Những mặt trận mới của việc truyền giáo
Tông thư "Sứ vụ Đấng Cứu Thế" ('Redemptoris Missio') số 37c đã cố ý dùng thuật ngữ "aréopages" ('mặt trận') để chỉ các nơi, các tình huống, các môi trường và các nhóm người đặc biệt mà hoạt động phúc âm hóa của Giáo Hội phải hướng tới.
"Sau khi đã giảng đạo ở nhiều nơi, Phao-lô đến Athena và tới Nghị Viện ('Aréopage') để loan báo Tin Mừng với một ngôn ngữ rất thích hợp và có thể lĩnh hội được tại môi trường này (cf. Cv 17,22-31). Lúc ấy Nghị Viện được coi là trung tâm văn hóa của những người Athena có học, hiện nay có thể được coi là biểu tượng của những môi trường mới cần được nghe Tin Mừng". Tông thư không có ý muốn đưa ra một danh sách liệt kê đầy đủ các lãnh vực cần được dấn thân truyền giáo, mà chỉ nêu ra những nhu cầu khẩn cấp đang xuất hiện trên hành trình hiện tại của nhân loại.
Chúng ta có bổn phận phải thực hiện cho bằng được những gì mình đã cảm nhận khi đọc và khi giải thích lịch sử nhân loại (qua những dấu chỉ của thời đại), tức là những hạt giống và sự tăng trưởng của Nước Trời trong lịch sử ấy. Thế hệ nào và thời đại nào cũng có những tình cảnh bắt chúng ta phải giải cứu vì chúng đã công khai làm thương tổn phẩm giá con người, cũng như làm hại tới sự liên đới và công bằng giữa con người với nhau. Cũng thế, chính cách lý luận hết sức máy móc và phi nhân về những quan hệ có tính kỳ thị giữa người với người, giữa các cộng đoàn với nhau và giữa các quốc gia với nhau, hay về những hệ thống kinh tế, chính trị và tôn giáo, đã tạo ra những hiện tượng mới như nô lệ, bần cùng hóa, áp bức và hạn chế. Nếu phân tích những nguyên nhân, cũng như xác định luồng tư tưởng đang thống trị, những nền văn hóa và những bận tâm nấp đằng sau đó đã sinh ra những hiện tượng này, chúng ta sẽ thấy đó là những điều kiện cần phải có để có thể biết phải đưa công cuộc phúc âm hóa của Giáo Hội tiến tới đâu một cách ưu tiên.
Thật vậy, việc truyền giáo của Giáo Hội là và vẫn luôn luôn là một sứ mạng đặc biệt, bao lâu Giáo Hội còn loan báo Tin Mừng cho các tầng lớp nhân loại chưa hề được Tin Mừng ngó tới hay các tầng lớp nhân loại sống ngược hoàn toàn phẩm giá của con người và Lời Chúa.
"Đối với Giáo Hội, phúc âm hóa là mang Tin Mừng vào mọi môi trường của loài người và nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng ấy, giúp nhân loại được biến đổi từ bên trong, làm cho nhân loại trở nên mới mẻ" ('Evangelii nuntiandi' hay 'Loan Báo Tin Mừng', 18).
Như một lính canh luôn tỉnh thức, Giáo Hội được mời gọi hãy lên tiếng phán xét một cách tiên tri về lịch sử nhân loại, để hướng nhân loại về với cứu cánh của mình, tức là được giải thoát hoàn toàn.
Đây chính là nguồn gốc sinh ra những thách thức mới mẻ hay những mặt trận mới cho công cuộc phúc âm hóa hiện nay, như chúng ta đã xác định.
1. Cai quản một thế giới mới
Trong lịch sử Ki-tô Giáo, có lẽ chưa bao giờ có thời kỳ nào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội được khởi xướng, bàn bạc và đồng thời, gặp thử thách bằng bây giờ. Đúng là sở dĩ có như thế chính yếu là vì kể từ công đồng Vatican II người ta đã suy tư khác. Cụ thể là khoa giáo hội học và quan niệm về tương quan giữa Giáo Hội và thế giới đã được suy nghĩ lại dưới ánh sáng và bằng cách đối chất với Đức Ki-tô, là ánh sáng của muôn dân. Hành trình phúc âm hóa và cách đặt vấn đề phúc âm hóa đã bị chi phối sâu đậm bởi sự kiện này: Công Đồng đã nhìn nhận phẩm giá của các giáo hội địa phương, coi đó như một sự cụ thể hóa Giáo Hội hoàn cầu, có đầy đủ trách nhiệm về việc truyền giáo, cũng như thế biện chứng giữa Nước Trời và Thế Giới. Hậu quả là tất cả mọi giáo hội – phân tán và có mặt trong toàn thể nhân loại – đều cất công phác họa lại kế hoạch truyền giáo của mình. Điều này không những tạo điều kiện cho những sự dấn thân cụ thể, mà còn tạo điều kiện cho xuất hiện một loạt các văn kiện, một lô các chỉ dẫn, mà chúng ta không dễ dàng hiểu được tầm mức và ý nghĩa cũng như việc ứng dụng rộng rãi. Không Giáo Hội nào mà không tham gia vào "xu thế" này ('trend'). Huấn quyền chính thức của Giáo Hội đã lên tiếng và thậm chí còn tổng hợp các suy tư và hành động của các giáo hội địa phương.
Thế mà chưa bao giờ người ta lại nói nhiều về việc truyền giáo bằng giai đoạn lịch sử này của Giáo Hội.
Tuy nhiên, mới nhìn qua chúng ta có thể nói sự xác tín và đà nhiệt tình tham gia công cuộc phúc âm hóa đã sút giảm. Có khi hoạt động truyền giáo như đang được kéo lê kéo lết theo các khuôn mẫu trước đây rất hiệu quả nhưng nay xem ra không còn mấy thích hợp với hoàn cảnh hiện nay của nhân loại, mà đây lại là đối tượng phải được loan báo Tin Mừng. Để lấy lại một kiểu nói của Bosch, chẳng có mẫu thức nào chung và phổ quát cho việc truyền giáo. Vì một sự thật là khung cảnh tôn giáo, văn hóa, chính trị, xã hội và kinh tế của nhân loại đã thay đổi. Chúng ta đang sống trong hướng đi của quan niệm mới về nhân loại. Đã đến lúc hoàng hôn của một thời kỳ. Như Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã nói, một thế giới mới đang chờ chực khai sinh.
Cứ mỗi lần một thời kỳ nào đó sắp kết liễu, thì tình hình lại trở nên phức tạp, không phải theo đường thẳng, vì các mô hình tôn giáo và văn hóa lại tiếp tục tồn tại bên cạnh những mô hình mới vừa xuất hiện. Chúng ta cũng đang sống trong tình cảnh tương tự. Quả là một thời kỳ hết sức tế nhị, đòi chúng ta phải có khả năng phân tích và lắng nghe.
Đồng thời, những suy tư về đức tin do công đồng Vatican II đưa ra, cộng với những tư tưởng và thực hành sau công đồng Vatican II, đã đặt Giáo Hội lên đường trở lại để tiến tới chỗ ngày càng hiểu sâu sắc và có ý thức hơn về hữu thể và sứ mạng của mình trong thế giới và cho nhân loại. "Này Giáo Hội, ngươi nói gì về mình đây?": đó vẫn là câu hỏi mà Dân Chúa phải không ngừng đặt ra cho mình để có thể luôn trung thành với Thiên Chúa và con người. Hiến chế "Lumen Gentium" ('Ánh Sáng Muôn Dân') là bài minh giải rất rõ định nghĩa của Giáo Hội về chính bản thân mình. Còn hiến chế "Gaudium et Spes" ('Vui Mừng và Hy Vọng') là định hướng cho Giáo Hội thi hành sứ mạng của mình và là một phương pháp luận giúp Giáo Hội đọc ra những dấu chỉ của thời đại. Đó là hai yếu tố cốt lõi phải đi đôi với nhau, vì Giáo Hội có nhiệm vụ phải làm sao cho sự cứu độ của Thiên Chúa hay kế hoạch của Thiên Chúa trở nên cụ thể, hiện sinh và khả dĩ lĩnh hội được, trong dáng dấp trần gian của nó. Bởi vậy, dù Đức Ki-tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, chúng ta cũng phải dựa vào hành trình của nhân loại để lựa chọn những môi trường và những mô thức thích hợp hầu loan báo Tin Mừng. Như thế, lịch sử chính là chìa khóa giúp chúng ta giải thích sứ mạng của Giáo Hội theo thần học. Vì chưng, "cộng đồng nhân loại được xây dựng bằng những con người đã được quy tụ trong Đức Ki-tô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trên hành trình tiến về Nước Cha, cũng là những sứ giả mang theo một thông điệp cứu độ để giới thiệu cho mọi người. Như thế, cộng đoàn các ki-tô hữu đã nhìn nhận mình rất liên đới với loài người và lịch sử loài người" (GS 1). Đó chính là lý do tại sao phúc âm hóa là một công việc hết sức năng động, trong đó không có môi trường nào và mô hình nào được coi là tuyệt đối; mà trái lại cần phải tỏ ra nhạy cảm với những tình thế mới, ấn định lại những ưu tiên mới và thử nghiệm những đường lối mới. Việc phúc âm hóa đã bị xoay ngược lại, không phải vào trong nội bộ cộng đoàn ki-tô hữu, mà là quay ra nhân loại, một nhân loại trong Đức Ki-tô chắc hẳn đã trực giác thấy ai là đấng có thể đến gặp mình và có thể giải thoát mình, cứu độ mình. Đó cũng chính là vai trò ngôn sứ của công cuộc phúc âm hóa: đọc lịch sử theo tinh thần của Chúa, định hướng cho lịch sử và chuộc lại lịch sử nhờ quyền năng của Thánh Thần.
Những gì đã được viết trong văn kiện công đồng mang tên "Gaudium et Spes" với phụ chú "Giáo Hội trong thế giới ngày nay" một lần nữa lại được xác nhận: "Loài người hôm nay đang sống trong thời đại mới của lịch sử, có đặc điểm là phải hứng chịu những thay đổi vừa nhanh chóng vừa sâu xa, đang dần dần lan ra khắp hành tinh... Đến nỗi chúng ta có thể nói đang có một sự lột xác về mặt xã hội và văn hóa, để lại những hậu quả trên cả đời tu" (GS 4). Nhân loại đang bước vào giai đoạn cai quản thế giới mới (FABC, viết tắt của "Federation of the Asian Bishop Conferences" hay 'Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu' gọi đó là "thế giới mới sinh" = 'new-born world'), có thể nói đã trải qua cả một chặng đường dài cho tới lúc này. Sự thay đổi trên toàn hành tinh như thế không phải là do một yếu tố duy nhất và chính xác. Mà đúng hơn có cả một toàn bộ bao gồm các nhân tố đã cùng nhau xuất hiện. Tôn giáo và các tôn giáo, văn hóa, triết học, công nghệ, chính trị và truyền thông đã khiến cho người ta có cái nhìn khác về con người và xã hội, sinh ra những mô hình văn hóa, các lối sống và các hoạt động khác nhau. Chúng ta đang cùng nhau tiến lên trên một con đường mà nay không thể quay lui được nữa.
Ở đây tôi không muốn nói tới nguồn gốc của hiện tượng này, mà muốn lưu ý hơn tới quá trình lịch sử để cẩn thận khảo sát những cao trào ý thức hệ và những biến cố đã đưa tới sự thay đổi trên đây. Chúng ta cũng phải lưu ý những ý thức hệ lớn và những biến cố lịch sử bi đát đã từng đánh dấu và nay vẫn còn ảnh hưởng tới con người hôm nay qua những hậu quả tiêu cực của chúng. Tôi muốn nói tới chủ nghĩa mác-xít cùng với vấn đề thợ thuyền cũng như quan điểm của chủ nghĩa ấy về con người, một quan điểm chật hẹp trong thế giới này và duy vật. Tôi cũng muốn liên tưởng tới chủ nghĩa xã hội quốc gia quá khích, vịn cớ mình là chủng tộc và văn minh thượng đẳng để đòi thống trị các dân tộc khác. Cả hai ý thức hệ này đã tiêm vào thế giới tâm trạng thù hận, cũng như đã bắt hằng trăm triệu người phải hy sinh. Hãy nhớ tới hai cuộc thế chiến đã thiêu chết toàn thể nhân loại, những hệ thống đàn áp của các chính thể độc tài của Cộng Sản tại châu Á, châu Phi, châu Âu, việc diệt chủng được lên kế hoạch cách khoa học; cũng như những cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước phải lệ thuộc các cường quốc thực dân; sự đối kháng trên cấp toàn cầu giữa hai khối chính trị và kinh tế, kéo theo khả năng xảy ra tai họa hạt nhân. Tất cả những sự kiện này cũng đã ảnh hưởng trên quan niệm của con người trong nhiều thập niên về bản thân mình và về xã hội. Tuy nhiên, khi bức tường Berlin bị sụp đổ và toàn bộ khối sô-viết bị sụp đổ theo, cùng với sự độc lập của tất cả các dân các nước, người ta tưởng nhân loại có thể được sống một thời kỳ hòa bình trên khắp thế giới, đâu đâu tự do cũng được khôi phục, mọi dân tộc hy vọng sẽ được hưởng sự công bình và phát triển.
Nhưng sự việc đã không xảy ra như thế.
"Thế giới chúng ta bước vào thiên niên kỷ mới đầy dẫy những mâu thuẫn, vì một đàng kinh tế, văn hóa, công nghệ phát triển đem lại rất nhiều vận hội cho một số người được ưu đãi, nhưng đàng khác hằng triệu và hằng triệu người không những bị gạt sang bên lề các tiến bộ, mà còn phải rơi vào những điều kiện sống thấp hơn mức tối thiểu mà lẽ ra ai cũng phải được vì phẩm giá con người của mình" ("Novo Millennio Ineunte" hay "Khi thiên niên kỷ mới sắp đến", 50).
Thật vậy, tình cảnh con người hiện nay rất phức tạp: nó hoàn toàn đi ngược lại với giấc mơ hòa bình, hòa giải và phát triển vừa hài hòa vừa phổ quát – giấc mơ này đã không được thực hiện. Hơn thế nữa, tình cảnh con người hôm nay đã đạt tới mức suy đồi và bi đát khiến chính Thiên Chúa cũng phải rút lui vào thinh lặng, như đức Gio-an Phao-lô II đã tuyên bố, lấy lại lời lẽ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
Không phải chỉ có một hai khu vực nào đó trong cách ứng xử của cá nhân hay tập thể là bị sai lạc, làm tổn hại phẩm giá con người. Mà toàn thể vũ trụ nhân loại này đều bị dính vào, làm cho chúng ta phải tự hỏi: đâu là những nguyên nhân căn bản khiến nhân loại rơi vào khủng hoảng ấy? Trong tư cách là cộng đoàn ki-tô hữu, chúng ta có bổn phận phải phân định các biến cố xem có thể can thiệp tới tận gốc vấn đề không, nếu muốn giới thiệu sức cứu độ của Tin Mừng.
2. Những nguyên nhân căn bản
2.1. Sự kiện căn bản và nguyên ủy có lẽ là do sự chuyển tiếp của xã hội từ giai đoạn kỹ thuật sang giai đoạn kỹ trị. Từ nay ai ai cũng xác tín rằng nhờ các phương tiện kỹ thuật con người có khả năng không những làm cho cuộc sống của mình trở nên dễ dàng và dễ thở hơn, mà còn biến mình thành chủ nhân, có quyền bố trí và sử dụng thiên nhiên, những tài nguyên của vật chất và sự sống, có tham vọng sẽ giải quyết hết các vấn để của thiên nhiên và thống trị vũ trụ. Đó là con đường phải theo, một cách xác tín và không lo thất bại. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian để tìm ra những dụng cụ tinh vi nhất. Kỹ thuật đã trở thành kỹ trị; một chủ nghĩa cứu thế mới ra đời thay thế tất cả các chủ nghĩa cứu thế khác, thuộc về xã hội hay thuộc về tôn giáo. Ý chí quyền lực này – 'hybris' – đã xuất hiện như một nền văn hóa, một não trạng, và là nguồn hy vọng mới của nhân loại hôm nay. Cứu thế không còn là chuyện của một người mà ai ai cũng kỳ vọng và tin tưởng, mà đó là tin tưởng tuyệt đối vào khả năng kỹ thuật của con người. Đó chính là cái tuyệt đối mà mọi nỗ lực của con người đều đang hướng tới.
Nói thế không có nghĩa là "xác tín" ấy chỉ phổ biến nơi các nước đã phát triển về công nghệ, mà cũng ảnh hưởng mạnh mẽ không kém các dân tộc đang phát triển. Hãy nhìn các máy vi tính và các chảo thu phát sóng vệ tinh có mặt cả tại những làng mạc xa xôi của Bangladesh không thua kém gì tại thành phố của tương lai như Hong Kong.
Kỹ thuật đã nắm vận mệnh con người trong tay và trở thành chìa khóa giải thích cũng như trở thành động cơ cho mọi sinh hoạt của con người. Đó đúng là một chế độ kỹ trị được phát huy trong mọi lãnh vực, không những đem lại những thành quả và hiệu quả ngoài sức tưởng tượng, mà còn làm thay đổi cả quan niệm của con người về chính mình và về thế giới, về nhựng giá trị đạo đức, những mô hình văn hóa, bắt tất cả mọi thông điệp mang tính cứu độ của tôn giáo phải qua một trận thử thách nặng nề. Nếu vậy, những tôn giáo và những cách ứng xử đạo đức tự nhận là có giá trị phổ quát có còn chỗ đứng nào nữa, một khi con người đã bị lèo lái tận trong cơ cấu di truyền của mình? Phải chăng chúng chỉ còn đóng vai trò của những huyền thoại, của những câu chuyện thêu dệt sẽ biến mất thôi khi sự thật xuất hiện? Công việc tìm kiếm nghĩa lý đang khuấy động xã hội chúng ta hiện nay xuất phát từ chính sự kiện căn bản này. Đó cũng chính là thách đố lớn nhất mà mọi thông điệp của tôn giáo đều phải đương đầu, nhất là Ki-tô Giáo, cũng là tôn giáo phản đối mọi sự giải thích của lịch sử đòi tự giải quyết vấn đề của mình ngay trong lịch sử này.
2.2. Chế độ kỹ trị đã tìm ra đấng cứu tinh không phải nơi một nhân vật nào như Mô-sê, Đức Phật hay Đức Ki-tô, mà nơi thế giới truyền thông xã hội. Thế giới truyền thông này – kết quả của công nghệ - đang tiếp tục phát triển theo những nhịp độ hết sức ấn tượng, không thể dự đoán được, bằng cách đốt cháy cả thời gian. Truyền thông xã hội không chỉ là phương tiện chuyên chở một nền văn hóa, mà là chính văn hóa, trong mức độ nó có mặt, nó đã là văn hóa và đã tạo ra văn hóa. Công nghệ mà không có truyền thông xã hội sẽ chẳng khác gì làm thần mà hoàn toàn bất lực, vì không có phương tiện để bộc bạch chính mình, chẳng khác gì một ông thần bị giam hãm trong sự bất lực của mình. Truyền thông xã hội sẽ pha trộn mọi sự, nhào nặn mọi sự, thậm chí còn tạo ra cả các biến cố, quyết định các biến cố, có thể dẹp bỏ mọi tín ngưỡng, mọi giá trị đang có và đưa ra những giá trị mới. Truyền thông xã hội có thể mở ra những không gian mơ ước cho những người đang sống cô lập giữa rừng, thúc họ đi tìm những của cải hay văn hóa mà họ chưa từng thấy và chưa từng nếm cảm. Văn hóa có chức năng kép sau đây.
a. Nó giúp kéo ra khỏi tình trạng cô lập xã hội và văn hóa những nhóm người đã bị cắt đứt khỏi hành trình tiến bộ chung của nhân loại vì lý do này hay vì lý do khác. Vì thế, văn hóa có khả năng thống nhất con người bằng cách tạo ra một ngôn ngữ chung và một não trạng chung. Thật vậy, truyền thông luôn luôn là hiệp thông hay ít ra là phương tiện để tạo sự hiệp thông. Nếu hiểu như thế thì truyền thông cũng giống như một vị thần kỹ thuật hoặc chủ trì hoặc tiếp tay tạo ra một thế giới mới. Không có dân tộc nào có thể thoát khỏi ảnh hưởng của ông thần này, vì ông thần này không cần phải có chiếu khán nhập cảnh mới vào được các đất nước, các nhà cửa và các lều chòi. Các chính thể quân sự theo dõi sát sao nhất và gay gắt nhất cũng không thể ngăn cản dân chúng tiếp cận các 'mass media' (các 'phương tiện thông tin đại chúng').
b. Đồng thời, truyền thông cũng có thể dẹp bỏ mọi dị biệt, hòa trộn và đồng nhất chúng theo những khuôn khổ độc tài khác, theo một não trạng chung và theo những mục tiêu đang thống lĩnh. Truyền thông có thể tạo ra một thế giới mới, một thế giới được tạo thành theo hình ảnh của những người có nhiều quyền hành nhất. Ai kiểm soát truyền thông thì cũng kiểm soát và ấn định được nền văn hóa, tình hình kinh tế và đôi khi cả tôn giáo nữa.
2.3. Đây chính là những tác nhân mà từ đó nảy sinh ra hiện tượng toàn cầu hóa – một hiện tượng đang xuất hiện dưới bộ mặt vừa tốt vừa xấu. Một đàng nó giúp cho mọi người có thể sử dụng các phương tiện sản xuất và kích thích sản xuất bằng cách cho mọi người có nhiều cơ hội hưởng dùng các hàng hóa tiêu thụ. Nhưng đàng khác, đó cũng là tai họa cho các dân tộc mới phát triển, nếu họ phải tham gia vào một thị trường dã man, không được điều hành bởi những quy luật, mà chỉ tuân theo quy luật lợi nhuận. Trong trường hợp ấy, toàn cầu hóa sẽ tạo điều kiện cho vốn liếng được tập trung hầu như hoàn toàn vào tay của vài công ty đa quốc gia, là những công ty đã trở thành những nhân tố quyết định sự sống còn của chính các dân tộc hay quyết định những lựa chọn mang tính kinh tế xã hội của các dân tộc ấy. Toàn cầu hóa có thể tạo ra những sự nghèo khổ mới, gay gắt hơn, bao lâu hằng triệu người bị kéo vào hiện tượng toàn cầu hóa mà không thu được chút lợi ích nào từ sức năng động mới của thị trường. Một rủi ro chắc chắn sẽ xảy ra là sẽ có nhiều dân tộc toàn bộ bị thiếu thốn cả cái tối thiểu mà xưa nay họ đã có, như thời giờ, nơi ăn chốn ở và cả nhân sinh quan nữa, đành phải bằng lòng với những cái tối cần, không thể nào tiếp cận được những thiện ích mà nền kinh tế mới từng hứa hẹn.
Phẩm giá con người, luôn luôn là cứu cánh chứ không bao giờ là phương tiện, các quyền con người đang bị vi phạm, công bằng trong các quan hệ quốc tế và hòa bình, đó chính là những biên cương mới mà trong đó Giáo Hội hôm nay sẽ thi hành sứ mạng. Đó chính là mặt trận mênh mông mà tại đó chúng ta cần phải lên tiếng quả quyết và công bố cho những ai chưa biết – chưa biết trên lý thuyết hay trong thực hành – Thiên Chúa đã khống chế tội lỗi và những hậu quả của tội lỗi như đau khổ, khóc than, chết chóc để mở ra chân trời cho mọi người hy vọng vào một cuộc sống mới, trong một thế giới không còn khóc lóc, chết chóc và tang tóc.
Toàn thể thế giới đang rên rỉ trong đau đớn của cơn lâm bồn, trong khổ đau của việc hành sử, trong lúc chờ đợi Chúa mặc khải cho mọi người thấy chúng ta đã được Chúa nhận làm nghĩa tử. Đây chính là giờ phút để thi hành sứ mạng. Đây chính là những môi trường mà Giáo Hội hôm nay phải dấn thân. Khi nhìn nhận Giáo Hội địa phương có phẩm giá là nơi thực hiện cụ thể Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội đã trực tiếp giao cho Giáo Hội địa phương trách nhiệm thi hành sứ mạng – một sứ mạng phải được đặt vào bối cảnh của môi trường để có thể nắm bắt được những yêu cầu và khát vọng của các tập thể mà trong đó Giáo Hội đang sống. Khi phân tích bối cảnh tôn giáo, văn hóa, xã hội của môi trường mình, mỗi Giáo Hội địa phương phải tự hỏi: "Này Giáo Hội, ngươi là ai? Sứ mạng của ngươi bây giờ là gì và ở đâu đối với dân tộc này – nơi người đang có mặt không khác gì vườn thực nghiệm của một nhân loại mới? Đâu là những môi trường để ngươi thi hành sứ mạng?"
3. Làm thay đổi các tôn giáo
Đây là một hiện tượng có liên quan tới toàn thể nhân loại, vì tôn giáo là một sự kiện có tính phổ quát, dù có chấp nhận hay không chấp nhận tôn giáo. Hiện nay, tôn giáo vẫn là một thực tế có khả năng khơi dậy những phản ứng hết sức trái ngược nhau. Mặc dù không muốn đi vào những chi tiết của bài phân tích, vốn là công việc của khoa sử học và khoa hiện tượng luận về tôn giáo, chúng ta vẫn không thể không đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về sự thay đổi, cả trên cấp hành tinh, trong bản chất (hay ý nghĩa) và vai trò của các tôn giáo nơi hầu hết các dân tộc.
Sau đây, tôi xin đề cập ba điểm: 1/ lập trường của Ki-tô Giáo đối với các tôn giáo khác; 2/ khủng hoảng về tôn giáo; 3/ "hồi sinh' ('revival') hay vai trò xã hội và văn hóa của các tôn giáo.
3.1. Lập trường của Ki-tô Giáo đối với các tôn giáo khác
Từ lâu ai cũng biết người ta đã dựa trên lịch sử để phê bình lập trường của Ki-tô Giáo đối với các tôn giáo khác. Được phổ biến một cách đặc biệt nhờ sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân, đạo Ki-tô đã từng được coi là tôn giáo cao cấp, không phải vì thông điệp mà đạo ấy giới thiệu cao cấp hơn, mà vì đó là tôn giáo chính của phương Tây thực dân, có nghĩa vụ phải trở thành tôn giáo của thế giới, còn các tôn giáo khác như Ấn giáo, Phật giáo và các tôn giáo vũ trụ đều bị coi là đang hấp hối. Đó chính là quan niệm lấy châu Âu làm trung tâm, áp dụng không những cho văn hóa, kinh tế và các cơ quan chính trị xã hội, mả cho cả tôn giáo nữa.
Bởi đó, tại các nước Á châu và Phi châu, dần dần người ta trở nên nghèo hơn, không những về mặt nhân học mà còn về mặt tôn giáo.
Nhưng từ khi các nước thuộc địa giành lại độc lập, xu hướng ấy đã thay đổi. Cũng giống như đối với các mô hình văn hóa, đối với các tôn giáo cũng vậy, những tôn giáo mà người ta vẫn tưởng là đang dãy chết lại từ từ cho thấy sức sống của mình – một sức sống mà cho tới khi ấy vẫn tưởng là đã lâm cảnh tuyệt vọng – đồng thời, các tôn giáo ấy đã tìm lại được sức bành trướng vượt ra khỏi ranh giới cố hữu của mình. Đó là trường hợp của Phật Giáo và Hồi Giáo. Không còn cảnh các tôn giáo phải làm nô lệ về mặt tâm lý và xã hội, mà tất cả đều có phẩm giá và quyền lợi giống nhau không những để tồn tại, mà còn để hoằng pháp hay truyền giáo nữa.
3.2. Khủng hoảng của tôn giáo
Khi thời hiện đại xuất hiện, tôn giáo nói chung đã bị khủng hoảng sâu xa, không trừ tôn giáo nào, dù mỗi tôn giáo có thể bị đụng chạm cách khác nhau. Khủng hoảng này là hậu quả tự nhiên của những tiền đề theo chủ nghĩa Khai Sáng và của bi kịch vĩ đại đã ập đến trên các nước phương Tây qua hai cuộc thế chiến.
Thật vậy, chứng kiến cảnh tượng biết bao dân tộc Ki-tô Giáo bị diệt chủng trong các cuộc chiến huynh đệ tương tàn để giành quyền lực, đạo bác ái – như người ta thường gọi Ki-tô Giáo - đã mất hết uy tín. Đồng thời, tình trạng hàng hàng lớp lớp người nghèo – kết quả của các hệ thống chính trị xã hội bất công – đã trở thành cớ cho biết bao nhà triết học, xã hội, chính trị và tâm lý tung ra biết bao là thông điệp từ nhiều chục năm trước và nay mới có đất dụng võ. Chẳng hạn như chủ nghĩa mác-xít, vừa vô thần vừa bài giáo sĩ, hay quan niệm tâm lý của Freud và lý thuyết siêu nhân của Nietzsche đã trở thành những nhân sinh quan khác nhau cho người ta lựa chọn, đòi xét lại Ki-tô Giáo và đưa ra một ý thức hệ thuần lý có tham vọng bao quát và giải thích hết hiện tượng con người và thực tế.
Họ tuyên bố không cần vận dụng giả thuyết về Thiên Chúa để giải thích hiện tượng con người, để đưa ra các định hướng cũng như cung cấp sức mạnh cho hành trình tiến hóa của nhân loại. Thậm chí, Thiên Chúa còn bị coi là "sự chúc dữ lớn nhất của loài người" và tôn giáo bị coi là "thuốc phiện của nhân dân". Não trạng tục hóa ngày càng thắng thế, theo đó muốn tiến bộ và trưởng thành, con người phải bỏ đi ý tưởng và giả thuyết về Thiên Chúa, phải thoát khỏi sự lệ thuộc, đôi khi rất bạo tàn, của Hữu Thể siêu việt. Con người chỉ cần tin tưởng vào bản thân mình, chỉ cần dựa vào khả năng của mình, là những khả năng vô hạn. Cái chúng ta cần là tôn giáo của hạ giới này, chứ không phải tôn giáo của thượng giới kia.
Để bước theo con người trên trần gian này nhằm cứu vớt những gì có thể cứu vớt, các nhà thần học Ki-tô Giáo mới khởi sự một suy tư thần học, mang tên là thần học triệt để hay thần học về cái chết của Thiên Chúa. Phải làm sao cho thấy Thiên Cháu đang có mặt trong đô thị trần gian này (ý kiến của Robinson), chứ không chỉ trong các biểu tượng tôn giáo. Thiên Chúa phải trải qua một quá trình bị chối bỏ, bị chết như đã từng bị trên thập giá, thì mới được nhìn nhận. Thần học về cái chết của Thiên Chúa đã lấy lại triết học duy tâm của Hegel, xét theo nhiều khía cạnh. Thậm chí có người còn ước mong ngay cả chữ Thiên Chúa cũng cần phải bị gạt ra khỏi các từ điển, ít là trong vài thập niên. Các tác giả ấy đã tận dụng trào lưu thực chứng của Vienna để có được ngôn ngữ trình bày và tận dụng sự phân tích của mác-xít về tôn giáo. Đã tới thời hoàng hôn của thần thánh.
Tuy nhiên, sự việc cũng không khá hơn đối với các tôn giáo khác. Nếu Roma khóc thì Carthago cũng chẳng vui gì. Đứng trước tình hình bất công đã hóa thạch của các dân tộc, các hệ thống tôn giáo lớn xem chừng như mang xu hướng bảo thủ, ủng hộ việc 'giữ nguyên trạng' ('statu quo').
Sau thời kỳ thực dân, các tín đồ tôn giáo đã bắt tay hòa giải với chính tôn giáo của mình, cũng như đã hòa giải với văn hóa của mình: đó là một sự chuyển tiếp đòi phải có thời gian để người ta có thể khôi phục lại các giá trị. Thật vậy, ở các nước, tôn giáo cổ truyền kể như đã bị đánh bại và bị xóa sổ một cách hết sức hệ thống. Người ta không còn tin vào thông điệp tôn giáo nữa, vốn bị coi là không đủ khả năng để khuấy động các tình cảnh khác. Người ta cho rằng không phải Phật Giáo, Ấn Giáo, Nho Giáo và Hồi Giáo, mà là chính cuộc đấu tranh giai cấp và ý thức hệ mác-xít mới có thể đưa chúng ta tiến tới một xã hội công bằng và liêm chính hơn. Đây chính là lộ trình của nhiều nước Á châu và Phi châu, chấp nhận chủ nghĩa xã hội khoa học, có khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa vô thần thực tế và quyết liệt.
3.3. "Hồi sinh" hay vai trò xã hội và văn hóa của các tôn giáo
Các tôn giáo bị khủng hoảng tới mức dám dự đoán mình sẽ biến mất bỗng dưng tìm lại được sức sống, phản bác lại những dự đoán "được cho là khoa học" của các nhà xã hội học. Điều này diễn ra dưới nhiều hình thức và bộ mặt khác nhau.
Cùng với sự suy tư toàn diện của công đồng Vatican II, Ki-tô Giáo Tây Phương đã bắt đầu đặt câu hỏi về bản chất của Giáo Hội, đâu là nét đặc biệt của sứ mạng và của mối quan hệ giữa Giáo Hội với thế giới, là những điều đang phải trải qua một tiến trình biến đổi. Cần phải nói bằng một thứ ngôn ngữ có thể hiểu được thì mới tái hội nhập được sứ điệp cứu độ của Đức Ki-tô và mới hội nhập được bản thân mình vào trong hiện tượng ấy để phúc âm hóa hiện tượng ấy. Khi các khối chính trị sụp đổ và khi các hệ thống ý thức hệ lớn tan rã, người ta mới thấy khởi sự cái mà người ta quen gọi là thời kỳ hậu hiện đại – một thời kỳ có đặc điểm là trống rỗng và không còn một điểm tham chiếu nào của các ý thức hệ nữa. Các nhãn quan thì bị phân mảnh, các sứ điệp toàn cục để tham chiếu thì không còn, tình trạng ấy đã khiến cho xã hội rơi vào sự nghi ngờ, cũng như khiến cho người ta phải đặt lại vấn đề về các giá trị tôn giáo và tinh thần. Ki-tô Giáo được viện dẫn không phải để lấp vào chỗ trống ấy, mà là để chấp nhận bị thách đố từ tình trạng nháo nhào về kinh tế xã hội và tinh thần ở Tây Phương. Đó chính là lý do thúc đây chúng ta phải mở cuộc phúc âm hóa mới và tái hội nhập văn hóa cho sứ điệp Tin Mừng.
Tình hình của các tôn giáo lớn và của các hiện tượng tôn giáo hoàn toàn khác. Các tôn giáo – nhất là tại các nước đang phát triển – đã lấy lại được sức sống, vì hai lý do. Lý do thứ nhất: các tôn giáo ấy thường bao gồm cả nền văn hóa của các nước ấy vì tại đó người ta không phân biệt thiêng với tục. Sự độc lập và phẩm giá con người cần phải chinh phục nơi những dân tộc đang được tự do và độc lập, có những nét đặc thù riêng, nhất thiết phải được thông qua các mô hình văn hóa chung. Tôn giáo chỉ còn là một yếu tố chung rất nhỏ, rất dễ đón nhận để tạo ra tâm thức chung cho cả dân tộc. Bởi đó, hiện nay đang có một sự hô hào lớn kêu gọi mọi người quay về nghiên cứu các nguồn cội và giải trình thông điệp mà các tôn giáo đang cưu mang. Các tôn giáo này rất được chính quyền ủng hộ, vì người ta sử dụng tôn giáo như một công cụ để cai trị, nếu không muốn nói để hành quyền. Cũng chính vì thế, làm đồ đệ cho một tôn giáo của địa phương là đã trung thành với quốc gia và văn hóa của mình, còn cải đạo sang một tôn giáo khác chính là đã bỏ rơi hay từ chối quốc tịch của mình. Đó chính là lý do khiến người ta đã và đang đặt ra các sự hạn chế không cho các tôn giáo khác tự do hoạt động, cũng như khiến người ta có thái độ chối từ hay gạt bỏ những yếu tố văn hóa ngoại lai. Từ đó mới thấy xuất hiện bầu khí nếu không tìm cách bách hại thì ít là không khoan nhượng đối với các tôn giáo thiểu số, cũng như tạo ra sự đối kháng giữa các khối tôn giáo.
Tuy nhiên, chính các tôn giáo ngoài Ki-tô Giáo mới được kêu gọi chống lại tính hiện đại, sẵn sàng đi qua tiến trình thích nghi để đáp ứng các xã hội – những xã hội đang thay đổi về chất lượng, kể cả tại các nước thuộc thế giới thứ ba.
Làm công tác phúc âm hóa thì phải chú ý đánh giá hiện tượng này vì đó là một vấn đề phức tạp, tế nhị và quan trọng hơn người ta tưởng. Người ta đang bước vào một thế giới đang là di sản hết sức quý báu của các dân tộc, khiến chúng ta cũng phải ghen tị: căn tính của dân tộc này có như thế nào là do truyền thống tôn giáo của dân tộc ấy. Quan tâm theo dõi tiến bộ của dân tộc, hiểu rõ những thúc đẩy và định hướng nội tại của dân tộc là đã hiểu một trong những khía cạnh văn hóa của xã hội. Đó chính là mặt trận, là nơi ưu tiên cho công cuộc phúc âm hóa.
4. Những thay đổi về văn hóa
Chuyển tiếp văn hóa là một sự kiện đang diễn ra trên khắp hoàn cầu. Đó không phải là trường hợp đầu tiên trong lịch sử người ta phải chứng kiến những bước nhảy vọt về phẩm chất, vào một lúc nào đó, một cách bất ngờ, không chỉ đụng chạm tới một vài lãnh vực mà liên quan đến toàn bộ thực tế của con người. Thời đại chúng ta đang sống sẽ là một trong những thời đại người ta sẽ không bao giờ quên, theo chiều hướng này.
Một trong những tác nhân chính của sự thay đổi này chính là thế giới truyền thông là phương tiện nhờ đó chúng ta được dịp tiếp cận với những mô hình văn hóa rất đa dạng ở cấp hành tinh, đồng thời cũng bị ảnh hưởng trong các sự lựa chọn của mình.
Một tổng thể văn hóa mới đang được xây dựng
Chúng ta sẽ dùng thuật ngữ văn hóa theo nghĩa mà Vatican II đã dùng trong hiến chế "Gaudium et Spes", số 53: "Theo nghĩa rộng, chữ 'văn hóa' ám chỉ tất cả những gì mà nhờ đó con người vừa tinh lọc vừa phát huy được những khả năng đa dạng của tâm trí và thân xác con người; khuất phục vũ trụ nhờ tri thức và lao động; làm cho đời sống xã hội trở nên nhân bản...nhờ phong tục tập quán và các định chế tiến bộ; phiên dịch, liên lạc và bảo tồn những kinh nghiệm tâm linh quan trọng và những khát vọng lớn của con người, nhờ đó hỗ trợ cho sự tiến bộ không chỉ của một con số rất đông mà còn toàn thể nhân loại."
Tại sao văn hóa lại đóng một vai trò quan trọng như thế hiện nay? Vì văn hóa cũng giống như động lực căn bản thúc đẩy toàn bộ đời sống xã hội, kinh tế, chính trị và quốc tế, đang muốn thực sự có tính người. Hiện nay, văn hóa được coi như một thực tế làm nên con người trong tư cách là một con người. Nếu hiểu theo nghĩa nhân học, văn hóa bao gồm thực tế con người cùng với những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực so với một nền văn hóa lý tưởng, được coi như điểm tham chiếu, như phương tiện để nhân bản hóa. Bởi vậy, văn hóa cũng giống như một vị thần của dân tộc, hay chính xác hơn có thể mô tả văn hóa như một tổng hợp sống động gồm các nguyên tắc, tín ngưỡng, mô hình sống và thực hành – được lưu truyền từ các thế hệ trước, được thực hành, được sửa đổi, được phong phú thêm hay bị nghèo đi do thế hệ hiện tại và được truyền lại cho thế hệ tương lai – nhờ đó mà một tập thể nhất định được hình thành và được tồn tại trong tư cách là một cộng đồng nhân loại. Đó chính là ý nghĩa mà Vatican II nhắm tới khi nói: "Nét riêng của con người là chỉ thật sự và trọn vẹn đạt tới tính người nhờ văn hóa, tức là bằng cách vun trồng những điều hay lẽ phải vá những giá trị của tự nhiên. Mỗi khi có việc gì liên quan đến con người thì tự nhiên và văn hóa lại liên kết với nhau vô cùng chặt chẽ" (GS 53). Nhờ văn hóa con người không bị và không cảm thấy bị cô lập, mà là một ngôi vị đang liên hệ và hiệp thông với đồng loại của mình, cùng là những phần tử của một cộng đoàn được xây dựng trên những nền tảng thường tại mà chúng ta quen gọi là nguồn cội văn hóa. Đó chính là môi trường cho con người ảnh hưởng lên nhau và góp phần vào tiến trình nhân hóa từ từ.
Nền văn hóa nào cũng gần như là một cơ thể sống động. Văn hóa chỉ là văn hóa của con người bao lâu qua đó con người tự khẳng định được mình chỉ vì mình.
Hiện nay, văn hóa và các nền văn hóa đang rơi sâu vào một quá trình thay đổi về chất lượng, đến nỗi vào những năm 1960 công đồng Vatican II đã dám nói đó là "một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại" (GS 54).
Công Đồng đã liệt kê những tác nhân gây ra sự thay đổi ấy: nào là các khoa học tự nhiên, nhân văn và xã hội, nào là sự phát triển kỹ thuật, các phương tiện truyền thông xã hội, nào là những chủ thể và những chứng nhân của các nền văn hóa khác nhau... Đây chính là thời điểm hết sức tế nhị đòi chúng ta phải rất tỉnh táo và phải biết phân định trước hiện tượng của nhân loại.
Nếu các mô hình căn bản của đời sống con người mà bị liên lụy, tức là nếu sự nhận thức về bản thân, về xã hội và về vũ trụ mà thay đổi, sẽ có một cơn địa chấn xảy ra, tạo thành vấn đề cho mọi lãnh vực hoạt động. Đàng khác, không thể ấn định một lần là xong thế nào là văn hóa và các nền văn hóa: chúng không là một cái đó ở yên một chỗ, mà hết sức năng động; chúng luôn luôn tiến hóa để đạt tới mức có khả năng nhân bản hóa ở mức tối đa. Khi nào chúng không còn tiến hóa nữa, thì đó chính là lúc chúng đã trở thành đối tượng để khoa nhân chủng học nghiên cứu và đã sẵn sàng đi vào chỗ chết.
5. Lực nào để thay đổi ?
Trong văn hóa loài người nhất thiết phải có một khía cạnh lịch sử và xã hội; lúc ấy văn hóa thường có nghĩa xã hội học và nhân chủng học. Hiểu như thế thì có thể có nhiều nền văn hóa khác nhau (GS 53, 3). Phẩm giá con người, nét đặc thù của mỗi tôn giáo, các biến đổi trong xã hội, các não trạng mới xuất hiện và được tái xác nhận, đó chính là lý do bắt chúng ta phải thay đổi cái nhìn của mình về văn hóa, cũng như cách phân tích các hiện tượng xã hội, mang tính đa nguyên đa dạng rất rõ. Văn hóa và các nền văn hóa. Đó là một chuyển động vừa hướng tâm vừa ly tâm. Nếu một nền văn hóa phổ quát được xác nhận bằng rất nhiều cách khác nhau giúp chúng ta hiểu con người và những quan hệ của con người với quốc tế, thì ngược lại nó cũng đòi mỗi nền văn hóa cá biệt phải giữ gìn bản sắc của mình cho tới mức trở thành một hình thức duy văn hóa hay đề cao bộ tộc văn hóa.
Tuy nhiên, chưa bao giờ bằng bây giờ các văn hóa không hay gặp nhau hay không hay xung đột nhau,mà luôn lệ thuộc nhau và vì thế, đều sớm muộn đổi thay.
Chúng ta có thể tóm tắt những yếu tố luôn đánh dấu những sự thay đổi ấy như sau:
- Có một cái nhìn bớt tính thần thoại về vũ trụ;
- Với những con người tự kiến tạo nên lịch sử và định mệnh của mình;
- Đòi xét lại các giá trị xã hội va tôn giáo thuộc truyền thống;
- Mang não trạng kinh tế, duy vật về xã hội tiêu thụ;
- Chủ trương một nền đạo đức tương đối, không chấp nhận những ý thức hệ mang tính toàn diện.
Ngoài những khía cạnh vừa nói mà chúng ta có thể nói là hơi có tính phá hoại, cũng có những giá trị tích cực như sau:
- Tìm kiếm một hướng đi cho cuộc sống thêm trung thực và nhân bản hơn;
- Khát vọng cho có sự công bằng và hòa bình nhiều hơn giữa các dân tộc;
- Ra sức bênh vực các quyền con người, nhất là của các dân tộc và các giai cấp yếu kém, không được bảo vệ;
- Lưu ý hơn tới tầm quan trọng của xã hội dân sự;
- Đối thoại và gặp gỡ giữa các nền văn hóa và tôn giáo.
Có thể nói chúng ta đang ở giữa dòng : các mô hình văn hóa truyền thống thì đang bị khủng hoảng, nhưng các mô hình mới thì vẫn chưa thành hình; đó là thời kỳ khủng hoảng, nhưng cũng là lúc phát triển. Hiện nay đang có một cảm giác khó chịu bàng bạc nào đó, nhưng đồng thời đó cũng là cơ hội lịch sử để khuôn đúc ra một nhân loại mới với những giá trị chung, tôn trọng các dị biệt văn hóa của mỗi tập thể.
Phải đặt mình trong tâm tình ấy khi đọc lại những lời mà Đức Phao-lô VI đã phát biểu vào những năm 1860: "sự đoạn tuyệt giữa Tin Mừng và văn hóa chính là bi kịch của thời đại chúng ta, như đã từng là bi lịch trong các thời kỳ trước" ('Evangelii Nuntiandi', 20, 1975). Thật vậy, "hoạt động nào của con người cũng diễn ra trong một nền văn hóa và là phản ứng đối với nền văn hóa ấy" ('Centesimus Annus' hay 'Bách Chu Niên', 51, 1991). Nếu Tin Mừng không đi sâu vào văn hóa, con người sẽ không bao giờ có thể tin đạo với tất cả sự thật của con người mình. Đó cũng chính là lý do tại sao hoạt động phúc âm hóa mà Đức Phao-lô VI mô tả trong tông huấn "Evangelii Nuntiandi" vẫn còn giá trị cho tới ngày hôm nay: "Cần phải phúc âm hóa văn hóa và các nền văn hóa – không phải một cách trang trí như thoa một lớp sơn bên ngoài, mà là làm một cách sống chết, sâu xa và tới tận gốc rễ, hiểu văn hóa theo nghĩa phong phú và rộng rãi như được hiều trong hiến chế 'Gaudium et Spes', luôn bắt đầu từ con người và trở lại với những mối quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với Chúa" (số 20).
Đó chính là lý do tại sao văn hóa được coi là mặt trận rộng lớn nhất cho Giáo Hội thi hành sứ mạng ('Redemptoris Missio' 37sq).
6. Những thay đổi chính trị - kinh tế - xã hội
Nhân loại hôm nay đang trải qua một cơn lốc lịch sử vì những hình thức chính trị mới mẻ đang hình thành hay sắp hình thành, vì những hệ thống kinh tế đang thống trị sẽ quyết định những thực tế xã hội mới.
Tình hình thế giới thật đáng nghi ngại và không an toàn chút nào, như nhiều triệu chứng vừa cho thấy.
Sự bất ổn cụ thể như sự tan rã của nhiều Nhà Nước, đặc biệt tại châu Á còn nhiều hơn nữa tại châu Phi.
Để bảo vệ những đơn vị quốc gia, để bảo vệ văn hóa và tôn giáo, đã có nhiều cuộc nội chiến xảy ra làm biết bao vùng trên thế giới nhuộm máu.
Đã có nhiều chính thể độc tài xuất hiện đặc biệt tại những quốc gia kinh tế yếu kém, đến nỗi hệ thống dân chủ, như thường được hiểu và được bày tỏ, chỉ còn là một ngoại lệ trong cộng đồng nhân loại. Còn các hệ thống cầm quyền và kiểm soát, từ đó trở thành các hệ thống đàn áp, ngày càng được củng cố lấy cớ là vì An Ninh Quốc Gia (Luật An Ninh trong nước). Từ đó, một bộ phận rất đông các dân tộc trên địa cầu vẫn chưa được hưởng các quyền con người căn bản, và phải chịu đủ loại kỳ thị và đàn áp.
Các nước giàu áp đặt sự thống trị về mặt kinh tế một cách tinh tế, với nhiều cập lụy kèm theo về chính trị và kết quả là, mặc dù dưới những hình thức khác, vẫn tiếp tục áp đặt một sự thống trị thực dân đối với các nước đang phát triển. Những quyền lợi kinh tế của các nước giàu cũng thường kéo theo những cuộc chiến ở cấp vùng.
Nhà cầm quyền tham nhũng, cấp vùng cũng như cấp thế giới, đã đánh mất đi sự tin tưởng của người dân đối với các hệ thống chính trị và các tổ chức quốc tế, có khi dẫn tới việc sử dụng bạo lực để giải quyết các tranh chấp giữa các nước.
Đâu đâu con người cũng được định nghĩa là "homo oeconomicus" ('con người kinh tế'). Thay vì được hưởng không chỉ các tài sản thiên nhiên, mà tất cả mọi vận hội do xã hội công nghệ mang lại, người ta đã rơi vào tình trạng bị gạt ra bên lề hay bị khai trừ khỏi xã hội, buộc phải di cư và rời nước. Đàng khác, chính vì tư bản hay tiền vốn được coi là thước đo duy nhất đáng cho chúng ta theo đuổi, nên đã có nhiều tầng lớp nghèo khổ mới xuất hiện ngay trong chính các quốc gia và giữa các quốc gia với nhau.
Cũng chính vì lý do này mà hiện nay chúng ta phải chứng kiến cảnh đô thị hóa man rợ, không thể kiểm soát và không thể chịu nổi. Đó là hiện tượng của những đại đô thị khổng lồ mà chúng ta không tài nào kiểm soát được, chung quanh đó là những thành phố vệ tinh với biết bao khu ổ chuột, là nguồn gốc và là nguyên nhân của những tình trạng suy đồi nhân bản dưới mọi hình thức như khốn cùng, tội phạm, ăn xin, đánh mất các giá trị, bóc lột, nghiện ngập, mãi dâm...
Thế nhưng, tất cả những hiện tượng này sẽ làm cho các quốc gia càng ngày càng lệ thuộc nhau; thậm chí như những chiếc bình ăn thông với nhau: một điều xảy ra ở góc địa cầu này không những có tác động đến nơi ấy mà còn âm hưởng tới mọi nước khác. Từ nay không có nước nào là ốc đảo.
Bởi đó, không những trên bình diện kinh tế, mà còn trên bình diện xã hội, mỗi quốc gia đều cảm thấy và cảm nhận ảnh hưởng của các quốc gia khác, của các nền văn hóa khác, các nền chính trị khác và chính xã hội dân sự khác. Muốn đấu tranh cho phẩm giá phụ nữ nói riêng và cho mọi người nói chung thì phải được sự nhìn nhận và ý thức của hết mọi người. Mọi nền văn hóa địa phương đều đang bị thách đố bởi chính các quan niệm cuộc sống và ứng xử khác nhau. Chống đối nhau, nhưng kỳ thực là đối chứng với nhau để tiến tới những nguyên tắc chung có thể được mọi người chấp nhận, nhất là những nguyên tắc đụng chạm tới nơi sâu xa của bản tính con người. Đó chính là tiến tới sự thống nhất loài người, xuyên qua và bằng cách khôi phục lại nét độc đáo của mỗi nên văn hóa. Đó cũng là lý do khiến chúng ta phải hạ bỏ những thành kiến về chủng tộc, xã hội, tôn giáo, đồng thời kín múc nơi sâu xa, dù là lần đầu tiên, để tìm lại ý nghĩa đích thực của việc làm người.
Đó chính là lý do tại sao một thế giới mới đang thành hình. Các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và tất cả các cơ quan của tổ chức này, tiền đề của tất cả các thực tại toàn cầu, đang và phải ngày càng trở nên quan trọng. Vì đó chính là nơi căn bản cho phẩm giá con người được nhìn nhận, là nơi hình thành nền văn hóa mới của nhân loại, dù không dễ dàng và đôi khi phải chấp nhận vài thỏa hiệp.
Các nỗ lực chung của tất cả các nhà nghiên cứu khoa học cũng rất quan trọng để làm cho cuộc sống con người được trở nên nhân bản và thoải mái hơn.
Tất cả những điều đã nói trên đây chính là mặt trận cho chúng ta gieo Tin Mừng vào, vì chỉ có Tin Mừng mới có sức giải thoát và có sức thúc đẩy tiến tới chỗ nhân bản hóa mọi sự trong tình huynh đệ của gia đình nhân loại duy nhất này.
7. Toàn cầu hóa
Nói như thế có nghĩa là chúng ta đang ngụp lặn trong một hiện tượng nhân loại mà người ta quen gọi là hiện tượng toàn cầu hóa. Không thể nói tới cá nhân mà không nghĩ đến tất cả những người khác. Không thể giải quyết vấn đề của một quốc gia mà không xét tới những hậu quả trên các quốc gia khác. Không thể phác họa và thay đổi những nền văn hóa này mà không thấy nó có ảnh hưởng tới các nền văn hóa khác. Đó chính là bằng chứng cho thấy kể từ nay thế giới càng ngày càng bị thắt lại trong nhiều mối dây ràng buộc hơn. Không co một tổ chức nào có thể vạch ra một con đường riêng chỉ cho bản thân mình. Những chính thể độc tài, bất kể được áp đặt thế nào và vì lý do gì, cũng đều hoàn toàn bất lực khi chứng kiến hiện tượng các quốc gia đồng quy và lệ thuộc nhau.
Như đã nói, toàn cầu hóa là một tiến trình hầu như không thể đảo ngược được nữa. Phải lưu ý sao cho tiến trình ấy đừng chỉ theo một chiều duy nhất, mà phải tương xứng với phẩm giá con người và là phẩm giá toàn diện. Người ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng con người là thực tại duy nhất cần phải được khẳng định và cần phải luôn luôn được khẳng định.
Hiện nay, hiện tượng toàn cầu hóa hầu như chỉ xuất hiện dưới chiều kích kinh tế, kéo theo những hậu quả mà cho tới nay không khả quan lắm, khi người ta chỉ thấy tài sản được phân phối không đồng đều và môi sinh được khai thác vô tội vạ. Từ đó tạo ra nhiều vấn đề kinh tế mới cho các nước yếu kém như nạn thất nghiệp, nợ nần nước ngoài tăng cao, lệ thuộc kinh tế và chính trị đối với các nước giàu có hơn, tập trung tài nguyên và tài sản của hành tinh này vào tay của một vài tập đoàn quốc tế. Tất cả những sự kiện này cũng gây ra hậu quả trên truyền thống văn hóa và tôn giáo của các dân tộc đang có nguy cơ bị các nền văn hóa mạnh hơn nuốt lấy hay biến đổi, thậm chí một cách căn bản. Một cám dỗ nghiêm trọng đối với tôn giáo, nhất là Ki-tô Giáo, là muốn tương đối hóa mọi sứ điệp cứu độ bằng cách tìm một danh nghĩa nhỏ bé hơn, những giá trị chung nào có thể được mọi người chấp nhận. Một tôn giáo sinh ra từ một sự thỏa thuận nào đó giữa con người với nhau. Đây không phải là thử thách đầu tiên torng lịch sử các tôn giáo. Có người cho rằng chỉ cần hòa trộn các tôn giáo lại với nhau, chúng ta sẽ còn vướng vào chủ nghĩa bảo thủ và những tranh chấp giữa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau.
Vấn đề mà hiện tượng toàn cầu hóa đặt ra không phải là một hiện tượng tự thân, không thể đảo ngược được, cho bằng là vì người ta chỉ thực hiện việc toàn cầu hóa vì lợi nhuận kinh tế. Thế là con người trở thành một công cụ của kinh tế, chứ không phải là mục tiêu mà mọi hoạt động kinh tế phải hướng tới. Đó chính là nguy hiểm của thời kỳ mới này trong lịch sử nhân loại, có lẽ là một trong những mặt trận nhạy cảm nhất mà Giáo Hội phải đưa hết lực lượng quan trọng tham gia vào.
Để kết thúc bức tranh toàn cảnh này, chúng ta có thể tổng hợp những gì mà Giáo Hội coi là mặt trận mới phải đưa lực lượng truyền giáo tham gia vào. Thật ra, các môi trường ấy không phải là mới, nhưng đó là những lãnh vực quen thuộc để thực tập truyền giáo và vẫn là đối tượng quan tâm của huấn quyền Giáo Hội. Chúng đã được nhắc tới, thậm chí cách minh bạch, trong các hiến chế Lumen Gentium và Gaudium et Spes, trong sắc lện Ad Gentes và trong tuyên ngôn Dignitatis Humanae ('Phẩm Giá Con Người'), trong tông thư Ecclesiam Suam ('Hội Thánh của Người') của đức Phao-lô VI và trong tông huấn Evangelii Nuntiandi của ngài; trong các tông thư xã hội của đức Gio-an Phao-lô II như Laborem exercens ('Thực hành lao động'), Sollicituo Rei Socialis ('Quan tâm đến xã hội'), trong tông huấn Christifideles Laici ('Người kitô hữu giáo dân'), và trong vô số bài phát biểu của đức Gio-an Phao-lô II khi viếng thăm các giáo hội trên toàn thế giới.
Nguyên việc các môi trường ấy được nhắc lại và được mô tả trong "Redemptoris Missio" cũng cho thấy vượt lên trên mọi sự phân biệt có vẻ hàn lâm, phúc âm hóa là phúc âm hóa con người toàn diện, cộng đồng nhân loại, các tình cảnh phi nhân cần được cứu chuộc. Tuy vẫn coi loan báo Đức Ki-tô và xây dựng cộng đoàn Ki-tô hữu là những nhiệm vụ căn bản và không thể thay thế được, nhưng xét cho cùng ra phải mở rộng việc phúc âm hóa bằng cách xây dựng Nước Trời, là vương quốc của công lý và bình an. Đức Phao-lô VI đã từng nói như sau trong "Ecclesiam sam": "Điều gì làm con người quan tâm thì cũng khiến tôi quan tâm".
Một nhận xét nữa: những mặt trận mới này chính là những mảnh đất cho Lời Chúa được gieo vào và là nơi cho Lời Chúa đâm rễ sâu hầu làm thay đổi văn hóa và những nền văn hóa của nhân loại. Đây đúng là hành trình của việc hội nhập văn hóa: hội nhập văn hóa không phải là cách diễn đạt Tin Mừng và Giáo Hội theo địa phương, mà là hạt lúa được gieo vào các tình huống ấy, có khả năng làm nảy sinh ra một não trạng mới, những cách ứng xử mới của con người, liên quan đến đạo đức và tôn giáo, sao cho phù hợp với Lời Chúa và với phẩm giá con người.
Tóm lại, có thể nói hoạt động phúc âm hóa là hoạt động liên quan đến toàn thể con người và nhân loại theo nghĩa đầy đủ và bao quát nhất, thế hệ ki-tô hữu nào cũng được kêu gọi: để trung thành với sứ mạng của Đức Ki-tô, cần phải tập phân định ở bất cứ nơi nào Tin Mừng cần được rao giảng và gieo vãi để cứu chuộc và giải thoát con người khỏi tội. Nhờ biết phân định Lời Chúa, dựa vào kinh nghiệm cũng như nhờ biết đọc Lời Chúa, thế hệ ki-tô hữu hôm nay đã phân định được những mặt trận mới như đã nói trên đây, thậm chí còn lập ra được danh sách các mặt trận mới ấy qua một văn kiện của Tòa Thánh. Trước khi tìm hiểu tiếp, và đứng trước những chỉ dẫn có chất lượng, chúng ta nên dừng lại tự hỏi xem thuật ngữ "phúc âm hóa" hiện nay có ý nghĩa gì và ám chỉ thực tại nào.
8. Sứ mạng và việc phúc âm hóa
Sứ mạng của Giáo Hội bắt chúng ta phải tiếp xúc và đối thoại với nhân loại, vì sứ mạng ấy bao gồm việc tiếp xúc với người khác và đến với những người chưa ở trong Giáo Hội, để thực hiện mầu nhiệm đã được cất giấu nơi Thiên Chúa từ ngàn xưa và đã được mặc khải cho thánh Phao-lô cũng như cho Giáo Hội. Đó là ai ai cũng được mời gọi tham gia vào Nhiệm Thể Đức Ki-tô, nhờ đó nhân loại trở thành một gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Mục đích cuối cùng của việc truyền giáo mà Giáo Hội đang thi hành chính là dựa vào sức mạnh của Tin Mừng, làm sao cho tất cả mọi dân tộc hiệp nhất với nhau. Đó chính là lý do tại sao Giáo Hội được gọi là dấu chỉ và là phương tiện thực hiện sự hiệp thông ấy. Nhưng vấn đề là đâu là những nền tảng và nội dung của sự hiệp thông ấy, hay xét cho cùng, dựa vào đâu người ta sẽ xây dựng Nước Trời và Nước Trời có nghĩa gì. Ý niệm cứu độ cũng được gói ghém trong sự hiệp thông này. Chính vì sứ mạng của mình,Giáo Hội cũng muốn rao giảng vá cống hiến sự cứu độ ấy cho nhân loại.
Phải nói rằng bao giờ thực hành cũng đi trước suy tư thần học, theo nghĩa bao giờ các người tham gia công cuộc phúc âm hóa, tức là những người đang ở địa đầu giới tuyến và ở những vùng xa Giáo Hội, cũng là những người hiểu rõ hơn và cụ thế hơn đâu là thực tại cần được cứu chuộc. Chính họ đã khiến cho người ta đẩy mạnh suy tư thần học – nhưng nếu tách rời khỏi thực tế, suy tư thần học rất có thể rơi vào tình trạng chẳng những cằn cổi mà còn có thể lừa dối con người. Mấy thập niên gần đây, người ta lại bắt đầu đưa việc phúc âm hóa ra đổi mới và thay đổi, nhờ đã suy tư về Giáo Hội một cách chín chắn và khi suy tư về Ki-tô học, người ta đã biết quan tâm nhiều hơn tới các khía cạnh khác nhau của con người Đức Ki-tô và của ơn cứu độ mà Đức Ki-tô đã vui lòng đón nhận.
Tóm lại, cần lưu ý rằng trong những thập niên gần đây đã có sự thay đổi trong sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội, cũng như đã có sự thay đổi sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội.
9. Thay đổi trong cách phúc âm hóa
Đành rằng thế giới truyền giáo đang rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Chưa bao giờ bằng bây giờ suy tư về hoạt động phúc âm hóa bị buộc phải xóa bỏ, làm lại và thay đổi. Đó cũng là điều dễ hiểu thôi, vì việc truyền giáo – nhất là truyền giáo ở ngoại quốc – luôn gắn liền với quan niệm của Giáo Hội về bản thân mình và về tương quan giữa Giáo Hội với thế giới. Việc truyền giáo bị ảnh hưởng sâu đậm nhất chính là việc truyền giáo "ad gentes"('cho muôn dân'), ảnh hưởng trực tiếp bởi sự xáo trộn của thời đại.
Bài viết này không muốn vẽ lại sự thay đổi hay sự xáo trộn trong tư duy triết học và thần học kèm theo đó, mà chỉ muốn nhắc lại rằng thế kỷ này vẫn còn suy tư theo hướng chủ nghĩa thần khải, nhờ đó nhân loại được coi là vẫn tốt tự bản chất và có thể tiến hóa vô hạn. Chúng ta đã có dịp thấy hậu quả của yếu tố này trong phần một của bài viết. Ki-tô Giáo có được chấp nhận hay không là tùy vào hậu quả ấy, khi nó có thể đáp ứng các chuẩn mực nằm trong giới hạn lý trí, sự hòa hợp và thẩm mỹ, khi nó có thể cộng tác với các yếu tố ấy để giải quyết các vấn đề của nhân loại. Đức Ki-tô chỉ có thể được coi là có giá trị khi Ngài được coi là hình ảnh của con người hoàn hảo, một tấm gương, một khuôn mẫu. Chính khoa học, kỹ thuật, niềm tin vào sự tiến hóa vô hạn đã gây ra sự bào mòn hay ít ra đã là sự phê bình chỉ trích với một khuôn mẫu phúc âm hóa nào đó. Có thể nói đức tin Ki-tô Giáo và từ đó, sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội hiện nay đang đứng trước một thế giới khác hẳn, tức là đang đứng trước những thách đố hoàn toàn bất ngờ. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chuyển tiếp, "trong vùng tranh chấp giữa một bên là mẫu thức truyền giáo không còn thỏa đáng nữa và một bên là mẫu thức vẫn còn mênh mông và mơ hò". Tuy nhiên, thật là đúng khi nói rằng chúng ta đã tiến tới chỗ không thể chối cãi được nữa là có hai vấn đề lớn chưa được giải quyết trong Giáo Hội và trong việc thi hành sứ mạng của Giáo Hội, vấn đề tương quan giữa Giáo Hội chúng ta với những thế giới quan đề nghị sự cứu độ hoàn toàn trần tục và tương quan giữa Giáo Hội chúng ta với các tôn giáo khác.
10. Phương pháp phúc âm hóa hiện nay
Quan niệm của Giáo Hội về mình cũng như giai đoạn lịch sử mà nhân loại đang bước vào bắt chúng ta phải thay đổi phương pháp phúc âm hóa. Như cha Paolo Manna nói, cái thực sự quan trọng chính là Nước Trời. Đó là điều duy nhất cần thiết, còn các thứ khác chỉ là tương đối, kể cả các truyền thống của Giáo Hội.
Trước khi nhìn vào bản chất của việc phúc âm hóa tại các mặt trận mới, cần phải có sự hoán cải như một tiền đề cần thiết để có thể phúc âm hóa các mặt trận mới.
Cần phải hoán cải hay
- Bỏ não trạng cho rằng việc truyền giáo đã hoàn tất, lấy châu Âu làm trung tâm, để chấp nhận tinh thần của một đàn chiên nhỏ như men xây dựng Nước Trời,
- Bỏ quan niệm cứu độ theo hướng thiêng liêng thuần túy để chấp nhận sự cứu độ toàn diện,
- Bỏ quan niệm về tình trạng có "nhiều miền truyền giáo" để chấp nhận tình trạng truyền giáo chung của cả Giáo Hội,
- Bỏ quan niệm về một Giáo Hội với những cơ chế để chấp nhận một Giáo Hội truyền giáo trong quyền năng Chúa Thánh Thần,
- Bỏ quan niệm về một mẫu thức đã trở thành định chế để chấp nhận việc truyền giáo sáng tạo,
- Bỏ quan niệm về sự truyền giáo phi nhập thể để chấp nhận việc truyền giáo trong các bối cảnh khác nhau.
Bức tranh mà đức Phao-lô VI mô tả trong 'Evangelii Nuntiandi" vẫn còn ý nghĩa lắm: ngài không muốn xác định một lần dứt khoát tất cả mọi môi trường và mô thức hoạt động. Ngài chỉ mô tả bản chất hay theo một nghĩa nào đó, mô tả hướng đi, còn hoàn toản để ngỏ cho các thợ giảng Tin Mừng tha hồ thử nghiệm và sáng kiến.
"Không có định nghĩa nào, mang tính cục bộ và manh mún" có thể giải thích thực tại phong phú, phức tạp và năng động của việc phúc âm hóa, bằng không có thể làm cho công cuộc ấy trở nên nghèo nàn và què cụt. Không thể nắm bắt thực tại ấy nếu không tìm cách nhìn hết tất cả mọi chi tiết cốt yếu" (số 17).
Đàng khác, cho dù dữ kiện căn bản nền tảng của tất cả mọi hoạt động phúc âm hóa có thế nào đi nữa – dữ kiện có giá trị làm cho hoạt động ấy được coi là đúng công cuộc phúc âm hóa – đức Phao-lô VI cũng cố gắng đưa ra một định nghĩa và kèm theo đó, một phương pháp luận cho việc phúc âm hóa:
"Đối với Giáo Hội, phúc âm hóa chính là mang Tin Mừng đến trong mọi tầng lớp nhân loại và nhờ ảnh hưởng ấy, làm biến đổi từ bên trong, làm cho nhân loại trở nên mới bằng cách lấy sức mạnh duy nhất từ Tin Mừng đảo lộn các tầng lớp ấy và hoán cải lương tâm cá nhân và tập thể của con người quay về với đời sống mới mẻ theo Tin Mừng" (cf. số 19-20).
Phúc âm hóa là một tiến trình lâu dài, không những để cứu vớt cá nhân mà còn để thay đổi xã hội bằng chính mặc khải của Chúa Cha trong Đức Ki-tô và phù hợp với mặc khải ấy. Đó chính là lý do tại sao Giáo Hội phải đi vào tận gốc rễ và các biến cố của nhân loại, chia sẻ thân phận của nhân loại, nỗ lực góp phần làm phát triển con người. Theo một nghĩa nào đó, sự ngăn cách giữa Nước Trời và lịch sử nhân loại, giữa Giáo Hội và xã hội, giữa tôn giáo và văn hóa, có liên quan với ơn cứu độ một cách hài hòa và hữu ích, tất cả đã được san bằng.
Tuy nhiên, Giáo Hội cũng là chất men có tính phê bình đối với xã hội, vì và nhằm phục vụ Nước Trời, bằng cách tố giác "hybris" của loài người, trong đó có một vài điểm đã bị lệch lạc. Công cuộc phúc âm hóa phải mang tính ngôn sứ là ở những chỗ đó, phải trở thành lời Chúa và sự phán xét của Chúa về lịch sử nhân loại, bằng cách theo đuổi và thực hiện sứ mạng cứu thế của Đức Ki-tô.
Một khi đã được chuộc về, Giáo Hội phải xây dựng nhân loại dựa trên các mối phúc thật, là hiến chương mang tính quy định và lập trình của Nước Trời, để nhân loại có thể trở nên đúng như Chúa Cha đã trù định và mong muốn. Vì thế, Giáo Hội phải đi xuống tận gốc rễ của loài người, nghiêng mình xuống với nhân loại khốn khổ nhất, bị ức hiếp và khai trừ nặng nề nhất, đồng thời tố giác những hệ thống bất công và bạo lực, góp phần định hướng các hằng tố làm nên lịch sử dựa vào sức mạnh và sự thật của Tin Mừng.
Tóm lại, Giáo Hội sẽ trở thành lực lượng phản lại văn hóa, Giáo Hội có mặt khắp nơi nhưng không cư ngụ vĩnh viễn ở bất cứ quốc gia hay quyền lực nào. Vai trò và sứ mạng của Giáo Hội luôn mang tính phê bình và biện chứng. Bởi đó, Giáo Hội không thể nào đồng hóa mình với bất cứ cách thế hành động nào của thế gian, không thể tham gia vào một cách xử lý nào có tính thiết định hay ngoại giao của thế gian, mà chỉ đón nhận ánh sáng, sức mạnh và phương hướng từ Lời Chúa hay Lời Đức Ki-tô.
Đó chính là bối cảnh mà những người tham gia công cuộc phúc âm hóa của Giáo Hội phải đặt mình vào mỗi khi cẩn thận phân tích tình hình nhân loại, những tình hình cho thấy nhân loại chưa được cứu chuộc, để đưa hạt giống Lời Chúa vào đó – là nhân tố duy nhất có khả năng thực hiện sự cứu độ cho con người, văn hóa và các hệ thống của con người.
Đó chính là sự cứu độ toàn diện có liên quan tới con người và đụng chạm tới tất cả gì những có liên quan tới con người, hay đụng chạm tới tất cả những gì là của con người, như đức Phao-lô VI đã nói trong "Ecclesiam Suam" ('Hội Thánh của Người') năm 1966.
Dựa theo "L'ère nouvelle de l'humanité" của Vito Del Prete trong cuốn "La Bonne Terre – Réflexions sur l'Évangélisation", do Emilia Paola Pacelli xuất bản, trực thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, Roma tháng 3/2010.
Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành