10 ''chuyện lạ'' trong Kinh Thánh
Đám đông vài ngàn người được Chúa Giêsu cho ăn uống no nê chỉ với vài chiếc bánh và vài con cá, họ có thực sự đòi hỏi một phép lạ nào khác để thỏa mãn? Vị tướng giỏi có thực sự chiến thắng nhờ người ta phao tin đồn rùm beng? Vua Babylon có thực sự bò đi khắp nước và gặm cỏ như những con bò sau khi phỉ báng Thiên Chúa?
Kinh Thánh có nhiều chuyện lạ mà nhiều người thích kể lại để chứng tỏ rằng Kitô giáo, Thời Phục Hưng, văn minh Tây phương và niềm tin của các Kitô hữu hoàn toàn dựa vào những chuyện vớ vẩn (baloney). Tại sao Kinh Thánh lại có nhiều chuyện lạ như vậy? Thánh Phaolô nhắc nhở một số người lầm lạc tại Hy Lạp cổ đại: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25). Điều đó có nghĩa gì? Thánh Phaolô giải thích: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (1 Cr 2:14). Chúng ta xem lại những chuyện xúc phạm nhất:
1. Bà Êva cho rằng bà không nói chuyện với con rắn?
Bà Êva có ngạc nhiên khi thấy con rắn biết nói? Có, hai ông bà vẫn ngây thơ như trẻ nhỏ (tad naïve), thậm chí họ cũng không hề nhận biết mình “trần như nhộng”. Nhưng Kinh Thánh nói rằng họ vẫn nói chuyện với Thiên Chúa hằng ngày. Vậy tại sao bà lại ngạc nhiên khi con rắn muốn nói chuyện với bà? Hằng ngày, hai vợ chồng trải nghiệm mọi thứ mới lạ: Cảm xúc, âm thanh, ngoại cảnh,... Họ cũng có cảm giác về động vật như chúng ta ngày nay. Trong thời đại ngày nay, chúng ta biết rằng động vật không thể nói như con người. Hai ông bà ngày xưa không có thời thơ ấu, không có người khác để học hỏi. Vì thế hằng ngày họ thấy cái gì cũng lạ, rồi tự rút kinh nghiệm. Tại sao bà Êva không nên nói chuyện với con rắn? Dĩ nhiên đây không chỉ là khoảnh khắc trong Kinh Thánh mà con rắn biết nói. Ngôn sứ bất tuân Bi-lơ-am (Balaam) đã hoảng hốt khi bị con lừa cãi lại (Ds 22:21-35). Đó không là điều vô lý khi bà Êva – một phụ nữ dịu dàng, ngây thơ, vô tội – muốn nói chuyện với con rắn, vì bà cũng đâu biết Satan đội lốt con rắn để tách con người ra khỏi Thiên Chúa nhân lành.
2. Thời Cựu Ước có một ngôn sứ “trần như nhộng”?
Đó chính là ngôn sứ Isaia. Kinh Thánh cho biết: Vào năm vua Át-sua là Xác-gôn biệt phái tướng tổng tư lệnh đến giao chiến và hạ thành Át-đốt, thì chính lúc ấy, Đức Chúa phán qua trung gian của ông Isaia, con ông Amốc: “Hãy bỏ miếng vải thô ngang thắt lưng ngươi đi, và cởi dép khỏi chân”. Theo lời dạy, ông đã ở trần và đi chân không. Đức Chúa lại phán:“Cũng như tôi tớ Ta là Isaia suốt ba năm trường đã ở trần và đi chân không để nên dấu chỉ điềm báo cho người Ai Cập và người Cút thế nào thì cũng vậy, vua Át-sua sẽ dẫn người Ai Cập đi tù và người Cút đi đày, trẻ cũng như già, mình trần, chân không, mông hở. Thật là nhục nhã cho người Ai Cập” (Is 20:1-4). Nhưng Isaia có thực sự như vậy? Có, văn sĩ tôn giáo David Jay Jordan cho biết: “Mọi thứ còn thuần khiết, Isaia được Thiên Chúa ban cho ơn nói tiên tri nhưng bảo ông cởi hết đồ ra, đi giữa mọi người, không chỉ một lúc mà suốt ba năm. Đó là lý do khiến Isaia trở nên một ngôn sứ lớn, vì ông không cần biết người khác nghĩ gì, ông chỉ muốn vâng lời Thiên Chúa”.
3. Một vị tướng đánh bại vạn quân nhờ binh sĩ đồn thổi?
Khi đoàn quân gồm 135.000 người Midian và Amaléc xâm lăng Israel, Kinh Thánh nói rằng họ “nhiều như châu chấu, lạc đà không thể đếm nổi, nhiều như cát biển”. Theo Bách Khoa Tự Điển Công Giáo, người lãnh đạo Israel là Gideon đã kêu gọi tình nguyện. Chỉ có 32.000 người, nhưng thay vì kêu gọi thêm, Thiên Chúa bảo Gideon cho những ai nhát đảm về nhà – và chỉ còn 22.000 người. Thiên Chúa bảo Gideon đưa mọi người tới con lạch để lấy nước uống – chỉ múc nước bằng một tay, còn tay kia cầm gươm. Và rồi chỉ còn lại 300 người. Những người khác trở về nhà. Nhưng hướng dẫn của Thiên Chúa vẫn hoàn hảo. Khi quân xâm lăng ngủ, 300 quân của Gideon bao vây doanh trại của họ – mỗi quân Israel chỉ có một chiếc tù và với cây đuốc giấu trong những chiếc bình bằng đất sét. Họ thổi tù và, đập vỡ những chiếc bình, giơ cao ngọn đuốc và hô to: “Lưỡi gươm của Thiên Chúa và của Gideon!”. Quân thù thức giấc hốt hoảng thấy khi thấy đuốc sáng và chen lấn ngã đè lên nhau. Trong lúc hoảng hốt, họ chém giết lẫn nhau. Kinh Thánh nói rằng “Thiên Chúa đặt lưỡi gươm của mỗi người đối nghịch với quân thù trong doanh trại”. Trong cảnh hỗn loạn, quân thù tự giết nhau, còn 300 quân của Gideon vẫn thản nhiên. Quả thật, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể.
4. Hai vợ chồng ngã lăn ra chết vì tội nói dối?
Sách Công Vụ có câu chuyện về một người tên là A-na-ni-a (Ananias – theo tiếng Do Thái nghĩa là “Thiên Chúa nhân từ” và bà vợ tên là Xa-phi-ra (Sapphira – theo tiếng Aram nghĩa là “đẹp”). Sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các Kitô hữu phải ẩn trốn vì luật La Mã bắt thờ các thần Jupiter, Venus, Mars, Mercury và Apollo khi Xê-da (Caesar) lên ngôi. Các tín hữu góp chung của cải vàc hia sẻ với nhau. Một hôm, A-na-ni-a và Xa-phi-ra bán một thửa đất, nhưng họ giấu, không muốn góp tiền vào của chung. Không có gì sai trong việc này. Tuy nhiên, A-na-ni-a đến trước nhà thờ, giả bộ góp một số tiền nhỏ. Ông Phêrô hỏi bán được bao nhiêu, nhưng A-na-ni-a nói dối nên liền ngã chết. Sau đó, Xa-phi-ra đến, cũng giả bộ đạo đức và hào phóng. Ông Phêrô cũng hỏi bán được bao nhiêu, cho bà cơ hội sám hối, nhưng bà vẫn cố chấp. Và Xa-phi-ra cũng lăn ra chết. Lúc đó, toàn thể Hội Thánh và tất cả những ai nghe kể chuyện này đều rất sợ hãi. Sự việc này dạy chúng ta một bài học quan trọng: Đừng giả dối. Thật vậy, Chúa Giêsu cũng rất ghét người giả nhân giả nghĩa. Ngài đã nhiều lần nặng lời nguyền rủa: “Khốn cho những kẻ giả hình!” (x. Mt 23:13-32; Mc 12:40; Lc 11:39-48; 20:47).
5. Người tội lỗi nhất thế gian đã giận dữ nói người khác là kẻ tội lỗi?
Một khi Thiên Chúa không thể tha thứ những kẻ bất tín, Ngài chọn một người tội lỗi để trừng phạt họ. Sử gia Josephus nói rằng vua Babylon là Na-bu-cô-đô-nô-xo (Nebuchadnezzar), một con người tội lỗi, đã giết vua Do Thái, khoét mắt người khác, xử tử các trưởng lão Do Thái, bắt nhiều người làm nô lệ,... Theo Bách Khoa Tự Điển Do Thái, trong suốt 18 năm luôn có tiếng từ trời bảo ông ta được Thiên Chúa cho phép tiêu diệt dân Israel, vì “con cái không còn vâng lời Ngài”. Tuy nhiên, vua Na-bu-cô-đô-nô-xo cảm thấy lo vì sợ quyền lực siêu nhiên. Chính Thiên Chúa cho vua Na-bu-cô-đô-nô-xo thấy rằng Ngài đã can ngăn tay của Tổng lãnh Thiên thần Micae, vị thần hộ mệnh của dân Israel. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo vâng lời và tấn công không chút xót thương. Trên đường tiến về Babylon, các tù binh bị đày bị xiềng xích không được dừng lại một giây phút nào vì ông ta sợ họ cầu nguyện và Thiên Chúa sẽ nhậm lời họ khi họ đã ăn năn. Ông ta chỉ cảm thấy an toàn khi đến bờ sông Êu-phơ-rát (Euphrates), mở tiệc ăn mừng khi các hoàng tử của Giu-đa nằm la liệt ở bờ sông. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo truyền lấy sách thánh bỏ vào bao, rồi dồn cát vào, và bắt tù nhân phải vác về Babylon. Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo nhẫn tâm giết hàng ngàn thanh niên vì “tội” điển trai – chính vẻ đẹp trai của họ đã làm say mê các phụ nữ Babylon.
6. Tàu ông Nô-ê không có kỳ lân hoặc tê giác?
Năm 1967, một ca khúc nổi tiếng của Irish Rovers cho biết rằng câu chuyện kỳ lạ về cách ông Nô-ê không thể thuyết phục mấy con kỳ lân lên tàu vì chúng không muốn đi trong mưa. Nhưng Kinh Thánh nói gì? Ngày xưa có con kỳ lân hay không? Chữ “kỳ lân” xuất hiện trong bản dịch của King James. Ds 23:22 theo bản dịch của King James cho biết: “God brought them out of Egypt; he hath as it were the strength of a unicorn” (Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai Cập, Người co sức mạnh tựa con kỳ lân). Tuy nhiên, bản dịch của Douay-Rheims (Công giáo) cho biết: “God hath brought him out of Egypt, whose strength is like to the rhinoceros” (Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi Ai Cập, Người co sức mạnh tựa con tê giác). [Theo Anh ngữ, “unicorn” là kỳ lân, “rhinoceros” hoặc “rhinos” là con tê giác, bản Kinh Thánh Công giáo Việt ngữ hiện dùng thì nói “Người là sức mạnh của nó tựa sừng trâu” – chú thích của người dịch]. Kỳ lân, tê giác, hay trâu? Các tác giả cổ dùng chữ “unicorns” – gồm có Aelian, Strabo, Pliny và Tertullian. Marco Polo nói về chuyến đi của ông tới Trung quốc: “Họ có những con voi rừng nhiều con kỳ lân, không nhỏ hơn nhiều so với con voi. Kỳ lân có lông như trâu/bò nhưng chân như chân voi, có ngà đen lớn ở giữa trán. Nhìn chúng rất xấu và dữ tợn”. Thế thì đúng là con tê giác rồi!
7. Ông Giô-suê khiến mặt trời và mặt trăng dừng lại?
Trong sách Giô-suê 10:12-14, Thiên Chúa đáp lại người cầu nguyện sốt sắng bằng cách làm cho mặt trời và mặt trăng đứng im để ông Giô-suê có thể hoàn tất cuộc chiến đấu lúc còn là ban ngày, để kẻ thù không thể chạy thoát. Điều này có thực sự xảy ra? Có chứ sao không? Nhưng còn sự phiền toái xảy ra khi trái đất ngừng quay? Giáo sư khoa Cựu Ước Gleason Archer cho biết: “Nếu trái đất ngừng quay một lúc thôi, đúng là đại họa đối với hành tinh của chúng ta. Quyền năng của Thiên Chúa sẽ không cho đại họa như vậy xảy ra, Ngài vẫn giữ cho mọi thứ theo đúng quy luật tự nhiên”.
8. Chúa Giêsu cho đám đông ăn no nê, nhưng họ muốn có thêm phép lạ thì mới tin?
Trình thuật Ga 6:24-30 cho biết rằng đám đông vài ngàn người xin Chúa Giêsu làm phép lạ khác để họ đủ tin. Họ được ăn no nê chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé, sau đó còn thu được 12 thúng đồ dư. Phép lạ lớn chưa từng có. Thế mà họ vẫn chưa thực sự tin. Chúng ta cũng vậy, chẳng hơn gì họ, vì chúng ta thấy phép lạ xảy ra hằng ngày với chính mình và với người khác, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ lòng tin!
9. Người mạnh mẽ nhất hóa yếu đuối khi bị phụ nữ cắt tóc?
Sam-sôn là nhân vật điển hình về sức mạnh phi thường. Thiên sứ hiện ra với người vợ vô sinh của Ma-nô-ác (Manoah) và nói rằng đứa con chưa sinh của bà sẽ giải thoát dân tộc, nhưng nó phải kiêng cữ rượu và những thứ có men, kiêng cữ mọi thứ không thanh sạch, không bao giờ cắt tóc. Thật vậy, con trẻ Sam-sôn có sức mạnh vô song để làm nên các chiến công hiển hách, cứu dân Israel khỏi tay quân Phi-li-tinh. Nhưng các việc đó có vẻ chỉ phô trương và gây ấn tượng với các phụ nữ đẹp. Và rồi chính Đa-li-la (Delilah) đã phản trắc vì âm mưu với quân thù, nhõng nhèo và nịnh hót Sam-sôn, năn nỉ cho biết bí quyết có sức mạnh. Sam-sôn nói dối nàng, nhưng không xong. Đa-li-la đã giả vờ khóc lóc để làm xiêu lòng Sam-sôn. Cuối cùng Sam-sôn cho biết rằng cắt tóc thì sẽ yếu. Khi Sam-sôn ngủ, Đa-li-la trắc nết và thâm độc đã cắt tóc Sam-sôn. Khi thức dậy, Sam-sôn thấy quân thù đã vây quanh mình. Phụ nữ thật là thâm hiểm. Sam-sôn bị bắt làm trò cười cho thiên hạ và bị bắt làm nô lệ. Bị xiềng xích, Sam-sôn xin Chúa ban cho ông sức mạnh lại, và Thiên Chúa đã nhậm lời ông. Sau đó, ông đã ôm cột tòa nhà rồi kéo đổ sập. Tất nhiên Sam-sôn cũng chết trong đó.
10. Người lãnh đạo vĩ đại nhất đã làm phiền Chúa và phải bò mà đi trong bảy năm?
Sau khi đưa hàng ngàn người Israel tới Babylon và giết hàng ngàn người khác, vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã bị cậu bé Đa-ni-en vạch trần tội lỗi. Thiên Chúa ban cho Đa-ni-en có biệt tài giải mộng. Một đêm, vua Na-bu-cô-đô-nô-xo có giấc mơ lạ khiến ông lo sợ. Ông không hiểu, các quan đại thần và những nhà thông thái cũng không thể hiểu. Đa-ni-en được nhờ giải mộng: “Ngài sẽ bị đuổi, không được chung sống với người ta, nhưng phải sống chung với thú vật ngoài đồng, phải ăn cỏ như bò, và dầm sương suốt bảy năm ròng rã, cho tới lúc ngài chịu nhận ra rằng Đấng Tối Cao cai trị vương quốc loài người, và Người trao cho kẻ nào Người muốn” (Đn 4:22). Mọi điều ứng nghiệm đúng như Đa-ni-en nói.
Cuối cùng, vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã phải thú nhận: “Khi mãn hạn, ta là Na-bu-cô-đô-nô-xo, ta ngước mắt lên trời; cùng lúc, ta tỉnh trí lại và chúc tụng Đấng Tối Cao. Ta ca ngợi, tôn vinh Đấng Hằng Sống: Người nắm quyền thống trị muôn đời, vương quốc của Người tồn tại thiên thu. Trước nhan Người, dân cư trên mặt đất đều bị kể như không. Theo ý muốn của Người, Người điều khiển cả đạo binh trên trời, lẫn cư dân dưới đất. Chẳng có ai cản được tay Người. Giờ đây, ta, Na-bu-cô-đô-nô-xo, ta ca ngợi, tán dương và tôn vinh Vua Trời, vì mọi việc Người làm đều chân thật, đường lối của Người vốn công minh. Người có quyền hạ bệ kẻ quen thói kiêu căng hống hách” (Đn 4:31-32 và 34).
Tại sao Kinh Thánh đầy những “chuyện lạ” như vậy?
Thánh Phaolô nói: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1:18). Thánh Phaolô cho biết thêm: “Tôi biết có một người môn đệ Đức Kitô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba, có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng, trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết, và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại” (2Cr 12:2-4). Try as we can, humans cannot be as wise as God. Our greatest discoveries have long been known to the Creator of the Universe who wrote the mysterious laws that hold all creation together – which we can spend lifetimes guessing at. Hãy ghi nhớ điều này: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25).
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)