Vấn đề TIN và ƠN CỨU ĐỘ - Phải hiểu thế nào cho đúng?
Hỏi: Xin cha giải thích thêm về ý kiến cho rằng: chỉ cần tin là được cứu rỗi.
Trả lời: Như tôi đã có lần giải thích là giữa Công Giáo và anh em Tin Lành nói chung, có sự khác biệt lớn về vấn để đức tin và ơn cứu độ ( faith and salvation).
Anh em Tin Lành, theo thần học của Martin Luther, người chủ xướng Phong trào cải cách tôn giáo ở Đức năm 1517, cho rằng con người được cứu độ là nhờ tin vào Chúa Kitô, chứ không phải nhờ việc lành nào của cá nhân vì con người đã mất hết khả năng làm điều thiện hảo do hậu quả của tội Nguyên Tổ.
Quan điểm thần học này chỉ đúng một nửa mà thôi. Đúng vì dựa trên công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng chịu chết để “làm giá chuộc cho muôn người “ (Mt 20: 28). Nghĩa là, nếu không có việc Chúa Kitô xuống trần gian làm Con Người và chết thay cho mọi người, thì không ai có thể được cứu rỗi, vì “Một người duy nhất (tức Adam) mà tội đã xâm nhập trần gian và tội gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới hết mọi người vì mọi người đã phạm tội.” Rm 5: 12).
Sự chết mà Thánh Phaolô nói ở đây, không chỉ là chết về thể lý, mà chết về mặt thiêng liêng như Thiên Chúa đã cảnh cáo Adam Và Eva: “...Ngày nào ngươi ăn (trái cấm ) người sẽ phải chết.” (St 2: 17), tức là phải vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc, hoan lạc và bình an mà con người đã đánh mất sau khi phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa. Sự chết này “đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam.” (Rm 5 :14). Nhưng vì Thiên Chúa là tình thương, là Cha nhân lành, đầy lòng thương xót nên Người có “nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.” (Tv 30: 6). Vì thế, Người đã sai Con một xuống trần gian để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người. Cho nên, phải nói rằng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô thật vô cùng cần thiết cho những ai muốn được cứu rổi.
Tuy nhiên, vì con người vẫn còn ý muốn tự do (free will) mà Thiên Chúa phải tôn trọng cho con người sử dụng để, hoặc cộng tác với ơn Chúa và sống theo đường lối của Người hầu được cứu độ, hay từ khước Chúa để sống theo ý muốn của riêng mình, tự do làm những điều sai trái, gian ác và tội lỗi. Nghĩa là từ khước ơn cứu độ của Chúa Kitô. Đây là thực tế mà không ai có thể phủ nhận được.
Thật vậy, con người, dù bản chất đã bị băng hoại nặng nề vì tội Nguyên Tổ, nhưng vẫn còn ý muốn tự do để có thể nghe theo tiếng nói của lương tâm mà làm những việc lương thiện, tốt đẹp phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa để được chúc phúc và cứu độ, hay ngược lại, làm những sự dữ như giết người, cướp của, gian dâm, hận thù, nghen ghét, kỳ thị chủng tộc, gây chiến tranh để cướp tài sản của nước khác …như thực trạng của đời sống con người và thế giới ngày nay đang phơi bày ở khắp mọi nơi. Do đó, không thể nói là con người đã mất hết khả năng làm điều thiện hảo và chỉ còn trông nhờ vào đức tin để được cứu độ như anh em Tin lành chủ trương.
Nói khác đi, mặc dù chỉ một mình Adam phạm tội, nhưng hậu quả của tội này đã tràn lan đến hết cả nhân loại, là những người không phạm tội như Adam, nhưng phải chịu chung hậu quả của tội này. Nghĩa là mọi người sinh ra ở đời này đều phải chết đi sau một cuộc sống dài ngắn trên trần gian này. Phải chết trước hết về mặt thể lý và có thể cả về mặt thiêng liêng, tức là phải vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa là nguồn an vui và hạnh phúc vĩnh cửu. Đây mới là cái chết đáng sợ cho những ai có niềm tin vào sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa, sau khi đã chấm dứt hành trình dương thế với cuộc sống dài,ngắn và tạm bợ trên trần gian này. Do đó, để được sống vĩnh cửu với Thiên Chúa trên Nước Trời, con người trước hết phải được tái sinh qua Phép Rửa để được tẩy xóa mọi tội – từ tội Nguyên Tổ cho đến mọi tội cá nhân đã sa phạm cho đển lúc được rửa tội.
Nhưng rửa tội rồi, không có nghĩa là chắc chắn sẽ được cứu rỗi, mà mới chỉ là bước đầu cần thiết cho một tiến trình cải hóa hay biến đổi (conversion, transformation) để trở nên con người mới hoàn toàn, hay nói theo Thánh Phaolô là “phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep 4: 24).
Con người mới, mà Thánh Phaolô nói trên đây, là người biết sống theo Thần Khí để trở nên con cái Thiên Chúa nhờ ơn tái sinh của phép rửa. Nhưng được tái sinh rồi thì phải sống những đòi hỏi của của ơn này, là tin yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, tin Chúa Kitô đã cứu chuộc loài người qua khổ hình thập giá, cương quyết từ bỏ ma quỉ và mọi tội lỗi..Có như thế, mới xứng đáng được hưởng công ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu.
Như thế, tin Chúa Kitô như anh em Tin lành chủ trương, thì mới chỉ là một điều kiện thiết yếu, nhưng chưa đủ để được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Muốn được hưởng, thì phải sống niềm tin ấy cách cụ thể như thánh Gia-Cô- Bê Tồng đồ đã dạy như sau: “... đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: Bạn, bạn có đức tin, còn tôi tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế náo là tin mà không có hành động. Còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ. Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không ? Ông Abraham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao? Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo… Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. (Gc 2: 17-24).
Như vậy, thử hỏi những kẻ đang giết người, đang cướp bóc, chà đạp quyền sống của con người, đang ngụp lặn trong “văn hóa sự chết” để tôn thờ vật chất, tiền bạc và mọi vui thú vô luân vô đạo, thì tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, nào được ích gì?
Ngược lại, nó còn là một sự sỉ nhục lớn lao cho niềm tin ấy là khác, vì không thể miệng nói tôi tin Chúa Kitô là Cứu Chúa của tôi, Alleluia Alleluia!, mà chân tôi lại bước trên con đường dẫn đưa đến sự hư mất đời đời, vì đời sống thực tế của tôi – từ nội tâm ra đến hành động bên ngoài - lại hoàn toàn đối nghịch hay mâu thuẫn với lời tuyên xưng đức tin qua môi miệng, như ánh sáng đối nghịch và mâu thuẩn với bóng tối.
Có ai bị bắt buộc phải gian ác, trộm cắp, giết người, hay dâm đãng đâu? Hay ngược lại, người ta đã tự do làm những việc tội lỗi này ở khắp mọi nơi khiến phải tù tội theo pháp luật của xã hội và phán đoán nghiêm khắc của lương tâm.
Con người chỉ có thể đóng kịch, giả dối với nhau để lừa gạt nhau, nhưng không ai có thể đóng kịch với Thiên Chúa là Đấng nhìn thấu tận đáy lòng mọi người, nên tuyệt đối không ai có thể dối gạt được Chúa về bất cứ điều gì. Nghĩa là, nếu không thực tâm yêu mến Chúa và tha thiết tuân giữ mọi thánh chỉ hay giới răn của Người, thì dù có tuyên xưng, ca tụng Chúa qua môi miệng cách nào đi nữa, thì cũng vô ích mà thôi, vì lẽ “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa! Lậy Chúa, mà được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7: 21)
Nói rõ hơn, nếu tin có Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, thì không thể căm thù ai và nhất là, muốn sát hại người khác, giết thai nhi vì bất cứ lý do gì. Cũng vậy, tin Chúa là Đấng công chính và thánh thiện, thì không thể bất công và bóc lột ai, nhất là không thể buông chiều theo xác thịt để tìm vui thú vô luân vô đạo đầy rẫy trên thế giới ngày nay.
Nếu đời sống thực tế mà không phản ảnh trung thực niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng đã hy sinh chịu chết cho muôn người được cứu rỗi, thì đức tin ấy sẽ không giúp ích gì cho ai, như thánh Gia-cô-bê Tông Đồ đã dạy trên đây.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề cứu rỗi, có vấn nạn được nêu lên là tại sao một mình Adam-Eva phạm tội, mà mọi người phải chịu hậu quả, như vậy có công bằng và hợp lý không?
Dĩ nhiên, nếu lý luận theo hiểu biết và tâm lý con người, thì đó là điều bất công cho cả nhân loại đã không phạm tội cùng với Adam. Nhưng nhìn từ gốc độ thần học và kinh nghiêm thực tế , thì phải nói rằng hậu quả của tội Adam không phải là trở ngại duy nhất cho con người được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
Cho đến nay, giáo lý của Giáo Hội vẫn dạy: có sự kiện sa ngã của nguyên Tổ loài người và để lại hậu quả cho toàn thể con người sinh ra trong trần thế này như bằng chứng Kinh Thánh cho thấy(x. Rm 5: 12-15), nhưng tội này và mọi tội cá nhân khác, đều được rửa sạch hay tha thứ qua bí tích Thanh Tẩy (Rửa Tội), và nhờ đó, con người được tái sinh trong sự sống mới và trở nên con cái Thiên Chúa như Thánh PhaoLô đã dạy (x. Rm 8 : 14-17).
Nhưng như đã nói ở trên, rửa tội xong, không có nghĩa là lấy được visa để vào ngay Nước Trời (trừ ai chết ngay sau khi được rủa tội), hưởng phúc an vui với Thiên Chúa. Ngược lại, người ta còn tiếp tục sống trên trần thế này một thời gian dài ngắn tùy số phận của mỗi người. Và bao lâu còn sống trong thân xác có ngày phải chết đi này, thì bấy lâu người ta còn có thể phạm tội lại nhiều lần nữa, nên phải luôn chiến đấu chống lại mọi cám dỗ của ma quỉ, xác thịt và thế gian để sống trong tình yêu và ơn phúc của Chúa, chờ ngày được vui hưởng Thánh Nhan Người trong Nước hằng sống.
Nghĩa là, nếu dân Tân Ước, tức dân mới của Chúa được tái sinh qua Phép Rửa, mà không quyết tâm sống những cam kết khi được rửa tội (Baptismal promises) là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, từ bỏ ma quỷ và mọi quyến rũ của chúng, thì Phép Rửa sẽ trở nên vô ích cho ai đã lãnh nhận. Trong trường hợp này, công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cũng không giúp ích gì cho những ai không xử dụng ý muốn tự do của mình để cộng tác với ơn thánh và sống đời sống mới thực sự công chính và thánh thiện như bí tích Thanh Tẩy đòi hỏi. Phải có thiện chí muốn cộng tác với ơn Chúa thì đức tin mới thực sự hữu ích cho kẻ tuyên xưng, như Thánh Gia-cô-bê đã dạy.
Nói thế, không có nghĩa là ơn cứu chuộc của Chúa Kitô chưa đủ cho con người được cứu độ. Ngược lại, phải xác tín rằng công nghiệp của Chúa đã quả đủ cho con người được cứu rỗi. Nhưng ơn cứu độ ấy không tự động đến với hết mọi người, dù muốn hay không. Trái lại, nếu con người không ước muốn được cứu độ thể hiện qua thái độ thiếu thiện chí cộng tác với ơn Chúa để sống đời sống mới “ theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em mong muốn. Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng biết rõ: đó là dâm bôn, ô uế, phóng đẫng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, chè chén… Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các việc đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Trời.” (Gl 5:16-21)
Thật vậy, Chúa Kitô đã chết để đền tội thay cho cả loài người, nhưng Chúa không tiêu diệt hết mọi mầm mống, hay nguy cơ của tội còn đầy rẫy trong thế gian và trong bản thân mỗi người chúng ta, để chúng ta phải chiến đấu chống lại chúng cho đến hơi thở cuối cùng, để cộng tác với ơn Chúa hầu được cứu độ, tức là hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô để sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Nước Trời.
Cứ nhìn vào thực trạng của thế giới ngày nay và thực trạng sống đạo của các tín hữu ở khắp nơi trên thế giới, cũng quá đủ cho thấy là công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Chúa Kitô đã và đang trở nên vô ích cho biết bao người.
Đây là thực trạng đó:
Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, là một thế giới muốn “Phi Kitô hóa” (a de-Christianized world), tức là loại bỏ mọi ảnh hưởng của Kitô-giáo để cho con người mặc sức ngụp lặn trong “văn hóa sự chết”, chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ vật chất, tiền bạc và vui thú vô luân, vô đạo, thể hiện rõ nét trên mọi bình diện cá nhân, quốc gia và quốc tế.
Trước hết ,trên bình diện cá nhân, có những người mang danh Kitô hữu (Christian) hay Công giáo, nhưng đời sống và hành động của họ lại mâu thuẫn hoàn toàn với nội dung của danh xưng này. Cụ thể, có biết bao người đã được rửa tội khi còn bé, hoặc mới gia nhập Giáo Hội sau này qua Phép Rửa, nhưng nay đã rời bỏ Giáo Hội và sống phản chứng qua những việc họ làm như cờ bạc, oán thù, gian dâm, thay chồng, đổi vợ, tôn thờ vật chất và vui thú vô luân…
Lại nữa, có những nhiều người Công giáo không có giờ đi dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và năng xưng tội, rước Mình Máu Thánh Chúa, nhưng lại có dư giờ để đi cờ bác, vui chơi, nhẩy nhót ngày đêm! Có những dân biểu, nghị sĩ, thống đốc, thị trưởng nghị viên công giáo đã bỏ phiếu ủng hộ việc phá thai và trợ cấp tiền của Liên bang cho các tổ chức phá thai (planned parenthood) và hợp thức hóa hôn nhân đồng tính (same sex marriage), và lại nhắm mắt, bịt tai trước sự lan tràn của làn sóng vô thần, vô luân, phim ảnh dâm ô và bạo động trên Internet, Video, DVD, xô đẩy biết bao người lớn nhỏ vào hố sâu tội lỗi. Tệ hại hơn nữa là , họ còn cấu kết với các tập đoàn tài phiệt để bóc lột dân nghèo qua việc làm ngơ cho bọn cầm đầu kỹ nghệ xăng dầu tự ý lên giá xăng dầu để vơ vết thêm nhiều của cải, bắt chấp khó khăn, khốn cùng của đa số người dân nghèo hay người có lợi tức thấp.
Trên bình diện quốc gia và quốc tế, những kẻ tham quyền cố vị đã cố kéo dài sự cai trị hà khắc dân lành và mặc sức vơ vết tài sản của quốc gia để làm giầu cho mình và cho tập đoàn thống trị độc ác của mình, sẽ không thể xứng đáng được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu, cho dù có ai trong bọn họ tự xưng là Christian (Kitô hữu) thì danh xưng này cũng không giúp ích gì cho họ khi mà đời sống và hành động của họ không phản ảnh trung thực giá trị của danh xưng đó.
Tin Chúa là Đấng cứu chuộc con người, thì phải thành tâm muốn đi theo Chúa là Đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 4: 6). Chỉ có một con đường, là chính Chúa Kitô, mới dẫn ta đến cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng, “sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần thế này.” (2 Pr 1: 4).
Tóm lại, không thể ngoài miệng nói tin Chúa, mà trong lòng còn chứa chất những âm mưu độc ác, những oán thù, chia rẻ, những đam mê tiền của và vui thú vô luân, vô đạo...
Không thể tham dự Thánh lễ hay những buổi thuyết giảng, cầu nguyện và miệng lâm râm kêu lên Alleluia Alleluia, tôi tin Chúa Kitô là Cứu Chúa của tôi, nhưng khi ra khỏi nhà thờ hay nơi thuyết giảng, thì lại tiếp tục cuộc sống mâu thuẫn hay đối nghịch với những lời ca tụng Chúa trong buổi nghe giáng Kinh Thánh, hoặc tham dự Thánh Lễ .
Đức tin chân chính và hữu hiệu đòi hỏi phải có việc lành cụ thể để chứng minh thì mới xưng đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa Cứu Thế Giêsu. Nghĩa là không thể tách rời đức tin ra khỏi đời sống thực tế, thể hiện qua lời nói và việc làm của người tin được.
Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn