Đại dương sẽ cứu sống nhân loại
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các thuốc kháng sinh ngày nay đang trở nên kém tác dụng đối với nhiều bệnh truyền nhiễm và vi trùng.
Dữ liệu được thu thập từ 114 quốc gia trên khắp các châu lục cho thấy, đây không đơn thuần là vấn đề mang tính khu vực, chỉ của riêng các nước nghèo và đang phát triển hay chỉ với các nước giàu, mà là xu hướng chung đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Nhiều năm trước đây, các nhà khoa học Nga đã từng cảnh báo không nên vội dùng thuốc kháng sinh khi con người mới chỉ “hắt hơi” vài lần đầu. Cơ thể sẽ quen thuốc, các vi khuẩn và vi sinh vật sẽ thích ứng thuốc, đồng thời biến đổi sang những dạng mới, nguy hiểm hơn.
Nhưng không chỉ mỗi điều này làm cho các kháng sinh hiện nay kém hiệu quả. Như đã đề cập trong báo cáo của WHO, thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm và chăn nuôi ở Hoa Kỳ, Australia, New Zealand và các nước khác, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng nhanh cho gia súc, gia cầm. Ở châu Âu, việc làm này đã bị hạn chế từ năm 2001. Nhưng khó có thể ngừng hẳn quá trình này.
Để tạo ra một loại thuốc hiệu quả, được nghiên cứu toàn diện về chống chỉ định, cần thời gian ít nhất từ 20 đến 30 năm. Ở Vladivostok hiện nay đang gây dựng cơ sở cho sản xuất thuốc thử nghiệm có nguồn gốc từ biển. Dòng chiết xuất từ tảo nâu và tảo đỏ đã được hình thành.
Đây là một trong những công việc tích cực, hưởng ứng Tổ chức Y tế thế giới với lời kêu gọi các nhà dược phẩm khẩn trương phát triển dạng thuốc mới thay thế các thuốc dần trở nên vô dụng. Hy vọng con người sẽ không phải chờ đợi cái chết từ một vết xước đơn giản hay do ngộ độc thức ăn.
Bảo Anh (theo Vietnamese.ruvr.ru)