Giáo hội Công Giáo có cắt bỏ Điều Răn Thứ Hai và sửa đổi một vài điều răn khác hay không?
Có người nêu thắc mắc với chúng tôi rằng: "Giáo Hội Công Giáo 'một trong những giáo phái thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi' đã cắt bỏ Điều Răn thứ Hai (chớ thờ thần tượng), lấy một phần của Điều Răn thứ Mười làm ra Điều Răn thứ Chín (chớ muốn)?"
Thiết nghĩ việc trả lời cho câu hỏi này có thể giúp cho nhiều người thấy được sự thực của vấn đề, vì thế, chúng tôi xin đề cập đến vài điểm chính yếu liên quan đến thắc mắc trên đây: câu hỏi về việc Giáo hội Công giáo bỏ điều răn thứ hai, việc dùng ảnh tượng, và cử chỉ cúi mình trước ảnh tượng.
Giáo hội Công giáo đã cắt bỏ điều thứ hai trong Thập Điều (1)?
Bản Thập Điều xuất hiện trong Kinh Thánh dưới vài dạng văn bản khác nhau: sách Xuất hành (= Xuất Ê-díp-tô Ký) 20:2-17 (2); sách Xuất hành 34:14-26; sách Đệ nhị luật (= Phục Truyền Luật Lệ Ký) 5:6-21. Bản văn thường được dùng làm căn bản cho Thập Điều là đoạn sách Xuất hành 20:2- 17, nhưng chúng ta biết được rằng có Mười Lời của Thiên Chúa là nhờ vào sách Xuất hành 34:28 và sách Đệ nhị luật 4:13. Các bản Thập Điều của các tín hữu Dothái, Tin lành, Chính thống, và Công giáo, đều không phải là những bản văn Kinh Thánh, mà là những bản tóm lược với các cách gom các câu tương đối khác nhau.
Cụ thể, cách phân chia và tóm lược có thể được kể ra trong bảng sau đây, dựa theo sách Xuất
hành 20:2-17:
Các câu Kinh Thánh được gom lại với nhau |
||||
Giới răn |
Dothái |
Công giáo Rôma, Tin lành Luther |
Công giáo Đông phương, Chính thống, một số nhóm Tin lành |
|
1 |
2 (giới răn về lòng tin) |
3, 4, 5, 6 |
3 |
|
2 |
3, 4, 5, 6 |
7 |
4, 5, 6 |
|
3 |
7 |
8, 9, 10, 11 |
7 |
|
4 |
8, 9, 10, 11 |
12 |
8, 9, 10, 11 |
|
5 |
12 |
13 |
12 |
|
6 |
13 |
14 |
13 |
|
7 |
14 |
15 |
14 |
|
8 |
15 |
16 |
15 |
|
9 |
16 |
|
16 |
|
10 |
17 |
|
17 |
|
Sách Xuất hành 20:2-17 gồm 16 câu, với 14 mệnh đề mệnh lệnh. Để gom 14 mệnh lệnh này thành Thập Điều, dĩ nhiên, ở một số chỗ, người ta buộc phải gom nhiều mệnh lệnh lại với nhau. Như chúng tôi đã đề cập, mỗi Giáo hội có cách gom riêng của mình.
Bảng trên cho thấy các tín hữu Công giáo Rôma và Tin lành Luther gom các câu 3, 4, 5, 6 thuộc sách Xuất hành chương 20 thành một điều với ý tưởng căn bản là: "Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (3). Việc không thờ phượng thần nào khác, mà chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa dĩ nhiên hàm ý việc cấm thờ ngẫu tượng. Chính Martin Luther cũng nhìn nhận rằng mệnh lệnh cấm thờ các thần khác và mệnh lệnh cấm thờ ngẫu tượng là hai phần của một mệnh lệnh duy nhất. Thực ra, trong môi trường cổ xưa, đa thần giáo và việc thờ ngẫu tượng thường được gắn kết với nhau: việc thờ ngẫu tượng là một hình thức bên ngoài của đa thần giáo. Trong bối cảnh ấy, chính người Dothái đã gom các câu 3, 4, 5, 6 thành một giới răn. Các tín hữu Công giáo Rôma và Tin lành Luther đã học theo cách gom này của người Dothái.
Thập Điều của các tín hữu Do thái.
Do vậy, nếu như một số tín hữu Tin lành cho rằng các tín hữu Công giáo (và như vậy, cả các tín hữu Dothái và Tin lành Luther) là bỏ giới răn thứ hai trong Thập Điều, thì ngược lại, người Dothái có thể nói rằng những tín hữu Tin lành đó đã bỏ giới răn thứ nhất, hoặc các tín hữu Công giáo có thể lại nói rằng các tín hữu Tin lành đã nhẹ nhàng bỏ qua giới răn về ham muốn vợ người khác! Thực ra, vấn đề chỉ nằm ở chỗ là mỗi Giáo hội có cách phân chia và cách gom các câu Kinh Thánh khác nhau. Chúng ta cũng phải nhớ thêm rằng cách phân chia bản văn Kinh Thánh thành các chương theo số như chúng ta có ngày nay mới chỉ xuất hiện từ thế kỉ thứ 13, cách phân chia các chương theo các câu đánh số như ngày nay mới chỉ có từ thế kỉ 16. Do đó, khi tóm tắt Thập Điều, mỗi Giáo hội đã tóm tắt những điều mà người ta cho là điểm chính yếu. Việc kết án một bản tóm tắt là thiếu sót, không đầy đủ có lẽ là việc làm không được bình thường cho lắm!
Về việc dùng ảnh tượng (4)
Tuy nhiên, thiết tưởng vấn đề còn nằm ở chỗ khác nữa. Các tín hữu Tin lành cho rằng các tín hữu Công giáo bỏ qua giới răn thứ hai (theo cách phân chia của một số nhóm Tin lành): "Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ." Xuất hành 20:4 cấm tạc tượng bất cứ vật gì để thờ, trong tương quan với Xuất hành 20:3, điều này có nghĩa là cấm thờ bất cứ vật gì đối nghịch lại với Thiên Chúa, nghĩa là ngoài Thiên Chúa, không được thờ một hoặc nhiều vị thần khác, như Xuất hành 32:31 nói: "Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng!"
Hội Thánh Công giáo luôn cảnh báo các tín hữu về việc thờ ngẫu tượng. Thiết nghĩ việc kết án các tín hữu Công giáo là những kẻ thờ ngẫu tượng vì họ tạc tượng, vẽ hình Chúa Kitô và các thánh là một kiểu hiểu lầm, hay nói đúng hơn là do không hiểu đúng những điều trong Kinh Thánh liên quan tới mục đích và việc sử dụng hình tượng. Thực ra, Kinh Thánh cấm thờ phượng ảnh tượng, coi ảnh tượng như một loại thần linh, chứ không cấm việc sử dụng ảnh tượng trong nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa. Trái lại, trong Xuất hành 25:18-20, Thiên Chúa còn ra lệnh cho con người làm ra ảnh tượng:
"Ngươi sẽ làm hai tượng Kêrubim bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia; ngươi sẽ làm các tượng Kêrubim gắn liền với nắp, ở hai đầu. Các tượng Kêrubim có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện nhau, cùng cúi mặt xuống nắp."
Sách Sử biên niên quyển một (= I Sử Ký) 28:18-19 ghi rằng:
"Vua Đavít cũng trao mẫu chiếc xe và mẫu các Kêrubim bằng vàng xòe cánh trên Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa. Tất cả đều ở trong một văn bản chính tay Đức Chúa viết để cho vua biết rõ mọi chi tiết trong dự án."
Sách Êdêkien (= Ê-xê-chi-ên) 41:17-20 cũng ghi lại:
"Từ cửa vào cho đến tận bên trong cũng như bên ngoài Ðền Thờ, trên mọi bức tường khắp chung quanh, cả trong lẫn ngoài, đều có chạm trổ những hình Kêrubim và hình cây chà là, một cây chà là ở giữa hai Kêrubim; mỗi Kêrubim có hai mặt: mặt người quay về cây chà là phía bên này và mặt sư tử quay về cây chà là phía bên kia, trên cả Ðền Thờ, khắp chung quanh. Các Kêrubim và các hình cây chà là được chạm trổ trên tường cung thánh, từ đất lên đến tận bên trên cửa vào."
Sách Dân số (= Dân Số Ký) 21:8-9 cũng kể lại lệnh Thiên Chúa truyền cho Môsê:
" Ðức Chúa liền nói với ông: 'Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.' Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống."
Các tín hữu Công giáo không dùng ảnh tượng để thờ, nhưng ảnh tượng là một phương tiện giúp họ nhớ tới những người và những vật được vẽ ra. Việc này cũng tương tự như việc con cái nhìn vào ảnh cha mẹ để tưởng nhớ tới cha mẹ. Ảnh tượng của Chúa Giêsu và các thánh chính là một phương tiện giáo dục. Hiến chế về phụng vụ thánh ở số 122 chỉ rõ rằng:
“Tự bản chất, nghệ thuật thánh diễn tả cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại, được dâng hiến cho Thiên Chúa, càng thêm lời ca tụng và làm tỏa sáng vinh quang Ngài hơn nữa khi không nhắm chủ đích nào khác ngoài việc góp phần tích cực giúp tâm trí con người thành kính hướng về Thiên Chúa.” (5)
Ở số 125, Hiến chế này chỉ dẫn thêm:
“Việc đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đườngcho các tín hữu tôn kính vẫn được duy trì; tuy nhiên, các ảnh tượng không nên quá nhiều và phải được bày trí thích hợp, để không phá hỏng lòng mộ mến nơi đoàn dân Kitô giáo, đồng thời không nhượng bộ thói sùng bái lệch lạc.”
Về điều này, chúng tôi thấy cần phải thành thực nhìn nhận rằng nét tinh tế trong Kinh Thánh về việc được dùng ảnh tượng trong việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng không được tạc tượng để thờ, không phải luôn luôn được mọi người hiểu đúng. Ở nơi này nơi kia, tại các thánh đường Công giáo, người ta có thể nhận thấy những cách thực hành có thể coi thuộc “thói sùng bái lệch lạc” mà Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng “không nhượng bộ” được.
Bên cạnh đó, thiết nghĩ cũng cần phải nhìn nhận một thực tế khác: trong khi một số nhóm Tin lành phê phán việc sử dụng ảnh tượng của người Công giáo, thì một số nhóm Tin lành khác lại cũng dùng hình ảnh Chúa Giêsu và các hình ảnh trong Thánh Kinh trong các lớp học6. Ngoài ra, còn phải kể tới việc một số nhà thờ Tin lành dùng hình ảnh 3 D về cảnh Chúa giáng sinh. Khi nhằm mục đích diễn tả hay giáo dục đức tin, người tín hữu Công giáo đã sử dụng hình ảnh và bị một số tín hữu Tin lành phê phán, nhưng qua mấy ví dụ vừa nêu, ta thấy một số tín hữu Tin lành xem ra cũng dùng hình ảnh nhằm các mục đích tương tự, thử hỏi trong những trường hợp đó, người tín hữu Tin lành có đáng bị phê phán theo cách các tín hữu Công giáo đã bị phê phán hay không ?
Rõ ràng những đoạn Kinh Thánh được nêu ra trên đây, cùng với bản Thập Điều trong sách Xuất hành 20:2-17 cho thấy rằng Thiên Chúa cấm làm các ảnh tượng để thờ như những thần linh, chứ Thiên Chúa không cấm làm ra ảnh tượng. Nếu hiểu rằng Thiên Chúa cấm dùng ảnh tượng, thì các loại phim ảnh, hình chụp, tranh vẽ và những vật dụng tương tự đều cần phải bỏ đi hết! Trường hợp con rắn đồng trong sách Dân số 20:8-9 cũng cho thấy rõ rằng Thiên Chúa không cấm dùng ảnh tượng trong các nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, khi người ta thờ tượng con rắn đồng như một vị thần, thì vua Khítkigia (= Ê-xê-chia) đã phá bỏ nó, như sách Các vua quyển thứ hai (= II Các Vua) 18:4 thuật lại:
"Chính vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các cột thờ và đập tan con rắn đồng ông Môsê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Ítraen vẫn đốt hương kính nó; người ta gọi nó là Nơkhúttan."
Về việc cúi mình trước ảnh tượng
Về cử chỉ cúi đầu trước hình tượng, nhiều người cho rằng điều này đi ngược lại sách Đệ nhị luật 5:8-9b:
“Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước, phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đố mà phụng thờ.”
Như chúng tôi đã trình bày trên đây, việc Thiên Chúa cấm là việc thờ lạy ảnh tượng như là thần linh cạnh tranh hay đối nghịch lại với Thiên Chúa, còn chuyện tạc tượng hay vẽ hình để thờ phượng Thiên Chúa thì Thiên Chúa không cấm. Câu 8 trên đây ghi rõ mệnh lệnh không tạc tượng hay vẽ hình để thờ, tức là không được coi ảnh tượng như thần linh. Việc bày tỏ thái độ cung kính trước ảnh tượng Chúa Giêsu, trước ảnh tượng các thánh (kể cả Đức Maria) không thể xếp vào thứ tội thờ ngẫu tượng. Hơn thế nữa, cử chỉ cúi mình, thậm chí quì gối, có thể là cử chỉ thờ phượng, nhưng lại cũng có thể chỉ là cử chỉ bày tỏ long kính trọng. Ngay trong Kinh Thánh, việc quì lạy được kể lại trong sách Các Vua quyển thứ hai, chương 2, câu 15, hẳn không thể coi là một hành vi thờ phượng: “Các anh em ngôn sứ Giêrikhô thấy ông ở đằng xa thì nói: "Thần khí của ông Êlia đã ngự xuống trên ông Êlisa." Họ đến đón ông và sụp xuống đất lạy ông”. Người Nhật Bản cúi mình chào nhau, trong trường hợp này, cử chỉ cúi mình của người Nhật tương đương với cử chỉ bắt tay. Trong truyền thống của nhiều nước, một người dân quì gối trước nhà vua mà không hề nghĩ rằng họ dành cho nhà vua việc thờ phượng dành cho thần linh. Việc cúi mình, hay quì gối trước ảnh tượng đơn giản chỉ là một tư thế thân thể giúp cho việc cầu nguyện dễ dàng hơn, không nên xem đó là hành vi thờ lạy ảnh tượng, càng không thể xem đó là tội thờ ngẫu tượng!
Bài viết này được sắp xếp lại, dựa trên câu trả lời cho thắc mắc mà chúng tôi đã nêu ra ngay ở phần đầu, với mục đích giúp cho các tín hữu Tin lành và Công giáo hiểu nhau hơn, cũng là để tránh những hiểu lầm và thành kiến không đáng có. Chúng tôi hi vọng rằng Lời Chúa và lòng yêu mến Lời Chúa chân thành có thể giúp cho các Kitô hữu xích lại gần nhau hơn, nhờ đó, công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sẽ hữu hiệu hơn.
LM. Vinhsơn Trần Minh Thực
(1) Nhiều chỗ trong phần này được dịch từ bài “The Catholics Changed the Ten Commandments?” tại trang điện tử http://www.fisheaters.com/10commandments.html, truy cập ngày 24-6-2014.
(2) Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng cách ghi tên các sách Kinh Thánh theo bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV); cách ghi số chương và số câu theo lối phổ biến trong các ấn bản Anh ngữ, là lối được nhiều anh em Tin lành áp dụng; tên sách ghi trong ngoặc đơn là theo bản Thánh Kinh Việt Ngữ - Bản Dịch Truyền Thống – Hiệu Đính 2012, tại trang điện tử http://www.tt2012.thanhkinhvietngu.net/bible, truy cập ngày 21-7-2014.
(3) Chúng tôi trích dẫn Kinh Thánh theo bản dịch của nhóm CGKPV.
(4) Nhiều ý tưởng trong phần này và cả phần sau được lấy từ bài viết “Do Catholics Whorship Statues?” tại trang điện tử http://www.catholic.com/tracts/do-catholics-worship-statues, truy cập ngày 25-6-2014.
(5) Chúng tôi sử dụng bản dịch của Ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 2012.
(6) Xem trang điện tử http://hoithanhtinlanhvietnam.org/, truy cập ngày 24-7-2014.