LỊCH SỬ MÙA CHAY THÁNH

Từ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông, thay đổi tuần hoàn luân vòng chuyển đổi. Niên lịch phụng vụ của Giáo hội Công Giáo cũng nằm trong chu kỳ ấy.Phụng vụ Giáo Hội cũng có bốn Mùa như: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh qua đi, Mùa Thường niên tiếp nối, chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh, cao điểm là Tuần Thánh và Đêm Vọng Phục Sinh.

LỊCH SỬ MÙA CHAY THÁNH

Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu?  Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay có ý nghĩa thế nào?  Mùa Chay đến rồi lại đi, chúng ta làm gì để Mùa Chay không trở nên nhàm chán và có ý nghĩa?

Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu?

Vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, để sống đạo và thực hành đạo, các kitô hữu tiên khởi đã quan sát những người chung quanh xem họ sống đạo và thực hành đạo thế nào, cụ thể như việc người Do Thái giữ ngày Sabát, hay lên Đền thờ cầu nguyện.  Tuy các Kitô hữu tiên khởi họp nhau thành một cộng đoàn tế tự, cử hành phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần theo một công thức tuyên xưng đức tin.  Nhưng khi cử hành các ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Năm Mươi, dù vẫn giữ nguyên những ngày lễ của người Do Thái  nhưng lại mặc cho các ngày lễ ấy một ý nghĩa mới, chẳng hạn: khi cử hành, họ không chỉ nhắc lại các biến cố Xuất Hành Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ.

Mãi đến thế kỷ thứ IV, trong Giáo hội mới nảy sinh những ý kiến khác nhau như: liệu có cử hành lễ Phục Sinh vào ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái không?  Tại các Giáo đoàn thuộc Tiểu Á, họ vẫn giữ nghi lễ chiên vượt qua.  Riêng Giáo đoàn Antiokia lại ấn định lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau lễ Vượt Qua của người Do Thái, trong khi đó, các kitô hữu tại Alexandria do các nhà chiêm tinh tính toán nên đã chuyển dời lễ Phục Sinh vào dịp phân xuân.

Cho dù có sự khác nhau về ngày cử hành các ngày lễ, nhưng lễ Phục Sinh vẫn là lễ chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, vì lễ Phục Sinh dựa trên nền tảng đức tin, trước lễ Phục Sinh, có một thời gian chuẩn bị tương đối dài gọi là Mùa Chay hay “40 ngày”, tưởng nhớ Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày.

Việc thực hành Mùa Chay đã có từ thời kì đầu Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm, mãi tới thế kỷ thứ II, thời thánh Irênê, giám mục thành Lyon, việc giữ chay ngắn hạn từ hai đến ba ngày, không ăn bất kỳ thức ăn nào mới được phổ biến.  Sang thế kỷ thứ III tại Alexandria, người ta kéo dài việc ăn chay ra hết một tuần.  Những dấu tích của Mùa Chay hay “40 ngày” được tìm thấy ở thế kỷ thứ IV, trong lễ qui của Công Đồng Nicêa.  Đây là thời gian chuẩn bị mừng lễ, nhưng ưu tiên vẫn là việc giúp các người dự tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa Tội và Đêm Vọng  Phục Sinh.

Cuối thế kỷ thứ IV, Giáo đoàn tại Giêrusalem bắt đầu giữ chay 40 ngày hay còn gọi là Mùa Chay 8 tuần, người ta ăn chay suốt thời gian này, trừ thứ Bẩy và Chúa Nhật.  Sang thế kỷ thứ V, tại Aicập người ta cũng giữ chay, tiếp đến là xứ Gôlơ, người ta ăn chay ngày thứ Bẩy và thứ Sáu trong Mùa Chay.  Trong khi giữ chay, các kitô hữu chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thức ăn gồm có bánh, rau và nước. Giữ nghiêm ngặt nhất là ngày Thứ Sáu và Thứ Bẩy Tuần Thánh, người ta không ăn một chút thức ăn nào. 

Giờ ăn chay được qui định tùy theo sự khác nhau của mỗi giáo đoàn.  Vì mùa chay gồm 6 tuần không thể tương ứng với 40 ngày được. Nên sang thế kỷ thứ VII, người ta đã lùi về trước Mùa Chay mấy ngày, cụ thể như bắt đầu từ ngày thứ Tư cho đến ngày thứ Bẩy tuần trước khi bước vào Mùa Chay, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày ăn chay.  Đồng thời, ba Chúa nhật trước Mùa chay, là gồm tóm thời gian chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, cách lễ Phục Sinh chín tuần.  Việc giữ chay ngày càng  đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như buộc chỉ ăn bữa tối. 

Nhưng đến thế kỷ thứ VIII, việc giữ chay được nới rộng ra, nghĩa là cho phép những người ốm đau bệnh tật được ăn trứng, bơ, sữa, cá và cả rượu nữa.  Sang thế kỷ XII và XIII, bữa ăn ngày chay được ấn định là trước giờ trưa 3 tiếng tức 9 chín giờ sáng, tiếp theo được ăn “bữa ăn nhẹ” vào buổi tối.  Sang thế kỷ XVII việc ăn chay giảm dần và Giáo hội cho phép được ăn cháo, sữa và cá nhỏ.  Trong ngày chay, tại các hoàng gia, nhà bếp thi nhau trổ tài làm ăn với những thực đơn sao cho dồi dào phong phú hơn ngày thường.

Một cảnh chợ cá ngày Thứ Tư Lễ Tro

Từ năm 1949, Giáo hội Công giáo qui định việc giữ chay và kiêng thịt là ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi.  Lý do vì hai ngày đó là ngày tưởng nhớ sự chết: ngày thứ tư lễ Tro, linh mục chính thức làm phép tro được đốt từ những cành lá đã làm phép vào ngày Lễ Lá năm trước rồi vẽ hình thánh giá trên trán người nhận tro và nhắc lại rằng "ngươi là tro bụi, và người sẽ trở về tro bụi", nhắc lại cái chết của mỗi người chúng ta, tiếp đến, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá.

Trong phụng vụ của Giáo hội Chính Thống, thời gian chuẩn bị bước vào Mùa Chay kéo dài năm tuần liền, mỗi tuần đọc một đoạn Tim Mừng riêng, với cách thức sám hối sâu xa.  Tuần thứ bốn, được ấn định là ngày kiêng thịt và ăn chay trong toàn Giáo hội.  Chúa nhật thứ năm được gọi là Chúa nhật Hòa giải, mỗi người hòa giải với người bên cạnh trước khi toàn thể cộng đoàn xin lỗi Chúa.

Cảm tưởng chung là một bầu không khí “vui và buồn”.  Mỗi tín hữu, với sự hiểu biết có giới hạn và khác nhau về phụng vụ, nên khi bước vào nhà thờ với các kinh nguyện của Mùa Chay, mỗi người mỗi cảm tưởng khác nhau.  Một phần vì những lời kinh tiếng hát mang đậm nét buồn, màu áo tím, những bài đọc dài hơn, đơn điệu hơn ngày thường, và hầu như không có nét vui tươi.  Một nét đẹp nội tâm rực sáng, tựa như ánh sáng ban mai chiếu rọi từ thung lũng tối tăm lên tận đỉnh cao của núi đồi.

Niềm vui âm thầm, êm dịu và toàn bộ các bài Sách thánh trong Mùa Chay nghe thật đơn điệu cho thấy sự bình an đã dẫn đưa người ta tới những điệp ca hòa tấu Allêluia trong Đêm Vọng Phục Sinh.

Chúa nhật lễ Lá là thời gian không còn dành riêng cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn nữa, bước vào một Tuần Thánh, với những bài đọc nhắc lại những ngày sau hết của Chúa Kitô trên trần gian và sự Phục Sinh của Ngài.

Tại sao lại gọi là 40 ngày chay thánh?

Từ “Mùa Chay” là một từ tương phản với từ gốc latinh là “quadragesima” có nghĩa là 40.  Trong Kinh thánh, con số 40 có ý diễn tả một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa.  Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Đất hứa của Dân Do Thái kéo dài 40 năm.  Ông Môisen đã ở trên núi Chúa 40 ngày (x. Xh 24, 18; 34,28).  Những người trinh sát đã ở trong vùng đấy 40 ngày (x. Ds 13, 25).  Elia đã đi 40 ngày trước khi tới được hang ở đó Ngài được thị kiến (x. 1V 19, 8).  Ninivê đã được cho 40 ngày để sám hối (x. Gn 3, 4).  Và quan trọng nhất là Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (x. Mt 4,2).

Như vậy Mùa Chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Do Thái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu.  Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa.  Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuân tiện thích hợp cho các kitô hữu noi gương Đức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em.  Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Mùa chay mang lại cho chúng ta điều gì?

Phần lớn người Kitô hữu không thực hành việc ăn chay, nguyện ngắm, nên Mùa Chay không có ảnh hưởng tới đời sống của họ là bao?  Khi nói về Mùa Chay, người ta thường hiểu một cách không tích cực lắm.  Đại đa số dân chúng cho rằng trong Mùa Chay việc kiêng ăn, kiêng uống  giữ chay chiếm vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là đại đa số người Kitô hữu không thực hành đạo trong đời sống nhưng họ vẫn đến nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro.  Đây là một nghi thức giầu tính biểu tượng, nó tác động đến tận đáy lòng con người, nhắc nhớ người ta suy nghĩ về thân phận của mình khi nhận tro và mời gọi con người trở về với Chúa.  Vì nhiều khi con người quên đi thân phận yếu hèn, mỏng giòn của mình, dẫn đến đau thương và đổ vỡ.  Bi kịch cuộc đời con người đều từ đó mà ra.  Con người phạm tội, tội cắt đứt sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, làm cho con người mất đi hạnh phúc, phải đau khổ và phải chết. Chuyện sa ngã của Nguyên tổ đã chứng minh điều đó. 

Lịch sử cứ độ của Dân Chúa, tội thì Chúa phạt, hối cải thì Chúa tha và cứu.  Nên mỗi khi lâm vào hoàn cảnh bi đát đau thương hay thất vọng, Dân Chúa đều nhận ra rằng cần phải sám hối trở về giao hòa với Thiên Chúa để được chữa lành. Mùa Chay là mùa sám hỗi, chúng ta hãy ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa, hầu được Chúa ban ơn.

Trong đời sống người kitô hữu, nhiều khi lắng nghe lời Chúa xong, chúng ta đã có quyết tâm đi xưng tội, làm việc đền tội, nhưng rồi kết quả không mấy khả quan, thì Mùa Chay là cơ hội rất thuận lợi.  Thư thánh Phaolô nói với chúng ta: "Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ" (2 Cr 6,2).  Đây là thời gian khẩn trương trong năm phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu Nhiệm Phục Sinh.  Vậy chúng ta hãy tin tưởng điều đó và bước vào Mùa Chay Thánh.

LM Antôn Nguyễn Văn Độ

http://tonggiaophanhanoi.org