Sắc lệnh về việc gộp lễ
Sắc lệnh Mos iugiter obtinuit của Bộ Giáo sĩ về việc gộp lễ (đăng trên báo Osservatore Romano, số ra này 9/4/1991, bản dịch của Đức Cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ).
Để đáp ứng mong chờ của nhiều chủ chiên đã xin Tòa Thánh soi dẫn về việc cử hành thánh lễ theo “ý chỉ tập thể”, Bộ Giáo sĩ đã ban hành sắc lệnh sau đây:
Điều 1
§1. Giáo luật đ.948 nói: “Phải áp dụng từng thánh lễ cho mỗi ý chỉ, vì bổng lễ đã dâng và đã nhận, cho dù bổng lễ đã được nhận là bé nhỏ”, cho nên linh mục nào nhận bổng lễ cho được làm một lễ theo một ý chỉ riêng, thì buộc “theo đức công bằng”, phải tự mình làm lễ đó (x. GL đ. 949), hoặc trao cho một linh mục làm thay, với các điều kiện do giáo luật ấn định (x. GL đ, 954-955).
§2. Linh mục nào đã thu nhận hàng loạt nhiều bổng lễ để làm lễ theo các ý chỉ riêng, nhưng đã gom tất cả lại thành một bổng lễ duy nhất, mà các người xin không được biết gì và ngài chỉ làm một lễ theo một ý chỉ, gọi là (tập thể), như vậy là làm trái với qui luật trên, và chịu trách nhiệm luân lý tùy theo.
Điều 2
§1. Khi các người dâng bổng lễ được báo trước cách rõ ràng và họ đã tự do chấp nhận cho dồn bổng lễ của họ với bổng lễ của người khác thành một bổng lễ duy nhất, thì linh mục có thể thỏa mãn họ với một thánh lễ, cử hành theo một ý chỉ (tập thể) duy nhất.
§2. Trong số này, cần phải công khai ấn định ngày, nơi và giờ cử hành thánh lễ ấy, nhưng không được quá hai lần một tuần.
§3. Xin các chủ chiên của các giáo phận, nơi xảy ra những nố như vậy, hãy nhìn nhận rằng: nếu thói tục này, là một nố ngoại luật hiện hành, được tràn lan quá độ - cũng dựa trên căn bản những tư tưởng sai lầm về ý nghĩa của các của dâng để xin lễ - thì phải được coi như một lạm dụng và có thể dần dần làm cho các tín hữu mất thói quen dâng tiền xin lễ theo ý chỉ các nhận, và như vậy, sẽ làm mất một phong tục rất cổ kính và có lợi cho các linh hồn và toàn thể Giáo Hội.
Điều 3
§1. Trong nố được nói ở điều 2, 1, thì chủ tế chỉ được lấy số tiền bổng lễ do giáo phận ấn định (x. GL đ. 952).
§2. Số tiền thặng dư sẽ nộp cho các đấng bản quyền, theo như điều luật 951, ngài sẽ dành tiền ấy cho các mục tiêu do Giáo luật ấn đinh (GL đ. 946).
Điều 4
Cách riêng, trong các đền thờ và các nơi hành hương, người ta xin lễ nhiều, nên các cha quản đốc buộc theo lương tâm phải chăm chú lo liệu sao cho các qui luật chung về vấn đế này được áp dụng cẩn thận (nhất là xem GL đ. 954-956), và các điều luật của sắc lệnh này.
Điều 5
§1. Linh mục nào nhận được nhiều bổng lễ cho các ý chỉ riêng, ví dụ vào dịp lễ cầu hồn hay một dịp lễ nào khác, mà mình không thể làm hết trong một năm (GL đ. 953), thay vì từ chối không nhận nữa, làm thất vọng lòng đạo đức của những người xin lễ, và làm cho họ mất ý chỉ tốt lành, thì hãy trao ý lễ cho các linh mục khác (GL đ. 955) hay là cho các Đấng bản quyền liên hệ (GL đ. 956).
§2: Nếu trong các hoàn cảnh như vậy, hay giống như vậy, người ta gặp phải nố đã kê ở điều hai, của sắc lệnh này, thì các linh mục hãy theo các qui định ở điều 3 của sắc lệnh.
Điều 6
Các Đức Giám Mục giáo phận có nhiệm vụ đặc biệt phải mau chóng và rõ ràng phổ biến các qui luật này, có giá trị đối với các giáo sĩ triều và dòng, và chăm lo cho họ thực hành.
Điều 7
Tuy nhiên, các tín hữu cũng phải được dạy bảo về vấn đề này, xuyên qua lối dạy giáo lý đặc biệt, mà các điểm chính là: ý nghĩa thần học cao sâu về của dâng cho các linh mục để cử hành thánh lễ, nhất là để tránh nguy cơ vấp phạm về một hình thức buôn bán của thánh! Sự quan trọng khổ hạnh của việc bố thí trong đời sống Kitô giáo đã được chính Chúa Kitô giảng dạy, mà việc dâng tiền để xin lễ là một hình thức rất quí! Sự chia sẻ của cải, do đó, qua việc xin lễ, các tín hữu góp phần vào việc nâng đỡ các thừa tác viên thánh và thực hiện các việc tông đồ của Giáo Hội.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ngày 23/1/1991, đã đặc biệt phê chuẩn các qui luật của sắc lệnh này và đã truyền công bố và ban hiệu lực.
Ban hành tại Vatican, ngày 22 tháng 2 năm 1991
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II