Vị linh mục "ôm" 6.000 thai nhi
Câu chuyện về vị linh mục đã đưa về hơn 6.000 sinh linh vô tội bị cha mẹ chối bỏ từ các phòng khám y tế về nghĩa trang thai nhi được lập nên từ gần 3 năm nay.
Đưa chúng tôi đi xem “phòng thai nhi”, linh mục Nguyễn Văn Tịch (TP Biên Hòa, Đồng Nai) thổ lộ: “Tôi cảm ơn đời đã cho tình yêu để đồng hành cùng với các thai nhi. Khi làm việc này tôi không nghĩ xa xôi mà chỉ mong các thai nhi vô tội có một nơi yên nghỉ xứng đáng của một phận đời. Từng có người bảo tôi là mở nghĩa trang thai nhi chẳng khác nào khuyến khích mọi người cứ việc phá thai vì đã có chỗ chôn cất. Tôi không buồn mà vẫn cứ làm. Tôi làm công khai, chính quyền địa phương và mọi người trong khu vực đều biết. Họ rất ủng hộ tôi vì đây là công việc bác ái, từ thiện nhất là trong bối cảnh nạn nạo phá thai trong giới trẻ đang diễn ra rất đáng lo ngại”.
Hãi hùng “phòng thai nhi”
Trên hành lang nhà xứ giáo xứ Tây Hải (phường Hố Nai), Linh mục Tịch cơi nới thành một phòng để thai nhi rộng khoảng 4m2. Trong căn phòng này lúc nào cũng có hoa tươi và một tủ đông. Sau khi cúi mình thành kính ông đưa tay đẩy cánh cửa tủ đông. “Đây, gần 100 thai nhi tôi đưa về khoảng nửa tháng nay”, ông nói.
Linh mục Nguyễn Văn Tịch đang tắm rửa cho một thai nhi
Tôi nhón người nhìn vào tủ đông, khá nhiều lọ to nhỏ, nắp màu vàng, đỏ… được sắp xếp ngăn nắp. Khá nhiều lọ chỉ là một cục máu đỏ sậm. Một số lọ đã cho thấy hình hài những đứa trẻ ngồi co quắp, mắt nhắm nghiền, sầu khổ… Có lọ gắn cả tên người mẹ sinh ra đứa bé.
Trung bình ông nhận 5 thai nhi/ngày. Có những thai nhi chỉ cần chờ thêm vài ngày là khóc tiếng khóc đầu đời.
Mỗi thai nhi khi đưa về được chính tay cha Tịch tắm rửa sạch sẽ tại căn phòng này. Sau đó, thai nhi sẽ được cho vô lọ đã được sát trùng rồi để vào tủ đông.
Cứ thế đến cuối tháng, con số thai nhi vôi tội nằm trong tủ đông này lên đến khoảng 200. Bốc một chiếc lọ đựng thai nhi rồi nâng niu cho tôi xem, cha Tịch cho biết sau mỗi tháng “thu gom” ông sẽ tiến hành làm thánh lễ thai nhi và đưa số thai nhi này ra nghĩa trang chôn cất. Riêng những thai nhi hơn 6 tháng tuổi, sau khi đưa về sẽ được hỏa thiêu mới đem chôn.
Chiếc tủ đông với những chiếc lọ đựng các thai nhi.
Địa bàn ông đi “thu gom” thai nhi chủ yếu ở TP Biên Hòa với 7 phòng khám tư nhân. Các bệnh viện nhà nước ông vẫn chưa tiếp cận được.
“Tôi đã làm đơn gởi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị được nhận các thai nhi về chôn cất nhưng vẫn chưa nhận được trả lời”, cha Tịch cho biết.
Một số trường hợp bố mẹ trực tiếp đem con đến gởi chôn cất. Có gia đình bảy lần đem con đến nằm lại trong cái tủ đông. Có những người tận TPHCM cũng xin được gởi con nằm lại trong nghĩa trang hài nhi của cha Tịch.
Cha Tịch kể, trước ngày tôi đến ông nhận được 4 cú điện thoại từ TPHCM của 4 trường hợp muốn bỏ con. Sau khi nghi cha Tịch khuyên nhủ hai trường hợp quyết giữ lại con, một trường hợp do dự và một nhất quyết bỏ con. “Họ bỏ con dễ dàng quá, tôi đã nói hết cách rồi, thật buồn khi biết mà không cứu được các sinh linh nhỏ bé”, ông buồn buồn.
Linh mục Nguyễn Văn Tịch đang nâng niu một lọ đựng thai nhi được lấy ra từ tủ đông.
Theo cha Tịch, trong các đối tượng bỏ con, phần lớn là công nhân, học sinh - sinh viên, thậm chí trẻ vị thành niên! Theo anh Phạm Quốc Vinh - một người đi nhận thai nhi cho biết cứ sau mỗi dịp lễ tết một thời gian, số lượng thai nhi anh nhận được từ các phòng khám tăng đột biến!
Sắp đầy 3 ngón tay
Rời “phòng thai nhi” chúng tôi ra nghĩa trang thai nhi với cảm giác vô định. Tại cái nghĩa trang rộng khoảng 100m2 - mảnh đất được những người hảo tâm góp tiền mua rồi biết tặng cha Tịch, người ta xây huyệt theo dạng các ngón của 2 bàn tay.
Tại đây có 10 hố huyệt biểu trưng của 10 ngón tay đã được xây xong. Một công viên nghĩa trang hài nhi đã thành hình với cây xanh và hoa cỏ. Có ai nghĩ rằng hơn 6.000 thai nhi bị chối bỏ đang nằm trong các ngón tay này.
“Thai nhi sắp đầy 3 ngón tay rồi”, cha Tịch nói. Trong mỗi ngón tay, linh mục Tịch tính phải chôn cất được khoảng 2.000 thai nhi. Theo đó, sau khi đầy một lớp thai nhi sẽ được phủ một lớp xi-măng. Với tốc độ số lượng thai nhi được nhận như hiện nay, thì có lẽ chẳng bao lâu nữa 10 ngón tay này sẽ không còn chỗ cho những sinh linh “đi sau, đến muộn”. “Tôi cũng đang lo với tốc độ chôn cất thai nhi này khi quỹ đất có hạn”, cha Tịch băn khoăn.
Một góc nghĩa trang hài nhi.
Điều đáng mừng là có vẻ “tốc độ nạo phá thai” đang có chiều hướng giảm dần. Anh Vinh cho biết nếu như trước đây mỗi tháng anh nhận được khoảng 300 thai nhi thì giờ đã giảm xuống còn hơn một nửa.
“Tôi cũng nghĩ rằng việc làm của mình đang có những tác động ít nhiều đến xã hội, nhất là tình trạng nạo phá thai trong khu vực. Thực tế tình trạng nạo phá thai trong khu vực đang giảm dần. Trong mỗi thánh lễ thai nhi tôi đều khuyên nhủ mọi người về sự sống. Phải bảo vệ sự sống và ngừng việc phá thai”, cha Tịch cho biết.
Để công việc bảo vệ sự sống của mình hiệu quả hơn, sau khi thành lập nghĩa trang hài nhi, cha Tịch cũng lập nhà tạm lánh cho chị em lỡ mang thai. Tại nhà tạm lánh này, hiện có khoảng 30 chị em đang ở. Không chỉ có được chỗ ăn, chỗ nghỉ để chờ giờ “vượt cạn”, những chị em này còn được tạo công ăn, việc làm kiếm thêm thu nhập để trang bị cho mình khi nuôi con. Theo linh mục Tịch, ông đang xây thêm một nhà tạm lánh cho phụ nữ lỡ mang thai. Ông cho rằng, chỉ cần cứu được 1, 2 sinh linh là một việc đáng để làm cho dù đời có vất vả.
Chiều xuống, chúng tôi thắp nén nhang thành kính trước linh hồn của những sinh linh vô tội. Ở một góc nghĩa trang hài nhi, một tốp nam nữ cũng đang đứng thinh lặng, cúi đầu. Phải chăng trong số họ cũng có những bậc sinh thành đang hối lỗi vì một lý do nào đó đã gởi con mình nằm lại đây?
Tôi đã nghe rất nhiều về việc linh mục Nguyễn Văn Tịch làm nghĩa trang hài nhi. Tôi cho rằng đấy là một việc làm rất tốt mang đầy tính nhân bản trước tình trạng nạo phá thai hiện nay. Chính quyền địa phương đánh giá rất cao và ủng hộ việc làm này. |
Trần Đáng, danviet
Nghĩa trang hài nhi 'một không hai' ở Nam Bộ
Sau khi nhặt xác thai nhi về, họ đưa vào những hũ thủy tinh rồi chất trong tủ đá. Cứ đến cuối tháng lại có hàng trăm người xa lạ đến nhận làm cha mẹ của các em rồi tiễn đưa các em ra nghĩa trang, chính thức về với thế giới bên kia.
Câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng thực ra nó đã làm cho bao người ý thức được sự sống đáng quý nhất trên đời, rằng phá bỏ một mầm sống là bỏ một sinh linh bé nhỏ, có tội với xã hội…
Có một nghĩa trang như thế!
Ở thời điểm kinh tế khó khăn, người ta phải làm việc chật vật để mưu sinh cuộc sống, chạy đua với thời gian để làm sao kiếm được nhiều tiền nhất. Nhưng vẫn có một ít người họ lại nghĩ cách khác. Họ cho rằng tiền bạc không làm nên hạnh phúc, mà đó chính là lòng yêu thương đồng loại, đó là sự sẻ chia. Họ lao mình vào những công việc mà nhiều người cho là khùng, là điên đó là nghề… thu nhặt hài nhi. Và sau rất nhiều trăn trở những con người này đã thành lập một nghĩa trang dành riêng cho hài nhi.
Sau khi thành lập nghĩa trang hài nhi, người dân Đồng Nai bàn tán xôn xao về sự kiện kỳ lạ này. Bởi thời buổi này, sống ở thành phố tấc đất tấc vàng, ngay giữa thành phố đắt đỏ của vùng Đông Nam Bộ mà xây nghĩa trang thì hết chuyện nói. Thế mà vẫn có người hiến đất cho xây nghĩa trang. Khi tới giáo xứ Tây Hải, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, quả không sai như người dân tả.
Trước mắt chúng tôi xuất hiện một phần đất rộng gần 100 mét vuông xây những ô nhỏ, bên trong cỏ mọc um tùm xen giữa những hàng ghế đá. Hỏi ra, chúng tôi biết rằng, đây là phần đất mà những người dân Đồng Nai hiến tặng để dành cho những sinh linh xấu số. Mô hình nghĩa trang hai bàn tay nằm cạnh nhau cũng chính là ý tưởng của linh mục Nguyễn Văn Tịch, 41 tuổi ở giáo xứ Tây Hải.
Linh mục Tịch chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi mới lên kế hoạch làm nghĩa trang cho những hài nhi nhưng vẫn lo lo, vì đã có nhiều nơi làm đã thất bại, chúng tôi thấy vậy cũng nghĩ không biết mình có làm nổi không, vì công việc này đòi hỏi phải có nhiều người hưởng ứng, chúng tôi muốn làm nó thật ý nghĩa, coi các em như là những người thân thích, ruột thịt.
Sau khi có kế hoạch, đã có nhiều người dân đến gửi lại những hài nhi sau khi lỡ bỏ con mình. Họ kể cho chúng tôi về những hoàn cảnh éo le khi phải dứt bỏ đứa con. Hình nghĩa trang được xây những ngón tay cũng cho biết rằng các em về được nghĩa trang chính là nhờ những bàn tay chăm chút từ những cô chú trong giáo dân, và nó có ý nghĩa đặc biệt nữa là các em luôn có bàn tay của Chúa che chở, mặc cho các em bị cha mẹ bỏ rơi”.
Không chờ đợi người dân đến gửi hài nhi mà hằng ngày, linh mục Tịch đến trực tiếp những phòng khám tư để xin bác sĩ những xác hài nhi rồi đựng vào những lọ thủy tinh cất vào trong tủ đá, chờ cuối tháng sẽ làm lễ cho các em về nơi chín suối. Mỗi tháng có khoảng gần 200 hài nhi được làm lễ thánh.
Nói về việc đối tượng được làm lễ thánh thai nhi, linh mục Tịch cho biết: “Chúng tôi không phân biệt người có đạo hay không có đạo, người giàu hay người nghèo, chúng tôi nhặt những hài nhi này về để tìm cho các em một nơi yên nghỉ ấm cúng, suy cho cùng các em tuy chưa hình thành người nhưng cũng chính là những sinh linh bé nhỏ. Chỉ vì kém may mắn nên cha mẹ các em phải dứt bỏ vì cuộc sống quá khó khăn.
Đến hẹn lại lên, cứ chủ nhật cuối tháng là chúng tôi làm lễ thánh cho thai nhi. Tại đây, chúng tôi cầu nguyện cho các em như những linh hồn người. Sau màn làm lễ, chúng tôi sẽ cho những người nhận các em là cha là mẹ. Khoảng 4 giờ chiều là những bậc cha mẹ này sẽ cầm trên tay một hài nhi cùng ngọn nến đưa ra nghĩa trang. Nói chung, lễ thánh chúng tôi làm rất trang nghiêm, có chứng kiến tận mắt mới thấy được rằng cảnh tượng rất thương tâm khi các sinh linh bé nhỏ rời nhà thờ để về thế giới bên kia”.
Những việc làm này được linh mục Tịch cho là có ý nghĩa: “Thứ nhất tạo cho các em một nơi an nghỉ ấm áp, dù sao các em cũng là sinh linh bé nhỏ kém may mắn. Thứ hai là tạo điều kiện để chia sẻ với những bậc sinh thành rằng hãy an tâm vì con họ đã có một chốn bình yên. Và cuối cùng, chúng tôi muốn nhắn nhủ với lớp trẻ rằng hãy xây dựng tình yêu bền vững, sống có ích cho bản thân và xã hội. Nhất là phải có ý thức được rằng phải có trách nhiệm chính tình yêu của mình, không được bỏ thai để rồi sau này phải hối hận. Thực tế đã có nhiều bạn trẻ tâm sự cho chúng tôi biết chuyện vong trẻ con theo, từ đó tâm lý họ bất ổn… Việc làm của chúng tôi cũng chính là xoa dịu bớt những chấn thương tâm lý cho họ sau khi bỏ thai”.
Nơi sự sống được nâng niu
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng chính những con người giản dị lại làm được những việc làm hết sức ý nghĩa. Anh Vinh năm nay 48 tuổi là giáo dân trong khu vực phường Hố Nai cho biết, những người không hiểu và cảm thông thì cho rằng những người bỏ thai là do lối sống sa đọa, ăn chơi quá nên mới vậy chứ những người có trách nhiệm làm cha làm mẹ thì họ không nỡ bỏ con mình. Nhưng theo anh Vinh, mình có chịu tâm sự chia sẻ về những hoàn cảnh khác nhau mình mới thấy mỗi người lại có mỗi hoàn cảnh rất thương tâm.
Anh kể: “Công việc của tôi là cùng cha Tịch đến những phòng khám nhặt hài nhi, tôi từng chứng kiến một trường hợp hết sức hi hữu. Cô gái tên H. là công nhân công ty trên thành phố Biên Hòa, từng yêu nhau say đắm với anh chàng họ Sở, thế rồi khi lỡ có thai, anh chàng kia biến mất. Cô biết mình không thể nuôi con một mình trong khi đồng lương ít ỏi, người ốm yếu lại phải gửi tiền về quê nuôi mẹ già, đành chọn giải pháp bỏ thai sau nhiều ngày khóc lóc thảm thiết, bởi không còn sự lựa chọn nào khác.
Ban đầu cô tính sẽ đẻ con nhưng lại sợ mang tiếng ở quê, hơn nữa tiền lương ba cọc ba đồng lại nuôi mẹ, nếu có bầu rồi nghỉ làm thì ai nuôi mẹ đây. Ba mất sớm cô được mẹ nuôi từ nhỏ, nay cô chưa làm gì cho mẹ ai lại đi bỏ mẹ được. Thế là quyết định cuối cùng cô đành bỏ con. Tôi thấy nhiều người bế tắc lắm. Nếu chịu lắng nghe và hiểu họ, lúc này mình mới có động lực giúp đỡ người khác”.
Bên cạnh nghĩa trang hài nhi là một dãy nhà cấp 4 khang trang sạch sẽ, hay còn gọi nhà tạm lánh, do những giáo dân ở đây tài trợ. Nơi đây được những bà mẹ đơn thân gọi là thiên đường cho mình để nghỉ ngơi và dưỡng sanh. Tại đâu, những bà mẹ không nơi nương tựa sẽ được ở lại sống và nuôi em bé.
Chị Canh, 19 tuổi, người mang bầu 8 tháng chuẩn bị thời kỳ sinh em bé cho biết: “Nơi đây, em được mọi người coi như người thân thích ruột thịt. Em từng có một mối tình đẹp, trong một lần đi chơi, em đã không kiềm chế được bản thân dẫn tới có bầu. Về nhà, ba mẹ la rầy, rồi họ sợ xấu hổ vì con không chồng mà chửa, em xin vào tạm lánh ở đây chờ sinh em bé xong rồi kiếm việc làm nuôi con.
Còn anh ấy biết tin em có bầu liền bỏ đi biền biệt. Em buồn và khóc nhiều lắm khi đã trao thân gửi phận vào nhầm người. Giờ hối hận thì đã muộn màng. Ban đầu em định bỏ thai, nhưng làm vậy em thấy tàn nhẫn lắm. Đang lang thang đi xin việc làm thì một chị người quen gặp và chỉ cho em chỗ này. Vào đây em được ở miễn phí. Còn việc làm thì em và các chị ở đây nhận nhặt hành, bóc hành thuê để có chút tiền trang trải. Âu cùng là số em còn may mắn được có cơ hội sinh con”.
Chị Căn, 49 tuổi, một thành viên chủ chốt của nhóm người thiện nguyện nhặt hài nhi và quản lý nhà tạm lánh cho hay: “Trước đây nhiều người phản đối, họ sợ chúng tôi làm không khả thi, còn bây giờ việc làm này đã được nhiều người ủng hộ, chính quyền địa phương cũng đồng thuận và thừa nhận một việc làm tốt. Nhiều chị em phụ nữ họ kém may mắn nên mình cần phải giúp đỡ họ.
Hồi đầu, tôi tham gia làm việc này người nhà tôi phản đối nhiều lắm, nhưng tôi đã giải thích nhiều lần cho người nhà nghe họ thông cảm cho tôi. Làm việc này ngốn nhiều thời gian lắm, ai gọi điện cho tôi ở đâu có hài nhi là tôi chạy đến nhặt về ngay. Những lúc đầu tôi lúng túng lắm, vì vừa là người mẹ người vợ lo việc tề gia nội trợ trong gia đình đã nản lắm rồi, kèm theo đó lại buôn bán ở tiệm tạp hóa nữa thì vất vả hơn nhiều”.
Do nhận làm công việc nhặt hài nhi, quản lý nhà tạm lánh rất căng thẳng nên ban đầu, chị Căn tính nghỉ việc này đi để dành thời gian cho gia đình vì ai cũng nói làm việc này không được gì lại cực khổ, lại bị cho là khùng điên. Nhưng rồi làm quen việc chị Căn lại không nỡ bỏ.
Từ khi Nghĩa trang Bàn tay này thành lập, đến nay có khoảng 6.000 hài nhi được chôn xuống đầy trong khuôn viên. Chị Nguyễn Thu Cúc, người đến viếng mộ các em, tâm sự: “Thấy các em có chốn an nghỉ, chúng tôi cũng thầm chúc các em ở thế giới bên kia được bình an. Cứ chủ nhật cuối tháng, chúng tôi đến tham gia lễ thánh thai nhi và đưa các em về. Thật ý nghĩa khi chúng ta biết chia sẻ cùng những mảnh đời kém may mắn”.
Pháp luật & Cuộc sống
|