Mã số: 14-049
MẢNH VỠ
- Có chuyện gì thế bà Mỹ? - Ông Hoà hỏi.
Bà Mỹ vừa thở hổn hển vừa rằn từng tiếng:
- Ch...iều... nay, chiều... nay Cha...
- Chiều nay cái gì? Bà nói mau lên, tôi sốt ruột quá!
Cố lấy bình tĩnh bà Mỹ trả lời:
- Chả là chiều nay Cha xứ bị khỉ cào ông ạ, rách hết cả mặt mũi rồi, giờ đang cấp cứu ở bệnh viện ấy. Ai gọi cho ông cũng không được nên nói tôi ở gần thấy ông về thì chạy qua báo.
Bà Thuận tò mò:
- Mà sao con khỉ lại dám cào chủ nó được hả bà?
-Tôi cũng không rõ lắm, chỉ nghe nói cha mở cửa chuồng để lấy cái gì đó, ai ngờ vừa chúi đầu vào thì con khỉ xông tới cào ngài tới tấp, nghe đâu ngài phải loay hoay mãi mới thoát ra được. Chắc nó tưởng ngài bắt nó cũng nên.
- Rõ thật là! - Bà Thuận thở dài.
Chẳng kịp rửa chân, ông Hòa khoác vội chiếc áo sơ mi dài tay rồi lên xe phóng đi một mạch. Bà Thuận nhìn theo chồng lắc đầu.
Mặt trời đã lặn, bóng ông Hòa cũng khuất dần, bà Mỹ vẫn còn đứng lại nói đôi ba câu với bà Thuận.
***
Ông Hòa phóng xe vào tận bệnh viện. Theo sự chỉ dẫn của cô y tá, ông vào thẳng phòng cấp cứu. Căn phòng yên ắng, mọi người đều đã về cả, chỉ còn mình cha nằm đó mặt mày sưng húp. Những vết khỉ cào tuy đã rửa sát trùng và bôi thuốc nhưng nó vẫn hằn rõ trên khuôn mặt cha già. Ông Hòa rón rén bước vào. Chắc vì mệt quá nên vị linh mục đã thiếp đi, ông Hoà không dám đánh thức ngài, chỉ ngồi đó nhìn xa xa ra phía chân trời, lòng nặng trĩu.
***
Tối đó không có thánh lễ, nhưng chuông nhà thờ vẫn đổ kêu gọi mọi người đi đọc kinh chung. Bình thường mọi người đi lễ rất ít, kể cả lễ Chúa Nhật thế mà hôm nay số người đi đọc kinh lại đông hơn rất nhiều. Có lẽ vì ai cũng muốn biết rõ sự tình ra sao? Rồi tình hình của cha xứ nữa chứ?
Đọc kinh xong ra khỏi nhà thờ, mọi người đều xôn xao hỏi: Cha sao rồi? Nằm bệnh viện có lâu không? Một giọng nữ lên tiếng, hình như là bà Xuyến: “Vẫn bình thường, chỉ xây xát mặt mày thôi, bác sĩ nói ở lại mấy ngày cho vết thương khô lại là có thể về được”.
– Thế mà đồn ầm lên, tôi tưởng nặng lắm. - Ông Đình lên tiếng.
– Tôi lại tưởng đợt này cha về nghỉ hưu luôn nữa chứ? – Ông Nam thêm vào.
Nghe nói vậy mọi người đều phá lên cười. Cha năm nay mới ngoài sáu mươi, nhưng thân hình ốm yếu, gầy còm lại thêm bệnh này bệnh khác thành thử trông ngài có vẻ như đã lớn tuổi lắm vậy. Ngài đã về đây được ba năm và là vị linh mục quản xứ đầu tiên ở đây. Vốn là một giáo xứ nhỏ lại ở tận trên miền núi, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên trước đó mỗi tháng giáo xứ chỉ có một thánh lễ. Các linh mục chỉ lên làm mục vụ thứ bảy hoặc chủ nhật cuối tháng mà thôi. Từ ngày có linh mục về giáo xứ, mọi người đều vui mừng và hy vọng. Thế là từ nay không còn phải đợi đến tận cuối tháng mới có thánh lễ nữa. Ai cũng hy vọng đời sống đạo của giáo xứ sẽ được củng cố, đời sống đức tin và luân lý cũng được nâng đỡ và thăng tiến hơn.
Thời gian đầu mọi người đi lễ rất đông, ai cũng tấm tắc khen cha mình giảng hay lại sâu sắc nữa, mỗi tội dài quá. Lễ ngày thường mà cha giảng tới ba mươi phút luôn! Dần dà số người đi lễ giảm rõ rệt, ngày chủ nhật còn tàm tạm chứ ngày thường có khi trong nhà thờ chỉ có mười, mười hai người, trong khi đó giáo xứ có tới hơn hai trăm nhân khẩu. Họ nói cha giảng dài quá, ngồi nghe buồn ngủ cả ra. Giới trẻ thì phàn nàn mất thời gian không còn thì giờ để học hành và giải trí... Bất kể mùa đông hay mùa hè, cứ 7h30 mới lễ đến 8h30 mới xong, về tới nhà là 9h có khi hơn nữa thì còn thì giờ đâu mà làm các việc khác chứ. Người già thì trách cha xứ quá hiền lại ít cởi mở nữa, lễ xong là ngài về phòng đóng cửa lại chứ không ra ngoài nói chuyện với mọi người như các cha trước. Vì thế chẳng ai dám tới cả...
Cách đây một năm, thấy ngôi nhà thờ xứ đã xuống cấp trầm trọng, mỗi khi mưa to là dột ướt hết cả lòng nhà thờ nên cha kêu gọi mọi người góp công, góp của để xây dựng lại ngôi thánh đường. Mọi người đều đồng tâm nhất trí, hiệp nhất với nhau. Nhà nào có nhiều thì đóng góp nhiều, nhà nào có ít thì đóng góp ít, không ai bảo ai đều hăng hái tham gia xây dựng. Mới khởi công mà mọi việc đều hết sức suôn sẻ.
Sau đó một thời gian, cha dẫn về một người khách lạ nói là họ về khảo sát tình hình để hỗ trợ giáo xứ. Họ nói sẽ hỗ trợ hoàn toàn nếu giáo xứ xây dựng theo mô hình và sự chỉ đạo của họ. Cha xứ không đồng ý, thế là người khách lạ ra đi đem theo luôn cả dự án hỗ trợ không còn thấy trở lại nữa. Nghe vậy, giáo dân oán trách cha xứ, có người còn to tiếng lên án, thậm chí còn rủ nhau về Toà giám mục để trình lên Đức Cha. Đó quả là một cú sốc lớn. Một giáo xứ vẫn được tiếng là sùng đạo, sống hiệp nhất và thánh thiện thế mà chỉ một vấn đề nhỏ đã dẫn đến chia rẽ, hiềm khích và chống đối nhau. Những con người đó lại đinh ninh rằng mình đang sống trong một thế giới hết sức vững chắc của niềm tin truyền thống nên không nhận ra là có một vực thẳm đang mở toang ở dưới chân. Từ đó, lòng nhiệt thành của mọi người cũng mất dần, chẳng ai có khí thế để tiếp tục công trình xây dựng còn đang dở dang cả.
Bẵng đi một thời gian, chờ cho không khí lắng xuống, vị linh mục lại mua nguyên vật liệu về và huy động mọi người tiếp tục xây dựng. Nghe đâu có một vị ân nhân rất lớn đã quảng đại hỗ trợ cho giáo xứ để có thể hoàn thành ngôi thánh đường. Mọi người lại bắt đầu đi làm nhưng tinh thần thì không thể có được sự hiệp nhất như ban đầu nữa.
***
Đêm đen bao phủ mặt đất, ngoài sân ngôi thánh đường đang xây dở dang lại nhộn nhịp, vui vẻ. Hình như đã rất lâu rồi không có một buổi tụ họp nào đông đảo như thế này. Ông Đình rôm rả: “Này các ông, các bà có nghĩ là phen này cha sẽ chuyển đi nơi khác không?”. Mọi người đều ngỡ ngàng: “Sao ông lại nói thế?”.
– Thì mọi người không thấy sao, cả vườn cây cảnh mấy chục chậu của cha bây giờ không còn được lấy một chậu à? Mấy hôm trước tôi thấy cha kêu xe về chở đi đó, chắc là chuyến này ngài đi thật đấy.
– Ừ nhỉ! - Mọi người đều gật gù.
– Giáo xứ mình mà được vườn cây cảnh đó thì khỏi phải lo tiền xây nhà thờ nhỉ?- Ông Thành cao hứng.
– Nói thế mà nói, việc gì ra việc ấy chứ, chỗ đó cả mấy trăm triệu chứ bỡn à! – Ông Đình tiếp lời - Tính ra thì cũng đủ để xây tiếp ngôi nhà thờ đấy, nhưng cha mình thì... một đời cũng chẳng có đâu, đừng mơ giữa ban ngày nữa ông Thành ạ.
– Ước gì giấc mơ đó thành hiện thực nhỉ. - Ông Hùng xen vào.
– Đúng thế, tôi thấy trong khi dân mình thì nghèo, xe máy chẳng có mà đi, thế mà từ khi về đây ngài đổi tới hai chiếc xe con rồi đó! - Ông Thành ca thán.
– Rồi tivi, tủ lạnh... toàn là đồ xịn cả, chẳng thiếu thứ gì! - Bà Hảo thêm.
– Lợn, gà, chim, cá ngài nuôi vô số thế mà khi nào có tiệc tùng cũng bắt mình cầm tiền của giáo xứ ra chợ mua chứ không à! - Bà Tâm tiếp.
– Ngài thế nên có ai chịu nấu nướng cho đâu. Vì thế mà phải về tận quê kêu một đứa nhỏ lên nấu nướng cho đấy. Khổ ơi là khổ!
Mọi người còn đang xôn xao thì có tiếng nói ở phía sau: “Ở nơi tôn nghiêm mà các anh các chị dám nói hành, nói xấu người khác, không sợ mắc tội à?”.
– Ớ... cụ!
Đó là cụ Thao. Năm nay cụ đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Trong giáo xứ cụ là vị cao niên nhất và cũng là người đạo đức, sốt sắng nhất. Trước đây khi chưa có linh mục, giáo xứ chỉ có lễ ngày chủ nhật, thế mà không một tối nào hai vợ chồng cụ bỏ đi nhà thờ cả. Mấy năm gần đây, sức khỏe có phần suy giảm nên hai cụ không còn thường xuyên đi lễ ngày thường nữa, chỉ khi nào có người chở đi thì hai cụ mới dám đi. Thế nhưng, hai cụ luôn thúc giục con cháu đến với Chúa. Đang ngồi cầu nguyện trong nhà thờ, thấy mọi người nói những chuyện không nên, cụ không chịu nổi đành phải lên tiếng.
– Các anh, các chị hãy nhìn lại mình trước khi lên án người khác đi. Đó, cứ nhìn vào ngôi thánh đường này thì biết đức tin của chúng ta lớn đến đâu, nó còn biểu lộ cả sự hiệp nhất của chúng ta đấy.
Nói tới đó rồi cụ bỏ đi, một mình chống gậy, cụ đi vào giữa bóng đêm. Nghe cụ Thao nói, mọi người thấy lòng mình chùng xuống, có lẽ trong họ ít ai có được những suy nghĩ sâu sắc như thế. Họ nhìn vào thực tế của cuộc sống để đánh giá, nhưng lại không nhận ra được những ý nghĩa đích thực ẩn ở đằng sau đó.
***
Ngày lễ khánh thánh nhà thờ đã đến. Từ ngoài cổng, cờ và băng-rôn đã được treo lên. Từ phía đường lớn nhìn vào, mọi người đều có thể thấy ngôi thánh đường. Một mình nằm trên ngọn đồi thoai thoải với địa hình rộng lớn đã được san bằng phẳng. Thêm vào đó là ngọn tháp cao vút được xây dựng theo lối kiến trúc Tây phương càng làm cho ngôi thánh đường thêm vẻ trang nghiêm và thánh thiêng hơn. Hai bên của ngôi thánh đường là cả một bãi đất rộng lớn, phía gần hành lang của nhà thờ là những ô nhỏ để trồng các loại hoa có đủ màu sắc. Xa hơn một chút là những hàng dừa cảnh đã được trồng lên. Còn ở tận ngoài xa là khu đất lớn để trồng cây ăn quả và các cây lấy gỗ. Đó quả là một khuôn viên lý tưởng.
Mọi người đều đã tập hợp ở sân nhà thờ, các em nhỏ xếp thành hai hàng thẳng tắp ở hai bên cổng để đón tiếp Đức Cha và quý linh mục cùng các quan khách đang đến với giáo xứ. Tay cầm bong bóng, miệng ca hát, ánh mắt đơn sơ của các em tỏ lộ rõ niềm vui sướng và hân hoan.
Đoàn Đức Cha và các cha đang tiến vào cổng nhà thờ, tiếng đàn ca vang lên, tiếng vỗ tay tưng bừng như pháo nổ, tiếng hò vang chào mừng quan khách khiến cả bầu không gian ngập tràn niềm vui. Sau màn chào mừng, Đức Cha cắt băng khánh thành nhà thờ và bắt đầu dâng thánh lễ. Một thánh lễ thật trang nghiêm, sốt sắng, mọi nỗi lo âu đều tan biến cả, những chia rẽ, oán than dường như không còn nữa chỉ còn lại niềm vui, tâm tình tạ ơn và sự hiệp nhất.
Sau thánh lễ, cha xứ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Cha và quý cha. Ngài cũng không quên cảm ơn sự đoàn kết, hiệp lực của tất cả mọi thành phần trong giáo xứ. Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất và lòng đạo đức sẵn có cần phải được phát huy. Khi nói những lời ấy, giọng ngài nghẹn ngào như cố che giấu một điều gì đó. Những lời nhắn nhủ của ngài như những lời trăng trối của một người sắp đi xa. Nghe cha nói, ở dưới có người xì xào: “Cha sắp đi thật rồi?”. Có những khuôn mặt lạnh ngắt không biểu lộ một chút cảm xúc nào, cũng có những người, nhất là các bậc kỳ cựu thì đầu hơi cúi xuống. Họ thấu hiểu. Họ đồng cảm.
Tiếp ngay sau đó, Đức Cha cũng bày tỏ niềm vui và chúc mừng giáo xứ có ngôi thánh đường mới: “Thưa bà con giáo dân, tôi rất cảm phục sự hy sinh, lòng nhiệt thành và tinh thần cộng tác của tất cả bà con trong việc xây dựng ngôi thánh đường này. Một giáo xứ ở miền núi còn nhiều thiếu thốn nhưng đã cố gắng để xây dựng một ngôi nhà khang trang cho Chúa ngự. Đó là điều rất đáng khâm phục và khen ngợi.
Qua vị mục tử của bà con, tôi biết được việc hoàn tất ngôi thánh đường này phần lớn là do công sức của tất cả bà con. Chính bà con và anh chị em đã hiệp nhất với nhau, đã hy sinh công việc riêng của mình đến đây mỗi ngày để cùng nhau xây dựng... Chính vì vậy mà ngôi thánh đường mới có thể nhanh chóng được hoàn thành như thế. Nhưng nguyên vật liệu ở đâu ra? Ai là người đã cung cấp những thứ đó để bà con có thể xây ngôi thánh đường này?”…
Đức Cha dừng lại, tạo cho mọi người sự thắc mắc và hồi hộp. Mọi người thì nóng lòng chờ đợi xem vị ân nhân của giáo xứ là ai. Họ nhìn quanh nhưng trong nhà thờ thì không có ai xa lạ cả,. Họ nhìn về phía cha xứ, cha xứ cúi mặt... Một câu hỏi đặt ra nhưng không có lời giải đáp. Đức Cha dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Tôi xin được tuyên bố vị ân nhân đó không ai khác chính là vị linh mục quản xứ của anh chị em. Người đã bị anh chị em nghi ngờ và lên án là không có sự quan tâm và hết lòng vì đoàn chiên”. Mọi người đều bỡ ngỡ, không ai nói với ai một lời nào nhưng trong đầu họ đều có chung một thắc mắc: Chẳng lẽ...
Quả đúng như vậy, điều mà mọi người nghi ngờ và gán ghép cho cha trước đây bây giờ mới ngã ngũ. Những cây cảnh to lớn trong vườn của ngài, những đàn lợn, đàn gà... mà ngài tằn tiện đem bán không phải vì ngài hà tiện hay keo kiệt gì, hoá ra ngài đã dành dụm tất cả, ngay cả hà tiện với bản thân để có tiền cho giáo xứ mua nguyên vật liệu.
Từ trước đến nay họ nghĩ rằng họ đã hiểu cha, có một cái nhìn đúng đắn về cha, nhưng không ngờ vẻ bề ngoài đó hoàn toàn đối nghịch với trái tim nhân hậu và tấm lòng quảng đại của vị mục tử đã hy sinh hết mình vì đoàn chiên. Ngay cả việc giảng lễ dài cũng là một dụng ý của cha. Khi về giáo xứ, ngài thấy đời sống đức tin của con cái mình còn non yếu lại bị ảnh hưởng của những thói tục bên ngoài nên đời sống luân lý cũng đang có nguy cơ tụt dốc.
Với trẻ em thì đã có những lớp giáo lý, nhưng còn với những người lớn, những bậc phụ huynh thì sao? Vậy là ngài nghĩ rằng chỉ còn một cách là đưa vào trong giờ lễ. Ai ngờ, điều đó lại không phù hợp với tâm lý của con người thời đại, thay vì sống theo Lời Chúa dạy thì họ lại lên án và coi đó là cái cớ để không đến nhà thờ nữa. Bây giờ họ mới nhận ra những mảnh vỡ của một vực thẳm ngay ở dưới chân mình.
Tận dụng lúc mọi người đang trầm lắng, Đức Cha tiếp tục một thông báo mới. Ngài nói: “Hôm nay cha xứ của anh chị em sẽ được chuyển về Toà Giám mục để dưỡng bệnh, còn giáo xứ tạm thời chưa có cha xứ mới. Giáo phận sẽ lo cho có cha về làm việc mục vụ hàng tuần cho anh chị em”. Bầu trời dường như sẫm lại, họ nghe như có cái gì đó đang tan ra ở dưới chân mình.