Bình an trong đời tu
Bình an trong đời tu2/26/2014 11:47:29 PMTôi có một anh bạn thân, anh ta là dự tòng và rất có thiện cảm với đạo Công Giáo của chúng ta. Mới có ý định theo đạo mà anh ta đã siêng năng đi lễ rồi.
Trong cuộc trò chuyện với anh tại sân nhà thờ nọ, tôi chủ động bắt chuyện với anh, tôi hỏi anh: “anh đi lễ như vậy thì anh cảm thấy ấn tượng nhất là phần nào trong Thánh lễ?” Anh bạn trả lời: “mình ấn tượng nhất chính là các lần chào chúc bình an của linh mục với giáo dân và ngược lại”. Câu đó là: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, sau đó cộng đoàn đáp: “và ở cùng cha”. Anh bạn nói tiếp: “mình rất thích và cảm động vì lời chào chúc đó có một ý nghĩa sâu xa là cầu xin Thiên Chúa ban bình an của Người xuống trên ta”; “Sau lễ, mình ra về và hạnh phúc vì đã đón nhận được sự bình an của chính Thiên Chúa”.
Thật vậy, người được Chúa ban bình an của chính Chúa thì khác xa với sự bình an giới hạn theo lối hiểu của con người.
Qua bài viết này, tác giả muốn chia sẻ về sự bình an đích thực trong đời tu, để thấy được đâu là bình an thật và đâu là bình an giả tạo. Tuy nhiên, cũng nên làm một cuộc nhận thực về trạng thái bình an của con người trong xã hội hôm nay.
Vì thế, trước khi đi vào vấn đề trọng tâm của bài viết, xin được sơ qua về thứ bình an theo quan điểm của con người, đồng thời cũng làm toát lên sự bình an của Chúa, và, như một cách phân danh để thấy được đâu là sự khác biệt giữa bình an của người đời và bình an của Chúa trong đời tu.
1. Bình an theo lối hiểu của con người
Cuộc đời của con người luôn phải đối diện với đủ mọi khó khăn do mình gây ra, hoặc do người khác mang lại, và đôi khi cũng do thiên nhiên nữa. Rồi trong kiếp người, chúng ta luôn phải đối diện với sinh, lão, bệnh, tử... Bình an của con người lúc này chính là làm sao cuộc đời không gặp những chuyện bất trắc như ốm đau, bệnh tật, thay vào đó là có một sức khỏe tốt, một cuộc sống an nhàn bên con cháu.
Khi tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy hay đường hàng không... người ta mong được an toàn trên suốt lộ trình, không xảy ra tai nạn giao thông. Bình an ở đây chính là mong cho được đi đến nơi, về đến chốn mà không xẩy ra tai nạn.
Trong khi xây dựng các công trình, chúng ta thường thấy người ta treo những tấm panô với hàng chữ: “an toàn là trên hết”;hay “an toàn là bạn, tai nạn là thù”. Bình an trong lãnh vực này chính là mong sao cho công trình từ khởi sự cho đến hoàn thành không có điều gì cản trở hay thoát khỏi dấu vết của tại nạn.
Rồi trong cuộc sống, những trận cuồng phong bão tố, gây nên lụt lội, những trận sóng thần, những ngọn núi lửa, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, những bệnh dịch tràn lan... Con người lo sợ thiên nhiên cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào... Bình an trong hoàn cảnh này chính là mưa thuận gió hòa, môi trường trong lành...
V...V...
Nói chung, bình an theo kiểu con người chính là mong sao được cơm no áo ấm, mạnh khỏe, được làm ăn phát đạt, được an nhàn thư thái, được may mắn, an toàn, và cuối cùng là được sống lâu...
2. Sự bình an đích thực đang mất dần trong xã hội hôm nay
Nhìn xa hơn khi vượt qua khuôn khổ đời tư hay gia đình, để mở tầm nhìn ra xã hội mà chúng ta đang sống hôm nay, hầu thấy được xã hội hiện thời là một xã hội văn minh, tiến bộ, nhưng là thứ văn minh của sự chết.
Trên thực tế đã chúng minh cho chúng ta thấy rất rõ. Nhiều người rất giàu, có quyền hành, địa vị cao, ấy vậy mà vẫn không thấy niềm vui và hạnh phúc đâu cả, mà chỉ thấy buồn phiền và lo lắng. Họ có thể là những người bất an khi trong nhà có quá nhiều tiền. Họ có thể là những người không vui khi ngày nào cũng phải lo củng cố địa vị và nơm nớp lo sợ bị truất phế, “mất ghế”.
Trong khi đó, hình ảnh của những người nghèo cũng không khỏi khắc khoải, lo âu đối chọi với cuộc sống lay lắt qua ngày.
Có những người chỉ mong có được gói mì tôm đáng giá 2.000 đồng để ăn cho đỡ đói cũng không ra; hay lại có những người bị con cái đánh và đuổi ra khỏi nhà để sống vật vờ nơi gầm cầu, xó chợ đây đó chỉ vì: “tại sao ông bà không nghe lời tôi”; “ông bà không làm theo ý của tôi...”. Một sự ngược đời, làm đảo lộn đạo đức gia phong đang diễn ra không ít trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay...
Có những bạn trẻ lại bị chính những người tưởng chừng như “má ấp môi kề” yêu thương đùm bọc sẽ là những người chung lưng đấu cật để cùng nhau xây dựng tổ ấm. Nhưng thực tế, nhiều người đã vỡ mộng. Đây đó, chúng ta thấy có những nhát dao chí tử để kết liễu cuộc đời của người yêu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy không ít những đôi tình nhân vì yêu nhau quá, nên không ngần ngại tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời khi bị áp lực phản đối của gia đình, công việc hay học hành.
Lại có những hạng người làm ăn rất an nhàn, đồng lương quá hậu hĩnh, nhưng họ lại là những người dính vào vòng lao lý khá nhanh, bởi vì họ chính là những: gái mại dâm, trùm ma túy, tướng cờ bạc...
Khía cạnh chính trị, chúng ta không lấy làm lạ khi nhận thấy đây đó người ta thanh trừng nhau để đảm bảo an ninh. Hiện tượng mới đây của Triều Tiên là một điển hình.
Giữa nước này với nước nọ cũng không ngừng “khoe tên lửa đầu đạn hạt nhân” nhằm võ sĩ dương oai với các nước khác. Mới đây nhất, Mỹ và Hàn tập trận để dằn mặt Triều Tiên. Rồi cũng có những nhà lãnh đạo, luôn miệng nhân danh chiến tranh để xây dựng hòa bình, nhưng khi người ta khởi phát chiến tranh thì lại là lúc người ta cảm thấy hòa bình đang dần xa và biến mất. Điều này không bao giờ có thể có được, bởi vì tự trong tâm, nó đã có mầm mống hủy diệt thì làm sao có được bình an? Cũng như làm sao có được cây mọc lên tươi tốt khi cái gốc của nó đã thối hoặc mục nát?
Cuối cùng, trong đời sống thường ngày, chúng ta thấy ngày càng xuất hiện nhiều căn bệnh mới mà hiện nay chưa có thuốc đặc trị... khiến cho con người không khỏi hoang mang...
Như thế, thế giới và con người ngày hôm nay luôn nơm nớp những sợ hãi, lo âu, thất vọng, bi đát và chán trường.
Đứng trước thực trạng đó, là người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi đi vào mối tương quan bình an của Chúa và với Chúa. Bởi vì, bình an ta có được là khởi đi từ Người.
3. Bình an của Đức Giêsu
Bình an của Đức Giêsu chính là sự bình an nội tâm. Bình an này không phải là thứ bình an hào nhoáng bên ngoài, cũng không được phủ lên nó một sự thành đạt, quyền bính hay danh dự ngoại tại... Bình an này cũng không phải không có ốm đau, bệnh tật... Bình an của Đức Giêsu chính là bình an ngay trong những thiếu thốn, thử thách, mất mát, bệnh tật và cả cái chết... tức là bình an ngay trong những điều tưởng chừng như mâu thuẫn: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23). Nhận được bình an của Chúa, người thụ hưởng sẽ cảm thấy: “tâm bất biến giữ dòng đời vạn biến”.
Thật thế, Đức Giêsu không nói: “chúc các con bình an”; hay: “các con ở lại bình an”, không! Ngài không nói như vậy. Nhưng trước khi từ biệt các môn đệ để lên đường chịu khổ nạn, Ngài nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27). Rồi sau khi phục sinh, Ngài cũng trao ban chính bình an đó cho các môn đệ.
Bình an của Đức Giêsu chính là bình an sâu thẳm bên trong tâm hồn. Vì thế, bình an này không dừng lại ở bên ngoài, mà còn đi xa hơn để tiến tới tận căn là cõi lòng, tâm hồn người lãnh nhận.
Nếu Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ bình an, rồi chuẩn bị lên đường chịu chết, thì người đón nhận nó cũng phải hướng đến cuộc khổ nạn của chính mình khi đón nhận sự bình an từ Chúa. Chúng ta đừng trở nên giống Phêrô, một Phêrô mới tuyên tín: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa" (Lc 9, 21), rồi sau khi nghe thấy Đức Giêsu loan báo sẽ tiến lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết, ông đã không ngần ngại cản Thầy đừng có đi. Phêrô chưa đón nhận được bình an của Đức Giêsu thực sự, ông còn “rất đời”. Nếu ông đã có bình an của Chúa thì ông sẵn sàng đi theo Chúa, đặt bước chân của mình vào bước chân của Chúa, để cùng vui mừng, ưu sầu và lo lắng vì ơn cứu độ của con người mà Thầy mình đang thi hành. Đàng này, ông đã hiểu sai và cũng hành động sai khi cản Thầy của mình đừng có đi để chịu chết...
Như vậy, bình an mà Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ chính là Ngài; hay nói cách khác, Ngài chính nội dung, là nguồn cội của bình an. Vì thế, Ngài ban cho các ông bình an là Ngài ban chính Ngài cho các ông. Bình an của Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ và mong muốn các ông đón nhận cũng như sống trong cuộc đời của mình mặc cho cuộc sống um sùm, rối ren, bon chen và sô bồ, thì người môn đệ của Chúa vẫn cứ: “gạn đục khơi trong” để sống trung thành với ơn gọi, sứ mạng Chúa trao.
4. Bình an trong đời sống thánh hiến
Nói đến đời sống thánh hiến, người ta thường nói: “cha, thầy, sơ có được bình an, hạnh phúc không?” Tại sao thế? Thưa! Bởi vì đơn thuần chỉ vì chúng ta là những người đi theo Đức Giêsu cách gần gũi hơn cả. Mà gần Chúa thì không lẽ gì không có bình an. Không lẽ gì lại là một “ông thánh, bà thánh buồn!”. “Thánh mà như vậy thì là một vị thánh đáng buồn”. Khi nói về tâm hồn của những người có Chúa, tức là có bình an của Chúa, đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận nói: “... Càng gian truân con càng vui tươi như Gioan và Phêrô bị đánh đập ở hội đường ‘ra về vui vẻ vì được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa’; như Phaolô: ‘Tôi tràn đầy vui tươi giữa những thử thách của tôi’" (ĐHV 536).
Nếu không có bình an, chúng ta cần xem lại mục đích đời tu của mình đặt ở đâu? Có bị sai đường trệch lối không?
Quả thật, nếu nói hạnh phúc là điều cần thiết, thì bình an là điều không thể thiếu trong tân hồn của người hạnh phúc. Chính Đức Giêsu đã thấy được tầm quan trọng của nó, nên đã trao ban bình an của người cho các môn đệ trước lúc từ biệt các ông để chịu chết và ngay sau khi phục sinh.
Nếu trong xã hội, con người không có bình an thì sẽ trở thành hỗn loạn và xã hội, gia đình sẽ bị rối beng. Con người sẽ cắn xé nhau vì miếng cơm manh áo, hay nói đúng hơn vì cái bụng.
Trong đời tu cũng thế, nếu không có sự bình an, cá nhân sẽ cảm thấy nặng nề, mệt mỏi và nhiều lúc so đo tính toán thiệt hơn... Nhất là người không có bình an thì sẽ cảm thấy cô đơn ngay trong lòng cộng đoàn, sẽ cảm thấy bất hạnh khi lựa chọn con đường đi tu, sẽ mất niềm hy vọng vào tương lai mai hậu. Như thế thì còn đâu hình ảnh một “Cộng đoàn: nơi tha thứ, chốn an vui?”.
Không có bình an, đời tu sẽ đặt để những mục đích của cuộc đời lung tung và làm đảo lộn giá trị.
Trong xã hội văn minh tiến bộ như hiện nay, nó đã đem lại cho con người nhiều thành quả tích cực trong đời sống. Tuy nhiên, nó cũng không ngừng phân rẽ hay nói đúng hơn, nó đang thách đố chúng ta về “niềm vui và hạnh phúc thật”. Nếu một người có bình an của Chúa thực sự, thì họ: “Thành công, cảm ơn Chúa; thất bại, cũng cảm ơn Chúa, vui tươi mãi... Chính là lúc đó Chúa muốn thử xem ta làm vì Chúa hay vì ý riêng ta. Vui vẻ, can đảm lúc thất bại khó khăn hơn hân hoan lúc xuôi may; hạng anh hùng này ta đếm được đầu ngón tay (x. ĐHV 537).
Là người sống đời thánh hiến, chúng ta lựa chọn đời sống độc thân, dâng hiến cuộc đời cho Chúa, từ bỏ mọi sự, ngay cả tình cảm chính đáng là tình yêu đôi lứa, để đi theo Chúa, sống độc thân vì Nước Trời là để thể hiện một điều gì đó vượt lên trên những thực tại của trần gian.
Khi lựa chọn đời tu như thế, chúng ta được mời gọi đến với con người, không phân biệt địa vị giai cấp... không hẳn là để chữa trị những căn bệnh thể lý, hay thay đổi đời sống hoặc có hoài bão làm thay đổi những diễn biến của thiên nhiên, ổn định hòa bình thế giới, hay cục diện của cuộc đời họ..., Không! Chúng ta được mời gọi đến để trở nên những biểu tượng tinh thần cho những biến cố này. Trở thành biểu tượng của niềm hy vọng cho con người vì một ngày mai tươi sáng hơn. Trở thành “niềm vui của Tin Mừng”.
Chúng ta được mời gọi trở nên những người thầy khôn ngoan, dẫn đường chỉ lối cho người ta thấy được đâu là hạnh phúc và niềm vui thực sự, đâu chỉ là tạm bợ chóng qua... Và, chúng ta sẽ trở thành những người: “Ðức Kitô là Ðấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em " (1Pr 3,15).
Khi trở thành những người hướng dẫn như thế, chúng ta sẽ đem yêu thương, thứ tha, an hòa vào những nơi tranh chấp, để loại trừ hận thù, nghi nan và thất vọng. Đem niềm vui, cậy trông vào những nơi tối tăm, để loại trừ ưu sầu và thất vọng.
Làm được điều đó, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và bình an, đồng thời nhiều người cũng được an bình.
Đã đến lúc, chúng ta nên ngồi lại để hồi tâm xem mình đã có bình an hay chưa?
Nếu có rồi thì tạ ơn Chúa và tiếp tục hân hoan tiến bước trên con đường đó. Nếu chưa, ta xem tại đâu? Tại ta đi sai đường hay tại ta chưa có tâm tu?
Chúng ta có thực sự lựa chọn đời tu vì mục đích là làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn không, hay chỉ vì những mục đích “rẻ tiền” như danh vọng, hình thức, hòa nhoáng bề ngoài, hoặc mong đạt được chức vị và cố gắng thế thủ hay như một nghề để trục lợi cho cá nhân?.
Để kết thúc bài viết, xin được mượn lời của thánh Phaolô để cầu chúc cho chúng ta và cũng mong cho chính mình được ơn bình an đích thực của Chúa: “Ước gì ơn bình an của Ðức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân” (Cl 3, 15).
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Giáo hội, cụ thể là Giáo sĩ Tu sĩ có thực sự sống cái nghèo của Phúc Âm chưa?
Giáo hội, cụ thể là Giáo sĩ Tu sĩ có thực sự sống cái nghèo của Phúc Âm chưa?5/27/2014 3:06:45 PMVì yêu mến Giáo Hội, cũng như tha thiết với sứ mệnh của Giáo Hội trong trần gian nên tôi muốn suy tư thêm một lần nữa về vấn đề này và muốn chia sẻ với những ai có chung một ưu tư và đồng cảm.
Những ai không đồng ý thì chắc chắn sẽ lên án tôi là ‘đạo đực giả, không thực tế, không biết thông cảm v.v.v. nhưng tôi không quan tâm gì về điều này. Tôi cần nói lên những suy tư của riêng tôi vì mục đích góp phần xây dựng cho Giáo Hội được ngày một trở nên nhân chứng đích thực của Chúa Kitô, “ Người vốn giàu sang , phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2Cor 8:9)
Chúa Kitô có thực sự sống khó nghèo để nêu gương nghèo khó cho chúng ta không?
Chỉ cần đọc lại sơ qua Tin Mừng, người ta , dù với nhãn quan nào, cũng tìm ngay được giải đáp đích đáng cho câu hỏi trên.
Thật vậy, khi sinh ra làm người trên trần thế này, Chúa Giêsu đã không chọn sinh ra trong nơi quyền quí, cao sang, mà lại chọn sinh ra nơi hang bò lừa trong thân hình “một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2:13) giữa mùa đông giá rét. Có lẽ trong lịch sử loài người, không một ai đã sinh ra trong cảnh khó nghèo hơn Chúa Cứu Thế Giêsu,và chắc chắn cũng không có ai đã chết cách nhục nhã và khó nghèo hơn Chúa, khi Người bị treo trần trụi trên cây thập giá. Vì nghèo nên Chúa đã không có chỗ để an táng khiến môn đệ phải mượn ngôi mội trống của ông Giuse cho Chúa nằm tạm trong 3 ngày, chờ phục sinh. (Ga 19:41)
Như thế , còn ai nghèo khó hơn Chúa, cũng như ai dám hoài nghi gương khó nghèo của Người?
Trong khi còn đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ như sau: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép.” (Lc 10:4)
Nói thế không phải vì Chúa không thực tế, không nhìn thấy sự cần thiết của nhu cầu vật chất: như cơm ăn , áo mặc, nhà cửa, phương tiện di chuyển. Thực ra Chúa chỉ muốn các môn đệ trước đây, và mọi tông đồ ngày nay phải sống tình thần nghèo khó mà chính Người đã làm gương cho họ mà thôi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. (Mt 8:20).
Tinh thần này Chúa đã nói rõ trong Bài Giảng Trên Núi hay còn gọi là Tám Mối Phúc Thật sau đây:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
Vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3, Lc 6:20)
Có tinh thần nghèo khó thì chỉ dùng tiền của, xe cộ nhà ở, như phương tiện cần thiết để sống và làm mục vụ cần di chuyển, chứ không vì mục đích phải kiếm tìm. Mục đích phải kiếm tìm chính là Thiên Chúa và Vương Quốc của Người như Chúa đã nói rõ với các môn đệ xưa kia: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33)
Như vậy, có tinh thần nghèo khó của Phúc Âm, thì không được chạy theo tiền của và xa hoa vật chất; khiến coi thường người nghèo để chỉ quí trọng hay làm thân với những người giầu có và quyền thế. Cụ thể, đối với người nghèo và không quen biết thì áp dụng luật cứng nhắc như không cho đem xác người chết vào nhà thờ, không cho thân nhân người quá cố là linh mục được đồng tế trong lễ an táng (chuyện có thật xẩy ra ở bên nhà do một nhân chứng kể lại) hay lễ cưới của gia đình nghèo. Ngược lại, với gia đình giàu có và thân quen thì lại cho hàng mấy chục linh mục khác đồng tế trong tang lễ cũng như cho đem xác người chết vào trong nhà thờ !!!, Như thế thì làm sao có thể là nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô khó nghèo, thương yêu và công bằng với hết mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, da đen, da trắng, hay da vàng ?
Lại nữa, có và sống tinh thần nghèo khó của Phúc Âm thì không thể coi việc dâng lễ theo ý chỉ của người xin như việc buôn bán, để ai đưa tiền nhiều thì ưu tiên làm lễ trước cũng như cho rao tên trong nhà thờ, trong khi người có ít tiền thì bị từ chối hoặc lấy lý do là đã có đủ lễ rồi, không nhận thêm nữa!... Tệ hại hơn nữa, có những cặp hôn phối chưa được phép chuẩn (annulment) của tòa hôn phối hoặc không được chuẩn nhưng cha vẫn bất chấp giáo luật cứ âm thầm chứng hôn cho họ lấy nhau vì họ đã biếu cha một số tiền lớn để hậu tạ! Cha còn dặn thêm là đừng nói cho ai biết. Nhưng người ta vẫn nói nhỏ cho người thân biết, để hợp thức hóa việc họ sống chung trong gia đình thân tộc!
Chưa hết, là linh mục, hình ảnh của Chúa Kitô khó nghèo mà vênh vang đi những xe hơi đắt tiền nhu BMW, Lexus, Mercedes v.v đeo đồng hồ Rolex, Omega... thì làm sao giảng sự khó nghèo của Phúc Âm cho người khác và thuyết phục được ai sống tinh thần khó nghèo này? Một tệ nạn ở các Giáo Xứ hay Công Đoàn Việt Nam ở Mỹ là tình trạng có nhiều linh mục (có khi trên 20 vị) đồng tế trong các lễ tang, lễ cưới. Đáng lẽ chỉ nên đi đồng tế cho những gia đình thực sự thân quen hay có liên hệ gia đình mà thôi. Nhưng thực tế có nhiều linh mục đi đồng tế vì được mời cho đông, cho thêm phần long trọng của gia chủ, chứ không vì thân quen hay có liên hệ gia đình. Điều này sẽ gây buồn tủi cho những gia đình không quen biết nhiều cha để mời.
Về vấn đề này, tôi đã có đôi lần nói rõ là: ơn thánh Chúa ban cho người quá cố hay cho các đôi tân hôn không hề lệ thuộc vào con số linh mục đồng tế, nhất là vì số tiền to nhỏ mà gia chủ đã chi ra trong những dịp này.
Nói khác đi, nếu một người khi còn sống không “lo thu tích vào kho tàng chẳng thể hao mòn ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá” (Lc 12:33) mà chỉ lo tìm kiếm tiền của, lợi lãi và vui thú trần thế, đến nỗi quên mất Chúa, không dành cho Người một chỗ nào trong tâm hồn mình, thì khi chết dẫu có Đức Thánh Cha chủ lễ với hàng trăm Hồng Y Giám mục, và linh mục đồng tế thì cũng vô ích mà thôi. Ngược lại, một người đã thực tâm yêu mến Chúa và cố gắng sống theo đường lối của Chúa suốt cả đời mình thì khi chết dẫu không được linh mục nào đến đồng tế cầu nguyện cho, hoặc tệ hại hơn nữa là xác không được cho đem vào nhà thờ, vì không “thân quen” với cha xứ, nên bị đối xử tàn tệ, thì cũng không hề thiệt thòi chút nào khi ra trước mặt Chúa để được đón nhận vào chốn vinh phúc đời đời, nơi tiền của, thân quen và vinh quang trần thế không thể mua hay đổi chác được!
Chắc chắn như vậy.
Do đó, linh mục phải làm gương trước tiên và có bổn phận và trách nhiệm giảng dạy cho giáo dân hiểu rõ chân lý trên đây, thay vì chiều theo thị hiếu của một số người ưa thích khoa trương bề ngoài, thích mời nhiều cha đến đồng tế trong mọi dịp vui buồn khiến nẩy sinh tệ trạng linh mục “chạy sô” (show) cuối tuần giống như ca sĩ đi show trình diễn văn nghệ ở nhiều nơi hàng tuần! Có điều khó coi, theo thiển ý, là các gia chủ thường tặng “phong bì” ngay sau lễ ở cuối nhà thờ trước mắt nhiều giáo dân ra về sau lễ. Linh mục đến đâng lễ để cầu nguyện cho người quá cố hay cho đôi tân hôn chứ không phải đến để nhận “phong bì”. Xin mọi người hiểu rõ như vậy để giúp các linh mục sống tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, nghĩa là đừng “làm hư” các ngài vì tiền bạc.
Cũng trong tinh thần sống khó nghèo của Phúc Âm, người tông đồ lớn nhỏ của Chúa Kitô ngày nay cũng nên chấm dứt thi nhau ra nước ngoài để xin tiền, gây nhiều phiền phức cho giáo dân hàng tuần đi lễ cứ phải gặp các vị khách lớn nhỏ từ xa “đến thăm” giáo xứ mình. Tuy các vị không công khai xin tiền như trước, nhưng sự có mặt của các vị khách này cũng cho giáo dân hiểu là họ muốn được giúp đỡ cho nhu cầu “vô tận” của họ!
Nhưng thử hỏi: giáo hội địa phương có nhiều nhu cầu đến thế hay không mà quá nhiều vị đã bỏ bê đoàn chiên, giáo xứ ở nhà để đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần để làm gì ???
Nếu để xin tiền xây cất cơ sở cho thêm đồ sộ để khoa trương với du khách thì đây không phải là nhu cầu chính đáng để phải vất vả đi lại nhiều lần như thế.
Nhu cầu chính đáng, quan trọng và cần thiết nhất là phải xây cơ sở thiêng liêng, nơi tâm hồn mọi tín hữu mà mình có sứ mạng coi sóc, và làm gương sáng cho đoàn chiên được giao phó cho mình chăn dắt. Đây mới thực sự là nhu cầu phải thỏa mãn, cần thiết phải đầu tư tâm trí và thì giờ để tìm kiếm cho bằng được.
Sống trong một xã hội thụt hậu thê thảm về đạo đức, luân lý, trong khi nhiều giáo dân nói riêng và người dân nói chung còn thiếu thốn mọi mặt, thì những ngôi thánh đường lộng lẫy, những nhà xứ sang trọng đã trở thành dấu phản chứng rõ nét nhất cho tinh thần khó nghèo mà Chúa Kitô đã sống và rao giảng. Chắc chấn Chúa không hài lòng được ngự trong những nơi trang hoàng lộng lẫy giữa đám dân nghèo như vậy.
Linh mục, Đức Kitô thứ hai (Alter Christus), có sứ mạng rất cao cả là mang Chúa Kitô đầy yêu thương, tha thứ, đến với mọi người không phân biệt giầu nghèo, sang hèn! Nghĩa là, qua sứ vụ được lãnh nhận từ bí Tích Truyền Chức Thánh (không phải là trao tác vụ linh mục như có người vẫn nói sai) linh mục không những phải rao giảng điều mình tin và nhất là phải sống điều mình giảng dạy, để làm chứng cho Chúa Kitô, “Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20: 28).
Chính hàng giáo sĩ, tức các vị lãnh đạo tinh thần, những người “cha thiêng liêng” của dân Chúa đã, đang và sẽ đẩy giáo dân ra khỏi Giáo Hội, và làm mất đức tin của họ; khi họ nhìn thấy đời sống của các ngài không phản ảnh trung thực những gì các ngài rao giảng. Chúa Kitô xưa kia đã nhiều lần nặng lời lên án nhóm Luật Sĩ và Biệt phái vì họ nói mà không làm, giảng luật cho người khác tuân giữ nhưng chính họ lại không sống những gì họ dạy người khác phải sống và thi hành.
Tóm lại muốn tránh bị Chúa quở trách, than phiền như Người đã chỉ trích nhóm Biệt Phái và Luật sĩ xưa kia, người tông đồ ngày nay đã học kỹ bài học “giả hình” của bọn người này chưa, để sống trung thực với lời mình rao giảng về tình thương, về đức bác ái, công bằng và nhất là về tinh thần nghèo khó của Chúa Kitô, hầu thuyết phục giáo dân thêm tin yêu Chúa qua đời sống chứng nhân của chính mình ở giữa họ.
Việc rao giảng Tin Mừng sẽ vô hiệu quả khi lời nói không đi đôi với việc làm, nghĩa là không sống và làm chứng cho điều mình giảng dạy cho người khác.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.
Đức ái của linh mục
Chúng ta đang cùng với Giáo phận sống chủ đề “Gia tăng Đức ái” của năm 2014 trong hành trình chuẩn bị mừng 400 trăm năm Tin Mừng được loan báo tại Giáo phận. Đây cũng là dịp quý báu để chúng ta cùng suy tư về Đức ái Linh mục.
|
1. Đức ái là cốt lõi của lề luật và của đời sống linh mục:
Ngày nay người ta thường nhìn các linh mục, để chê bai hoặc khen ngợi Giáo Hội, vì biết rằng linh mục chính là sợi dây liên kết chắc chắn giữa giáo dân và Giáo Hội, giữa con chiên và mục tử là Chúa Giê-su, và linh mục chính là người chuyển thông ơn Chúa cho giáo dân mỗi khi cử hành thánh lễ và các bí tích. Người ta cũng nhìn vào cách sống của linh mục để dự đoán tương lai của giáo xứ, bởi vì một cha sở nhiệt thành với giáo xứ của mình, biết sống chan hòa với giáo dân, thì chắc chắn giáo xứ ấy sẽ có sức sống và phát triển, bằng ngược lại, nếu giáo xứ nào có một cha sở chỉ biết làm lễ mà thôi, thì giáo xứ ấy sẽ không phát triển được vì cha sở chưa chu toàn trọn vẹn bổn phận của một cha sở. Dó đó, một linh mục tốt lành và được mọi người yêu mến, chính là một linh mục mà đức ái vượt qua cả chức thánh mà mình đã lãnh nhận. Đức Ái vượt qua chức thánh nghĩa là các ngài không coi chức thánh như bàn đạp để tiến thân, không coi chức thánh như một “bửu bối” để ăn trên ngồi trước, để làm “cha” thiên hạ, nhưng các ngài để Đức Ái của Chúa Giê-su chiếm hữu tâm hồn của mình, và tỏa lan đến với mọi người chung quanh qua cách sống, như Chúa Giê-su đã sống và đã chết vì Đức Ái đối với nhân loại tội lỗi vậy.
Nói một cách khác, Đức Ái đối với linh mục như con mắt với con ngươi, như cá với nước, nghĩa là nếu một linh mục không có đức ái thì mọi hoạt động của các ngài sẽ không sống động, sẽ không phát lửa yêu thương truyền sang cho người khác; nếu một linh mục không có Đức Ái thì ngài chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng, làm điếc tai nhức óc người khác mà thôi (1Cr 13, 1-8), và quan trọng hơn, chính các ngài sẽ trở thành những tảng đá lớn chặn đường không cho người ta đến với Chúa. Người ta khó mà thông cảm và bỏ qua những hành động thiếu đức ái của linh mục, vì đức ái là tâm điểm mọi bài giảng của linh mục, và là cốt lõi trong đời sống của người Ki-tô hữu.
Đức Ái của các linh mục được thể hiện qua cuộc sống của các ngài, mà giáo xứ là nơi mà các ngài biểu lộ đức ái cách rõ ràng nhất, vì trong ngày lãnh nhận chức thánh, các tiến chức được Đức giám mục xức dầu thánh trên hai bàn tay của mình, với ý nghĩa không những là để chúc lành và thi ân giáng phúc của Chúa cho mọi người, mà còn là đôi bàn tay để thực hiện Đức Ái đối với tha nhân nữa, đôi bàn tay của các ngài vươn ra để nắm lấy bàn tay của người tội lỗi mà an ủi và tha thứ, đôi bàn tay ngài vươn ra để ban phát của ăn cho họ, như Chúa Giê-su đã làm khi Ngài còn ở thế gian này.
“Bác ái là đồng phục của người Ki-tô hữu”, vì chính Đức Ái làm nổi bật hình ảnh của Chúa Giê-su nơi bản thân của người Ki-tô hữu. Và với các linh mục thì Đức Ái không những là đồng phục của các ngài, mà còn là áo giáp bảo vệ đức tin của người Ki-tô hữu khỏi những ích kỷ hưởng thụ của thế gian, và qua việc thực hành Đức Ái, các linh mục trở thành ngọn đèn sáng, dẫn đường cho giáo hữu đi trong một xã hội đầy những bóng đêm của ích kỷ và thù hận.
Linh mục không phải là một chức tước hay một nghề nghiệp, nên linh mục càng phải thoát ra khỏi vòng “kềm kẹp” của ích kỷ và hưởng thụ, càng phải thoát ra khỏi sự cuốn hút của đồng tiền dưới bất cứ hình thức nào, để thong dong thực hành Đức Ái của mình với tha nhân, và nhất là với những người mà Giáo Hội trao trọng trách cho mình trông nom linh hồn của họ.
Linh mục cũng không phải là một vị thánh tại thế, nên ngài không thể bàng quang trước những nỗi đau khổ và bất hạnh của tha nhân để lo việc nhà Chúa, càng không phải cứ ngồi suốt ngày trong nhà thờ nhà xứ để cầu nguyện hoặc để đợi chờ giáo dân đến, nhưng ngài là một con người học làm thánh và làm những việc của thánh nhân ở thế gian này, nên ngài biết rõ việc làm Đức Ái rất cần cho việc nên thánh của ngài. Thánh Vincent de Paul đã dạy các đệ tử của mình: khi chúng ta đang đọc kinh nguyện ngắm mà có người muốn đến gặp chúng ta, thì lập tức chúng ta phải bỏ đi gặp họ ngay, vì khi chúng ta đi gặp họ thì không phải là chúng ta bỏ Chúa, nhưng là đem Chúa đến cho họ bằng việc quan tâm đến họ, đó chính là thực hành Đức Ái, và là gặp được Chúa nơi họ vậy.
Đức Ái đối với linh mục như cái võng bao trùm toàn bộ con người và việc làm của các ngài, mà thật đúng như vậy, khi người ta gặp những điều bất hạnh thì họ sẽ thấy an ủi hơn khi tiếp xúc với linh mục, khi người ta cần sự bình an tâm hồn thì người ta tìm đến linh mục, và như thế, mọi công việc, mọi hoạt động của linh mục đều được bao trùm bởi Đức Ái của Chúa Giê-su, cũng như Chúa Giê-su đi đến đâu thì dân chúng vây quanh Ngài đến đấy để nghe Ngài giảng, để mong sờ vào gấu áo của Ngài cho được lành bệnh (Mt 9, 20-22), và nhất là để cảm nghiệm được Ngài chính là một lương y đầy lòng yêu thương và luôn chăm sóc đến họ.
Rất tiếc thời nay, có một số linh mục sống không có Đức Ái như lời ngài giảng, và nhất là cuộc sống của ngài đầy những hưởng thụ như một chủ nhân ông, hoặc như một tổng giám đốc trong giáo xứ của ngài. Do đó mà Đức Ái luôn luôn vừa là biểu hiện lòng yêu mến Thiên Chúa nơi các linh mục qua việc phục vụ tha nhân, vừa là niềm tự hào và an ủi của giáo dân khi họ thấy linh mục của mình sống tràn đầy Đức Ái với mọi người.
Đức Ái tự bản chất chính là “yêu người như chính mình”, và “anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31). Linh mục là người được Thiên Chúa chọn để làm điều ấy, tức là để thực thi Đức Ái giữa một xã hội mà dối trá, bon chen, hưởng thụ của thế gian đang len lõi dần dần vào trong hàng ngũ những người có chức thánh. Chính Đức Ái làm cho linh mục trổi vượt giữa đời và giữa những giao tiếp với nhau trong từng thành phần của xã hội, bởi vì khi thực hiện Đức Ái cho một ai đó, vì mình là linh mục, thì chắc chắc phần thưởng sẽ to lớn trên trời đang dành cho các ngài, vì khi thực hiện Đức Ái nhân danh linh mục Chúa Giê-su thì hiệu quả của việc làm càng thêm giá trị. Tại sao vậy ? Tại vì một linh mục luôn sống Đức Ái và đem Đức Ái đặt lên hàng đầu trong cuộc sống của mình, thì giáo dân sẽ thấy Chúa Giê-su đang thực sự hiện diện trong các ngài, bởi vì như lời thánh Tô-ma A-qui-nô tiến sĩ đã nói: “Nếu không có đức ái thì không có bất kỳ đức hạnh nào, cũng giống như nếu không có mặt trời, thì cũng không có một tinh tú nào cả” (Thánh Tôma Aquinô, Các ngôn Thần học Tu đức, tập 1).
Linh mục đối với Đức Ái giống như con mắt với thân thể, mắt bị mù thì thân thể không có định hướng được cho mình, cũng vậy khi Đức Ái bị thui chột (vì hưởng thụ, vì tham lam...) thì linh mục gây nhiều gương mù gương xấu cho giáo dân và cho tha nhân. Khi Đức Ái không còn là tâm điểm của cuộc đời linh mục, thì giống như con lợn đã sút chuồng đi tìm thỏa mãn thân xác của mình, hưởng thụ vật chất thế gian giống như người thế gian, đó chính là điều làm cho khuôn mặt của Chúa Giê-su bị biến dạng trên mẫu người thứ hai của Ngài là các linh mục, Alter Christus.
Sách Gương Chúa Giê-su nói rằng: “Không có đức ái, thì công việc bên ngoài vô dụng. Vì đức ái mà làm việc, mặc dù rất nhỏ nhưng lợi ích rất lớn” (Lm. Giuse Maria Nhân Tài csjb dịch, Cách ngôn Thần học Tu đức, tập 1). Thật đúng như vậy, xây nhà thờ to lớn mà không có Đức Ái thì giống như xây nhà thờ trên nền cát, không làm cho lòng giáo dân thành một khối yêu thương; không có Đức Ái thì thành lập cho nhiều hội đoàn trong giáo xứ, các hội đoàn ấy sẽ trở thành từng phe nhóm chỉ trích nhau và cuối cùng sẽ chỉ trích cả cha sở của mình, cho nên thà như thánh Gioan Maria Vianney trước hết chuyên tâm cầu nguyện để hoán cải mình và hoán cải giáo dân, sau đó lấy đời sống Đức Ái của mình để xây dựng giáo xứ, bởi vì nếu không có Đức Ái thì tất cả những việc bên ngoài đều vô dụng, và trở thành cái phèng la chũm chọe như lời của thánh Phao-lô mô tả trong bài ca Đức Ái của ngài (1Cr 13, 1-8).
2. Đức Ái trong lời nói của Linh mục:
Đức Ái đối với mọi người và với giáo dân nơi giáo xứ mình phục vụ, không phải chỉ là đi quyên tiền xây dựng nhà thờ mà thôi, nhưng còn là đối xử cách trân trọng và lịch sự với giáo dân của mình nữa, đó mới chính là Đức Ái thật sự làm cho người khác nhìn thấy linh mục như là một mẫu gương đạo đức thánh thiện, một nhà mô phạm gương mẫu. Thánh Phao-lô tông đồ đã khuyên dạy ông Ti-mô-thê rằng: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch” (1 Tm 5, 1-2). Lời dạy của ngài đầy tràn Đức Ái mà tất cả mọi người Ki-tô hữu đều phải biết và thực hành, nhất là các linh mục, bởi vì quyền cai quản, giảng dạy và thánh hóa của Chúa Giê-su, đã được trao cho các linh mục, do đó, Đức Ái của các linh mục khi thi hành công việc mục vụ cần phải hài hòa, tôn trọng và lịch sự với mọi người trong giáo xứ của mình.
Có nhiều giáo dân than trách rằng, thời nay có một số linh mục trẻ sống thiếu nhân bản, bởi vì các ngài chỉ chú trọng đến việc xây dựng nhà thờ nhà xứ sao cho to lớn đẹp đẽ, hoành tráng, để thi đua với các linh mục bạn đang ở những giáo xứ lớn có đông giáo dân và nhà thờ đẹp, mà các ngài không chú trọng, hoặc chú trọng rất ít đến vấn đề nhân bản của các ngài khi tiếp xúc với giáo dân, mà nhân bản chính là Đức Ái trong giao tiếp vậy. Nếu một linh mục chính xứ chuyên tâm vào việc sống có Đức Ái với các giáo dân của mình, tức là các ngài sống có nhân bản Ki-tô giáo, thì giáo xứ của ngài chắc chắn sẽ là một giáo xứ phát triển, đoàn kết và yêu thương. Nhân bản phổ thông là người nhỏ lễ phép với người trên, nói năng vâng dạ, bởi vì mình nhỏ hơn người đối diện, nhưng nhân bản Ki-tô giáo không những thấy mình nhỏ hơn người đối diện để nói chuyện cho lễ phép, mà còn nhìn thấy Chúa Giê-su trong người đang nói chuyện với mình nữa, có như thế mới tôn trọng và yêu mến họ được.
Vì thế hơn ai hết, các linh mục của Chúa Giê-su càng phải coi trọng Đức Ái: chức linh mục là một phẩm hàm cao quý, không do người đời nhưng do tự Thiên Chúa, do đó các linh mục cần phải sống có Đức Ái và đặt Đức Ái trên tất cả mọi công việc của nhà xứ, và Đức Ái đòi hỏi các ngài phải hy sinh chính mình từ thời gian cho đến công việc, và vì Đức Ái mà các ngài phải quên đi ngay cả bản thân của mình.
Đức Ái không phải trợn mắt bặm môi, nhưng là hiền hòa giải thích, động viên khuyên bảo với tinh thần yêu thương của người cha trong gia đình, bởi vì một lời nói hiền hòa thì có sức mạnh hấp dẫn hơn cả một ngàn lời nói cộc lốc và nóng nảy.
Đức Ái trong lời nói không phải là nói năng dẻo kẹo để lấy lòng người khác, cũng không phải là nói những lời kể công kể trạng người này hay kết tội người kia, nhưng là biết kính trên nhường dưới, biết nhìn thấy cha mẹ mình nơi những cụ già để nói năng từ tốn với họ; biết nhìn thấy anh chị em của mình nơi các bạn trẻ thanh niên nam nữ, để chan hòa yêu thương và giúp đỡ; biết coi các em thiếu nhi như là những con cái mình, để yêu thương dạy dỗ bằng lời lẽ ôn tồn dịu dàng, có như thế, các linh mục mới đi sát với lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ gởi cho ông Ti-mô-thê trên đây.
Đức Ái trong lời nói cũng là lời rao giảng của linh mục khi ngài đứng trên tòa giảng, lời giảng của ngài cần thể hiện Đức Ái rõ ràng nhất. Có một vài linh mục trẻ nói với nhau rằng: “Tớ giảng Lời Chúa, ai nghe không nghe mặc họ”. Vâng, các ngài đang giảng Lời Chúa, nhưng Lời Chúa chỉ trên mặt chữ thì không thể nào thấm sâu vào trong tâm hồn của người nghe; Lời Chúa chỉ trên môi miệng thì người ta sẽ nghe tai này lọt qua tai khác và bay mất tiêu, cũng như hạt giống gieo vào đất khô cằn không có nước, nếu không bị chim trời đến ăn, cũng sẽ bị côn trùng gậm nát. Đức Ái của linh mục nơi tòa giảng quan trọng chẳng khác gì khi linh mục mở kho tàng dự trử gạo, mì gói, tiền bạc của giáo xứ để cứu đói cho dân nghèo. Cho nên khi giảng Lời Chúa thì chắc chắn Đức Ái phải nổi bật trên tất cả những lời nói từ miệng ngài phát ra, đó là lời được ngài chiêm niệm và thực hành trong cuộc sống, đó là lời đã được ngài chắt lọc khi đối chiếu cuộc sống của mình với Lời Chúa, và giờ đây đang chia sẻ cho các giáo dân của mình.
3. Đức Ái trong hành vi và thái độ của Linh mục:
Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10, 29-37) để đề cao Đức Ái, bởi vì trong dụ ngôn này, có đến ba nhân vật của ba giai cấp của xã hội thời đó được nhắc đến, đó là thầy tư tế, thầy Lê vi và người Sa-ma-ri ngoại đạo nhưng tốt lành. Thầy tư tế vì quá coi trọng chức tư tế hơn cả Đức Ái, cho nên đã bỏ mặc người bị nạn bên đường, thản nhiên bước đi; thầy Lê vi cũng coi việc phục vụ bàn thờ là cao trọng hơn Đức Ái, nên cũng tránh qua người bị nạn mà đi; cuối cùng chỉ có người Sa-ma-ri ngoại đạo cũng đi ngang qua người bị nạn, nhưng không nhẫn tâm bỏ đi, mà cúi xuống băng bó vết thương, ân cần săn sóc người bị nạn.v.v... Nghĩa cử cúi xuống săn sóc người bị nạn, chính là hành vi của Đức Ái mà tất cả mọi người có lương tâm đều phải làm, thì huống gì là thầy tư tế, thầy lê vi là những người mô phạm của Đức Ái !
Đức Ái trong hành vi thái độ của linh mục rất quan trọng, vì có khi chỉ một cử chỉ vô tình của mình thôi, cũng làm cho giáo dân “phản cảm” và có ấn tượng không mấy tốt đẹp với mình. Do đó mà Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
không nóng giận, không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13, 1-8).
Có mấy điểm sau đây các linh mục thường mắc phải khi tiếp xúc với giáo dân của mình, và làm trái ngược lại với những gì mà thánh Phao-lô đã dạy:
a) Thái độ giận dữ trái ngược với hiền hậu:
Nóng giận thì ai cũng có, nhưng tùy hoàn cảnh, tùy chức tước và bổn phận mà bày tỏ sự nóng giận của mình, nhưng nóng giận ở đây không có nghĩa là vì ích lợi của cá nhân mình, hoặc vì tự ái của mình bị đụng chạm, nhưng là vì lợi ích cho tha nhân và cho cộng đoàn, những nóng giận ấy không gây mất hòa khí giữa linh mục và giáo dân, hoặc giữa linh mục và những người khác. Nếu nóng giận để tự ái của mình được thỏa mãn thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, mà chỉ gây thêm nhiều chia rẻ và buồn phiền mà thôi.
Khi có giáo dân góp ý, thì có một vài linh mục nổi giận không bằng lòng, thế là lời qua tiếng lại, gặp giáo dân thẳng tính và nóng nảy thì chắc chắn giữa hai người sẽ có cuộc đụng độ, mà phần thắng bên ngoài thì luôn thuộc về linh mục, nhưng kết quả là giáo xứ mất đi một con chiên không đến nhà thờ, mà linh mục thì sẽ buồn phiền và hối hận vì thái độ nóng giận của mình. Đức Ái do đó trốn khỏi con người của linh mục, bởi vì vội giận thì mất khôn, mà Đức Ái thì không thể ở chung với sự nóng giận đầy tự ái.
Đức Ái thì nhẫn nhục và hiền hòa, mà cử chỉ đầy Đức Ái của một linh mục thì luôn làm cho người khác cảm thấy được an ủi, được khuyến khích và họ cảm thấy đời sống tâm linh của mình đầy tin tưởng vào Chúa Giê-su qua vị đại diện của Ngài là linh mục, là cha sở của họ.
Linh mục là người được chọn để diễn lại từng ngôn ngữ và hành động của Chúa Giê-su cho người khác thấy và nghe, cho nên không ngạc nhiên khi thấy có một vài giáo dân không hề có cảm tình hay kính trọng các linh mục, bởi vì các vị ấy có cuộc sống giống như họ chẳng khác chút nào: cũng bon chen đầu tư buôn bán, cũng nạt nộ giận dữ, cũng uống rượu hút thuốc, cũng hưởng thụ những tiện nghi vật chất sang trọng như các đại gia ngoài đời, và nguy hiểm hơn là các vị linh mục ấy coi chức thánh như là một chức vụ để được phục vụ, và do đó mà không lạ gì khi các ngài sống không có Đức Ái với tha nhân, nguyên nhân chính là những ai cứ lo nghĩ về bản thân mình, thì chắc chắn sẽ không nghĩ đến người khác và không quan tâm đến người khác, mà linh mục thì không phải như thế! Vì tha nhân mà sống hiền hòa chứ không phải vì mình để rồi giận dữ với tha nhân.
b) Thái độ kiêu ngạo vênh vang, tự đắc ngược với Đức Ái:
Thời nay, giáo dân thường ta thán về việc có một số linh mục sống hưởng thụ và thiếu nhân bản, do đó mà thường dẫn đến kiêu ngạo khi đối xử với giáo dân, sự kiêu ngạo này dẫn đến hành động thiếu Đức Ái nơi linh mục. Thánh Phao-lô khuyên không nên vênh vang tự đắc, bởi vì chức vụ linh mục không phải để ăn trên ngồi trước, cũng không phải để tiến thân ngoài xã hội, càng không phải để được người khác phục vụ, nhưng linh mục chính là một thiên chức được Chúa Giê-su lập ra, để vì phần rỗi của các linh hồn đã được Ngài đổ máu ra để cứu chuộc, cho nên linh mục là người được chọn để ban phát các ân sủng của Thiên Chúa cho nhân loại, chứ không phải được chọn để trở thành người ăn trên ngồi trước và là kẻ thống trị.
Giáo dân thời nay không còn thần thánh hóa linh mục nữa, nhưng không phải vì thế mà họ không tôn trọng linh mục, không còn thần thánh hóa linh mục là bởi vì họ được học hỏi nhiều về giáo lý, tri thức cũng đầy đủ, kiến thức thì có khi vượt hẳn linh mục và học vị thì cũng như thế, cho nên nếu một linh mục mà cứ coi giáo dân như là những thuộc hạ của mình, hoặc như những đầy tớ để mình sai vặt không công khi ở nhà thờ nhà xứ, thì chẳng khác gì các linh mục đang sống ở các thế kỷ trước đây. Nếu không vì đức tin, nếu không vì vâng phục lời giáo huấn của Giáo Hội, và nếu không vì lòng đạo đức thì không một giáo dân nào đi xem lễ của một linh mục mà ai cũng biết là kiêu ngạo hách dịch, và càng không ai muốn đến nhà thờ khi mà linh mục cư xử với ông bà bố mẹ của họ như hàng bề dưới, bởi vì thời nay giáo dân không còn nhìn vẻ uy nghi bệ vệ của linh mục để phán đoán linh mục thánh thiện hay đạo đức nữa, nhưng người ta sẽ nhìn vào cách sống có Đức Ái hay không của linh mục để đánh giá sự đạo đức của các ngài.
Cho nên, thái độ vênh vang tự đắc của linh mục là đi ngược lại với Tin Mừng của Chúa Giê-su, và đi ngược lại với lời dạy của thánh Phao-lô tông đồ, và nhất là chính những vênh vang tự đắc ấy làm cho hình ảnh của linh mục trở nên xa lạ với giáo dân, bởi vì Giáo Hội đã dạy cho giáo dân biết nhận ra những dấu chỉ nơi linh mục, để biết một linh mục chân chính của Chúa Giê-su, đó chính là Đức Ái và sự khiêm nhường của các ngài.
Đức Ái của linh mục phải vượt tất cả mọi sự, nhất là phải vượt qua những công lao mà mình đã làm cho giáo xứ, hoặc những nơi mà mình đang phục vụ với tất cả thành công của tài năng, bởi vì như lời thánh Phao-lô đã dạy, dù các ngài có đem tất cả tài sản (bao gồm vật chất, tài năng, sức khỏe, trí óc) để bố thí và cống hiến, mà nếu không có Đức Ái thì cũng chỉ là con số không mà thôi, chẳng có ích gì cả. Chẳng có ích là bởi vì người không có đức tin nhưng có nhiều tiền bạc thì cũng có thể làm được như thế, và có khi làm thành công hơn các linh mục nữa là khác. Đức Ái của linh mục phải vượt qua và lớn hơn tất cả những gì mình đã phục vụ cho giáo xứ hay cho bất cứ cộng đoàn nào.
Chúa Giê-su vì yêu mà xuống thế làm người, yêu khi chúng ta còn là tội nhân, đó chính là Đức Ái toàn hảo tuyệt vời của Ngài, là mẫu gương cho những “Ki-tô thứ hai” là các linh mục, vì các linh mục cũng là những tội nhân như những tội nhân khác luôn cần trông cậy vào tình yêu của Thiên Chúa, nên linh mục không thể nào dùng sự kiêu ngạo hợm mình để đối xử với giáo dân và tha nhân. Nhất là vì Chúa Giê-su muốn Đức Ái này phải được con người –đặc biệt những người Ki-tô hữu- thực hiện cách nổi bật nơi các anh chị em của mình, nơi người lân cận và ngay cả với người thù ghét mình nữa.
Lời kết:
Tóm lại, Đức Ái cần phải là kim chỉ nam cho cuộc đời của các linh mục. Nếu không có Đức Ái thì dù các linh mục có làm những chuyện rung chuyển thế giới, cũng chỉ như thanh la chũm chọe mà thôi, lại còn làm điếc tai người khác nữa. Nếu không có Đức Ái thì linh mục không thể cảm động trước nổi bất hạnh của người khác. Nếu không có Đức Ái thì linh mục cũng chỉ là một con người đầy tham sân si như những người khác, và có khi còn tệ hại hơn nữa, người đời nhìn vào linh mục như một đại gia có tiền, có danh vọng và có quyền, mà khi một linh mục trở thành đại gia –nghĩa là không có Đức Ái- thì dù ngài có dâng thánh lễ, dạy giáo lý, hoặc làm việc bố thí, tất cả những việc ấy sẽ không có giá trị là bao trước mặt Thiên Chúa Tình Yêu.
Như thế, Đức Ái chính là cốt lõi của lề luật và là trọng tâm của đời sống linh mục. Ngoài đời sống cầu nguyện, công việc truyền giáo và mục vụ của giáo xứ sẽ phát triển tốt đẹp hay không tùy vào các linh mục đã sống và thực hiện Đức Ái thế nào trong đời sống của mình. Đây chính là điều mà mỗi một linh mục chúng ta cần suy nghĩ và thức hiện trong “Năm Gia tăng Đức ái” này.
(Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri, WGP.Qui Nhơn 10.07.2014)