MAY MẮN (Giải viết văn đường trường - 2014)

Năm nay nó tròn 22 tuổi, tốt nghiệp loại giỏi ngành Tin học của Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Nó sống đơn giản và thẳng tính: có sao nói vậy, thấy chuyện bất bình là góp ý, thấy điều tốt nên làm là làm. Tốt nghiệp xong là nó hớn hở đi tìm nhiệm sở. Nghe trường nào có chỉ tiêu là nó nộp hồ sơ vào, dù trường Trung học cơ sở hay Phổ thông trung học. Nó nhận được cú điện thoại của Hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở hẹn gặp ở quán cà-phê.

Mã số: 14-044

MAY MẮN

“Cuộc sống thật rắc rối!”. Đó là vào một buổi chiều cuối hè, ngồi trong quán cà-phê với ly đen đá, nhìn những dòng người tấp nập qua lại, nó nói với chính mình như vậy.

Nó đến trước, chọn một chổ ngồi gần cổng ra vào và gọi đen đá. Chủ quán là người Công giáo. Nó yêu cầu đổi nhạc. Bản nhạc “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy là bài nó muốn nghe. Lời bài hát du dương, rải  khắp quán làm cho khách cảm giác một ngày mới thật ý nghĩa, và chính nó cũng thấy cuộc đời thật đẹp, cũng có hy vọng vào cuộc gặp mặt với vị Hiệu trưởng. Nó nhìn đồng hồ, quá giờ hẹn 10 phút, nó vẫn bình thản chờ đời. Chuông điện thoại reo:

– Em đến chưa?

– Dạ rồi, em ngồi một mình, bàn số 1, trước cửa ra vào.

Vị Hiệu trưởng cúp máy, chìa tay ra, cười xả giao:

– Chào em.

Nó cũng cười và bắt tay Hiệu trưởng. Hiệu trưởng đầu tóc láng cóng, đóng thùng lịch lãm, cái bụng hơi nhô ra phía trước làm dáng đi thêm bệ vệ. Sau vài câu chào hỏi thủ tục, vị Hiệu trưởng hỏi:

– Em tốt nghiệp loại giỏi?

– Dạ.

– Bảy chục.

– Sao thầy? - Nó ngơ ngác nhìn Hiệu trưởng.

– Trung bình thì một trăm hai mươi, khá chín chục, còn giỏi bảy chục triệu.

Nó chết lặng mất mấy giây.

– Em không nghĩ mình phải đút bì thư để được đi dạy! Xin rỗi, thầy hẹn sai người rồi.

Thời sinh viên nó lý tưởng ngành sư phạm lắm, nhưng không ngờ ra trường mới thấy những tệ nạn tham ô vẫn xảy ra trong trường học. Vậy là một cuộc hẹn không thành công. Và hai, ba... cuôc hẹn nữa vẫn không thành công.

Bố nó nói, để bố nó tìm một vài người quen nhờ đi “cửa sau” cho ít tốn kém. Nhưng nó một hai là không đồng ý. Nó nói làm vậy thì mất bản chất tốt đẹp của người thầy giáo. Nghe nó nói, anh nó cười mỉa mai:

– Thời đại này mà còn nói đến bản chất, không đút lót thì “tết đồi bắp” mầy mới có chổ dạy!

– Không có nhiệm sở thì thôi. Thầy giáo mà đút lót thì làm sao đứng trên bục giảng dạy học sinh sống đẹp.

Đã gần ba tháng hè trôi qua, không có nơi nào gọi. Nó biết không còn hy vọng nào hết. Ở thị xã này khó có việc làm lắm. Anh nó tốt nghiệp Cao đẳng quản trị kinh doanh, tìm không ra việc, đành làm nhân viên trong nhà sách. Nó quyết định vào Sài Gòn xin việc công ty, không cần lương cao, đúng chuyên ngành là được.

Lễ chiều Chúa Nhật xong, mọi người đã ra về, nó muốn ngồi lại trong nhà thờ thêm một chút nữa, tìm một chút thư thái, một chút bình an cho tâm hồn trước khi vào Sài Gòn tìm việc. Cuộc sống Sài Gòn lắm bon chen, xô bồ. Nó cũng có ý định vào Nha Trang tìm việc, nhưng ở thành phố du lịch nhỏ bé này, kiếm việc rất khó, lương lại thấp. Chiếc đồng hồ chỉ 18h, nó rời khỏi Thánh Đường. Mặt trời đã hụp sâu dưới những toà nhà cao tầng, hoàng hôn bắt đầu rớt xuống thị xã, mọi người ra đường mỗi lúc một đông.

Tiếng còi xe inh ỏi xen lẫn trong những tiếng nhạc ở các quán cà phê tạo nên một âm thanh huyên náo của một thị trấn trẻ đang đà phát triển. Trước tầm nhìn của nó, mọi người đang nháo nhác xúm lại, nó cũng chen vào xem chuyện gì. Một  cậu thanh niên trạc tuổi nó nằm bất động, mặt mũi tèm lem máu. Chiếc xe Air Blade nằm vỡ bể bên thành cầu. Nạn nhân điều khiển xe chạy với vận tốc khoảng 60km/h định vượt mặt xe tải, tới gần, thấy khoảng cách chật quá, nạn nhân thắng vội, chiếc xe chài bánh đụng vào bánh sau xe tải. Tài xế xe tải đã bỏ chạy cùng với chiếc xe. Mười phút trôi qua, nạn nhân vẫn nằm đó, có kẻ bảo gọi công an, có người bảo gọi Taxi nhưng chẳng thấy ai rút điện thoại ra cả.

Nó ngập ngừng hồi lâu rồi rút điện thoại gọi Taxi, loay hoay đưa nạn nhân lên xe đi Nha Trang cấp cứu. Lục lọi hồi lâu mới tìm thấy hai chữ mẹ yêu trong danh bạ điện thoại của nạn nhân, nó gọi điện báo tin cho mẹ yêu của nạn nhân sau khi nạn nhân được đưa vào phòng cấp cứu. Nó được Taxi chở về lại hiện trường, nơi nó đưa nạn nhân đi khi người nhà nạn nhân chưa đến.

Về tới nhà thì trời tối om, cả gia đình đang chờ cơm tối. Nó phấn khởi giải thích việc về trể cơm tối với gia đình. Nó kể hớn hở một cách tự hào cho gia đình về việc tốt đã làm trên đường đi lễ về. Bỗng nhiên ông anh nhìn thẳng vào nó, quát lên một tiếng:

– Ngu, mọt sách, ngớ ngẩn!

– Sao? - Nó mở tròn mắt, ngơ ngác nhìn ông anh.

– Rước hoạ vào thân, chứ giúp người cái gì.

– Rước hoạ vào thân là sao ?

– Cả trăm người không ai đem đi cấp cứu, mầy lơ ngơ xen vào làm gì? Vào trong đó, bác sĩ bắt kí giấy tờ là người thân nạn nhân, có phải rắc rối không? May mà không có chuyện gì, nếu nó chết thẳng đường thì sao? Chết, công an tới tìm mầy điều tra, có phải mất thời gian hầu chực công an không? Rồi bây giờ, mầy được cái gì? Rảnh thì để thời gian đó mà đi tìm việc!

– Ai cũng nghĩ như anh, đến khi anh bị tai nạn ai cứu?

– Mầy lo xa quá.

– Thôi, cũng đáng làm. Ăn cơm đi! - Ba nó nghiêm giọng.

v                 

Gió thổi thật nhẹ chỉ đủ làm những cái lá me vàng úa rời khỏi cành, đậu nhẹ trên chiếc bàn mộc. Tiếng nhạc cà phê du dương hợp với cái nắng chiều đang buông xuống thị xã. Nó hớp một ngụm cà-phê, nghĩ về một buổi tối hoàng hôn đã qua: “Người ta xúi nhau gọi Taxi, xúi nhau đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng chẳng một ai làm cả. Có lẽ người ta sợ phiền phức, có lẽ chỉ có kẻ mọt sách mới làm ngớ ngẩn vậy chăng?”.

Thế là xong, một việc làm chẳng biết kết cục, chàng thanh niên, nạn nhân hôm tai nạn, nhà ở đâu, giờ sống hay là chết?  Một việc làm đi vào dĩ vãng, chẳng ai biết người “hùng” đưa nạn nhân đi cấp cứu hôm bị tai nạn là ai, nhà ở đâu, nó cũng không nhân được một lời cám ơn.

– Làm việc tốt thì bị chửi ngu, đi dạy thì phải đút lót. Cuộc đời thật rắc rối. - Nó thở dài.

– Chà ưi… Mình làm việc tốt thì người khác làm lại cho mình, đong đấu nào thì Chúa trả lại đấu nấy. Tính toán làm gì! - Nó nghĩ vậy, rồi đặt ly đen đá xuống bàn mộc, gọi chủ quán tính tiền và ra về chuẩn bị hành lí cho chuyến đi vào Sài Gòn.

Nó mang một ba lô nặng trĩu, định ra đón xe vào Sài Gòn, nhưng nhìn đồng hồ vẫn còn sớm. Nó vừa ngồi xuống trước phòng khách thì một chiếc xe hơi bốn chổ dừng bánh trước sân. Một người đàn ông ăn mặc sang trọng đi với anh công an phường, nó biết anh công an này, những dịp về hè, nó hay đi đánh banh cho phường nên hầu như cán bộ trên phường nó đều biết hết và người ta cũng biết nó.

– Chú này là bố của nạn nhân bị tai nạn ngoài cầu mà em đã đưa vào Nha Trang cấp cứu. - Anh công an nói.

– Chú cám ơn cháu. - Người đàn ông vui vẻ nhìn nó.

– Sao chú biết là cháu?

– Chú nhờ mấy anh trong phường tìm.

– Cái phường bé tẹo này ai làm gì mà không biết em. - Anh công an nhìn nó cười.

– Con chú sao rồi? - Nó tỏ vẻ quan tâm tới nạn nhân.

– Bị chấn thương nhẹ trên đầu, gãy xương hông và mất máu nhiều, nhưng giờ tính mạng thì ổn rồi, vài hôm nữa là xuất viện. Nó là con trai duy nhất của gia đình chú, học quản trị kinh doanh, năm thứ hai Trường Đại học Kinh tế. Nó đi Ban Mê thăm đứa bạn, đến đây thì bị tai nạn. May mà có cháu đưa đi kịp thời, không thì toi mạng rồi. Gia đình chú cám ơn cháu. - Người đàn ông vừa nói vừa đưa nó một phần quà và một bì thư kẹp theo.

– Ồ, em nó ổn là cháu vui rồi, còn phần này cháu để lại cho em nó bồi dưỡng. - Nó nói và đẩy phần quà về phía người đàn ông.

– Cháu nhận cho chú vui, còn bồi dưỡng cho em nó thì gia đình chú không thiếu đâu.

– Thôi thì cháu nó nhận phần quà, còn bì thư này anh giữ lại. - Bố nó vừa nói vừa đặt cái bì thư vào tay người đàn ông.

– Cháu định đi đâu mà mang ba lô nặng thế? - Người đàn ông hỏi nó.

– Dạ, vào Sài Gòn tìm việc?

– Cháu đã tốt nghiệp gì chưa?

– Dạ, Tin học, Đại học Sư phạm Quy Nhơn.

– Sao không đi dạy?

– Trường nào cũng đòi tiền hết, mà cháu nó lại không chịu đưa phong bì. Cháu nó nói thà đi làm ở ngoài còn hơn là đi dạy mà phải đút lót, mất tư cách người thầy. - Bố nó thở dài tỏ vẻ trách móc sự ngang bướng của nó.

Người đàn ông ngập ngừng hồi lâu:

– Chú có một người quen, Giám đốc Công ty điện máy ở Nha Trang, đang tuyển nhân viên phần mềm vi tính. Cháu vào đó nộp hồ sơ thử xem, mấy ngày nữa là xét hồ sơ đó. Gần nhà vẫn hơn cháu à!

* * *

Một cô gái mặt buồn thiu bước ra từ phòng phỏng vấn. Vậy là cơ hội vẫn còn cho nó, công ty chỉ tuyển hai người thôi.

– Bộ phận này, ngày làm hai ca 9 tiếng, sáng và chiều, lương một tháng 6 triệu, tăng dần theo bề dày thời gian và khả năng làm việc. - Người phỏng vấn nhìn nó.

– Dạ. - Nó tỏ vẻ bất ngờ, mức lương gần gấp đôi lương của một giáo viên mới ra trường như nó. Mức lương ở thành phố Nha Trang vậy là cao hơn nó nghĩ nhiều.

– Ở đây, chúng tôi trả lương cao nhưng đòi hỏi khả năng làm việc cũng rất cao. - Người phỏng vấn giải thích khi đoán được sự bất ngờ của nó qua nét mặt.

–Theo bạn thì ngày nay, điều gì quan trọng nhất cho giới kinh doanh. - Người phỏng vấn hỏi nó.

– Tôi nghĩ là chữ tín.

– Rất đúng. Trong cuộc sống, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên tôi lại nhiều lần nản chí với những khó khăn đó. Bạn có bao giờ gặp khó khăn gì không?

– Tôi cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi không giống anh. Gặp khó khăn, tôi không hề nản chí, bằng mọi giá tôi phải vượt qua nó.

– Có thể kể cho tôi trường hợp bạn gặp phải ?

– Khi tôi còn là sinh viên năm thứ ba, thầy giáo ra bài tập về nhà cho chúng tôi. Trong số bài tập đó, có một câu rất khó, dành để kiếm điểm 10. Tôi suy nghĩ mấy hôm mà không làm được, tất cả sinh viên lớp tôi đều bỏ cuộc câu này. Tôi nghĩ, bài tập dành cho sinh viên nghĩa là người sinh viên có thể làm được, cuối cùng, tôi lên mạng và nghiên cứu cách giải. Sau một tuần, tôi đã giải ra được.

– Tốt, chúng tôi nhận bạn, tuần sau bạn sẽ bắt đầu công việc.

* * *

– Chúc mừng cháu, trên kia chú đã nghe và quan sát hết cuộc phỏng vấn của cháu. Công ty này là của chú đó. - Vị khách sang trọng hôm đi với anh công an phường bước xuống bậc thang, chìa tay chúc mừng nó.

– Chú! - Nó kêu lên một tiếng, rồi ngơ ngác nhìn vị Giám đốc. - Mà chú nói xạo nghen!

– Thì chú cũng đang tuyển nhân viên mà, nếu nói nơi này là của chú thì chắc gì cháu nộp hồ sơ.

– Phỏng vấn toàn hỏi cái gì đâu không à? Không thấy hỏi chuyên môn gì hết trơn, chú nhận cháu trước khi phỏng vấn phải không?

– Làm gì có!  Ở đây là vậy đó cháu, trả lương cao, tương xứng với khả năng làm việc để giữ chân nhân viên. Chỉ nhận những người tốt nghiệp khá, giỏi. Chuyên môn thì ai cũng có hết rồi, hỏi làm gì. Khi làm ở đây, có những thứ phát sinh không nằm trong phần học ở trường, đòi hỏi chuyên viên phải có ý chí và sáng kiến. Mà điều này, cháu đã trả lời một cách tuyệt vời  khi phỏng vấn. Cháu xứng đáng làm trong Công ty của chú. Nói cho đúng là thằng con chú may mắn gặp cháu, cháu may mắn gặp chú và chú cũng may mắn tuyển được một nhân viên giỏi, có ý chí như cháu.

Cuộc phỏng vấn đã xong, nó quay về nhà với tâm trang phấn khởi, vui mừng. Con đường đèo Nha Trang - Ninh Hoà này nó đã đi qua không biết mấy lần rồi. Con đường vẫn những nắng, những cây mọc dọc theo triền núi, những gió mát mang hơi nước của biển nhưng hôm nay nó thấy đẹp và dễ chịu làm sao.

Thêm một lần nữa, trong bữa cơm, nó hớn hở kể về cuộc phỏng vấn. Anh nó bảo: “Mầy thật may mắn”. Và nó nghĩ: “Kẻ ngớ ngẩn đã gặp may mắn chăng?”.