Văn nghệ sĩ và chuyện chưa kể về “Ông Dế Mèn”

Sự ra đi của nhà văn Tô Hoài, cha đẻ của “Dế Mèn phiêu lưu ký” trưa ngày 6/7 gây nhiều tiếc thương cho giới văn nghệ sĩ cũng như độc giả. Nhà thơ Anh Ngọc, Bùi Việt Mỹ, Phan Thị Thanh Nhàn…đã có những chia sẻ xúc động về "người nằm xuống"...

Văn nghệ sĩ và chuyện chưa kể về “Ông Dế Mèn”

Tác giả gắn liền với nhiều thế hệ độc giả cùng tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/7 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.

Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ, giới văn nghệ sĩ đã thể hiện niềm tiếc thương chia buồn sâu sắc tới gia đình nhà văn Tô Hoài. “Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Được biết trong suốt quá trình trị bệnh cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện thế nhưng giờ nhà văn đã nằm xuống…”, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ.

Văn nghệ sĩ và chuyện chưa kể về “Ông Dế Mèn”
Nhà văn Tô Hoài tham gia triển lãm và đấu giá tiêu bản… đôi bàn tay của chính mình để gây quỹ giúp trẻ em ung thư tháng 6/2013 (Ảnh: Tùng Nguyên)

 

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, TBT báo Người Hà Nội- người trực tiếp làm việc cùng nhà văn Tô Hoài hơn chục năm thì cho đến giờ vẫn lưu giữ và trân trọng những kỷ niệm về “ông Dế Mèn”:

“Nhà văn Tô Hoài chính là TBT đầu tiên của báo Người Hà Nội. Khi cụ giữ chức Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội thì tôi là TBT thứ 9. Tôi là người trực tiếp làm việc cùng cụ hơn chục năm, thường xuyên tuần nào tôi và cụ cũng gặp nhau trao đổi công việc.

Tôi rất nhớ cách “điều quân khiển tướng” của cụ. Thường trong hội nhiều khi cũng xảy ra những ý kiến bất đồng trong công việc nhưng cụ luôn có cách khiến người ta phải tâm phục khẩu phục. Với những người có ý kiến không đồng tình- cụ thường giao luôn việc đó cho họ và kết quả thường là họ làm tốt và cuối cùng là…đồng tình.

Cụ cũng là người rất chỉn chu, cẩn thận với câu chữ. Có những bản thảo được cụ sửa chữa đến 7-8 lần với các màu sắc bút khác nhau. Đặc biệt với những bài viết của mình, cụ sửa chữa tỷ mỷ vô cùng.

Trong công việc, cụ khắt khe là thế nhưng cách ứng xử với anh em nghệ sĩ trong hội cũng dễ dàng, mềm dẻo. Mỗi khi có xích mích giữa các thành viên trong hội- đều là những văn nghệ sĩ thì việc phân định rạch ròi trắng- đen, ai đúng ai sai rất khó. Cứ lúc cao trào đỉnh điểm của cuộc tranh cãi là cụ…xách cặp ra về. Đối với cụ, những tranh cãi đó là chuyện nhỏ, không đáng để các nghệ sĩ phân định thắng thua, gây mất đoàn kết.”

Theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ, trong cuộc sống đời thường, nhà văn Tô Hoài là người rất có tính thưởng thức kể cả về nghệ thuật ẩm thực. “Thỉnh thoảng cụ lại “nháy” tôi cùng đi uống bia. Nhưng không phải loại bia nào cụ cũng uống, cụ thích uống duy nhất một loại bia có vị đắng. Khi nhâm nhi, cụ lại nói về văn chương, tiết lộ tính cách của các nhà văn cùng thời- người còn, người đã mất vào thời điểm đó như Nam Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Bổng… Cụ kể chuyện rất duyên, nói ít nhưng hài hước pha chút châm chích mang cá tính riêng…”, nhà thơ Bùi Việt Mỹ kể.

Văn nghệ sĩ và chuyện chưa kể về “Ông Dế Mèn”
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, con gái chụp ảnh với nhà văn Tô Hoài (ảnh nhỏ) và những lá thư Tô Hoài từng gửi cho nữ nhà thơ (Ảnh: facebook Phan Thị Thanh Nhàn)

Ông nhớ lại những ngày tháng nhà văn lão làng vì tuổi cao sức yếu, thường xuyên đi về giữa nhà và bệnh viện Việt Xô. Có lần nhà thơ Bùi Việt Mỹ vào viện thăm, nhà văn Tô Hoài vẫn nhận ra nhưng không nói được gì. “Tôi hỏi han sức khỏe cụ qua con trai cụ thì biết, cụ không nói nhưng vẫn nhận ra tôi.”

Còn nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, người có thời gian làm việc cùng với nhà văn Tô Hoài ở Hội Văn học nghệ thuật đã không kìm nén được giọt nước mắt trước tin ông ra đi mãi mãi. Đối với Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Tô Hoài còn hơn cả một đồng nghiệp, một người anh lớn…

Nữ nhà thơ đã khóc khi viết những dòng này trên trang cá nhân: “Mình đã vừa viết vừa rơi nước mắt. Bao kỷ niệm với từng chi tiết nhỏ đều sống dậy. Có lần mình than với nhà văn Trần Chiến: Biết thế chị cứ ở báo Hà Nội mới không sang Hội Văn học nghệ thuật thì bây giờ giàu hơn nhỉ?, Trần Chiến cười: Chị không sang đấy làm sao hiểu được Tô Hoài, Bằng Việt, Vũ Quần Phương…

Quả thật, được cùng làm việc với nhà văn Hà Nội giản dị, hóm hỉnh, say mê làm việc như Tô Hoài là một may mắn của mình. Nhà văn đã dậy mình rất nhiều, ví dụ: "Làm báo như người làm xiếc trên dây, phải thật vững vàng trước chông chênh dư luận" -" Muốn viết văn thì điều cần nhất là chi tiết, mà chi tiết chỉ có trong đời sống…" Phan Thị Thanh Nhàn còn đăng tải ảnh thư của nhà văn gửi cho bà từ những năm 70-80 và ảnh kỷ niệm cùng con gái, bạn bè với nhà văn Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Ảnh: NS cung cấp)
Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Ảnh: NS cung cấp)

Nhà văn Trần Nhương cũng dành cho bậc tiền bối lời cảm phục chân tình và giản dị: “Nhà văn Tô Hoài là  vị chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật đầy bản lĩnh, không chấp nhất, nhân cách tốt”. Là thành viên của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, nhà văn Trần Nhương chia sẻ cuộc đời nhà văn Tô Hoài cũng gặp nhiều thăng trầm, văn nghiệp tạo bi kịch nhưng cuối cùng Tô Hoài vẫn vượt qua, được công nhận vị trí xứng đáng trên văn đàn với hơn 100 đầu sách có giá trị. Ở cái tuổi 90 vẫn cầm bút, sự ra đi của Tô Hoài là điều rất đáng tiếc cho làng văn học nước nhà…

Trước sự ra đi của nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cũng gợi nhớ miền ký ức đầy kỷ niệm: “Cách đây mấy năm, Hội nhà văn Hà nội tổ chức hội thảo, khi ra cổng chờ xe đón bác, bác nhẹ nhàng nhắc tôi: "Bây giờ còn trẻ, chưa thấy tiếc thời gian và trí nhớ, nghĩ ra cái gì chưa viết tưởng vẫn còn trong đầu. Không phải thế đâu. Quên hết đấy nếu không ghi chép hay là viết luôn ra. Phải viết hàng ngày, không phải viết cái gì cũng hay cũng vừa ý, nhưng phải viết hàng ngày".

Hai bác cháu đứng phơi nắng lạnh, tôi lè lưỡi, bảo cháu toàn nghĩ, không mấy khi viết lại. Một người bạn văn thấy tôi lè lưỡi, chụp nhanh tấm ảnh, bảo: " Bị bác mắng chuyện gì mà lè lưỡi thế?” Bác nhìn ra ngoài nắng, nghe tôi chống chế cái tội lười ghi chép, lười viết...

Hôm nay, bác đã rời cõi tạm. Có nhiều kỷ niệm của nhà bác và nhà cháu, trong những trang nhật ký bố mẹ viết cho cháu từ khi cháu 2 tuổi đã gắn với tên bác. Sau này cháu và chị Sông Thao, anh Tân thân thiết, nhiều chuyện ngày bé của cháu được anh chị kể lại luôn làm cháu vui.

Cháu và triệu người yêu quý bác luôn nhớ và nhắc đến bác nhiều hơn mỗi ngày, thấm thía những kinh nghiệm nghề văn, kinh nghiệm của một ngừoi thấm sự đời, và chuyển qua trang viết.

Năm ngoái, mẹ cháu cũng bắt đầu chuyến công tác mới, rộng dài hơn những chuyến đi xưa. Hôm nay, cháu nghĩ bác cũng vừa lên đường đi công tác, thong thả nhẩn nha phiêu du với ánh mắt hóm hỉnh, lấp lánh của người biết hết, hiểu hết, nhân hậu và bao la tình yêu với con người. Cháu nhớ bác!”

Nhà văn Tô Hoài và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Ảnh: NS cung cấp)
Nhà văn Tô Hoài (ngoài cùng bên phải) hàn huyên cùng đồng nghiệp khoảng năm 1995. (Ảnh:facebook nhà thơ Anh Ngọc)

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương cũng chia sẻ: “Tôi đã được gặp nhà văn nhiều lần bởi khoá V - trường Viết văn Nguyễn Du bác thường vào nói chuyện. Những câu chuyện hóm hỉnh của bác luôn làm tôi thích thú. Bác nói về nghề viết những vất vả và nhọc nhằn khi cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa. Bác khích lệ và động viên rất nhiều những nhà văn trẻ chúng tôi. Cuộc rong chơi của “Chú dế mèn” đã kết thúc. Cầu cho nhà văn có cuộc dạo chơi mới phia bên kia trời!”

Xin khép lại bằng lời tiễn biệt của nhà thơ Anh Ngọc: “Chúng ta đều biết nhà văn Tô Hoài là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, người đi xuyên suốt thế kỷ 20 bằng hàng trăm tác phẩm cuốn hút hàng triệu người đọc và hâm mộ, đặc biệt là tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký bất hủ!!!

Vô cùng thương tiếc và biết ơn nhà văn kiệt xuất, cầu chúc anh linh ông thanh thản rong chơi trên Cõi Người Hiền! Xin được chân thành chia buồn với gia đình cố nhà văn Tô Hoài và bạn bè, đồng nghiệp thân thân thiết của nhà văn yêu quý của tất cả chúng ta!!!”.

Nguyễn Hằng (Dân Trí)

Những tác phẩm để đời của nhà văn Tô Hoài

Cùng nhìn lại cuộc đời đầy ý nghĩa của "cha đẻ" tập truyện Dế mèn phiêu lưu ký nhé!

Tên khai sinh của ông là Nguyễn Sen sinh ra tại quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam) (SGK Ngữ Văn 12 NXB GD). Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều nghề để kiếm sống: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,... và nhiều khi thất nghiệp. Đến với văn chương ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.

Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác. Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. (Theo Wiki).

Nhắc đến Tô Hoài chắc hẳn trong tuổi thơ của mỗi người chúng ta đều đôi lần hiện hữu. Thường thì mọi người thường chỉ biết đến ông thông qua bút danh Tô Hoài là chính. Song bên cạnh đó, cố nhà văn Tô Hoài còn có nhiều bút danh khác như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa…được lồng trong mỗi tác phẩm tiêu biểu thưở sinh thời.

Sự nghiệp văn học:

Trong số những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà văn Tô Hoài, thế hệ trẻ biết đến nhiều nhất là truyện ngắn "Dế mèn phiêu lưu ký" (sáng tác năm 1942) - tác phẩm văn xuôi đặc sắc viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi và đã được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở một số nước trên thế giới.

"Dế mèn phiêu lưu ký" xoay quanh câu chuyện của Dế mèn tự kể chuyện về hai cuộc phiêu lưu của mình. Mèn lớn lên cường tráng nhưng không biết dùng sức làm gì. Chưa hết hối hận vì trò nghịch gây cái chết cho dế Choắt, thì chính Mèn lại rơi vào tay bọn trẻ ham trò chọi dế. Nhờ Xiến Tóc cảnh tỉnh, Mèn trốn được rồi tìm bạn cùng nhau đi xa, mở rộng tầm mắt và tìm nghĩa lí cuộc đời. Trải qua nhiều hiểm nguy, do thiên nhiên dữ dội và do các loài vật gây cho nhau, Mèn và Trũi tìm thêm được những bạn đồng tâm là các Châu Chấu Voi, rủ nhau đi thuyết phục các loài xây dựng một "thế giới đại đồng", "muôn loài cùng kết làm anh em". Truyện kết thúc sau khi Mèn và Trũi kết thúc tốt đẹp chuyến đi thứ hai và đang sửa soạn chuyến đi thứ ba để tiếp tục mang thông điệp "thế giới đại đồng" đến các loài khác. Tác phẩm thu hút bạn đọc, nhất là bạn đọc thiếu nhi; miêu tả sinh động, lí thú về thế giới các loài côn trùng vốn gần gũi với sinh hoạt của trẻ em Việt Nam.

Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất trong các sáng tác cho thiếu nhi của Tô Hoài và cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học thiếu nhi của chúng ta. Qua cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn , tác giả bày tỏ niềm tin vào những điều thiện và khẳng định cuộc sống hòa bình nhân ái, nêu cao ý tưởng “muôn loài cùng nhau kết anh em”. Tác phẩm thể hiện ước mong đổi thay hoàn cảnh, khát vọng về một thế giới đại đồng, thân ái, một niềm tin mãnh liệt vào điều thiện của thế hệ thanh niên trước Cách mạng tháng Tám.

Đặc biệt Tô Hoài là một trong số ít nhà văn rất quan tâm đến đối tượng thiếu nhi. Nhà văn Tô Hoài viết khoảng 60 đầu sách cho trẻ em, bao gồm: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, bút ký, hồi ký, tiểu luận, kinh nghiệm sáng tác... Nhìn chung, ở thể loại nào, đề tài nào, ông cũng có những đóng góp đáng chú ý. Các sáng tác của ông chủ yếu viết từ ba đối tượng: loài vật, những tấm gương thiếu nhi yêu nước và những câu chuyện trong truyền thuyết, dã sử. Những truyện đồng thoại đầu tiên: “Trê và Cóc”, “ Võ sĩ Bọ Ngựa”, “ Ông trạng Chuối”, “ Mực tàu giấy bản”, “ Dê và lợn”, “ Đám cưới Chuột”, “ Ba anh em” và đặc biệt là “ Dế Mèn phiêu lưu ký” ( 1941).

Hình ảnh chân chất, giản dị của ông khi còn sống

Cố nhà văn Tô Hoài tuổi xế chiều - một gương mặt hiền từ, phúc hậu luôn còn mãi trong lòng mọi người

Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Tô Hoài từng được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Điều đáng nói, một số tác phẩm về đề tài thiếu nhi của ông đã được dịch ra nhiều ngoại ngữ và độc giả trẻ nhiều nước trên thế giới yêu mến.

Ra đi ở tuổi 95 - một cái tuổi đã trải qua nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời cũng như tận hưởng trọn 60 năm như mọi người vẫn nói. Sự ra đi của ông thực sự chưa phải là một dấu chấm hết vì vốn dĩ ông luôn tồn tại trong lòng công chúng, đặc biệt là những ai yêu quý văn chương của nhà văn Tô Hoài. Niềm thương tiếc vô hạn của người ở lại sẽ là lời tiễn đưa ông về nơi chín suối an lành. Những giá trị Chân - Thiện - Mỹ mà ông đã từng đưa vào mỗi tác phẩm văn học sẽ tiếp thêm nghị lực sống cho chúng ta nói riêng và kho tàng văn học nước nhà nói chung, bởi vì "Người ra đi nhưng tiếng thơm còn vang vọng mãi".

‘Dế Mèn’ phiêu lưu qua hơn 30 quốc gia

Dế Mèn phiêu lưu ký được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1941, là truyện thiếu nhi nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Về khía cạnh xuất bản, tác phẩm cũng để lại những con số ấn tượng.

Khoảng 50 lần tái bản là con số đầu tiên. Tác phẩm được in lần đầu tiên năm 1941. NXB Kim Đồng in lại vào cuối năm 1957, đầu năm 1958. Từ đó đến thời kỳ đổi mới, tác phẩm được tái bản vài lần nhưng không liên tục. Đặc biệt, từ năm 1993 đến nay, tức 21 năm, Dế Mèn phiêu lưu ký được tái bản liên tục.

Số bản sách được bán ra, đến tay độc giả thiếu nhi Việt Nam nhiều thế hệ, ước tính lên đến hàng triệu bản.

Dế Mèn phiêu lưu ký do Tạ Huy Long vẽ bìa và minh họa 

Về dịch thuật, Dế Mèn phiêu lưu ký có hơn 30 bản dịch đều ở các thứ tiếng thông dụng trên thế giới, trong đó có: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bản dịch quan trọng nhất của Dế Mèn phiêu lưu ký là bản tiếng Anh do dịch giả Đặng Thế Bính chuyển ngữ từ những năm 1960. Các bản dịch khác đều dịch từ bản tiếng Anh này.

NXB Kim Đồng hiện giữ bản quyền dịch tác phẩm này. Nhưng trước khi bán bản quyền tác phẩm cho NXB, nhà văn Tô Hoài đã có vài bản dịch thông qua mối quan hệ cá nhân của ông với các nhà làm sách nước ngoài. Các nhà làm sách này đã liên hệ trực tiếp với nhà văn để trả nhuận bút cho ông. Còn sau này, các giao dịch bản quyền đều do NXB Kim Đồng thực hiện.

Dế Mèn phiêu lưu ký cũng được nhiều họa sĩ nổi tiếng vẽ bìa và minh họa. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài ưng ý với tranh của các họa sĩ tên tuổi Ngô Mạnh Lân, Trương Qua và Thành Chương. Gần đây, nổi bật nhất là Tạ Huy Long.

Mi Ly