ra, bà không được tham gia nhưng luôn có mặt quanh quẩn theo dõi tin tức và tìm cách góp ý. 
Bà Betsie Hollants là cựu chủ biên của một tờ báo ở Bỉ cũng cố tìm chỗ ở ngay Vatican trong suốt một số khoá họp, để mời các Giám Mục đến dùng bữa và trao đổi. Betsie quen biết nhiều Giám Mục do thời gian điều hành chương trình chuẩn bị cho các linh mục tu sĩ thừa sai Mỹ và Canada đi truyền giáo ở Mỹ Châu Latinh. Các Giám Mục Mỹ Châu Latinh thường xuyên đến căn hộ rộng rãi của Betsie, vì các Ngài gặp khó khăn khi phải xin phép để họp riêng tại Roma. Cả các vị đến từ Mỹ và Canada cũng có nhiều dịp dùng bữa tại đó. Bà còn viết thư cho nhiều Bề trên Dòng nữ ở các nơi, và mời gọi họ hãy gởi đến Roma những nữ tu sáng giá nhất, có càng nhiều bằng cấp càng tốt (để họ không bị coi thường), có thể cho họ phụ giúp hoặc làm thư ký cho các Giám Mục, hoặc làm gì cũng được, nhờ vậy họ có thể nắm bắt những điều thật tuyệt vời đang xảy ra. Nhiều linh mục trẻ cũng làm vậy… Như thế ngoài những ai chính thức được mời, cũng có nhiều khuôn mặt phụ nữ “sáng giá” hiện diện và đóng góp phần ảnh hưởng đầy giá trị của mình. Một điều quan trọng phải khách quan nhìn nhận, là họ đều yêu mến Giáo Hội, muốn thực sự tham dự vào đời sống của Giáo Hội, và quan tâm đến những gì xảy ra trong Giáo Hội.
Nội dung của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay “Gaudium et Spec” được nhìn cách hoàn toàn khác trước đối với nữ giới, vì khi đó họ không hiện diện trong tư cách dự thính nữa. Trong một bầu khí rất thoáng, cởi mở và tôn trọng, nữ giới được tham gia cách bình đẳng như nam giới khi làm việc nhóm, và họ dám mạnh dạn nói thẳng những suy nghĩ của mình. Những ý kiến của họ được lắng nghe và bàn thảo để đưa vào nội dung văn kiện. Do đó, cùng với giáo dân nam, các phụ nữ này được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là những “chuyên gia về cuộc sống”. Các Nghị phụ tham dự Công Đồng đã đồng ý đưa một số đề nghị của hàng giáo dân vào bản văn cuối. Với những suy nghĩ có trách nhiệm và dám can đảm nói ra các tình huống cụ thể mà chính Giáo Hội chưa có giải pháp thỏa đáng, những can thiệp cần thiết của chính “người trong cuộc” đã giúp làm sáng tỏ vấn đề. Một cách cụ thể hơn, khi được tham dự vào Ủy ban soạn thảo và các tiểu ban làm việc trong các cuộc họp tại Ariccia, nữ giới đã có những đóng góp xuất sắc trong việc chuẩn bị bản văn với những hiểu biết về thế giới theo cách nhìn của họ.
Khi họp nhóm bàn về nhân phẩm của phụ nữ và gia đình, một số Nghị phụ đã nói quá lời để đề cao phụ nữ. Bà Bellosillo xin phát biểu và thẳng thắn đề nghị các vị không được dùng những lối nói bóng bẩy khi đề cập đến nữ giới, chẳng hạn như nói họ là các bông hoa, những tia nắng… Điều đó không làm họ hãnh diện, ngược lại có vẻ xem thường, làm như thể họ không phải là con người ngang hàng với mình… Nhiều Nghị phụ rất ngạc nhiên trứơc phản ứng này, nhưng nhờ đó các nguyên tắc nền tảng được thiết lập. Các Vị ghi nhớ điều đó cả khi làm việc trên bản văn cuối của Hiến Chế Mục Vụ. Bà Bellosillo đã làm việc với cả hai tiểu ban soạn thảo (về nhân phẩm & sự bình đẳng, về hôn nhân & gia đình), và đóng góp nhiều ý kiến trong phần này. Là Chủ tịch của WUCWO (World Union of Catholic Women's Organizations), bà có nhiều thông tin về các vấn đề dân chủ, tự do, kiểm soát sinh sản, trách nhiệm trong gia đình… để đưa vào định hướng.
Rosemary Goldie là một phụ nữ Úc, xuất chúng trong các hoạt động tông đồ giáo dân, làm việc trong tiểu ban soạn thảo cùng với nhà thần học Yves Congar OP và Giám Mục Karol Wojtyla. Bà cũng hơi e dè cho biết: “Tôi là thành viên có quyền bỏ phiếu trong lúc Giám Mục Wojtyla lại không có quyền dù Ngài phát biểu rất nhiều. Vì Ngài là nhân vật được mời thêm vào để giúp tiểu ban có những thông tin về Đông Au.” Về sau một số trong họ được mời tiếp đến Roma để hoàn thành nốt công việc đã thực hiện tại Ariccia. Từ đó phụ nữ luôn có mặt cho đến ngày kết thúc Công Đồng. Vài ngày sau khi Goldie được chính thức là dự thính viên của Công Đồng, bà được nhóm các Giám Mục nói tiếng Pháp mời đến nói chuyện trong cuộc họp riêng của các Ngài. Bà trình bày quan điểm của mình, nêu ra những điểm tích cực trong lược đồ của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, sau đó đề cập đến những hình thức khác nhau của hoạt động tông đồ giáo dân. Sau cùng bà đưa ra một số phê phán chỉ trích mà nhiều người đã nêu lên, có thể tóm lại trong lời kết luận của một Giám Mục Canada: “Lược đồ này đã được cưu mang trong tội nguyên tổ của Chủ thuyết Giáo quyền”, và mời gọi các vị suy nghĩ thêm về vấn đề… Mãi đến năm 1978 khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I lên ngôi, bà mới có dịp đọc một lá thư  đăng trong một Nhật báo Công Giáo, ở cuối có ký tên của vị Giáo Hoàng tương lai cùng với Giám Mục Vittorio Veneto và các Nghị phụ khác. Thư gởi cho vị Tuyên Uý Hiệp Hội Hoạt động của Phụ nữ Công Giáo Ý, có đoạn nói rằng “Các dự thính viên nữ giới tại Công Đồng cũng đóng vai trò tương tự như các nữ ngôn sứ trong Kinh thánh, trong số đó có bà Rosemary Goldie là một diễn giả đã nói chuyện với một nhóm Giám Mục về vấn đề liên quan đến lược đồ về giáo dân và mong muốn rằng Giáo Hội có thể bớt đi tính phụ hệ, phẩm trật và tính pháp lý…” Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng quan điểm, cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề của con người có thể thay đổi theo bối cảnh cụ thể để đáp ứng những nhu cầu của Giáo Hội cũng như thế giới trong những thời điểm lịch sử nhất định.
 
GIẢI THÍCH VỀ CHỨC NĂNG LÀM MẸ CHO CÁC GIÁM MỤC
Có những vấn đề rất nhạy cảm và khó xử, như khi Công Đồng bàn về Phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Một quan sát viên là bà Bellosillo, Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Phụ nữ thế giới WUCWO (World Union of Catholic Women's Organisations), ghi nhận rằng trước tiên các Nghị phụ né tránh thảo luận khi đề cập đến các vấn đề gia đình, đặc biệt những gì liên quan đến giới tính và kế hoạch hoá gia đình. Dần dần với các ý kiến và phản ứng của nữ giới, các vấn đề được đưa ra bàn cãi cách công khai và chính thức, từ đó chúng không còn là những vấn đề “không thể đụng tới” như trước, nhưng cần được suy tư nghiên cứu kỹ lưỡng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng phải nhìn nhận rằng các vấn đề về kiểm soát sinh sản và đời sống vợ chồng cần được suy xét vào chiều sâu. 
Luz-Marie cùng với chồng là José Icazas từ Mexico đến Roma vào tháng 9/1965 với tư cách cặp vợ chồng duy nhất được mời tham dự Công Đồng. Từ 9 tháng trước, khi biết tin được mời, họ đã soạn thảo bản câu hỏi, gởi đến 36 quốc gia và thu thập được hơn 40.000 bản trả lời. Họ tổng kết lại thành 17 nội dung quan trọng. Đó là nguồn tài liệu cụ thể để Công Đồng có thể nêu ra các nhu cầu mục vụ của toàn Giáo Hội, đặc biệt cho các gia đình. Họ cũng rất lo lắng vì cảm thấy mình không có tiếng nói giữa hàng ngàn Hồng Y Giám Mục. Có 18 tiêu chuẩn đưa ra cho các quan sát viên, họ thấy mình thiếu tất cả, chẳng hạn như phải hiểu biết về thần học, nắm bắt lịch sử Giáo Hội, biết tiếng Latinh, biết tiểu sử các Nghị Phụ tham dự Công Đồng… Bù lại, họ cố gắng làm chứng tá bằng đời sống cầu nguyện, lòng hiếu khách, cố gắng học hỏi nghiên cứu thêm!
Theo lời khuyên của Betsie Hollants, họ thuê một ngôi nhà khá rộng, đưa 2 con từ Mexico đến ở để thực sự là một gia đình, và luôn mở rộng cửa tiếp đón mọi người. Các Nghị phụ ở Roma suốt 4 năm không có chỗ nào thoải mái để nghỉ ngơi khi căng thẳng, nên căn nhà của họ lúc nào cũng đông khách. Trong khoảng 3 tháng có đến hơn 1000 Nghị phụ đến thăm ngôi nhà của họ. Bầu khí gia đình thân thiện tạo tin tưởng và giúp sự trao đổi chân tình giữa các vị trở nên dễ dàng. Nhờ đó họ cũng mở rộng được hiểu biết và tầm nhìn về tất cả những gì đang xảy ra. Khi làm việc đến lược đồ số 13 phần “Giáo Hội trong thế giới hôm nay”, họ được mời chia sẻ về các vấn đề gia đình trong cuộc họp của tiểu ban soạn thảo về đời sống gia đình, sau đó được mời dự cuộc họp khoáng đại của liên tiểu ban.
Trong cuộc họp đông đảo này, khi vị Giám Mục Thư ký đọc đến phần kết luận của bản báo cáo, Luz-Marie bật cười và giơ tay xin phát biểu với sự khích lệ của chồng. Hồng Y Ottaviani làm ngơ không nhìn, nhưng vị thư ký của Ngài nhìn thấy và nói với Hồng Y. May quá, Ngài đồng ý. Luz-Marie tỏ ra bất đồng khi các vị cho rằng các hành vi của đời sống vợ chồng là xấu xa, tội lỗi và do ham muốn nhục dục. Bà khẳng định rằng khi bà cưu mang và sanh con, đó là hành động của tình yêu. Rồi bà nói với tất cả lòng kính trọng là bà tin rằng khi mẹ của các Hồng Y Giám Mục đang có mặt ở đây mang thai và sinh các ngài ra cũng là do tình yêu. Khi lời bà nói bằng tiếng Tây Ban Nha được chuyển ngữ, mặt các Hồng Y và Giám Mục đỏ lên, sau đó họ cùng cười và chăm chú nghe tiếp…  Cuối cùng các Ngài đều nhìn nhận rằng mình đã không nghĩ như thế, và đồng ý với nhau mục tiêu của hôn nhân Công giáo là tình yêu. Hai vợ chồng vui mừng và thông cảm với các vị, vì các Ngài đã rời xa mái ấm gia đình hơn 40 năm rồi! (Các Ngài đều đi tu sớm và đã trên 50 cả).
 
SỰ HIỆN DIỆN CỦA CÁC NỮ TU
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI loan báo ý định mời những khuôn mặt tiêu biểu của nữ giới đến dự thính trong Công Đồng như sau: “Chúng tôi tin rằng đã đến lúc các nữ tu phải được nhận nhiều vinh dự hơn và những gì họ làm sẽ hiệu quả hơn nữa”. Đó thực sự là tin giật gân cho nhiều người vì quan điểm lúc đó cho rằng các nữ tu, ngay cả thuộc Dòng hoạt động, vẫn mang dấu ấn của tinh thần khổ chế và rời bỏ thế gian. Đời tu là điều gì đó ẩn sau các bức tường hoặc làm những gì âm thầm chứ không phải đi đến những nơi đầy vinh dự! Sự hiện diện của họ nơi Công Đồng được chờ đợi chỉ là để nhìn, để nghe chứ không phải để lên tiếng, cho dù họ có là những phụ nữ lỗi lạc, đầy khả năng, đang điều hành phần lớn những hoạt động Y Tế, Giáo Dục và các Hiệp Hội Xã hội tốt nhất của thế giới. Chính Hồng Y Antoniuti, Tổng trưởng Thánh Bộ về Đời sống Thánh Hiến và tu sĩ, đã từ chối không cho phép các nữ tu được tham dự vào những cuộc thảo luận của tiểu ban bàn về đời tu. Các yêu cầu của họ được lập lại nhưng cứ bị gạt đi. Điều đáng tiếc là mãi đến 30 năm sau, trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Đời Sống Thánh Hiến năm 1994, các nữ tu cũng vẫn không được phép là thành viên có quyền bỏ phiếu trong Thượng Hội Đồng, vì đó là đặc quyền của các Giám Mục và Linh mục mà thôi. (Lần này có đến 20 Bề trên Cả của các Dòng nữ trong số khoảng 200 thành viên, nghĩa là chừng 10%).
Khoảng 1 tháng sau khi đến dự Công Đồng với tư cách Quan sát viên, bài nói chuyện của Nữ tu Suzanne Guillemin (Bề trên Cả Dòng Nữ tử Bác Ái) với các Giám Mục Pháp tại Roma ngày 26/10 năm 1964, đã đưa ra những khó khăn mà các nữ tu hoạt động phải đương đầu. Vấn đề sống còn của các cộng đoàn tu sĩ hôm nay là họ vừa phải trung tín với đời tu, tham gia tích cực vào sinh hoạt trong đời sống Giáo Hội, vừa phải thích nghi với thế giới hiện đại, đầy những tiến triển về khoa học kỹ thuật với nhiều vấn nạn mới. Đời sống hoạt động của người tu sĩ mang nhiều yếu tố xem ra chống lại chiều kích chiêm niệm của đời tu. Đó là một căng thẳng thực sự cho nhiều nữ tu trong Dòng. Rõ ràng là đời tu hôm nay không thể tìm an toàn giả hiệu trong những tập tục cũ như ăn chay đánh tội, vâng lời tối mặt, giữ luật theo nghĩa đen… Để có khả năng đương đầu với thách đố của thời đại, cần phải có những nỗ lực mới mẻ và cụ thể, đặc biệt liên quan đến vấn đề đào tạo và giáo dục, kỷ luật và đời sống cộng đoàn, tinh thần truyền giáo…  Đó không chỉ là những nỗ lực ở bình diện cộng đoàn hoặc Hội Dòng mà phải mở ra ở bình diện quốc tế, hợp tác Liên Dòng, tập trung và tận dụng những nguồn lực, cắt giảm bớt chi phí, làm phong phú bằng các kinh nghiệm sống. Cần dẹp bỏ các rào cản cũ kỹ, mở ra những chân trời mới nhờ truyền thông, nhắm đến sự hoàn thành nhân vị và nỗ lực truyền giáo. Những trăn trở của Sr. Guillemin được diễn tả qua những lời mạnh mẽ chân thành có âm hưởng đáng kể nơi các Giám Mục Pháp tham dự Công Đồng.
Nữ tu Jerome Maria Chimy Bề trên Cả Dòng SSMI (Sisters Servants of Mary Immaculate) nói về khả năng sống uyển chuyển và sự nhạy bén cởi mở cần có đối với những nữ tu sống trong những tình huống đặc biệt. Đó là kinh nghiệm bản thân khi Chị Chimy đến thăm các cộng đoàn trong các nước Xã hội Chủ Nghĩa Đông Âu, nơi các chị em có đời sống chứng tá thật đẹp dù họ không mặc tu phục. Chỉ cần lòng tốt, sự hiểu biết và tự do giúp đem lại kết quả tốt đẹp. Nữ tu Mary Luke Tobin Bề trên Dòng Chị em Lorretto được xem là người “ngồi không yên”, dám đi lén vào Đền thờ thánh Phêrô đưa tấm hình mẫu về kiểu tu phục mới cho Hồng Y Antoniuti xem để xin chuẩn y. Nữ tu Tobin kể lại rằng mỗi lần nghĩ đến tên của Hồng Y Antoniuti, Tổng trưởng Thánh Bộ về Đời sống Thánh Hiến và tu sĩ, thì Bà liền thấy ngay cảnh Ngài đang chỉ thị từng chút cho mình: “Làm thế này, thế này… Tôi không muốn có bất cứ điều gì đi ngược với Giáo Hội.” Khi Tobin đưa tấm hình cho Ngài xem, Ngài lấy bút vẽ lên hình: tay áo phải dài xuống, lúp phải che hết tóc, váy phải dài chấm đất…
Cho đến những phần làm việc cuối của Sắc Lệnh Đức Ái Hoàn Hảo về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu (Perfectae Caritatis), 10 nữ tu “dự thính viên” không được nhìn bản văn trước khi ban hành chứ đừng nói đến việc tham gia chấp bút và đúc kết. Các nữ tu đã “gõ cửa” nhiều lần nhưng Hồng Y Antoniuti nhất định không mở. Và khi cửa chính không mở họ phải tìm cách đi cửa sau hoặc lối vòng, họ đã tìm cách ảnh hưởng gián tiếp qua Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục trong các Ủy ban soạn thảo. Nữ tu Constantina Baldinucci Dòng Thánh Tâm là Đại diện cho các Dòng Tu của nước Ý, đã nhờ Đức Ông Magee xin phép Đức Giáo Hoàng cho họ được viết các vấn đề của họ ra và trình lên Công Đồng, và Đức Giáo Hoàng đồng ý. Từ đó chị Baldinucci thu thập viết lại những kiến nghị cũng như các vấn đề và những mong đợi của các đại biểu nữ tu từ nhiều quốc gia. Bản văn này được gởi đến cho Đức Giáo Hoàng và đã được đọc trước Công Đồng. Sau này nhiều Giám Mục đã nói rằng nhờ đó họ ý thức hơn nhiều về các vấn đề và những mối quan tâm của các nữ tu.
 
ĐỂ KẾT
Còn nhiều chuyện khác có thể kể đến về nhiều đóng góp của nữ giới, không chỉ trong các Khóa họp mà cả những ảnh hưởng rộng lớn về sau trên nhiều bình diện. Tuy nhiên không phải tất cả những cố gắng và đóng góp của nữ giới đều được nhìn nhận từ phía những Nghị Phụ tham dự Công Đồng lẫn mọi thành phần trong Giáo Hội. Chính những người nữ được mời cũng gặp nhiều khó khăn thách đố trong cách đối xử phân biệt, những tránh né dị nghị và nhiều phiền toái mà họ cần phải cố gắng để vượt qua. Nữ giới vẫn được tiếng là giỏi chịu đựng mà! Thế nhưng sự hiện diện của Nữ giới trong Công Đồng Vatican II đã mở ra một trang lịch sử mới.
Cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội Công Đồng Vatican II, như một món quà quý giá trong lịch sử cận đại. Công Đồng mở ra một trang sử mới mà cả những người nam và nữ đều có quyền đóng góp trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống Giáo Hội. Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là người đã tham dự Công Đồng, cũng lên tiếng với toàn Giáo Hội: “Điều làm cho Giáo Hội bị tổn thương trong những thập niên hậu Vatican II không phải vì Công Đồng đả xảy ra, nhưng là vì sự từ chối không chấp nhận Công Đồng”. Ngài cũng tuyên bố rằng những văn kiện của Công Đồng Vatican II chính là “la bàn” định hướng cho triều đại Giáo Hoàng của Ngài. Vatican II thực sự  đã tiếp một luồng sinh khí mới vào đời sống Giáo Hội, mở ra những hướng đi mới đầy sáng tạo trong các lãnh vực phụng vụ, đại kết, truyền giáo, đời sống niềm tin, cũng như các hoạt động xã hội, giáo dục, y tế, truyền thông… trên toàn  thế giới. Ước mong rằng mọi thành phần trong Giáo Hội có những cố gắng mới để tái khám phá lại Công Đồng với những giá trị vẫn hợp thời, và đào sâu, mở rộng những áp dụng sáng tạo cho bối cảnh đặc thù của Giáo Hội tại địa phương của mình.
 
Manila tháng 10/2005. 
Sr. Ngọc Lan, fmm.