Thánh trộm lành Dismas

Có lẽ ít người biết ngày 25-3 là lễ Thánh Dismas (cũng viết là Dimas), trùng với lễ Truyền Tin.Thánh Dismas là ai? Đó là tướng cướp cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu trên Đồi Sọ, người được nhắc tới trong Phúc Âm theo Thánh Luca, và là người đã xin Chúa Giêsu nhớ đến mình khi Ngài về Nước của Ngài (Thiên đàng), trái ngược với tên trộm cùng bị đóng đinh nhưng không ăn năn sám hối, tên này lại còn cả gan thách thức Chúa Giêsu nữa. Gọi là tên trộm cho “dễ nghe” thôi, thật ra phải nói là tên cướp mới đúng.

Thánh trộm lành Dismas

Có hai người cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, một bên phải và một bên trái (Mt 27:38, Mc 15:27-28, 32, Lc 23:33, Ga 19:18), điều mà Thánh sử Mác-cô nói là ứng nghiệm lời của ngôn sứ Isaia (Is 53:12). Theo Thánh sử Mát-thêu và Mác-cô, cả hai tên trộm đều mỉa mai Chúa Giêsu (Mt 27:44, Mc 15:32).

Tuy nhiên, Thánh sử Luca cho biết rõ: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: ‘Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!’. Nhưng tên kia mắng nó: ‘Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!’. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: ‘Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!’. Và Người nói với anh ta: ‘Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:39-43). Chắc hẳn không ai sướng như tử tội này.

Thánh Augustinô không nói tên người trộm lành, nhưng cho rằng có thể người trộm lành đã được rửa tội vào một lúc nào đó. Theo truyền thống, người trộm lành bị đóng đinh trên cây thập tự ở bên tay phải của Chúa Giêsu, còn người kia ở bên tay trái. Vì thế, sự miêu tả về cuộc đóng đinh thường cho thấy đầu Chúa Giêsu ngả sang bên phải, cho thấy Ngài chấp nhận người trộm lành. Theo Giáo hội Chính thống Nga, thập tự thường được làm bằng ba thanh gỗ: thanh bên trên ghi “bảng chữ” (titulus), đó là tấm bảng ghi chữ mà chính quan Phong-xi-ô Phi-la-tô đã viết và cho lính đóng phía trên đầu của Chúa Giêsu; thanh ngang dài hơn để đóng hai tay của Chúa Giêsu; và thanh bên dưới để đóng chân của Chúa Giêsu.

Theo Thánh Gioan Chrysostom, người trộm lành ở trong hoang địa để cướp của và giết người nên mới đáng tử hình trên thập tự. Theo Thánh GH Grêgôriô Cả, người trộm lành đã phạm tội máu, ngay cả máu của người anh em.

Sự trở lại của người trộm lành được dùng làm gương sáng về khoảnh khắc sám hối cần thiết để được hưởng ơn cứu độ qua Đức Kitô: nhận biết tội mình, ăn năn sám hối, chấp nhận Đức Kitô và hưởng sự sống đời đời. Hơn nữa, có sự tranh luận rằng Phép Rửa không cần thiết để được cứu độ vì người trộm lành đã không có cơ hội lãnh bí tích Thánh Tẩy. Tuy nhiên, người trộm lành đã được “rửa tội bằng máu”. Và ngày nay, chúng ta có thể gọi người trộm lành là Thánh Trộm Lành.

Chỉ có Phúc Âm theo Thánh Luca mô tả một trong hai tên trộm sám hối, nhưng không hề nói tên gì. Về sau, người trộm lành vô danh đó được gọi là Dismas trong Phúc Âm theo Ni-cô-đê-mô (Gospel of Nicodemus), có từ thế kỷ IV. Tên gọi Dismas được phỏng theo âm của tiếng Hy-lạp, nghĩa là “hoàng hôn” hoặc “sự chết”. Tên của người trộm dữ là Gestas. Trong cuốn “Cuộc đời Người Trộm Lành” (Life of the Good Thief – Histoire Du Bon Larron, bản tiếng Pháp xuất bản năm 1868, bản tiếng Anh xuất bản năm 1882), của tác giả Jean Joseph Gaume. 

Thánh Augustinô nói rằng tên trộm này đã nói với Chúa Giêsu: “Ôi người con phúc lành nhất trong các người con, nếu có thời gian khi tôi nài xin lòng thương xót của Ngài, xin nhớ đến tôi và đừng quên những gì đã qua hôm nay”. Chân phước Anne Catherine Emmerich đã thấy Thánh Gia “mệt mỏi và không ai giúp đỡ”. Theo Thánh Augustinô và Thánh Phêrô Đamianô, Thánh Gia đã gặp mặt Dismas trong các trường hợp đó.

Ngụy kinh Arabic Infancy Gospel gọi hai tên trộm là Titus và Dumachus, rồi kể chuyện về cách Titus (tên trộm lành) đã ngăn cản các tên trộm khác không cướp Đức Maria và Đức Giuse trên đường trốn sang Ai-cập. Theo truyền thống Chính thống Nga, tên của người trộm lành là “Rakh” (tiếng Nga, nghĩa là Рах).

Sách Các Vị Tử Đạo của Rôma có nói tới tên trộm lành ở Giêrusalem, người này đã thú tội với Chúa Giêsu trên Thập giá nên xứng đáng được nghe Ngài xác nhận: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43).

Một số thành phố đã lấy tên người trộm lành, như TP San Dimas (Thánh Dimas) ở California (Hoa Kỳ). Cũng có những nhà thờ cũng dùng tên người trộm lành: Nhà thờ Người Trộm Lành ở Kingston (Ontario, Canada), Nhà thờ Thánh Dismas (Saint Dismas Church) ở Waukegan, Illinois, và Nhà thờ Thánh Trộm Lành Dimas (St. Dimas the Good Thief) ở Dannemora (New York, Hoa Kỳ).

TRẦM THIÊN THU

http://conggiao.info/news/388/21631/thanh-trom-lanh-dismas.aspx