Tuyên bố của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Phát Triển Xã Hội

Việc phát triển toàn diện con người chân chính và việc loại trừ tận gốc cảnh nghèo chỉ có thể đạt được nhờ biết tập chú vào giá trị vô song của gia đình đối với xã hội, trong đó, mọi con người nhân bản nhận được nền giáo dục sơ đẳng và việc phát triển có tính đào luyện nhất. Gia đình là mạng lưới an toàn xã hội tự nhiên nhất của xã hội, nhờ biết chia sẻ các tài nguyên vì lợi ích của toàn bộ đơn vị gia đình và cung ứng sự nâng đỡ giữa các thế hệ với nhau. Trong gia đình, ta học cách yêu thương và đóng góp mà không cần được trả công và không giống như trong nền kinh tế hoàn cầu, mọi cá nhân đều có chỗ đứng.

Tuyên bố của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc
về Phát Triển Xã Hội

Nhân phiên họp thứ 53 của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần và là Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh bên cạnh Hội Đồng này, đã đọc một tham luận, nhân bàn tới “việc tái suy nghĩ và củng cố phát triển xã hội trong thế giới hiện nay” (Nữu Ước, 10 tháng Hai, 2015): 

phattrienxahoiThưa bà chủ tịch,

Khởi đầu, xin cho phép tôi chúc mừng Bà Chủ Tịch và văn phòng nhân việc bà được bầu. Phái đoàn của tôi mong được làm việc với các phái đoàn khác trong chu kỳ chính sách này để gia tăng các cố gắng của chúng ta trong việc trợ giúp những ai đang sống dưới mọi hình thức nghèo nàn trên khắp thế giới.

Thưa bà chủ tịch,

Dù việc phát triển kinh tế đã bị chậm lại trong mấy năm qua, hàng triệu người vẫn được giải thoát khỏi cảnh nghèo, nhất là tại các nước đang mở mang. Tuy nhiên, phái đoàn của tôi có cùng một quan tâm như của ông Tổng Thư Ký trong phúc trình mới đây của ông và chúng tôi thừa nhận rằng phát triển kinh tế, vốn dẫn tới nhiều thách đố mới, chưa mang ích lợi lại cho mọi người trong xã hội một cách bình đẳng. Các bất bình đẳng có ý nghĩa vẫn còn tồn tại và nhiều nhóm yếu thế nhất trong xã hội vẫn bị để lại phía sau. Không giải quyết bất bình đẳng, nhất là trong lúc ta đang bước vào nghị trình phát triển sau năm 2015, ta sẽ liều mình phá hoại tác động của phát triển kinh tế đối với cảnh nghèo và phúc lợi của xã hội như một toàn thể. 

Để được lâu bền và mưu ích cho mọi người, phát triển xã hội phải hợp đạo đức, hợp luân lý và lấy con người làm tâm điểm. Ở đây, một lần nữa, chúng tôi xin lặp lại phúc trình của Ông Tổng Thư Ký để nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế không phải là chỉ tiêu đầy đủ của phát triển xã hội. Đúng hơn, ta phải lưu ý tới các chỉ tiêu giúp ta một hình ảnh đầy đủ về phúc lợi của mọi cá nhân trong xã hội trong khi vẫn phát huy các chính sách nhằm khuyến khích lối tiếp cận thực sự toàn diện đối với việc phát triển con người như một toàn bộ. 

Về phương diện trên, chẳng hạn, nếu chỉ có được việc làm có lợi tức mà thôi thì không đủ. Việc làm còn phải xứng đáng và chắc chắn nữa. Các việc đầu tư vào giáo dục, được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế căn bản, và tạo ra các mạng lưới an tòan xã hội là các nhân tố hàng đầu chứ không phải hàng hai trong việc cải thiện phẩm chất đời sống người ta, cũng như bảo đảm việc phân phối công bằng của cải và tài nguyên trong xã hội. Nhờ đặt con người nhân bản ở tâm điểm việc phát triển và khuyến khích đầu tư cũng như các chính sách nhằm thỏa mãn các nhu cầu đích thực, các tiến bộ hướng tới việc nhổ tận rễ cảnh nghèo sẽ thường trực vĩnh viễn và xã hội sẽ dễ linh động hơn khi đối diện với các khủng hoảng tiềm ẩn. 

Thưa bà chủ tịch,

Nền kinh tế thị trường không hiện hữu để phục vụ chính nó, nhưng đúng hơn để phục vụ ích chung của mọi người trong xã hội. Ý thức được điều này, chúng ta phải lưu ý tới phúc lợi của những người yếu thế nhất trong chúng ta vì họ thường bị lãng quên, nhân danh năng xuất, hiệu năng và phát triển kinh tế hoàn cầu lớn hơn. Phát triển kinh tế không thể là phương thức “một cỡ áp dụng cho mọi người”; do đó, các chính sách và chuơng trình hoàn cầu phải được tăng cường bằng một phương thức nhắm giải quyết các nhu cầu của những người yếu thế nhất. 

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nhắc nhở chúng ta nhiều lần. “Đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo, và luôn gần gũi người nghèo và người bị hất hủi, là căn bản cho các ưu tư của ta đối với việc phát triển toàn diện các thành viên bị quên lãng nhất của xã hội… [Điều này] có nghĩa phải làm việc để loại bỏ các nguyên nhân cơ cấu của cảnh nghèo và để cổ súy việc phát triển toàn diện người nghèo, cũng như các hành vi liên đới nhỏ mọn hàng ngày nhằm thỏa mãn các nhu cầu thực sự mà ta gặp thấy”.

Thưa bà chủ tịch,

Việc phát triển toàn diện con người chân chính và việc loại trừ tận gốc cảnh nghèo chỉ có thể đạt được nhờ biết tập chú vào giá trị vô song của gia đình đối với xã hội, trong đó, mọi con người nhân bản nhận được nền giáo dục sơ đẳng và việc phát triển có tính đào luyện nhất. 

Gia đình là mạng lưới an toàn xã hội tự nhiên nhất của xã hội, nhờ biết chia sẻ các tài nguyên vì lợi ích của toàn bộ đơn vị gia đình và cung ứng sự nâng đỡ giữa các thế hệ với nhau. Trong gia đình, ta học cách yêu thương và đóng góp mà không cần được trả công và không giống như trong nền kinh tế hoàn cầu, mọi cá nhân đều có chỗ đứng. 

Thưa bà chủ tịch,

Để kết luận, phái đoàn của tôi tin rằng ta cần phải bắt tay vào một phương thức chiến lược nhằm loại trừ cảnh nghèo tận gốc, đặt căn bản trên nền công lý xã hội chân thực nhằm góp phần giảm thiểu đau khổ cho hàng triệu anh chị em ta. Chúng tôi xác tín rằng các chính sách phát triển xã hội phải giải quyết không những các nhu cầu kinh tế và chính trị, mà còn cả chiều kích tâm linh và đạo đức của mỗi con người nhân bản nữa. Bằng cách này, mọi cá nhân trong xã hội có thể thoát khỏi mọi hình thức nghèo nàn, cả vật chất và tâm linh. 

Xin cám ơn bà chủ tịch.

Vũ Văn An

(vietcatholic)