Phân tích tài liệu của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế
về Cảm Thức Đức Tin
Giới thiệu tổng quát
Tại Assisi ngày 4 tháng 10 năm 2013, Đức Phanxicô mời gọi các mục tử đi với đoàn chiên, “lúc thì ở đàng trước, lúc thì ờ giữa, và đôi lúc ở đàng sau: ở đàng trước để hướng dẫn cộng đồng, ở giữa để khuyến khích” và ở đàng sau “vì người ta thường có ‘mũi’! Họ ngửi thấy mùi, khám phá ra những con đường mới phải theo; họ có cảm thức đức tin, như cách nói của các nhà thần học”.
Đức Thánh Cha thích nhắc tới cái bản năng siêu nhiên này, một bản năng mà dân Chúa vốn có. Qúy bạn tìm thấy ở đấy một nguồn tài nguyên nền tảng cho việc công bố Tin Mừng. Do đó, về chủ đề này, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã cho công bố, nhân dịp bế mạc hội nghị năm năm một lần lần thứ tám, một văn kiện tựa là Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội, một văn kiện được phổ biến bằng nhiều ngôn ngữ trên trang nhà của Ủy Ban thuộc trang mạng Tòa Thánh (www.vatican.va) .
Văn kiện này có hai mục tiêu.
Trước nhất, nó đưa ra một quan điểm thần học về ý niệm truyền thống vốn được Vatican II lặp lại, giữa giao điểm một bên là Giáo Hội học cải tiến của Lumen Gentium và bên kia là thần học căn bản của Dei Verbum.
Nhờ xác nhận vai trò không thể thay thế của huấn quyền trong việc chuyển giao đức tin, Công Đồng muốn khắc phục thứ nhị phân quá đơn giản giữa Giáo Hội giảng dạy (phẩm trật) và Giáo Hội thụ động tiếp nhận giáo huấn (tín hữu). Nó nhắc ta nhớ rằng: với sự thúc đẩy của Thánh Thần Chân Lý, toàn thể dân Chúa đều tham dự vào vai trò tiên tri của Chúa Giêsu Kitô và đều được hưởng một thứ vô ngộ khi tin (in credendo), đến nỗi sự đồng thuận của mọi tín hữu đủ để tạo nên một chứng từ cho đức tin tông truyền.
Việc tham khảo gần đây với các Giáo Hội đặc thù cho Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình đã dựa vào niềm xác tín này rằng dân Chúa như một toàn thể, nhờ cảm thức đức tin, có khả năng biện phân được các đường lối của Tin Mừng là gì đối với thời ta. Tuy nhiên không phải mọi ý kiến đang lưu hành nơi người đã rửa tội đều được dẫn khởi từ cảm thức tín hữu, và do đó, mục tiêu thứ hai của văn kiện là đề xuất các tiêu chuẩn để biện phân được cảm thức tín hữu chân chính khỏi cảm thức sai lạc và bác bỏ thứ cảm thức này.
Để đạt được hai mục tiêu này, văn kiện được chia làm 4 chương.
Chương một trình bày các nguồn trong Thán Kinh và giở lại lịch sử ý niệm cảm thức đức tin.
Hai chương tiếp theo bàn đến bản chất và các biểu hiện của ý niệm này một cách có hệ thống. Cảm thức đức tin là bản năng đức tin, trước nhất của cộng đồng (sensus fidei fidelium) và rồi của mọi tín hữu đặc thù bao lâu họ tham dự vào đời sống Giáo Hội (sensus fidei fidelis). Hai khía cạnh bản thân và Giáo Hội này luôn đi liền với nhau. Do dó, chương hai được dành nói đến bản năng đức tin của mọi tín hữu và chương ba được dành để nói đến vai trò của cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội, tập trung vào hai vấn đề: giá trị trong tương lai của nó và sự tương tác lành mạnh giữa ba thực tại: cảm thức đức tin, huấn quyền và thần học.
Chương bốn là cao điểm của văn kiện vì nó cố gắng trả lời câu hỏi: giữa nhiều ý kiến ồn ào, làm sao ta biện phân được cảm thức đức tin thực sự? Cảm thức đức tin thường được nại ra để biện minh cho việc chống lại một số giáo huấn nào đó của huấn quyền ; nhưng ta không thể coi bất cứ ý kiến nào là cảm thức đức tin chỉ vì ý kiến này là đa số theo toán học, vì “trong thế giới tâm trí hiện thực của tín hữu, các trực giác đúng đắn của cảm thức đức tin rất có thể bị lẫn lộn với các ý kiến chỉ hoàn toàn là của con người” (xem số 55).
Phải quyết định ra sao? Có hai tiêu chuẩn. Một tiêu chuẩn có tính khách quan: tuân theo truyền thống tông truyền. Xác tín nào không khai triển đồng nhất đức tin tông truyền thì không thể nói lên cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium). Nhưng văn kiện nhấn mạnh hơn tới tiêu chuẩn chủ quan: cần có những đức tính gì để các tín hữu thực sự là “các chủ thể” của cảm thức tín hữu?
Có thể tóm tắt các tiêu chuẩn trên bằng một chữ duy nhất, đó là tính Giáo Hội (ecclesiality), nghĩa là, tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội. Các tiêu chuẩn biện phân này phải được áp dụng đối với hai trường hợp quan trọng sau đây.
Trước nhất, văn kiện nhấn mạnh rằng lòng đạo đức bình dân, dù luôn cần được phúc âm hóa để trở thành có tính Giáo Hội nhiều hơn, vẫn là một biểu thức ưu tuyển của cảm thức đức tin. Rồi sau đó, văn kiện quan tâm tới mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và công luận. Chắc chắn, công luận là điều chủ yếu đối với việc vận hành dân chủ của xã hội, được xây dựng trên chủ quyền toàn dân. Dù Giáo Hội luôn nhìn nhận các giá trị của dân chủ, nhưng điều rõ ràng là không một mô thức chính trị thế tục nào có thể xác định ra cơ cấu cũng như đời sống bên trong của Giáo Hội.
Do đó, dù có chỗ đứng riêng trong Giáo Hội, công luận không thể đóng vai trò mà nó vốn đóng trong các xã hội thế trần. Hơn nữa, lịch sử vốn chứng tỏ rằng cảm thức đức tin chân chính thường chỉ được duy trì bởi “đàn chiên nhỏ bé” biết trung thành với giáo huấn Tin Mừng. Dù sao, theo kiểu nói quen thuộc của chân phúc Henry Newman, “tham khảo tín hữu” vẫn là một thực hành lành mạnh và hợp truyền thống, một thực hành đóng góp rất nhiều vào sinh khí của một Giáo Hội luôn công bố Tin Mừng.
Bản năng thiêng liêng hướng dẫn Kitô hữu
Kiểu nói cảm thức đức tin không có cả trong Thánh Kinh lẫn giáo huấn chính thức của Giáo Hội thời trước Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, nhiều nguồn Kitô Giáo rất sớm đã chứng thực rằng tín hữu, nhờ được xức dầu đặc biệt đã có khả năng biết và tuyên xưng sự thật của Tin Mừng (1Ga 2:20,27) và Giáo Hội, như một toàn thể, nhờ được Chúa Thánh Thần dạy dỗ, không thể lầm lẫn trong các vấn đề thuộc đức tin (xem Ga 16:13; 1Tm 3:15).
Cảm thức đức tin là một ý niệm quen thuộc đối với các nhà thần học trước khi nó trở thành đối tượng cho suy tư có hệ thống. Nhiều người Công Giáo khi nhắc tới cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium) bèn liên tưởng tới khảo luận nổi tiếng của Chân Phúc John Henry Newman “Về Việc Tham Khảo Tín Hữu trong Các Vấn Đề Tín Lý” (1859) và có lẽ tới cả cuốn sách có tính đột phá của Yves Congar “Giáo Dân trong Giáo Hội” (Jalons pour une Théologie du Laicat, 1953). Có người nhớ tới người từng trình bày về nó trong thế kỷ 16 là Melchior Cano. Lại có người nhớ tới “quy tắc” của nhà hộ giáo thế kỷ thứ năm là Thánh Vincent thành Lérins, liên quan tới đức tin, quy tắc đó là "được duy trì ở mọi nơi, ở mọi thời và do mọi người (“quod ubique, quod sem-per, quod ab omnibus creditum est”).
Trên thực tế, cảm thức đức tin là một chủ đề tiếp tục được các nhà thần học ngày nay lưu ý, nhưng họ có nhiều phương thức khác nhau và không nhìn nhận một lối định nghĩa nào chung nhất cả. Vì xác tín rằng điều quan trọng là phải cố gắng có được một cái hiểu chung về học lý này, nhất là vì Thượng Hội Đồng về Gia Đình sắp tới, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã soạn thảo văn kiện Cảm Thức Đức Tin trong Đời Sống Giáo Hội.
Văn kiện này đưa ra một giải thích thần học và minh giải một số khía cạnh của cảm thức đức tin đồng thời đề xuất một số tiêu chuẩn để biện phân các biểu hiện chân chính của nó. Chương một truy tầm nguồn gốc cảm thức đức tin của các tín hữu (sensus fidei fidelium) nơi Thánh Kinh, đưa ra một cái nhìn tổng lược về cách nó hành động trong lịch sử và trong truyền thống Giáo Hội và trình bày giáo huấn về nó của Công Đồng Vatican II cũng như huấn quyền sau Công Đồng. Chương hai đề cập tới bản chất và các biểu hiện của cảm thức đức tin trong cuộc sống bản thân của tín hữu (sensus fidei fidelis). Chương này trình bày dưới ánh sáng cái hiểu cổ điển cho rằng cảm thức đức tin là một phẩm tính của nhân đức đối thần tin.
Dĩ nhiên, cảm thức đức tin liên quan tới đức tin. Chương một mở đầu bằng việc trình bày giáo huấn phong phú của Thánh Kinh về đức tin như là một đáp ứng tự do và dứt khoát bằng trọn con người của tín hữu (Mc 12:30) với Lời Thiên Chúa, và với chính Chúa Giêsu Kitô, việc này sở dĩ có thể làm được là ơn Chúa Thánh Thần (1 Cor 12:3).
Đức tin liên hệ tới việc gắn bó với sứ điệp Tin Mừng của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại (1 Cor 15:1-2) và vững lòng tín thác vào lời Thiên Chúa hứa (St 15:6; xem Rm 4:11,17).
Đức tin vừa có tính bản thân vừa có tính Giáo Hội, vì mọi tín hữu đều lãnh nhận và tuyên xưng đức tin của Giáo Hội và sống thực một “đức tin duy nhất” ấy trong cộng đồng tín hữu (Eph 4:4-6). Ý niệm đức tin trong Thánh Kinh không chỉ liên hệ tới việc tín phục các sự thật của mạc khải Thiên Chúa về phương diện tri thức. Nó bao hàm việc thống hối và tái sinh vào đời sống mới trong Chúa Kitô, cầu nguyện và thờ phượng, hiểu biết sự thật của Tin Mừng Thiên Chúa, tuyên xưng sự thật này trước mặt người khác, tin tưởng Thiên Chúa, một niềm tin tưởng sẽ điều hướng trọn cuộc đời ta, phục vụ người khác, và làm việc bác ái.
Nhờ ơn Chúa Thánh Thần hứa ban (Ga 14:16,26; 15:26; 16:1-17), các tín hữu có khả năng biết và làm chứng cho sự thật (Cv 2:17; xem Ge 3:1). Dưới sự lãnh đạo của các tông đồ và các trưởng thượng, họ có khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng đối với cộng đồng tông truyền (Cv 6:1-6; Cv 15:7-22).
Phần thứ hai của chương một thuật lại việc xác tín liên quan tới cảm thức đức tin của các tín hữu, tức khả năng của toàn bộ Giáo Hội trong việc gìn giữ và thông truyền Truyền Thống Tông Đồ một cách không sai lầm, đã tiến hành ra sao trong các cuộc tranh luận thời các giáo phụ và thời trung cổ. Đối diện với các đổi mới về học lý và thực hành, các giáo phụ và các nhà thần học thời ấy đã nại tới việc đồng thuận phổ quát của toàn bộ Giáo Hội (consensus fidelium, đồng thuận của các tín hữu) làm điểm qui chiếu chắc chắn. Việc này có tính quyết định, như trong việc xác định ra qui điển Thánh Kinh, bênh vực thần tính của Chúa Kitô, việc trọn đời đồng trinh và chức mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, và việc tôn kính và khẩn cầu các thánh. Chân phúc Newman cho rằng chứng từ của các giáo dân đã đóng một vai trò chủ yếu trong các cuộc tranh cãi thời hậu công đồng Nixêa với phái Ariô và trong các cuộc tranh luận thời trung cổ về Sự Hiện Diện Thực Sự và về việc Hưởng Vinh Phúc.
Thế kỷ thứ 16 là thế kỷ đầu tiên đã khai triển một cách có hệ thống và trong chi tiết ý nghĩa của cảm thức đức tin của các tín hữu. Để trả lời cho các vấn nạn do phái Cải Cách nêu ra, các nhà thần học như Melchior Cano và Robert Bellarmine đã nhận diện được nhiều nguồn trong Thánh Kinh và Thánh Truyền có thể khẳng định được tính vô ngộ của toàn thể Giáo Hội khi tin và thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng và của các công đồng khi giảng dạy. Công Đồng Trent đã nại tới “cảm thức phổ quát của Giáo Hội” (“universum Ecclesiae sensum”), nhưng các nhà thần học sau Công Đồng Trent bắt đầu phân biệt một cách sắc cạnh các vai trò giảng dạy và học hỏi trong Giáo Hội, và một số nhà thần học coi vai trò giảng dạy là tích cực, còn vai trò học hỏi là thụ động.
Tuy nhiên, học lý cảm thức của các tín hữu được sự lưu ý mới và được coi là một “locus theologicus” (chủ đề thần học) trong tác phẩm của các nhà thần học thế kỷ 19 như Johann Adam Möhler, John Henry New-man, và Giovanni Perrone, là những người quan tâm cả tới Thánh Truyền lẫn việc khai triển học lý. Perrone làm nổi bật sự đóng góp tích cực của tín hữu giáo dân trong việc giữ gìn và lưu truyền đức tin tông truyền, như trong việc định nghĩa mầu nhiệm Vô Nhiễm Thai. Ngài cho rằng việc đồng thanh nhất trí, hay conspiratio (cùng một linh hứng), của tín hữu và các mục tử của họ đối với hoc lý này đủ để thiết lập ra nguồn gốc tông truyền của nó.
Chân phúc Newman cũng nhấn mạnh tới vai trò tích cực của tín hữu giáo dân, hiểu như khác biệt với các mục tử của họ, và đã minh giải luận đề của ngài trong cuốn Về Việc Tham Khảo Giáo Dân bằng nhiều chứng từ rất nổi bật từ Thánh Truyền. Đức GH Piô IX và nhiều nhà thần học khác thì nhấn mạnh hơn tới tầm quan trọng của chứng từ đồng thanh nhất trí của cả giáo dân và các mục tử của họ. Khi dạy rằng các định nghĩa tín điều chính thức (ex cathedra) liên quan tới đức tin và luân lý của Đức Giáo Hoàng đều không thể bị sửa đổi “do chính chúng chứ không do sự đồng thuận của Giáo Hội” (Pastor aeternus, DH 3074), Công Đồng Vatican I có ý loại bỏ không phải việc tham khảo, mà là chủ trương “Pháp” (Gallican) hồi ấy cho rằng sự đồng thuận này, bất kể đi trước hay đến sau, buộc phải có như là một điều kiện đối với uy thế thẩm quyền của giáo huấn giáo hoàng.
Qua thế kỷ 20, cảm thức đức tin xuất hiện như một chủ đề trong nền thần học về Thánh Truyền, vốn là một Giáo Hội học canh tân, và trong nền thần học về giáo dân. Ta thấy nó trong việc Đức Piô XII tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và trong các tác phẩm của các nhà thần học như Yves Congar, và được Công Đồng Vatican II xác nhận cách minh nhiên. Công Đồng này dạy rằng Chúa Thánh Thần khơi dậy và duy trì nơi tín hữu một “cảm thức siêu nhiên về đức tin” (supernaturali sensu fidei), thấy rõ khi toàn thể dân Chúa “biểu lộ một đồng thuận phổ quát trong các vấn đề thuộc đức tin và luân lý” (Lumen Gentium, 12). Cảm thức đức tin là một khả năng tích cực trong việc nắm bắt và qui phục đức tin. Nó là một phương thế nhờ đó, toàn thể Giáo Hội, trong đó, có tín hữu giáo dân, tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô (Lumen Gentium, 35). Tuy không dùng kiểu nói này, nhưng Dei Verbum 8 cũng nói tới cảm thức đức tin liên quan tới việc phát triển học lý. Huấn quyền hậu công đồng thường xuyên tái khẳng định học lý này, nhưng thận trọng cảnh báo chống lại việc đồng hóa nó với công luận.
Chương hai đề cập tới cảm thức đức tin trong đời sống tín hữu (sensus fidei fidelis). Chiều kích cảm thức đức tin này đã được các nhà thần học thời giáo phụ và thời trung cổ nhìn nhận. Nhưng Thánh Tôma Aquinô được coi là nhà khảo luận cổ điển đã bàn chi tiết về bản chất và các biểu hiện của nó. Ngài khảo sát nó trong tương quan với nhân đức đối thần tin. Như một phẩm tính của đức tin và như một thứ bản năng thiêng liêng, nó xuất phát từ một đồng cảm tính (affective connaturality) hay một ái lực (affinity) giữa người Kitô hữu biết và yêu đức tin của mình và các sự thật của đức tin.
Có thể so sánh ái lực này với khả năng của bạn bè, những người, nhờ biết và thương yêu nhau thắm thiết, ai cũng có khả năng dự ứng điều làm người kia hân hoan hay buồn tủi. Gần như cùng cách này, ai được phú bẩm đức tin đều có ái lực đối với đối tượng của nó là sự thật đức tin. Như một nhân đức, đức tin là một thói quen thiêng liêng, và như một “bản tính thứ hai”, nó hướng tín hữu tự nhiên nghiêng về việc nhìn nhận điều đúng và bác bỏ điều sai, không qua diễn trình lý luận , mà hết sức tự phát. Hiểu như thế, cảm thức đức tin đòi ta phải “sống đức tin”, một đức tin được đức ái lên sinh khí. Hành động của nó cân xứng với đời sống thánh thiện của tín hữu, nghĩa là với việc họ biết các thực tại thiêng liêng bằng cảm nghiệm và việc họ sẵn sàng tiếp nhân các ơn phúc của Chúa Thánh Thần, nhất là ơn khôn ngoan và ơn thông hiểu. Việc này sau đó sẽ có nhiều hệ quả đối với việc nhận diện các tiêu chuẩn.
Một tài nguyên sinh tử đối với Giáo Hội
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII từng cầu nguyện rằng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Công Đồng Vatican II sẽ là ‘một lễ Hiện Xuống mới’ cho Giáo Hội, linh hứng và trang bị để Giáo Hội công bố Tin Mừng với một sinh lực mới trong thế giới hiện đại. Công Đồng quả rất đúng khi dạy rằng dân Chúa như một toàn thể tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô (Lumen Gentium, 12). Kết hợp với nhau trong hiệp thông nhờ cùng một Chúa Thánh Thần, mọi tín hữu đều tích cực làm chứng cho Chúa Kitô theo cách riêng của họ; không ai thụ động cả. Thần Khí ban cho mọi người một “lượng giá siêu nhiên về Đức Tin”, một bản năng nghiêng về những điều thưc sự thuộc Tin Mừng, nghĩa là, cảm thức đức tin, nhờ đó, tín hữu như một toàn thể không những qui phuc đức tin, mà còn thấu đạt nó nhờ suy tư và cầu nguyện cũng như áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày (LG, 12).
Cảm thức đức tin, do đó, cần được hiểu không chỉ theo cách thụ động (reactively) nghĩa là như một phương thế nhờ đó, tín hữu nhận ra chân lý của Thiên Chúa khi được giảng giải cho họ, mà còn theo cách chủ động (proactively) nghĩa là giúp họ dò tìm và hiểu rõ Tin Mừng đang sống trong lòng họ và thúc đẩy họ làm chứng cho nó bằng lời nói và hành động. Như Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã quả quyết trong văn kiện mới, tựa là Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội, cảm thức này “lên sinh khí cho đời sống đức tin và hướng dẫn hành động Kitô Giáo chân chính” (số 70). Hiểu cho đúng, đây là một tài nguyên sinh tử đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.
Chương ba của văn kiện khảo sát một số khía cạnh khác nhau của cảm thức đức tin của các tín hữu trong đời sống Giáo Hôi, đồng thời cũng nhắc lại giáo huấn của Vatican II trong Dei Verbum rằng Thánh Kinh và Thánh Truyền tạo thành “kho thánh duy nhất của Lời Chúa”; kho thánh này được ủy thác cho Giáo Hội, tức cho “toàn bộ dân thánh, hợp nhất với các mục tử của họ” (số 67; xem DV, số 10).
Điều đặc biệt quan trọng là phải hiểu bản chất của mối liên hệ giữa các mục tử và tín hữu trong tương quan với đức tin và giáo huấn của Giáo Hội (không bao giờ quên rằng các mục tử cũng là thành phần của tín hữu). Văn kiện ghi nhận rằng “tín hữu nói chung, các mục tử và các nhà thần học, tất cả đều có vai trò riêng phải đóng” khi Giáo Hội còn đang lữ thứ trên trần gian, cố gắng công bố lời cứu rỗi của Thiên Chúa cho từng thế hệ mới với một biện phân cần thiết, và “cần phải có kiên nhẫn và tôn trọng trong hành động hỗ tương qua lại nếu muốn làm sáng tỏ cảm thức đức tin và đạt được một “đồng linh hứng thực sự giữa mục tử và tín hữu” (“conspiratio pastorum et fidelium”) (số 71).
Liên quan tới mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và huấn quyền, văn kiện làm nổi bật hai khía cạnh của nó. Trước hết, vì mọi tín hữu đều được Chúa Thánh Thần phú ban nhiều ơn phúc để xây đắp Giáo Hội, và vì mọi tín hữu với nhau cùng là những người chuyển tải đức tin tông truyền, nên huấn quyền “phải lưu ý tới cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium), tức tiếng nói sống động của Dân Chúa (số 74). Thứ hai, do ơn phúc và ơn gọi đặc thù giữa lòng Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng và các vị giám mục thực sự là những người có thẩm quyền trong việc dưỡng nuôi, giáo dục, biện phân và phán xử tính chân chính của cảm thức nơi các tín hữu, nghĩa là xét xem liệu các ý kiến hiện có trong hàng ngũ tín hữu có phản ảnh cảm thức của các tín hữu một cách chân chính hay không và có phù hợp với Thánh Truyền Tông Đồ hay không (các số 76-77).
Cảm thức của các tín hữu được đặc biệt lên khuôn và thành hình trong cử hành Thánh Thể. Các giám mục chủ trì như các thầy cả thượng phẩm và như các thầy dậy, và mọi người cử hành mầu nhiệm đức tin. Cũng ở đó, từ thời cổ xưa của Kitô Giáo, giáo huấn của các giám mục và của các công đồng trong các kinh tin kính và trong các công thức, cuối cùng, đã được các tín hữu tiếp nhận (số 75). Văn kiện đặc biệt chú ý tới vấn đề then chốt là việc tiếp nhận, qua đó, tín hữu thừa nhận và chấp nhận giáo huấn của huấn quyền; văn kiện cũng xem sét các cố gắng cần có của cả hai bên khi xẩy ra các khó khăn cho việc tiếp nhận (các số 78-80).
Mối tương quan giữa cảm thức đức tin và thần học cũng có hai khía cạnh. Cảm thức đức tin quả là một “locus”, một chủ đề đối với thần học; các nhà thần học tùy thuộc vào cảm thức của các tín hữu, vì đức tin mà thần học nghiên cứu vốn sống trong lòng dân Chúa. Tuy nhiên, các nhà thần học cũng phục vụ cảm thức của các tín hữu bằng cách đề xuất các tiêu chuẩn (như trong văn kiện này) để họ biện phân được nó, và bằng cách giúp tín hữu nhiều cách để họ biết, hiểu và áp dụng đức tin của họ (các số 81-84). Chương ba kết thúc bằng cách ghi nhận một số tham khảo có ý nghĩa đối với cảm thức đức tin trong các tuyên bố đại kết đã được thỏa thuận trong mấy thập niên vừa qua (các số 85-86).
Thừa nhận rằng cảm thức đức tin hết sức chủ yếu đối với đời sống Giáo Hội, chương bốn và là chương cuối cùng của văn kiện xét xem phải làm cách nào để biện phân được các biểu hiện chân chính của cảm thức đức tin, nhất là khi có những căng thẳng loại này loại nọ và ta “cần phân biệt cảm thức đức tin chân chính với các biểu thức chỉ có tính công luận, nhất là các quan tâm hay tinh thần thời đại” (số 87). Văn kiện tiếp nhận một phương pháp luận hết sức đặc thù.
Vì cảm thức đức tin trước nhất là một thực tại Giáo Hội, nghĩa là một bản năng nhờ đó Giáo Hội nhận ra Chúa của mình và sống phù hợp với Tin Mừng trong cả lời nói lẫn hành động, nên nó nhận diện sáu tiêu chuẩn mà mỗi thành viên tín hữu cần phải có mới mong tham dự vào hiệp thông Giáo Hội và qua đó, vào cảm thức đức tin. Tiêu chuẩn “đầu hết và nền tảng nhất” là tham dự tích cực vào đời sống Giáo Hội, tức là, vào phụng vụ, sứ điệp và việc phục vụ của Giáo Hội. Các thành viên của Giáo Hội phải cùng nhau tiến bước, với một thái độ mà cổ điển vốn phát biểu là “sentire cum ecclesia” (cảm nhận cùng với Giáo Hội) (các số 89-91). Các tiêu chuẩn khác là: chú ý lắng nghe lời Thiên Chúa với một tinh thần biết ơn và cảm tạ (các số 92-94); cởi mở với lý trí coi nó như bạn đồng hành chủ yếu của đức tin (các số 95-96); và ân cần đối với giáo huấn của huấn quyền Giáo Hội (các số 97-98).
Về tiêu chuẩn thứ năm, văn kiện nhấn mạnh tới sự thánh thiện và đặc tính chủ chốt của thánh thiện là khiêm nhường, tự do, hân hoan và bình an; ở đây, văn kiện đề cao các thánh, nhất là Đức Maria, như những người “mang đuốc sáng của cảm thức đức tin” (các số 99-103). Tiêu chuẩn thứ sáu là việc xây dựng Giáo Hội, bồi đắp người khác và tránh những gì gây chia rẽ (các số 104-105).
Nhiều vấn đề có tính thực tiễn và mục vụ xuất hiện liên quan tới cảm thức đức tin, nên văn kiện bổ túc bản liệt kê các tiêu chuẩn của mình bằng việc khảo sát có chất lượng ba vấn đề chuyên biệt: mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và lòng đạo đức bình dân; mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và công luận; và các cách tham khảo tín hữu.
Nhắc lại cách Đức Phanxicô mô tả lòng đạo đức bình dân như là một “biểu lộ sinh hoạt thần học được hành động của Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng, Đấng được đổ đầy trong tâm hồn ta”, văn kiện quả quyết rằng “lòng đạo đức bình dân phát sinh từ cảm thức đức tin và làm cảm thức này hiển hiện và cần được kính trọng và phát huy” (các số 109-110; xem Niềm Vui Tin Mừng, số 125). Văn kiện giải thích giáo huấn của Đức Phanxicô như sau: “nằm bên dưới lòng đạo bình dân”, là “một sức mạnh phúc âm hóa tích cực mà ta không nên đánh giá thấp vì nó là “công trình của Chúa Thánh Thần” (số 112; xem Niềm Vui Tin Mừng, số 126). Sự quan trọng của cảm thức đức tin đối với việc tân phúc âm hóa quả là một trong các chủ đề được nhắc đi nhắc lại trong văn kiện của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.
Đầu tiên, cảm thức đức tin khác công luận như sau: trong khi công luận là một thực tại xã hội học có tầm quan trọng nội tại đối với sinh hoạt chính trị dân chủ, thì cảm thức đức tin là một thực tại thần học có liên hệ mật thiết với hồng ân đức tin và với đời sống Giáo Hội như một mầu nhiệm hiệp thông, một hiệp thông nhận được hiến chế của nó từ chính Chúa Kitô (các số 113-114). Do đó, ta cần thận trọng phân biệt hai thực tại này. Dứt khoát phải tôn trọng tiếng nói giáo dân, vì lịch sử Giáo Hội nhiều lần cho thấy chính giáo dân chứ không hẳn đa số các giám mục hay các nhà thần học duy trì được đức tin đích thực (số 119).
Tuy nhiên, trong lịch sử dân Chúa, thường xẩy ra việc này: chính thiểu số chứ không hẳn đa số đã duy trì đức tin (số 118). Vì, như Chân Phúc Newman từng nói, “đoàn ngũ tín hữu là đoàn ngũ làm chứng cho sự kiện chuyển giao tín lý mạc khải”, nên điều đúng và thích đáng đối với Giáo Hội là “tham khảo” các tín hữu, theo nghĩa, tìm hiểu xem niềm tin thực sự của họ ra sao. Văn kiện kết thúc bằng cách khuyến khích việc tham khảo như thế và bằng cách tán thành “công luận” theo nghĩa công khai trao đổi tư duy trong yêu thương và kính trọng giữa mọi thành viên trong Giáo Hội. Sự trao đổi này là phương thế hàng đầu nhờ thế ta đánh giá được cảm thức của các tín hữu, và đưa ra được các cơ cấu tham khảo thích đáng giúp Giáo Hội “sống và sống linh hoạt” (các số 125-126).
Vũ Văn An
http://conggiao.info/news/390/23681/phan-tich-tai-lieu-cua-uy-ban-than-hoc-quoc-te-ve-cam-thuc-duc-tin.aspx