Huấn thị về cầu nguyện xin chữa lành bệnh
Tác vụ chữa lành bệnh đã đóng một vai trò quá quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu nên không thể nào các môn đệ Ngài lại không tiếp thực hiện việc làm của lòng nhân hậu Ngài cũng như việc Ngài phục hoạt sức khỏe thân xác hoặc tinh thần cho người ta.
Lời người dịch
Cầu nguyện xin chữa lành bệnh, kêu cầu Chúa Thánh Thần ban ơn đoàn sủng (có người dịch là đặc sủng) để người bệnh được chữa lành, đây là trào lưu đã được một số người công giáo háo hức đi theo, nhưng cũng làm cho nhiều tín hữu (kể cả các giám mục) e ngại.
Người theo thì cho rằng tham gia trào lưu cầu nguyện như thế sẽ mang lại hứng khởi cho việc sống đạo; hơn thế nữa, đây là một thể nghiệm đức tin mà kitô-hữu vào thời sơ khai của giáo hội đã kinh qua. Người đặt thành vấn đề thì cho rằng sư kiện này phát sinh do một trào lưu văn hóa tôn giáo nhất thời lẫn lộn ân sủng cuộc sống siêu nhiên với những xung động tâm lý. Nói cách khác, nhân danh lòng sùng đạo, người ta biến cuộc sống đức tin kitô giáo thành một hình thức ma thuật. Hơn thế nữa, việc tổ chức những nhóm cầu nguyện sinh hoạt bên ngoài và bên trên sinh hoạt mục vụ chung dưới sự chăn dắt của giáo hội qua các giám mục sở tại, tư nó đã là một dấu chỉ tiêu cực.
Trước thục trạng này, tháng 9 năm 2000.Thánh Bộ Tín Lý đã chính thức lên tiếng qua Huấn thị về cầu nguyện chữa lành bệnh.
Trước khi đi vào bản văn, chúng tôi xin giới thiệu một đoạn dẫn nhập của hồng y Suenens qua cơ sở FIAT do ngài sáng lập.
Nguyễn Đăng Trúc
Reichstett, Pháp, tháng 07 năm 2012
Dẫn nhập
Lời nhà xuất bản FIAT
Hồng y Suenens không bao giờ viết một tài liệu nào đặc loại để nói đến đoàn sủng chữa lành bệnh. Nhưng trong cuốn Một lễ Hiện Xuống mới?, ngài kêu gọi chúng ta tăng cường đức tin để đón nhận tất cả những ơn của Thánh Thần, kể cả đoàn sủng chữa lành bệnh. Đồng thời Đức hồng y cũng nhắc lại tầm quan trọng của sự suy xét và việc cần thiết phải có các hướng dẫn mục vụ, vì việc đó liên quan đến sự chân thật và đáng tin của Canh tân ‘trong Thánh Thần’. Ngài còn viết: “Các giám mục là người hướng dẫn tinh thần của dân Chúa cần phải gần với dân Ngài, đặc biệt trong các vấn đề tế nhị này, để tránh những sai lệch và hao sức vô ích.”
Bản phụ đính này góp lại nhiều tài liệu có thể giúp làm căn bản cho ai muốn hiểu về đoàn sủng chữa lành bệnh. Có nhiều bản văn trích dẫn; trước hết từ cuốn Một lễ Hiện Xuống mới?, tiếp đó là Hiến Chế Lumen Gentium cũng như Giáo Lý Công Giáo, và cuối cùng là toàn bản văn Huấn thị về cầu nguyện để xin chữa lành bệnh, được Thánh Bộ Tín Lý phổ biến vào tháng 9 năm 2000.
Hội đồng giáo hoàng về giáo dân đã tổ chức một cuộc thảo luận về ‘cầu nguyện xin chữa lành bệnh và Canh tân đoàn sủng trong Giáo hội công giáo’ từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 11 năm 2001.
Đức Cha T. Bertone, Tổng thư ký của Thánh bộ Tín Lý đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tài liệu Huấn thị về cầu nguyện xin chữa lành bệnh, tổng kết lại những lối cầu nguyện hiện nay trong truyền thống của Giáo hội. Hồng y John Francis Strafford, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng về giáo dân tuyên bố: “Lối tiếp cận về việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh qua cái nhìn tín lý, lịch sử, linh đạo và giáo luật, rất là tích cực.” Hội đồng giáo hoàng về giáo dân cho rằng một trong những kết quả của cuộc thảo luận này về lâu dài sẽ là ‘việc mở vòng trói buộc’ để chân nhận những đoàn sủng của các cộng đoàn mới và việc đưa họ hội nhập vào sinh hoạt mục vụ giáo xứ.
Điểm cuối này hoàn toàn đi liền với ước vọng của hồng y Suenens: “Ước gì Canh tân trong Thánh Thần không phải là một phong trào trong Giáo hội, nhưng là Giáo hội đang chuyển mình".
Trích dẫn
1. Từ cuốn ‘Một lễ Hiện Xuống mới?’
“Tác vụ chữa lành bệnh đã đóng một vai trò quá quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu nên không thể nào các môn đệ Ngài lại không tiếp thực hiện việc làm của lòng nhân hậu Ngài cũng như việc Ngài phục hoạt sức khỏe thân xác hoặc tinh thần cho người ta. Để có thể giúp Ngài tiếp tục hành động như xưa Ngài đã làm, Ngài yêu cầu chúng ta có một đức tin chờ đón và tin tưởng, như đức tin của phụ nữ đã đụng đến áo Ngài và được chữa lành nhờ một sức mạnh phát ra từ nơi Ngài.
Chúng ta cần phải canh tân lòng tin tưởng này của chúng ta vào quyền năng của Chúa, để Ngài phục vụ người bệnh qua lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta đừng sợ phải noi theo gương đức tin sống động như thế nơi anh chị em Tinh lành. Ngoài ra chúng ta thấy nơi Giáo hội công giáo, việc cầu nguyện tập thể cho người bệnh được hồi sinh trong các môi trường chịu ảnh hưởng của Canh tân đoàn sủng. Tôi xét lại lối cư xử của tôi đối vơi những người bệnh mà tôi có dịp thăm viếng, khi tôi thấy nhiều kitô hữu qui tụ bên giường một bệnh nhân, cùng cầu nguyện cho người ấy một cách hồn nhiên, đặt tay lên người bệnh như cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong Phúc Âm, và diễn tả mối hiệp thông Kitô giáo chung quanh người đang đau yếu.
Chúng ta không dám tin vào Đấng đang ngự trong chúng ta, nghĩa là tin vào Chúa Kitô sống và hoạt động nơi chúng ta. Chúng ta không dám tin vào lời cầu nguyện có thể mang lại cả phép lạ.
Lời cầu nguyện của chúng ta phải gắn liền với toàn bộ phức tạp của hoàn cảnh: Có đủ thứ bệnh, hữu hình và vô hình, thân xác, tâm lý, bệnh lý, qua những vết thương sâu kín và xa xưa. Lời cầu xin của chúng ta phải ôm hết trọn bộ những gì cần chữa lành; nó cần đưa cả cuộc sống con người đang khổ đau, hiện tại cũng như quá khứ vào ánh sánh ân sủng của Thiên Chúa. Phải nhớ là Đức Giêsu hôm qua cũng là Đức Giêsu hôm nay, Ngài là Chúa của quá khứ và của hiện tại. Nếu phép lạ chữa lành tức khắc và ngoạn mục rất họa hiếm, thì việc chữa lành từ từ và chậm cũng do tác động của Chúa. Lời cầu nguyện không đi ngược lại y lý con người, nhưng ở bên trong y lý.
Chúng ta đừng quên là Thánh Thần chính là sự xức dầu sống động và là sức mạnh Thiên Chúa; Chúa Giêsu tiếp tục công cuộc của mình qua Thánh Thần ấy.”
2. Các trích dẫn lấy từ các tài liệu Công đồng Vaticanô II
Công đồng có một thái độ đón nhận và cởi mở đối với các đoàn sủng qua một đoạn văn rất cân bằng, vừa thận trọng vừa nhìn nhận tầm quan trọng của chúng trong hoàn cảnh hiện nay.
Công đồng lưu ý chúng ta về các đoàn sủng; và nhân đề cập đến sự kiện này đã mời gọi dân Chúa ý thức hơn nữa về sự hiện diện thường trực và năng động của Thánh Thần trong Giáo hội.
Ở số 12 của Hiến chế ta đọc thấy: “Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hoá và hướng dẫn dân Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1 Cr 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội như lời chép rằng: “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1 Cr 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1 Th 5,12 và 19-21).”
Cũng một giáo lý đó trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 3: “Để thể hiện việc tông đồ này, Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua giáo vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (x. 1 Cr 12,7), “phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài” (1 Cr 12,11) để mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau” và “chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Ep 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dầu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo hội trong tự do của Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các vị chủ chăn của mình. Chính các ngài có nhiệm vụ xét đoán về bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy (x. 1 Th 5,12; 19-21).”
3. Trong cuốn Giáo lý Công giáo
Cuốn Giáo lý Công giáo diễn tả rõ ràng bằng cách nào các đoàn sủng của mỗi người đóng góp vào việc xây dựng Giáo hội là Thân thể Chúa Kitô:
“Các đoàn sủng phải được người được hưởng cũng như tất cả các thành phần Giáo hội đón nhận với lòng biết ơn. Thật thế, chúng là nguồn ân sủng mang lại sinh lực tông đồ và thánh hóa toàn Thân thể Chúa Kitô; nhưng chúng phải thực sự là những ơn được Thánh Thần gửi đến và được thực thi một cách hoàn toàn thích ứng với những thúc đẩy chân thực của chính Thánh Thần, nghĩa là thể theo đức ái, vốn là thước đo mọi đoàn sủng. (x. 1 Cr 13)
Chính trong ý nghĩa đó mà cần phải luôn luôn suy xét các đoàn sủng. Không một đoàn sủng nào được chuẩn khỏi phải qui chiếu và tuân phục các vị mục tử của Giáo hội. ‘Họ đặc biệt cần thử nghiệm tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng giữ lại nhưng gì thiện hảo’ (Lumen Gentium số 12), hầu tất cả các đoàn sủng trong nét đa biệt và bổ túc của mình sẽ hợp tác xây dựng ‘công ích’ (1 Cr 12,7).
Thánh Thần ban cho một ít người đoàn sủng đặc biệt chữa lành bệnh tật nhằm thể hiện ơn huệ của Chúa Phục Sinh. Nhưng, dẫu có cầu nguyện thật sốt sắng cũng không làm cho mọi bệnh tật biến đi. Vì thế mà thánh Phaolô lấy lời Chúa dạy để nhắc chúng ta rằng: ‘ Ơn huệ của Ta đủ cho ngươi: vì sức mạnh của Ta thể hiện ra trong sự yếu hèn’ (2 Cr 12,9), và những khổ đau đang gánh chịu phải được hiểu là ‘tôi hoàn thành nơi thể xác tôi những gì còn thiếu nơi những thử thách của Chúa Kitô cho Thân thể Ngài là Giáo hội’ (Cl 1,24).”
Huấn thị về cầu nguyện xin chữa lành bệnh
Thánh bộ Tín lý
I. Những khía cạnh tín lý
1. Bệnh tật và chữa lành: ý nghĩa và giá trị của chúng trong chương trình cứu độ
“Con người hướng đến hoan lạc, nhưng ngày ngày nó kinh qua nhiều thứ khổ đau.” Về việc này, trong những lời hứa cứu chuộc của Ngài, Chúa loan báo niềm hân hoan tâm hồn liên hệ đến sự giải thoát khỏi khổ đau (x. Is 30,29; 35,10; Br 4,29). Thật thế, Ngài là ‘Đấng cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ’ (Kn 16,8). Trong muôn ngàn khổ đau, những khổ đau bệnh tật là một thực tại luôn hiện diện trong lịch sử con người và cũng là điều mà con người mong được giải thoát.
Trong Cựu Ước, “Israel kinh nghiệm được rằng bệnh tật có liên hệ kỳ bí với tội lỗi và sự dữ.” Một trong những phương cách trừng phạt sự bất trung của dân Ngài, bệnh tật là biện pháp ưu tiên được chọn (x. Đnl 28,21-22. 27-29. 35). Người bệnh xin Chúa chữa lành tự thú nhận mình chịu phạt về tội lỗi của mình như thế là công bằng (x. Tv 37; 40; 106, 17-21).
Tuy nhiên bệnh tật cũng đến với người công chính, và con người thắc mắc đặt vấn đề tại sao. Vấn nạn này lặp lại nhiều lần trong các trang sách Gióp. “Nếu đau khổ có ý nghĩa liên quan đến hình phạt về một lỗi lầm nào đó, là đúng, thì ngược lại xem tất cả mọi khổ đau là hậu quả của một lỗi lầm và luôn có đặc tính là hình phạt, thì đó là điều sai. Hình ảnh Gióp, người công chính, là một chứng cớ đặc biệt trong Cựu Ước… Và nếu Chúa đồng ý thử thách Gióp phải trải qua cơn đau khổ, thì vì để chứng minh sự công chính của ông ấy. Khổ đau có một đặc tính thử thách.”
Đau yếu luôn là một điều tiêu cực, dẫu nó có nét tích cực như để minh chứng sự trung thành của người công chính, như là phương cách để phục hồi sự công chính mà tội lỗi đã vi phạm, và cũng như là phương thế để hối thúc người có tội cải hối. Cũng vì nét tiêu cực như thế của khổ đau mà tiên tri loan báo thời không còn bệnh tật, thời mà cuộc sống không bị vương mắc bởi bệnh đem đến tử vong (x. Is 35,5-6; 65,19-20).
Nhưng thắc mắc tại sao bệnh tật lại xảy đến cho người công chính, ta sẽ có giải đáp trong Tân Ước. Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, những tiếp xúc với người bệnh không phải lúc này lúc kia, nhưng là liên tục. Ngài chữa lành cho nhiều người một cách lạ lùng đến độ những việc chữa lành lạ lùng như thế là nét đặc trưng của sinh hoạt của Ngài: “Chúa Giêsu rảo khắp các thành, các làng, giảng dạy trong các nhà hội, tuyên dương Tin Mừng Nước Chúa và chữa lành mọi bệnh tật và bại liệt.” (Mt 9,35; x. 4,23). Những việc chữa lành là dấu chỉ của sứ mạnh cứu độ của Ngài (x. Lc 7,20-23). Chúng thể hiện chiến thắng của quyền uy Thiên Chúa trên mọi sự dữ và trở thành biểu tượng cho việc cứu chữa con người toàn diện, linh hồn và thể xác. Thật vậy, chúng cho thấy Chúa Giêsu có quyền năng để tha tội (x. Mc 2,1-12), chúng là dấu chỉ của những ơn ích cứu độ, như việc chữa lành người bại liệt ở Bethzatha (x. Ga 5,2-9. 19-21) và người mù từ thủa mới sinh (x. Ga 9).
Theo Tân Ước, thì ngay vào thời đầu Kitô giáo, có những việc chữa lành bệnh tật xác thực quyền năng công cuộc loan báo Phúc Âm. Chúa Giêsu phục sinh đã hứa như thế và những cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên đã thấy thực hiện giữa họ: “Và có những dấu chỉ xảy đến cho những người tin… họ đặt tay trên các người bệnh và các người này được chữa lành” (Mc 16,17-18). Philipphê rao giảng ở Samaria, và làm nhiều phép lạ chữa bệnh: “Và Philipphê xuống một thành vùng Samaria, rao truyền Chúa Kitô. Những đám đông một lòng nghe theo lời giảng của ông vì mọi người nghe nói đến các dấu lạ ông làm, hoặc thấy tận mắt. Thực vậy những thần ô uế đã vừa ra khỏi nhiều người bị ám vừa la hét thật lớn tiếng. Nhiều người bại liệt cũng được chữa lành” (Cv 4,5-7).
Thánh Phaolô trình bày Phúc Âm bằng những lời loan truyền xuyên kèm theo những dấu chỉ và những điều lạ lùng được thực hiện nhờ quyền năng Thánh Thần: “Tôi làm sao dám bỏ qua không nói đến những gì Đức Kitô đã làm nơi tôi nhằm làm cho dân ngoại tuân phục qua lời nói cũng như trong việc làm, bằng sức mạnh của các dấu chỉ và các việc lạ lùng, bằng sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa” (Rm 15,18-19; x. 1 Tm 1,5; 1 Cr 2,4-5). Và dĩ nhiên những dấu chỉ và những việc lạ lùng tỏ bày quyền năng Thiên Chúa hỗ trợ lời giảng dạy như thế phần lớn là những phép lạ chữa lành bệnh tật. Và những việc lạ lùng đó không phải chỉ dành cho vị Tông Đồ, nhưng thể hiện ở giữa những người tín hữu nữa: “ Người đổ ơn Thánh Thần cho anh em và thực hiện được những phép lạ giữa anh em, người ấy làm việc đó vì anh em thực thi Lề Luật hay là vì anh em tin vào lời rao giảng?” (Gl 3,5).
Chiến thắng cứu độ mà Chúa Kitô mang lại trên bệnh tật và trên những khổ đau khác không phải chỉ liên quan đến phép lạ chữa hết bệnh, nhưng còn là việc làm cho mỗi người chúng ta được tham dự khổ nạn tự ý và vô tội của Đức Kitô. Thật thế, Chính Đức Kito,â vốn vô tội, đã chịu mọi thứ đau khổ và dằn vặt trong cơn khổ nạn của Ngài, mang hết nỗi khốn cùng của mọi người: Ngài hoàn tất điều mà tiên tri Isaia đã nói về Ngài (x. Is 53,4-5). Ngoài ra: “Nơi Thánh Giá Chúa Kitô, không những ơn cứu chuộc hoàn thành nhờ khổ đau, mà chính khổ đau của con người được cứu chuộc… Khi thực hiện sự cứu chuộc bằng khổ đau, Chúa Kitô còn nâng khổ đau của con người lên đến mức ban cho khổ đau ấy giá trị Cứu Độ. Trong khổ đau, mọi người có thể tham dự vào khổ đau cứu chuộc của Chúa Kitô.”
Giáo hội tiếp đón người bệnh tật không phải vì lo âu thương mến mà thôi, nhưng nhận ra nơi họ ơn gọi làm người và làm kitô hữu, tham gia vào việc hoàn thành Nước Chúa dưới nhiều phương cách khác nhau, và có lẽ đây là cách quí giá nhất. Những lời nói của tông đồ Phaolô phải là chương trình sống của họ, và trước hết những lời ấy phải là ánh sáng soi dọi cho họ thấy ý nghĩa của khổ đau: ”Tôi hoàn thành nơi thể xác tôi những gì còn thiếu nơi những thử thách của Chúa Kitô cho thân thể Ngài là Giáo hội’ (Cl 1,24)”. Đây là niềm hân hoan phục sinh, hoa trái của Thánh Thần. Như thánh Phaolô đã nói “nhiều người bệnh có thể trở nên kẻ mang lại ‘nguồn vui của Thánh Thần giữa những cơn thử thách của họ’ (1 Tx 1,6) và là chứng nhân sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.”
2. Mong được chữa lành và cầu xin để được ơn ấy
Luôn vâng theo ý Chúa, nhưng ước mong của người bị bệnh mong được lành bệnh là một điều tốt và nằm trong bản tính con người, nhất là khi được diễn tả qua lời cầu nguyện khẩn thiết kêu đến Chúa. Tác giả Sách Huấn Ca khuyên cầu xin với lời lẽ như sau: “Hỡi con, khi con bị bệnh thì đừng bực tức, nhưng cầu xin Chúa và Ngài sẽ chữa lành con” (Hc 38,9). Nhiều thánh vịnh ghi lại lời cầu xin chữa lành bệnh (x. Tv 6,37; 40; 87).
Trong thời gian hoạt động công khai của Chúa Giêsu, nhiều người bệnh chạy đến Ngài, trực tiếp hoặc qua trung gian bạn bè hay người phối ngẫu, để xin cho mình được lành bệnh. Chúa nhận lời cầu xin, và các bản Phúc Âm không ghi lại có một lần nào Ngài đã quở trách việc này. Chỉ có một lần Chúa phàn nàn nhân có người có vẻ thiếu lòng tin: “Ngươi có thể được chứ! Ai tin đều có thể được” (Mc 9,23; x. Mc 6,5-6; Ga 4,48).
Không những việc người tín hữu cầu xin cho mình hoặc cho người khác là việc làm đáng khen, nhưng trong phụng vụ Giáo hội cầu xin Chúa người bệnh được lành. Trước hết, Giáo hội có một bí tích “đặc biệt nhằm hồi sức cho những ai đang bị thử thách vì bệnh hoạn: bí tích xức dầu cho bệnh nhân.” Qua bí tích này và qua lời cầu nguyện của linh mục, “toàn thể Giáo hội trao phó người bệnh cho Chúa, Đấùng từng chịu khổ đau và được hiển vinh, để Ngài uỉ an và cứu chữa”. Trong lúc làm phép dầu thánh, Giáo hội cũng đã cầu xin: “Xin Chúa gửi Thánh Thần, Đấng thánh hoá xuống trên dầu này. Nhờ Chúa chúc lành, dầu này trở nên dầu thánh mà chúng con nhận nơi Chúa. Nó sẽ dùng để xức cho bệnh nhân X., người anh em chúng con, để nâng đỡ thân xác, linh hồn và thần trí người ấy khỏi khổ đau và bệnh hoạn.” Tiếp đó, trong hai lời cầu nguyện sau khi xức dầu, người ta còn xin cho người bệnh được chữa lành. Việc làm đó cho thấy bí tích xức dầu là dấu chỉ và lời hứa về triều đại tương lai, loan báo sự phục sinh, khi ‘sẽ không con có sự chết; sẽ không còn khóc than và cực nhọc, vì thế giới cũ đã không còn’ (Kh 21,4). Ngoài ra, Sách Lễ Rôma còn có lễ ‘pro infirmis’ (cầu cho người bệnh), và ngoài việc cầu xin ơn thiêng liêng, người ta cầu xin cho bệnh nhân được sức khỏe.
Về các nghi thức chúc lành của Nghi Lễ Rôma có nghi thức chúc lành bệnh nhân, trong đó có những bản kinh khác nhau để cầu xin chữa lành: trong bản hai của các Lời Kinh, trong bốn Lời nguyện xin chúc lành cho người lớn, trong hai Lời nguyện xin chúc lành cho trẻ con, trong kinh của Nghi thức tóm gọn (Ritus brevrior).
Hẳn nhiên, việc cầu xin không bỏ qua, nhưng khuyến khích phải chạy thầy chạy thuốc theo phương tiện tự nhiên nhằm bảo vệ và phục hoạt sức khỏe. Việc cầu nguyện còn thúc đẩy con cái của Giáo hội lo chăn sóc cho bệnh nhân và tìm cách xoa dịu đớn đau thân xác cũng như an ủi tinh thần, nhằm vượt thắng cơn bệnh. Thật thế, “Ý định của Thiên Chúa muốn con người phải tận lực chống bệnh, gìn giữ sức khỏe để có thể chu toàn đầy đủ phận vụ của mình trong xã hội và trong Giáo hội.”
3. Đoàn sủng chữa lành bệnh trong Tân Ước
Không những các phép lạ chữa lành bệnh xác thực quyền năng của việc truyền bá Phúc Âm thời các thánh Tông Đồ, nhưng Tân Ước cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã trao quyền năng chữa bệnh cho các tông đồ và những người đầu tiên rao truyền Phúc Âm. Theo Phúc Âm của Mat-thêu và của Luca thì khi gửi mười hai môn đệ đi sứ vụ lần đầu, Chúa cho “họ quyền chế ngự các tà khí để trục xuất chúng và chữa lành mọi bệnh tật và bại liệt” (Mt 10,1; x. Lc 9,1), và bảo họ: “Anh em hãy chữa lành các người bệnh, làm cho người chết sống lại, thanh tẩy người bệnh phong, đánh đuổi tà ma” (Mt 10,8). Ngài cũng dạy bảy mươi hai môn đệ phải thi hành lịnh Ngài trong sứ vụ của họ: ”Hãy chữa lành các người bệnh” (Lc 10,9). Quyền phép này được trao cho họ trong một bối cảnh công tác, không phải để đề cao cá nhân, nhưng để cũng cố sự vụ của họ.
Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại một cách chung những việc lạ lùng mà các tông đồ đã thực hiện: “Nhiều việc lạ và dấu chỉ đã được các Tông đồ thực hiện” (Cv 2,43; x. 5,12). Các dấu chỉ và sự lạ này là những sự kiện lạ lùng cho thấy rõ chân lý và sức mạnh của sứ vụ họ đang theo đuổi. Nhưng ngoài những lần kể đến sự việc một cách chung như thế, Sách Công Vụ lại hay chép lại những phép lạ mà các cá nhân đi rao giảng Phúc Âm đã làm để chữa bệnh:Stêphanô (x. Cv 6,8), Philipphê (x. Cv 8,6-7) và nhất là Phêrô (x. Cv 3,1-10; 5,15; 9,33-34, 40-41) và Phaolô (Cv 14,3. 8-10; 15,12; 19,11-12; 20,9-10; 28,8-9).
Như đã nói đến ở phần trên, đoạn cuối Phúc Âm Marcô và Thư thánh Phaolô gửi người Galata mở ra một lối nhìn mới, không giới hạn các phép lạ chữa lành bệnh nơi sinh hoạt của các tông đồ và một vài người rao giảng Phúc Âm có vai trò quan trọng trong đợt truyền bá Phúc Âm thời khởi thủy. Theo lối nhìn đó thì những ám chỉ về ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’ (x. 1 Cr 12,9 . 28. 30) có một tầm quan trọng đặc biệt. Ý nghĩa rộng của chữ ‘charisma’ là ‘ân huệ’; và trong trường hợp này là ‘ơn nhận được để chữa lành bệnh’. Những ân sủng đó, ở vào số nhiều, lại ban cho một người (x. 1 Cr 12,9). Ở đây, đừng nên hiểu theo nghĩa là nhiều ơn chữa lành đổ xuống cho sức khỏe của một người, nhưng nhiều ơn chữa lành mà người nào đó nhận được để chữa lành kẻ khác. Ơn này được ban xuống ‘trong cùng một Thánh Thần’, nhưng không nói rõ bằng cách nào người ta có được ơn ấy. Phải chăng là nhờ cầu nguyện, và có thể có thêm một vài cử chỉ tượng trưng đi theo!
Thánh Giacôbê, trong thư của Ngài, có nói đến một sự can thiệp của Giáo hội qua các niên trưởng của cộng đoàn để lo cho sự an lành của các người bệnh. Nhưng không nói là những phép lạ chữa lành bệnh nhân: bối cảnh này không giống với bối cảnh của các ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’ trong 1 Cr 12,9. “Giữa anh em có ai đau yếu ư? Người ấy nên kêu đến các vị niên trưởng của Giáo hội và họ hãy xức dầu nhân danh Chúa và cầu nguyện trên người ấy. Cầu nguyện với lòng tin sẽ cứu người bệnh và Chúa sẽ phục hồi cho người ấy. Nếu người đó đã phạm tội, thì họ hãy xóa giải cho y” (Gc 5,14-15). Đây là một tác động bí tích: việc xức dầu cho bệnh nhân và cầu nguyện trên người ấy, chứ không phải chỉ ‘cho người ấy’. Đây là một tác động hữu hiệu trên bệnh nhân chứ không phải chỉ là một lời cầu xin mà thôi. Những động từ ‘sẽ cứu’ và ‘sẽ phục hồi’ hẳn nhiên không phải chỉ gợi lên việc chữa lành thân xác, nhưng một cách nào đó có nói đến việc này. Động từ ‘cứu’ dù được dùng ở các nơi khác trong bức thư theo nghĩa là cứu độ thiêng liêng (x. 1,21; 2,14; 4,12; 5,20), nhưng trong Tân Ước cũng còn được dùng theo nghĩa ‘chữa bệnh’ (x. Mt 9,21; Mc 5,28 . 34; 6,56; 10,52; Lc 8,48); động từ thứ hai, mặc dầu đôi khi có nghĩa là ‘chỗi dậy’ (x. Mt 10,8; 11,5; 14,2), lại cũng được dùng để nói đến cử chỉ làm cho người đang liệt giường ‘vươn mình dậy’ kà được chữa lành bệnh một cách lạ lùng (x. Mt 9,5; Mc 1,31;9,27; Cv 3,7).
4. Các kinh nguyện để xin Chúa chữa lành bệnh tật
Các giáo phụ cho rằng tín hữu cầu xin Chúa, không những ban sức khỏe phần hồn, mà phần xác nữa, là việc làm chính đáng. Thánh Augustinô đã từng viết về ơn ích của đời sống, sức khỏe và thân xác lành mạnh: “Cần phải cầu xin cho chúng được an lành, nếu ta đang được, và nếu không được thì cầu xin Chúa ban cho”. Vị giáo phụ này đã để lại cho chúng ta nhân chứng về một phép lạ chữa lành bệnh cho một người bạn tại nhà ngài, nhờ lời cầu nguyện của một giám mục, một linh mục và vài thầy sáu.
Các nghi lễ phụng vụ đông cũng như tây đã cho chúng ta những chứng liệu về hướng ấy. Trong một kinh cầu sau hiệp lễ, người ta xin: “Lạy Chúa, xin ơn của việc hiệp lễ này thấm nhập tâm trí và thể xác chúng con.” Trong phụng vụ trọng thể ngày Thứ Sáu tuần thánh, mọi người được kêu mời để cầu xin Chúa Toàn Năng “cất khỏi bệnh tật…và ban cho người bệnh được an lành.” Đặc biệt hơn cả là bản văn làm phép dầu bệnh nhân. Người ta xin Chúa đổ tràn ơn lành để nâng đỡ thể xác, linh hồn và thần trí của những người sẽ tiếp nhận “khỏi mọi khổ đau và bệnh hoạn, mọi căn bệnh của đời sống thể xác tinh thần và thiêng liêng.”
Những lối nói nơi các nghi lễ đông phương về xức dầu bệnh nhân cũng không khác biệt. Chúng tôi chỉ nêu lên một vài chỗ đáng ghi nhận hơn cả. Khi xức dầu bệnh nhân, nghi lễ Byzantin có kinh này: “Lạy Cha chí thánh, là thầy thuốc các linh hồn và thể xác, Cha đã gửi Người Con duy nhất của Cha là Đức Giêsu Kitô, để chữa lành mọi bệnh tật và giải thoát chúng con khỏi sự chết, xin Cha cũng chữa lành cho tôi tớ Cha đây khỏi bệnh thân xác và tinh thần đang đè nặng trên mình, nhờ ơn Chúa Kitô của Cha.” Trong nghi lễ Copte, người ta xin Chúa chúc lành dầu để tất cả những ai sẽ nhận lãnh có thể được an lành về tinh thần và thể xác. Và lúc xức dầu cho bệnh nhân, các linh mục kêu đến Chúa Giêsu Kitô, Đấng được gửi đến thế gian “để chữa lành mọi bệnh tật và cứu khỏi phải chết” và xin Thiên Chúa “chữa lành bệnh nhân khỏi bệnh thân xác và cho người ấy bước đi trên đường ngay chính.”
5. ‘Đoàn sủng chữa lành bệnh’ trong bối cảnh ngày nay
Lịch sử Giáo hội không thiếu những vị thánh có ơn làm phép lạ chữa lành bệnh. Hiện tượng đó không giới hạn vào thời các Tông đồ. Tuy nhiên, ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’ mà nay cần có một số chỉ dẫn về tín lý, không nằm trong các hiện tượng làm phép lạ như thế. Vấn đề được đề cập sẽ liên hệ đến những cuộc tụ tập cầu nguyện với chủ tâm xin ơn chữa lành lạ lùng cho người bệnh, hoặc các lối cầu nguyện sau phần hiệp lễ nhằm mục đích này.
Những phép lạ chữa lành bệnh tại các nơi cầu nguyện (các thánh địa, cạnh các thánh di của các vị tử đạo hoặc các thánh khác…) rất nhiều và được lịch sử Giao hội ghi nhận. Vào thời thượng cổ và trung cổ, các phép lạ như thế lôi kéo những cuộc hành hương đến một số thánh địa như thánh địa Thánh Martinô thành Tours, hoặc nhà thờ chính tòa thánh Giacôbê thành Compostelle, và nhiều chỗ khác. Hiện tượng ấy cũng xảy ra từ hơn một thế kỷ nay, chẳng hạn ở Lộ-đức. Những phép lạ chữa lành này không hàm ngụ một ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’, vì không có chủ thể mang ơn đoàn sủng ấy; nhưng trong khuôn khổ tín lý, phải lưu ý đến sự việc khi muốn đề cập đến các cuộc tụ họp cầu xin liên quan đến mục đích này.
Về những gì liên quan đến các cuộc tụ họp cầu kinh với mục đích rõ ràng là xin ơn chữa lành – mục tiêu nếu không chiếm trọn chương trình thì ít nhất cũng chi phối chương trình cầu nguyện ấy -, thì nên phân biệt những cuộc tụ họp có thể làm ta nghĩ đến một ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’, và những cuộc tụ họp khác không có liên hệ gì đến một đoàn sủng như thế. Muốn nói đến một đoàn sủng chữa lành bệnh, thì phải có sự can thiệp của một hay nhiều người, chẳng hạn những người lãnh đạo nhóm vận động cuộc tụ họp, như là tác năng quyết định về sự hữu hiệu của việc cầu xin. Nếu không liên hệ gì với ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’, thì hẳn nhiên những việc cử hành được tiên liệu trong các sách phụng vụ, một khi được thực hiện đúng theo qui luật, thì được phép và nên làm, như trường hợp thánh lễ ‘cho người bệnh’. Nếu các việc cử hành đã tiên liệu trong các sách phụng vụ nhưng không tuân theo qui luật phụng vụ, thì thiếu phần chính đáng.
Trong các thánh địa cũng có những cử hành khác, không nhằm mục đích riêng là cầu xin Chúa những ơn phép lạ chữa lành bệnh, nhưng thể theo ý của những người tổ chức và người tham dự, thì một phần nào đó của mục tiêu tụ họp lại có nhắc đến; về việc này, người ta tổ chức những cử hành phụng vụ, chẳng hạn chầu Mình Thánh Chúa và phép lành, hoặc những cử hành không có tính cách phụng vụ, nhưng do lòng sùng mộ dân gian được Giáo hội khuyến khích, như lần hạt chung. Những cử hành này cũng chính đáng, miễn là đừng méo mó ý nghĩa chân thực của chúng. Chẳng hạn, không nên nêu lên mục tiêu tối hậu là xin chữa lành bệnh mà làm sai lệch cứu cánh riêng của việc chầu Mình Thánh Chúa; kỳ thực, việc chầu Mình Thánh Chúa giúp tín hữu nhìn nhận sự hiện diện lạ lùng của Chúa Kitô và kêu mời họ kết hợp với Ngài trong lòng mình bằng mối giây liên kết cao độ nơi mối hiệp thông bí tích Thánh Thể.
Không thể xếp một lớp người tín hữu nhất định nào đó có ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’. Thật vậy, thánh Phaolô nói đến nhiều đoàn sủng khác nhau trong 1 Cr 12, nhưng không nói nhóm người riêng được ơn về các ‘đoàn sủng chữa lành bệnh’ (như các nhóm Tông đồ, tiên tri, giảng dạy, điều khiển hoặc này khác); và ngài đi ngay vào một lối suy nghĩ khác chi phối việc Thánh Thần cấp ban: “Nhưng những điều ấy đều do một thánh Thần duy nhất tác động, ban phát các ơn của Ngài cho mỗi người riêng tùy ý Ngài” (1 Cr 12,11). Vì thế, trong các cuộc tụ tập cầu nguyện được tổ chức để xin Chúa ban ơn chữa lành, gán cho một nhóm người tham dự nào đó ‘đoàn sủng chữa lành’ – (như những người điều hành nhóm) - là việc làm hồ đồ; chỉ có thể cậy trông vào ý muốn tối thượng của Thánh Thần, tùy Ngài ban cho một vài người nào bất kỳ ơn đặc biệt chữa lành để thể hiện sức mạnh của ân sủng của Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, ngay cả những lời cầu khẩn có sốt sắng cách mấy thì cũng không đương nhiên được ơn chữa lành tất cả các bệnh tật. Thánh Phaolô lấy Lời Chúa để nhắc nhỡ: ”Ơn của Ta đủ cho con; vì quyền năng của Ta thể hiện ra nơi sự yếu nhược” (2 Cr 12,9), và các khổ đau phải chịu có ý nghĩa rằng “tôi hoàn thành nơi thể xác tôi những gì còn thiếu nơi những thử thách của Chúa Kitô cho Thân thể Ngài là Giáo hội’ (Cl 1,24).”
II. Những qui luật hướng dẫn
Điều 1– Mọi tín hữu được tự do cầu xin Chúa để được chữa lành. Khi những việc cầu xin như thế thực hiện tại nhà thờ hoặc ở một nơi thánh khác, thì nên được một thừa tác viên có chức thánh hướng dẫn.
Điều 2– Những kinh cầu xin chữa lành được xem như có tính cách phụng vụ, nếu nằm trong các sách phụng vụ được Thẩm quyền Giáo hội chấp nhận; nếu không thì không có tính cách phụng vụ.
Điều 3- §1. Những kinh nguyện phụng vụ chữa lành bệnh được cử hành theo nghi lễ qui định và với những phẩm phục thánh theo hướng dẫn của Ordo benedictionis infirmorum trong Nghi Lễ Rôma.
§2. Dựa vào những gì đã được thiết lập trong các Praenotanda, V., De aptationibus quae Conferentiae Episcoporum competunt trong cuốn Nghi Lễ Rôma này, về nghi thức ban phép lành bệnh nhân, các Hội đồng giám mục có thể làm những kinh nguyện thích ứng với địa phương, hoặc có thể vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi, với điều kiện trước đó phải cho Tòa Thánh xem lại.
Điều 4- §1. Giám mục địa phận có quyền đưa ra những phép tắc cho Giáo hội riêng của mình về những việc cử hành phụng vụ xin chữa lành bệnh, theo giáo luật 838 §4.
§2. Những ai chuẩn bị các cuộc cử hành phụng vụ loại này phải tuân hành những phép tắc ấy trước cuộc lễ.
§3. Việc cho phép phải minh nhiên, dẫu các cuộc cử hành được các giám mục hoặc hồng y của Toà Thánh công giáo tổ chức hoặc tham dự. Giám mục địa phận có quyền từ chối việc này đối với một giám mục khác, nếu có lý do chính đáng và cân xứng.
Điều 5- §1. Các kinh nguyện chữa lành không có tính cách phụng vụ phải được thực hiện theo những phương cách khác với các cuộc cử hành có tính cách phụng vụ, chẳng hạn các cuộc gặp gỡ cầu nguyện hoặc đọc Lời Chúa. Thẩm quyển sở tại cần lưu tâm, theo đúng nội dung giáo luật 839 § 2.
§2. Cần tránh lẫn lộn các lối cầu nguyện tự do không có tính cách phụng vụ này với những cử hành thực sự có tính cách phụng vụ.
§3. Ngoài ra trong lúc tiến hành việc cầu xin, đừng sử dụng những lối như điên loạn, giả tạo, làm kịch làm trò hoặc gây kích động, nhất là về phía người điều hành.
Điều 6- Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là truyền hình, khi có tổ chức cử hành các cuộc cầu nguyện chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ và không có tính cách phụng vụ, phải được giám mục địa phận xem xét, theo giáo luật 823, và các phép tắc được Thánh Bộ Tín Lý qui định trong Huấn thị ngày 30 tháng 3 năm 1992.
Điều 7- §1. Ngoài những gì đã qui định ở điều 3 nói trên và những việc cử hành cho người bệnh được sách phụng vụ qui định, các việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ cũng như không có tính cách phụng vụ không được đưa vào, hoặc ghép vào việc cử hành Thánh Thể, các Bí tích hoặc các phụng vụ giờ kinh.
§2. Trong các cuộc cử hành ở §1 trên đây, có thể xen vào các ý chỉ cầu nguyện riêng để xin chữa lành các bệnh nhân trong lời nguyện chung hoặc lời nguyện ‘của các tín hữu’, vào lúc mà lời nguyện chung này đã tiên liệu.
Điều 8- §1. Thừa tác trừ quỉ phải được thực thi do lệnh của Giám mục điạ phận, và tuân theo giáo luật 1172, thư của Thánh bộ Tín Lý ngày 29 tháng 9 năm 1985, và Nghi lễ Rôma.
§2. Những kinh trừ quỉ trong Nghi lễ Rôma phải tách biệt với những cuộc cử hành xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ cũng như không có tính cách phụng vụ.
§3. Tuyệt đối cấm xen những lối cầu nguyện này vào trong việc cử hành Thánh Lễ, các Bí tích và phụng vụ giờ kinh.
Điều 9- Những người điều hành các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, phải giữ cho cộng đoàn tham dự một bầu khí đạo đức thanh thản, và phải thận trọng cần thiết nếu có những người tham dự được chữa lành; vào cuối phần cử hành cầu nguyện, họ có thể ghi nhận một cách kỹ lưỡng và đơn sơ những chứng nhân khả dĩ và trình sự việc lên giáo quyền có năng cách.
Điều 10- Giám mục địa phận cần phải lấy quyền mình mà can thiệp khi có những lạm dụng trong các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, khi có trường hợp gây tai tiếng rõ ràng cho cộng đoàn tín hữu, hoặc khi có những thiếu sót gia trọng về phép tắc phụng vụ và kỷ luật.
Trong lần tiếp kiến Giáo hoàng Gioan Phaolô II dành cho vị Tổng trưởng ký tên dưới đây, Ngài đã chuẩn y Huấn thị này, vốn đã được quyết định trong tổng công hội của Thánh Bộ Tín lý, và Ngài ra lệnh cho phổ biến.
Tại trụ sở Thánh bộ Tín lý, Rôma, ngày 14 tháng 9 năm 2000, lễ tôn vinh Thánh Giá.
+ Hồng y Giuse Ratzinger,
Tổng trưởng
+ Tổng giám mục Tarcisio, s.d.b.,
Hiệu tòa Vercelli, Tổng thư ký