Cha giải tội được phép cho ngừa thai?
Luật Chúa và luật Giáo Hội thì áp dụng cho tất cả mọi người, cả những người thi hành luật cũng phải tuân giữ.
Nếu là luật của Giáo Hội, thì có những trường hợp Giáo Hội miễn chuẩn được. Quyền miễn chuẩn nầy áp dụng theo luật đã quy định (in jure) hoặc được ban cho những người có chức năng (a jure), chứ không phải giáo sĩ nào cũng có thẩm quyền. Riêng trong lãnh vực nầy thì không thừa tác viên nào có quyền cho phép ngừa thai, dù việc ngừa thai được thực hiện bằng bất cứ cách thức nào. Có một số giáo dân thắc mắc: tại sao linh mục chỗ nầy cho phép ngừa thai mà chỗ kia lại không? Và cho rằng cha xứ của mình “khó”.
Giáo Hội đã nhắc nhở các mục tử phải trung thành với giáo huấn của Giáo Hội và khôn ngoan hướng dẫn các hối nhân về việc sinh sản có trách nhiệm, như sau:
1. Phải dạy cho các đôi vợ chồng biết giá trị vô song của sự sống con người, giúp đỡ họ dấn thân làm cho gia đình riêng của họ thành một đền thờ hiến thánh cho sự sống: Chính Thiên Chúa hiện diện trong tình phụ tử và mẫu tử của nhân loại theo một cách thức khác với cách thức xảy ra trong những cuộc sinh sản của các sinh vật khác trên trái đất (Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình, Cẩm Nang cho các vị giải tội, số 2,1, ngày 12/2/1997).
2. Việc ngừa thai là một sự xấu nội tại, nghĩa là mỗi hành vi vợ chồng chủ ý làm cho không thụ thai là một sự xấu nội tại. Phải coi giáo huấn nầy là một học thuyết dứt khoát và không thể thay đổi. Việc ngừa thai đối nghịch cách nghiêm trọng với đức khiết tịnh hôn nhân, nó đi ngược lại với lợi ích của việc lưu truyền sự sống (khía cạnh sinh sản của hôn nhân) và đi ngược lại với việc trao hiến hỗ tương giữa đôi vợ chồng (khía cạnh kết hợp của hôn nhân). Nó làm tổn thương tình yêu đích thực và chối từ vai trò tối thượng của Thiên Chúa trong việc lưu truyền sự sống nhân loại (Sđd, nt, số 2,4).
3. Quan tâm và giúp đỡ, cũng như khích lệ các hối nhân để họ có thể đạt đến sự sám hối đầy đủ và để họ có thể xưng thú trọn vẹn các tội trọng (Sđd, nt, số 3,1).
4. Thừa tác viên phải đón nhận các hối nhân đến toà giải tội, giả thiết họ có thiện chí giao hoà với Thiên Chúa của lòng thương xót, ngoại trừ có bằng chứng ngược lại hiển nhiên (Sđd, nt, số 3,2).
5. Sự tái phạm tội ngừa thai tự nó không phải là lý do để không ban ơn xá giải cho hối nhân. Chỉ có thể từ chối ban ơn xá giải khi hối nhân thiếu lòng thống hối đầy đủ hay thiếu sự quyết tâm không sa ngã phạm tội nữa (Sđd số 3,6). Điều nầy có nghĩa là khi xưng tội, hối nhân không hứa loại bỏ những phương tiện ngừa thai cố định, thì đương nhiên, thừa tác viên có thể từ chối ban ơn xá giải, vì thiếu điều kiện sám hối đầy đủ và sự quyết tâm không tái phạm.
6. Chủ trương coi sự yếu đuối của riêng mình làm chuẩn mực cho chân lý luân lý là điều không thể chấp nhận được (Sđd số 2,10). Như vậy có nghĩa là: lương tâm sai lạc hoặc yếu đuối, không thể trở thành tiêu chuẩn để biện minh và chuẩn nhận cho một hành động của mình, mà xét về khách quan là trái với luân lý, nhưng về mặt chủ quan lại cho là được phép.
7. Trong việc giảng dạy giáo lý và dẫn dắt đôi vợ chồng tương lai tiến tới hôn nhân, các linh mục phải có những tiêu chuẩn đồng nhất trong giảng dạy cũng như trong lãnh vực của bí tích Hoà Giải, trong sự trung tín hoàn toàn và trọn vẹn với giáo huấn của Giáo Hội về vấn đề tội ác của hành vi ngừa thai (Sđd số 2,16).
Thiết tưởng những giáo huấn trên cho các thừa tác viên bí tích Hoà Giải cũng là những xác định cho mọi người và trở nên nguyên tắc rõ ràng cho mọi tín hữu trong vấn đề tế nhị nầy.
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh