Những Bài Học Quý Giá Rút Ra Từ Cuộc Tiếp kiến của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô dành cho các sinh viên và các nhà báo từ Bỉ
VRNs (07.04.2014) – Sài Gòn- Những lời chia sẻ và nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến của ngài dành cho các sinh viên và các nhà báo từ Bỉ vừa qua chứa đựng nhiều bài học quý, nhưng ở bài viết này, người viết chỉ đề cặp đến hai ý tưởng mà ngài đã chia sẻ:
Thứ nhất, Khả năng mắc những sai phạm nơi mỗi người; lầm lỗi là Người Thầy Tuyệt Vời
Trong cuộc đời, chúng ta có thể học được nhiều điều hữu ích từ thầy cô, từ sách vỡ, từ những người xung quanh, từ môi trường sống thiên nhiên, từ lịch sử và từ những trãi nghiệm thành trong cuộc sống… Nhưng có mấy khi ta rút ra bài học hữu ích từ những lầm lỗi của mình?
Khi đề cặp về phạm lỗi và việc học từ những lỗi lầm của bản thân, Đức Thánh Cha đã bộc bạch: “Tôi đã mắc phải nhiều lỗi lầm trong cuộc đời, lỗi về việc quá hóng hách và ương ngạnh.”
Minh họa cho khả năng tái phạm những lầm lỗi nơi mỗi người, Đức Thánh Cha dùng cậu ngạn ngữ: “Người ta cho rằng con người là con vật duy nhất rơi xuống cùng một giếng hai lần.” Tuy nhiên, ngài đã nhấn mạnh: “Lầm lỗi là người thầy tuyệt vời”.
Ngài đã thú nhận rằng, trong cuộc đời, có vài lần ngài đã không học được từ những lầm lỗi bởi vì ngài ương ngạnh. “Mặc dù không dễ dàng để học, nhưng tôi đã học được từ nhiều lỗi lầm, và tôi đã thực hiện tốt điều này.”
Một người bạn trẻ hỏi Đức Thánh Cha những lầm lỗi nào mà ngài đã học được. Ngài cười và nói: “Tôi đã mắc nhiều lỗi lầm, tôi vẫn còn mắc những lỗi lầm.” Ngài đã trưng dẫn trường hợp điển hình như sau: Khi ngài được chọn làm bề trên của một tỉnh dòng thuộc Dòng Tên ở Achentina và Urguguay lúc 36 tuổi. Khi đó, “Tôi rất trẻ, tôi cũng là người độc đoán.” “Nhưng với thời gian, tôi học được rằng điều quan trọng là lắng nghe thực sự những gì người khác nghĩ và đối thoại với họ.”
Qua những điều Đức Thánh Cha chân thành chia sẻ, chúng ta có thể rút ra bài học quý giá đó là, là người không ai tránh khỏi lầm lỗi; điều quan trong là người ta học được gì sau khi nhận ra những lầm lỗi đó.
Nếu biết được rằng, là người không ai tránh khỏi lầm lỗi. Vậy ta có nên càm ràm, đay nghiến, trách móc những lỗi phạm của người khác không?
Ý tưởng thứ hai:
“Hãy tìm ra một lối nói xác thực, điều này bao gồm việc nhìn và nói với người khác như thể họ là những anh chị em của chúng ta.”
Trong lần gặp gỡ này, có một phụ nữ hỏi Đức Thánh Cha về việc: “Có loại sứ điệp nào ngài muốn gởi cho toàn thế giới –kể cả những người tin và những người không tin.” Đức Thánh Cha đã đáp lời chị, ngài nhắn nhủ rằng: “Điều quan trọng là tìm ra một cách lối để nói một cách xác thực, điều này bao gồm việc nhìn và nói với người khác như thể họ là những anh chị em của chúng ta.”
Để thấy tầm quan trọng của lời nhắn nhủ, chúng ta cần lưu ý đến ý nghĩa của từ “xác thực”. “Xác thực” được hiểu nôm na là một từ được dùng để chỉ tính chính xác, sự chân thành trong lời nói và hành động, trong cách cư xử, trong cảm xúc.
Như vậy, lời nhắn nhủ này thật là quan trọng trong việc xây dựng mối tương quan giữa người với người, và cũng rất quan trọng trong công cuộc truyền giáo, đặc biệt về công cuộc đối thoại liên tôn, đối thoại với nhà cầm quyền và đối thoại với những người nghèo mà Giáo hội đang chú trọng.
Sẽ chẳng bao giờ có đối thoại thật sự, và cũng việc đối thoại sẽ chẳng bao giờ đạt kết quả như mong muốn, nếu những người tham gia đối thoại không có sự chân thành, không có thành tâm, thiện ý để đối thoại với nhau. Bao lâu mà những người tham gia đối thoại thay còn xem nhau như đối thủ, thay vì đối tác thì chẳng bao giờ đối thoại đạt kết quả. Bao lâu mà những người tham gia đối thoại còn chỉ trích, lên án nhau, thay vì chân thành góp ý mang tính xây dựng, thì chẳng bao giờ có đối thoại thật sự. Bao lâu mà người ta không chân thành lắng nghe, thì chẳng bao giờ có đối thoại đúng nghĩa.
Điều quan trọng hơn hết trong cuộc đối thoại mà Đức Thánh Cha Phan xi cô muốn nhắn nhủ đó là, xem những người khác như anh chị em; và nói với những người khác cũng như anh chị em của chúng ta. Nhìn và nói với người khác “như thể” anh chị em của chúng ta không phải là làm cho người khác có cảm giác là ta đối xử với họ như anh chị em, nhưng đó là một thái độ và cách đối xử chân thành chứ không giả dối.
Nhắn nhủ như thế, Đức Thánh Cha mong muốn mọi người, đặt biệt là các Kitô hữu sống tinh thần Phúc Âm, theo gương Chúa Giêsu Kitô, luôn chân thành yêu thương và đối xử với tất cả mọi người như anh chị em của Ngài.
Cũng vậy, trong công cuộc truyền giáo, việc đối thoại cũng cần phải đặt trên nền tảng Tin Mừng, điều quan trọng hơn hết mà là phải coi những người khác như anh chị em của chúng ta. Đây quả là một thách đố cho chúng ta là những Kitô hữu.
Qua lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phan xi cô, tôi không thể không tự hỏi:
Phải chăng tôi đã chân thật trong mọi lời nói, cử chỉ, chân thành trong cách hành xử, xem mọi người là anh chị em của tôi, cho dù giữa tôi và họ có những khác biệt về lập trường chính trị, hay có những khác biệt về tín ngưỡng… Cách đặc biệt, khi tôi đối thoại hay đối xử với những người nghèo, tôi có chân thành xem họ như những anh chị em của tôi không, hay tôi có hành xử như là bề trên hay là một người bố thí?
Hy vọng lời chia sẻ và nhắn nhủ của Đức Thánh Cha lắng đọng trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta, và trổ sinh hoa trái nơi đời sống và việc làm của tất cả chúng ta.
Vominh