Giáo hoàng Hồi giáo ở đâu?

Ngày nay, các tín đồ Hồi giáo cần một vị lãnh đạo tinh thần. Vị lãnh đạo đó sẽ ủng hộ các quyền của những người không theo Hồi giáo nhưng sống tại các nước có đa số dân là tín đồ Hồi giáo, họ được giữ niềm tin tôn giáo khác với chính quyền, và có tiếng nói đối với 1 tỷ tín đồ Hồi giáo...

Giáo hoàng Hồi giáo ở đâu?

Tín đồ Hồi giáo Haris Raja viết:

“Cuộc bầu ĐGH Phanxicô đã làm nên lịch sử. Mọi con mắt nhìn làn khói bay lên từ ống khói của Nguyện đường Sistine, nơi các Hồng y quy tụ để bầu Giáo hoàng. Đó là cuộc bầu cử quan trọng vì nhiều người quan tâm về mối đe dọa về tự do tôn giáo và bách hại các Kitô hữu ngày càng gia tăng trên khắp thế giới”.

Haris Raja, cựu binh Hồi giáo Hoa Kỳ và là thư ký của tổ chức thanh niên Majlis Khuddamul Ahmadiyya ở Hoa Kỳ, nói: “Có một làn khói không gây chú ý nhiều từ các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Chỉ mấy ngày trước khi bầu vị tân giáo hoàng, một người Hồi giáo quá khích đã đốt những ngôi nhà và các tòa nhà của các Kitô hữu ở Lahore, Pakistan. Tại sao? Vì có một Kitô hữu bị coi là phỉ báng vị Tiên tri của Hồi giáo. Là một tín đồ Hồi giáo Hoa Kỳ, tôi cảm thấy có liên can các vụ này”.

Raja cho biết thêm: “Là một tín đồ Hồi giáo, tôi chú ý tới cái tên mới của vị tân giáo hoàng: Phanxicô. Cái tên này biểu hiện sự khiêm nhường và giản dị dù tôi khâm phục Giáo hoàng Phanxicô vì lý do khác nữa”.

Năm 1219, sau cuộc Thập tự chinh thứ năm, trong thời gian đàm phán đình chiến và hòa bình giữa Kitô giáo và Hồi giáo, Thánh Phanxicô Assisi đã hợp tác với vua Ai Cập là Malik al-Kamil. Nói về Thánh Phanxicô và vua Malik al-Kamil, John Tolan viết: “Nếu Thập tự quân đưa ra ‘cuộc xung khắc văn minh’ thì cuộc gặp gỡ hòa bình giữa Thánh Phanxicô và vua Malik al-Kamil đưa ra một tia hy vọng”. Ký giả Thomas Cahill viết trong bài “The Peaceful Crusader” (Thập Tự Quân Hòa Bình) trên báo New York Times: “Chúng ta vô vọng về các nhân vật đương thời như vua Kamil và Thánh Phanxicô Assisi để tạo ra cuộc đối thoại đổi mới”.

Thế giới Kitô giáo đã có một Phanxicô Assisi, nhưng còn một Malik al-Kamil từ thế giới Hồi giáo vẫn ở đâu?

Là người Mỹ gốc Pakistan, tôi cảm thông với cộng đồng Kitô giáo ở Pakistan. Trong thập niên 1980, tướng Zia đã ra luật gay gắt đối với việc phỉ báng của Pakistan để cố gắng “Hồi giáo hóa” đất nước. Gần 1.000 trường hợp phỉ báng đã xảy ra từ năm 1988. Năm 2010, một luật riêng được đưa ra để chấn chỉnh luật phỉ báng nhưng bị rút lại vào năm 2011 do áp lực của các nhóm tôn giáo. Năm 2011, hai nhà lãnh đạo uy tín tại Pakistan đã bị ám sát vì chống lại luật này.

Vụ đốt 178 ngôi nhà của các Kitô hữu tại Pakistan không là duy nhất. Năm 2011, một người đã tấn công cộng đồng Kitô giáo tại Gujranwala. Năm 2009, một nhà thờ ở Gojra đã bị đốt, khiến 6 Kitô hữu thiệt mạng, trong đó có một trẻ em.

Pakistan không là nước duy nhất vi phạm các quyền của các dân tộc ít người. Trung tâm Nghiên cứu Pew về Tôn giáo và Cộng đồng đã tường trình về sự kỳ thị tôn giáo và luật chính phủ hạn chế tôn giáo hoặc thể hiện tín ngưỡng trên thế giới. Nhiều nước Hồi giáo có trong danh sách này. Chẳng lạ gì khi ĐHY McCarrick phải quan ngại!

Lịch sử đã minh chứng sự sống chung hòa bình của các tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo. Cũng trong sách đó, John Tolan xác định rằng các Kitô hữu và các tín đồ Do Thái giáo tại các nước Hồi giáo “được tự do hành đạo, tự do sử dụng các giáo đường Do Thái, các nhà thờ và các tu viện”.

Với tinh thần tự do tôn giáo trong “khế ước” mà Tiên tri Muhammad viết cho các tu sĩ tại tu viện Thánh Catharine, Muhammad đã tuyên bố rằng sẽ không bách hại các Kitô hữu “gần hoặc xa”, và các nhà thờ sẽ được tôn trọng.

Ngày nay, các tín đồ Hồi giáo cần một vị lãnh đạo tinh thần. Vị lãnh đạo đó sẽ ủng hộ các quyền của những người không theo Hồi giáo nhưng sống tại các nước có đa số dân là tín đồ Hồi giáo, họ được giữ niềm tin tôn giáo khác với chính quyền, và có tiếng nói đối với 1 tỷ tín đồ Hồi giáo.

Trầm Thiên Thu