Trong bài thuyết trình về những chấn thương tâm lý, Sr Thanh Tú đã chia sẻ kinh nghiệm trong các ca tâm lý mà Soeur đã từng điều trị về nạn hãm hiếp phụ nữ và những chấn thương mà người nữ phải đối diện. Soeur cũng cho biết kết quả của những cuộc khảo sát trên những đứa trẻ được sống trong những gia đình được cha mẹ ấp ủ, yêu thương, khích lệ đúng cách .v.v. thì tâm lý của chúng ổn định và chúng sẽ cảm thấy tự tin và có giá trị hơn những đứa trẻ không được sống trong môi trường như vậy. Qua đó, các bạn sinh viên ý thức hơn về cách bảo vệ chính mình cũng như cách nuôi dạy con cái trong tương lai.
Khi đề cập đến sự khác nhau giữa người nam và người nữ khi đối diện với những vấn đề căng thẳng, Sr Thanh Tú chia sẻ: “Người nữ thường có nhu cầu được chia sẻ. Khi gặp vấn đề khó khăn, đau khổ. Trong khi đó, người nam lại thu mình vào một cõi và lặng lẽ, trầm tư, suy nghĩ để tìm cách giải quyết vấn đề”.
Nói đến đây, một bạn sinh viên đặt câu hỏi: “Thưa Soeur, nếu nói vậy thì đâu là điểm khác biệt giữa cái “tôi” và lòng tự trọng?”. Sr Thanh Tú hoan nghênh câu hỏi của bạn đồng thời mời gọi các bạn sinh viên khác cùng suy nghĩ và chia sẻ sự hiểu biết của mình về sự khác biệt này. Cuối cùng, Soeur kết luận:
“Ai cũng có cái “tôi” và cái “tôi” là một phần của cuộc sống, là chính mình. Chúng ta không thể tồn tại nếu không có cái “tôi” của mình. Nhưng điều đáng nói là khi chúng ta quá quy về mình thì cái “tôi” khiến chúng ta luôn đặt mình ở vị trí trung tâm của vũ trụ, mình luôn đúng và do đó không muốn lắng nghe ý kiến hay lời góp ý của người khác nữa. Còn lòng tự trọng là tố chất giúp chúng ta luôn biết tiếp thu ý kiến của người khác, luôn học hỏi và cân nhắc mà vẫn không đánh mất cái “tôi” của mình. Họ biết chính mình và họ cũng biết nhìn qua người khác. Người có lòng tự là người có khả năng nhìn, suy nghĩ và cảm xúc”.
Sinh viên trao đổi với Sr Thanh Tú, fmm.
Tiếp tục về đề tài tâm lý của người phụ nữ, người thuyết giảng chia sẻ về nét đẹp của phụ nữ như khả năng quan tâm đến người khác, sự chịu đựng, hy sinh, trao ban sự sống. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng được lĩnh hội thêm về nét đẹp của người nam trong vai trò người bảo vệ sự sống. Tâm lý của người nam và người nữ có những điểm khác biệt cơ bản như: người nữ thì muốn được hiểu, được quan tâm, được kính trọng, được bảo đảm, được thừa nhận…trong khi đó người nam thì cần người khác tin, chấp nhận, đánh giá cao, ngưỡng mộ, nâng đỡ, khuyến khích mình .v.v.
Câu hỏi mà Soeru đặt ra mà các bạn phải chân thành đối diện với mình để cho ra câu trả lời trung thực nhất: “Tôi đang thiếu điều gì? Ví dụ: sự quan tâm của người khác, hay sự kính trọng? .v.v. Nếu chúng ta nói ‘tôi đã đầy đủ rồi, tôi không cảm thấy thiếu điều gì hết’ thì ngay khi chúng ta nói ra điều đó là lúc chúng ta đang trở nên nghèo nhất vì chúng ta không còn cảm thấy mình cần học hỏi gì thêm nữa”. Câu hỏi khiến cả phòng im lặng, những đôi mắt dần khép lại, đầu cuối nhẹ… quay về với chính mình để tìm xem “Tôi đang thiếu điều gì?’
Không lâu sau đó, một bạn sinh viên chia sẻ: “Thưa Soeur, em là sinh viên năm 4, em đang thiếu thời gian để có thể hoàn thành tốt chương trình học năm cuối.” Sr Tú vừa chia sẻ vừa nhắc nhở vừa cho bài tập thực hành:
“TC rất công bằng khi ban cho mỗi người có 24 giờ bằng nhau. Chính do cách phân chia và sử dụng thời gian khác nhau mà kết quả học tập của mỗi người cũng khác nhau. Chúng ta dành 8h để học, 8h để nghỉ ngơi và 8h để cho các hoạt động khác. Chúng ta học chưa có hiệu quả vì vừa học vừa chơi, có người nói nghe nhạc mới học được, điều đó không đúng, vì não đã bị phân tán, rất khó tập trung. Chúng ta cần có kỷ luật bản thân: giờ nào việc đấy. Không biết cách quản lý thời thời thì đó là lỗi của chúng ta. Chúng ta cần có kế hoạch làm việc rõ ràng và kiên định thực hiện theo bản kế hoạch đó, hẹn để lần khác làm sẽ khiến chúng ta đi lang thang. Mời các em làm một bài tập nhỏ: lên kế hoạch sống cho chính mình và trung thành thực hiện.”
Cuối bài thuyết trình Sr Thanh Tú nhắn gởi: “Nhân tài chỉ 1 %, còn 99 % là nỗ lực của chính mình”. Lời cuối của Soeur lại gợi mở suy tư cho sinh viên về chuyên đề tháng 11/2014: PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP.
Trao đổi với Hiệp Nhất, Sr Mỹ Điểm fmm và Sr Kim Cúc fmm, là những người đang đồng hành với các em, cho biết:
"Mục đích chọn đề tài này là: giúp các em hiểu được tâm lý của chính mình với ơn gọi là người nữ, biết tôn trọng chính mình trong cách hành xử trong những tương quan cả cùng giới và khác giới, biết được giới hạn trong tương quan. Tháng 11/2014, các em sẽ tham gia chuyên đề PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP do TS G.B Vũ Nhi Công thuyết giảng. Mục đích là giúp các em biết cách phân bổ thời gian cách hợp lý để không rơi vào tình trạng lúc thì học căng thẳng, không có thời gian cho các hoạt động lành mạnh khác, khi đi thong thả, học qua loa.
Hiện nay, điều mà những người đồng hành với các em trăn trở nhất là có những bạn chưa biết chọn điều chính yếu cho bản thân, cứ adua theo bạn bè, thiếu lập trường, thiếu mục đích sống và định hướng cho tương lại chưa rõ ràng, không lưu tâm đến những điều được chỉ dẫn. Với sự trăn trở này, người đồng hành cần có trái tim cảm thông và sự kiên nhẫn thì mới có thể thi hành sứ vụ".