Tháo gỡ hôn phối nhờ đặc ân đức tin (in favorem fidei)

Có trường hợp giáo luật không đề cập nhưng theo theo học lý và án lệ hôn nhân không bí tích có thể giải nhờ đặc ân đức tin, in favorem fidei. Tòa Thánh có ra huấn thị cụ thể để hướng dẫn về vấn đề nầy đó là huấn thị Potestas Ecclesiae của Bộ giáo lý Đức Tin về hướng dẫn thủ tục điều tra tháo gỡ dây hôn phối nhờ đặc ân đức tin, ban hành tại Rôma ngày 30/4/2001.

Tháo gỡ hôn phối nhờ đặc ân đức tin (in favorem fidei)

 

Nói một cách tổng quát thì đặc ân thánh Phaolô (giáo luật đ. 1143-1147) hay thánh Phêrô (giáo luật đ. 1148-1149) đều được gọi là đặc ân đức tin.


Tuy nhiên có trường hợp giáo luật không đề cập nhưng theo theo học lý và án lệ hôn nhân không bí tích có thể giải nhờ đặc ân đức tin, in favorem fidei. Tòa Thánh có ra huấn thị cụ thể để hướng dẫn về vấn đề nầy đó là huấn thị Potestas Ecclesiae của Bộ giáo lý Đức Tin về hướng dẫn thủ tục điều tra tháo gỡ dây hôn phối nhờ đặc ân đức tin, ban hành tại Rôma ngày 30/4/2001. Huấn thị có một phần dẫn nhập, trong đó nêu tính lịch sử của vấn đề. Phần I của huấn thị liên quan đến điều kiện cần thiết về phía đương sự để có thể xin đặc ân và đó cũng là điều kiện để có thể chấp nhận đơn của đương sự ở cấp giáo phận để có thể tiến hành điều tra. Phần hai có tính hướng dẫn cụ thể việc phải làm, những tài liệu cần có trong giai đoạn tiến hành điều tra ở cấp giáo phận.

Để dễ hiểu, chúng ta có thể tóm vài điều chính của đặc ân đức tin nói ở huấn thị nầy như sau.

Đặc ân này nhằm tháo gỡ những cặp hôn nhân hữu hiệu nhưng chưa phải là bí tích vì chỉ có một trong hai người phối ngẫu là đã rửa tội. Lý do tháo gỡ là có lợi vì đức tin cho người liên quan. Một người có thể xin hưởng đặc ân này nếu:

a) Ít nhất một trong hai người phối ngẫu là người không được rửa tội trong suốt thời gian ràng buộc hôn phối;
b) Nếu, vào thời điểm nào đó sau khi cưới, cả hai được rửa tội, họ xa nhau chưa ăn ở với nhau từ ngày chịu phép rửa tội;
c) Hai người giờ đã xa nhau và không có hy vọng phục hồi lại cuộc sống hôn nhân với nhau nữa;
d) Người xin tháo gỡ bây giờ muốn cưới một người nào xác định;
e) Người đứng đơn và người phối ngẫu tương lai không có trách nhiệm gì trong việc đổ vỡ của cuộc hôn nhân trước;
f) Nếu người đứng đơn hoặc người phối ngẫu tương lai ngoài Công Giáo, phải hứa bằng văn bản nuôi con cái họ trong đức tin Công Giáo.

Đặc ân đức tin này chỉ được ban cho một lần do đó nếu cuộc hôn phối thứ hai đổ vỡ người đứng đơn không thể xin một lần nữa.

Ngoại trừ những trường hợp được đề cập tới trong Giáo Luật (đ. 1148, 1149), các trường hợp tháo gỡ các cuộc hôn nhân không là bí tích sẽ dành cho chính Đức Thánh Cha.

Sau đây là nội dung chính của Huấn thị.

Huấn thị «Potestas Ecclesiae»
Hướng dẫn tiến hành thủ tục điều tra tháo gỡ hôn nhân
nhờ đặc ân đức tin (in favorem fidei)
[1]
 
PHẦN I

Điều 1. Hôn nhân kết ước giữa hai người, trong đó ít nhất một người chưa rửa tội, có thể được tháo gỡ nhờ đặc ân đức tin do Đức Giáo Hoàng ban, miễn là hôn nhân đó chưa hoàn hợp sau khi cả hai người phối ngẫu đã nhận bí tích rửa tội.

Điều 2. Thẩm quyền của Bộ Giáo lý đức tin là cứu xét từng trường hợp, và nếu đủ các điều kiện, trình lên Đức Thánh Cha để xin ban đặc ân.

Điều 3. Giám Mục giáo phận và những vị tương đương theo luật, hoặc vị giám mục thượng phụ, có thẩm quyền tiến hành điều tra.

Điều 4. Để được ban đặc ân tháo gỡ dây hôn phối, yêu cầu vào lúc ban đặc ân cần phải:
1) Hai người phối ngẫu không có hy vọng nào để có thể phục hồi sống đời hôn nhân với nhau nữa;
2) Người đứng đơn không lỗi gì, do bản thân mình hay phần lớn do mình, trong việc gây ra đổ vỡ của cuộc hôn nhân trước; và người phối ngẫu tương lai cũng không có trách nhiệm gây ra cuộc ly hôn trước.

Điều 5- §1. Về phía người công giáo, nếu muốn kết ước hoặc hợp thức hóa hôn nhân mới với người chưa rửa tội hay người đã rửa tội không công giáo, cần phải loại bỏ những nguy cơ mất đức tin và người không công giáo phải hứa để tự do giữ đạo cho người công giáo và để cho con cái được rửa tội và giáo dục công giáo.
§2. Đặc ân tháo gỡ hôn nhân chỉ được ban khi điều trên được làm bằng giấy tờ và được cả hai bên ký xác nhận.

Điều 6. Không thể tiến hành thủ tục điều tra để tháo gỡ hôn nhân hay để hợp thức hóa hôn nhân nếu hôn nhân trước đã được tháo gỡ nhờ đặc ân đức tin, Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng không thể chấp nhận đơn xin cứu xét trường hợp nầy.

Điều 7- §1. Việc xin tháo gỡ hôn nhân không bí tích đã kết ước với sự miễn chuẩn ngăn trở do hôn nhân khác đạo có thể trình lên Đức Thánh cha nếu phía người công giáo có ý định kết hôn với người đã được rửa tội.
§2. Trong trường hợp hôn nhân nói trên cũng có thể đệ trình lên Đức Thánh Cha nếu phía người chưa rửa tội xin được rửa tội để kết ước với người đã rửa tội.
§3. Đức Giám Mục không được gởi thỉnh cầu lên Bộ Giáo Lý Đức Tin nếu có sự hồ nghi về sự chân thành trở lại đạo của người đứng đơn hay lời hứa của người kia trong hôn nhân, dù một hay cả hai đã nhận phép rửa tội.

Điều 8. Đối với hôn nhân của người tân tòng, thì hôn nhân chỉ cử hành khi họ đã chịu bí tích rửa tội; nếu không có lý do khả dĩ nghiêm trọng, thì cần có sự chắc chắn luân lý về việc họ sẽ chịu phép rửa ngay sau đó.

Điều 9. Đức Giám Mục cần tư vấn cho Bộ Giáo Lý Đức Tin khi có khó khăn đặc biệt trong việc người đứng đơn phải thực thi những bổn phận đối với người phối ngẫu trước hay đối với con cái, hoặc có thể gây ra gương mù gương xấu nào đó nếu đặc ân được ban.

Điều 10. Trong quá trình tiến hành điều tra do Giám Mục hay khi được cứu xét ở cấp Bộ giáo lý đức tin, nếu nổi lên sự hồ nghi tích cực đối với nền tảng cho sự hữu hiệu hôn nhân mà vì đó mà người ta xin tháo gỡ, trong thỉnh nguyện lên Đức Thánh cha cần phải đề cập rõ ràng sự hồ nghi nầy.

PHẦN II

Điều 11- §1. Đức Giám Mục đích thân tiến hành điều tra hay ủy nhiệm cho người điều tra được chọn trong số các thẩm phán của tòa án hay trong số những người được ngài chuẩn nhận cho giáo vụ nầy, cùng với sự trợ giúp của một lục sự (notarius) và sự tham gia vị bảo hệ (defensor vinculi).
§2. Sự trao ban nhiệm vụ trên phải được làm bằng giấy tờ và kèm theo trong các tài liệu.


Điều 12- §1. Những xác quyết phải được minh chứng theo luật qui định hoặc bằng tài liệu hoặc bằng lời khai của các nhân chứng đáng tin cậy.
§2. Trong giai đoạn điều tra cần phải lắng nghe cả hai người phối ngẫu.
§3. Đối với những khai báo của các bên không thể coi là có giá trị minh chứng đầy đủ nếu không phối hợp với những yếu tố khác để từ đó có thể rút ra được một sự chắc chắn luân lý.

Điều 13- §1. Những tài liệu được trình bày dù là bản gốc hay bản sao chính thức đều cần có sự xác nhận của lục sự.
§2. Những tài liệu gởi đên bộ giáo lý đức tin phải nguyên vẹn và hơn nữa trong bản sao cần có sự xác nhận của lục sự Đức Giám Mục.

Điều 14- §1. Sự thẩm vấn các bên và những nhân chứng được chọn do thẩm phán điều tra với sự hiện diện của bảo hệ và lục sự.
§2. Thẩm phán điều tra yêu cầu các bên và các nhân chứng phải thề nói sự thật và về sự thật của những xác nhận; nếu có ai từ chối, thì cũng lắng nghe cho dù không thề.
§3. Thẩm phán điều tra thẩm vấn các bên và nhân chứng bằng bản câu hỏi đã được chuẩn bị trước do mình hay do bảo hệ; trong trường hợp cần thiết có thể thêm các câu hỏi.
§4. Các câu trả lời phải được ký xác nhận bởi các bên và vị thẩm phán điều tra cũng như lục sự.

Điều 15- §1. Nếu một trong hai bên hay một nhân chứng từ chối hoặc không có khả năng đến hay khai trước sự hiện diện thẩm phán điều tra, thì những lời khai của họ có thể được thực hiện trước sự hiện diện của lục sự hoặc một vài người khác theo cách hợp pháp miễn là chắc chắn sự trọn vẹn và xác thực của lời khai.
§2. Sự vắng mặt của một bên, được tuyên bố chiếu theo qui định của luật, cần phải nêu trong các án từ.

Điều 16- §1. Một trong hai người phối ngẫu chưa chịu phép rửa phải được nêu rõ trong cách có thể tránh mọi hồ nghi.
§2. Lắng nghe các nhân chứng, được làm với sự cẩn trọng về sự khả tín, đối với cha mẹ và những bà con ruột thịt của bên chưa rửa tội, hoặc với những người trong thời niên thiếu đã từng sống chung hay biết rõ cuộc sống thăng trầm của người đó.
§3. Các nhân chứng phải được thẩm vấn không chỉ về việc chưa chịu bí tích rửa tội mà còn về hoàn cảnh và địa chỉ cho thấy rằng có lẽ bí tích rửa tội đã chưa được ban.
§4. Cần phải kiểm chứng kể cả trong sổ rửa tội tại nơi mà người chưa rửa tội nói rằng đã trải qua thời niên thiếu ở đó, đặc biệt là tại những nhà thờ họ thường lui tới hoặc tại nhà thờ đã cử hành hôn phối.
§5. Nếu hôn phối đã cử hành với chuẩn chước hôn nhân khác đạo, thẩm phán điều tra yêu cầu một bản sao phép chuẩn chước kể cả kết quả thẩm vấn trước hôn nhân.

Điều 17- §1. Nếu trong thời gian xin đặc ân giải hôn phối, người chưa rửa tội chịu bí tích rửa tội, thì cần tiến hành cuộc điều tra về khả năng có thể xảy ra sự sống chung sau bí tích rửa tội; cũng phải nghe nhân chứng về vấn đề nầy.
§2. Phải thẩm vấn đôi bên liên quan về việc sau khi tan vỡ họ có quan hệ cách nào không và đặc biệt về việc ăn ở như vợ chồng.

Điều 18- §1. Thẩm phán điều tra thu thập các thông tin về tình trạng cuộc sống của bên kia và không nên bỏ qua xác minh sau khi li dị họ đã cố tìm một hôn nhân mới.
§2. Hãy thẩm vấn các bên và các nhân chứng về nguyên nhân gây li thân hay li hôn cũng như xem xét ai có lỗi gây ra sự đổ vỡ hôn nhân hay các hôn nhân nầy.

Điều 19- §1. Phải trình bản sao chứng thư quyết định li hôn hoặc bản án về sự vô hiệu hôn nhân dân sự của các bên.
§2. Nếu có thể được, phải trình ra các bản sao về quyết định li hôn hay bản án về sự vô hiệu hôn nhân dân sự và phán quyết theo giáo luật về sự vô hiệu của hôn nhân hoặc bất cứ hôn nhân nào từ lời hứa hôn của bên nầy hay bên kia.

Điều 20- §1. Thẩm phán điều tra xác định nếu bên yêu cầu có con cái và cách đã chu cấp hay nổ lực chu cấp cho con cái; theo luật và theo khả năng riêng của mình, họ phải giáo dục đức tin cho con cái.
§2. Điều tra viên cũng cần phải thẩm vấn về trách nhiệm luân lý hay dân sự đối với người phối ngẫu trước hay đối với con cái nếu có.

Điều 21- §1. Bên yêu cầu hoặc bên hứa hôn, nếu đã trở lại và đã được rửa tội, cũng phải thẩm vấn về thời gian và chủ ý trong việc nhận bí tích rửa tội.
§2. Về các lý do để chịu phép rửa tội, cũng cần thẩm vấn cha sở cha sở nhất là về ý thức của của các bên.

Điều 22- §1.Trong các án từ cần làm một tường trình về tôn giáo của bên yêu cầu cũng như bên hứa hôn trong hôn phối.
§2. Trong án từ cần phải có chứng từ rửa tội hay bản tuyên xưng đức tin hoặc cả hai thứ.

Điều 23. sau khi hòan thành giai đoạn điều tra, thẩm phán điều tra gởi tất cả án từ, không công bố, không phổ biến, kèm theo báo cáo tương ứng của bảo hệ: nhiệm vụ của bảo hệ là phát hiện ra những lý do có thể chống lại việc giải dây hôn phối.

Điều 24- §1. Đức Giám Mục nhận tất cả các án từ, cho biết ý kiến về thỉnh nguyện: trong đó ngài phải xác định chi tiết trọn vẹn các điều kiện để có thể ban đặc ân, đặc biệt về các nguyên nhân nói ở điều 5.
§2. Phải chỉ ra các lý do để có thể đề nghị ban đặc ân, luôn thêm vào đó nếu người thỉnh nguyện đã cách nào đó đã sống một hôn nhân mới hay đang sống chung như vợ chồng.

Điều 25- §1. Đức Giám Mục gởi về bộ giáo lý đức tin ba bản sao tất cả các án từ, cùng với ý kiến cá nhân, nhận xét của bảo hệ, gom lại thành một tập tra cứu và với một bản tóm lược.
§2. Cũng cần cung cấp bản dịch tất cả các án từ ra ngôn ngữ được chấp nhận ở giáo triều Rôma kèm theo bản tuyên thệ bảo đảm chân thực của bản chuyển ngữ.
 
Rôma, Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 30.4.2001,
qui định về việc tháo gỡ dây hôn phối không bí tích nhờ đặc ân đức tin.

Đã ấn ký:                       ĐHY bộ Trưởng + Joseph Ratzinger
                           TGM hiệu tòa Vercelli + Tarcisio Bertone.

 

 

(chuyển ngữ, Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ, WGP.Qui Nhơn 11.08.2014)

 


[1] Huấn thị nầy có một phần mở đầu (Praefatio) trong đó nêu lên những lý do, sơ lược nguồn gốc lịch sử và nhắc đến những văn kiện liên quan đến nội dung huấn thị nầy. Ở đây xin chỉ chuyển ngữ phần nội dung chính yếu của huấn thị tức là những qui định cụ thể (Normae) mà thôi. Có thể đọc bản văn gốc huấn thị tại: