Mã số: 14-043
CẦM BUỘC
– Ừ, mình quá đáng đó. Họ không đáng để được tha thứ. Mình muốn họ phải đau khổ, phải trả những gì họ đã gây ra cho mình. Họ chỉ biết vì bản thân, họ đâu nghĩ cho mình, thì hà cớ gì giờ phút này mình phải nghĩ cho họ. Nếu yêu, nếu quý mình thì sao từ bỏ mình, sao ngày đó bà ấy nhẫn tâm như vậy được thì giờ đây cần gặp mình để làm gì. Bao nhiêu năm nay chẳng phải bà ấy chẳng cần biết mình có tồn tại hay không sao. Bây giờ gặp để làm gì chứ? Muốn nói lời xin lỗi thì gọi mình tới nói là xong sao, xin lỗi thì bù đắp hết những năm tháng mình trải qua sao, có cha có mẹ mà như trẻ mồ côi. Cậu có biết cảm giác đó không hả?” - An Nhiên đáp trả Minh bằng cái lí lẽ đã dùng hơn bao nhiêu năm qua, dù cũ nhưng không thể chối cãi đó là sự thật. Minh chỉ có thể thở hắt một hơi dài thườn thượt, tiếng thở dài là tuyên bố đầu hàng, cũng là sự cảm thông dành cho An Nhiên đáng thương.
Một buổi sáng sau đêm mưa giông nặng hạt, mọi vật còn chưa kịp bừng tỉnh, người ta nghe thấy tiếng khóc oe oe của trẻ con, tiếng khóc mỗi lúc càng yếu dần. Vừa hé cánh cửa để đi thăm ruộng sau trận mưa xem có bị vỡ bờ, Chú Tư ngạc nhiên khi nhìn thấy đứa bé con đặt trong chiếc thùng giấy nhỏ trước cửa. Chú ẵm đứa bé lên, nhìn những vật trong chiếc thùng, ánh mắt ngạc nhiên chuyển dần sang u buồn, rồi là sự hằn học giận dữ, ánh mắt đó sắc lạnh dần dần.
Người phụ nữ đứng nhìn từ xa, cô quay lưng bước đi khi nhìn thấy người đàn ông đã ẵm đứa bé vào nhà. Cô đâu biết đó là lần cuối cô được nhìn thấy đứa con của mình.
Đứa bé một tháng tuổi được đặt trước cửa đó chính là An Nhiên. Không thể gọi là bị bỏ rơi vì người phụ nữ đó chính là mẹ, còn chú Tư chính là cha của An Nhiên.
Giữa hai người đó đã xãy ra cãi vã, vì xung đột mẹ An Nhiên bỏ về nhà ngoại nó khi bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh nở. Có lẽ vì động thai, bà sinh non An Nhiên, đứa bé thiếu ngày yếu ớt như không được chào đón lúc ra đời. Cha An Nhiên đã không đến thăm hai mẹ con sau cuộc cãi vã đó, cho dù ông biết con mình đã chào đời không suông sẻ.
Vì muốn chồng nhường một bước, chịu mở lời nói một tiếng mong bà quay về, mẹ An Nhiên đã mang con đến và đặt trước cửa nhà cha cô. Cứ ngỡ rằng vì con thơ khát sữa, đói lòng nhớ mẹ mà ông sẽ tìm bà, nào ngờ ông tuyên bố thẳng thừng, bà không cần con nhỏ, nhẫn tâm bỏ lại như vậy thì ông sẽ nuôi. Tự ái lại gặp tự ái, nhân lên gấp bội, hậu quả là chẳng ai nhường ai bước nào. Thời gian cứ trôi đi như vậy, An Nhiên lớn lên trong vòng tay của người cô, nhưng lại gọi cô là “mẹ”. An Nhiên ôm mối hận bậc sinh thành mà lớn lên. Sự thiếu hụt tình thương của mẹ, sự giận dữ vô cớ của cha, tất cả tích góp làm nên sự ngang bướng, chai sạn về tình cảm trong cô.
An Nhiên cứ hận nếu cô muốn, bởi vì có hận, hay giận thì vẫn cứ bình lặng sống, nhưng thật trớ trêu thay, bao năm vết thương không lành nhưng đã thôi rỉ máu đó lại trở mình làm An Nhiên đau đớn. Mẹ ruột của cô bị bệnh, khi biết mình sắp sửa vĩnh biệt cõi đời này, bà chỉ còn tâm nguyện duy nhất được nhìn nhận đứa con gái năm xưa. Hết người này đến người khác cố gắng thuyết phục, nhưng tất cả đều vô vọng, khi An Nhiên dường như đã đóng tất cả các cánh cửa quay về, cô không chấp nhận tha thứ cho người mẹ hay cả người cha, dù sống chung nhà nhưng không bao giờ nhìn cô bằng ánh mắt thiện cảm. Bởi với lí lẽ bất chấp của mình, An Nhiên cho rằng cả hai người đó đều đã từng không cần cô, thì cô cũng không cần tình cảm của họ.
Khi những người đưa tang cuối cùng ra về, từ phía xa cô gái tiến lại gần nấm mộ mới, người nằm dưới đó là mẹ cô, nhưng cảm xúc hiện tại cô không biết đó là gì, là ghét, là hận, là thương hay là buồn. An Nhiên cứ đứng vô hồn như vậy, ánh mắt đăm chiêu nhìn vào không trung vô định, chẳng màng đến cơn mưa đang mỗi lúc thêm nặng hạt. Bên tai vang lên những từng lời Kinh Thánh vô tình nghe vừa rồi… “Dưới đất con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất con tháo cởi điều gì, thì trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,18-19).
Đoạn Kinh Thánh đó thật sâu xa. Cô tự hỏi, có phải vì điều này mà đến cuối cuộc đời mẹ cô lại mong được tha thứ, khao khát được cô chấp nhận như vậy, nếu cô cứ nắm giữ, cứ bỏ quên đi hai tiếng tha thứ thì bà ấy có được yên nghỉ không. Chợt cô rùng mình khi nghĩ sự cầm giữ của cô thật nhẫn tâm biết bao, bà ấy vô tình đưa cô đến sự bất hạnh, còn cô cố gắng đưa bà ấy đến bến bờ của đau khổ. Chiếc nút thắt trong lòng là không muốn tháo hay là không thể tháo. Phải chăng sự cầm giữ này có làm cô hả hê cho cơn giận hơn hai mươi năm qua? Là sự trả thù cho sai lầm hay là đang tự dày vò chính mình?
Cô đuổi theo dòng suy nghĩ bất tận của mình mà không biết có người đã đứng bên cạnh cô rất lâu. Chiếc ô đen to xòe che chắn cho cô, người cầm ô là người “xa lạ” cô chưa từng tiếp xúc nhưng thừa biết đó là ai. Cậu cô đã đi đến bên cô tự lúc nào cô không hay biết. - “Giầm mưa thế này con sẽ bị đau đó!”. Tiếng ông trầm, giọng nặng trĩu nỗi buồn, tiếng nói đó phá tan sự tĩnh lặng đến đáng sợ giữa hai người. – “Con chịu đến đây có phải đã tha thứ lỗi lầm cho mẹ con rồi không? Bà ấy rất ân hận về quyết định ngày đó, bao năm qua bà ấy luôn cảm thấy có lỗi với con”.
– Hối lỗi thì được gì, có bù đắp được sự thiếu thốn cho tôi không? Nếu bà ấy nghĩ đến tôi, thì bao năm qua sao không đến tìm tôi sớm hơn, sao không trở về chăm sóc cho tôi? Đã muộn rồi. - An Nhiên chua xót nói.
– Con đừng nghĩ vậy, ai cũng có lỗi lầm mà, ngày đó mẹ con còn trẻ, cũng ngang bướng như con bây giờ. Đã có nhiều lần mẹ con về thăm con nhưng chỉ có thể đứng nhìn từ xa, bà ấy không đủ can đảm gặp con.
– Không đủ can đảm hay là không thể từ bỏ lòng tự ái của bà, bà ấy và cả cha tôi cũng giống nhau mà thôi, họ sợ tổn thương lòng tự trọng của họ chứ đâu nghĩ tôi bị tổn thương. Thật ra thì họ cũng đâu xem tôi tồn tại, vốn dĩ tôi là nhịp cầu để nối họ lại, nhưng tiếc thay tôi lại là nhịp cầu gãy, chẳng đủ quan trọng để… – Câu nói chưa dứt, An Nhiên chợt bắt gặp dáng người quen thuộc, ánh mắt cô chạm phải ánh mắt như quen mà lạ lẫm, đó là cha cô, ông đứng cúi mình phía xa sau những hàng bia. Chắc có lẽ ông định quay đi nhưng lại bị cô nhìn thấy.
Cuộc hội ngộ không mong muốn của những người không nên gặp nhau. Cậu An Nhiên chỉ khẽ gật đầu tỏ ý chào cha cô khi ông tiến lại gần hai người. An Nhiên chợt nhận ra nơi khóe mắt cha vẫn còn vương ánh nước ngấn đọng, có lẽ ông vừa khóc khi tiễn đưa người đã từng là vợ mình, chả trách ánh mắt xót thương, đau buồn đó lạ lẫm với cô. An nhiên bất ngờ vì bao năm qua cô luôn nghĩ người đàn ông này phải rất hận vợ mình, vì bà để cho ông gánh nặng như vậy, cô là “món nợ” mà cha cô mỗi lần say vẫn mắng nhiếc hết lời.
Từ khi hiểu chuyện, An Nhiên đã thấy thái độ ghét cay ghét đắng của cha với mẹ ruột cô, ông cũng gieo cả niềm hận thù đó vào cô, bằng những trận đòn không rõ lí do, bằng những cái bạt tai nảy lửa khi cô vô tình nhắc tới bà ấy, bằng cả sự vô tâm lạnh lùng đến tàn nhẫn.
Không có nhiều lời để nói cùng nhau, họ cứ đứng lặng như vậy, có lẽ mỗi người đang nói chuyện cùng người đã khuất. An Nhiên toan quay bước ra về thì cậu cô chợt nắm lấy tay cô: “An Nhiên, con đợi một lát, mẹ con có gửi cho con một kỷ vật, bà ấy rất quý nó, bà ấy muốn ta trao nó lại cho con”. Ông đưa An Nhiên một chiếc giày vải màu hồng đã sờn bạc màu vải, nhưng vẫn rất xinh xắn với những đường thêu kim tuyến vàng và ánh bạc đan xen.
– Tại sao bà ấy vẫn giữ chiếc giày đó? – Cha cô thốt lên đầy bất ngờ. Đôi bàn tay run run, ông rút từ túi áo ra một chiếc giày vải giống y hệt – Đôi giày vải này bà ấy thêu từ ngày mới mang thai con, lúc mang con đến nhà ta, trên chân con chỉ mang một chiếc giày vải, ta đã nghĩ chiếc còn lại đã bị đánh rơi.
Cầm đôi giày vải trên tay, cô gục ngã vỡ òa nức nở, bao giọt nước mắt kiềm nén bấy lâu. Giọt nước mắt có ngôn ngữ riêng của nó, đó là niềm vui xúc động, là nỗi buồn chất chứa nhưng cũng có lúc nó thay cho lời cảm ơn, xin lỗi và cả thứ tha. Người ta không biết trời đang khóc hay là An Nhiên khóc, tiếng mưa đan lẫn tiếng nấc nghẹn ngào. Một chiếc giày vải là vật vô dụng nhưng khi thành một đôi nó đã thật sự có ý nghĩa.
Trong mê man của cơn sốt, An Nhiên lâng lâng cảm nhận sự nhẹ nhàng như bay bổng không trọng lượng, ánh sáng chói lóa khi một cánh cửa mở ra làm cô hoa mắt, nơi đẹp đẽ này tựa Thiên đường. - “Dưới đất con tháo cởi điều gì, thì trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Tiếng nói trầm bổng đó là tiếng Chúa hay là tiếng lòng của An Nhiên? Hình ảnh nhạt nhòa phía xa như mờ ảo nhưng rất chân thực, bàn tay bé xíu của một cô bé nắm lấy bàn tay của người phụ nữ và người đàn ông, họ quay lại nhìn cô với nụ cười hạnh phúc. Cô bé mang đôi giày vải hồng xinh xắn bước nhanh như nhảy chân sáo, khuôn mặt hồng lên theo mỗi bước chân. An Nhiên mỉm cười cùng họ, lòng cô thanh thản khi trút đi gánh nặng của sự hận thù.
Cùng rửa tội với An Nhiên là những em bé mới ba tháng tuổi, có cha có mẹ đi cùng, nhưng An Nhiên không ganh tị với chúng, bởi lẽ cô biết mình cũng đã, đang và sẽ được yêu thương. An Nhiên và cha thực hiện di nguyện cuối cùng của mẹ. Cô tìm cho mình lẽ sống mới, cô sẽ mở lòng mình để đón nhận yêu thương, cho đi yêu thương. Cảm nhận rõ sức sống mới đang căng tràn, cô như được sinh ra lần nữa, lần này là làm con Thiên Chúa. Còn cha cô đi “chuyến tàu trở về”, ông trở lại con đường của Đức Tin sau bao năm sa ngã. Có lẽ người ta nghĩ đã muộn mằn để gia đình cô sum họp, nhưng cô biết nơi nhà Chúa này gia đình cô đã sum họp và sẽ luôn như vậy.