Phỏng vấn ông Marco Roncalli,
chắt của Đức Gioan XXIII
Linh Tiến Khải
Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông. Marco Roncalli là nhà báo kiêm văn sĩ và là tác giả cuốn sách tựa đề ”Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII”, liên quan tới cuộc sống và tương quan của Đức Gioan XXIII với châu Mỹ Latinh.
Hỏi: Thưa ông Marco, đâu là nét nổi bật trong gương mặt của Đức Gioan XXIII, ”Vị Giáo Hoàng tốt lành”?
Đáp: Trước hết là sợi chỉ dẫn đường xuyên suốt lộ trình cuộc sống nhân bản và tinh thần của Đức Roncalli, là ngưỡng vọng liên tục sự thánh thiện mà chúng tôi đã chứng minh với các tài liệu. Có thể nói rằng nó lộ hiện từ năm này sang năm khác, tháng này qua tháng khác, mùa này sang mùa khác trong một bức thư, một trang nhật ký, một văn bản hay một ghi chú...
Nhưng chúng tôi cũng tìm ra ý thức rằng sự thánh thiện giả thiết thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần, để cho Thiên Chúa uốn nắn. Thế rồi chắc chắn là nó đã được tóm tắt trong các đề nghị thiên thần tỏa thoát ra từ cuốn ”Nhật ký tâm hồn” của ngài. Trong đó đã có dấu ấn đầu tiên là khẩu hiệu ngài chọn khi làm Giám Mục: đó là ”Obedientia et Pax Vâng lời và hòa bình”.
Tôi tin rằng chính tại đây cần nhấn mạnh rằng đoạn này đã là tột đỉnh ý nghĩa toàn vẹn của cuộc tôn phong hiển thánh này: đó là sự gắn bó hoàn toàn với Tin Mừng, ý muốn sống trong sự thánh thiện, tìm kiếm nó như mục đích có thể đạt được, mà không coi nó là điều qúa xa vời. Phó thác cho ý muốn của Thiên Chúa cũng có nghĩa là rồi Thiên Chúa cho phép đạt các mục tiêu ấy, mà tự chúng trong quan niệm của Đức Roncalli, không phải là điều gì siêu phàm, nhưng ở tầm tay của tất cả mọi người, khi một người dấn thân hoàn toàn, nhưng cũng để cho Thiên Chúa uốn nắn.
Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tôn phong hiển thánh cho Đức Roncalli và Đức Wojtila cùng một trật. Đây có phải là một sự lựa chọn chính xác không?
Đáp: Đây là điều đã xảy ra với chính Đức Gioan Phaolô II hồi năm 2.000. Ngài đã tôn phong Chân phước Đức Pio IX và Đức Gioan XXIII cùng một lần. Lần này Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Có vài nhà bình luận lịch sử nói tới một loại cân bằng. Nhưng mà cân bằng trong nghĩa nào?
Ý niệm về sự thánh thiện cũng có thể tới với chúng ta qua các nhậy cảm rất khác nhau. Bởi vì thật là vô ích chối cãi rằng hai vị Giáo Hoàng có hai kiểu sống, hai nhậy cảm và có lẽ cả hai cung cách sống sự thánh thiện khác nhau. Nơi Đức Gioan Phaolô II chiều kích thần bí xem ra được nhấn nạnh hơn, có lẽ được vun trồng trong tương quan của ngài với Thiên Chúa. Nơi Đức Roncalli có lẽ hiển nhiên hơn sự chồng lên nhau giữa chiều kích riêng tư và chiều kích công cộng. Dầu sao đi nữa trong cả hai trường hợp chắc chắn có cùng sự trung thành với Tin Mừng.
Hỏi: Ngay trong các ngày đầu tiên triều đại của Đức Gioan XXIII đã có các dấu chỉ khác nhau của sự mới mẻ, khiến cho nhiều quan sát viên kinh ngạc, có đúng thế không, thưa ông?
Đáp: Vâng, đã có các dấu chỉ rất mạnh mẽ: chẳng hạn như từ sự bình thường hóa giáo triều cho tới việc nới rộng con số các Hồng Y với Công Nghị tấn phong Hồng Y mới, là điều đã không được làm từ lâu. Và cả điều này nữa cũng lập tức trao ban một dấu chỉ mới rất mạnh, từ gương mặt của Đức Giovanni Battista Montini.
Nhưng rồi tôi nghĩ tới các hình ảnh rất mạnh mẽ in sâu trong tâm trí của những người đã trông thấy chúng hồi đó, hay của những người đọc lại chúng ngày nay. Chẳng hạn như sự kiện Đức Gioan XXIII đến thăm các trẻ em trong nhà thương nhi đồng Chúa Hài Đồng Giêsu và các bệnh nhân trong các nhà thương ở Roma. Tôi nghĩ tới cuộc viếng thăm các tù nhân nhà tù Regina Coeli ngày lễ thánh Stefano, cũng như buổi lễ nhận nhà thờ chính tòa Gioan Laterano. Đức Gioan XXIII đã trở lại đây vào cuối tháng 11 năm 1958, khi ngài đến thăm đại chủng viện nơi ngài đã theo học.
Những gì ngài nói buông với các trẻ em giúp lễ cũng rất hay. Ngài không chỉ nhắc tới các năm đào tạo mà cũng nhắc tới các chủng sinh, và nói rằng ngài bối rối khi nghe người ta gọi ngài là ”Đức Thánh Cha”. Rồi ngài kết luận: ”Các con hãy cầu xin Chúa cho cha để Người ban cho cha ơn thánh thiện mà người ta gán cho cha. Bởi vì nói tới hay tin vào sự thánh thiện là một chuyện, còn có sống thánh không lại là chuyện khác”.
Hỏi: Thưa ông Marco, chúng ta cũng nhớ là ngày 25 tháng giêng năm 1959 khi Đức Gioan XXIII loan báo tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành rằng ngài muốn triệu tập Công Đồng Chung, chúng ta đang ở trong một thời đại lịch sử, trong đó các thần học gia tin rằng thời đại của Công Đồng phải được coi như là khép lại hoàn toàn, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng vậy. Bề ngoài cùng với ý nghĩ đó còn có định nghĩa về sự không thể sai lầm của Giáo Hoàng nữa. Có cần phải khiến cho 2.800 nghị phụ khắp nơi trên thế giới quy tụ về Roma không? Trái lại, đây chính là sức mạnh và lòng can đảm của Đức Gioan XXIII, khi đưa ra quyết định ngoại thường có tính cách cá nhân này, bởi vì ngài đã hỏi ý kiến của một vài cộng sự viên lập tức, chứ không đưa ra chương trình nghiên cứu dự án Công Đồng cách sâu rộng như bao Giáo Hoàng trước ngài đã làm. Ngài cũng đã cảm thấy được linh hứng và được củng cố bởi Đức Hồng Y Tardini và những vị khác.
Việc Ngài loan báo triệu tập Công Đồng gây kinh ngạc và khiến cho nhiều Hồng Y câm nín khi nghe loan báo ngày 25 tháng Giêng năm 1959. Rồi từ đó trở đi, như qúy vị đã rõ, đó là con đường chuẩn bị, dài hơn thời gian họp Công Đồng, với các thời điểm quan trọng, với các sứ điệp qua đài phát thanh, qua đó Đức Gioan XXIII thực sự mời gọi toàn thể Giáo Hội suy tư về chính mình và trách nhiệm của mình đối với con người, và có thái độ sống mới. Chỉ cần nhớ tới vài câu của bài diễn văn nổi tiếng ”Gaudet Mater Ecclesia”, khi Công Đồng khai mở sau thời gian chuẩn bị. Tôi chỉ xin trích một câu thôi, điều này nhấn mạnh rằng Giáo Hội ưa thích dùng phương thuốc của lòng thương xót, là một từ khác nữa trong các từ rất thường được dùng trở lại trong các ngày đó.
Hỏi: Liên quan tới châu Mỹ Latinh đâu đã là âu lo đầu tiên của Đức Gioan XXIII đối với vai trò của Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh?
Đáp: Âu lo của ngài cũng là những âu lo đối với các vùng khác của đại lục này: đó là nền hòa bình, hạnh phúc tinh thần và vật chất. Đương nhiên là trong ý thức Châu Mỹ Latinh là một vùng đất có nhiều nguy cơ vì chính sách cai trị của các chính quyền địa phương, và cũng vì sợ rằng với Cuba các nước này có thể chịu cùng số phận như thế.
Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng Đức Cha Antonio Samorè, hồi đó là Thư ký phân bộ ngoại vụ Phủ Quốc Vụ Khanh, đã tham dự nhiều phiên họp của các đại diện các Hội Đồng Giám Mục Bắc và Nam Mỹ, và đã nghĩ ra các hình thức cộng tác mới trong công tác tông đồ. Và không phải là bí mật gì việc đôi khi ngài đã phải vất vả ”dung hòa” lập trường chiến thuật liên quan tới Châu Mỹ Latinh đối với các vị khác của Phủ Quốc Vụ KHanh Tòa Thánh. Và công việc phải làm bên Châu Mỹ Latinh thì bao la: ngày 24 tháng Giêng Đức Gioan XXIII viết trong nhật ký: ”Buổi tiếp kiến Đức Cha Samorè sáng nay đã cảm hóa và đưa tôi vào trong công việc rộng rãi đối với Châu Mỹ Latinh mà Phủ Quốc Vụ Khanh chú ý”.
Ngày 13 tháng 8 năm 1962 Đức Thánh Cha Gioan XXIII cũng còn ghi: ”Đã tiếp: Đức Hồng Y Giám Quản xác nhận với tôi sự hài lòng của người đối với dự án tòa giám quản Laterrano. Đức Cha Samorè là người thường có cái nhìn về các điều kiện chính trị tôn giáo trong các nước khác trên thế giới, cách riêng Châu Mỹ Latinh. Đức Cha Luigi Centoz, Sứ Thần Tòa Thánh tại Cuba, đã rất là hay, giờ đây được nâng lên hàng Phó nhiếp chính của Giáo Hội Công Giáo Roma, khi trống ngôi Giáo Hoàng. Tôi đã cám ơn người rất nhiều về công việc phục vụ quý báu tại Cuba, nơi người đã vượt quá mọi chờ mong”.
Hỏi: Thưa ông, vào năm 1960 Đức Gioan XXIII đã gửi một sứ điệp lịch sử đọc bằng tiếng Bồ Đào Nha cho Brasil nhân dịp lễ khánh thành thủ đô Brasilia. Đức Gioan XXIII đã học ngôn ngữ của ông Camões là nhà thơ lớn nhất người Bồ Đào Nha, và ngài đã có các chú ý đặc biệt nào đối với Brasil?
Đáp: Brasil quốc gia mênh mông có thủ đô đã được Đức Gioan XXIII chào mừng. Nhưng trước đó ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1959 vài nhà ngoại giao Brasil đã được ngài tiếp kiến. Ghi chú đầu tiên liên quan tới Brasil là ngày 21 tháng 7 năm 1959, khi Đức Gioan XXIII tiếp thủ tướng Nhật Nobosuke Kishi và ngài đã viết: ”Nhật Bản là quốc gia lớn đối với các lợi lộc của Nước Chúa Kitô: siêu dân số gây ấn tượng và di cư không lay chuyển. Brasil hầu như là quốc gia mênh mông duy nhất có khả năng nhận điều mà Nhật Bản không thể chứa đựng”...
Rồi ngày 31 tháng 7 năm 1959 Đức Gioan XXIII tiếp Bộ trưởng Hải quân Brasil, Đô đốc Jorge Do Passo Mattoso Maia, phu nhân và đoàn tùy tùng. Ngày 7 tháng 9 Đức Cha Armando Lombardi Sứ Thần Tòa Thánh tại Brasil được Đức Gioan XXIII tiếp kiến. Ngày mùng 2 tháng Giêng năm 1960 đại sứ các nước Bolivia, Haiti, Venezuela cùng đại sứ Brasil đến gặp Đức Gioan XXIII, Và Đức Thánh Cha ghi trong nhật ký: ”Đại sứ Bolivia xin một Hồng Y cho nước mình”. Đây là điều sẽ được thực hiện dưới thời Đức Phaolô VI.
Ngài cũng dành mấy hàng cho Brasil trong nhật ký ngày 21 tháng 4 năm 1960: ”Hôm nay lễ Giáng Sinh tại Roma và là ngày khánh thành thủ đô Brasilia, thủ đô thứ ba của quốc gia mênh mông này, nơi có hơn 60 triệu tín hữu Công Giáo. Tối vừa qua tôi đã gửi một sứ điệp chúc mừng và phép lành bằng tiếng Bồ Đào Nha. Đại sứ Ribeiro Briggs Moacyr, trưa hôm nay sẽ đến đọc cho tôi nghe một sứ điệp đặc biệt của tổng thống, bầy tỏ lòng kính trọng Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo nhân danh quốc gia này. Tôi đã mời ông đại sứ cùng tôi đọc kinh Truyền Tin trong sự hiệp thông và cầu phúc lành của trời cao cho toàn nước Brasil”.
Còn có một ghi chú khác ngày 1 tháng 8 năm 1960: ”Ôi, bầu trời tại một vài phần trên thế giới đen tối chừng nào! Và có biết bao bất an cho Hội Thánh! Chủ thuyết cộng sản tiếp tục sự len lỏi tai hại của nó: từ Brasil có các tin tức đớn đau liên quan tới vài Giám Mục hoạt động cho sự ly giáo”.
Đó là vụ Đức Cha Carlos Duarte Costa, Giám Mục giáo phận Botacatù, bị vạ tuyệt thông năm 1964 vì đã thành lập ”Giáo Hội Công Giáo tông truyền Brasil”, bằng cách truyền chức bất hợp pháp 15 Giám Mục và một số linh mục. Mục sư tin lành Salomon Ferraz cũng đi theo và được phong Giám Mục, nhưng sau này sẽ thành lập một giáo phái riêng rẽ.
Nhưng cuộc ly giáo thứ hai này được giải quyết êm thắm, khi Đức Cha Ferraz trở về với Giáo Hội Công Giáo tháng 12 năm 1959 và chức giám mục được thừa nhận. Tiếp theo đó nhật ký của Đức Gioan XXIII nhắc tới các cuộc gặp gỡ với các Giám Mục và giới chức ngoại giao đến từ Brasil. (SD 18-4-2014; RG 21-4-2014)
http://vietcatholic.net/News/Html/122689.htm