Xin đừng lặp lại thất bại như với Galileo

Vào thế kỷ 16 và 17, tiến bộ về thiên văn học diễn ra nhanh hơn người ta, trong đó có các lãnh đạo Giáo hội, khó có thể hiểu được những ý niệm mới và thích nghi với chúng. Đó là một trong những lý do Galileo bị Tòa Điều tra lên án.

Xin đừng lặp lại thất bại như với Galileo

Sự khôn ngoan trong Kinh Thánh có thể chung đường với khoa học?

Các lãnh đạo Giáo hội không có (hay dành) thời gian làm cho những khám phá mới trong khoa học hợp với quan điểm tôn giáo truyền thống. Vì thế họ đã làm những gì mà tất cả chúng ta làm trong những tình huống như thế: họ quyết liệt hơn trong việc duy trì quan điểm cũ. Đó vẫn còn là một trong những sự kiện gây ngượng nghịu trong lịch sử Giáo hội.

Có thể nói chắc chắn là chúng ta sẽ ngày càng cảm thấy bị áp đặt những quan điểm khoa học lỗi thời và giáo huấn dựa trên đó khi tiến bộ khoa học phát triển nhanh và rộng. Và cũng có thể chắc chắn rằng chúng ta hoặc sẽ làm ngơ những khám phá và kiến thức mới trong khoa học hoặc sẽ nỗ lực làm cho chúng hợp với những định kiến trước đây cho đến khi chúng ta buộc phải thừa nhận thực tế được chứng minh phải ưu tiên hơn những phỏng đoán trí tuệ đáng kính.

Chẳng hạn, các nhà thiên văn học đã thêm những sự chuyển động của các hành tinh như vòng ngoài vào khái niệm vũ trụ của Hy Lạp cổ đại để giải thích các hiện tượng quan sát được. Nhưng lại xảy ra nhiều rắc rối khi Copernicus trình bày mô hình lấy mặt trời làm tâm, thì thuyết địa tâm bị lên án.

Trên thực tế, mô hình được Copernicus trình bày, trong một cuốn sách ông ngăn không cho phát hành cho đến sau khi ông qua đời năm 1543 do ông sợ bị đối xử giống như Galileo, ít chính xác hơn mô hình truyền thống, nhưng rõ ràng mặc dù cần điều chỉnh, nó gần với các cơ sở lập luận có thể quan sát được hơn. (Sự điều chỉnh này đòi hỏi bỏ định kiến cho rằng sự chuyển động của các hành tinh đi theo đường tròn vì đường tròn là một mẫu “hoàn hảo”. Quỹ đạo của các hành tinh thật sự là hình elíp).

Tất nhiên, rốt cuộc chúng ta cũng đi đến chỗ chấp nhận trái đất không phải là tâm cố định của hệ mặt trời, mặc dù đến năm 1992 Đức Thánh cha Gioan Phaolô II mới tuyên bố Galileo đúng khi nói mặt trời là tâm của hệ mặt trời và rằng các chức sắc Rôma lên án ông là “nghi phạm lạc giáo” là sai.

Giáo hội Công giáo có tiếng tốt hơn khi nói đến các thuyết tiến hóa khoa học. Có lẽ một phần là do ngượng nghịu về vụ Galileo, giáo huấn Công giáo khá nhẹ nhàng với các quan điểm của Darwin và những người nối nghiệp ông và dành thời gian xem xét khả năng cần điều chỉnh hay hiểu các giáo huấn truyền thống theo những cách mới. Thay vì dùng những lời tường thuật trong Kinh Thánh để miêu tả cách sáng tạo, chúng ta sử dụng khoa học để miêu tả và sự khôn ngoan trong Kinh Thánh để hiểu.

Ngày nay, nơi nào chúng ta có thể thấy có các lãnh đạo Giáo hội cố duy trì các kỷ luật, quan điểm và việc làm dựa trên các quan điểm khoa học (kể cả khoa học xã hội) lỗi thời? Nơi nào có thể thấy những tiến bộ trong khoa học tiến nhanh hơn khả năng đánh giá, kiềm chế, thay đổi, bác bỏ hay tái khẳng định những quan điểm cũ của chúng ta?

Rõ ràng những vấn đề về quá trình sinh sản và các vấn đề sự sống khác là những ví dụ điển hình hiện nay. Có sự phản ứng thường xuyên để duy trì quan điểm cũ. Đôi khi đó có thể là việc làm tạm thời trong khi tìm kiếm những biện pháp khác; có lúc dùng để chận trước việc đánh giá lại. Tuy nhiên, như Thánh Augustinô chỉ ra từ hồi thế kỷ thứ 5, giáo huấn không chiếu cố đến kiến thức khoa học cập nhật chỉ làm cho tín đồ và chính tôn giáo mang tai tiếng.

Các vấn đề hạn chế sinh đẻ, điều trị hiếm muộn, thụ thai nhân tạo, hiến tinh trùng và trứng, mang thai thế và những vấn đề như thế là các vấn đề “gây tranh cãi” thường được xử lý bằng cách sử dụng các khái niệm về luật tự nhiên và triết học mà không chiếu cố kiến thức hiện đại và do đó khiến cho Giáo hội dễ bị phản đối không phải vì lập trường của Giáo hội đúng hay sai, nhưng vì sự thiếu hiểu biết của những người tán thành giáo huấn đó.

Trong khi đó những tiến bộ y học trong việc duy trì hoạt động chức năng sinh học nêu lên những câu hỏi về những gì có thể và không thể làm trong các trường hợp mà chỉ cách đây vài năm không xảy ra vì chết là điều không thể tránh khỏi và dễ xảy ra.

Dĩ nhiên cũng có những vấn đề về sự sống từ lúc thụ thai đến lúc chết cần tính đến sự hiểu biết có được đặc biệt thông qua các môn khoa học xã hội. Chẳng hạn, bất chấp sự thật các lãnh đạo Giáo hội khăng khăng định nghĩa gia đình là một đơn vị gồm có một người bố, một người mẹ và con cái dù chúng ta luôn có các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ.

Thượng Hội đồng về gia đình sắp tới sẽ bàn về một số vấn đề này, nhưng nếu các giám mục không khiêm tốn chăm chú lắng nghe những gì thế giới đã biết về sinh học, tâm lý học, xã hội học và nhân loại học, thì các cuộc thảo luận của các ngài sẽ bị làm ngơ và thậm chí còn bị khinh thường.

Trên thực tế chúng ta có thể thấy sự hiểu biết của người xưa có được sức sống mới khi dựa trên kiến thức mới. Nếu không chúng ta có thể thấy những gì được cho là chắc chắn và dựa trên thực tế thực sự lại dựa vào các dữ liệu không đúng để biện minh; sự biện minh không còn có ý nghĩa và chỉ lôi kéo Giáo hội, giáo huấn của Giáo hội, thầy giảng dạy và tín hữu vào các cuộc tranh luận vô ích với hiện thực. 

(Linh mục William Grimm, UCAN 5.07.2014)