Hôn nhân đồng tính và hai cuộc từ chức
tại Google và Mozilla
Jessica Chasmar của Washington Times ngày 3 tháng Tư đưa tin: viên chức điều hành của Google là Jacqueline Fuller đã từ chức nhân một vụ thay đổi chính sách của hội đồng thừa tác vụ quốc tế về nghèo đói của World Vision.
Hội đồng này vừa quyết định thuê những người “kết hôn” đồng tính để đi truyền giáo. Nhưng chỉ sau đó hai ngày, hội đồng này đã hủy bỏ quyết định trên do áp lực của các nhà lãnh đạo Tin Lành.
Trong một bản tuyên bố, Hội Đồng này cho rằng “Hội Đồng nhìn nhận mình đã mắc sai lầm và quyết định trở lại chính sách lâu đời của chúng tôi là buộc mọi nhân viên độc thân phải tiết dục và trung thành với giao ước hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà của Thánh Kinh”.
Faithful America, một nhóm các nhà tranh đấu Kitô giáo cho công bằng xã hội, lập tức phát động một kiến nghị đòi cô Fuller và đồng nghiệp Google của cô là John Park phải từ chức khỏi Hội Đồng của World Vision. Hơn 16,000 người đã ký vào kiến nghị này.
Giám đốc Faithful America là Michael Sherrard tuyên bố rằng: “World Vision đã bóp méo đức tin Kitô Giáo khi theo đuổi một nghị trình hữu khuynh chống lại người đồng tính. Trong tư cách một trong các cơ quan bác ái Kitô giáo nổi tiếng nhất thế giới, quyết định của họ nhận các nhân viên nam nữ đồng tính là một bước tiến bộ lớn, nhưng việc họ rút lại quyết định ấy cách nhanh chóng là một cú đấm đau đớn vào tấm lòng của những ai trong chúng ta vốn tin rằng các Kitô hữu có bổn phận phải lên tiếng cho bình đẳng và phẩm giá của mọi người”.
Về cô Fuller, ông Sherrard cho rằng cô “đã làm một việc đúng là rút lui khỏi hội đồng của một tổ chức mà các giá trị không còn phù hợp với cam kết của Google về bao gồm và bình đẳng. John Park thì chưa quyết định trong vấn để tiến lui.
Tin trên gián tiếp cho thấy cô Fuller đứng về phía Google và Faithful America, và do đó ủng hộ quan điểm “hôn nhân đồng tính”. Trái lại, Alistair Barr của Wall Street Journal thì cho hay: tổng giám đốc Mozilla là Brendan Eich cũng đã từ chức nhưng vì sự ủng hộ của ông đối với cuộc bỏ phiếu chống “hôn nhân” đồng tính.
Brendan Eich từ chức chỉ sau khi được thăng chức cách nay hai tuần, vì cuộc phản đối ầm ĩ của các nhân viên Mozilla đối với việc đóng góp chính trị của ông. Họ cho rằng ông chống lại “hôn nhân” đồng tính.
Nguyên do là cách nay 6 năm ông từng hiến tặng 1000 dollars để ủng hộ sáng kiến bỏ phiếu năm 2008 tại California để ngăn cấm “hôn nhân” đồng tính.
Hồ sơ vụ hiến tặng này xuất hiện trên liên mạng ngay sau khi Ông Eich, người từng sáng chế ra javascript và giúp Mozilla khởi đầu năm 1998, được cử làm tổng giám đốc vào cuối tháng Ba vừa qua. Ngay sau khi được đề cử, một số nhân viên của Mozilla bèn lên Twitter đòi ông phải từ chức.
Việc ông từ chức gây ra cuộc tranh luận về việc liệu quyền có quan điểm chính trị riêng của ông có bị dẹp bỏ hay không. Matt Galligan, TGĐ của hãng tin vừa mở là Circa, viết trên Twitter như sau: “Đám đông đã trừ được người họ muốn. Dù tôi bất đồng với các niềm tin của ông, nhưng Brendan Eich đã cho ta javascript và giúp xây dựng nên Mozilla và Nestcape. Chỉ $1000 tặng cho Prop 8 mà nay lại là di sản của ông”.
Anil Dash của Bloomberg, một đồng sáng lập ra áp dụng ThinkUp, đã đưa ra câu trả lời gay gắt ngay sau đó như sau: “ ‘đám đông’ nào? Nghiêm túc đấy chứ? Phải anh muốn cho rằng một ai đó muốn kết tội cuộc hôn nhân của anh lại đáng lãnh đạo anh hay sao?”
Trong một bài đăng, nữ chủ tịch điều hành của Mozilla là Mitchell Baker đã lên tiếng xin lỗi việc cử nhiệm ông Eich. Bà cho rằng “chúng tôi có các nhân viên với các quan điểm rất khác nhau. Nền văn hóa cởi mở của chúng tôi trải rộng việc khuyến khích nhân viên và cộng đồng chia sẻ niềm tin và ý kiến nơi công cộng… Nhưng lần này, chúng tôi đã không chịu lắng nghe, mời gọi người khác và được cộng đồng của chúng ta hướng dẫn”.
Cuộc tranh cãi chung quanh việc cử nhiệm ông Eich chứng tỏ vấn đề “hôn nhân” đồng tính đã lớn mạnh thành một vấn đề sống mái như thế nào đối với nhiều người. Ở Silicon Valley, nhiều người coi đây là một vấn đề bất thương thảo. Không ủng hộ nó gần như bị coi là âm thầm ủng hộ các đạo luật kỳ thị chủng tộc xưa cũ của các thập niên 1950 và 1960.
Đề Nghị 8 (Proposition 8), là đề nghị nhằm ngăn cấm các cuộc “hôn nhân” đồng tính, đã được thông qua với hơn 52% tổng số phiếu của California. Tại bốn quận hạt đông dân nhất của vùng Silicon Valley, nó chỉ nhận được dưới 38% tổng số phiếu. Biện pháp này sau đó đã bị tòa án lật ngược.
Roger Kay, chủ tịch công ty nghiên cứu kỹ thuật học Endpoint Technologies, cho hay: “Các TGĐ hiện nay bị buộc phải có một tiêu chuẩn cao hơn trước đây nhiều. Một phần lý do là Internet. Mọi tín liệu này đều có ở trên đó và được chia sẻ nhờ truyền thông xã hội”.
Việc chọn Ông Eich làm TGĐ gây tranh cãi vì nhiều lý do. Do việc chọn lựa này, ba thành viên hội đồng Mozilla đã từ chức vì họ muốn có người từ ngoài vào mang theo nhiều kinh nghiệm hơn về kỹ nghệ di động, giúp cơ quan này cổ vũ được hệ thống điều hành di động của họ với các công ty viễn thông. Mozilla nói rằng ba người từ chức vì nhiều lý do khác nhau.
Tuy nhiên cuộc tranh cãi chung quanh vụ Đề Nghị 8 vẫn trổi vượt hơn các lý do khác. Thêm vào lời kêu gọi của nhân viên đòi ông từ chức, trang mạng kiếm người hẹn hò trên trực tuyến OkCupid lên tiếng yêu cầu khách hàng của họ tẩy chay không sử dụng Firefox. Credo Mobile, một công ty vô tuyến tự coi mình là cấp tiến đã thu lượm được hơn 50,000 chũ ký đòi ông từ chức.
Ông Kay cho rằng động thái của OkCupid báo cho hội đồng Mozilla thấy “đây không hẳn chỉ là một vấn đề riêng cho Mozilla”. Trong một bài viết trên trang mạng, Bà Baker, nữ chủ tịch của Mozilla, nói rằng “dù gây đau đớn, các biến cố tuần qua cho thấy một cách chính xác lý do tại sao chúng ta cần tới Mạng. Để tất cả chúng ta có thể tự do bước vào những cuộc bàn luận gay go mà ta rất cần trong việc biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.
Các cố vấn về ngành quản trị tai tiếng cho hay việc các TGĐ bị buộc từ chức vì các quan điểm chính trị không còn là chuyện bất thường nữa. Nhưng Eric Dezenhall, người đang điều khiển một công ty quản trị khủng hoảng ở Washington, cho hay ông từng được yêu cầu giúp các TGĐ có quan điểm chính trị cực bảo thủ. Theo ông, hiện đang có một thứ kiểm duyệt ngay trong nội bộ vì trong những năm gần đây những nhà tranh đấu cho giới đồng tính đang mặc những bộ áo quần bảnh bao trong vai trò điều hành cao cấp. Nghĩa là họ sẵn sàng có đó để “kiểm duyệt” các TGĐ cực bảo thủ kia.
Năm 2010, những người ủng hộ quyền đồng tính đe dọa tẩy chay và biểu tình bên ngoài các cửa tiệm để phản đối Target đã tặng 150,000 dollars cho ứng cử viên chống đồng tính tranh chức thống đốc Minnesota.
TGĐ Target là Gregg Steinhafel phải viết một thư xin lỗi các nhân viên và từ đó, công ty này làm nhiều cử chỉ lớn lao để ủng hộ các người đồng tính nam nữ, trong đó, có chiến dịch quảng cáo đăng ký kết hôn cho các cặp kết hợp đồng tính.
Tương tự như thế, những người đề xướng hôn nhân đồng tính đã cố gắng tổ chức một cuộc tẩy chay các nhà hàng Chick-fil-A trong năm 2012 sau khi Viên Chức Trưởng Điều Hành là Dan Cathy tuyên bố mình chống “hôn nhân đồng tính và ủng hộ “cau định nghĩa của Thánh Kinh về đơn vị gia đình”. Ông Cathy nay là TGĐ của liên hợp các công ty này. Dezenhall thì cho rằng Chick-fil-A là loại công ty do gia đình kiểm soát chặt chẽ.
Nhân dịp này, TGĐ Goldman Sachs Group Inc. là Lloyd Blankfein cho hay ngân hàng của ông ít nhất cũng đã mất một khách hàng vì người này ủng hộ hôn nhân đồng tính một cách công khai. Giống nhiều công ty khác, ngân hàng này cho rằng các chính sách thân thiện với người đồng tính là chìa khóa để lôi cuốn và giữ nhân tài.
Vũ Văn An