Cuộc đối thoại giữa hai Giáo Hội
Anh giáo và Công giáo
Trong địp này hai vị đã ra tuyên ngôn chung bầy tỏ ước mong tiếp tục cuộc đối thoại đại kết đã bắt đầu hồi năm 1970 với việc thành lập Ủy ban quốc tế đối thoại Anh giáo Công giáo I, và tiếp tục từ năm 1983 với Ủy ban quốc tế đối thoại Anh giáo Công giáo II, nhằm thắng vượt các chia rẽ, hậu qủa của vụ ly giáo hồi thế kỷ XVI. Phiên họp cuối cùng của Ủy ban quốc tế đối thoại Anh giáo Công giáo III đã diễn ra trong các ngày từ 29 tháng 4 đến mùng 7 tháng 5 năm 2013 tại Rio de Janeiro, bên Brasil. Bản tường trình như kết qủa của giai đoạn đối thoại thứ ba này liên quan tới đề tài Giáo Hội như sự Hiệp thông, tại địa phương và trên bình diện hoàn vũ.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục David Moxon, giám đốc Trung tâm Anh giáo tại Roma, kiêm đại diện Đức Tổng Giám Mục Canterbury, về vần đề này.
Đức Cha David John Moxon sinh năm 1951 tại Palmerston North bên Niu Dilen, và đã từng theo học tại đại học Massey ở Canterrbury bên Anh quốc. Cho đến cuối năm 2012 Đức Cha Moxon là Giám Mục giáo phận Waikato bên Niu Dilen. Hồi tháng 12 năm 2012 ngài đã được đề nghị vào hai chức vụ nói trên và đã bắt đầu làm việc vào tháng 5 năm 2013. Tin Đức Tổng Giám Mục Moxon chấp nhận lời đề nghị này đã khiến cho Đức Tổng Giám Mục Rowam Williams rất vui mừng, vì theo ngài Đức Cha Moxon là một trong ít người có đủ mọi đức tính và khả năng thích hợp để chu toàn hai nhiệm vụ này.
Như là người đại diện Đức Tổng Giám Mục Canterburys, Đức Tổng Giám Mục Moxon vừa đặc trách liên lạc với Tòa Thánh và Đức Giáo Hoàng vừa điều khiển Trung tâm Anh giáo tại Roma. Trung tâm này giống như một loại ”tòa đại sứ” thăng tiến sự hiệp nhất kitô qua các sinh hoạt tiếp đón, cầu nguyện và giáo dục phát huy đại kết.
Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Moxon, xin Đức Cha cho biết Bản tường trình đề cập tới các vấn đề nào trong cuộc đối thoại giữa hai Giáo hội Anh giáo và Công giáo?
Đáp: Bản tường trình sẽ đề cập tới ba vấn đề: chúng ta có chung những gì, và tại sao chúng ta lại làm chung với nhau những gì chúng ta đang làm? Chúng ta đang làm việc gì hiện nay, chúng ta không hoàn toàn đồng ý với nhau nhưng chúng ta có thể trông thấy một tiềm năng đồng thuận hay không? Và sau cùng chúng ta đang không đồng ý với nhau về cái gì, chúng ta có thể đồng ý với nhau về cái gì? Tôi tin là chúng ta có thể làm được các bước tiến lớn.
Nhưng bên cạnh điều này, chúng tôi cũng sẽ nhìn vào ”phong trào đại kết thu nhận”, một phong trào đại kết rộng mở, là một phương pháp, theo đó chúng ta tiến lại gần nhau, giữa các Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau trên thế giới, trong tinh thần cộng tác, nâng đỡ và học hỏi với nhau. Đây là phương thế hơn là nội dung. Nhưng tôi tưởng tượng rằng bản tường trình dự kiến một phần thứ hai, tập trung nơi việc tiếp nhận phong trào đại kết. Ở đây tại Roma có rất nhiều thí dụ: việc chống lại các hình thức nô lệ hiện đại và việc buôn bán người, nó là một thí dụ chính xác cụ thể về phương pháp đại kết.
Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha đã nói rằng Ủy ban đã đi được một nửa đường rồi trong việc soạn thảo bản tường trình này. Khi nào thì nó sẽ kết thúc?
Đáp: Tôi nghĩ cần phải hai ba năm nữa, và tôi tin rằng sau cùng chúng ta sẽ có một tài liệu rất hay, không phải chỉ liên quan tới những người liên hệ trong cuộc đối thoại đại kết. Tôi hy vọng nó sẽ là một tài liệu, trong đó người ta có thể tìm thấy một nền thần học soạn thảo được chia sẻ, một nền thần học chia sẻ trên kiểu chúng ta đưa ra các quyết định, một nền thần học chia sẻ liên quan tới các sứ mệnh chung, và hy vọng người ta có thể trông thấy trong đó một loại sách hướng dẫn cho sự cộng tác với nhau trên lãnh thổ, mỗi người trong nhà mình.
Hỏi: Thưa Đức Cha, có lẽ Đức cha đã nghe một trong các vị Tổng Giám Mục Canterbury tiền nhiệm đã nói rằng nhiều người coi các cuộc đối thoại của Ủy ban quốc tế đối thoại Anh giáo Công giáo này đã diễn ra từ 40 năm nay, không quan trọng, bởi vì chúng đã không sản xuất ra được các kết qủa lớn lao nào, và rằng nếu người ta sẽ không trông thấy các tiến bộ cụ thể, người ta sẽ mất hết sự chú ý vào sáng kiến đại kết. Đức Cha nghĩ sao về nhận xét này?
Đáp: Tôi nghĩ rằng nó là một thách đố nghiêm chỉnh, và tôi sẽ trả lời như trong tư cách là thành viên của Ủy ban này: đã có nhiều kết qủa nảy sinh từ các cuộc đối thoại này, trong đó có một mạng mới gọi tắt là IARCUM ”Ủy ban quốc tế Anh giáo Công giáo về sự hiệp nhất và Sứ mệnh”, là Ủy ban đã được thành lập để quảng cáo, thăng tiến và giáo dục tín hữu liên quan tới các kết qủa đạt được trong các cuộc đối thoại. Chúng có thể liên quan tới các đĩa Video DVD, nghiên cứu các trang địa chỉ trên mạng, bất cứ ai trên thế giới giờ đây đều có thể trông thấy những gì đã được thỏa thuận và đạt được giữa hai Giáo Hội. Và chúng ta đang nói tới 80% của sự thỏa thuận liên quan tới Đạo lý chung, điều mà không có người dân nào có thể nghĩ rằng đã đạt được.
Chúng tôi có một thỏa thuận liên quan tới Bí tích Thánh Thể, chúng tôi có các thỏa thuận liên quan tới Bí tích Rửa Tội, Chức Linh Mục - nói một cách nòng cốt - Thế rồi chúng tôi cũng có một thỏa thuận liên quan tới sự hiệp thông của Giáo Hội. Tất cả những điều này đã không có cách đây 40 năm. Chúng ta có thể chủ sự chung các lễ nghi hôn phối, chúng ta có thể chia sẻ phụng vụ Lời Chúa đại kết, phụng vụ ngày Thứ Tư lễ Tro. Cách đây 40 năm thì tất cả những điều này đã không thể nghĩ tới được. Thiên Chúa bước đi trong lịch sử nhưng theo các thập niên: không thể đo lường các bước đi của Người từng năm được.
Tuy nhiên, tôi phải nói rằng cả chúng ta nữa cũng đang đứng trước một cái gì mới mẻ thực sư, sẽ đem lại các hoa trái: đó là sự cộng tác trong các việc truyền giáo. Tôi nghĩ rằng việc truyền giáo phải là đầu máy mới của phong trào đại kết; sự dấn thân chung cho công lý, sự phát triển, công tác rao truyền Tin Mừng sẽ luôn ngày càng hiển nhiên và được khích lệ hơn. Như tôi đã nói, một thí dụ sáng ngời là thỏa thuận toàn diện về tệ nạn nô lệ mới và việc buôn người như là tội phạm chống lại nhân loại, và mới đây hai Giáo Hội Công giáo và Anh giáo sẽ góp phần vào việc đạt được trong một mạng lưới tự do toàn cầu.
Hỏi: Thưa Đức Cha Moxon, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám Mục Welby xem ra là những người đầu tiên chú tâm tới các sáng kiến cụ thể trong lãnh vực truyền giáo. Điều này có ảnh hưởng một cách nào đó trên kiểu hướng dẫn các cuộc đối thoại thần học hay không?
Đáp: Tôi nghĩ là có, và nốt nền tảng đã là bài giảng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói hồi tháng giêng tại Vương cung thành đường thánh Phaolô ngoại thành, trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô. Trong địp đó ngài đã nói rằng: ”Giờ đây chúng ta phải làm việc với nhau, như thể là sự hiệp nhất đã là một thực tại, chứ không bước tới sự hiệp nhất như là một đích điểm ở ngoài chân trời”. Chúng ta hãy bước đi bây giờ đây trong tinh thần hiệp nhất. Như tôi đã nói, chúng ta có một bí tích Rửa Tội chung, và điều này diễn tả mức độ hiệp thông khác nữa! Cùng nhau bước đi trong căn tính rửa tội của chúng ta, trong sự hiệp thông rửa tội, có nghĩa là chúng ta có thể đạt tới một kết quả lớn bây giờ đây. Và Đức Thánh Cha đã cũng đã nói với chúng ta rằng: ”Anh em hãy sống, hãy nói và hãy hành động như thể là điều có thể bây giờ”. Và tôi tin rằng điều này là là kiểu tiếp cận mới của một sự hiểu biết hoàn toàn mới mẻ.
Hỏi: Chúng ta hy vọng sẽ mau trông thấy Đức Tổng Giám Muc Canterbury tại Roma này, sau các cuộc gặp gỡ của Ủy ban quốc tế đối thoại Anh giáo Công giáo. Đức Cha có các hy vọng nào trong cuộc gặp gỡ này?
Đáp: Nó khiên tôi rất xúc động. Cuộc gặp gỡ đầu tiên hồi tháng 7 năm 2013 đã vô cùng hữu ích: sự đồng thanh đã lập tức, đã hầu như có một tia lửa tóe ra... tôi đã hiện diện tại đó và tôi đã trông thấy. Hai vị là hai người thực sự hài lòng về sự hiện diện và đồng hành của nhau. Hai vị ở trên cùng một làn sóng. Khi người ta nói tới mục vụ, rao giảng Tin Mừng, các nhu cầu của thế giới, ưu tiên cho người nghèo, sự chân thành, sống một cách đơn sơ, trong sáng, tình trạng dễ bị thương tích, nói với tình yêu thương và sự thật... đã có sự đồng vận ngay lập tức. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó lần này vào tháng 6 có thể được đẩy lên các mực độ cao hơn nữa. (RG 14-5-2014)
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 09.06.2014)
http://conggiao.info/news/390/23235/cuoc-doi-thoai-giua-hai-giao-hoi-anh-giao-va-cong-giao.aspx