CHIỀU KÍCH NHÂN HỌC CỦA LỜI KHẤN NGHÈO KHÓ
Tự nguyện sống khó nghèo để theo Chúa Kitô là một dấu chứng ngày nay rất được quý trọng. Vì thế, các tu sĩ hãy miệt mài trau dồi và nếu cần, hãy biểu lộ sự khó nghèo đó bằng những hình thức mới. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng tuy giàu có, đã trở nên thiếu thốn vì chúng ta để chúng ta được giàu sang nhờ sự khó nghèo của Người (2 Cr 8,9; Mt 8,20)[1]. Chúng ta cùng tìm hiểu lời khấn này dưới chiều kích nhân học
1. Lời khấn nghèo khó dựa trên ba cấp bậc đời sống tâm linh
1.1 Cấp bậc tâm - sinh lý. Cấp độ 1
Cấp độ một cho thấy con người là một hữu thể có thân xác, mang tính xã hội, có tinh thần, lý trí. Có thân xác nên con người cần vật chất để sống. Nhưng ngay cả ở cấp độ thể lý thì con người phải biết về số lượng và phẩm chất của vật chất giúp sống và tăng trưởng. Điểm trọng tâm là nhu cầu vật chất.
- Mục tiêu của cấp bậc này là sự tồn tại và phát triển trên bình diện thể lý. Của cải phải được sử dụng vì mục đích đó. Tuy nhiên, một khi của cải và sở hữu trở nên mục đích tự thân hay khi người ta tìm cách chiếm hữu vì sự an toàn (thực phẩm, đồ dùng, sự nghỉ ngơi…), và chỉ vì để sở hữu hơn là để tồn tại và phát triển, bấy giờ sự sở hữu bị lệch lạc. Lạm dụng trở thành xúc phạm và làm tổn thương trật tự hiện hữu.
- Nghèo khó liên quan đến việc sở hữu của cải, thời giờ, tài năng và quà tặng được ủy thác cho chúng ta.
- Động cơ tiềm ẩn là nhân tố quan trọng. Nếu chúng ta tự hào vì mình “nghèo hơn” và tốt hơn người khác (thái độ của người biệt phái), bấy giờ lời khấn nghèo khó trở thành một hình thức tự mãn hơn là phó thác trong Chúa Cha yêu thương.
- Lời khấn nghèo khó không được nội tâm hóa thể hiện qua những dấu hiệu sau đây:
Ø Tích trữ của cải
Ø Không sẵn sàng để cho người khác sử dụng
Ø Quá tự do trong việc sử dụng đồ đạc cộng đoàn
Ø Keo kiệt
Ø Giữ của dâng cúng
Ø Ham mê chiếm hữu đồ dùng
Ø Càu nhàu vì thiếu tiện nghi
- Việc nội tâm hóa lời khấn nghèo khó sẽ mang lại sự chữa lành. Nhờ đó chúng ta có thể vượt trên sự thúc bách của nhu cầu để tiến tới một người toàn diện. Chúng ta phải tự hỏi: Tại sao tôi sở hữu cái này? (động cơ); Tôi cần dùng nó như thế nào? (quân bình); Tôi sẽ sử dụng nó như thế nào? (mục tiêu).
1.2 Cấp bậc tâm lý - xã hội. Cấp độ 2
Cấp độ hai nói tới chiều kích xã hội của con người. Con người nhận thức họ không thể sống biệt lập với người khác. Để tồn tại và sống có ý nghĩa, giá trị của con người được xem là quan trọng hơn vật chất. Nghèo khó ở cấp độ này bao gồm không chỉ là chia sẻ của cải vật chất, nhưng còn chia sẻ điều chúng ta có (sự hiểu biết, thời gian, tài năng), điều chúng ta đang là (cuộc sống, các giá trị, thái độ...). Điều này nói lên một sự thật là không ai đầy đủ / trọn vẹn nơi chính mình cả. Tính chất trọn vẹn của chúng ta chỉ có thể được kinh nghiệm trong mối quan hệ với người khác.
- Mục tiêu của cấp bậc này là sự giao tiếp, tương tác, tương quan với người khác để cùng nhau phát triển.
- Sự chiếm hữu đi từ phạm vi sự vật sang phạm vi con người. Tôi quan tâm làm cho người khác hạnh phúc. Điều đó trở nên xấu khi sự quan tâm có tính chọn lọc và loại trừ. Bấy giờ sự nghèo khó có tính chất vụ lợi, tức là nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình, chứ không nhằm diễn tả giá trị mà ta đã tuyên khấn.
- Ta có nhận thấy người khác có giá trị cao cả bởi vì Đức Kitô hiện diện nơi họ không? Tôi có ghen tị với ai không? Tôi có đánh giá người khác chỉ vì tôi muốn được quan tâm, yêu thương, chấp nhận không?
- Trong cấp bậc này, chúng ta được mời gọi đừng chiếm hữu người khác, nhưng để cho họ tự do trong tình yêu.
- Trên cấp bậc này, nghèo khó là trải nghiệm sự cô đơn, một sự cô đơn sáng tạo khi hoàn cảnh đòi như thế.
1.3 Cấp bậc tinh thần - lý tính. Cấp độ 3
Cấp độ ba chú ý tới khía cạnh tinh thần của con người, khả năng ra khỏi chính mình, siêu vượt khỏi những gì vật chất, thỏa mãn trong tương quan xã hội để hình thành một giá trị, trở thành điểm quy chiếu của mọi quyết định chọn lựa. Ở đây chúng ta có thể thấy sự tác động lẫn nhau mạnh mẽ của ba cấp độ đời sống tâm linh. Mọi người đều muốn hành động và quyết định, không theo nhu cầu nhưng dựa trên giá trị của mình. Nghèo khó trở thành một thái độ nội tâm, một chứng nhân của những giá trị nội tâm chúng ta.
Cấp bậc này liên quan đến khả năng phán đoán, đánh giá, trừu tượng hóa, siêu việt và vượt trên chính mình. Vì thế, nhu cầu trong hai cấp bậc trên có thể được điều chỉnh và hòa nhập. Điều đó đòi hỏi chúng ta phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa: phó thác đời sống, thời giờ, khả năng, danh tiếng, địa vị và quyền lực để phụng sự Thiên Chúa và ngời khác trong tình yêu.
a. Không chiếm hữu đời sống cho mình
Tôi có quan tâm đến sức khỏe không? Nếu đau bệnh, tôi có làm những gì cần làm để phục hồi sức khỏe không? Nếu mang bệnh mãn tính, tôi có trao ban cho người khác và Thiên Chúa những giới hạn của thân xác như một biểu hiện của đức tin không?
Được sai đến một nơi không thích, tôi có đón nhận những sự bất an như một cách thức để đồng hóa với Đức Kitô không?
b. Không chiếm hữu thời giờ cho mình
Tôi sử dụng thời giờ như thế nào?
c. Không chiếm hữu tài năng cho mình
Tôi có sử dụng những khả năng Chúa ban để phụng sự Thiên Chúa và phụng vụ người khác trong tình yêu không?
d. Không chiếm hữu danh tiếng, địa vị và quyền lực cho mình
- Danh tiếng, địa vị và quyền lực củng cố lòng tự trọng chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta còn phải tách mình khỏi cái vẻ bên ngoài đó để nhận ra ý nghĩa siêu việt của mình, của người khác và của sự vật.
- Nếu chúng ta xác tín Thiên Chúa là trọng tâm của cuộc đời chúng ta, thì danh tiếng, địa vị và quyền lực không còn quan trọng nữa.
- Nếu chúng ta đối xử với nhau như những ngôi vị, như những người con yêu dấu của Thiên Chúa, bất kể địa vị hay chức quyền, chấp nhận những tài năng và những giới hạn của nhau với lòng biết ơn và niềm vui khiêm tốn, bấy giờ chúng ta không cần phải vận dụng mọi cách để tìm kiếm danh vọng, địa vị hay quyền lực nữa.
- Ngày nay, một số người thường bị thúc đẩy bởi động lực vô thức là xây dựng ý nghĩa đời sống mình dựa trên những thành tựu hay khả năng nghề nghiệp chứ không dựa trên đời sống tôn giáo. Đối với họ, hiêu năng thì quan trọng hơn hiệu lực và trung tín; sở hữu thì quan trọng hơn là chính cuộc sống.
- Một sự nghèo khó đích thật thì khiêm tốn tha thứ cho người khác vì họ cũng là những con người hữu hạn như chúng ta.
2. Nghèo khó là gì?
- Nghèo khó không phải là một khái niệm, một luật lệ mà chúng ta có thể phân tích, khảo sát và nghiên cứu ngoài bối cảnh của Tin Mừng. Nghèo khó là một quà tặng không thể hiểu thấu được: một thái độ xuất phát từ mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Sự nghèo khó do Thiên Chúa khởi xướng trước bằng cách trao ban chính mình cho chúng ta. Đón nhận quà tặng nghèo khó là để cho Thiên Chúa dẫn dắt và chiếm hữu chúng ta.
- Nghèo khó là dấu chứng của các giá trị nội tâm: đức tin, huy vọng và yêu thương đối với Đức Kitô. Nghèo khó là một thái độ nội tâm, tuôn trào từ một giá trị thâm sâu mà lời khấn chỉ là một dấu hiệu.
- Nghèo khó không chỉ là một hành vi liên quan đến các sự vật, nhưng liên quan đến Con Người và Ngôi Vị. Nó là một thái độ trong đời sống của những người tuân giữ các lời khấn, một dấu hiệu của sự phó tác nội tâm.
- Nghèo khó không phải là từ bỏ của cải vật chất, con người hay mối tương quan xã hội. Nó là một sự hòa nhập, một sự giải phóng và mặc khải.
Ø Hòa nhập các cấp bậc trong đời sống để tạo nên một trật tự các sự vật và con người, tùy theo ý nghĩa cốt yếu của chúng và của chúng ta.
Ø Giải phóng chúng ta khỏi những mối bận tâm quá mức về cơm ăn áo mặc và cả con người đặc biệt biệt quan trọng đối với chúng ta. Đó là một sự sẵn sàng, siêu thoát và từ bỏ trên mọi cấp bậc để bám rễ nơi Đức Kitô. Những hình thức từ bỏ bên ngoài biểu lộ một sự thúc đẩy cơ bản, một thái độ nội tâm trong việc từ bỏ bản thân.
Ø Mặc khải: nghèo khó biểu lộ một tình yêu siêu việt và quên mình như Thiên Chúa đề nghị.
3. Những tiêu chuẩn đánh giá tinh thần nghèo khó
3.1 Sự tương hợp
- Sự nghèo khó của tôi có ăn khớp với sự nghèo khó của Đức Kitô không?
- Việc đi theo Đức Kitô được quy định cụ thể trong Hiến Pháp và Giáo Huấn Giáo Hội. Tôi đáp lại những chỉ thị đó với tâm tình nào? Yêu mến, sợ hãi, tránh né?
- Sự nghèo khó của tôi có ăn khớp với tình trạng nghèo trong xã hội không? Của cải và sự từ bỏ của tôi có cho thấy sự đồng hóa với họ không? Tôi có cảm nhận và sự bất an của người túng thiếu không?
3.2 Con người tôi sống trên cấp bậc nào?
Trên bình diện tâm lý, chúng ta xem xét chúng ta đang thể hiện sự nghèo khó trên cấp bậc nào: cấp 1, 2 hay 3? Sự nghèo khó bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân hay một giá trị khách quan?
3.3 Tinh thần tôi đang đi theo tiến trình nào?
Sự nghèo khó của tôi bị thúc đẩy bởi khuynh hướng tùng phục nhằm làm vui lòng người khác, để khỏi bị chỉ trích và trừng phạt hay để được chấp nhận? Sự nghèo khó của tôi có được nội tâm hóa hay bị thúc đẩy bởi một sự đồng hóa phi nội tâm hóa? Tôi chọn sống nghèo vì bị thúc đẩy bởi sự xung đột các nhu cầu, để chiếm được phần thưởng hay vì giá trị nghèo khó là phương tiện để đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, bằng cách chấp nhận những sự bất an và giới hạn của thân phận thụ tạo?
3.4 Chức năng nào?
a. Vị lợi: Tôi cho để được cho lại, tôi từ bỏ của cải để được thán phục. Tôi không nhận của dâng cúng để khỏi bị chất vấn.
b. Tự vệ: Tôi cho đi và sống nghèo để xây dựng lòng tự trọng. Tôi muốn cảm thấy mình tốt hơn người khác.
c. Nhận thức: tôi muốn trở nên nghèo như người nghèo để hiểu thế nào là sự bất an và thất vọng.
d. Biểu lộ giá trị: nghèo khó là dấu hiệu cho thấy mối tương quan yêu thương sâu sắc với Con Yêu Dấu, một nỗ lực duy trì, nuôi dưỡng và mở rộng phó thác cho Đức Kitô.
3.5 Tôi đánh giá theo phương pháp nào?
a. Ước muốn cảm xúc: Tôi cho đi, từ bỏ hay sử dụng những gì tôi muốn, vì tôi thích làm như thế, sợ hãi, cảm thấy có tội, tự hào, bị thôi thúc hay được yêu thương?
b. Ước muốn lý tính: Tôi cho đi, từ bỏ, và sử dụng mọi thứ vì thánh ý Thiên Chúa hay là vì tình cảm chóng qua?
Tóm lại:
Nghèo khó không nhất thiết phải thể hiện ra bên ngoài bằng một nếp sống hoàn toàn giống nhau. Thái độ nội tâm là một sự từ bỏ cá vị và phải được biểu lộ ra bên ngoài bằng một lối sống tương thích. Do đó, thái độ đó có thể được diễn tả dưới nhiều hình thức khác nhau. Không có cách sống nào hoàn hảo, bởi lẽ nó chỉ là một phương tiện chứ không phải là cùng đích. Mặc dù lý tưởng nghèo khó là sự phó thác của Đức Kitô trong tay Chúa Cha, nhưng mỗi người có một cách thức diễn đạt thái độ nội tâm trong khuôn khổ những quy định của Hội Dòng.
Chúng ta không thể đề cập đến sự nghèo khó một cách riêng lẻ, mà phải đặt trong bối cảnh cộng đoàn, độc thân, vâng phục, thánh hiến cho Thiên Chúa, làm chứng và hoạt động tông đồ. Sự nghèo khó thấm nhuần các lời khấn khác, các hành vi tôn giáo và nhờ chúng mà trở nên trọn vẹn.
Phẩm chất của nghèo khó cũng là phẩm chất của vâng phục và khiết tịnh, bởi vì nghèo khó cũng liên quan đến việc từ bỏ và tự hiến trong việc sử dụng ý chí và dục vọng. Sự từ bỏ cũng đụng chạm đến cấp bậc tâm lý xã hội và tinh thần lý tính. Chúng ta từ bỏ của cải, con người và bản thân vì Thiên Chúa...
Sưu tầm