Thời điểm 1958: thế giới chung quanh Giáo Hội
VRNs – Hà Nội – Đức Giáo Hoàng Piô XII đã qua đời. Một sự vắng xa vĩnh viễn cho rất nhiều người nhớ tiếc. Và một cảm giác như bối rối về ngày mai. Tìm đâu người kế vị? Cộng đồng Công Giáo, dưới sự lãnh đạo của Ngài đã đi qua nhiều sóng gió thăng trầm, đã tới thời điểm này, và sẽ đi đâu? Chọn hướng nào? Đối phó với những gì? Và giải quyết thế nào? Trong những ngày bất định đó, có lẽ nên mời bạn đọc nhìn lại đôi nét về tình hình lúc ấy, coi như những lát cắt ngang vào một vài khu vực của thế giới. Dẫu không phải là một bức tranh toàn cảnh, thì cũng là một chút gợi ý…
Từ trên không gian xuống hạ giới…
Năm 1958 ấy, nước Mỹ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của mình, Explorer I, và trong năm còn phóng thêm mấy vệ tinh nữa. Cũng không đơn giản là những kiệt tác khoa học, kỹ thuật, công nghệ, khiến cho mọi người chỉ có việc ăn mừng. Sở dĩ Mỹ nôn nóng phóng vệ tinh, là vì Liên Xô đã đi trước. Năm 1957, người Nga gây chấn động thế giới khi họ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, Sputnik. Có nghĩa đây không chỉ là thành tựu khoa học, mà là những chiêu thức của cuộc đấu đá về mọi mặt: chính trị, tâm lý, tuyên truyền, và, nguy hiểm hơn nữa, tiềm năng quân sự giữa hai khối Đông – Tây, Tư Bản và Cộng Sản. Sự đối đầu và hận thù giữa hai khối đã đưa đến cuộc chạy đua võ trang, như người ta nói: “thế quân bình khủng bố”, với những kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, và nay sự hận thù khủng bố lẫn nhau có thể khuếch trương lên thượng tầng không gian. Thế giới lao vào một cuộc chạy đua vũ khí ngày càng hao tốn, ngày càng gợi lên những viễn ảnh khủng khiếp, không thể dự liệu đến đâu là cùng. Nhân loại bị đe dọa bởi chiến tranh, tàn phá, hủy diệt.
Hai khối đối đầu. Nhưng phải công nhận tôn giáo nói chung, Công Giáo nói riêng, sống đặc biệt ngặt nghèo trong các nước xã hội chủ nghĩa. Sau thế chiến thứ hai, khối cộng sản đã lan rộng khắp phía đông Châu Âu, bao gồm nhiều vùng và nhiều cộng đồng Công Giáo. Từ năm 1949, phe cộng sản lại toàn thắng trên lục địa mênh mông của Trung Quốc. Từ bờ biển Á Đông đến nửa phần Châu Âu, là một thể chế rất độc đoán, rất dị ứng với tôn giáo, và lại thâu tóm toàn bộ quyền lực và bạo lực.
Đối với người Công Giáo nói chung, đó là một thế giới âm u, hình như không có đường ra. Một thế giới khép kín bưng bởi “ bức màn sắt”, một đêm dài bất tận. Cái thế giới ấy cứ lừ lừ xây dựng thêm, mở rộng thêm. Thế nhưng trong đêm tối bí mật đó, dẫu thông tin bị bưng bít, vẫn có những diễn biến người ngoài cuộc ít ai biết được.
5 năm trước ngày Giáo Hội Công Giáo đi tìm Giáo Hoàng mới, nhà lãnh đạo của Cộng Sản thế giới Joseph Stalin, qua đời (5/3/1953). Không ai ngờ chỉ 3 năm sau, Đại Hội 20 của Đảng Cộng Sản Liên Xô, trong một cuộc họp vào lúc quá nửa đêm 25/2/1956, đại biểu các đảng anh em nước ngoài không được tham dự, cửa đóng then cài, lãnh tụ mới là Nikita Khrushchev tung hê các tội ác của Stalin. Lúc đầu báo cáo “ mật”này còn giữ kín, nhưng chỉ ít ngày sau đã phổ biến trong Đảng Cộng Sản Liên Xô. Thực là một diễn biến hết sức quan trọng trong lịch sử Chủ Nghĩa Xã Hội. Mặc dù sau đó các vụ nổi dậy ở Balan và Hungari bị đàn áp thẳng tay (lãnh tụ của cuộc nổi dậy ở Hungari, là Imre Nagy, cũng là một đảng viên Cộng Sản, đã bị các đồng chí cũ xử bắn trong năm 1958 này), nhưng từ Đại Hội 20 đó, Chủ Nghĩa Xã Hội hiện thực đã đi vào một khúc quanh không thể phản hồi. Cùng với sự phóng thích khá nhiều tù nhân bị Stalin giam giữ tàn độc, Khrushchev một mặt vẫn lớn tiếng hứa hẹn sẽ “ chôn sống tư bản”, nhưng mặt khác lại phát động đường lối sống chung hòa bình, lấy sự cạnh tranh về chính trị, kinh tế, xã hội thay cho đối đầu võ trang, với lý do thời đại hạt nhân, một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai khối, sẽ không có người thắng mà chỉ có hủy diệt lẫn nhau. Vô hình chung, thái độ này sẽ góp phần làm nổi bật dung mạo hòa bình của Thánh Gioan 23, đồng thời gieo mầm chia rẽ giữa hai nước Cộng Sản lớn Liên Xô và Trung Quốc.
Quay sang Cộng Sản Châu Á, 1958 là năm Trung Quốc rầm rộ xây dựng các Công Xã Nhân Dân để gấp rút tiến lên Chủ Nghĩa Cộng Sản. Đó là lúc người ta làm những việc kỳ lạ như những lò nung gang thép trong mỗi công xã, hay chiến dịch toàn quốc diệt chim sẻ. Tiếc thay, bắt đầu Công Xã Nhân Dân cũng là bắt đầu nạn đói. Từ 1958 đến 1960, ước lượng 45 triệu người chết vì thiếu ăn kiệt sức. Người Trung Quốc ngày nay gọi đó là Ba Năm đắng cay. Con đường thê thảm sẽ còn dài như vô vọng suốt 20 năm, qua cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản ( ước lượng 1 triệu người chết, 100 triệu người bị hành hạ, thương tật, tù đầy, sách nhiễu với nhiều mức độ khác nhau). Chỉ đến khi Mao Trạch Đông qua đời con đường khổ ải mới chấm dứt. Nhưng chính những khổ đau khó tưởng tượng đó cũng tích tụ lại tạo ra những diễn biến trong Chủ Nghĩa Xã Hội Trung Quốc. Quá trình ấy không chỉ tạo ra những đảo lộn về chính trị, xã hội, kinh tế mà còn gây ra rất nhiều hệ lụy về tâm lý, tinh thần, tâm linh…
Hai giải Nobel và một giải thứ ba
Có lẽ những vấn đề về tư tưởng, tinh thần, tâm linh của cả hai khối Đông – Tây có thể được minh họa phần nào bằng hai giải Nobel gây nhiều ấn tượng.
Nobel văn chương 1957 được trao tặng cho nhà văn Pháp Albert Camus ( 1913 – 1960). Camus là nhà văn nổi loạn vì cảm nhận rằng cuộc đời phi lý. Trong diễn văn nhận giải, Camus đã nhắc đến thế hệ của mình: “ những con người sinh ra hồi đầu thế chiến thứ nhất, đạt đến tuổi 20 vào lúc cả chính quyền của Hítler lẫn những vụ án cách mạng đầu tiên được dàn dựng, sau đó phải đối đầu với chiến tranh Tây Ban Nha, với thế chiến thứ hai, với thế giới của những trại tập trung, với Châu Âu của tra tấn và tù ngục, và ngày nay phải nuôi dậy con cái, trong một thế giới có nguy cơ bị hủy diệt vì võ khí hạt nhân… ”.
Những người như Camus cảm thấy “cái phi lý nảy ra từ sự đối đầu giữa khát vọng nhân văn với sự câm lặng phi lý của thế giới”. Ba trăm năm trước, “ sự câm lặng của không gian vô tận” góp phần tạo nên người tín hữu Blaise Pascal. Ba trăm năm sau, với thế hệ của Camus, sự “ câm lặng” chỉ còn để lại cảm giác phi lý và nổi loạn: “Lý trí chẳng đi đến đâu, mà ngoài lý trí thì lại chẳng có gì hết”.
Cuộc đời đã phi lý như thế thì con người nổi loạn, con người tự tạo ra cái “ Lý”, cái ý nghĩa mà mình cần. Không có ý nghĩa tuyệt đối thì ý nghĩa tương đối vậy. Thật ra, có thể tìm một giải đáp, một ý nghĩa cho hiện hữu trong niềm tin Tôn Giáo. Nhưng Camus lại nhất mực khước từ Tôn Giáo. Ông cho rằng những giải đáp của Tôn Giáo toàn nằm ở ngoài con người: “ Tôi chỉ hiểu được ngôn từ của con người thôi”… “ không biết thế giới này có ý nghĩa gì cao đại hơn chính nó không? … một ý nghĩa mà ở ngoài thân phận của tôi thì đối với tôi nó đâu có ý nghĩa gì? ” . Tóm lại con người nơi Camus dứt khoát không ra khỏi giới hạn của lý trí mình. Nhưng như vậy con người lại đối mặt với thế giới vô nghĩa, chẳng hiểu được, ngay đến lý do cho mình hiện hữu cũng không tìm được. Nổi loạn là tự mình đặt ra một ý nghĩa cho hành động của mình.
Camus muốn nối kết công bình với tự do, muốn đấu tranh chống lại mọi dạng bạo lực, vì hòa bình, vì tình liên đới nhân loại. Vì thế, luôn phải kháng cự, phi bác, tố giác, vẫn biết “ tất cả bị xóa sạch … bởi cái phi lý của sự chết ”. Như thế mới là tự do. “ Cứu cánh biện minh cho phương tiện ư ? Có thể. Nhưng cái gì biện minh cho cứu cánh? Câu hỏi đó, lịch sử tư tưởng còn bỏ dở, sự nổi loạn trả lời: phương tiện biện minh cho cứu cánh.”
Khi Camus công bố những tác phẩm về sự phi lý như “Huyền thoại Sysiphe, Le Mythe de Sysiphe”hoặc tiểu thuyết “Kẻ lạ, L’Étranger” thì cũng là lúc nhà thần học lớn của thế kỷ 20, Cha Henri de Lubac (1896 -1981) hoàn tất tác phẩm nổi tiếng “Thảm kịch nhân bản vô thần, Le Drame de l’humanisme athee” (1942) . Cha de Lubac không thể nhắc tới Camus bởi vì hai người đồng thời xây dựng tác phẩm của mình. Nhưng “Thảm kịch nhân bản vô thần” đã phản ảnh sâu sắc một nét của vô thần hiện đại, khi con người phủ nhận Thượng Đế để tôn thờ cái ý chí riêng của mình. Sau khi đã phân tích những khía cạnh của chủ nghĩa vô thần cận đại, Cha de Lubac kết thúc công trình nghiên cứu của mình bằng một chương về văn hào Nga Fiodor Dostoievsky là người xuyên qua các tư tưởng vô thần đã tìm lại sự hiện diện tất yếu của Thiên Chúa. Có một cái gì tương tự như vậy cũng lộ ra vào năm 1958.
Một năm sau giải thưởng cho Camus, đúng vào thời điểm Giáo Hội Công Giáo có Giáo Hoàng mới, viện Nobel lại gây một cơn chấn động lớn. Nobel văn chương 1958 được trao cho nhà văn Liên Xô Boris Pasternak, tác giả Bác sĩ Jivago. Pasternak là người đã nổi tiếng từ trước Cách MạngTháng Mười như một ngôi sao rạng rỡ của văn học Nga. Từ sau cách mạng xã hội chủ nghĩa, ngoại trừ những chuyên viên nghiên cứu văn học, bên ngoài nước Nga ít nghe nói đến Pasternak. Về phần mình, nhà văn cũng trải qua những nỗi kinh hoàng khốn cực dưới nên chuyên chế đầy đọa của Stalin, ( ta đã thấy Camus nhắc đến những vụ án cách mạng được dàn dựng ở Liên Xô, trong diễn văn ông đọc khi nhận giải ).
Tuy vậy, Pasternak vẫn hoàn thành cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Jivago, rồi những người cộng sản Ý đưa ra ngoài nước Nga. Ngay từ khi được viện Nobel trao giải, Pasternak đã ở vào tâm bão. Một phong trào đả kích ông dữ dội được phát động ở Nga. Ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn Liên Xô như một kẻ đã “ phỉ nhổ dân tộc”. Thậm chí thủ tướng Khruschev dùng đến cả những lời lẽ tục tằn để thóa mạ ông.
Đọc Bác sĩ Jivago thoáng qua chẳng thấy Boris Pasternak nói gì mạo phạm đến chủ nghĩa xã hội hay chế độ cộng sản. Bác sĩ Jivago là một tiểu thuyết trường thiên theo truyền thống văn chương Nga. Số phận của nhân vật nổi trôi từ thời Sa hoàng, qua các giai đoạn lịch sử cách mạng. Rất nhiều tuyến nhân vật đan xen, những mô tả tuyệt bút về nước Nga, những chuyện tình, những trạng huống nội tâm, những bài thơ, (Pasternak là một nhà thơ lớn). Thế nhưng đọc trọn bộ tiểu thuyết rồi thì chẳng còn thấy đâu là văn học “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, những nhân vật cũng chẳng còn minh họa cho công cuộc xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chẳng còn đóng góp gì cho cuộc đấu tranh “ai thắng ai ”. Trái lại qua họ, tác giả không nói mà người đọc thấy cách mạng bắt đầu trong lý tưởng hăng say dần dần biến dạng, quay ra o ép, bào mòn con người, xa cách con người, tạo ra một thế giới tinh thần cằn cỗi. Từ trong những trang văn ấy vọng về sự thèm khát mong chờ tình người, những cảnh ngộ hụt hẫng tìm kiếm các giá trị tâm linh. Những chủ đề Thánh Kinh cho thấy một nỗi nhớ nhung về Tôn Giáo còn đang bị vùi dập.
Cuối cùng Pasternak đành viết thư cám ơn ủy ban Nobel và tuyên bố không đi nhận giải. Hoàn cảnh đành là phải thế, nhưng chính sự tỏa sáng của tác phẩm nói lên một thực tế khác giữa lòng xã hội Xô Viết. Đã thấy một dòng chảy tâm linh bị dồn nén mà mãnh liệt, một sức mạnh tiềm tàng chỉ có thể phát triển rất âm thầm, rất gian nan đau đớn, nhưng cũng rất sâu vì nó có tương quan nhân quả với ngay cái xã hội vô thần mà người ta đang dồn sức xây dựng. Đối với công luận, đó là sự phát hiện bất ngờ một bộ mặt mới của “ Tâm Hồn Nga” khác hẳn với những chủ đề tuyên truyền thường lệ.
Bức Màn Sắt còn che chắn, gạn lọc nhiều điều. Không nhiều người có thể lường được rằng Pasternak không phải là người duy nhất. Cùng với ông còn những tên tuổi rất lớn của văn học Liên Xô cũng đang thao thức kiếm tìm những giá trị Tin Mừng, nào Anna Akhmatova, nào Bulgakov,…..vào thời điểm Pasternak được giải, một người còn vô danh cũng mới ở tù về, và mới trở về với Chúa trong tù, đang bắt đầu văn nghiệp của mình để sẽ trở thành văn hào Alexandr Soljenitsyn (1910 – 2008, Nobel văn chương 1970).
Hai giải Nobel cách nhau một năm. Giải 1957 cho thấy một phương Tây về nguyên tắc tôn trọng Tôn Giáo, nhưng lại đang có khuynh hướng đóng kín mình trong con người thế tục đơn thuần. Giải 1958 cho thấy một phương Đông xã hội chủ nghĩa đang công khai phủ nhận Thiên Chúa, nhưng lại sinh ra một “ dòng dõi những người tìm Chúa”.
Đã nói đến hai giải Nobel, xin phép được nói đến một giải thứ ba. Cũng năm 1958 đó, giải Nobel hòa bình được trao tặng cho một linh mục người Bỉ, Dòng Đa Minh: Cha Dominique Pire. Sau thế chiến, Cha Pire chuyên huy động tình liên đới để giúp đỡ những người và những gia đình tị nạn chiến tranh làm lại cuộc đời, cách riêng ở Đức và ở Áo, nơi Cha đã lập nhiều làng để họ được tái định cư với những tiêu chuẩn nhân đạo. Sau khi nhận giải Nobel Cha còn lập trường Đại Học Hòa Bình để đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai. Rồi Cha hướng về phát triển các miền nông thôn nghèo ở Ấn Độ và Bengla – Desh với tổ chức “ Đảo Hòa Bình” (Iles de la Paix). Xin được nhắc đến mẫu người hòa bình này như một gợi ý về những gì thế giới còn nhiều mâu thuẫn và xâu xé có thể chờ đợi ở Giáo Hội.
Đường nào cho Giáo Hội đi….
Nhưng Giáo Hội không chỉ có mặt ở các nước Âu Mỹ, hoặc lao đao trong khối xã hội chủ nghĩa. Một phần khác rất quan trọng của thế giới là các nước nghèo Á – Phi – Trung Đông. Sau khi các nước thuộc địa cũ ở Châu Á ( Việt Nam, Ấn Độ, Inđônesia….) đã giành được độc lập, nay đến lượt nhiều nước Châu Phi đi vào tiến trình lấy lại quyền tự chủ, (Guinée, Mađagascar, Camerun, Congo Brazzaville). Algérie đang đấu tranh đẫm máu với Pháp để đòi độc lập.
Ở Trung Đông, người hùng Ai Cập Gamal Abdel Nasser thành lập nước Cộng Hòa Ả Rập thống nhất. Irak lật đổ chế độ quân chủ. Những biến động đó gây bồn chồn cho cả thế giới trong bối cảnh đối đầu và cạnh tranh Nga – Mỹ. Một lực lượng mới đã xuất đầu lộ diện: chủ nghĩa dân tộc Á Rập. Đạo Hồi mà phương Tây lầm tưởng đã ngủ vùi một giấc trầm kha từ nay bùng dậy và sẽ có ảnh hưởng ở tầm cỡ toàn cầu.
Hầu hết các nước và các dân tộc Á – Phi – Trung Đông đều có tinh thần tôn giáo sâu đậm, nhưng vẫn còn nhiều mặt yếu kém, trình độ còn thấp, còn đói khổ nhiều và có thể trở thành những thùng thuốc nổ. Tại các nước ấy, Giáo Hội theo sứ vụ của mình cũng đã duy trì hoặc gây dựng được nhiều cộng đoàn thiểu số, để từ nay “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” với thời cuộc.
Các vị Hồng Y từ bốn phương đang tề tựu về Vatican để tìm hướng đi mới và người mới cho Giáo Hội, mỗi vị mang theo mình một phần ưu tư của nhân sinh, gánh nặng của những vấn đề đặt ra trước ý thức và lương tâm của các đồ đệ Chúa Kitô. Các vị gặp nhau sẽ tìm được ai, tìm được điều gì? Và tạo khuôn mặt nào cho Giáo Hội tương lai?…
(còn nữa)
Mátthêu Vũ Khởi Phụng, C.Ss.R