ĐƯỜNG VỀ LẠC LỐI (Giải viết văn đường trường 2014)

Lần thứ ba nghe cái giọng van xin của người đàn ông cô đã từng yêu say đắm, Tình mới thực sự ý thức được rằng người đàn ông đó không đáng để cô trao trọn cuộc đời mình. Anh ta càng không đáng để cô đặt cược cuộc đời của đứa con cô đang mang trong bụng.

Mã số: 14-048

ĐƯỜNG VỀ LẠC LỐI

– Anh xin em bỏ đứa bé đi. Chúng ta không thể sống mà có nó.

– Anh biết không tôi đã từng nghĩ rằng tôi sẽ “không thể sống mà không có anh”. Nhưng bây giờ chính là “không thể sống mà có anh!”. Đáng lẽ ra ngay cái buổi sáng tôi tỉnh dậy trên người không một mảnh vải che thân trong cái phòng trọ nhơ nhớp của anh, tôi nên dứt khoát đi kiện anh tội cưỡng hiếp tôi mới phải. Bởi vì tôi tưởng tôi còn yêu anh. Nhưng bây giờ tôi biết tình yêu của tôi đã chết từ cái đêm đó rồi. Nếu anh còn muốn sống cho tử tế thì hãy đi khuất tầm mắt của tôi trước khi tôi vẫn có thể tống anh vào tù vì cái tội giết chính con đẻ của mình.

Thế đấy, nhiều khi người ta có thể nói ra được những câu tàn nhẫn đến vậy chỉ để làm tổn thương người khác và làm đau chính mình. Nhìn người mình đã từng yêu và cũng đã từng yêu mình quay lưng ra đi một cách hèn nhát như vậy, thử hỏi cô có hối hận không? Nếu tất cả đều là quyết định của cô thì cô có quyền gì mà hối hận?

***

Trở về xóm trọ khi đường phố đã lên đèn, cái ngõ nhỏ rẽ vào phòng trọ của Tình hôm nay tối lạ. Phòng nào phòng nấy cửa đóng im ỉm, tối om om. Phải rồi hôm nay là cuối tuần, mọi người về quê hết. Bỗng dưng cô thấy nhớ nhà da diết. Nhớ ba mẹ, nhớ các em, nhớ cái mùi khói bếp khét lẹt mỗi buổi chiều ngày xưa cô nhóm bếp thổi cơm. Giờ này nếu ở nhà chắc cô đang hò hét các em dọn cơm, trong khi bố ngồi hút điếu thuốc lào và nhâm nhi chén nước chè tươi nóng hổi mẹ vừa nấu. Hạnh phúc của cô chất đầy trong căn nhà nhỏ ấm cúng, nơi có cây đào rừng anh cô trồng năm xưa trước khi mất mà cả nhà cô giữ gìn như báu vật. Bây giờ thì cô đã hiểu vì sao ngày xưa đã có lúc anh cô chỉ cây đào mà bảo: “Có nó ở đây anh sẽ không chết đâu”. Nghĩ đến đây, Tình bưng mặt khóc nức nở.

Tiếng giày cao gót nện lên mặt chiếc cầu thang gỗ lộp cộp. Tình vẫn ngồi trước cửa phòng mà khóc, chẳng thèm ngẩng mặt lên. Kệ! Dù là ai cô cũng chẳng thèm quan tâm. Khi đã chẳng còn gì để mất thì lòng tự trọng có đáng là gì.

Trong cái màn đêm đặc quánh một màu đen thui thì chiếc đầm màu mận chín vẫn nổi bật một cách khó tả. Chiếc đầm ôm sát một thân hình cao dong dỏng với những đường cong bốc lửa. Cô gái hơi khựng lại khi nhìn thấy Tình ngồi lù lù ở đó, nhưng chỉ sau một giây cô vẫn thản nhiên bước qua Tình để về phòng mình. Cái mùi rượu nồng nặc phả ra từ người cô gái đánh động khứu giác của Tình. Khi cánh cửa chuẩn bị khép lại thì Tình đột ngột lên tiếng:

– Trinh còn rượu không?

Không đợi Trinh trả lời, Tình bước thẳng vào phòng tìm rượu. Cuối cùng cô cũng tìm được mấy lon bia trong tủ lạnh. Chẳng nói gì Tình cứ thế giật nắp, ngửa cổ tu một hơi hết cả lon bia rồi ợ lên một cái. Trinh vẫn thản nhiên chẳng lên tiếng mà cũng chẳng ngăn cản Tình. Trinh vào phòng thay đồ, đến khi bước ra khỏi phòng tắm thì hai lon bia đã hết nhẵn, trong tay Tình đang uống dở lon thứ ba. Trinh ngồi xuống sàn nhà và cũng giật nắp lon cùng uống.

Trong đêm vắng hai người đàn bà say dựa vào nhau cùng kể chuyện cuộc đời.

***

Trinh không có cha nhưng có mẹ và bà ngoại. Mẹ Trinh đi làm xa lâu lâu về một lần, cho ngoại và Trinh ít tiền rồi lại đi. Nhưng từ năm Trinh mười ba tuổi, mẹ đi biền biệt và không bao giờ trở về nữa. Mọi người bảo mẹ Trinh đã theo một ông nào đó ra nước ngoài rồi. Trước khi đi mẹ để lại cho bà ngoại rất nhiều tiền bảo bà cố gắng nuôi Trinh ăn học cho đến khi Trinh trưởng thành. Từ đấy hai bà cháu dựa vào nhau mà sống.

Năm Trinh mười bảy tuổi trong làng có anh hỏi cưới Trinh. Trinh nghĩ mình cũng cần một nơi nương tựa cho cả cô và bà ngoại nên gật đầu đồng ý. Cô đã ngây thơ trao cuộc đời vào tay người đàn ông ấy, đến khi cô có mang thì hắn “chạy làng” cưới một người đàn bà khác già hơn Trinh, xấu hơn Trinh nhưng có học thức và “con nhà gia giáo” hơn Trinh.

Trước ngày hắn cưới, mẹ hắn đến nhà Trinh cầm xấp tiền đập vào mặt Trinh mà chửi: “Mẹ là đĩ, con cũng là đĩ. Số tiền này tao bố thí cho mày đấy. Còn cái đứa con hoang trong bụng mày, mày thích làm gì thì làm không liên quan gì đến nhà tao”. Trinh thản nhiên nhận số tiền mà cuộc đời “tát” vào mặt cô. Kể từ ngày ấy cô thực sự trở thành “đĩ”.

Rồi Trinh sẩy thai. Rồi bà ngoại Trinh mất. Vậy là cái tát cuối cùng của cuộc đời cũng in dấu lên mặt cô. Sau này dù Trinh có gắn bó với bao người đàn ông, có mang trong mình sự sống của bao sinh linh bé bỏng Trinh cũng không bao giờ để họ đi quá sâu vào cuộc đời cô. Bởi cô sợ lại phải nhận những cái tát. Trinh khắc lên tấm bia mộ của bà, tên của cô và cả tên của đứa con đầu lòng chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Từ đó trong làng không còn ai nhắc đến tên cô nữa. Chỉ thỉnh thoảng có ai đó lên thành phố trở về và kể lại chuyện đã gặp một cô gái phong trần rất đẹp, tên Trinh, trông rất quen mà “ai cũng biết là ai” đấy. Thế thôi.

***

Trinh khuyên bạn bỏ đứa trẻ nhưng Tình nhất quyết không đồng ý. Với Trinh đó là chuyện rất đỗi bình thường nhưng với Tình nó nặng hơn cả cuộc đời. Trinh bảo Tình là đồ ngốc, Tình sùng đạo đến mê muội, nếu Tình bỏ đứa con Tình sẽ mang tội phạm Thánh, vậy thì Tình cứ làm Thánh luôn đi cho rồi!

Tình nghĩ Trinh chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa của hai từ “ruột thịt”. Trinh đâu biết sau khi đã mất đi tình yêu thì tình thân trở nên quan trọng với Tình như thế nào. Đứa trẻ ấy dù chưa chào đời, dù Tình chưa thể nắm tay con, chưa thể nhìn thấy con nhưng cô có thể cảm nhận được mối liên kết của đứa trẻ trong thân thể cô. Tình mẫu tử bắt đầu thật đơn giản như thế và Tình biết từ nay cô sẽ yêu đứa trẻ này hơn tất thảy mọi thứ trên đời.

Tình quyết định trở về nhà. Cô sẽ thú tội với ba mẹ, xin ba mẹ tha thứ cho cô. Cô tự nhủ như vậy, rồi mọi sóng gió sẽ qua đi và hạnh phúc sẽ vẫn ở lại với cô. Nhưng mọi thứ đều không đơn giản như cô nghĩ. Nếu ở thành phố, cô không chồng mà chửa mọi người cũng chẳng thừa thời gian quan tâm, bàn tán và như thế đối với cô lại là một điều an ủi. Nhưng khi về quê cô bỗng dưng trở thành trung tâm điểm của mọi cái nhìn soi mói. Nó xoáy sâu vào cái bụng của cô, đốt cháy chút hi vọng cuối cùng còn sót lại trong trái tim của người con gái đã trót lầm lỡ ấy.

Nghe tin cô chửa hoang mẹ cô khóc ngất. Ba cô nhất quyết đưa cô sang thầy lang ở làng bên cạnh bốc thuốc phá thai. Cô không chịu thì ba cô đòi từ mặt cô. Ba cô bảo: “Mày cứ quyết tâm giữ nó thì chỉ có mày khổ thôi. Sau này làm gì có thằng nào nó chịu rước mày”. Cô nói: “Nếu con từ bỏ con của con thì sau này cũng không có thằng nào chịu rước con. Lỗi lầm do con gây ra con xin chịu. Ba mẹ đừng bắt con bỏ đứa bé. Tội lắm”. Thế là ba cô cứ thế giày vò cô: “Mày lên thành phố rồi học đòi theo đạo. Mấy đứa ấy nó dạy mày thì mày nghe, còn bố mày bảo thì mày không nghe. Mày định bỏ cái nhà này, bỏ gia đình dòng họ để theo cái bọn không biết ông bà tổ tiên là gì ấy à? Mày cút đi, tao thà không có mày thì còn hơn”. Những lời nói của ba như cứa vào tim gan cô, đau lắm. Những tưởng rằng cô sẽ như “đứa con hoang đàng” trở về và sà vào vòng tay tha thứ của ba mẹ, nhưng không, cuộc đời này phũ phàng biết bao nhiêu. Có những giây phút người ta chỉ cần một bàn tay chìa ra để vịn vào cho khỏi ngã mà khó quá.

Ngả tư đường giữa lưng chừng đồi hồi còn ở nhà bao lần cô đi qua đây, rẽ phải để đến nhà bà ngoại, rẽ trái để đến trường, nhưng lúc nào cô cũng đứng lại vài phút nhìn thẳng về phía trước, cuối con đường hun hút sẽ dẫn ta đến đâu, cô vẫn tự hỏi như thế. Hóa ra đi thẳng sẽ chẳng dẫn ta đến đâu cả nếu bản thân ta không biết trước điểm dừng. Và cô quyết định ra đi như thế.

***

Tình không trách ba mẹ. Chỉ buồn vì ba mẹ không hiểu cho cô. Ba mẹ cô không phải là người Công giáo. Gia đình cô, dòng họ của cô chẳng ai theo đạo cả. Vậy nên mười tám năm đầu đời, Tiểu Tình nhỏ bé của ba mẹ cũng chưa bao giờ biết đến ở ngoài kia lại còn có một ông Thiên Chúa đầy phép màu, như ông Bụt trong những câu chuyện cổ tích bà kể.

Cho đến khi Tình vào đại học. Tình gặp một cô gái, một cô gái rất đỗi bình thường, thậm chí chìm nghỉm giữa hàng trăm đóa hoa xinh tươi đang độ xuân thì trong cái lớp học không một bóng nam sinh này. Nhưng cũng chính vì vậy Tình lại đặc biệt chú ý đến cô ấy. Cách cô ấy ăn mặc, cách cô ấy nói chuyện và cả những cử chỉ dù là nhỏ nhất của cô ấy. Tình nhận thấy cô ấy giản dị đến khổ sở, dịu dàng đến yếu đuối và tất nhiên rất không hợp thời. Cô ấy như người cổ đại lạc lối đến thế kỷ hai mốt và tốt nhất cô ấy nên trở về với thời đại của mình. Điều đó khiến Tình thấy tội nghiệp cho cô ấy.

Tình chủ động làm quen với cô ấy. Tình tưởng rằng cô bạn đáng thương ấy sẽ nhìn lại cô bằng ánh mắt biết ơn, hoặc giả sẽ bối rối khi nhìn nụ cười thân thiện của Tình, nhưng không, cô ấy rất tự tin nhìn thẳng vào mắt Tình mà hỏi:

– Bạn nghĩ gì mà lại cho rằng tôi cần bạn?

Cuối cùng người bối rối lại chính là Tình. Nhưng cũng rất nhanh chóng Tình lấy lại bình tĩnh mỉm cười đáp lại:

– Vì câu nói này của cậu chúng ta nhất định phải làm bạn.

– Cậu điên thật!

Hai đứa nhìn nhau rồi cùng phá lên cười. Có những tình bạn chỉ đơn giản như vậy mà hóa thành tri kỷ.

Thế giới này luôn luôn công bằng. Đừng nhìn người khác bằng ánh mắt thương hại để rồi nghĩ rằng mình cần phải ban phát một chút lòng tốt cho họ. “Ơn huệ”, đó là một từ không nên dùng nếu muốn xây dựng những mối quan hệ tốt. Tình đã học được bài học đầu tiên trong cách đối nhân xử thế từ cô bạn kì lạ kia.

Phạm Hồng Ân là tên của cô ấy. Ở Ân có những điều mà người khác không có khiến Tình luôn nhìn Ân như nghiên cứu một vật thể lạ.

Thứ nhất: Ân lúc nào cũng cười, chưa bao giờ Tình thấy phảng phất một nét buồn trên khuôn mặt bạn.

Thứ hai: Ân luôn luôn lạc quan, vì tin rằng thế giới này nếu đã có chữ “vui” thì không thể tồn tại thêm chữ “buồn”.

Thứ ba: Không bao giờ thiếu tin tưởng người khác dù cho có bị lừa đến mười lần vẫn tin lời nói dối thứ mười một.

Thứ tư: Sẵn sàng cho đi mọi thứ mà không cần suy nghĩ, tính toán.

Thứ năm: Tha thứ là một việc quá ư dễ dàng.

Chỉ với năm điều trên thôi Tình nói rằng Ân thừa điều kiện để ngồi vào danh sách những con người cần cấp tốc bảo vệ vì sắp tuyệt chủng. Nghe Tình nhận xét về mình, Ân phì cười. Ân bảo với Tình rằng tính cách của Ân được tạo nên từ môi trường sống, môi trường giáo dục mà cô may mắn thừa hưởng. Điều đó khiến Tình rất tò mò. Tình vẫn tuyệt đối tin vào câu đúc kết của cổ nhân “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nhưng Ân lại chứng minh cho cô thấy những điều hoàn toàn khác. Ân đưa Tình đến những nơi mà cô chưa bao giờ biết đến, tiếp xúc với những người cũng vui vẻ, lạc quan, đầy niềm tin và có thừa lòng khoan dung mà Tình cứ tưởng rằng chỉ duy nhất ở Ân mới còn tồn tại.

Trên giảng đường, Tình vẫn luôn được học rằng niềm tin tôn giáo là một ý tưởng ngu muội phát xuất từ tập hợp những kẻ ngu ngốc, thiếu lý trí và không có đầu óc khoa học. Nhưng những gì Tình nghe thấy, nhìn thấy từ cuộc sống của Ân và những người xung quanh Ân khiến Tình dần dần tin tưởng rằng: Dù ai có nói thế nào thì niềm tin vào Thiên Chúa vẫn cần thiết và mãi trường tồn. Và bởi vậy, không quan trọng bạn là ai, bạn đến từ đâu và bạn làm gì, chỉ cần bạn có niềm tin thế là đủ.

Tình quyết định cải đạo. Dù ba mẹ có phản đối thế nào cô cũng nhất quyết không nghe. Ba mẹ cô nghĩ cô bị bỏ bùa mê của mấy ông thầy dòng nên họ đón thầy cúng về làm phép đuổi tà cho cô nhưng “bệnh” vẫn hoàn “bệnh”. Cuối cùng họ đành ngậm đắng nuốt cay để đứa con gái họ tự hào nhất cứ “dở dở ương ương” như thế.

Từ khi trở thành một con chiên ngoan đạo, Tình nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện. Đặc biệt cô còn được bầu làm trưởng ban truyền thông của đội sinh viên công giáo tuyên truyền hoạt động bảo vệ sự sống chống nạo phá thai. Những gì cô được chứng kiến khi tham gia vào đội khiến cô có lý do để tin tưởng rằng “phá thai” là bằng chứng thuyết phục nhất để chứng minh rằng con người còn ác độc hơn loài cầm thú. Thế thì bây giờ Tình nỡ lòng nào mà giết chết con ruột của mình kia chứ?

***

– A, mẹ Tình và dì Trinh về rồi!

Thằng bé nhảy lên ôm cổ rồi hôn chụt vào má mẹ nó một cái rõ kêu. Dì Trinh vào bếp nấu cơm, thằng bé vẫn ríu rít bên tai mẹ nó và kể: “Hôm nay đi lớp, bà sơ Hồng Ân khen Tĩnh ngoan lắm. Bà cho Tĩnh mười điểm về khoe với ba. Thế ba là ai hở mẹ?” Thằng bé ngây thơ hỏi mà không biết nó vừa làm tan nát cõi lòng mẹ nó. Tình vẫn chờ một ngày có thể kể cho con nghe về ba của nó, nhưng chưa phải bây giờ. Cô chỉ nhẹ nhàng nói với con rằng: “Ba là người Tĩnh yêu như yêu mẹ vậy”. Rồi cô kể cho con nghe về ông bà ngoại. Cô kể mà nước mắt rơi từ lúc nào không hay. Thằng cu Tĩnh giơ bàn tay mũm mĩm lên xoa mặt mẹ và bảo: “Con sẽ vẽ tranh cho ông bà ngoại. Trong tranh sẽ vẽ con và mẹ. Con sẽ bảo con và mẹ yêu ông bà rất nhiều”. Tình xúc động ôm chặt đứa con trai bé bỏng vào lòng.

Cánh thư đầu tiên cô viết cho ba mẹ. Trong thư cô viết rằng dù có ở nơi nào cô vẫn luôn nguyện cầu Chúa phù hộ cho ba mẹ được bình an, hạnh phúc.

Không có lỗi lầm nào là không đáng được tha thứ trong vòng tay của Thiên Chúa. Chỉ cần bạn không mất niềm tin, bạn sẽ được cứu rỗi.