Thánh Giuse bao nhiêu tuổi khi Chúa Giêsu được sinh ra? Để biết chính xác thì chỉ còn có cách bắt thang lên hỏi ông trời! Không có ghi nhận nào về tuổi tác của Thánh Giuse khi ngài đính hôn với Maria cũng như lúc Chúa Giêsu được sinh ra. Thật vậy, các bức vẽ chân dung về Thánh Giuse đôi khi đối nhau chan chát.
Ví dụ, bức tranh “Thánh Giuse và Con trẻ Giêsu” của Guido Reni vẽ một ông lão tóc râu bạc phơ đang bồng ẵm con trẻ Giêsu trong khi bức “Thánh Giuse và Giêsu” của Jose de Ribera và bức “Thánh Gia” của Bartolome Murillo thì Thánh Giuse lại là một chàng thanh niên trẻ trung.
“Thánh Giuse và Con trẻ Giêsu” của Guido Reni
“Thánh Giuse và Giêsu” của Jose de Ribera
“Thánh Gia” của Bartolome Murillo
Hình ảnh Thánh Giuse như một ông cụ già nua bắt nguồn từ “suy tư” của các Giáo Hội Đông Phương cho rằng ngài phải là cụ ông góa vợ đã có mấy đứa con khác trước khi kết hôn với Maria. Suy tư này nhằm giải quyết hai vấn đề:
Trước hết, Đức Maria là người mẹ trọn đời đồng trinh của Đấng Cứu Thế cho nên Mẹ và Thánh Giuse không có người con nào khác nữa. Không giống như một chàng trai trẻ mạnh mẽ, cụ già Giuse đã qua thời sung sức của mình và không còn bị cám dỗ về quan hệ vợ chồng với bà mẹ còn khá trẻ này. Lòng ham muốn đã tàn như đống tro. Trong chiều hướng đó, cụ già Giuse này là một “Thánh Giuse an toàn!”
Thứ đến, cụ ông góa vợ Giuse đã có những đứa con với người vợ trước, điều này giải thích cho những đoạn Tin Mừng nói đến “những anh chị em của Chúa”. Những người này là anh chị em cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu, nhưng chỉ xét trên bình diện luật pháp thôi chứ thật ra xét theo huyết thống thì Thánh Giuse cũng không phải là người cha tự nhiên của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, Mc 6, 3 viết: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”
Tuy nhiên, luận chứng “cụ ông góa vợ” thật sự không cần thiết nếu chúng ta hiểu nghĩa của từ “anh chị em” được dùng trong Kinh Thánh.
Trong bản gốc của Tin Mừng, từ “adelphos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “anh em”. Tuy nhiên, adelphos không chỉ có nghĩa là anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ mà còn là anh em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha, anh em con của dì ghẻ hay dượng ghẻ hoặc ngay cả do các mối quan hệ khác như anh em họ (chú bác cô cậu) hoặc cháu trai. Cũng nên lưu ý là trong tiếng Hêbrơ (tiếng Do Thái cổ) và Aram (tiếng Do Thái vào thời Chúa Giêsu), không có từ riêng biệt nào dùng để chỉ anh em họ, cháu trai, anh em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha, anh em con của dì ghẻ hay dượng ghẻ; vì thế, trong tất cả mọi trường hợp, người ta chỉ dùng từ “anh em” hay dùng kiểu nói quanh, ví dụ để chỉ “anh em họ” thì người ta nói là “con của người anh (em) của cha tôi”.
Từ “chị em” cũng có chung một ý nghĩa. Chẳng hạn, Maria Clôpát được gọi là “chị em” của Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Hiển nhiên, ông Thánh Gioakim và bà Anna chẳng khi nào đặt tên cho cả hai đứa con gái của mình là “Maria” cả. Vì thế, “chị em” ở đây nói lên mối liên hệ họ hàng.
Cũng vậy, trong Tin Mừng Marcô, có những đoạn khác làm rõ mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Giacôbê, Giôsét, Giuđa và Simon. Lưu ý rằng Giacôbê ở đây là Giacôbê Hậu, Giám mục Giêrusalem. Giacôbê Hậu và Giôxết là con của Maria, vợ của Clôpát (Mc 15, 40, Ga 19, 25), Giacôbê Hậu cũng được gọi là “con của Alphê” (Lc 6, 15); Như vậy, “Clôpát” và “Alphê” là những tên gọi chỉ cùng một người, cũng như “Giuđa” và “Tađêô” chỉ cùng một tông đồ là Thánh Giuđa Tađêô. Giuđa là con của Giacôbê (một Giacôbê khác chứ không phải là một trong hai Giacôbê tông đồ - Lc 6, 16). Giacôbê Tiền và Gioan là con của ông Dêbêđê, có mẹ là bà Maria khác với Đức Trinh Nữ Maria (Mt 20, 20 tt). Tóm lại, không cần phải nghĩ rằng Thánh Giuse phải là một cụ ông để giải quyết vấn đề mối liên hệ anh chị em của Chúa Giêsu.
Cũng vậy, không thể nào tưởng tượng được một cụ ông Giuse phải lội bộ vượt cả 100 dặm đường từ Nazarét đến Bêlem để đăng ký hộ tịch trong cuộc kiểm tra dân số, hoặc đi từ Bêlem sang Ai Cập để trốn cơn thịnh nộ của vua Hêrôđê. Hình ảnh thích hợp cho Thánh Giuse phải là một chàng trai trẻ có khả năng nuôi dưỡng gia đình mình và là một hình mẫu nam tính mạnh mẽ, một người cha lý tưởng đối với Chúa Giêsu.
Tổng giám mục Fulton Sheen, trong cuốn “The World’s First Love” (Tình yêu đầu tiên trên thế giới), đã bảo vệ quan điểm này: “Thánh Giuse là một chàng trai mạnh mẽ, nam tính, vóc thể thao, đẹp trai, trong sạch và kỷ cương, một loại đàn ông mà người ta thường thấy làm … ở xưởng mộc. Các cô gái trẻ thời ấy, giống như Maria, thường hay khấn chỉ yêu mình Thiên Chúa. Các chàng trai cũng vậy, và trong số đó Thánh Giuse nổi bật hẳn lên đến nổi được gọi là “người công chính”.
Như vậy, thay vì là đĩa trái cây khô trên bàn ăn của vị Quân Vương, Thánh Giuse là nụ hoa tràn trề sinh lực để sẵn sàng kết trái. Ngài không ở vào cái tuổi bóng xế chiều hôm mà là buổi bình minh rực rỡ, sục sôi năng lượng, sức mạnh và đam mê bị chế ngự” (tr. 77-78).
Trong khi không có ghi nhận nào về tuổi tác thật sự của Thánh Giuse, hình ảnh một Giuse trai tráng có thể được tìm thấy trong Kinh cầu Thánh Giuse: “Thánh Giuse là - Đấng Đồng Trinh gìn giữ Đức Nữ Đồng Trinh, Cha nuôi Con Đức Chúa Trời, Đấng hằng bênh vực Đức Kitô, Đấng làm chủ gia đình, Đấng rất công bằng, Đấng rất thanh tịnh, Đấng cực khôn cực ngoan, Đấng vững vàng mạnh mẽ, Đấng chịu lụy mọi đàng, Đấng rất trung tín”. Sống trong một thời đại mà tình phụ tử bị gạt sang bên lề, nam tính nhập nhằng với nữ tính, đức khiết tịnh bị nhạo cười, thì chúng ta cần phải tôn vinh và noi gương Thánh cả Giuse, cầu xin Ngài cứu giúp mình trên con đường cứu rỗi.