Ly dị là ly dị khỏi hôn nhân, và khỏi cả thực tại
Ly dị là vấn đề không đơn giản. Dù bạn có ý nghĩ gì về nó, vẫn có người nghĩ khác bạn. Nói cách khác, dù Giáo Hội có dạy sao, thì vẫn có người không hài lòng. Đó là ngụ ý của một bài đóng góp gần đây của Đức Ông Charles Pope, thuộc Tổng Giáo Phận Washington Hoa Kỳ.
Thực ra, chủ đích của bài báo muốn nói rằng: phần lớn những người ly dị nghĩ tới mình chứ không nghĩ tới con cái, vốn là một trong các lý do của cuộc hôn nhân của họ. Nhận định này được rất nhiều ý kiến đóng góp, kẻ khen người chê.
Ly dị và con cái
Trước nhất, ta hãy tìm hiểu xem Đức Ông Pope nói gì về chủ đề này. Ngài kể rằng cách đây ít năm, một phụ nữ giáo dân tới nói nói với ngài: bà và người chồng dự tính sẽ ly dị. Biết bà có hai đứa con đều dưới 10 tuổi, ngài hỏi bà: “còn xấp nhỏ?”. Bà bình thản cho hay: chính vì xấp nhỏ mà vợ chồng bà tính ly dị, vì không muốn chúng phải nghe những la ó, thóa mạ nhau hàng ngày của bố mẹ.
Nghe vậy, Đức Ông nói với bà: “sao ông bà không ngưng việc la ó, thóa mạ nhau. Không tự ý làm được, thì nhờ người khác giúp làm cho bằng được. Đừng bắt xấp nhỏ phải trả giá hơn nữa cho các nan đề của ông bà”.
Không những không nghe, người đàn bà còn tới bề trên của Đức Ông để kể tội Đức Ông thiếu mẫn cảm và xin vị bề trên này dạy Đức Ông biết mẫn cảm và ngoại giao hơn. Rất may vị bề trên này nhận ra: chính vợ chồng bà mới cần mẫn cảm và ngoại giao hơn đối với hai đứa con!
Điều thứ hai, Đức Ông Pope muốn nói là trong thập niên 1960, ly dị bị coi là điều ngỡ ngàng và sai lầm về luân lý. Năm 1969, đạo luật cho phép ly dị không cần lỗi lầm của ai chi cả đã ra đời. Trong non một thập niên sau đó, ly dị tiến từ chỗ gây ngỡ ngàng và bị xầm xì qua 1 hành vi chính dòng mà ai ai cũng nên có thiện cảm. Vả lại, há Thiên Chúa không muốn mọi người được hạnh phúc đó sao? Làm thế nào ta lại có thể bần tiện đến thế khi cứ nằng nặc cho rằng người ta nên ở lại các cuộc hôn nhân bất hạnh?
Người ta chú trọng tới hạnh phúc đến nỗi quên khuấy rằng trong hôn nhân còn có cả Thánh Giá nữa: “khi thịnh vượng… lúc gian nan; khi bệnh hoạn… lúc mạnh khỏe”. Những lời vừa kể, theo họ, chỉ là những công thức nghi lễ, buộc phải có thế thôi. Thậm chí, họ không tin Chúa Giêsu thực sự muốn nói tới Thánh Giá.
Chỉ trong mấy thập niên sau, họ đã tiến tới chỗ không coi hôn nhân như một tuân giữ lời hứa, hay cam kết, hoặc những gì tốt nhất cho con cái. Hôn nhân từ nay chỉ là chuyện của người lớn và điều gì làm họ hạnh phúc.
Trong một cuốn sách gần đây tựa là “Defending Marriage, 12 Arguments for Sanity” (Bảo vệ hôn nhân, 12 luận điểm cho sự lành mạnh”, Anthony Esolen đưa ra mấy nhận xét sau đây:
“Cha mẹ thường nói, ‘con cái tôi không thể nào hạnh phúc nếu tôi không hạnh phúc’, nhưng họ không nên đặt cái câu nói bôi dầu kiểu tự yêu mình đó lên tâm hồn họ. Con cái cần cha mẹ yêu thương chúng, chứ không cần những cha mẹ hài lòng; chúng quá non nớt để người ta có thể yêu cầu chúng hy sinh mạng sống vì một ai khác. Con cái không có bổn phận phải chịu đau khổ vì cha mẹ, nhưng nhiệm vụ cha mẹ là chịu đựng, là lợi dụng tối đa hoàn cảnh tồi tàn, là nuốt tự hào, là quì gối xuống, vì con cái. Tôi đã được nghe nhiều người giọng vẫn còn run run mỗi lần nói tới những gì cha mẹ ly dị của họ làm cho họ: thẩy họ hết từ nửa căn nhà này sang nửa căn nhà khác, biến họ thành người “chỉ điểm”, chống báng nhau, [đe dọa] họ rằng họ sẽ ít có cơ hội gặp gỡ người cha hoặc người mẹ họ yêu dấu nếu họ không chịu làm y hệt điều [người đe dọa] đòi hỏi…” (tr.142).
Ấy là chưa kể tới những nỗi khổ phải chịu đựng người bạn gái mới của cha vừa dọn vào ở chung, hay ông chồng mới của mẹ hoặc một ông anh hay em trai “kế” rất khó tính và bắt đầu rở trò rờ mó bậy bạ… Chưa hết, Esolen cũng nhận định lối người ta “giải thích” ly dị cho con cái:
“[Đứa con] phải được nói cho hiểu người cha, dù không đến nỗi nào, nhưng vì một lẽ ‘huyền nhiệm’ nào đó, vẫn không làm hài lòng được người mẹ, và một cách tệ hại đến nỗi sự không hài lòng này khiến bà không còn chọn lựa nào khác ngoài việc buộc con trai [hay con gái] bà phải sống như không có cha… Người lớn có tài một cách kỳ lạ trong việc dệt nên chung quanh mình những màng nhện tự lừa dối mình để tự vệ. Con cái đâu có… chúng chưa bị thói quen, tuyên truyền hay lịch sử bóp méo sự thật làm cùn nhụt, nên những gì chúng thấy, chúng thấy rất rõ” (tr.138).
Quả thế, con cái nổi tiếng về việc nhìn thấu sự giả hình của người lớn. Sự trong trắng ngây thơ của chúng luôn ngỡ ngàng trước tác phong tồi và sự bất nhất. Người bạn cùng lớp của Đức Ông Pope, có cha mẹ ly dị, vẫn lấy làm lạ tại sao “luật lệ’ trong nhà lại chỉ áp dụng cho cô mà thôi. Một hôm, cô hỏi người mẹ ly dị của cô tại sao bà không còn thương ba cô nữa. Bà trả lời: “nhưng má vẫn thương ổng mà”. Người cùng lớp thấy rõ sự dối trá nhằm để tự biện minh này nên đã thách thức mẹ cô trở về với cha cô. Mẹ cô chỉ còn biết nói: “con sẽ hiểu khi con lớn hơn”. Trong cái câu ngắn ngủi này, mẹ cô cố gắng vừa lên mặt cha chú với con gái vừa đưa cô vào cái thế giới hợm hĩnh và chuyên thỏa hiệp của thế hệ “baby-boomer” (nhiều con nít), một thế hệ, xét như một tập thể, chưa bao giờ biết trưởng thành và có lẽ là thế hệ tự yêu mình, ích kỷ, vị kỷ và ít trưởng thành nhất từ thời các nhà quí tộc xưa của văn hóa La Hy.
Xưa và nay
Điều thứ ba, trước khi nói thêm về các tác hại của ly dị đối với con cái, Đức Ông Pope muốn minh xác: Ở đây ngài chỉ nói một cách tổng quát thôi, không nói tới các trường hợp cụ thể. Ngài biết mỗi cuộc ly dị đều có lịch sử riêng của nó, nên nhiều bạn đọc có thể tức giận hay tổn thương khi những điều trình bày ở đây không lưu ý tới những hoàn cảnh chuyên biệt và độc đáo từng khiến họ phải ly dị. Có những người đã làm hết cách để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình mà vẫn không được. Điều ngài muốn nói là nền văn hóa ưa ly dị. Ngày trước, nói chung, người ta thường cố gắng giải quyết các dị biệt để ở lại với nhau. Ngày nay, người ta không còn làm như thế nữa.
Ngày trước, người ta hay cân nhắc tác dụng của ly dị đối với con cái. Ngày nay, một là người ta không cân nhắc việc này hai là con cái được đẩy xa xuống dưới bảng liệt kê các nhu cầu và ước muốn của người lớn. Ngài cho hay: ly dị xé nát các gia đình, gây hại nặng nề và gây tổn thương cho con cái về tâm lý, về xúc cản, về tâm linh và cả về thể lý nữa. Không thấy điều này, ta không những ly dị với hôn nhân, ta còn ly dị với thực tại nữa.
Nhiều người không tin như thế. Nhưng ta thử nói với những người có cha mẹ ly dị mà xem. Họ sẽ cho bạn nghe các sự phi lý họ từng phải chịu: nào là phải sống hòa sống thuận với anh em trong khi ba và má chơi theo luật khác. Họ sẽ cho bạn hay họ bị chở tới chở lui những căn nhà khác nhau ra sao, họ cảm thấy tội lỗi như thế nào khi thích một khung cảnh hay thích cha hoặc mẹ này hơn cha hoặc mẹ kia, phải sống ở hai căn nhà với những “bộ” luật khác nhau, phải nghe cha mẹ “xấu miệng” với nhau, bị cha mẹ “thử” lòng trung thành như thế nào … Hãy hỏi: vì những kinh nghiệm ấy, họ có ý niệm gì về sự chấp nhận, lòng trung thành, sự tin tưởng, tôn trọng thẩm quyền, trân quí sự thật, trách nhiệm bản thân, lòng can đảm, đức kiên nhẫn, lòng tha thứ, nhân phẩm, trách nhiệm tính dục, hôn nhân, gia đình, tình yêu, v.v…
Ta cần nhìn ly dị trong cái gian dối ma quái của nó. Nó phát sinh từ sự cứng lòng, như Chúa Giêsu nói trong Mátthêu 19.
Góp ý 1: sử dụng con cái làm vũ khí
Một người tên Deb chia sẻ rằng bà làm việc trong các dịch vụ xã hội đã được 33 năm, trong lãnh vực trợ giúp trẻ em. Nhưng bà vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước cách con cái bị sử dụng làm vũ khí trong các vụ giải quyết ly dị… Người lớn quá tự yêu mình đến không còn khả năng hiểu các tai hại họ gây ra cho con cái. Không nên bắt những đứa trẻ 4 tuổi phải được sư trợ giúp của ngành phân tâm học!
Một nhà tâm lý học Công Giáo nhất trí với Deb. Dù hành nghề lượng giá tâm lý để kiếm sống, ông cũng nhận ra rằng: phần lớn, ly dị là một hình thức hơp pháp để hành hạ con cái. Phải chứng kiến cảnh cha mẹ đánh nhau, tranh chấp nhau, con cái bị đặt dưới một căng thẳng tâm lý khủng khiếp và sự căng thẳng này dẫn tới nhiều vấn nạn tâm lý trầm trọng nơi phân nửa số con cái chứng kiến cảnh ly dị của cha mẹ. Mọi con cái nạn nhân của ly dị đều học được rằng hôn nhân không kéo dài và trốn chạy/tránh né là bộ máy đệ nhất hạng để đương đầu ở trên đời.
Ông còn nhận định thêm và cho rằng ly dị cũng chuốc độc đối với các trẻ em thuộc các gia đình không có cha mẹ ly dị. Vì các em có thể có bạn bè có cha mẹ ly dị, nghe truyện của bạn, chúng cũng có thể bắt đầu hoài nghi chính chúng và cha mẹ chúng… Các tranh luận thông thường của cha mẹ chúng có thể gây nên nỗi sợ bị bỏ rơi nơi chúng…
Ly dị tăng cường mối hoài nghi bản thân và chủ nghĩa hoài nghi triết học. Trẻ em các gia đình không ly dị có thể khởi đầu hoài nghi mọi thứ cam kết hiện có chung quanh chúng, và điều này dẫn tới lòng hoài nghi chính chúng. Vì ly dị đã thành phổ biến hiện nay, nên nó tạo hoài nghi nơi mọi trẻ em. Chúng ta đang ở trong thế hệ thứ ba của ly dị.
Là một người tìm hiểu bản chất con người, ông nghĩ xã hội đã tới cái điểm bất khả trở lui của nó, không thấy bất cứ con đường tự nhiên nào (dù là luật pháp, xã hội, điều trị hay giáo dục) để thoát khỏi nan đề này. Ly dị và bất hoà gia đình đang tăng cường một phức hệ gồm nhiều lực lượng bản thân và xã hội gây ra những nỗi sợ tự lớn mạnh và khiến người ta chỉ còn quan tâm tới mình. Các trụ đỡ về xúc cảm và triết lý của cam kết đang bị phá sập quanh ta. Chỉ có Thiên Chúa và lòng nhân từ của Người mới cứu ta ra khỏi sự hỗn mang này.
Suzanne Carl, một giáo sư cao đẳng dạy về môn diễn thuyết, cho hay: bà hỏi các sinh viên của bà xem chủ đề nào họ muốn nói tới nhiều nhất. Có người cho là ngày 11 tháng Chín, có người cho là vụ bắn bừa bãi giết các học sinh tại Trung Học Columbines, nhưng phần đông nói: “lúc cha mẹ tôi ly dị”. Bà mong cha mẹ họ nghe được lời phát biểu này. Bà cho rằng các em này đã đánh mất mỏ neo đời họ.
Góp ý 2: Án vô hiệu
Theo thủ tục hiện nay, tòa án Giáo Hội chỉ thụ lý những vụ nào đã ly dị xong ở tòa đời. Nên có thể nói: tuyên bố vô hiệu hôn nhân của Giáo Hội là cái hậu của việc ly dị. Việc tuyên bố này hiện gây cay đắng cho rất nhiều bên vô tội trong các vụ ly dị. Dưới mắt những người này, nó là cái đinh cuối cùng đóng lên chiếc quan tài hôn nhân khiến nó không còn hy vọng gì sống lại nữa. Paricia là một trong những người này. Bà chia sẻ rằng “thủ tục này (tuyên bố vô hiệu) mỗi ngày mỗi tan nát (cõi lòng), nhất là về phương diện tâm linh, hơn cuộc ly dị khởi đầu. Tôi thắc mắc không hiểu bụi mờ có chịu lắng xuống sau cuộc hủy diệt một gia đình hay không? Tôi không nghĩ vậy”.
Có người khuyên Patricia nên trung thành với Giáo Hội dù giữa cuộc khủng hoảng. Patricia trả lời rằng: sau hai lần tuyên bố vô hiệu, bà hoàn toàn tan nát cõi lòng. “Sau một đời làm người Công Giáo ngoan đạo, tôi đã không còn thực hành đức tin nữa, cho tới nay đã hai năm. Đến cầu nguyện, tôi cũng rất ít khi làm. Tôi đã mấy hết lòng kính tọng đối với các linh mục như một toàn thể. Hiện nay, tôi nhìn Giáo Hội bằng cái nhìn của người bàng quan… Tôi không muốn nói tôi sẽ không bao giờ trở về với Giáo Hội, nhưng tôi không rõ điều gì có thể thuyết phục tôi trở về như thế”.
Nhưng cũng có người tên Anna In California nói với Patricia rằng bà là “phó sản của một gia đình ly dị và bị chồng ly dị. Nhưng tôi luôn có đức tin, có Chúa chúng ta, có Mẹ của Người, có gia đình tôi là các thánh và các thiên thần, và có mái ấm là Giáo Hội nơi tôi được nuôi dưỡng và được tăng sức”. Bà khuyên Patricia trở về để được tiếp nhận Thánh Thể.
Góp ý 3: trì chí ở lại
Jennifer có một kinh nghiệm khác với Giáo Hội Công Giáo: bị chồng ly dị để sống với một anh đực rựa giầu có, chỉ có Giáo Hội Công Giáo thăm hỏi bà trong vụ ly dị này, một vụ được bà coi như thời thanh luyện thiêng liêng, nên bà đã từ bỏ Đạo Mormon mà bà vốn thực hành từ năm lên mười.
Magdalene thì cho hay bà không ly dị, nhưng hôn nhân của bà cũng rất khó khăn. Bà nghĩ rằng “điều thuyết phục chị (nói với Patricia) trở về với Giáo Hội là: uớc muốn yêu thương trở lại, uớc muốn được gần gũi với Chúa trở lại, uớc muốn được Chúa Giêsu chữa lành. Ta không thể cậy nhờ con người vì họ thường làm ta ngã lòng”.
Trước những tâm tình và lời cầu nguyện này, Patricia thổ lộ rằng “Xin các bạn cầu nguyện cho tôi vì tự tôi, tôi không còn cầu nguyện. Nhưng hiện tôi không còn thấy chút yêu thương nào trong Giáo Hội nữa. Nói với tôi về việc Satan xúi giục hay yêu cầu tôi trở về với Đức Mẹ, vào thời điểm này, quả chẳng ích lợi gì. Có lẽ tôi cần một phương thức mới, một phương thức trí thức, ngược với phương thức yêu thương/sợ sệt đầy xúc cảm. Tôi không biết nữa… Tôi ghét chính phủ lớn, và tôi đã tiến tới chỗ coi Giáo Hội như một bàn giấy lớn khác, và là một bàn giấy điều hành bởi những người đàn ông, vâng những người đàn ông độc thân, những người không thể và không hiểu phụ nữ, không hiểu điều ta phải chịu đựng trong một cuộc hôn nhân Công Giáo, không hiểu điều ta phải chịu đựng trong một diễn trình vô hiệu hóa của Giáo Hội… Điều này xem ra như thể tôi là một người duy nữ, mà thực sự thì không phải, tôi chưa hề là một người duy nữ. Tôi luôn là đứa con gái vâng phục Mẹ Thánh Giáo Hội. Nhưng mấy năm qua đã thay đổi tôi, nay tôi đã là một con người rất khác, và tôi không hoàn toàn bất hạnh với điều này...”
David Heath, một blogger, chia sẻ rằng: “ly dị không giải quyết được gì ngoại trừ việc cần thiết là hai người lớn phải lớn lên”. Ông thổ lộ: “tôi đang ở năm thứ năm của một cuộc ly dị không kèn không trống từng hủy diệt cả một gia đình, hủy diệt liên hệ cha mẹ - con cái và quan trọng hơn nữa, đã làm rối loạn và phi cảm 10 đứa con của một cuộc hôn nhân đã kéo dài 22 năm nay đối với giáo huấn đức tin của chúng và hạn từ “trung thành”. Tuyên bố vô hiệu sau đó không làm được gì khác ngoại trừ củng cố các sai lầm này. Nhưng bất kể các điều ấy, tôi vẫn quyết định tôn trọng các lời hứa ban đầu và tình yêu dành cho người vợ đầu tiên và là người vợ duy nhất của tôi…
Trong một bài đăng ngày 19 tháng Tám vừa qua, tựa là “Ly dị và kẻ vô tội”, blogger này trích dẫn Thánh Vịnh 24: “Xin đoái nhìn con và rủ lòng thương xót con, lạy Chúa, vì con cô đơn và khốn khổ. Hãy đoái nhìn sự hèn hạ và thống khổ của con, và hãy tha thứ mọi tội lỗi con” và ca nhập lễ Chúa Nhật thứ Ba sau Hiện Xuống: “Lạy Chúa, hồn con hướng lên Chúa. Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Người, đừng để con bị xấu hổ”.
Góp ý 4: tấn công Thượng Hội Đồng sắp tới
Ấy thế nhưng một bà tên Magdalene vẫn cho rằng “việc tuyên bố vô hiệu sau đó quả là một tai tiếng! Kết hôn cả hàng thập niên và đã có một gia đình lớn chứng tỏ ông (Heath) đã sống trọn vẹn các bí tích. Các tòa án này quả là trò hề: tuyên bố vô hiệu chính là các vụ ly dị của Công Giáo bất kể các luận điểm nói ngược lại. Tôi cũng đã kết hôn cả mấy thập niên nay nhưng tôi cá là tôi có thể được tuyên bố vô hiệu. Giáo Hội khi phân phát án vô hiệu như ‘phát kẹo’ đã biến bí tích thành trò cười. Các tàn phá đối với con cái cũng y hệt như ly dị. Dối trá, ích kỷ, ngoại tình và phản bội tất cả đều như nhau”.
Người với tên tắt MA, biệt danh người cha đau khổ, thì nhân cơ hội này tấn công thượng hội đồng ngoại thường sắp tới, bảo rằng nó “nuôi dưỡng nền văn hóa sa đoạ”.
Góp ý 5: Công Giáo do con người
P. McCoy thì công khai bác bỏ các nhận định của Đức Ông Pope trên đây về ly dị. Anh ví việc một giáo sĩ bàn tới ly dị, hôn nhân hay tính dục giống như việc đi tham khảo người phu đổ rác để lấy lời khuyên về y khoa! Anh bảo: giáo phái độc hại là cái đạo Công Giáo do con người này, chứ không do Chúa Kitô, đã dám yêu cầu những con người chỉ là người “vác thánh giá” cả hàng thập niên chứ không phải mấy giờ!
Đức Ông Pope trả lời rằng ngài trình bày căn cứ vào lời Chúa Giêsu trong Máccô 10:1-10, chứ không theo Chúa Giêsu tưởng tượng của McCoy: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân chia… Ai ly di vợ mình và cưới một người đàn bà khác là phạm tội ngoại tình... ”
Richard Ryan thì cho rằng nếu McCoy đúng, chẳng hóa ra những ai chưa bị sát hại thì không thể nói giết người là điều quấy! Ryan trích thư Êphêsô 5:25: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và phó mình cho Giáo Hội”.
Góp ý 6: đôi vai rộng
Nhưng nói sao về trường hợp sau, trường hợp người vợ phản bội? Bà May kể rằng cuộc hôn nhân của bà đến nay kéo dài được 29 năm, trong đó bà ngoại tình tới 5 lần, dù người chồng “không làm bất cứ điều gì gây ra sự bất trung của tôi”.
Bốn lần đầu, người chồng không biết gì. Đến lần thứ năm, bà tưởng “cuối cùng tôi đã phá hủy hoàn toàn mọi sự, vâng mọi sự”. Điều bất ngờ là khi khám phá ra điều khủng khiếp này, chồng bà “đã như thể dính chặt vào mông tôi”. Tiếp theo là những cuộc ân ái “như để trả thù”. Nhưng rồi, người chồng gặp một linh mục được bà gọi đùa là “Cha Tha Thứ Cho Nàng”. Cha hỏi ông xem đã có bao giờ phạm tội chưa. Dĩ nhiên chồng bà thưa có, tuy thuộc một lãnh vực khác hẳn. Đó là khởi điểm đưa vợ chồng bà từ giường ngủ bước vào tâm và trí. Không những hòa giải mà còn hòa hợp qua những tách cà phê mỗi buổi sáng, qua đọc sách chung mỗi buổi chiều, và nhất là qua Kinh Magnificat mỗi buổi tối. Họ đã cứu được hôn nhân chung. Họ hiểu thêm rằng tình yêu không phải là chuyện 100 phần trăm và 100 phần trăm, mà thường là 80 phần trăm và 20 phần trăm, nghĩa là thế nào cũng có người “chịu thiệt” hơn và do đó phải hy sinh hơn. Trong trường hợp vợ chồng bà, bà cám ơn Chúa đã cho chồng bà đôi vai rộng hơn!
Kathryn chia sẻ rằng ly dị là ung thư trong gia đình bà: cả cha mẹ bà, các anh chị em bà, chính bà và hàng “tỷ” các bà cô ông cậu của bà đều ly dị. Gần đây nhất là em gái bà, một người bỏ đạo và hiện nay là một nhà vô thần. Bà đồng ý với Đức Ông Pope: vì tất cả chỉ chú trọng tới hạnh phúc của riêng mình.
Góp ý 7: ca ngợi án vô hiệu
Doug thì đồng ý với thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu của Giáo Hội. Anh và vợ lấy nhau quá sớm, lại sống quá xa gia đình, thân nhân và bằng hữu. Cả hai chưa sẵn sàng lãnh trách nhiệm của đời sống hôn nhân. Nên anh rất biết ơn khi có người khuyên nên tiếp xúc với Giáo Hội để xin tuyên bố vô hiệu.
Dennis kể lại các kinh nghiệm của riêng anh và của cha mẹ anh về những cuộc hôn nhân “vô giá trị”, nhưng cũng có thể trở thành giá trị. Anh lấy người vợ đầu để rồi khám phá ra chị chỉ lấy anh để có quốc tịch Hoa Kỳ. Ly dị xong, anh lấy được “một bà góa”, “không hẳn lúc nào cũng như tiên nhưng luôn tràn đầy yêu thương”. Trong khi ấy, cha anh lấy mẹ anh vì tinh thần trách nhiệm, đã làm mẹ anh mang bầu anh trước khi kết hôn. Bà cụ không thích thú lắm với động thái này. Không biết có phải vì cụ bị buộc phải trở lại đạo hay không. Để thuyết phục, ông cụ hứa với bà cụ: sau 5 năm, nếu bà muốn, ông sẽ để bà ra đi. Năm năm sau, dù đã có với nhau 4 đứa con, bà yêu cầu ông giữ lời hứa, và đồng ý để ông được giữ các con. Ông cụ hết sức ngỡ ngàng, đành nói với vợ sẽ nhờ mẹ chăm sóc bày trẻ. Rất may, nhờ bà cụ rất ghét mẹ chồng, nên đã quyết định ở lại. Rồi 3 đứa con nữa ra đời và khoảng 30 năm sau đó, khi các con đã khôn lớn, vấn đề lại nổi lên. Ông cụ đi vấn kế linh mục chánh xứ. Linh mục khuyên: nếu cụ bà muốn ly dị, hãy để cụ bà ra đi! Rất may (lại rất may nữa!), nhờ ông cụ “ngưng… không bước chân vào một nhà thờ Công Giáo” nào để phản đối cái lời khuyên quái ác này, dù trước đó rất ngoan đạo, có lúc đã nghĩ tới việc làm thầy sáu, và sau đó lên cơn nhồi máu cơ tim, nên bà cụ hết lòng chăm sóc ông cụ và không bao giờ còn “đặt vấn đề” nữa. Dennis cho rằng dù anh không hiểu hết mọi khúc mắc của vấn đề, nhưng anh tạ ơn Chúa vì cha mẹ anh vẫn ở lại với nhau trong cuộc hôn nhân “vô giá trị” của họ.
Góp ý 8: phân phát vô hiệu như phân phát kẹo
Về nhận định cho rằng Giáo Hội phân phát án vô hiệu như phân phát kẹo, Jay, một luật gia giáo luật, từng phụ trách cả “hàng ngàn án vô hiệu” cho rằng nhận định đó không đúng: “Giáo Hội không ban hành án vô hiệu một cách dễ dàng hoặc đơn thuần để làm vui lòng các cá nhân. Mà thực sự ma quỉ hết sức chi tiết trong mọi vụ án hôn phối và chúng tôi phán đoán mọi vụ án trên căn bản từng vụ một”. Bà cho rằng càng ngày càng có nhiều án vô hiệu là vì “xã hội ta hiện cực kỳ thiếu chín chắn, duy vật chủ nghĩa và quá tự yêu mình. Người ta tiếp cận hôn nhân một cách rất khác nhau và bất hạnh một điều: nhiều người tiếp cận nó với những động lực hết sức vị kỷ và coi hôn nhân như một cấu trúc bản thân mà họ có quyền thay đổi tùy ý”.
Một nhà tâm lý học Công Giáo muốn biết con số án vô hiệu thực sự tại Hoa Kỳ. Một mục tử tại Buckeye thêm: con số này nên được phân tích: bao nhiêu án vô hiệu vì những cuộc hôn nhân này chưa bao giờ diễn ra trong một nhà thờ Công Giáo, bao nhiêu án vô hiệu vì sự hiện hữu của một hôn nhân hiện còn đang hữu hiệu, bao nhiêu án vô hiệu vì đặc ân Phaolô hay Phêrô.
Góp ý 9: bất đắc dĩ mới ly dị
Chưa thấy có ai lên tiếng đáp lời. Trong khi ấy, Anne, dù đồng ý rằng ly dị thường là vì cha mẹ chỉ chú ý tới hạnh phúc của mình mà quên hạnh phúc của con, nhưng cho rằng “cũng có nhiều truyện khác…” từ ngay chính gia đình chị: “Mẹ tôi có lời thề sẽ ở với cha tôi cho tới chết, do đó, cha tôi thấy ông có quyền coi mẹ tôi và chúng tôi như nơi đương nhiên để ông trút giận dữ lên đầu tùy thích. Ngày mẹ tôi bỏ cha tôi là một trong những ngày vĩ đại nhất trong đời tôi. Lần đầu tiên, tôi được sống trong một gia hộ không có bạo lực… Ly dị khỏi vợ và ra xa lạ với con cái, cuối cùng cha tôi mới học được rằng ông đã không còn sở hữu gia đình của ông nữa, và rất hối hận về lối sống của mình. Chúng tôi rất hòa thuận trong những ngày cuối đời ông, mẹ tôi hiện diện bên cạnh giường khi cha tôi qua đời”.
Chị tự hỏi: chuyện gì sẽ xẩy ra nếu mẹ chị không được phép ly dị… “Khi ly dị, người ta có những lý do xấu, nhưng họ cũng có những lý do tốt. Có những đứa con đau khổ vì cha mẹ ly dị, thì cũng có những đứa con được cứu nhờ việc ly dị này”. Chị nhắc lại câu của Đức Phanxicô: “Tôi là ai mà dám phê phán?”
Luận điểm trên nghe ra có vẻ có lý. Nhưng Louise nhắc Anne nhớ rằng: mẹ chị có quyền bỏ cha chị, nhưng không cần phải ly dị ông!
Nghe thấy thế, Marie góp ý: tuy ly thân là điều hợp pháp, nhưng ly dị đôi lúc vẫn cần vì đó là “phương thế hợp pháp nhất để giải quyết các vấn đề như sở hữu tài sản, trông coi con cái... Dĩ nhiên, sau đó, đôi bên không được tái hôn…”.
Không thấy ai bàn thêm, nhưng theo các Tin Mừng Nhất Lãm, ly dị kiểu Marie góp ý không phải là ly dị theo Chúa Kitô: ai bỏ vợ và lấy người khác, mới phạm tội ngoại tình. Còn chỉ bỏ vợ (hay bỏ chồng) mà không lấy người khác, không phạm tội ngoại tình.
Lorrie vẫn không hiểu như thế, nên chị cho rằng tổng quát hóa những người ly dị vì muốn ly dị là điều thật đáng buồn, thật hết sức “vô cảm và đầy kết án!”. Bởi chị là người “đã làm mọi sự con người có thể làm được để cứu gia đình tôi nhưng vẫn không đánh bại được sự ác do cơn ghiền của chồng tôi giáng xuống. Ở lại trong tình huống đó là đặt con cái tôi vào vòng nguy hiểm. Một cách nghiêm túc… tôi không tin có ai nghiêm túc muốn ly dị cả”.
Góp ý 10: hôn nhân là liên hệ hàng đầu và vẫn là liên hệ quan trọng nhất
Thiển nghĩ, chia sẻ của Franklin được coi là thấm thía nhất. Theo anh, “các liên hệ của con người cũng quan yếu và bất tử như chính linh hồn của con người. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao ta được dạy là phải yêu người lân cận (nghĩa là những ai ở gần ta) như chính ta. Chị cả tôi thường bảo tôi rằng chị tin những ai gần ta nhất trên Thiên Đàng cũng là những người gần ta nhất trên Trái Đất. Điều này có ý nghĩa đối với tôi, để xây đắp những gì ta hiện có, đừng vất bỏ chúng để khởi đầu lại.
“Và hôn nhân là liên hệ đệ nhất đẳng giữa các hữu thể nhân bản; nghĩa là, nó có trước nhất và vẫn có ý nghĩa nhất. Không có liên hệ nào trước Ađam và Evà, và không có liên hệ nào mà lại không có nó. Và không có liên hệ nào được nâng lên hàng bí tích, cũng chẳng có liên hệ nào được so sánh với mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Thực sự, ta có thể coi Thánh Kinh đã khởi sự với hôn nhân, và kết thúc với nó.
“Nhưng ngay khi hôn nhân bị hủy diệt, mọi liên hệ sẽ bị hủy diệt, vì không có hôn nhân, ta hết còn coi mình như có liên hệ với nhau nữa. Và không có loại liên kết này, ta không còn lý do nào để coi bất cứ ai khác là con người hay là giống ta nữa. Theo tôi, đó là lý do tại sao một người đàn bà lại đi giết đứa con trong bụng mình; bà không coi đứa con là con người. Nhưng tại sao bà phải coi như thế, nếu bà thấy mình như đã cắt đứt với những người khác, và cô đơn?
“Người ta lầm lẫn khi cho rằng một ai đó có thể ly dị người phối ngẫu của mình nhưng vẫn trân quí con cái. Nhưng tôi xin hỏi: tại sao người ta có thể trân quí các liên hệ họ không tự ý chọn (tức con cái) khi họ không trân quí mối liên hệ chính họ tự ý chọn (hôn nhân).
“Tôi thấy điều đáng lưu ý sau: tất cả năm vấn đề không thể thương lượng được là phá thai, an tử, lấy tế bào phôi thai nghiên cứu, ‘hôn nhân’ đồng tính, và sinh vô tính ra con người, hết 4 chủ yếu có tính tính dục. Nhưng theo tôi, chúng đều có chung một gốc rễ, như thể là ‘năm ngón tay trên bàn tay năm ngón’, một bàn tay bị ly dị…
“Tôi thường nghe những lời cầu nguyện trong Thánh Lễ cầu cho sự thánh thiện của linh hồn con người; theo tôi, nay là lúc, ta nên bắt đầu thường xuyên cầu nguyện cho sự thánh thiện của các liên hệ nhân bản, nhất là hôn nhân”.
Vũ Văn An