Tại sao Chúa Giêsu chết và sống lại?

Lạy Chúa Giêsu, con biết Ngài chết trên Thập Giá vì tội con. Chính tội con đã đè nặng lên Ngài để Ngài chịu thay cho con. Con xin mở lòng để Ngài ngự vào mà trở nên Đấng cứu độ và giải thoát con. Con cảm tạ Ngài đã cứu độ con khi Ngài trả nợ đời cho con. Con cảm tạ Ngài đã tha thứ và ban lại cho con sự sống đời đời.

Tại sao Chúa Giêsu chết và sống lại?

Cái chết của Chúa Giêsu hoàn tất điều gì? Tại sao Thiên Chúa tha tội lại cần Đức Giêsu phải đổ máu? Thiên Chúa có phản ứng thái quá khi đưa ra cách xử lý quyết liệt như vậy? Tại sao Chúa Giêsu phải chết để hoàn toàn xá tội cho chúng ta? Sự phục sinh của Chúa Giêsu bảo đảm ơn tha tội như thế nào?

Hãy nhìn sâu vào sự thật: Chúa Giêsu chết trên Thập Giá.

Đọc chuyện kể về cái chết của Chúa Giêsu sẽ cho thấy rằng Ngài bị đóng đinh trên Thập Giá lúc 9 giờ sáng và chết lúc 3 giờ chiều. Ngài đã chịu thử thách khủng khiếp trong sáu giờ.

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá có nhiều cái thâm sâu hơn nỗi đau đớn hữu hình, nỗi đau khổ khủng khiếp, và nỗi nhục nhã ê chề của Đấng Vô Tội là Con Thiên Chúa.

Vấn đề lớn nhất chúng ta phải đối mặt là đã không chấp nhận sự phục sinh của Đức Kitô, và sự thật là “Ngài vẫn sống” ngày nay. Vấn đề lớn nhất mà các tội nhân chúng ta phải đối mặt là chấp nhận chúng ta phải chết vì phạm tội, và bị mất phần trong Cái Chết của Ngài, Sự Mai Táng và Sự Phục Sinh của Ngài. Đó là tình trạng vô vọng của chúng ta vì tội lỗi. Do đó sự phục sinh của Đức Kitô trở thành sự thật rất cần thiết.

Nhiều người nói rằng họ cố gắng sống theo Mười Điều Răn hoặc theo các quy luật sống khác. Nếu chúng ta chân thật, mỗi chúng ta sẽ khám phá ra rằng chúng ta đã vi phạm các tiêu chuẩn đó vào một lúc nào đó. Đó là điều Thánh Phaolô có ý nói tới: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3:23).

Sự an toàn thực sự là sự tự do, không sợ hãi và không nghi ngờ. Sự tự do như thế chỉ hiện hữu nếu chúng ta an toàn trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Được kết hợp với Ngài trong sự sống và sự sống lại là sự an toàn tuyệt đối. Bị tách khỏi Ngài trong sự sống và sự sống lại là mối nguy hiểm tuyệt đối.

Mọi người sinh ra trong tình trạng khác nhau, nhưng mọi người có thể được kết hợp. Thiên Chúa cung cấp cho cách giải quyết. Chấp nhận cách giải quyết này, người ta phải chấp nhận sự thật này: Thiên Chúa là Đấng Thánh, còn loài người thì không thánh.

Sự hoàn hảo của Thiên Chúa đối nghịch với sự ác. Luân lý của chúng ta bị tổn thương khi chúng ta thấy sự ác. Bị xúc phạm là phản ứng đúng đắn, thậm chí chúng ta gọi các phản ứng như vậy là “sự căm phẫn chính đáng”. Chúng ta bị xúc phạm về luân lý bởi những gì chúng ta thấy.

Điều chúng ta không hiểu đó là sự thật vô hạn về Thiên Chúa vì Ngài hoàn hảo về luân lý. Ngài bị xúc phạm bởi các phản ứng xấu, dù là sự căm phẫn chính đáng. Ngài không thể làm ngơ. Ngài phải bảo vệ công lý chứ không thỏa hiệp và không thiên vị. Tội lỗi phải bị trừng phạt. Vấn đề bây giờ: Tôi có là người phạm tội?

Tôi phạm tội vì tôi không hoàn hảo. Thiên Chúa trao cho loài người Mười Điều Răn để chúng ta cố gắng sống tốt hơn, vì Ngài biết chúng ta không thể tốt đúng mức. Chỉ có Ngài hoàn hảo tuyệt đối: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18).

Đây là cách Ngài đo lường mức độ hoàn hảo: “Ai tuân giữ tất cả Lề Luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm. Thật vậy, Đấng đã phán: Ngươi không được ngoại tình, cũng đã phán: Ngươi không được giết người. Vậy nếu bạn không ngoại tình, nhưng lại giết người, thì bạn cũng thành kẻ vi phạm Lề Luật” (Gc 2:10-11). Chuyện là thế đấy! Tôi giữ tất cả hoặc tôi không giữ gì cả. Không có chuyện “nước đôi”. Vấn đề thế này: Tôi có làm điều xấu? Nếu vậy, tôi là người phá luật và tôi phạm tội “không tuân giữ điều răn”.

Một sự thật khác là sự vô vọng trong tình trạng của tôi. Các điều răn phải được giữ trọn vẹn. Ham muốn là phạm tội từ trong lòng. Ghen ghét là giết người từ trong lòng.

Trình thuật Mt 5:21-28 cho biết rõ: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng. Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. mặc dù tôi có thể kiềm chế hành động bên ngoài (giết người, ngoại tình), cũng chẳng dễ kiềm chế ý nghĩ (ghen ghét, ham muốn).

Hãy đến gặp Thần Y Giêsu để được xét nghiệm linh hồn bằng “tia X tâm linh” ngay! Hãy cắt bỏ mọi “khối u tội lỗi” rồi đặt trước mặt Ngài để xin Ngài chữa lành bằng Linh Dược Lòng Thương Xót.

Kinh Thánh dạy rằng chết là tách rời chứ không là chấm dứt. Đây là “cú phạt đền” đối với tội lỗi của nhân loại. Có sự tách rời khỏi Thiên Chúa trong cuộc đời này và kiếp sau. Hiểu được sự đền bù của Thiên Chúa về luân lý thì chúng ta sẽ hiểu vấn đề tách rời này.

Tội lỗi phải được đẩy lùi

Đặc tính luân lý của Thiên Chúa là rất thuần kiết, sự gì không hoàn hảo không thể ở trước mặt Ngài. Thật vậy, sự bất toàn luân lý hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa. Ngài phản ứng như người nuốt nhầm chất độc. Ngài sẽ mửa nó ra ngay. Mức độ thuần khiết này hoàn toàn xa lạ với chúng ta, đó là lý do tội lỗi của loài người là sự tách rời. Tội lỗi không thể xuất hiện trước Thiên Chúa chí thánh.

Tội lỗi phải bị trừng phạt

Xã hội phạt nặng các tội lớn. Cũng vậy, Thiên Chúa phạt nặng đối với tội trọng, những tội luân lý, vi phạm Thánh Luật. Tội trọng bị phạt nặng: Sự chết đời đời, sự tách rời vĩnh viễn đối với Tôn Nhan Thiên Chúa.

Chúa Giêsu làm người để sống và thanh toán món nợ mà chúng ta không thể trả nổi. Ngài nói rằng chỉ có sự hy sinh của người sống vô tội mới trả nợ được. Không ai có thể sống vô tội, do đó, không ai có thể trả nợ cho Thiên Chúa. Con Người Vô Tội đó chính là Chúa Giêsu Kitô.

Chỉ có sự hy sinh của Chúa Giêsu mới đáng giá đủ mức đối với Thiên Chúa để có thể thanh toán đầy đủ nợ nần của chúng ta: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1:18-19). Đó là Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa: Điều Ngài đòi hỏi thì Ngài lại cung cấp. Để trả nợ tội lỗi của nhân loại, Ngài đã ban Con Một.

Thiên Chúa trả nợ cho chúng ta

Thời Chúa Giêsu, khi một tử tù phải trả nợ đời cho xã hội bằng cái chết, thẩm phán sẽ viết MỘT CHỮ trên bản án kể tội của tử tù đó. Chữ đó là TETELESTAI, nghĩa là “đã xong” hoặc “đã trả đủ”. Nợ với xã hội của người đó đã được bãi bỏ vì đã được thanh toán đầy đủ. Khi Chúa Giêsu bị treo trên Thập Giá, giây phút cuối đời trần gian, Ngài cũng đã nói: “Tetelestai” – đã trả hết [chúng ta quen với cách dịch: “Thế là đã hoàn tất”]. Món nợ mà Ngài trả đầy đủ chính là TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA.

Sự phục sinh của Chúa Giêsu minh chứng sự chấp nhận của Thiên Chúa

Thời xưa, Anh quốc có nhà tù cho những con nợ quá thời hạn mà chưa trả được. Nếu không phát hiện nợ quá hạn, bên thứ ba phải thay thế. Bên thứ ba sẽ không được thả cho tới khi nào thanh toán hết nợ.

Chúa Giêsu là bên thứ ba. Ngài bị kết án vì chúng ta và chết thay chúng ta. Nhưng Ngài được tự do khi Ngài phục sinh. Chúa Cha đã chấp nhận sự đền tội của Chúa Giêsu thay cho chúng ta. Ngài đã xin lỗi thay chúng ta khi Ngài chết trên Thập Giá, nhưng mỗi chúng ta vẫn phải làm cho lời xin lỗi đó trở nên có hiệu lực.

Lạy Chúa Giêsu, con biết Ngài chết trên Thập Giá vì tội con. Chính tội con đã đè nặng lên Ngài để Ngài chịu thay cho con. Con xin mở lòng để Ngài ngự vào mà trở nên Đấng cứu độ và giải thoát con. Con cảm tạ Ngài đã cứu độ con khi Ngài trả nợ đời cho con. Con cảm tạ Ngài đã tha thứ và ban lại cho con sự sống đời đời.

LAMBERT DOLPHIN

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ GodResources.org)

Tô màu Đường Thập Giá

Triết gia Joseph Ernest Renan (1823-1892) đã nhận định: “Không thể hiểu hết lịch sử nếu không có Đức Kitô”. Một lời nhận xét tinh tế rất tuyệt vời!

 

 

Hồi nhỏ tôi không thích mùa Chay. Vì Mùa Chay có nghĩa là tôi phải từ bỏ những thỏi sô-cô-la và những miếng thịt ngon. Vì Mùa Chay có nghĩa là tôi phải cố gắng sống tốt để có thể tô màu con đường lởm chởm đá dẫn tới Can-vê mà giáo viên đưa ra khi học giáo lý. Mỗi viên đá tượng trưng một việc tốt, một lời cầu nguyện và một việc hy sinh. Một số trẻ em vừa đọc 40 kinh Kính Mừng vừa tô màu. Tôi không thích như vậy. 

 

Mùa Chay có nghĩa là chúng tôi được các sơ cho sắp hàng từ trường học rồi đi đến nhà thờ để đi Đàng Thánh Giá, xưng tội, hoặc tập hát. Mùa Chay có nghĩa là có thể đi thăm bạn bè, rồi cả nhà cùng quỳ gối khi lần chuỗi Mân Côi. Tôi cũng muốn tham dự với họ dù gia đình tôi đã đọc kinh xong. 

Nếu chúng tôi đi thăm bạn bè, mỗi ngày chúng tôi phải đọc ba, bốn hoặc năm chuỗi Mân Côi. Tôi cân nhắc những việc hy sinh này, kể cả việc cầu nguyện, và tô màu hai viên đá để... có thể đi con đường tắt dẫn tới Thánh Giá, nhưng con đường tới Can-vê lại là con đường dài... 

Gần cuối mùa cầu nguyện và hy sinh là một chuyến đi mua sắm chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh. Chị tôi và tôi rút tiền, mỗi lần khoảng 15 USD. Chúng tôi mua những chiếc áo sơ mi mới... Màu hồng của chị Ann, màu xanh của tôi... Giày trắng bóng loáng, vớ mới, nón trắng mới với dải băng hoa, cái ví nhỏ và bao tay trắng. Chúng tôi không được phép mặc những thứ đó trước Lễ Phục Sinh nhưng chúng tôi làm mẫu những thứ đo cho bất kỳ ai tới thăm. 

Mẹ tôi luôn nhắc nhở tôi rằng Mùa Chay là Thời Gian Thánh, tôi nên suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu Kitô, nhưng trí óc tôi lại luôn nghĩ tới chiếc mũ Phục Sinh mà tôi sẽ được đội ngày hôm đó. 

Tôi cứ như vậy suốt vài năm cho tới khi giáo xứ chúng tôi có cha sở mới. Linh mục này là Đức ông. Ngài nói với chúng tôi rằng ngài là bạn đăc biệt của Đức giáo hoàng. Chúng tôi ấn tượng lắm. Ngài là người to lớn, có giọng nói trầm, và có tài về kịch. Chặng Thánh Giá thứ nhất của tôi với ngài đã thay đổi Mùa Chay đối với tôi. Ngài lặng lẽ cầu nguyện ở chặng thứ nhất với cộng đoàn. 

Các chặng Đàng Thánh Giá trong ngôi nhà nguyện nhỏ của chúng tôi là những hình ảnh Chúa Giêsu trên đường tới Đồi Can-vê. Tôi đã nhìn các hình ảnh đó nhiều năm nhưng tôi chẳng thấy gì khác. Năm nay, cha sở hướng dẫn cầu nguyện khi đi Đàng Thánh Giá rất sâu lắng, rất cảm động. Khi cha sở di chuyển từ chặng này tới chặng kia, tôi đã thấy Đức Kitô sống động. Tôi thấy Chúa ngã xuống đất. Tôi thấy nước mắt chảy ra từ đôi mắt của Đức Mẹ. Tôi không cô đơn giữa đường đời. Trong những bi kịch của cuộc đời, tôi luôn có Chúa Giêsu và Đức Mẹ đồng hành. 

Chúa Giêsu bị đánh đập, mệt mỏi, kiệt sức,… nhưng Ngài vẫn không ngừng đấu tranh cho chúng ta! 

Kết thúc buổi đi Đàng Thánh Giá, mọi người ra về lặng lẽ, cõi lòng ai cũng trĩu nặng, hình ảnh Đức Kitô tròn đầy,... Chúa Giêsu bị chúng ta phản bội, Ngài chịu nỗi cô đơn dữ dội trong cơn hấp hối. Chúng ta hãy xin Ngài ban thêm nghị lực sống để đi hết Đàng Thánh Giá của cuộc đời mình. 

Thứ Sáu Tuần Thánh, khi chủ tế đọc bài Thương Khó, lòng tôi thực sự đau buồn như thể tôi đang có người thân chịu đau khổ mà tôi không thể giúp gì được! 

Rồi tới Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh, tôi đến nhà thờ với gia đình. Tôi cảm thấy rất vui mừng. Nắng chiếu với nét sáng chói mới lạ, những bông hoa loa kèn nhìn trắng hơn năm ngoái, lá cũng xanh hơn. Tôi không thể nhớ tôi đã mặc gì với chiếc nón mới trong ngày quan trọng đó. Tôi biết đó là lần đầu tiên tôi lên đường tới Can-vê đã được tô màu cho tôi và tôi thực sự vui mừng. Tạ ơn Chúa! 

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)