ISIS, thiên đàng hỏa ngục hai bên

Luận lý học của thập giá là: đức tin, đức cậy và đức mến trở nên mạnh mẽ hơn nhờ hy sinh. Khi anh chị em ta chết cho đức tin của họ, ta nhớ rằng ta không thể sống mà không có đức tin. Chứng tá anh hùng của các tử đạo Ai Cập đã phát sinh hiệu quả...

ISIS, thiên đàng hỏa ngục hai bên

Nỗi kinh hoàng của vụ xử trảm 21 Kitô hữu Coptic tại Libya vẫn còn tràn ngập tâm trí dư luận hoàn cầu. Nhưng Kathryn Jean Lopez và Tom Hopes, liên tiếp trong mấy ngày qua, giúp tâm thần ta dịu hẳn lại vì những dòng nói lên đâu là thiên đàng đâu là địa ngục và thiên đàng quả khác xa hoả ngục đến ấm cõi lòng ta, dù ta có thể chẳng tin gì thiên đàng hỏa ngục. 

Cám ơn người sát hại mình

Trong bài “Heaven in the Face of Hell”, Lopez kể lại câu truyện gia đình của 21 Kitô hữu tử đạo tại Libya, dù còn trong thời kỳ tang chế, đã lên tiếng cám ơn những người sát hại họ. 

Thực vậy, Beshir Kamel, người anh của hai Kitô hữu bị thảm sát là Bishoy Astafanus Kamel, 25 tuổi, và Somaily Astafanus Kamel, 23 tuổi, vừa lên tiếng cám ơn các sát thủ của họ vì đã không loại bỏ tên Đấng Cứu Thế khỏi cuốn Video ghi lại vụ chặt đầu họ. 

Xuất hiện trên một đài truyền hình Kitô Giáo Ả Rập, Kamel nói rằng các gia đình của các nạn nhân, những người lao công đi làm mướn ở Libya để trợ giúp gia đình, trong đó hết 13 người xuất thân từ một ngôi làng nhỏ, nghèo nàn, vẫn đang chúc mừng lẫn nhau. Anh giải thích: “chúng tôi hãnh diện có được số người như thế từ làng mình chịu tử vì đạo”. 

Ai có được một chút lòng biết ơn trong tình huống như thế được? Câu trả lời: có, họ là người có hy vọng, hy vọng ở một điều gì đó có thực, có vĩnh viễn. Nghe có vẻ điên điên sao đó đối với xã hội duy tục hiện đại, một xã hội có khuynh hướng coi đức tin tôn giáo như một thứ xúc cảm, ủi an và nghi thức. 

Kamel nói rằng “từ thời đại [Đế Quốc] Rôma, các Kitô hữu vốn đã bị tử vì đạo và vốn đã học được cách xử lý mọi sự xẩy ra trên đường mình đi. Việc này chỉ làm chúng tôi mạnh mẽ hơn trong đức tin vì Thánh Kinh dạy chúng tôi yêu kẻ thù và chúc lành cho những người nguyền rủa mình”. Và anh chuyển lời mẹ anh nói khi được hỏi bà sẽ làm gì nếu gặp người đã chặt đầu con trai bà. “Mẹ tôi, một người đàn bà vô học ở tuổi 60, cho hay bà sẽ mời anh ta vào nhà và cầu xin Thiên Chúa mở mắt anh ta vì anh ta là lý do khiến con trai bà được vào Nước Trời”. Việc này hiển nhiên không phải là xúc cảm, ủi an hay nghi thức. 

Dù trong ngay ngày ấy, không chắc mẹ của Kamel có hành động như thế hay không, nhưng trên khắp thế giới, các Kitô hữu luôn có khả năng hành động như vậy. Phản ứng trước tin tức từ Libya, Đức Cha Angaelos, Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Coptic tại Anh, giải thích: “Dù xem ra có vẻ phi luận lý và không thể nào hiểu được, nhưng quả chúng tôi có cầu nguyện cho cả những người thi hành các tội ác khủng khiếp này, xin cho các giá trị của sáng thế và của sự sống con người trở nên hiển nhiên hơn đối với họ, và nhờ hiểu rõ như thế, các hiệu quả đau đớn sâu rộng hơn do hành vi man rợ này cũng như nhiều hành vi man rợ khác gây ra sẽ được hiều biết và xa tránh. Chúng tôi cầu xin cho việc chấm dứt cảnh phi nhân hóa các tù nhân, những người này đang trở thành các món hàng để trao đổi, mua bán và thương lượng”. 

Đức Cha Angaelos nhấn mạnh thêm rằng chính nhờ tinh thần trên, Kitô hữu tiếp tục sống theo lời Thánh Phêrô nói trong thư thứ nhất, đoạn 3 câu 15 rằng “… luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em…”. Đàng khác, ngoài các vấn đề nền tảng về nhân quyền và tự do, đây cũng là lý do cho thấy tại sao các nền văn hóa được hưởng nhờ sự hiện hữu của các Kitô hữu; đây là lý do tại sao không nên tìm cách loại họ ra khỏi nơi phát sinh ra Kitô Giáo.

ISIS làm Giáo Hội phát triển

Trong bài “ISIS Will Grow the Church and the Church will change history once again”, Tom Hopes, dựa vào lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tin rằng máu các tử đạo đã và sẽ luôn đem lại đổi mới, cả vì các lý do tầm thường lẫn các lý do sâu xa. 

Lý do: tử đạo vẽ nên bức tranh khôn sánh giữa sự hãi hùng của kẻ thù Chúa Kitô và vẻ đẹp của Kitô Giáo. Hopes bảo: hãy so sánh những câu truyện phát xuất từ Al Alour ở Ai Cập với những người duy thánh chiến đầy hận thù, từng bắt cóc và chặt đầu hơn một tá người thuộc ngôi làng này.

Sophia Jones của tờ Huffington Post và Ian Lee cũng như Jethro Mullen của CNN đã thu thập các truyện kể liên quan tới các tử đạo mới nhất của Ai Cập này. 

Al Alour là một thị trấn rất nghèo và những người đàn ông bị giết đều là các lao công. 

Jones thuật lại truyện của Hani Abdel Messihah, 32 tuổi, để lại 4 đứa con, ba gái 1 trai, và người vợ luôn nhớ đến anh như một người “hiền hậu và tốt bụng”. Bà bảo: “Anh ấy săn sóc tất cả chúng tôi. Anh ấy ôm hôn chúng tôi. Bất cứ anh ấy nói gì đều có lời cầu nguyện cả”. 

Yousef Shoukry là Kitô hữu Coptic 24 tuổi, tới Libya kiếm việc làm dù biết ở đấy có nguy hiểm. Anh cho biết anh không sợ vì có Chúa ở cùng anh. Anh trai Shenouda của anh hết lòng ca ngợi em trai: “Em tôi sống theo Sách Thánh. Tôi không nhớ em đã làm gì quấy quá”. 

Trong các bài báo trên, các Kitô hữu được thân nhân mô tả bằng những lời đầy tình người “rất dịu dàng”, “rất dễ bối rối”, “rất hạnh phúc với gia đình, vợ con”. Khiến ta không khỏi nghĩ tới các Kitô hữu tiên khởi “Hãy xem họ thương yêu nhau biết chừng nào”. 

Ngược lại, hãy nghe lời kêu gọi hồi tháng Chín của phát ngôn viên ISIS là Abu Mohamed al-Adnani. Hắn khuyên những kẻ theo hắn tìm một người không tin trong Hồi Giáo và “đập nát đầu nó bằng cục đá hoặc hạ sát nó bằng con dao hay cán nó bằng xe từ trên cao, hoặc làm nó chết ngạt hoặc chuốc thuốc độ cho nó chết”.

Điều đầu tiên các vị tử đạo làm là: họ tỏ cho thế giới biết: chúng ta là người của yêu thương, đứng lên chống hận thù. Yêu thương luôn thắng trận chiến này. Nhất định như thế. 

Ngoài việc chứng minh như trên, các vị tử đạo còn trực tiếp củng cố những người bước chân theo Chúa Kitô. Gương xấu tồi tệ nhất trong lịch sử Giáo Hội chính là việc chia rẽ giữa các Kitô hữu; việc này xé nát thân thể Chúa Kitô và làm suy yếu các chứng tá của ta. Khi những người thừa kế chân lý của Kitô bắt đầu công bố các học lý rất khác nhau, thì chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa duy tương đối sẽ bén gót theo chân. 

Không gì kết hợp Giáo Hội bằng phúc tử đạo. Đức Phanxicô, vì thế, nhấn mạnh tới “đại kết bằng máu” khi nói tới các Kitô hữu Ai Cập tử vì đạo: “Lời duy nhất của họ là: Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con. Họ bị giết đơn thuần vì là Kitô hữu. Không có gì khác nhau dù là Công Giáo, Chính Thống Giáo, Coptic hay Thệ Phản. Họ đều là Kitô hữu! Máu họ là một và y như nhau. Máu họ tuyên xưng Chúa Kitô”. 

Cuối cùng ta thấy ta có thể cùng nhau đứng chung một chỗ khi ta buộc phải đứng dưới chân thập giá, và thập giá là lý do sau cùng khiến “máu các tử đạo là hạt giống của Giáo Hội” như lời Tertulianô nói xưa kia. 

Trung Đông chẳng bao lâu nữa sẽ học được bài học mà người cộng sản vô thần từng học được sau khi họ mưu toan triệt hạ đức tin tại các nước họ cai trị. Đức tin mỗi ngày một lên cao ở Đông Âu dù đang đà đi xuống ở Tây Âu. 

Luận lý học của thập giá là: đức tin, đức cậy và đức mến trở nên mạnh mẽ hơn nhờ hy sinh. Khi anh chị em ta chết cho đức tin của họ, ta nhớ rằng ta không thể sống mà không có đức tin. 

Chứng tá anh hùng của các tử đạo Ai Cập đã phát sinh hiệu quả. Jones cho hay: khi anh trai Shenouda của Shoukry xem cuốn video về phúc tử đạo của em mình, anh bảo: “tôi thấy, vào những giây phút cuối cùng, em tôi vẫn hết sức mạnh mẽ”. Và anh nói thêm: anh thấy một tia sáng từ trời chiếu rọi gương mặt em, ngay cả lúc đầu đã lìa khỏi cổ. “Điều ấy an ủi tôi”, Shenouda nói thế. 

Các tường trình của CNN cho hay anh trai Hana của Mina Aziz cũng được an ủi khi xem cuốn video nói trên. Anh nói: “Đến phút chót, tên Chúa Giêsu vẫn ở trên môi miệng họ. Khi đang chịu tử đạo, họ kêu tên Chúa mà nói ‘Lạy Chúa, xin thương xót chúng con’. Cả làng tôi hãnh diện vì họ”.

Vũ Van An