Óc sáng kiến và Lòng vâng phục của Kitô hữu trong Giáo Hội

Tôi có sáng kiến nào để sống ơn gọi của người Kitô hữu hôm nay, trong xã hội này? công việc phục vụ nào tôi nhận thấy thiết thực cho cộng đoàn tôi đang có mặt? Tôi đã bắt tay vào việc chưa? Hay vẫn chờ đợi người khác làm? Tôi có cảm thấy tôi tự do để dấn thân phục vụ Giáo Hội, phụng sự Chúa, hoặc tôi cảm thấy bị điều kiện hóa bởi nhiều áp lực (bên ngoài cũng như bên trong tôi)? Áp lực nào? Nếu tự do thì nhờ đâu?

Óc sáng kiến và Lòng vâng phục của Kitô hữu trong Giáo Hội

[VỀ QUY TẮC PHẢI THEO ĐỂ ĐƯỢC CẢM NGHĨ CHÂN CHÍNH TRONG GIÁO HỘI CHIẾN ĐẤU (LINH THAO 352-370).

KitoHuu.jpg  

 

Người Kitô hữu phải tham gia phục vụ Đức Kitô bằng sáng kiến cũng như bằng thái độ tuỳ thuộc của mình. Tất cả mọi khả năng phải dâng hiến cho Chúa. Người Kitô hữu phải có óc sáng kiến. Nơi nào mà người Kitô hữu không nghiêm chỉnh tuân giữ bổn phận này, nơi ấy không có tinh thần công giáo. Sáng kiến là một yếu tố thông thường tối cần thiết cho đời sống Giáo Hội. Thiếu sáng kiến sẽ khiến cho một chức năng của Nhiệm Thể không được bảo đảm và cho dù lãnh đạo có cẩn mật, có can đảm quyết định đến mức nào cũng không thể hoàn toàn thay thế được sáng kiến. Không muốn tuân phục những quyết định và phán quyết của hàng giáo phẩm, chắc chắn là có lỗi. Nhưng không dám có sáng kiến trong công việc Giáo Hội, mặc dầu được Thiên Chúa ban cho những ân huệ để có khả năng hoàn thành những công việc ấy, cũng có lỗi. Lỗi sau chắc chắn ít lộ liễu hơn, khó xác định vi phạm hơn (nếu có thể nói như vậy) so với lỗi trước. Tuy nhiên, vì lười biếng, thiếu can đảm, sợ trách nhiệm, sợ gặp rủi ro trong hành động, hoặc vì một lý do tương tự, thái độ cầu an của những kẻ luôn luôn phải có chỉ thị thực sự của lãnh đạo mới chịu nhúc nhích, không phải là thái độ của người Kitô hữu. Đó là lỗi nặng. 

Tuy vậy, vì lẽ không bao giờ được làm gì ngược ý muốn của hàng giáo phẩm, nên điều cốt yếu là phải có tinh thần vâng phục sâu rộng vững chắc đối với Giáo Hội. Thiếu tinh thần ấy, ham thích sáng kiến (yếu tố cần thiet cho hành động) sẽ mau chóng đưa đến nổi loạn. Kẻ dám có sáng kiến, nếu bị yêu cầu bỏ dở việc đang làm với tất cả lòng hăng say, kẻ ấy khó vâng phục hơn kẻ dửng dưng, chờ lệnh tiến hành với một thái độ thiếu sinh động. Làm sao người ta có thể không gắn bó với công việc khi nó đòi hỏi biết bao cố gắng? Càng có ý ngay lành, càng tin tưởng rằng hoạt động của mình đem lợi ích đến cho Nước Trời, làm sao không gắn bó thiết tha hơn nữa với công việc? Phải nhìn nhận mình sai lầm, hoặc dễ hơn nhìn nhận mình thất bại, luôn luôn là một việc rất khổ tâm, vì lời phủ nhận của lãnh đạo mình tưởng phục vụ đắc lực, nó đem lại một chút nhục nhã chua chát nào đó.

Người có óc sáng kiến táo bạo chẳng thể tránh gặp đối lập, không phải bao giờ phe đối lập cũng bất vụ lợi, đôi khi còn tỏ ra đắc chí cách khiếm nhã. Có can đảm tiến lên thì phải sẳn sàng đương đầu với những thử thách gay go về phương diện vâng phục. Và trong mọi phạm vi, không những phải chống trả chước cám dỗ xui dục nổi loạn, mà còn phải khép mình quy phục, không một chút cay đắng. Bởi lẽ miễn cưỡng quy phục làm nẩy sinh một chứng đầu độc nội tâm. Có thể khiến cả một cuộc đời nên cằn cỗi. Chỉ có những kẻ nào có một sức sống nội tâm cao mới có thể chịu đựng thử thách mà không sờn lòng. Dẫu sao Giáo Hội vẫn có những Kitô hữu nhiệt tâm hoat động trong mọi lãnh vực. Vì thế một bổn phận đặt ra cho tất cả Kitô hữu là phải thực hiện được tính cần thiết để có thể dốc sức thực hiện những sáng kiến táo bạo mà không e ngại, một Người nào đó, có thể làm thiệt hại cho đức vâng lời của mình.

Để suy nghĩ:

Tôi có sáng kiến nào để sống ơn gọi của người Kitô hữu hôm nay, trong xã hội này? công việc phục vụ nào tôi nhận thấy thiết thực cho cộng đoàn tôi đang có mặt? Tôi đã bắt tay vào việc chưa? Hay vẫn chờ đợi người khác làm?

Tôi có cảm thấy tôi tự do để dấn thân phục vụ Giáo Hội, phụng sự Chúa, hoặc tôi cảm thấy bị điều kiện hóa bởi nhiều áp lực (bên ngoài cũng như bên trong tôi)? Áp lực nào? Nếu tự do thì nhờ đâu?

Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ., dongten