Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ơn Đạo Đức
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 4 tháng 6 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Ơn Đạo Đức.
* * *
Anh chị em thân mến, Chào anh chị em.
Hôm nay chúng ta muốn suy niệm về một ơn Chúa Thánh Thần thường bị hiểu lầm hoặc bị người ta nghĩ đến một cách hời hợt, và đáng lẽ nó chạm vào trung tâm của căn tính chúng ta và đời sống Kitô hữu của chúng ta: đó là ơn đạo đức.
Cần phải nói rõ rằng ơn này không phải là có lòng từ bi đối với một người nào đó, có lòng thương xót người khác, nhưng nó chứng tỏ rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa và cho thấy mối liên hệ sâu xa của chúng ta với Thiên Chúa, một mối liên hệ mang lại ý nghĩa cho toàn thể cuộc đời chúng ta và giữ cho chúng ta được vững mạnh và hiệp thông với Ngài, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất.
1. Mối liên hệ này với Chúa không chủ ý là một nhiệm vụ hay một sự áp đặt. Nó là một mối liên hệ phát xuất từ bên trong. Đó là một mối liên hệ được sống bằng con tim: đó là tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa, được Chúa Giêsu ban cho chúng ta, một tình bằng hữu thay đổi đời sống chúng ta cùng đổ đầy nhiệt tình và niềm vui trên chúng ta. Do đó, ơn đạo đức trước hết đánh thức trong chúng ta lòng biết ơn và chúc tụng.
Thực ra, điều này là động cơ và ý nghĩa đích thực nhất của việc phụng tự và tôn thờ của chúng ta. Khi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa và tất cả tình yêu của Ngài dành cho chúng ta, Ngài sưởi ấm tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta một cách hầu như hoàn toàn tự nhiên để cầu nguyện và cử hành. Cho nên ơn đạo đức đồng nghĩa với tinh thần đạo đức đích thực, với niềm tin tưởng của con thảo đối với Thiên Chúa, với khả năng cầu nguyện cùng Ngài bằng tình yêu và sự đơn thành đặc trưng của những người khiêm nhường trong lòng.
2. Nếu ơn đạo đức làm cho chúng ta lớn lên trong mối liên hệ và hiệp thông với Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến việc sống như những con cái của Ngài, thì đồng thời cũng giúp chúng ta đổ tình yêu này trên những người khác và nhận ra họ là anh em. Và sau đó, vâng, chúng ta sẽ được thúc đẩy bởi những tình cảm đạo đức – chứ không phải chủ nghĩa đạo đức! - trong việc đối xử với những người chung quanh chúng ta và những người chúng ta gặp hằng ngày. Tại sao tôi nói không phải chủ nghĩa đạo đức? Tại vì có một số người nghĩ rằng đạo đức là nhắm mắt lại, làm cho một khuôn mặt giống như hình một thánh nhân, giả vờ là một vị thánh. Ở Piedmont chúng tôi nói là: làm một “mugna quacia.” Đó không phải là ơn đạo đức.
Ơn đạo đức thực sự có nghĩa là có thể vui với người vui, khóc với người khóc, gần gũi những người cô đơn hoặc lo lắng, sửa sai những người lầm lạc, an ủi những người đau khổ, chào đón và giúp đỡ những người thiếu thốn. Có một liên hệ rất chặt chẽ giữa ơn đạo đức và sự hiền lành. Ơn đạo đức mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta làm cho chúng ta trở nên hiền lành, làm cho chúng ta trở nên bình tĩnh, kiên nhẫn, trong bình an với Thiên Chúa và phục vụ người khác với sự hiền lành.
Các bạn thân mến,
Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Tông Đồ Phaolô nói: “Vì tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì anh em đã không nhận được thần khí nô lệ làm cho anh em lại phải sợ hãi, nhưng anh em đã nhận Thần Khí làm nghĩa tử, bởi đó cho chúng ta kêu lên, ‘Abba! Cha ơi!’” (Rom 8:14-15).
Chúng ta hãy cầu xin Chúa để ơn của Chúa Thánh Thần có thể chinh phục sự sợ hãi của chúng ta, sự thiếu chắc chắn của chúng ta, kể cả tinh thần bồn chồn và thiếu kiên nhẫn của chúng ta, cùng có thể làm cho chúng ta vui mừng làm chứng cho Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, thờ phượng Chúa trong chân lý và cũng phục vụ tha nhân trong sự hiền lành và luôn luôn với một nụ cười mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trong niềm vui. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta ơn đạo đức.
http://vietcatholic.net/News/Html/125368.htm