Phụng vụ Tuần thánh
Cơ cấu và ý nghĩa các nghi thức
Tuần thánh được các giáo phụ gọi là tuần trọng nhất trong Năm phụng vụ, tuần Mẹ của các tuần lễ. Trong Tuần thánh, Giáo Hội cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc đã được Chúa Kitô hoàn tất trong những ngày cuối đời dương thế của Ngài. Vì thế Nghi thức Tuần thánh phải được cử hành một cách long trọng và trang nghiêm. Phải làm sao cho giáo dân hiểu rõ tầm quan trọng của Tuần thánh và tham dự cách tích cực. Nghi thức Canh thức vượt qua được Đức Thánh Cha Piô XII cải tổ vào năm 1951 và Nghi thức Tuần thánh được ngài cho cải tổ năm 1955, với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của Tuần thánh và làm cho tín hữu tham dự một cách ý thức và tích cực hơn, để lãnh nhiều ơn thánh. Cuộc canh tân phụng vụ đã lấy lại các nghi thức cải tổ này và đem vào trong Sách lễ Rôma.
Ở đây tôi muốn trình bày Phụng vụ Tuần thánh với cái nhìn tổng hợp: cơ cấu các nghi lễ, mối liên hệ giữa chúng và ý nghĩa của các buổi cử hành này, để giúp tín hữu hiểu các nghi lễ và cử hành xứng đáng, cũng như tham dự một cách tích cực và sốt sắng.
Tuần thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá và kéo dài tới Chúa Nhật Phục sinh, gồm hai phần:
1) Chúa Nhật Lễ Lá, thứ hai, thứ ba và thứ tư và sáng thứ năm Tuần thánh
2) Tam nhật thánh.
I. Chúa nhật Lễ Lá
Chúa nhật Lễ Lá được cử hành để tưởng nhớ việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem một cách trọng thể như vị Cứu thế, và để khai mạc việc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô. Hai điểm này được thể hiện trong phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá qua các nghi lễ sau đây:
1. Nghi thức làm phép lá và rước kiệu trọng thể vào nhà thờ. Nghi thức này có mục đích tưởng nhớ biến cố Chúa Giêsu Kitô Cứu thế vào thành Giêrusalem cách trọng thể. Trong khi làm phép lá, có đọc bài sách Tin mừng tường thuật biến cố này (Năm A, theo Phúc âm thánh Mathêô 21,1-11; Năm B theo thánh Marcô 11,1-10 và Năm C, theo thánh Luca 19,28-40). Linh mục mặc phẩm phục đỏ tượng trưng cho cuộc vinh thắng của Chúa Giêsu Vua cứu thế. Trong khi đi rước kiệu từ một nơi khác tới nhà thờ, người ta thường hát các bài thánh ca để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua: đây là cách thức trọng thể để tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem; nơi nào không thể cử hành cách trọng thể như trên, thì cử hành theo hai cách đơn sơ hơn, như ghi trong Sách Lễ Rôma.
2. Thánh lễ và việc đọc bài Thương khó của Chúa Kitô. Trong phần này, Giáo Hội bắt đầu loan báo và tưởng niệm cuộc Thương khó và Tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, vì thế Chúa nhật Lễ Lá hôm nay cũng còn được gọi là Chúa nhật Thương khó. Để cho thấy việc tưởng niệm này, Giáo Hội cho đọc bài thường khó từ ba thánh sử nhất lãm được tuyên đọc trong ba năm (Mathêô 26,14–27,66 cho năm A; Marcô 14,1–15,47 cho năm B và Luca 22,14–23,6 cho năm C). Bài đọc I (Is 50,4-7) là bài ca thứ III của người tôi tớ Đức Giavê, cũng tiên báo về về cuộc đau khổ của Chúa Kitô; và bài sách từ thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê 2,6-11 nói về cuộc từ bỏ của Con Thiên Chúa làm người, hạ mình cho đến chết và chết trên thập giá.
II. Thứ hai, thứ ba và thứ tư Tuần thánh
Giáo Hội tiếp tục suy niệm về cuộc tử nạn của Chúa Kitô, với các bài Sách thánh về cuộc tử nạn này (thứ hai: Is 42,1-7: bài ca I về Người tôi tớ Đức Giavê; thứ ba: Is 49,1-6: bài ca II về Người tôi tớ Đức Giavê; thứ tư: Is 50,4-9a: bài ca III về người tôi tớ Đức Giavê). Các bài Sách Tin mừng tiếp tục cho thấy cuộc tử nạn này, và nói tới nguyên nhân đưa tới cuộc tử nạn này, tức là cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và các thù địch của Ngài (thứ hai: Ga 12,1-11: xức dầu tại Betania; thứ ba: Ga.13,11-33.36-38: báo trước việc Phêrô chối Chúa; thứ tư: Mt 26,14-25: Giuđa phản bội), là những lý do trực tiếp đưa tới án tử cho Chúa Kitô.
III. Thứ năm Tuần thánh
Ngày thứ năm Tuần thánh gồm hai thánh lễ: Lễ Dầu và Lễ Tiệc ly.
1. Lễ Dầu
Tại nhà thờ chính tòa, Đức Giám mục và các linh mục trong giáo phận đồng tế, với sự tham dự đông đảo của giáo dân trong giáo phận, và trong thánh lễ này Đức Giám mục làm phép Dầu bệnh nhân (Oleum infirmorum = OI); dầu dự tòng (Oleum catechumenorum: OC) và thánh hiến dầu thánh (Sanctum chrisma = SC). Nếu vì lý do mục vụ nào đó, mà giáo dân không thể tham dự đông đảo được vào sáng thứ năm Tuần thánh, thì có thể dời thánh lễ này vào mấy ngày trước đó, nhưng đừng xa Lễ Phục sinh quá. Trong đêm Vọng Phục sinh, dầu mới này sẽ được dùng để cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo. Sau lễ Dầu, các cha xứ lấy dầu thánh về xứ để dùng trong năm thay thế cho dầu cũ. Nên có một nghi thức đón nhận dầu mới như trong một nghi thức cử hành Lời Chúa, trong đó giáo dân tham dự và được nghe đọc Lời Chúa liên quan đến dầu thánh và ý nghĩa của dầu thánh trong việc cử hành các bí tích Rửa tội, Thêm sức, Xức dầu bệnh nhân và Truyền chức thánh.
Trong thánh lễ Dầu, các linh mục cũng nhắc lại các lời khấn trước mặt Đức Giám mục.
2. Lễ tưởng niệm bữa Tiệc ly của Chúa Giêsu
Với thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc ly này, Giáo Hội bắt đầu Tam nhật thánh. Ban chiều, vào giờ thuận tiện, cử hành thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc ly của Chúa Giêsu.
Trong thánh lễ này Giáo Hội tưởng niệm ba sự việc sau đây:
- lập phép Thánh Thể
- lập chức linh mục
- ban giới răn mới.
Các bài đọc Sách thánh nói lên ba yếu tố trên đây và gợi ý tới mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô (bài đọc I: Xh 12,1-8.11-14), việc lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục (bài đọc II: 1Cr 11,23-26) và ban giới răn mới và cử chỉ khiêm nhường nêu gương cho tất cả, qua nghi thức rửa chân (bài Phúc âm: Ga 13,1-15). Nghi thức rửa chân cũng cho thấy việc Con Thiên Chúa hạ mình cho đến chết để nên hiến tế cho nhân loại, nêu gương cho các môn đệ đi theo Chúa Giêsu.
Sau thánh lễ có việc kiệu Thánh Thể sang một nhà tạm để chầu. Đây là việc kiệu Thánh Thể và chầu Thánh Thể duy nhất trong phụng vụ đã có từ lâu đời. Về sau mới có việc rước kiệu và tôn thờ Thánh Thể qua các hình thức tôn thờ khác. Việc chầu Thánh Thể công cộng kéo dài cho tới nửa đêm, sau đó có thể tiếp tục chầu riêng cho tới lễ nghi ngày hôm sau.
IV. Thứ sáu Tuần thánh
Trong lễ nghi hôm nay Giáo Hội tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô, Chiên Thiên Chúa hiến tế trên thập giá vì nhân loại, qua việc đọc Lời Chúa và tôn vinh thánh giá. Đồng thời Giáo Hội cũng tưởng nhớ nguồn gốc của mình phát sinh từ cạnh sườn Chúa Kitô chết trên thập giá. Tin cậy vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, Giáo Hội cầu bầu cho phần rỗi của nhân loại. Nếu có thể được thì nên cử hành lễ nghi này vào lúc 3 giờ chiều, nếu không thì cử hành vào giờ thuận tiện sau đó.
Lễ nghi hôm nay gồm các phần sau đây;
1. Đọc lời Chúa: bài sách ngôn sứ Isaia 52,13-53,12 (bài ca IV về Người tôi tớ Đức Giavê); bài đọc II: Dt 4, 4-16: Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết để thể hiện việc tuân phục Thiên Chúa Cha; và bài Thương khó theo thánh Gioan 18,1-19,42.
2. Lời nguyện chung trọng thể: đây là Lời nguyện chung có từ lâu đời và còn tồn tại mãi, trong khi đó trong các thánh lễ, lời nguyện chung này đã biến đi từ xưa và chỉ được lấy lại từ cuộc cải tổ phụng vụ của Công đồng Vaticanô II.
3. Suy tôn thánh giá
4. Rước lễ với Mình thánh đã được truyền ngày thứ năm hôm trước.
Ý nghĩa và liên hệ của 4 phần nghi thức này được diễn tả như sau: Với phần Lời Chúa, nhất là qua bài Thương khó, Giáo Hội tưởng niệm biến cố cao điểm của công cuộc cứu rỗi con người do Chúa Kitô thực hiện. Qua việc đọc Lời nguyện chung trọng thể, Giáo Hội cầu bầu cho các hạng người khác nhau trong Giáo Hội và cho các nhu cầu khác nhau của nhân loại, như thế Giáo Hội muốn áp dụng ơn cứu rỗi đã được thể hiện trên thập giá cho tất cả mọi người. Sau đó với Lễ nghi tôn thờ thánh giá, Giáo Hội biểu lộ lòng tôn kính đối với Đấng đã thực hiện ơn cứu rỗi của nhân loại và kêu mời tất cả quy phục thánh giá Chúa Kitô như là giá chuộc nhân loại. Sau cùng, với việc rước lễ, Giáo Hội làm cho tín hữu tham dự trọn vẹn vào hy tế cứu chuộc của Chúa Kitô.
Ngày hôm nay, Giáo Hội giữ thinh lặng tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa. Lễ nghi rất đơn giản, ngay từ đầu linh mục đã thinh lặng tiến vào nhà thờ, phủ phục cầu nguyện. Bàn thờ cũng không đèn nến cho đến lúc tôn thờ thánh giá.
Ngoài nghi thức phụng vụ tưởng niệm cuộc thương khó này, Giáo Hội buộc tín hữu ăn chay và kiêng thịt; đồng thời khuyến khích họ đi đàng thánh giá và đọc cũng như suy niệm các bài Thương khó của Chúa Giêsu trong sách Phúc âm.
V. Thứ bảy Tuần thánh
Trong ngày hôm nay Giáo Hội còn thinh lặng ở bên mộ Chúa để cùng tưởng niệm Chúa chôn trong mồ, xuống ngục tổ tông; đồng thời trong đêm canh thức, Giáo Hội đợi chờ vị Phu quân của mình là Chúa Kitô sống lại. Phụng vụ khuyên, nếu có thể thì cũng nên kéo dài việc ăn chay cả ngày hôm nay.
Nghi thức Vọng Vượt qua
Qua nghi thức Vọng Vượt qua, Giáo Hội canh thức chờ Chúa Kitô sống lại.
Nghi thức này gồm có các phần sau đây:
1. Làm phép lửa mới và công bố Tin mừng Phục sinh (Exsultet)
2. Đọc Lời Chúa
3. Phụng vụ cử hành các bí tích Khai tâm kitô giáo, hoặc Rửa tội
4. Phụng vụ Thánh Thể
Sau những tuần ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, thực hành việc lành bác ái, bây giờ tới lúc Giáo Hội cùng con cái vui mừng cử hành cuộc phục sinh của Chúa Kitô. Nghi thức công bố Phục sinh này thật trọng thể, với việc làm phép lửa mới, việc rước nến phục sinh, tượng trưng cho Chúa Kitô, và thày phó tế công bố Tin mừng Phục sinh, kêu gọi mọi người vui mừng hân hoan vì Chúa đã sống lại! Mọi người cầm nến cháy sáng trong tay để chia sẻ niềm vui với Giáo Hội và đón nhận Chúa Kitô là ánh sáng của mọi người và của thế gian.
Sau khi đã công bố Tin mừng Phục sinh, phần Lời Chúa cho đọc 9 bài sách thánh (St 1,1-2,1; St 22,1-18; Xh 14,15-15,11 (bài này không bao giờ được bỏ); Is 54,5-14; Is 55,1-11; Br 3,9-15.32 - 4,4; Ed 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-1), nói lên những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, kể từ việc tạo dựng, cứu thoát Dân Israel khỏi biển đỏ, thiết lập giao ước mới, những ơn huệ của thời kỳ giao ước mới và lề luật của giao ước mới; sau đó là lời mời gọi sống công chính như tạo vật mới theo ơn sủng của Chúa Kitô sống lại. Sau cùng là những bài tường thuật biến cố sống lại (Năm A: Mt 28,1-10; Năm B: Mc 16,1-17: Năm C: Lc 24,1-2).
Phần thứ ba của Nghi thức Vọng Vượt qua là Phụng vụ cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo, hoặc Rửa tội. Sau thời gian học đạo và cử hành thời gian dự tòng (chầu nhưng) trong suốt Mùa Chay, lúc này các dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể, để được cùng chết với Chúa Kitô và sống lại với Người, nên tạo vật mới. Họ là thành phần Dân Chúa, và lần đầu tiên họ được cùng mọi người đọc lời nguyện giáo dân. Nếu không có việc cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo, thì nên cử hành lễ nghi rửa tội cho trẻ con. Nếu có giếng rửa tội, thì làm phép giếng và nước rửa tội. Lời kinh làm phép này nói lên lịch sử Thiên Chúa cứu độ con người qua các biến cố, trong đó Thiên Chúa dùng nước để thực hiện việc cứu rỗi. Ngày nay sức mạnh của nước này là chính nước rửa tội đổ trên dự tòng cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sau nghi lễ này, tất cả cộng đoàn nhắc lại các lời hứa rửa tội mà cha mẹ hay người đỡ đầu đã nói thay họ.
Sau cùng là phụng vụ Thánh Thể: thánh lễ tiếp tục. Mọi người tín hữu và tân tòng cùng dâng lên Thiên Chúa Cha Chiên Con vẹn sạch, hy tế của ơn cứu rỗi. Trong kinh nguyện Thánh Thể, Giáo Hội cầu cho các tân tòng. Thánh lễ là hy tế vượt qua, và hôm nay trong đêm Vọng phục sinh, thánh lễ này mang một tầm quan trọng đặc biệt, vì là tột đỉnh của tất cả nghi thức vọng Vượt qua.
Niềm hân hoan phục sinh còn được cử hành trong ngày Đại lễ Phục sinh và trong cả Mùa Phục sinh, cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, tất cả được coi như là một Đại lễ Phục sinh. Alleluia!