Có được phép xưng tội qua mọi phương tiện internet không?
Hỏi : Xin cha vui lòng giải đáp hai cầu hỏi sau
1- Có được phép xưng tội qua điện thoại, internet không ?
2- Linh mục có được phép mặc quốc phục Việt nam (khăn đóng áo thụng) khi dâng lễ nhân dịp Tết Việt Nam như một số linh mục ở Mỹ vàCanada đã làm ?
Trả lời :
Trước khi trả lời những câu hỏi trên, tôi thấy cần thiết phải nói lại ở đây giáo lý, giáo luật của Giáo Hội về bí tích Hòa giải như sau:
Sau khi sống lại và trước khi về Trời, Chúa Kitô đã thiết lập bí tích Hòa Giải và ban quyền tha tội cho các Tông Đồ như được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gioan sau đây:
"Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20:23).
Trước đó nữa, sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa là "Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Chúa Giêsu cũng đã hứa riêng với Phêrô như sau:
" Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" ( Mt 16:19).
Như vậy, rõ rệt Chúa Kitô đã ban quyền tha tội trước tiên cho Phêrô và các Tông Đồ tiên khởi, và sau này cho những người kế vị các ngài là các Giám Mục cùng với trợ tá là các linh mục trong Giáo Hội.
Bí tích Hòa giải là phương thế hữu hiệu nhất để giúp cho con người được làm hòa lại với Thiên Chúa, nhận lại tình thương của Người, sau khi đã lỡ phạm tội vì bản chất yếu đuối trước những cám dỗ của thế gian và nhất là của ma quỉ, " thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1 Pr 5: 8). Chúa Giêsu đã biết trước những nguy cơ của tội lỗi đe dọa con người sau khi chịu phép rửa, nên Chúa đã dự liệu trước phương thế hữu hiệu là bí tích hòa giải để giúp con người chỗi dậy, tiếp tục sống trong tình thương và ơn phúc với Chúa sau khi lỡ sa ngã vì yếu đuối con người. Lỡ sa ngã chứ không phải cố tình sa ngã, vì nếu cố tình phạm tội thì bí tích hòa giải cũng trở nên vô ích. Và những ai không cố gắng hết sức để xa tránh tội lỗi mà cứ phạm tội để rồi lại đi xưng tội thì hãy nghe lời Chúa cảnh cáo sau đây:
"Ta biết các việc ngươi làm. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa người ra khỏi miệng Ta" ( Kh 3:15-16).
Do đó, để lấy lại tình thương của Chúa, người có tội phải thật lòng sám hối, quyết tâm từ bỏ tội lỗi và đi xưng tội với một linh mục đang có đầy đủ năng quyền (faculty) để xin ơn tha thứ của Chúa qua bí tích hòa giải. Cần giải thích thêm là chỉ có Giám mục và linh mục được phép cử hành bí tích hòa giải mà thôi.
Riêng đối với linh mục thì ngoài chức thánh đã lãnh nhận, còn cần thêm năng quyền để cử hành hợp pháp các bí tích. Năng quyền này linh mục nhận lãnh từ Giám mục trực thuộc hoặc được Giám mục địa phương nào cho phép (đối với các linh mục không trực thuộc quyền cai quản của Giám mục). Nếu không có năng quyền này (hoặc trường hợp bị tạm hay vĩnh viễn "treo chén" (= suspension) thì linh mục không được phép giải tội cho ai trừ trường hợp nguy tử.
Cho được lãnh ơn tha thứ qua bí tích hòa giải, hối nhân phải ý thức rõ về những tội mình đã phạm và thực lòng thống hối với quyết tâm chừa tội..
Giáo Hội phân biệt 2 loại tội: một là tội trọng (mortal sin) là tội cắt đứt tức khắc mọi tình thân với Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành. Ai mắc tội trọng thì không được rước Mình Thánh Chúa, nếu là giáo dân, và không được làm lễ nếu là linh mục (GLHTCG số 1385, Giáo luật, điều 916). Hơn thế nữa, ai đang có tội trọng, nếu chết không kịp lãnh ơn tha thứ qua bí tích hòa giải thì sẽ bị hình phạt hỏa ngục, tức là vĩnh viễn lìa xa Chúa (GLHTCG số 1035).
Thánh Phaolô đã liệt kê những tội con người hay vấp phạm như sau : "dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ ngẫu tượng (idolatry), phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp chia rẽ, bè phái, ganh tỵ say sưa, chè chén...Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo : những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”(Gl 5:19-21).
Vì thế, những ai biết mình đang có tội trọng (giết người, cưỡng dâm, thông dâm, cướp của, thù nghét muốn hại người khác, nhất là chối bỏ Thiên Chúa cách công khai hay âm thầm trong lòng..) thì phải mau mắn chạy đến tìm lòng thương xót và tha thứ của Chúa qua bí tích hòa giải. Nếu còn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa thì Chúa vẫn sẵn lòng tha thứ mọi tội lỗi, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức là tội chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn thì không thể tha thứ được nữa, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa (Mc 3:28-29).
Ngoài tội trọng nói trên, là tội nhẹ (venial sín). Tội nhẹ không cắt đứt tình thương của Chúa nhưng cũng làm thương tổn phần nào tình thân này với Chúa và với tha nhân, nên cũng cần phải được tha thứ và sửa đỗi lại.
Việc xin ơn Chúa tha thứ cho các tội nặng hay nhẹ phải được cử hành trực tiếp và kín giữa hối nhân và linh mục đang có năng quyền giải tội. (Giáo luật điều 959-960; GLHTCG số 1456 ).
Như vậy, tuyệt đối không thể xưng tội qua điện thoại, qua internet , Iphone v.v . vì Giáo Hội chưa hề cho phép việc này cho đến nay. Phát ngôn viên Tòa Thánh ngày 9-2-11 vừa qua cũng đã bác bỏ một tin trên mạng nói là có thể xưng tội qua điện thoại di động Iphone. Giả thuyết này hoàn toàn vô căn cứ do một sổ người muốn áp dụng kỹ thuật tin học vào đời sống thiêng liêng của Giáo Hội. Nhưng chắc chắn Giáo Hội sẽ không bao giờ cho phép việc này, đặc biệt là xưng tội qua mọi phương tiện của Internet
Như vậy, là tín hữu, mọi người phải tuân theo những gì Giáo Hội là Mẹ đang dạy bảo về mọi vấn đề có liên quan đến thực hành đức tin như giáo lý, tín lý, luân lý , phụng vụ, và bí tích. Nghĩa là không ai được làm những gì Huấn Quyền (Magisterium) Giáo Hội không cho phép.
Sau hết, đối với các bệnh nhân đang nằm bênh viện hay ở tư gia và không buộc phải xem Lễ ngày Chúa Nhật, nhưng muốn hiệp thông cầu nguyện với Giáo Hội, thì được phép xem Thánh Lễ trên truyền hình (TV) để hiệp ý cầu nguyện trong khi đau yếu. Nhưng việc này chỉ dành riêng cho các bênh nhân mà thôi. Người khỏe không thể xem lễ trên truyền hình thay cho lễ Chúa Nhật hay lễ trọng nào được.
2- Về câu hỏi thứ 2, xin được trả lời như sau:
Liên quan đế việc cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist), Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí tích đã qui đinh rõ mọi nghi thức (luật chữ đỏ Rubric) buộc phải triệt để tuân theo kể cả lễ phục (liturgical vestments) mà các tư tế (giám mục và linh mục) và phó tế phải mặc khi cử hành Thánh Lễ và giúp Bàn Thánh (phó tế). Nghĩa là khi dâng Thánh Lễ, linh mục phải mặc áo Alba bên trong, thắt dây lưng cinture, đeo dây Stola và áo lễ (Chasuble) ở ngoài. Không có luật nào miễn trừ việc này. Do đó, nếu linh mục nào không tuân giữ kỷ luật về lễ phục khi cử hành Thánh Lễ để mặc y phục nào khác là điều sai trái hoàn toàn. Nói rõ hơn, không thể lấy cớ "hội nhập văn hóa vào phụng vụ" để mặc y phuc Vietnam (khăn đóng áo thụng ) để làm lễ nhân dịp Tết Viêt Nam thay vì phải mặc lễ phục thích hợp theo mùa (màu xanh cho mùa quanh năm, màu trắng hay vàng cho các dịp lễ trọng, màtím cho mùa Vọng và mùa Chay). Đây là một gương xấu cần phải tránh vì nếu ai cũng theo ý riêng của mình để "phăng ra" hình thức phụng vụ riêng khi cử hành các bí tích,nhất là bí tích Thánh Thể, thì sự hiệp nhất (unity) trong Giáo Hội sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Xưa kia cũng vì mục đích hiệp nhất trong Giáo Hội mà các bí tích, đặc biệt là Thánh Lễ, được cử hành bằng tiếng Latinh suốt nhiều thế kỷ trước Công Đồng Vaticanô II.
Một điều cần nói thêm là lễ phục các tư tế và phó thế phải mặc cũng được coi là các Á bí tích (sacramentals) được sử dụng để cử hành các bí tích của Giáo Hội. Y phục của các dân tộc không phải là á bí tích nên không thể thay thế cho lễ phục mặc trong phụng vụ trong bất cứ trường hợp hay lý do nào. Nếu cứ tự ý "phóng túng" kiểu này thì sẽ có ngày một linh mục nào đó cũng lấy cớ "hội nhập văn hóa vào phụng vụ" để dùng bánh đa (bánh tráng) và rượu đế trong Thánh Lễ thay vì phải dùng bánh không men (unleavened bread) và rượu nho như luật phụng vụ và giáo luật (Giáo luật điều 924) qui định và đòi buộc các tư tế phải nghiêm khắc thi hành khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) trong Giáo Hội Công Giáo.
Chỉ có các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox churches) dùng bánh có men (leavened bread) khi cử hành Thánh Lễ mà thôi. Nhưng họ vẫn phải mặc lễ phục áp dụng chung trong Giáo Hội Chính Thống, chứ không theo y phục riêng của mỗi quốc gia như Nga, Hy Lạp, Lỗ Mã ni,Thổ nhĩ Kỳ... nơi có các Giáo Hội Chính Thống chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã.
Tóm lại, các tư tế và phó tế trong Giáo Hội Công Giáo đều được mong đợi (expected) thi hành đúng mọi qui luật về phụng vụ- (trong đó có qui định về lễ phục) - khi cử hành các bí tích nhất là bí tich Thánh Thể tức Lễ Tạ ơn. Không ai được phép sáng chế hình thức phụng vụ nào ngoài luật chung phải theo vì bất cứ lý do gì.
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn