ĐTC nhắc tới Lễ Đen
dưới góc nhìn sử học
Trần Mạnh Trác
Lễ Quỉ còn được gọi là Lễ Đen (Black Mass). Trong bài này chúng tôi sẽ dùng chữ Lễ Đen vì đó là một danh từ thông dụng hơn.
Nói cách vắn tắt Lễ Đen là một sự Xúc Phạm trực tiếp đến bí tích Thánh Thể, nghi lễ cực trọng và là tâm điểm cuả đức tin Công Giáo.
Nhân dịp Ngày Thánh Thể tại đan viện Biển đức Thiên Tâm sắp khai mạc (từ mùng 5 cho đến 8 tháng 6, 2014), chúng ta cũng nên tìm hiểu về Lễ Đen để hiểu tại sao đó là một sự Xúc Phạm tới Thánh Thể.
Hy vọng sự hiểu biết này sẽ thúc đẩy mọi người yêu mến Thánh Thể hơn và làm việc đền tạ một cách sốt sắng hơn.
Những tài liệu về Lễ Đen
Các nhà sử học khi tường thuật về Lễ Đen thường dùng những biên bản cuả các toà án và những 'ký sự' (heresiology) ghi chép lại những thảo luận giáo lý cuả Giáo Hội qua nhiều thế kỷ.
Những tài liệu đó được gạn lọc để loại bỏ những nghi ngờ (ví dụ có thể là những điều bịa đặt vì lúc đó đang có tranh chấp,) và cũng sẽ bị loại bỏ những vấn đề có liên hệ đến tâm linh vì chúng bị đánh giá là huyền hoặc, tâm bệnh hoặc khá lắm thì chỉ là những ý kiến chủ quan.
Còn có những tư liệu tôn giáo khác, goị chung là confessional document ( tài liệu giải tội) ví dụ như những án từ cuả Toà Ân Giải, lời chứng và lời tự thú, thì chỉ được coi là có giá trị về tâm lý xã hội cuả một cá nhân nào đó chứ không được coi là những biến cố lịch sử khách quan.
Vì gạn lọc nhiều như thế cho nên quan điểm cuả các nhà sử học thường không khẩn trương với vấn đề Lễ Đen cho bằng quan điểm cuả Giáo Hội.
Nhưng trong bài này chúng tôi sẽ chỉ bàn về Lễ Đen dưới cái nhìn cuả sử gia mà thôi chứ không đi vào lãnh vực siêu nhiên, thiết nghĩ rằng dù với cái nhìn hạn hẹp đó mà thôi thì cũng đủ cho thấy Lễ Đen đã là một điều đáng "ghê tởm" rồi (muợn lời cuả Bà Viện Trưởng DH Harvard Drew G. Faust, là một sử gia nổi tiếng.)
Lịch sử cuả Lễ Đen
Không như luận điệu cuả những nhóm 'thờ Quỉ' tân thời nhận vơ là truyền thống Lễ Đen đã có từ lâu đời, và do đó việc thực hành này là một sự tiếp tục cuả một nền văn hoá, Giáo sư J. Gordon Melton, dậy môn lịch sử tôn giáo ở trường DH Baylor University cho biết rằng bằng chứng lịch sử về Lễ Đen trong quá khứ thì ít ỏi và không có chứng cớ nào là Lễ Đen đã được thực hành một cách liên tục bởi một tổ chức nào cả.
1- Những sai lạc trong thời kỳ Giáo Hội Sơ Khai
Ngay từ thời Giáo Hội còn sơ khai thì bí tích Thánh Thể đã là một bí tích cao trọng nhất và được tôn kính bằng nhiều hình thức rất khác nhau, mãi cho tới khi Giáo Hội qui định xong một nghi lể chung mà chúng ta gọi là Lễ Misa thì các nghi thức về Thánh Lễ mới được thống nhất.
Trong giai đoạn giao thời đó, đã có những sai lạc bị Giáo Hội kết án, thí dụ như đám lạc giáo Borborites (một môn phái Gnostic) bị tố cáo là khuyến khích những hành động dâm ô trong thánh lễ và phạm tội ác như phá thai các thiếu nữ bị tai nạn mang bầu trong các lễ như thế.
Theo một số sử gia thì những sự việc ghê gớm kể trên chỉ là những vu cáo để loại trừ nhóm này chứ không chắc có thật. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng vào giai đoạn Giáo Hội sơ khai đó, ảnh hưởng cuả các nghi lễ tôn thờ dị thần vẫn còn đầy rẫy và vì vậy mà những sự việc khủng khiếp còn sót lại từ việc cúng tế các tà thần cũng có thể đã xảy ra.
2- Những sự phạm thánh trong thời Trung Cổ
Vào thời Trung Cổ, trong lúc nghi thức Phụng Vụ cuả Thánh Lễ chưa được xác định rõ ràng như ngày nay, thì ở một số nơi, như bên Pháp, đã thịnh hành những nghi thức 'cá nhân' như Thánh Lễ cầu cho gia xúc mắn đẻ, Thánh Lễ để tìm người yêu, thậm chí có cả Thánh Lễ để trù ếm kẻ thù vv..Giáo Hội kết án những hình thức như thế là 'phạm thánh' (sacrilegious).
Cũng trong thời này, quyền lực cuả Giáo Hội bao trùm khắp Âu Châu, và nhiều phong trào đã lấy chứng cớ 'phạm thánh' để bài trừ các 'phù thủy' ở khắp nơi. Thời gian này để lại cho chúng ta nhiều tài liệu tố cáo những tên phù thuỷ ăn cắp Mình Thánh để làm buà ngãi.
Một lần nữa, một số sử gia coi những tài liệu này chỉ là những vu cáo bịa đặt nhằm tiêu diệt những người cạnh tranh với Giáo Hội là phù thủy. Nhưng GS Melton thì không ngạc nhiên, ông cho rằng những sự ăn cắp Mình Thánh để làm buà ngãi đã xảy ra thường xuyên hơn là chúng ta tưởng. Ông cho biết người ta vẫn tin rằng "con người có thể dùng những sự huyền bí để điều khiển vũ trụ làm sao cho có lợi cho mình."
3- Lễ Đen thời Thế Kỷ 16
Những lạm dụng trên Thánh Lễ cho đến nay được gọi bằng nhiều danh từ khác nhau như lạm dụng, phạm thánh, sai lạc, vv.. Vị học giả và thẩm phán người Pháp tên là Jean Bodin cuả Thế Kỷ 16 có lẽ là người đầu tiên mô tả một việc gọi là 'Lễ Đen' trong sách 'De la démonomanie des sorciers' (Bàn về sự cuồng tín cuả phù thuật) (1580). Trong sách đó ông mô tả nhiều ma thuật cuả giới phù thủy. Ông tố cáo bà hoàng hậu Catherine de Medici đã thực hiện một Lễ Đen với những chi tiết ma quái rùng rợn. Nhưng bởi vì mục đích cuả ông là vận động chống lại giới phù thủy cho nên các sử gia loại bỏ tính cách lịch sử cuả ông.
4- Lễ Đen thời Vua Louis XIV
Lễ Đen đầu tiên được sử gia công nhận là vào thời vua Louis XIV của nước Pháp (1638 – 1715). Ông vua này muốn dùng ma thuật để củng cố tình yêu cuả một mỹ nữ tên là Françoise Athénaïs (còn gọi là Madame de Montespan.) Ông dung nạp một linh mục Công Giáo đã bị thất sủng và ông linh mục này đã kết hợp Thánh Lễ với những nghi lễ cuả tà giáo để thực hiện một Lễ Đen.
Mục đích là để chế ra một loại dung dịch huyền bí bằng cách pha trộn Mình Thánh vào máu cuả một đưá trẻ sơ sinh bị giết ngay trong giây phút Truyền Phép.
"Họ lấy mạng một em bé trong buổi Lễ Đen đầu tiên", GS Melton than thở.
Những Lễ Đen kế tiếp cũng xảy ra trong thời vua Louis XIV và thực hiện ở cơ sở cuả mụ phù thủy giàu có có tên là Catherine Monvoisin (còn gọi là La Voisin) do ông linh mục Étienne Guibourg làm chủ tế, thường là để phục vụ cho những thân chủ quyền quí.
Mãi sau khi vụ "L'affaire des poisons" (vụ thuốc độc) bị phanh phui và mụ phù thuỷ Monvoisin bị đưa ra toà thì người ta mới hiểu rõ thêm về chi tiết Lễ Đen lén lút cuả mụ và linh mục Guibourg, đại khái đó là một Lể Misa thực sự, nhưng bàn thờ là tấm thân loã lồ cuả một phụ nữ, thường là cuả mụ Madame de Montespan, hai tay cầm nến. Mình Thánh sau khi truyền phép được dùng để chế tạo buà yêu.
Những Lễ Đen như thế có tên gọi là nghi thức Guibourg (tên cuả vị linh mục) và trở thành cái mẫu chung cho các Lễ Đen sau này.
Mụ Monvoisin có rất nhiều thân chủ và tổ chức những chi nhánh thành một mạng lưới rộng lớn với nhiều đồng nghiệp và trợ lý, mụ sản xuất ra cả thuốc độc để giết người và do đó bị đổ bể. Trong số các Lễ Đen mà mụ thực hiện, một vài buổi lễ đắt giá có hài nhi bị giết. Hài nhi bị đặt trong một cái bình lớn trên bụng người phụ nữ và bị thọc huyết.
Trong khoảng thời gian nhiều năm trước khi mụ bị bắt, đã có nhiều gia đình khai báo với Cảnh Sát là có trẻ em bị mất tích nhưng Cảnh Sát đã làm ngơ và khi sự việc đến tai vua Louis XIV thì nhà vua vội ra lệnh xử kín và tiêu hủy mọi biên bản. Mụ Monvoisin mau chóng bị đốt trên giàn hoả còn linh mục Guibourg bị gông cùm cho đến chết.
5- Lễ Đen thời Thế Kỷ 19, 20
Sau hai thế kỷ 16 và 17 thì tài liệu ghi chép về Lễ Đen không còn có là bao nhiêu, và nếu có một dấu tích nào, thì rất hiếm nó đã xảy ra từ một tập đoàn có tổ chức, theo lời GS Melton.
Vào cuối thế kỷ 19, một văn sĩ Pháp tên là Charles-Marie-Georges Huysmans (bút hiệu Joris-Karl Huysmans) đã mô tả một Lễ Đen trong cuốn tiếu thuyết Là-bas (ở dưới đó, 1891).
Dù cho là một tiểu thuyết giả tưởng, những mô tả cuả Huysmans đã được nhiều người chú ý, đơn gỉan chỉ vì vào lúc đó không có cuốn sách nào đề cập đến nhiều chi tiết như thế. Mục đích của cuốn tiểu thuyết là để chế nhạo Quỉ chứ không phải là chống đối Hội Thánh.
Những nhóm 'thờ Satan' ngày nay khi muốn thực hiện một Lễ Đen nơi công cộng, thì luôn tuyên bố rằng chúng trình diễn sự việc dựa theo Huysmans để tránh cái tiếng là 'thù hận' với Giáo Hội.
Mặc dù trong hai thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã có nhiều tác phẩm khác đề cập đến Lễ Đen ở nước Pháp, nhưng không có một văn bản nào hướng dẫn nghi thức chi tiết ra cả. Những hướng dẫn chỉ xuất hiện sau những năm 1960, không phải ở bên Pháp mà ở bên Hoa Kỳ.
Cho nên, để trả lời câu hỏi liệu những nhóm tín đồ cuả Satan có thể yêu sách quyền thực hiện ở nơi công cộng một Lễ Đen vì lý do truyền thống hay tôn giáo không, GS Melton cho biết Lễ Đen không thể coi như là một nghi thức cuả một tôn giáo nào cả "Nhiều lắm thì nó chỉ là một sự nhạo báng một tôn giáo (Công Giáo) mà thôi. "
"(Từ trước) Cho đến những năm 1960, tài liệu về Lễ Đen có giá trị lịch sử thì rất ít và cách xa nhau. Và các nghi lễ thường là một cái gì đó khá bất hợp pháp như sử dụng máu, mạo phạm Giáo Hội hoặc, ít nhất, ăn cắp một Mình Thánh," GS Melton cho biết.
6- Lễ Đen ngày nay
Lễ Đen ngày nay, theo nghi thức cuả nhóm 'Giáo Hội cuả Satan' ở San Francisco hay nhóm 'đền thờ Satan' ở New York, thì căn bản là dựa trên các nghiên cứu cuả Henry Taylor Fowkes Rhodes trong một cuốn sách tên là "The Satanic Mass," (Lễ cuả Satan) xuất bản năm 1954, rồi được tên Anton Szandor LaVey là người sáng lập ra 'Giáo Hội Nguyên Thủy cuả Satan' (First Church of Satan) ở San Francisco chế biến thêm ra.
Trong sách The Satanic Mass, Rhodes viết rằng ông không có một 'nguồn tin đầu tay' nào về nghi Lễ Satan (Black Mass) cả. Những chi tiết mà ông mô tả về Lễ Đen chỉ là những hỗn hợp dựa vào những điều đã biết dưới thời vua Louis XIV và cuốn tiểu thuyết giả tưởng của Huysmans. Nói cách khác, ông không thực sự chứng kiến một Lễ Đen nào, chỉ suy đoán ra mà thôi.
Tên Anton Szandor LaVey dựa vào sách cuả Rhodes đã viết ra cuốn 'Kinh Thánh của Satan' (năm 1969,) và việc thực hành Lễ Đen. Trong sách hắn mô tả Lễ Đen như sau:
"Một Lễ Đen cơ bản là một sự nhạo báng (parody) lễ Misa của Giáo Hội Công Giáo La Mã, nhưng có thể nới lỏng để châm biếm bất kỳ một buổi lễ tôn giáo nào khác."
Năm 1972, LaVey lại chế biến thêm những nghi thức cuả Lễ Đen (1972) như là dùng văn bản Latin cuả một lễ Công Giáo nhưng đổi mọi sự ngược lại, thí dụ như những sự kêu cầu danh Chuá thì trở thành tên cuả Satan, như trong “In nominee de nostre Satanas Lucifere Excelsis” (Nhân danh đấng vinh hiển Satan Lucifer.)
Tuy mục đích chính là xúc phạm tới Giáo Hội, nhưng bề ngoài, những nhóm 'thờ Satan' thường tuyên bố cách tráo trở rằng chúng tái diễn những buổi lễ dựa vào cuốn tiểu thuyết La-bas của Huysmans, tức là có ý nhạo báng Quỉ chứ không phải để chống Giáo Hội, để tránh cái tiếng gây 'thù hận' với Công Giáo.
Mới đây tên Greaves, phát ngôn viên cuả nhóm 'đền thờ Satan' ở New York, cũng tiếp xúc với các SV Câu Lạc Bộ Văn Hoá cuả Harvard bằng một luận điệu tráo trở như vậy, nhưng ngay sau đó thì lòi đuôi ra với những lời tuyên bố chế nhạo Công Giáo một cách hổn xược trên Facebook cuả nhóm.
Theo Giáo sư Melton thì những Lễ Đen do tên LaVey và đồng bọn thực hiện đã không có những việc phạm pháp như lấy máu ngườì hay dùng ma thuật, mà chỉ nhắm vào việc khích động khiêu dâm. Nếu có dùng máu thì đó là máu xúc vật. Sự chung chạ truy hoan thường diễn ra ngay trong và sau buổi lễ.
Xin nhắc lại là những nhà sử học bãi bỏ tất cả những sự kiện có tính cách siêu hình, do đó mà GS Melton đã không đề cập đến những nguồn tin đáng tin cậy, dù cho là ngoài Công Giáo, mô tả rằng trong một vài buổi lễ đã có hiện tượng quỉ vương hay quỉ con xuất hiện.
GS Melton nghĩ rằng số người theo phái Satan thì không nhiều (khoảng dưới 300) và việc cử hành Lễ Đen cũng không thường lắm.
Cao điểm cuả buổi lễ là sự xỉ nhục một 'Mình Thánh' ăn cắp từ một nhà thờ Công Giáo mang về. Trong phần 'hợp lễ', tên chủ sự sẽ chửi ruả vào 'Mình Thánh' và hoà với máu trong bình, rồi đặt xuống đất để cho đám đông khích động thay phiên nhau thao túng tùy ý thích cuả mỗi đứa. Sau đó chúng sẽ giành giật lấy một phần hỗn hợp ở trong bình để dùng làm một loại dung dịch kích thích.
Mặc dù lấy danh xưng là tôn thờ Satan, tên LaVey cho biết hắn không thực sự tin vào ai cả, chẳng vào Chuá cũng chẳng vào Quỉ. Danh xưng 'tôn thờ Satan' chỉ là một hình thức nổi loạn chống đối các định chế tôn giáo khắc nghiệt mà thôi, hắn cho biết hắn chỉ tôn thờ bản thân cuả mình.
Nói về tên LaVey này thì thà đừng nói còn hơn. Bỏ học từ lúc 16 tuổi và không có một nghề ngỗng nào nhất định. Những khoe khoang cuả hắn từ gốc tích cho đến tiền bạc, chức vụ, và bồ bịch với các minh tinh màn bạc đều bị phanh phui là phét lác. Những sách hắn viết cũng bị phanh phui là đạo văn, nghiã là chỉ chép lại từ nhiều sách khác, và văn bản tiếng Latin cuả Lễ Đen thì hễ có thay đổi ở đâu (từ vản gốc cuả Thánh Lễ Misa) thì có đầy dẫy những lỗi ngữ vựng và văn phạm.
Khi tên LaVey chết vì bị nhồi tim vào năm 1997, miả mai thay, hắn được đưa tới cấp cứu tại một bệnh viện Công Giáo là St. Mary's Medical Center ở San Francisco. Có tin (còn đang trong vòng tranh cãi) hắn đã hốt hoảng kêu lên những tiếng cuối cùng này trước khi chết: "Oh my, what have I done?" (Hỡi ôi, tôi đã làm gì vậy?)
Quan điểm cuả Giáo Hội
Giáo Hội coi việc tôn thờ Satan là một sự ác, và kết án Lễ Đen là xúc phạm dù cử hành dưới bất cứ hình thức nào.
Qua kinh nghiệm mới đây tại trường Harvard (và có thể là ở bất kỳ một môi trường nào khác,) khi một nhóm SV dự định tài trợ cho một nhóm tôn thờ Satan cử hành một Lễ Đen nơi công cộng với lý do 'để tìm hiểu và sống kinh nghiệm lịch sử của các hoạt động văn hóa khác' , chúng ta có thể đúc kết quan điểm cuả Giáo Hội như sau:
1-Về việc tôn thờ Satan
Toà giám mục Boston viết: "Vì lợi ích của các tín hữu Công Giáo và cuả tất cả mọi người, Giáo Hội đã giảng dạy rất rõ ràng về việc tôn thờ Satan. Hoạt động này tách rời Con Người ra khỏi Thiên Chúa và ra khỏi cộng đồng nhân loại, đó là những điều trái ngược với sự thiện và lòng bác ái, và hoạt động đó đưa những người tham gia tới kề ngay bên bờ huỷ hoại của sự ác."
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo mọi người về việc không nên ngây thơ hoặc đánh giá thấp sức mạnh của Satan vẫn hiện diện giữa chúng ta.
2-Về Lễ Đen
Giáo Hội kết án mạnh mẽ mọi hình thức Lễ Đen vì có những chứng cớ liên hệ với Quỉ, cổ võ những hành động vô luân và tạo môi trường cho tội ác.
Bản kiến nghị xin chữ ký và gửi tới ban giám đốc cuả nhà trường viết rằng:
"Hình thức thờ phượng Satan này không chỉ giễu cợt việc thực hành một bí tích là trung tâm của đạo Công Giáo , tức là Thánh Lễ , nó còn xúc phạm đến tất cả mọi người có niềm tin vào Chúa Kitô. Xa vời với việc thúc đẩy sự hiểu biết và thực hành văn hóa, sự kiện này, trên thực tế , cổ động cho sự miệt thị đức tin cuả Công Giáo nói riêng và cuả tất cả các tôn giáo nói chung. Chúng tôi (đồng ký tên dưới đây) là những người Công Giáo cũng như là những Kitô hữu khác , và là những người đang ủng hộ sự khoan dung và văn minh đích thực, và chúng tôi đang bị xúc phạm và bị tổn thương vì sự kiện này đã được phép xảy ra tại Đại học Harvard. "
Phát ngôn viên cuả tổng giáo phận Boston, ông Terry Donilon nói với báo chí: "sự kiện này (Lễ Đen) là một cuộc tấn công vào bí tích Thánh Thể, dù cho những người tổ chức có noí gì khác. Sự kiện này xúc phạm tới người Công Giáo và những người Thiện Tâm khác.
3-Về quyền phản đối
Để trả lời cho vấn nạn là "phải chăng sự khoan dung tôn giáo chỉ có nghĩa là khoan dung với những điều dễ chịu mà thôi không ?", linh mục Francis X. Clooney, giáo sư Thần học tại DH Harvard noí rằng phạm vi ĐH (và bất cứ ở xã hội nào) thì cũng có những giới hạn (there are limits to the school’s latitude,) mọi sự việc đều phải cân nhắc tới hậu quả.
Để nhận thức ra giới hạn đó chúng ta cần đặt câu hỏi "What’s next?" (rồi sau thì sao?) Ngài viết trên tờ báo cuả SV, tờ Harvard Crimson.
"(Nếu đưọc làm )Điều gọi là nỗ lực 'để tìm hiểu và sống kinh nghiệm lịch sử của các hoạt động văn hóa khác' này, thì trong niên học tới, có thể dẫn đến sự tái diễn việc bài Do Thái hoặc phân biệt chủng tộc hoặc chế nhạo di sản văn hoá cuả người Mỹ Da Đỏ hay những việc xúc phạm khác tới tôn giáo."
Linh mục Roger Landry , một cựu SV Harvard đang làm tuyên úy cho đài Catholic Voices USA còn xác định giới hạn đó là "sự nhạy cảm đối với người khác và vấn đề danh dự cuả cộng đồng xã hội. "
Cha Landry nói rằng trường Harvard "sẽ không bao giờ cho phép thực hiên tại trường, hoặc tại những tài sản liên hệ, một sự kiện nhạo báng niềm tin tôn giáo, mạo phạm các bản văn thánh , hoặc xúc phạm sự nhạy cảm và tinh thần của người Do Thái hay người Hồi giáo. "
"Tương tự như vậy , " Ngài nói thêm, " Trường Harvard sẽ không thể cho phép danh tiếng bị hoen ố bới các hoạt động hoặc quan điểm của một ' tổ chức sinh viên độc lập ' tái cử hành việc treo cổ người da đen hoặc đánh đập người đồng tính và phụ nữ."
Cha Landry so sánh sự kiện Lễ Đen này là giống như một cuộc lên đồng để giao tiếp với linh hồn của Adolf Hitler hoặc giống như một cuộc đốt kinh Koran công cộng. Cả hai việc, Ngài nói , sẽ tạo ra " tai hại khủng khiếp " cho cộng đồng Harvard và là một cái gì mà Harvard " sẽ không bao giờ muốn liên hệ với ."
Do đó, Cha Landry nói rằng vị viện trưởng của trường (hay người lãnh đạo xã hội) có "một trách nhiệm đặc biệt phải gìn giữ danh tiếng cuả cộng đồng (Harvard) và sử dụng vị trí nổi bật nhất cuả mình để làm cho tất cả mọi người (cuả Harvard) phục vụ cho những gì mà Harvard đã tôn quí ".
4-Về Phương pháp đối đầu
Khi chúng ta không có thể ngăn cản các hành vi xúc phạm như là Lễ Đen, thì chúng ta có quyền phản đối ôn hoà như là những nạn nhân và có phận sự phải cầu nguyện và làm việc đền tạ.
Cha Michael E. Drea, tuyên úy trưởng cuả Công Giáo tại DH Harvard, ra thông cáo khuyên các SV không nên có thái độ đối đầu (confrontation) nhưng hãy đề cao sự trông cậy vào ơn Chuá để 'bảo vệ niềm tin và các bí tích'.
Theo lời bình luận cuả linh mục Tân Giáo Luther Zeigler , Chủ tịch ban tuyên úy cuả Harvard , thì "Cách tốt nhất để chống lại sự thù hận là áp đảo nó với những nghĩa cử yêu thương và cầu nguyện".
Theo cách thức trên, tổng giáo phận Boston đã tổ chức một giờ đền tạ Thánh Thể tại nhà thờ St Paul , là nhà thờ cuả giáo xứ SV tại Đại học Harvard, sau đó là một cuộc rước Thánh Thể trên đường phố .
"Chúng tôi lấy sức mạnh từ Thánh Thể là cuộc sống của Chúa Kitô trên thế giới, để mang lại thông điệp của sự sống và tình yêu của Ngài vào thế giới, và là để trở nên những ngôn sứ hiệu quả của Tân Phúc Âm Hóa ", Cha Drea nói . "Chúng tôi muốn giúp mọi người hiểu biết về vẻ đẹp và là trung tâm của thần học Thánh Thể của chúng tôi và như thế nào mà chúng tôi được nuôi dưỡng bằng món quà tuyệt vời này là Mình, Máu , Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa chúng ta . "
"Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để chiến đấu chống lại ma quỷ là bản thân chúng ta kết hợp với Chúa trong lời cầu nguyện , " Ngài nói, " và xin được ơn kiên trì , để cho sự thật của Ngài được thông xuốt, và làm nhân chứng hiệu quả của Ngài với thế giới về sự thật đó ."
...
Với phương pháp đó, đã có nhiều ngàn người đổ xô về tham dự giờ đền tạ Thánh Thể và rước kiệu ở Harvard. Bản thân bà Viện Trưởng Drew G. Faust, một người ngoài Công Giáo, cũng xin được tham gia và nhân danh là Viện Trưởng, lên tiếng kết án Lễ Đen một cách nặng lời.
Trước một sự phát biểu tràn ngập như thế, cuộc cử hành Lễ Đen dự định thực hiện ở Harvard đã tự bãi bỏ.
http://vietcatholic.net/News/Html/125265.htm