Vợ của Thánh Phêrô, bà là ai?
Thay vào đó, chúng ta hãy đọc Mt 8, 14-15: “Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.” và Lc 4, 38-39: “Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.” Các câu trên nói rằng mẹ vợ của Thánh Phêrô đang sốt nặng. Chúa Giêsu ra lệnh cho cơn sốt và nó biến mất. Bà chỗi dậy phục vụ Ngài và các người đồng hành.
Thế còn vợ của Thánh Phêrô đâu? Không nơi nào đề cập đến bà. Cũng lạ thật! Hãy tưởng tượng ra xem. Một bà mẹ vợ nằm trên giường thì bên cạnh đó phải là người con gái của bà chứ - thế mà Matthêô và Luca chẳng nói đến nửa lời. Loại bỏ người con gái ra khỏi câu chuyện thì là điều thật lạ.
Đây không phải là cách viết bài bản của một văn sĩ bởi vì khi tường thuật một biến cố bất ngờ như thế này thì người viết phải đưa “người con gái” vào bởi vì chính người này mới là nhân vật lo lắng, hoảng hốt nhất về tình trạng của mẹ mình. Và với tình tiết như thế thì câu chuyện mới trở nên ly kỳ hấp dẫn hơn. Có thể các tác giả Tin Mừng chỉ lấy những yếu tố quan trọng và bỏ đi hết những chuyện bên lề. Hoặc có thể bà vợ của Thánh Phêrô không có ở đó – mà cũng có thể là bà ta đã qua đời lâu rồi. Và đây mới là cách giải thích có thể chấp nhận được cho sự vắng mặt của bà.
Nhưng lại có những người không đồng tình với giải thích này, họ trích dẫn câu trong thư 1 Côrintô 9, 5: " Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu[1] như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” " (Bản dịch CGKPV). Một số bản khác dịch là “một người vợ” và như thế gợi ý rằng Thánh Phêrô (cũng được gọi là Kêpha) đã đem theo “vợ” trong suốt cuộc hành trình. “Vợ” của Thánh Phêrô vẫn còn sống và đi theo ông sao? Vấn đề là từ này trong nguyên bản tiếng Hy Lạp mà dịch ra là “người vợ” thì có đúng không? Có nên dịch là “người vợ” hay là gì khác?
Trong đoạn thư này, Thánh Phaolô biện hộ cho mình và các tông đồ khác trước mấy người đang muốn hoạnh họe. Ngài nói rằng mình đang “biện hộ chống lại những kẻ hạch sách tôi” (1 Cr 9, 3). Ngài biện hộ cho tư cách tông đồ của mình, nói về tình trạng của mình.
“Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi. Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?”. Câu đáng lưu ý nhất là “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?”
Thánh Phaolô không thể nào đem theo “vợ” được bởi vì ông có kết hôn bao giờ đâu. Nhờ các chứng từ khác mà chúng ta biết rằng ngài sống độc thân. Trong câu này, Ngài cũng không nói về cuộc hôn nhân theo lý thuyết, nghĩa là có thể một ngày nào đó sẽ kết hôn nhưng hiện nay thì chưa. Tất cả những dữ kiện trên cho thấy rằng nếu dịch “người vợ” ở đây là không đúng.
Cụm từ Hy Lạp được dùng trong 1 Cr 9, 5 là “ἀδελφὴν γυναῖκα” (adelphaen gunaika). Từ đầu có nghĩa là “chị em” (sister), từ thứ hai có thể được dịch là “người phụ nữ” (woman) hay “người vợ” (wife). Như thế, cụm từ Hy Lạp này có thể được dịch là “người phụ nữ chị em” hay “người vợ chị em”, trong đó, từ “chị em” không nói lên mối liên hệ sinh học nhưng là tinh thần. Có thể hiểu được rằng các tông đồ đem theo các “người phụ nữ chị em” hay “chị em tín hữu” để giúp họ thi hành sứ vụ cho các phụ nữ khác - ví dụ như việc rửa tội mà phải dìm toàn thân trong nước, điều này thật tế nhị đối với cánh đàn ông, hoặc trong những trường hợp mà một người phụ nữ thì thích hợp hơn để làm nhiệm vụ bác ái hay dạy giáo lý.
Cách dịch này cũng nhận được sự đồng tình của các giáo phụ. “Người phụ nữ chị em” được tìm thấy trong bản dịch phổ thông (Vulgata) của Thánh Giêrônimô. Ngài viết rằng: “Rõ ràng ở đây không phải là các bà vợ mà là những người phụ nữ dùng của cải của mình để giúp đỡ các tông đồ” (Ad. Jovinian I, 26). Thánh Clêmentê thành Alexandria cũng chia sẻ quan điểm này khi nói rằng các bà này không phải là các bà vợ mà là những phụ nữ trợ tá, chính họ là những người đi vào nhà các phụ nữ để dạy giáo lý cho họ ở đấy mà không gặp rắc rối gì hết (Stromata III, 6).
Tóm lại, Thánh Phêrô đã góa vợ vào lúc bà mẹ vợ của ngài được chữa lành. Một số “nhà chú giải” thích đùa một chút thì nói rằng chỉ vì Chúa Giêsu chữa lành bà mẹ vợ của mình nên Thánh Phêrô sau này đã … chối Chúa đến ba lần! Đúng là giận quá mất khôn!
Karl Keating
[1] Cha An Sơn Vị dịch là “tín nữ” và chú thích rằng dịch sát theo nghĩa đen là “một phụ nữ chị em”.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ý
Nguồn tin: Gpquinhon.org