Đã đến lúc phải thi hành nền ngoại giao sự thật
Vũ Văn An
Dù tâm trí hoàn toàn dành cho chuyến tông du 5 ngày tại Cộng Hòa Đại Hàn, Đức Phanxicô vẫn ưu tư tới tình hình bách hại Kitô giáo tại phần đất hiện do Quốc Gia Hồi Giáo Trị ISIS chiếm lãnh.
Thực vậy, trong Thánh Lễ cầu cho hòa bình và hòa giải của Bán Đảo Đại Hàn, hôm thứ Hai vừa qua, vào cuối Lời Nguyện Giáo Dân, do nhiều nhà lãnh đạo Giáo Hội và đại diện giáo dân xướng lên, Đức Phanxicô đã thêm lời cầu nguyện riêng của ngài: “Cầu cho Đức HY Fernando Filoni, người đáng lẽ ở đây với chúng con nhưng không thể đến được vì đã được Giáo Hoàng phái tới dân tộc Iraq đang đau khổ, để giúp đỡ những người đang bị bách hại, những người đang bị tước đoạt hết mọi sự, tới tất cả các nhóm thiểu số tôn giáo đang đau khổ trên lãnh thổ đó, để Chúa gần gũi với sứ mệnh của ngài”.
Ai cũng biết: trước khi lên đường qua Đại Hàn, Đức Phanxicô đã cử vị Hồng Y người Ý này làm phái viên riêng của mình qua Iraq. Đức HY Filoni vốn là sứ thần Tòa Thánh tại Iraq trong cuộc xâm lăng của Mỹ năm 2003.
Ủng hộ can thiệp quân sự?
Và trên chuyến bay từ Hán Thành trở về Rôma, ngài chính thức ủng hộ việc can thiệp để chặn đứng cuộc tiến công man rợ của ISIS. Bản tin ngày 18 tháng Tám của CNA/EWTN News chạy hàng tít sau: “Đức GH Phanxicô ủng hộ việc can thiệp để chặn đứng ‘kẻ gây hấn’”.
Ngài nói với các nhà báo: “Trong những trường hợp gây hấn bất chính, tôi chỉ có thể nói rằng ta được phép chặn đứng kẻ gây hấn bất chính”. Nhưng ngài nói ngay: “Tôi xin gạch dưới động từ ‘chặn đứng’. Vì tôi không nói ‘ném bom’ hay ‘gây chiến’ mà ‘chặn nó lại’”.
Hình như ám chỉ sự vô hiệu tương đối của các cố gắng ngoại giao gần đây, Đức Phanxicô tỏ ý sẵn sàng qua Iraq: “Và ngay lúc này, tôi sẵn sàng (làm việc đó)” tuy ngài cho hay tiếp: “nhưng hiện nay, đó không phải là điều tốt đẹp nhất để làm nhưng tôi sẵn sàng làm”.
Tác phong của Đức Phanxicô cho thấy tình hình Kitô hữu tại Iraq quả là thảm thương vô hạn và ngài muốn cứu họ. Trong những ngày qua, ngài đã nhiều lần kêu cứu thế giới, đích thân viết thư cho TTK/LHQ, cử phái viên riêng của mình qua Iraq, kêu gọi mọi người cầu nguyện. Nhưng ngài vẫn thấy chưa đủ, cần phải làm hơn nữa! Cái hơn nữa này phải chăng là can thiệp quân sự, một thứ chiến tranh chính nghĩa?
Tuy nhiên, ngài vẫn bác bỏ bạo lực, nhất là dùng bạo lực làm cớ để thực hiện các mục tiêu khác. Ngài bảo: “Chặn đứng kẻ gây hấn bất chính là điều được phép. Nhưng chúng ta cần cả ký ức nữa, nhé. Không biết bao nhiêu lần dưới cái chiêu bài chặn đứng kẻ gây hấn bất chính, các cường quốc đã đi kiểm soát các quốc gia khác. Và, họ đã thực hiện cuộc chiến tranh xâm chiếm thực sự”.
Khía cạnh quốc tế của sự can thiệp cũng được ngài nhấn mạnh: “một quốc gia riêng rẽ không thể phán định cách làm thế nào chặn đứng, làm thế nào chặn đứng kẻ gây hấn bất chính”. Bởi thế, ngài cho rằng LHQ là nơi phải đưa ra quyết định chặn đứng này.
Ngài cũng cho hay ngài không lên tiếng cho các Kitô hữu mà thôi mà cho mọi nhóm tôn giáo thiểu số “mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Không phải thế sao?”
Tuyên bố của Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn
Ngôn từ của nhà lãnh đạo hơn một tỷ người Công Giáo Thế Giới chỉ có thể mạnh đến thế là cùng, không thể đến cái độ kêu gọi thánh chiến như một số lãnh tụ Hồi Giáo hiện nay. Nhưng theo nhận định của Andrea Gagliarducci ngày 18 tháng Tám, thì nay đã đến lúc để ta thi hành một chính sách ngoại giao dựa trên việc nói thật. Theo ông, ít nhất đó cũng là chính sách được Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn ủng hộ trong tuyên bố ngày 12 tháng Tám vừa qua.
Theo Gagliarducci, lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ của Vatican liệt kê các hành vi dã man của Nhà Nước Hồi Giáo (Caliphate), tế nhị nhắc cho thế giới thế tục nhớ rằng chính nhà duy tục Kemal Ataturk ở Thỗ Nhĩ Kỳ đã kết liễu chế độ Hồi Giáo Trị năm 1929, và đồng thời cảnh giác các nhà lãnh đạo tôn giáo: khả tính tín của chúng ta là đâu nếu ta không chịu lên án những gì đang diễn ra, những gì đang xúc phạm tới Thiên Chúa và nhân loại?
Bối cảnh
Ở hậu cảnh, là số phận đáng thương của các Kitô hữu Iraq. Cuộc tiến quân về hướng bắc của đoàn quân Hồi Giáo Trị buộc các Kitô hữu phải trốn chạy tới Kurdistan. Tình thế thật nguy kịch. Thủ tướng của miền người Kurd, ông Faroud Barzani, nói với Đức HY Fernando Filoni rằng “Chúng tôi có bổn phận che chở họ. Nhưng họ đông quá đến nỗi chúng tôi không có tài nguyên cũng như đồ tiếp tế để làm việc này”.
Chỉ duy một cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế mới cung cấp được các tài nguyên và nguồn tiếp tế này. Rất may, từ ngày 14 tháng Tám, LHQ đã nâng mức cấp cứu của mình lên cao nhất tại Iraq để làm dễ dàng việc huy động sự trợ giúp. Trong khi ấy, những người rời cư vẫn đang không có nơi trú ẩn, người Yazidis có nguy cơ bị thảm sát còn các dân quân người Kurd thì không hiểu tại sao bọn ISIS bỗng nhiên hướng lên phía bắc với sức mạnh quân sự chúng chưa bao giờ tiết lộ mấy tháng trước.
Iraq không phải là nơi duy nhất tại Trung Đông đang diễn ra tranh chấp và các Kitô hữu chịu đau khổ. Tình hình cũng rất nguy kịch tại Gaza, nơi những vụ đình chiến yếu ớt cứ thế thay nhau hoài và các cuộc thương thuyết đang dậm chân tại chỗ. Chiến tranh Syria hầu như đã bị lãng quên. Libăng đang trải qua thời kỳ khó khăn. Nhìn qua Châu Phi, ta thấy chế độ Hồi Giáo Trị cũng đang được áp đặt ở Lybia, còn dòm ngó cả Yemen đang chia rẽ và Sudan đang bị người ta quên lãng phần lớn nữa…Nhìn qua Á Châu, tại Pakistan, nơi luật phạm thượng vẫn đang thống trị. Song song với những biến cố này, còn có việc kéo dài cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Nhìn vào bản đồ thế giới, Gagliarducci cho rằng hiện có một vành trăng lưỡi liềm gồm nhiều cuộc tranh chấp với tâm điểm ở Âu Châu, ở Ukraine, và vươn ra Châu Phi. Đây là kết quả của một cuộc chiến tranh chẳng che đậy chi mấy. Các chiến binh duy Hồi Giáo đang nhằm mục đích tái lập một trong các nhà nước Hồi Giáo Trị vĩ đại thời Trung Cổ, thậm chí cuối cùng sẽ chiếm lại Tây Ban Nha, nước mà người Hồi Giáo cai trị cho tới năm 1492. Từ vọng nhìn này nhìn lại, cuộc đặt bom ngày 11 tháng Ba năm 2003 ở trạm xe lửa Atocha, Madrid, rất hợp với tham vọng này.
Nền ngoại giao sự thật
Cuộc tiến công đường dài của Hồi Giáo đấu tranh chắc chắn đã bắt đầu trước ngày 11 tháng Chín. Cuộc tiến công này đã bị nền ngoại giao nói sự thật ngăn chặn, nền ngoại giao này được Đức Bênêđíctô XVI cổ vũ và đầy mạnh. Các cố gắng của ngài không tránh khỏi tranh cãi.
Năm 2006, tại Regensburg, vị giáo hoàng nói trên đã đọc một bài diễn văn bị phê phán nhiều hơn cả trong cương vị giảng dạy như một giáo sư của ngài. Trong bài diễn văn này, ngài giải thích rằng bạo lực triệt để liên kết với đức tin không là gì khác hơn là kết quả của một liên kết yếu ớt giữa đức tin và lý trí.
Luận đề trên gây ra nhiều cuộc phản đối dữ dội trong các quốc gia đa số theo Hồi Giáo, nhưng đàng khác, đã cho phép mở ra cuộc đối thoại mới với thế giới Hồi Giáo. Bài diễn văn Regensburg khuyến khích những người khởi xướng một Hồi Giáo giác ngộ, khuyến khích những người đang đối thoại với thế giới và với các tín ngưỡng khác, để họ bắt đầu một trang mới cho cuộc đối thoại.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn hiểu rất rõ điều trên; việc này thấy rõ trong hội nghị chuyên đề hồi tháng Năm để mừng 50 năm thành lập HỘi Đồng. Nhân dịp này, Linh Mục Damian Howard, Dòng Tên, giáo sư ĐH Heythorp và là một cố vấn của Hội Đồng, đã nhắc lại các điểm sáng và các điểm tối của 50 năm đối thoại; ngài nhấn mạnh tới liên tục tính của các vị giáo hoàng và lưu ý rằng Đức Bênêđíctô XVI đã trình bày “một nhấn mạnh khác biệt đối với sự thật” vì “các trước tác của ngài cương quyết chống lại bất cứ dấu vết nào của chủ nghĩa duy tương đối và đã đề nghị phải sửa đổi khuynh hướng nói ít hơn điều nên nói với toàn thể nhân loại về Ngôi Lời Nhập Thể”.
Linh Mục Howard nói rằng: khả năng của Đức GH Bênêđíctô XVI trong việc nói lên “tình yêu trong sự thật đã giúp ngài có khả năng tái khẳng định việc dấn thân liên tục của Giáo Hội’, vượt qua được “một thời kỳ tuy vắn nhưng đầy sóng gió trong cuộc đối thoại liên tôn khi các mẫn cảm Hồi Giáo chưa được lượng giá trọn vẹn”. Trong số các kết quả đáng ghi nhất, linh mục Miguel Angel Ayuso Guixot, Thư Ký Hội Đồng, liệt kê Nghị Hội Công Giáo - Hồi Giáo, thành lập năm 2008, do kết quả một lá thư của 138 nhà lãnh đạo Hồi Giáo gửi cho Đức GH Bênêđíctô XVI năm 2007. Lá thư này được ký nhận bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo có can đảm đưa ra một lập trường xây dựng giữa lúc có những cuộc tranh cãi đối với Bài Diễn Văn Regensburg.
Thời kỳ ngoại giao nói sự thật này cũng đã giúp Tòa Thánh trở thành quốc gia “thành lập và quan sát” tại Trung Tâm Quốc Tế Vua Abdullah bin Abdulaziz về Đối Thoại Liên Tôn và Liên Văn Hóa (KAICIID), đặt trụ sở tại Vienna (Áo). Trung tâm này được sự tài trợ của Saudi Arabia, một trong số rất ít quốc gia trên thế giới không có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh.
Nền ngoại giao cầu nguyện
Gagliarducci cho rằng Đức GH Phanxicô thừa hưởng nền ngoại giao nói sự thật này, nhưng đồng thời ngài đưa ra một phương thức khác mà người ta có thể đoán định căn cứ vào việc ngài chọn quốc vụ khanh. Đức HY Pietro Parolin, một người phục vụ lâu năm ở phủ Quốc Vụ Khanh, luôn thích phương thức ngoại giao cổ điển mà mục tiêu hàng đầu là tránh tranh chấp, đối đầu. Đây cũng là phong thái của Đức Phanxicô.
Đức đương kim giáo hoàng biến cầu nguyện thành khí cụ ngoại giao của ngài. Ngài không bao giờ quên việc các Kitô hữu trên thế giới bị bách hại; điều này thấy rõ qua các lời kêu gọi liên tục của ngài trong các buổi đọc kinh Truyền Tin và yết kiến chung. Ngài cho rằng các Kitô hữu là những người bị bách hại hơn cả trên thế giới. Nhưng dường như ngài đánh giá thấp tầm quan trọng của ngoại giao. Việc tổ chức buổi cầu nguyện cho hòa bình Trung Đông tại Vatican hồi tháng Sáu hình như nói lên điều này.
Đó là một biến cố lịch sử vì xưa nay chưa có ai thành công đem các nhà lãnh đạo Do Thái và Palestine tới chỗ cầu nguyện chung. Nhưng đó cũng là thời khắc khó khăn về ngoại giao vì hiện diện ở đó là một vị tổng thống tuy có thế giá tinh thần lớn lao nhưng đã đến lúc kết thúc sự nghiệp chính trị của mình và một lãnh tụ Palestine đang bị chỉ trích nặng nề vì đã thỏa hiệp chính trị với Hamas.
Khi cuộc chiến bùng nổ ở giải Gaza, Đức Phanxicô cầu xin cho hòa bình và tuyên bố rằng “cuộc cầu nguyện trên không vô ích”. Trên chuyến bay từ Hán Thành trở lại Rôma, ngài cũng vẫn tuyên bố như thế. Với ngài, hai vị nói trên là “người của hòa bình. Họ là những người tin Thiên Chúa. Họ đã sống qua nhiều điều tệ hại, rất nhiều điều tệ hại. Họ xác tín rằng con đường duy nhất để giải quyết tình thế ấy là thương thuyết, đối thoại, hòa bình. Đó có phải là một thất bại chăng? Không, tôi nghĩ cánh cửa đã mở ra. Bây giờ khói của bom đạn chiến tranh không cho phép ta nhìn thấy cửa nhưng cửa vẫn mở từ lúc đó. Vì tôi tin Thiên Chúa, nên tôi tin Thiên Chúa đang nhìn chiếc cửa đó và tất cả những ai cầu nguyện và xin Người giúp chúng ta”.
Hướng về nền ngoại giao sự thật
Nhưng khi lò thuốc súng bùng nổ ở Iraq, nó tạo ra một khung cảnh khác hẳn. Những người chủ chốt gây ra thảm cảnh này không tin cùng một Thiên Chúa như Shimon Peres hay Mahmoud Abbas. Thiên Chúa này cho họ chém giết cả đàn bà con trẻ, cả những người chưa biết thù hận là chi! Vị Thiên Chúa này đang điên cuồng chém giết qua bàn tay man rợ của ISIS, bất cần lý lẽ, ngoại giao, đối thoại. Cho nên, sau các kêu gọi và cầu nguyện, Đức Phanxicô hiểu rằng đã đến lúc phải có một lập trường mạnh hơn.
Đó là lý do ngài phái Đức HY Filoni qua Iraq; vị này hiện là bộ trưởng thánh bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, trước đây vốn là sứ thần Tòa Thánh tại Iraq thời Chiến Tranh Vùng Vịnh Lần Thứ Hai, là nhà ngoại giao duy nhất vẫn ở lại Baghdad khi các mục tiêu tại thành phố đang bị dội bom năm 2003. Ngài hiểu nơi này và có nhiều tiếp xúc tại đây.
Trước khi lên đường qua Iraq, vị HY này được Đức Phanxicô yêu cầu chuyển tình liên đới của ngài, trong đó có việc đóng góp cho những người túng thiếu nhất. Chính trong cuộc gặp gỡ này, Đức HY hiểu ra sự cần thiết của chiếc dù ngoại giao.
Chiếc dù này phát sinh nhờ lá thư Đức GH gửi ông Ban Ki Moon, TTK/LHQ. Được chuyển giao ngày 13 tháng Tám, nhưng đề ngày 9 tháng Tám, lá thư yêu cầu dành cho sứ mệnh của Đức HY Filoni tư cách được quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên nó cũng được coi như một dấu hiệu cụ thể cho thấy Đức GH Phanxicô đang thay đổi mô thức ngoại giao của ngài.
Lá thư trên tham chiếu luật quốc tế, đặc biệt là Lời Nói Đầu của Hiến Chương LHQ. Việc tham chiếu đặc biệt này có thể tìm thấy trong một số bản văn của Phủ Quốc Vụ Khanh trong mấy năm gần đây, và liên hệ tới nền ngoại giao nói sự thật vốn là đặc điểm trong nghị trình của Đức GH Bênêđíctô XVI.
Lời nói đầu của hiến chương LHQ đã được trích dẫn không phải do tình cờ. Trong lời nói đầu này, các nhà thành lập LHQ tái khẳng định “niềm tin vào các nhân quyền căn bản, vào phẩm giá và giá trị của con người nhân bản, vào các quyền bình đẳng của mọi người nam nữ và của mọi quốc gia lớn nhỏ”. Việc chọn chữ “tin” nói lên khá nhiều. Niềm tin ở đây có ý nói tới các niềm tin sâu xa. Do đó, LHQ được xây dựng trên niềm tin vào các quyền của con người mà mọi người có thể liên hệ với, bất kể các niềm tin tôn giáo của họ.
Đức tin được lý trí hướng dẫn sẽ đem tới việc hiểu rõ rằng các hữu thể nhân bản phải được che chở và bênh vực như những con người tòan diện. Việc bênh vực con người nhân bản nằm ở tâm điểm các nhân quyền. Đức Gioan Phaolô II trình bày rõ điều này trong thông điệp Redemptor Hominis năm 1979, trong đó, ngài coi việc tôn trọng nhân quyền là cách chính yếu để bảo đảm hòa bình giữa các dân tộc: “dù sao, hòa bình cũng hệ ở việc tôn trọng các quyền bất khả vi phạm của con người trong khi chiến tranh phát sinh từ việc vi phạm các quyền này…”
Chỉ trên căn bản mạnh mẽ của sự thật, cuộc gặp gỡ chân thực giữa các quốc gia mới có thể có. Sự thật trong các liên hệ quốc tế đòi điều này: các Nhà Nước, khi đối thoại hay khi can dự vào một cuộc tranh chấp, phải đặt nhân dân mà mình đại diện cho và toàn thể cộng đồng thế giới ở trước mặt vì phẩm gia tinh thần của các nhà nước này hệ ở điều đó”.
Đức HY Jean-Louis Tauran, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, rất hiểu điều trên. Là một nhà ngoại giao có tài và tinh tế, là kiến trúc sư của phần lớn chính sách ngoại giao của Tòa Thánh trong 20 năm qua, Đức HY Tauran hiểu rất rõ rằng ngài không thể tiếp tục im lặng được nữa khi số phận các Kitô hữu mỗi ngày mỗi thảm hại thêm. Có người cho rằng ngài rất do dự khi gửi bản tuyên bố đi vì sợ gây trở ngại cho hoạt động ngoại giao chính thức của Tòa Thánh. Nhưng rồi ngài quyết định gửi nó đi. Bản tuyên bố này gọi đích danh cuộc bách hại tôn giáo và buộc mọi nhà lãnh đạo tôn giáo phải cùng chịu trách nhiệm. Hành động của ngài lập tức khiến một số các nhà lãnh đạo Hồi Giáo (như đại giáo trưởng Ai Cập tại Cairo Shawqi Allam) phải có lập trường cứng rắn hơn trong việc phê phán Nhà Nước Hồi Giáo.
Trong khi đó, Đức TGM Silvano Maria Tomasi, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh cạnh Văn Phòng LHQ ở Genève, kêu gọi phải can thiệp và che chở nhân đạo cho nhân dân Iraq, cho dù phải sử dụng các phương tiện quân sự. Sau đó, ngài còn nhắc lại lời của mình khi bình luận về lá thư Đức GH gửi TTK/LHQ. Đức TGM Tomasi nhấn mạnh rằng “điều xem ra cực kỳ quan trọng là các cách phát biểu được Đức GH sử dụng: tình thế bi thảm ‘thúc ép’ cộng đồng quốc tế. Có thể nói, có một mệnh lệnh luân lý ở đây, một tất yếu phải hành động”.
Nền ngoại giao bằng cầu nguyện và đối thoại vẫn còn đó, nhưng song song với nó là nền ngoại giao sự thật.
Theo Vietcatholic